Thư viện

24/9/17

Nàng Kiều Ở Lầu Ngưng Bích





             Nàng Kiều - Ở Lầu Ngưng Bích

     Gia đình Nàng Kiều gặp tai biến... Nàng Kiều phải bán mình để lấy tiền chuộc cha... Mã Giám Sinh mua nàng trên danh nghĩa vợ chồng, nhưng thực chất là đem nàng về cho mụ vợ hờ của gã là mụ Tú, hòng bắt ép nàng làm gái thanh lâu. Nhà thơ Nguyễn Du tả việc cô Kiều thất thân với họ Mã bằng hai câu thơ thanh nhã và cũng đầy luyến thương cho một kiếp hồng nhan đa truân !

     Tiếc thay một đóa trà mi
     Con ong đã mở đường đi lối về [c 845 -846]
     [Có bản tỏ]

    Lần đầu tiên Nàng Kiều phải xa cha mẹ trong một hoàn cảnh bị bán... Tấm thân trinh bạch đã bị hoen ố, Nàng Kiều lên ngựa theo họ Mã đi về Lâm Truy đường xa cả tháng trời. Vậy muốn hiểu tâm trạng của Nàng Kiều khi ở Lầu Ngưng Bích... Chúng ta hãy đọc hết mười câu thơ Nguyễn Du tả nỗi lòng của Nàng Kiều sau đây:

     Trông vời, giọt lệ, phân tay,
     Góc trời thăm-thẳm, ngày ngày đăm-đăm.
     Nàng thì dặm khách xa-xăm,
     Bạc lau cầu giá, đen rầm ngàn mây.
     vi-lô san-sát hơi may
     Một trời thu để riêng ai một người.
     Dặm khuya ngất lạnh, mù khơi,
     Thấy trăng mà thẹn những lời non sông!
     Rừng thu từng biếc chen hồng,
     Nghe chim như nhắc tấm lòng thần-hôn.

     Cảnh thiên nhiên trong suốt cuộc hành trình ngày đêm vất vả đi về nơi đất khách quê người, lòng Nàng Kiều tan nát,  không biết tương lai của mình rồi đây sẽ ra sao. Đúng lý ra ngoại cảnh thiên nhiên rất là xinh đẹp nhưng lúc nầy đây -chính ngoại cảnh đã chia sẻ nỗi buồn đau cùng với Nàng Kiều. Tuyết rơi trắng bên cầu lạnh buốt. Mây mù đen rầm rập kín núi đồi. Lau lách hai bên đàng xào xạc, đung đưa trước gió lạnh rừng hoang. Cảnh vật cũng tang thương theo từng bước chân của Nàng Kiều, cớ làm sao nỡ để cho một thân gái chịu nỗi cô đơn buồn tủi như vậy? Mỗi đêm nhìn vùng trời xa vắng, bốn bề mênh mông, bóng trăng lạnh giá. Nàng Kiều cảm thấy có lỗi và hổ thẹn với chàng Kim Trọng. "Bẽ bàng mây sớm đèn khuya. Nửa tình, nửa cảnh như chia tấm lòng". Rừng thu xanh biên biếc giờ đã chuyển sang màu hồng. Từng đàn chim rủ nhau bay về tổ gợi nỗi nhớ cha, nhớ mẹ khôn nguôi.

     Mụ Tú khi biết gã Mã Giám Sinh đã lấy đi sự trong trắng của Nàng Kiều, máu ghen nổi lên bà ta đánh đập Nàng Kiều thật tàn nhẫn, bắt ép Nàng Kiều phải tiếp khách.  Nàng Kiều chịu không thấu phải tự tử nhung được cứu. Mụ Tú đưa Nàng ra ở trên Lầu Ngưng Bích để dưỡng sức và tìm cách phủ dụ Nàng Kiều tiếp khách hòng lấy lại vốn liếng...  Nàng ở nơi Lầu Ngưng Bích cũng không khác gì cảnh giam lỏng. Nàng Kiều cảm thấy cô đơn, hờn cho duyên số của mình. Nàng Kiều nhìn phong cảnh chung quanh lầu:

     Buồn trông của bể chiều hôm,  [có bản = gần hôm]
     Thuyền ai thấp thoáng cánh buồn xa xa?
     Buồn trông ngọn nước mới sa,
     Hoa trôi man- mác biết là về đâu?
     Buồn trông nội cỏ rầu-rầu,
     Chưn mây mặt đất một màu xanh xanh.
     Buồn trông gió cuốn mặt duềnh,
     Ầm-ầm tiếng sóng kêu quanh ghế ngồi.

     Nàng Kiều lưu lạc nơi đất khách dĩ nhiên không thể... Vui Trông được mà phải Buồn Trông. Thi sĩ Nguyễn Du có cái hay là cho Nàng Kiều bốn lần buồn trông. Tại sao không là: 1 - 2 - 3... lần Buồn trông? Nguyễn Du tính theo phương hướng địa lý gồm: Đông - Tây - Nam - Bắc. Nguyễn Du cho Nàng Kiều nhìn ra bốn hướng - hướng nào cũng "Buồn trông" chứ không có hướng nào để thoát... ! [Lâu nay có mấy ai nghĩ ra chỗ thâm sâu của thi sĩ ?].

Câu 1 - Buồn trông cửa bể chiều hôm,

     Nàng Kiều đứng trên Lầu Ngưng Bích nhìn ra cửa bể. Thật ra là cửa sông. Ánh hoàng hôn rọi xuống mặt nước tạo một khung trời nửa mờ ảo, nửa sáng yếu ớt rồi dần dần chuyển sang màu sậm tối . Nàng Kiều nhìn cảnh nầy mà ruột gan rối như tơ vò...!

      Nguyễn Du cho Nàng Kiều hai câu hỏi: [câu hỏi thứ nhất]

Câu 2 - Thuyền ai thấp-thoáng cánh buồm xa xa?
    
     Nàng Kiều sau những tận đòn ghen và ép Nàng Kiều tiếp khách của mụ Tú, nàng vô cùng tủi nhục , Nghĩ thân phận trong những ngày tháng tới rồi sẽ ra sao đây...? Sống ở Lầu Ngưng Bích có khác chi là nơi giam cầm. Nàng Kiều nhìn cánh buồn rồi tự hỏi "Thuyền ai...?". Nàng dư biết là không biết thuyền của ai. Đây là tâm lý chung của người bị đẩy tới chân tường. Sự cầu sinh lúc đó là xin Trời Phật cứu giúp. Nàng Kiều cũng không ngoại lệ. Và lúc đó Nàng thấy con thuyền và Nàng  tự hỏi và ao ước rằng - nếu được chiếc thuyền kia tới cứu thì Nàng sẽ được trở về nhà...!

Câu 3 - Buồn trông ngọn nước mới sa
    
     Nàng Kiều nhìn ngọn nước mới sa mà buồn cho số phận của Nàng. Nàng cũng mới sa cơ thất thế hơn tháng nay với biết bao ê chề tủi nhục. Câu thơ nầy gơi lên sự Liên Tưởng đối với tình cảnh Nàng Kiều hiện giờ.

Câu 4 -  Hoa trôi man mác, biết là về đâu? [câu hỏi thứ 2]

     Con nước từ dòng sông đổ ra biển mang theo những cánh hoa tản mác về nơi vô định mà liên tưởng tới cuộc đời của Nàng Kiều . Nàng Kiều cũng đâu có khác gì hoa trôi theo con nước; rồi ra sẽ biết trôi dạt về tay ai. càng nghĩ Nàng Kiều càng lo lắng.

Câu 5 - Buồn trông nội cỏ rầu-rầu

     Nàng Kiều nhìn ra bể, ra sông, lòng đã thấy buồn chán. Nàng Kiều quay mặt nhìn vô cánh đồng lại càng thấy buồn hơn. Nội cỏ liên tưởng tới nội tâm luôn bất an của người con gái bơ vơ nơi đất khách.

Câu 6 - Chân mây mặt đất một màu xanh xanh. [có bản chưn]

     Trời chiều đã sẫm tối nơi chân mây xa vời vợi và cỏ cây mặt đất quyện vô tạo thành một màu xanh xanh. Lúc nầy Nàng Kiều không thể thấy con thuyền đi về phương trời nào; cũng không nhìn thấy phương hướng nơi cha mẹ Nàng đang ở.

Câu 7 - Buồn trông gió cuốn mặt duềnh,

     Trời đã sẫm tối, lúc nầy Nàng kiều chỉ còn nghe tiếng gió rì rầm trên mặt duềnh. Gió cuốn mang theo hơi lạnh của trời đêm. Trong lòng Nàng đã lạnh lại càng lạnh hơn.

Câu 8 - Ầm-ầm tiếng sóng kêu quanh ghế ngồi.

     Nàng Kiều ở trên Lầu Ngưng Bích thì làm gì có sóng kêu quanh ghế ngồi. Đây chẳng qua là nỗi nhớ thương cho thân phận và nỗi nhớ cha mẹ . Nàng liên tưởng như có từng cơn sóng vỗ ầm ầm quanh nơi nàng ngồi. Nàng nhìn ra ngoài trời, màn đêm sắp bủa vây, phủ chụp xuống đời nàng hiện giờ.

    Đây là bài phân tích tâm trạng đau thương của Nàng Kiều ở Lầu Ngưng Bích. Đoạn thơ nầy Thi sĩ Nguyễn Du vừa tả cảnh vừa tả tình. Tình ở đây là cuộc đời của nàng Thúy Kiều vì cha mà phải bán mình, Nàng không ngờ trong những ngày nơi xứ lạ nàng phải chịu thảm cảnh đọa đày tới nỗi Nàng Kiều phải thốt lên một cách ai oán:
     "Thân lươn bao quản lấm đầu
        Chút lòng trinh bạch từ nay xin chừa".

Trang Y Hạ
San Francisco

    

    



    

    

    
    

   

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét