Thư viện

17/3/18

Ga Moutain View



Ga Mountain View

Trang Y Hạ

     Người đàn ông khoảng hơn bốn mươi tuổi dắt chiếc xe đạp sườn ngang, trông cũ kỹ... Ông ta dựng chiếc xe vô đống gạch phía trước sân nơi có hai cô gái đang tất bật trộn hồ... Ông ta nói gì đó với các cô ấy nhưng họ không trả lời, một trong hai cô chỉ tay về phía căn nhà đang xây với ngổn ngang giàn giáo và những người thợ chăm chỉ làm việc dưới cái nắng gay gắt... Tôi chạy chiếc xe "Suzuki"cổ lỗ xỉ cũng vừa trờ tới và đã thấy người đàn ông... Có lẽ tiếng nổ quá lớn của chiếc xe đã làm cho các cô gái nghe quen tai nên đồng loạt ngó lại và reo lên:

     - Ông thầu tới rồi... ! Một trong hai cô nhanh nhẩu bước lại gần tôi và nói:
     - Thưa ông hôm nay thiếu tới ba thợ phụ.
    
      Chuyện thiếu thợ phụ, thợ chính. Tôi đã biết từ trước, vì đầu tuần mấy người thợ phụ, thợ chính có nhà ở Sài Gòn thường hay bỏ việc. Lý do là chiều thứ bảy họ nhận lương. Chúa nhật họ nhậu cả ngày - quắc cần câu... Sáng thứ hai không đi làm nổi; có khi họ nhậu cho hết số tiền lương rồi mới đi làm. Tôi nhìn qua người đàn ông đang đứng xớ rớ... Tôi chưa kịp chào thì người đàn ông bước tới... Nhưng cô gái phụ hồ còn nhanh miệng hơn. Cô nói như nói thay cho người đàn ông... Tôi đoán được ý nghĩ của cô ta rằng:

     - "Hôm nay quá thiếu thợ phụ ông thầu hãy nhận người đàn ông nầy...".
      
     Tôi nhìn kỹ người đàn ông, ông ta khoảng ngoài bốn mươi tuổi, ốm... Khuôn mặt dễ nhìn, cặp mắt có nội lực... Tôi hỏi:
     - Anh là thợ phụ hay thợ chính vậy?.
     - Dạ, thưa ông thầu tôi là thợ chính.
Ông ta trả lời có vẻ thật thà, tự tin... 
Tôi nói:
     - Bữa nay đầu tuần, lại thiếu thợ... Vậy anh giúp tôi phụ hồ hôm nay, tôi sẽ tính tiền công cho anh như thợ chính. Còn định mức lương thợ chính của anh thì anh làm cho các chủ thầu khác họ trả cho anh bao nhiêu, tôi sẽ trả cho anh bấy nhiêu. Tuy nhiên ngày mai khi anh xây tô nếu tay nghề anh giỏi và đa năng... khi đó sẽ tính sau... Anh có đồng ý thì hôm nay khởi sự...

     Người đàn ông bằng lòng. Thấy người đàn ông bằng lòng hai cô gái phụ hồ mừng rơn...! Người đàn ông quay lại nói với hai cô gái:
     - Hai cô đi lấy vòi nước và đẩy cái xe cút-kít tới dùm cho tôi. Hồ để đó tôi trộn...

     Người đàn ông trộn hồ gọn bân... Nói thật ba người phụ hồ lo: hồ, gạch cho bảy người thợ xây qủa là rất vất vả...  Vậy mà người đàn ông sắp xếp công việc rất khoa học, khoảng một giờ đồng hồ sau là mọi việc tuần tự trôi chảy, lại còn có thời gian nghỉ...

     Ngày hôm sau người đàn ông chở theo đồ nghề, cột dọc theo sườn chiếc xe đạp là một cây thước dài bằng gỗ thông. Ông ta xây cặp với một chú thợ trẻ tên là Hận người Long Mỹ Cần Thơ. Qua một vài thao tác: bỏ hồ, đặt gạch..., tôi biết ông ta đã có qua trường lớp, có kinh nghiệm... Ban đầu nhóm thợ trẻ chê bai rằng:
     - Ông già xây tô chậm..., làm kỹ lấy khỉ gì mà ăn...!
 Người đàn ông làm thinh. Đúng như ông bà xưa nói:
 "Hữu xạ tự nhiên hương".

     Dần dà đám thợ trẻ có cảm tình với người đàn ông. Một bữa, trong lúc nghỉ trưa người đàn ông giải thích với nhóm thợ trẻ rằng:

     "Xây nhà trệt cấp bốn, cột xây bằng gạch, lúc xây không cần giăng dây cũng không sao; chỉ cần dùng thước cập cho hàng gạch ngay thẳng là được. Xây cao ốc hay biệt thự... , thì phải xây đúng kỹ thuật. Các em còn trẻ phải tập tay nghề đúng bài bản, phải giữ tác phong công nghiệp ngay từ bây giờ chứ các em cứ làm theo kiểu tiểu nông: "Đi tắt đón đầu"... thì tay nghề càng ngày càng thấp và bị loại...".

     Tôi không thường xuyên ở chỗ làm vì bận coi hai ba nơi và đi mua vật liệu...  Tôi cảm nhận người đàn ông nầy là "Ngọa hổ tàng long" chứ không phải tầm thường. Không ai bầu, nhưng mà hình như ông ta đã trở thành "thủ lĩnh" của nhóm thợ. Ông phân công việc hợp lý, nhóm thợ trẻ nghe lời ông răm rắp... Công việc trôi chảy dù tôi ít khi hiện diện để theo dõi hay kiểm tra... Tôi "tâm phục, khẩu phục" lẫn nể phục người đàn ông nầy.

     Chiều thứ sáu người đàn ông rửa ráy sạch sẽ... Trịnh trọng nói với tôi rằng:
     - Thưa ông thầu. Chiều mai thứ bảy. Tôi có làm mâm cơm cúng cha tôi. Tôi mạo muội kính mời ông thầu tới dự, sự có mặt của ông là một vinh dự cho gia đình... Tôi nhờ ông thầu mời dùm anh em thợ cùng đi...

     Trưa hôm sau, thứ bảy tôi tính lương công chính suốt tuần cho người đàn ông rồi bỏ vô phong bì. Tôi cầm phong bì... đưa cho người đàn ông và nói:
     - Đây là tiền công trong tuần nầy của anh. Anh đếm đi... Tôi cho anh nghỉ buổi chiều thứ bảy để anh về nhà lo đám giỗ... Khoảng năm giờ chiều tôi và chú em Hận sẽ tới nhà anh... 

     Người đàn ông mừng rỡ cảm ơn tôi rồi bỏ nhanh phong bì vô túi áo mà không đếm coi số tiền lương được bao nhiêu mà đã vội vàng quay người đi ra nhảy tót lên xe đạp dông tuốt... Phong thái bất cần... của người đàn ông làm cho tôi vô cùng cảm khái...!

     Tôi đưa tiền cho chú thợ Hận đi qua đường Tạ Uyên [Tôn Thọ Tường cũ], mua một con vịt quay lớn, bánh mì và bia hơi. Nhà tôi ở đường Hưng Phú với Chánh Hưng. Hai thầy trò chở nhau trên chiếc xe "Suzuki" cà rịch cà tàng băng qua cầu Nhị Thiên Đường thẳng xuống quốc lộ 50 đoạn Bình Chánh.
Theo chỉ dẫn của người đàn ông như sau:

     "Tới ngã tư quốc lộ 50, quẹo trái về hướng Nhà Bè đi khoảng bốn trăm thước thì sẽ thấy con đường đất lớn phía bên tay phải. Ông thầu đi thẳng khoảng bốn trăm thước gặp ngã ba, quẹo phải lần nữa rồi chạy thẳng tới khoảng một cây số sẽ thấy một cái cống lớn, nhìn cái nhà lá sát bên cái cống bên tay trái. Đó là nhà của tôi".

     Căn nhà lá chút nhủm, tuềnh toàng... nằm sát mép đường; đường cụt nên rất ít xe. Nhìn vô thấy dòng sông chảy về hướng Phước Lộc. Tôi dựng xe bên vệ đường. Hai vợ chồng ra đón chúng tôi... Giữa nhà là cái bàn tròn mới toanh. Tôi nhìn quanh nhà... Có thể nói cái bàn là vật đáng giá nhất. Trên bàn bày biện vài ba món ăn...  Bàn thờ trên vách lá khói nhang nghi ngút... Chú em Hận hỏi mượn cái đĩa bày con vịt quay... Tôi đi lại bàn thờ thắp nhang vái người quá cố... Ngồi vô bàn tôi mới nhìn kỹ chị vợ của người đàn ông. Tôi đoán chị ta cũng đã ngoài bốn mười, tạng người cũng ốm như chồng, nhưng trông chị già hơn, đôi mắt chị cũng toát ra nội lực như chồng. Hai đứa con một trai, một gái cũng ốm còm nhom. Chúng rụt rè vòng tay chào chúng tôi, thật lễ phép...
Người đàn ông nói:
     - Thưa ông thầu... 
Tôi khoác tay nói:
     - Anh chị hãy gọi tôi là: Hân - Tư Hân cho thân mật. 
Thấy tôi mở lòng... 
Người đàn ông tự giới thiệu:
     - Tôi tên thật là Vũ Trường Thành, vợ tôi Lê Thị Thủy. Ngày xưa hai vợ chồng tôi đi dạy học. Nhưng kể từ khi "Lich sử nổi cơn gió bụi". Vợ chồng chúng tôi bị cuốn phăng ra khỏi nghề giáo! Chúng tôi đã làm đủ mọi nghề chân tay để tồn tại. Vợ chồng lang bạt khắp chốn, cuối cùng về trụ nơi đây đã được mấy năm. Tôi mua nửa công đất đất nầy mất hai chỉ vàng từ người cò đất. Người cò đất viết giấy tay và nói:

     - "Vùng đất năm trăm mẫu nầy là đất "quy hoạch" của ông thủ tướng Kiệt. Ông bà cứ ở và nhớ trồng nhiều cây..., để tới khi "giải tỏa mặt bằng" thì sẽ được "đền bù hoa màu..."

     Sống ở đây có tới...  ba cái không anh ạ. Không điện - Không nước - Không "hộ khẩu". Anh cũng biết sống trong [xã hội mới] mà không hộ khẩu thì con người chẳng khác chi cái xác biết đi! Mọi quyền lợi coi như mất sạch... Hai đứa con không được tới trường. Vợ tôi tự dạy cho chúng nó; mà có tới trường cũng không có đủ tiền đóng học phí. Thưa anh, mấy năm đầu về đây lạ nước, lạ cái... khổ sở trăm bề. Vợ chồng tôi đi theo mấy người trong xóm ra sông lặn hụp cào "trùn chỉ" đem bán cho mấy người nuôi cá kiểng... Lặn riết mấy năm trời, vợ tôi bị đau khớp sưng đầu gối mà không đủ tiền chạy chữa. Hai đứa con ăn uống thiếu thốn đâm ra suy dinh dưỡng thành thử bị bịnh hoài... Nhìn cảnh nhà túng thiếu, vợ yếu con đau... Tôi đi xin một chân phụ hồ, rồi tự học nghề xây dựng thông qua sách vở rồi lên làm thợ chính. Làm được vài năm. Ở đời "Lúc khó chó cắn thêm". Tôi cũng bị đau khớp nơi đầu gối như vợ tôi. Đi làm thợ hồ trèo lên giàn rất khó khăn... Cuối cùng bị người ta đuổi...! Tôi đi vay nóng tiền mua thuốc giảm đau... Uống thuốc vô thấy hết sưng tôi liền quay lại nghề đi cào trùn chỉ...  Lợi tức thật quá bấp bênh...! Hôm đầu tuần đi bán trùn chỉ, thấy thợ hồ đang xây nhà tôi đâm ra nhớ nghề... Tôi chạy vô thử xin ... May mà anh cho tôi làm. Tôi nghĩ, nếu tôi bị đau khớp gối trở lại chắc anh cũng sẽ đuổi tôi như mấy ông thầu trước đây đã đuổi tôi. Đó là "quy luật" khắc nghiệt của cuộc sống mà, phải không anh? Người xưa có câu:
     - "Nhân vô viễn lự, tất hữu cận ưu". Tôi biết [người mà không lo xa tất sẽ gặp ưu phiền]. Tôi có lo xa nhưng vẫn không tránh được sự túng quẫn lẫn phiền muộn...!

     Người đàn ông nói xong đưa tay vuốt nhè nhẹ lên mái tóc cụt ngủn của đứa con gái sáu tuổi, ốm tong teo...!

     Tôi và hai vợ chồng người đàn ông kết nghĩa anh em. Tôi lớn hơn nên làm anh. Người đàn ông [em kết nghĩa] theo tôi làm thợ hồ một thời gian lâu.... Tôi đã đem tới gia đình người em kết nghĩa một luồng sinh khí mới, là chỗ dựa... Vật chất không đáng nói; cái đáng nói chính là tinh thần mới đáng quý. Tôi đồng cảm và trân trọng nỗi đau của người trí thức bị loại trừ, bị hất hủi...Chính bản thân tôi cũng bị "gió bụi lịch sử" thổi bay và trong tương lai không biết sẽ bay về phương trời nào...?! Người em kết nghĩa theo tôi làm thợ hồ. Người vợ ở nhà trông con, nuôi hai con heo. Trong mảnh vườn nhỏ xíu chị ta lên ụ trồng mấy chục cây mãng cầu xiêm cho trái thiệt nhiều.

     Kỷ niệm đáng nhớ nhất của anh em kết nghĩa chúng tôi là: có lần tôi nhận làm một cái nhà thủy tạ lục giác trên ao cho một "Ông già cách mạng". Ông ta rất "căm thù bọn Mỹ Ngụy xâm lăng...". Ông nuôi hai con chó. Ông lấy tên của hai ông tổng thống Hoa Kỳ là: Bus và Bill Clinton đặt tên cho hai con chó... Mỗi lần cho chó ăn là ông gọi lớn tên của hai vị tổng Hoa Kỳ. Hai con chó nghe [tên của mình] liền chạy tới vui mừng... Bạn chiến đấu của ông ta nghe thấy vậy thì xúm nhau cười hả hê...!
Ông mua hai công đất ruộng, thuê người đào ao nuôi cá, xây nhà thủy tạ để cuối tuần ông cùng các con, bạn bè chạy xe hơi xuống nghỉ ngơi... Trước đây tôi đã từng xây cho ông một cái nhà thủy tạ bằng gỗ ở gần cầu Ông Bé... Cái ao của ông ta nằm sát sông Cần Đước. Từ trên phố chạy xuống, cách cầu Ông Thìn chừng vài ba trăm thước, rẽ tay trái đi theo bờ đập thẳng tuốt ra sông... Anh em kéo quân làm cả tháng trời mới xong. Chiều nào khi ra về hai anh em cũng đều ghé quán Tâm Ký ăn vài ba món, uống vài ly bia tự khao thưởng. Quán nầy cũng nằm trên bờ sông từ cầu Ông Thìn chảy ra. Khung cảnh thơ mộng hữu tình, thức ăn, thức uống giá cả cũng vừa phải. [Nhà thủy tạ sau nầy bị phá bỏ bởi vi phạm hành lang an toàn đường sông]

                                o0o

     Đoàn tàu Caltrain [hỏa xa] khởi hành từ San Francisco đi San Jose lúc nầy đã là ba giờ chiều. Tàu chạy đúng một giờ 14 phút là tới San Jose như đã ghi trên vé. Tôi ngồi ở toa thứ ba. Tôi nhắm mắt mơ màng nghĩ tới tiệc sinh nhật của chú em nuôi tối nay chắc sẽ là vui lắm đây! Chú em kết nghĩa nầy là dân Đà Nẵng - vượt biên sang Hồng Kông, được Mỹ nhận cho định cư... Ở bên kia hàng ghế, tôi thấy một người phụ nữ trẻ ngồi với một đứa bé trai chừng ba bốn tuổi, bên cạnh là chiếc valy, túi xách. Thỉnh thoảng tôi bắt gặp ánh mắt của người phụ nữ quan sát tôi một cách hơi khác thường... Tàu thông báo sắp tới ga San Antonio. Tàu dừng, người phụ nữ nói với tôi rằng:
     - Con trông bác quá quen... Hình như con đã gặp bác ở đâu rồi thì phải... Ga tới là: Moutain View - con xuống. Chồng con, anh ấy sẽ đón con ở đó...!

     Tàu dừng ở ga Moutain View. Thông thường tàu chỉ dừng một phút để cho hành khách lên xuống... Người phụ nữ chào tôi rồi đeo túi xách ra sau vai, tay bồng con, tay đẩy cái valy coi bộ khó khăn... Thấy vậy, tôi đứng dậy kéo cái valy xuống đường dùm cho người phụ nữ. Người phụ nữ nói:
     - Con cảm ơn bác nhiều.
Tôi thấy người thanh niên chạy lại bên người phụ nữ đưa tay ẵm đứa con trai. Người phụ nữ nhìn tôi rồi nói gì đó với người thanh niên... Người thanh niên nhìn tôi với ánh mắt cũng... là lạ như người phụ nữ lúc ngồi ở trên tàu . Tàu đổ chuông..., đóng cửa. Tôi dợm chân nhảy lên... Bất thần tôi nghe tiếng gọi thất thanh:
     - Bác Tư Hân!... Bác Tư Hân!...

     Tôi giật mình quay đầu nhìn lại xem là ai mà đã gọi đúng tên cúng cơm của mình ở một cái ga xa lạ... Lúc nầy tàu đã chuyển bánh... Thôi rồi...! Vậy là phải chờ chuyến tàu sau!...

     Người thanh niên bước lại gần tôi với vẻ mặt căng thẳng:
     - Con xin lỗi bác, bác có phải là bác Tư Hân chủ thầu xây dựng...? Con là Vĩnh, con là con của ba Vũ Trường Thành và mẹ Lê Thị Thủy!
Tôi xác nhận mình là Tư Hân!
Người thanh niên cao to ôm chầm lấy tôi bùi ngùi:
     - Con tưởng kiếp nầy sẽ không còn gặp lại bác. Vậy mà lại gặp bác giữa mênh mông xứ người nầy.... 

     Một già một trẻ ôm nhau đúng giây lâu giữa trời chiều, gió hiu hiu thổi cái lạnh vô người nhưng đâu bằng cái lạnh đói nghèo năm nào trên chính quê hương của một thời gió bụi của lịch sử.

                                          o0o
   
      Vợ chồng chú em kết nghĩa ôm chầm lấy tôi mà khóc, mà kể lễ đủ điều:
      - Chúng em không thể ngờ rằng còn gặp lại anh - mà lại gặp nhau nơi đất Mỹ. Quả là "điều lạ". Người xưa nói:
"Kiến quái bất quái, kỳ quái tự bại". (Gặp điều lạ mà không lạ, thì điều lạ sẽ không lạ nữa). Vậy anh em chúng ta bây giờ không còn lạ nữa rồi phải không anh?... Em nghĩ. Ngày xưa đó mà anh không nhận em vô làm hồ, lại cho coi cai mấy năm nữa  - thì gia đình vợ con của em lấy tiền đâu mà chi dụng - chắc sẽ chết đói thôi...!

Còn cháu Vĩnh, bé Thùy thì nói:
     - Chúng con nhớ mãi thịt vịt quay của bác... Ngon ơi là ngon. Nhưng cái mà con nhớ bác nhiều nhất là bác thương yêu chúng con như con đẻ của bác.

     Vĩnh bây giờ là luật sư, vợ cũng là luật sư. Bé Thùy là bác sĩ nhãn khoa. Vợ chồng chú em cho biết như vậy.
     - Vậy nguyên do như thế nào mà cả nhà chú em qua Mỹ? Tôi hỏi:
     - Tất cả đều có sự sắp xếp của Chúa anh à. Nguyên do chúng em sẽ kể cho anh sau, chuyện dài lắm... Còn anh - nguyên do nào mà anh qua Mỹ?
     - Nguyên do thì.... anh sẽ kể cho vợ chồng chú em biết sau. Tôi cười...!

     Vợ chồng chú em kết nghĩa dẫn tôi vô phòng trong... Tôi giật mình khi thấy hình của tôi được phóng lớn treo trịnh trọng cạnh bàn thờ... Thì ra vợ chồng chú em xem như tôi đã... chết! Hèn gì mà cô gái [cháu dâu] lúc ở trên xe lửa cứ nhìn tôi một cách lạ lùng... Và còn nói: 
- Con thấy bác rất quen...!

Trang Y Hạ
San Francisco. Mùa chay 2018

    
    



    

    

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét