Thư viện

9/6/19

Truyện Kiều & Tiếng Khóc



                Truyện Kiều & Tiếng Khóc

Trang Y Hạ

     Trong cuộc sống với muôn hình vạn trạng, từ thiên nhiên cho tới con người - đã và đang xảy ra hằng ngày như: Động đất, bão lũ, dịch bệnh, chiến tranh, tai nạn, vu vạ, hận tình, hận đời, tang thương… Khóc là chuyện không thể thiếu trong cuộc đời. Có người khóc lóc kêu gào thảm thiết, có người khóc âm thầm lặng lẻ…! Tiếng khóc nào cũng đem tới sự buồn bã, thê lương! Trong một đời người, ít nhất cũng phải trải qua một vài lần khóc… Người ta khuyên rằng: buồn thì cứ việc khóc, khóc cho vơi đi bớt đau đớn - tinh thần lẫn thể xác, sau khi khóc sẽ dần dần rơi vào giấc ngủ… Và người ta cũng chê rằng: đàn ông không được khóc, khóc là yếu đuối giống đàn bà con gái. Tận mắt chứng kiến sự tang thương, mất mát thì xúc cảm nam nữ có khác gì nhau đâu? Tại sao lại úy kỵ tiếng khóc đối với đàn ông? Dù không khóc thành tiếng, thì họ cũng rưng rưng ngấn lệ…! Trong “Tam Quốc Chí”. Lưu Bị - đấng anh hùng cũng rơi lệ kia mà!

     Trong truyện Kiều, tiếng khóc cũng đa dạng. Anh chàng Kim Trọng - khóc thê lương, khóc thảm thiết, khóc ai oán bởi mất đi một người đẹp đã thề non, hẹn biển là Thúy Kiều. Anh chàng Thúc sinh cũng khóc; khóc một cách quá tủi hổ khi bị vợ cả là Hoạn Thư bắt người yêu Thúy Kiều của mình làm Hoa Nô mà không nghĩ ra cách gì để cứu nàng, cứu mình. Thúc Sinh - mẫu người đa tình, đa cảm, chung tình, xốc nổi… Nhưng bởi vì quá nhu nhược mà đành chịu thúc thủ đầu hàng, thua cuộc trước người vợ có lắm mưu, nhiều mẹo.

     Đọc truyện Kiều - Tiếng khóc, nhiều gấp hai lần tiếng cười. Nghĩ cũng đúng thôi. Khóc cho cuộc đời Thúy Kiều phải bán mình chuộc cha, khóc lây sang cho những người chung quanh, tới - mười một người . Thời phong kiến thân phận người phụ nữ bị rẻ rúng, coi thường, thậm chí xem như một món hàng trao đổi… Đó cũng là tiếng khóc; tiếng khóc được nhân cách hóa “Bốn dây như thở như than”. Và Nguyễn Du với một câu tám chữ mà chở tiếng khóc tới hai lần. “Tỉnh ra lại khóc, khóc rồi lại mê”.

     …….
     Kiều ơi, em khổ một đời
     Họa vô đơn chí lầm người bán tơ
     Ba trăm năm ngỡ phai mờ
     Hồn em lảng vảng dật dờ làm chi [thơ Trang Y Hạ]

     Trong truyện Kiều, các nhân vật góp tiếng khóc có: “Người Khách Viễn Phương”, là nhân vật thoạt tới, thoạt đi, nhưng để lại tiếng khóc đa tình lãng mạn và cũng là tiếng khóc đầu tiên. Tuy chưa gặp mặt mà người khách viễn phương - không biết ở phương trời nào lại xưng hô với Đạm Tiên là… “mình”! Đồng thời lo chôn cất nàng và khóc thảm thiết. “Thuyền tình vừa ghé đến nơi. Thì đà trâm gãy bình rơi bao giờ”! (Nhất phiến tình chu dĩ đáo ngạn, bình trầm rơi chiếc dĩ đa thời). Kế tiếp: Thúc Ông, Hồ Tôn Hiến, vợ Vương Quang, Cây Đàn, khóc chỉ một lần. Vương bà khóc sáu lần. Vương ông khóc bảy lần. Thúy Vân và Vương Quan mỗi người khóc bốn lần. Kim Trọng khóc tới chín lần. Thúc Sinh khóc mười lần. Ai cho rằng đàn ông không khóc vì tình? Từ cổ chí kim có anh hùng nào thoát qua ải mỹ nhân!

     Nàng Thúy Kiều khóc tới hai mươi tám lần.

     …….
          Đoạn trường một cuộc phân ly
          Đời em đã thấm sử thi Tiên Điền
          Cái vòng thế sự đảo điên
          Nợ tình chưa dứt lụy phiền lại mang. [Thơ TYH]

     Trong mười lăm năm lưu lạc phương người… Thúy Kiều có: Hai mươi tám lần khóc; khóc như vậy kể ra cũng còn quá ít, biết đâu trong những đêm khuya trằn trọc… Thúy Kiều phần nhớ gia đình, phần nhớ Kim Trọng, phần lo nỗi mình rồi để cho những giọt nước mắt tuôn rơi thấm gối…! Người xưa nói: “Bất kinh nhất phiên hàn triệt cốt. Chẩm đắc mai hoa phác tỵ hương” [Không qua một phen lạnh thấu xương. Sao được hoa mai tỏa ngát hương].

     Truyện kiều có cả thảy bảy mươi ba lần khóc [73] trong năm mươi mốt câu. [Có một câu là đờn khóc]. Vậy tổng cộng trong truyện Kiều, có: năm mươi hai câu thơ khóc. Sở dĩ khóc nhiều như vậy vì vài ba câu có nhiều người cùng khóc.

     Năm Mươi Hai [52] Câu Thơ Có Tiếng Khóc Như Sau:

     Người khách phương xa vốn đa tình, nhưng lại có tâm lòng bao dung rộng rãi… Cảm thương nàng Đạm Tiên một kỹ nữ tài sắc mà chết yểu. Tiếc thay, bởi vô duyên nên chàng không được gặp mặt. Người khách phương xa, đã cất tiếng khóc đầu tiên trong truyện Kiều:

-         Khóc than khôn xiết sự tình   
                Khéo vô duyên bấy là mình với ta

     Nàng Thúy Kiều. Trong một buổi chiều đi dự lễ thanh minh cùng với hai em, Thúy Vân và Vương Quan. Nàng nhìn thấy ngôi mộ hoang tàn, quạnh hiu, đề tên “Hiệu Thư Lưu Đạm Tiên Chi Mộ”, không hương khói mà chạnh lòng…! Vương Quan kể rõ sự tình rằng: ngôi mộ hoang đó là của nàng kỹ nữ Đạm Tiên tài sắc xứ kinh đô hoa lệ. Bởi vắn số mà chết... Động lòng thương cảm khi nghĩ tới phận mình cũng là phận nữ nhi - vận mệnh sau nầy rồi sẽ ra sao…? Vốn đa sầu, đa cảm…! Nàng khóc than trước mộ Đạm Tiên:

                Lòng đâu sẵn món thương tâm                   
-         Thoắt nghe Kiều đã đầm đầm châu sa

       Nàng thắp hương, lâm râm khấn nguyện trước mộ Đạm Tiên hồi lâu… Mặt mày ủ dột, nước mắt tuôn rơi lả chả, nàng còn đề thơ vịnh “Vạch da cây, vịnh bốn câu ba vần” .

                Lại càng ủ-dột nét hoa                                    
-         Sầu tuôn đứt nối, châu sa vắn dài!

Thơ vịnh như sau:

     Phiên Âm:
     Sắc hương hà xứ dã,
     Bằng điếu thống tâm tai.
     Minh nguyệt lãnh loan bi,
     Ám trần phong kính đài.
     Ngọc tuy hoàng thổ oánh,
     Danh vị bạch tuyết mai.
     Thượng hữu như miên tửu
     Vô nhân điện nhất bôi.

     DỊCH:
     Hương sắc còn đâu nữa,
     Viếng mộ mà chạnh lòng.
     Chăn uyên đêm nguyệt lạnh,
     Lớp bụi phủ gương trong.
     Ngọc dẫu bùn đen lấp,
     Danh chưa tuyết trắng phong.
     Ví còn ao rượu đó,
     Ai tế một tuần không.

     Nàng Kiều còn đề thơ nữa… Và nàng lại khóc như mưa…! Em nàng, Thúy Vân thấy chị mình bi lụy mà bất bình:

                Vân rằng: Chị cũng nực cười                             
-         Khéo dư nước mắt khóc người đời xưa

     Người mà có: Tài hoa, đức độ, có lòng thương người, cứu người, thì cũng nên khóc và tưởng nhớ tới họ. Theo quan niệm: “Hồng nhan đa truân -  Hồng nhan bạc mệnh”. Thúy Kiều liên tưởng tới số phận của mình sau nầy mà bi lụy, lo lắng: “Nỗi niềm tưởng đến mà đau. Thấy người nằm đó biết sau thế nào”. Bởi vì lý do đó, mà Thúy Kiều không nghe lời em gái Thúy Vân… Nghĩa trang về chiều âm u rờn rợn, âm khí nặng nề, đường về quê thì còn xa lơ xa lắc… Thấy vậy, Vương Quan mới nói: “Cớ sao chị lại vận vào chuyện không hay cho mình”. Vương Quan cũng không thuyết phục được người chị. Bất chợt một cơn gió lạnh thổi ngang qua mang theo hương thơm, cây nghiêng, lá rụng… Ba chị em nhìn nhau mà không biết chuyện gì, do đâu mà có hương thơm. Thúy Kiều nghĩ rằng: hồn Đạm Tiên đã linh ứng để “Đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu” với mình. Và, nàng nghĩ tới ông thầy tướng số lúc xưa đã tác động vào lòng nàng câu “hồng nhan bạc mệnh”. “Nhớ từ năm hãy thơ ngây, Có người tướng sĩ đoán ngay một lời: Anh hoa phát tiết ra ngoài, Nghìn thu bạc mệnh, một đời tài hoa”! Thúy Kiều cảm nhận ra rằng Đạm Tiên đã hiển linh… Nàng xưng hô với Đạm Tiên như tình chị em, dù là cách biệt âm dương.

     Do sự ám ảnh từ lời tiên đoán của thầy tướng số, đồng thời thuở bé nàng cũng sáng tác tác “Bản Đờn Bạc Mệnh”. Khúc bạc mệnh đã ăn sâu vào trong tiềm thức và đeo đẳng Thúy Kiều trong suốt mười lăm năm phiêu bạt giang hồ, chịu không biết bao nhiêu khổ lụy cho thân gái dặm trường…

     Lần thứ nhất:  Bản đờn bạc mệnh, Thúy Kiều đã đờn cho Kim Trọng nghe và hai người đã thề non, hẹn biển cùng nhau đi tới hạnh phúc: “Khi tựa gối, khi cúi đầu, Khi vò chín khúc khi chau đôi mày”! Và “Rằng hay thì thật là hay, Nghe ra ngậm đắng, nuốt cay thế nào”.

     Lần thứ nhì: Bản đờn bạc mệnh - Trong phận người hầu “Hoa Nô”…! Thúy Kiều đờn phục vụ cho ông bà chủ là Thúc Sinh - Hoạn Thư. Tiếng đờn thê lương, ảm đạm, éo le khiến cho người nghe là Thúc Sinh cũng như Kiều tan nát cả tâm lòng:

-         Bốn dây như khóc, như than                     
                Khiến người trong cuộc cũng tan nát lòng
                Cũng trong một tiếng tơ đồng
-         Người ngoài cười nụ, người trong khóc thầm
-         Giọt châu lã chã khôn cầm.,
-         Cúi đầu, nàng những gạt thầm giọt sương.
    
     Lần thứ ba. Thúy Kiều lại đờn Khúc bạc mệnh cho Hồ Tôn Hiến nghe trong bữa tiệc rượu khao thưởng chiến công sau khi phục binh giết chết Từ Hải, chồng của nàng. Hồ Tôn Hiến khi nghe tiếng đờn bi ai não nuột của người góa phụ cũng không cầm được nước mắt, dù đang là trong bữa tiệc khao thưởng chiến công: “Một cung gió tủi, mưa sầu, Bốn dây nhỏ máu năm đầu ngón tay. Ve ngâm, vượn hót, nào tày.”.

-         Lọt tai, Hồ cũng nhăn mày rơi châu.

     Xét về lý, thì có thể nói: Thúy Kiều đã phạm vào tội “giết chồng”. Bởi Hồ Tôn Hiến đã “mua chuộc” Thúy Kiều, để Thúy Kiều khuyên Từ Hải ra hàng triều đình [Triều đình phong kiến lúc bấy giờ vẫn xem Từ Hải là “giặc” nổi loạn], đã nhiều lần muốn đem quân chinh phạt, nhưng lần nào cũng không thành. Thúy Kiều đã mắc mưu. Từ Hải là tướng - trong lòng cũng biết: về hàng, là tương lai mờ mịt - nhưng Từ Hải cậy sức mình… “Bó thân về với Triều đình, Hàng thần lơ láo, phận mình ra chi, Sao bằng một cõi biên thùy, Sức nầy ai dễ làm gì được ai”.

     Xét về tình, thì Thúy Kiều chẳng có lỗi lầm gì. Từ Hải đã chấm dứt chuỗi ngày dài phong trần khổ ải của nàng. Từ Hải đã cho nàng sự vinh quang của một “mệnh phụ phu nhân”, lại còn giúp nàng “trả thù” bọn buôn người, đã hành hạ nàng. Nàng mong mỏi ngày trở quê nhà bằng danh chánh ngôn thuận, làm rạng rỡ gia đình. Nàng mong mỏi chấm dứt những tháng năm lang bạc nơi xứ người cơ cực đầy tủi nhục…! Nguyện vọng tha thiết quay về cố quận, bất cứ ai cũng mong ước chứ không riêng Thúy Kiều.
    
     Thúy Kiều cùng các em đi dự lễ Thanh Minh xong, trở về nhà thì đêm đã khuya. Đêm đó Thúy Kiều nằm mộng thấy hồn ma Đạm Tiên [coi như gặp lần thứ nhì]. Đạm Tiên nói cho Thúy Kiều rằng: - Chị đã đọc bài thơ rất hay của em và đã báo cho bà chủ “Hội Đoạn Trường” ở cõi âm và đã  ghi tên em vô “Sổ Đoạn Trường”. Đạm Tiên còn ra cho Thúy Kiều mười đề thơ mới, để Kiều làm. Và ngay trong đêm Kiều đã làm xong mười bài thơ trong giấc mộng… Tỉnh ra Kiều còn ngơ ngác… “Đoạn trường sổ, đoạn trường thơ” đã buộc vào đời nàng với mười lăm năm tha hương. May mà còn giữ được mạng sống để về đoàn tụ cùng gia đình.

     Thử đọc bài thơ thứ nhất trong mười bài của Thúy Kiều:

     Tích Đa Tài
     Uyên tiên bất nhẫn tài
     Hợp hoan niên niên vị nhân phổ
     Tự thân chỉ bả tương tư oai
     Tương tư oai, tích đa tài.

     Dịch:
     Tiếc Cho Tài:
     Tờ oanh chẳng đoái hoài
     Hợp hoan ngày tháng bỏ cho ai?
     Riêng mối tương tư vẫn kéo dài
     Vẫn kéo dài, tiếc cho tài.
     [……….]
    
     Thúy Kiều mộng thấy Đạm Tiên, mà trong những đêm kế tiếp trong lòng bần thần lo lắng, thở dài, không ngủ được:

     Một mình lưỡng lự canh chầy                        
     Đường xa nghĩ nỗi sau nầy mà kinh.

                Nỗi riêng lớp lớp sóng giồi                               
-         Nghĩ đòi cơn, lại sụt sùi đòi cơn.

     Đêm nằm, Thúy Kiều suy nghĩ mông lung về cơn mộng mị với Đạm Tiên, rồi lại lo cho số phận của mình sau nầy mà trong lòng sợ sệt… Bất chợt Thúy Kiều tủi thân khóc rấm rức giữa đên khuya làm cho Vương Bà thức giấc, hỏi duyên cớ gì mà ngủ không được:

               “Cớ sao trằn trọc canh khuya,                           
-         Màu hoa lê, hãy dầm dề giọt mưa?”

     Bấy giờ Thúy Kiều mới kể sự việc - nằm mộng thấy Đạm Tiên “Cứ trong mộng triệu mà suy, Phận con thôi có ra gì mai sau!”. Vương Bà ai ủi con gái - đừng tin vào những chuyện mị, tướng số mà khổ thân. Thúy Kiều an tâm, nhưng vẫn khóc:

                Vâng lời khuyên giải thấp cao                        
-         Chưa xong điều nghĩ, đã dào mạch tương.

     Thúy kiều bị ám ảnh bởi lời tiên đoán của ông thầy tướng số. Hồn ma Đạm Tiên. Bản đờn bạc mệnh, do chính nàng sáng tác. Ba điều đó như một thứ độc dược thấm từ từ và xô đẩy nàng vô vòng xoáy của tự ty, của mặc cảm cho số phận. Nàng đã tự mình vận buộc điều bạc mệnh cho mình. Nàng đã làm khổ cho gia đình nàng, cho người yêu nàng là Kim Trọng. Ngoài ra còn có Thúc Sinh, Hồ Tôn Hiến cũng rơi nước mắt vì nàng. Và, cái chết uất ức của chồng nàng, Từ Hải!

     Một bữa ông bà Vương Viên Ngoại đi vắng. Thúy Kiều đi sang nhà Kim Trọng… Hai người hàn huyên tâm sự, cho tới khuya mới về nhà. Người gia nhân của Kim Trong gõ cửa cho hay rằng: Cha Kim Trọng báo phải về Liêu Dương gấp để hộ tang người chú…! Chàng Kim hốt hoảng vội vàng chạy sang nhà Thúy Kiều cho hay tin dữ… Hai người chia tay trong bịn rịn…!

                Ngại ngùng một bước, một xa,                     
-         Một lời trân trọng, châu sa mấy hàng.

     Tên bán tơ, vu oan giá họa. Vương Ông, Vương bà bị quan nha bắt giam và bị tra khảo, đánh đập. Gia đình Thuý Kiều lại không tiền để lo lót cho đám quan lại. Túng thế, Thúy Kiều đành phải ngậm ngùi bán mình để lấy tiền, đặng lo lót cứu cho cha mẹ ra khỏi nhà tù.

     Nghìn dặm, Liêu Dương đâu có xa,
     Lâm Truy, nỡ để bướm vờn hoa.
     Trăng tròn vành vạnh mây che khuất,
     Thân gái dặm trường, xót cảnh nhà.    [Thơ TYH]

     Gia đình Thúy Kiều gặp tai ươn. Mụ mối hay tin liền dẫn anh chàng Mã Giám Sinh tới và cho Thúy Kiều biết rằng: muốn cưới nàng về làm thiếp. Nhưng thực ra anh chàng họ Mã mua Thúy Kiều về để bán vào “Thanh lâu” - Thanh Lâu là của gã họ Mã chung vốn với mụ tú bà. Mụ tú bà quá lứa cùng với gã họ Mã sống chung kiểu “gìa nhân ngãi, non vợ chồng”. Thúy Kiều nấp ở trong phòng bước ra trình diện bọn họ, nàng bước đi như người mất hồn, khóc như mưa:

              Nỗi mình thêm tức nỗi nhà,                           
-         Thềm hoa một bước, lệ hoa mấy hàng!

     Vương ông được quan nha thả, trong lòng mừng rỡ, nào dè khi về tới nhà mới hay cớ sự: Thúy Kiều bán mình cho người ta với số tiền: Bốn trăm năm mươi lạng bạc và nhờ người họ Chung, cũng là một nha dịch nhưng còn có chút lòng nhân, lo lót xin lãnh nhận cho cha con được về. Ông thương con gái vì mình mà chịu nhục thân. Ông khóc lóc tới nỗi máu hòa nước mắt:

               Thương tình con trẻ, cha già,                                         
-         Nhìn nàng, ông những máu sa, ruột dầu.

Ông vừa khóc, vừa nhào vô tường với ý định muốn chết:

-         Theo lời càng chảy dòng châu,                            
                Liều mình, ông đã gieo đầu tường vôi.

     Thương cha già, Thúy Kiều gượng làm vui - khuyên can “Rằng cha hãy bình tỉnh mà sống để gia đình khỏi tan nát. Con hy sinh một mình con cũng là quá đủ rồi. Cha mẹ cứ xem như con đã đứt dây nôi chết từ khi còn thơ ấu…”. Vương ông nghe lời con, cả nhà ôm nhau mà khóc:

                Phải lời ông cũng êm tai,                                     
-         Nhìn nhau giọt vắn, giọt dài ngổn ngang.

     Chuyện gia đình Thúy Kiều đã xếp đặt xong xuôi đâu đó, bấy giờ nàng mới nhớ tới Kim Trọng, người tình đầu với bao hứa hẹn cho một tương lai tràn đầu hạnh phúc. Vậy mà, không ngờ tai bay vạ gió - vừa chớm nở lại sớm vội tàn, quả là oan khiên! Nàng khóc sưng cả mắt cho tới suốt đêm. Nàng tự nhận lỗi là đã phụ lòng Kim Trọng và than thở cho số phận sao quá éo le!

                Một mình nàng, ngọn đèn khuya,                        
-         Áo dầm giọt lệ, tóc se mái đầu.

                Nỗi riêng, riêng những bàn hoàn,                    
-         Dầu chong trắng đĩa, lệ tràn thấm khăn.

     Tiếng khóc giữa đêm khuya thanh vắng làm cho Thúy Vân tỉnh giấc, hỏi nguyên do: Thúy Kiều ngập ngừng rồi cũng phải thổ lộ cùng em gái chuyện tình cảm giữa nàng với Kim Trọng… Nhưng nay vì gia biến nên đành phải phụ lòng. Nàng nhờ em gái thay nàng trả nghĩa Kim Trọng, đồng thời trao kỷ vật cho em gái giữ... Nàng vật mình khóc than thảm thiết trước mặt em gái.

-         “Ôi Kim lang! Hỡi Kim lang!                            
                 Thôi thôi! Thiếp đã phụ chàng từ đây!”
                 
     Thúy Kiều vì quá bi thương mà ngất xỉu. Gia đình xúm lại lo cấp cứu. Tỉnh giấc nàng lại khóc nức nở… Thúy Vân kể lại cho gia đình hay chuyện tình cảm của chị mình và Kim Trọng cho cả nhà nghe. Vương ông công nhận vì cha mà con lỗi lời thề và hứa sẽ lo tròn việc trả nghĩa chàng Kim Trọng như lời Thúy Kiều dặn dò. “Xuân, huyên chợt tỉnh giấc nồng, Một nhà tấp nập, kẻ trong người ngoài. Kẻ thang, người thuốc, bời bời,”.

-         Mới giầu cơn vựng, chưa phai giọt hồng.
                Hỏi: “Sao ra sự lạ lùng”?
-         Kiều càng nức nở, mở không ra lời.

     Ngày hôm sau Mã Giám Sinh, đưa kiệu hoa tới đón Thúy Kiều. Giây phút chia tay tất cả mọi người đều khóc…!

                Đau lòng kẻ ở, người đi,                             
-         Lệ rơi thấm áo, tơ chia rủ tằm.

     Mã Giám Sinh đón Thúy Kiều về nhà trọ. Đêm đó nàng thất thân với chàng họ mã. Nàng lại khóc cho bản thân nhơ nhuốc của mình.

-         Giọt riêng tầm tã, mưa tuôn                       
                Phần căm nỗi khách, phần nhơ nỗi mình. 

     Ngày hôm sau nơi nhà trọ Vương ông làm tiệc tiễn chân Mã Giám Sinh lên đường. Thúy Kiều kể rõ hết sự thất vọng, nhục nhã với mẹ, hai mẹ con cùng khóc:

-         Nhìn nhau lã chã giọt hồng,                       
                Rì tai, nàng với giãi lòng trước sau.

     Thúy Kiều cùng họ Mã lên xe trực chỉ về Lâm Truy. Nước mắt ngập tràn!

-         Trông vời, gạt lệ, phân tay,                        
                Góc trời thăm thẳm, ngày ngày đăm đăm.

     Mụ tú bà quá lứa, vì biết Thúy Kiều đã thất thân với thằng chồng hờ họ Mã, đồng thời cũng tiếc số tiền nên mụ đánh đập Thúy Kiều. Thúy Kiều uất ức rút dao tự tử… Trong lúc bị ngất đi, hồn ma Đạm Tiên, đây [lần thứ ba] báo cho Thúy Kiều hay rằng: nghiệp đoạn trường còn dài, không thể chết. Sông Tiền Đường sẽ là nơi chúng ta gặp nhau. Sau khi tỉnh lại Thúy Kiều được mụ tú bà cho ở lầu Ngưng Bích. Mụ tú bà thuê tên ma cô Sở Khanh đi dụ dỗ Thúy Kiều trốn đi chung với hắn. Bị bắt lại và chịu trận đòn thừa sống, thiếu chết. Thúy Kiều đành chấp nhận bước chân vào con đường làm gái làng chơi bất đắc dĩ.

-         Buồng riêng, riêng những sụt sui:                
              “Nghĩ thân mà lại ngậm ngùi cho thân”.

     Thúy Kiều ngụ ở thanh lâu. Nàng gặp một người khách làng chơi là Thúc Sinh, ở Vô Tích. Anh chàng nầy theo người cha tới Lâm Truy buôn bán. Nghe danh nàng Kiều, tìm cách tới làm quen. Là một khách làng chơi, rồi từ từ say đắm Thúy Kiều. Thúc Sinh lừa mụ tú chuộc được Thúy Kiều ra khỏi lầu xanh và lấy nàng làm vợ lẻ. Thúc Sinh giấu nhẹm cha mình và vợ cả là Hoạn Thư.

     Thúc ông biết tất cả chuyện tình riêng giữa hai người, Thúc ông bắt Thúc Sinh bỏ Thúy Kiều. Thúc Sinh không vâng lời, Thúc ông đi báo quan. Quan huyện đưa ra hai hướng cho Thúy Kiều chọn. Một là chịu đánh đòn và gông một tháng. Hai là trở về lại thanh lâu. Thúy Kiều chịu đánh đòn: “Phận đành chi dám kêu oan, Đào hoen, quẹn má liễu tan tác mày.”. Thúc Sinh nhìn cảnh Thúy Kiều chịu đòn roi, cũng khóc theo:

-         Khóc rằng: Oan khốc vì ta,                          
              “Có nghe lời trước, chớ đà lụy sau”.

Quan Huyện thấy vậy bèn hỏi Thúc Sinh: Thúc Sinh trả lời:

-         Sụt sùi, chàng mới thưa ngay,                       
                Đầu đuôi kể lại sự ngày cầu thân.

     Thúc sinh thừa nhận là sẽ đùm bọc Thúy Kiều, Thúy Kiều tin tưởng nên mới ra cớ sự như vậy… Hơn nữa, nàng cũng là con nhà danh giá và có học. Nghe vậy, Quan huyện ra đầu đề “cái gông”, rồi bảo Thúy Kiều vịnh. Thúy Kiều vịnh xong đưa quan huyện xem… Bài vịnh:

Phiên Âm
“Hoàng-Oanh-Nhi Khúc
Ngã dữ mộc vi cừu
Hỉ khuyên sáo trung đắc xuất đầu
Cảm phương viên dà cái toàn thân xũ
Hà tằng mi vũ tu
Tọa tỉnh khả ưu
Khả linh lệ ngấn lệ lưu bất đáo chẩn hòa tụ [trù]
Tạ hiền hầu
Giao nhân cường hang, tái bất hứa phóng ca hầu.”

Dịch:
“Ta với cây là thù
Trong khuôn khổ mừng được ló đầu
Vuông tròn che toàn thân cảm thấy xấu
Tai mắt thẹn gì đâu
Đáy giếng âu sầu
Đáng thương áo xiêm chẳng thấm, giọt lệ cứ tuôn mau
Tạ hiền hầu
Cổ bị cứng, giọng hát nghẹn trong yết hầu.”.

     Quan huyện khen thơ nàng hay và ra lệnh ngưng đánh. Đồng thời khuyên Thúc Ông nên nhận Thúy Kiều làm con dâu – cho hai người cưới nhau.

      Vợ chính của Thúc Sinh, là con gái quan Thượng Thư bộ lại, tên là Hoạn Thư. Hoạn thư hay tin chồng mình cưới Thúy Kiều làm vợ lẻ, mà không bàn bạc với nàng. Thúc Sinh trở về thăm nhà cũng im hơi lặng tiếng, nếu Thúc Sinh nói ra cho vợ hay thì nàng cũng đâu có hẹp hòi gì. Làm trai có năm thê bảy thiếp là chuyện thường. Hoạn Thư là con nhà trâm anh, nên nàng không thể ghen tuôn như các phụ nữ dân dã tầm thường. Nàng nghĩ cách bắt cóc Thúy Kiều rồi đốt nhà hô hoán là Thúy Kiều đã bị chết cháy. Thúc Ông mắc mưu Hoạn Thư, tưởng Thúy Kiều đã chết và làm ma chay…!

-         Thúc ông sui sụt, ngắn dài,                              
                Nghĩ con vắng vẻ, thương người nết na.

Thúc sinh cũng tin nàng Kiều đã chết, nên khóc lóc:

-         Gieo mình vật vã khóc than:                               
              “Con người thế ấy, thác oan thế nầy!”

     Hoạn Thư sau khi bắt cóc Thúy Kiều về nhà, nàng đánh Thúy Kiều một trận tơi tả… Và sau đó bắt làm con ở, với cái tên Hoa Nô. Số Thúy Kiều còn phước nên được bà quản gia thương tình chăm sóc… Nàng khóc thương cho số phận mình:

-         Nàng càng giọt ngọc như chan,                       
                Nỗi lòng luống những bàn hoàn niềm tây.

     Từ Lâm Truy, Thúc Sinh về thăm nhà vợ cả ở Vô Tích. Kịch bản đánh ghen vô tiền khoáng hậu, do nàng dàn dựng… Trong bữa liên hoan mừng Thúc Sinh về thăm nhà. Hoạn Thư hành hạ Thúc Sinh và Hoa Nô Thúy Kiều đủ các thứ. Thúc Sinh thúc thủ cùng đường không có cách gì để cứu Thúy Kiều và cứu chính mình. Thúc Sinh quá bạc nhược, chỉ biết khóc và uống rượu:

                Sợ quen dám hở ra lời,                                   
-         Khôn ngăn giọt ngọc, sụt sùi nhỏ sa.

               Sinh càng như dai, như ngây,                          
-         Giọt dài, giọt ngắn, chén đầy, chén vơi.

     Hoạn Thư trả thù hai người cho tới khuya, rồi cùng chồng trở về phòng mình. Hoa Nô Thúy Kiều mới được phép về nơi ở riêng. Nàng ngồi một mình, mặc cho dòng nước mắt tuôn như suối:

                Một mình âm ỷ đêm chầy,                                   
-         Đĩa dầu vơi, nước mắt đầy, năm canh.

Hoạn Thư sau màn đánh ghen độc đáo, giờ cũng đã vơi đi nỗi tức giận, hơn nữa nàng cũng thầm phục Thúy Kiều có nhan sắc không thua gì nàng và cũng có học thức như nàng. Theo nguyện vọng của Hoa Nô…, nàng chấp thuận cho Thúy Kiều đi tu với pháp danh Trạc Tuyền, tại Quan Âm Các ở phía vườn sau của nhà nàng. Nàng cho người canh giữ, không cho hai người họ lén lút gặp nhau.

                Quan phòng, then nhặt, lưới mau,              
-         Nói lời trước mặt, rơi châu vắng người.

     Hoạn Thư thử lòng hai người có còn quyến luyến nhau hay không. Nàng giả đò đi về quê thăm mẹ. Bất ngờ nàng quay lại thì bắt gặp Thúc Sinh và Trạc Tuyền hai người đang khóc… Thúc Sinh quá yếu đuối, hèn kém, không đáng mặt đấng mày râu. Vậy mà, cũng giở thói trăng hoa làm khổ cho Thúy Kiều.

-         Sụt sùi giở nỗi đoạn tràng,                             
-         Giọt châu tầm tã, đẫm tràng áo xanh.

     Ni cô Trạc Tuyền lo sợ khi biết Hoạn Thư còn ghen và tiếp tục trả thù. Để giữ thân khỏi chết. Trạc Tuyển bỏ chùa mang theo: chuông vàng, khánh bạc. Trạc Tuyền lại bị bọn buôn người: Bạc hà, Bạc Hạnh, bắt đem bán vào thanh lâu. Nàng gặp Từ Hải và lấy làm chồng. Đang hạnh phúc thì nàng nghe theo lời chiêu dụ của Hồ Tôn Hiến… Nàng khuyên Từ Hải quy hàng triều đình. Bị phản bội, Từ Hải bị giết chết. Nàng sụp lạy trước thi thể Từ Hải, ăn năn khóc lóc:

-         Khóc rằng: “Trí dũng có thừa,                      
              “Bởi nghe lời thiếp, đến cơ hội nầy!”

     Thúy Kiều khóc ai oán, đâm đầu đòi chết theo chồng. Từ Hải uất ức chết đứng, từ từ ngã xuống:

-         Dòng thu như xối cơn sầu,                           
                Dứt lời, nàng cũng gieo đầu một bên.

     Trong bữa tiệc khao quân chiến thắng. Hồ Tôn Hiến bảo nàng tự chọn phần thưởng… Nàng từ chối và nhận lỗi đã giết chồng. Nàng tuyên xưng công trạng của chồng trước mặt kẻ thù:

-         Nàng càng giọt ngọc tuôn dào,                   
                Ngập ngừng mới gởi thấp cao sự lòng.

     Hồ Tôn Hiến trông thấy góa phụ Thúy Kiều càng u sầu càng đẹp, trong lúc có rượu…, Hồ Tôn Hiến bắt Thúy Kiều gãy đờn cho mình nghe. Thúy Kiều ngậm đắng nuốt cay gãy lại khúc đờn bạc mệnh. Đau đớn vì mất chồng, nay lại bị kẻ giết chồng bắt dạo đờn mua vui. Tiếng đờn ngân lên như: thở than, như uất nghẹn, như trách hờn cao xanh… Hồ Tôn Hiến cũng phải rơi châu. Hồ Tôn Hiến lại còn lả lơi với vợ kẻ thù, xin cầu hôn Thúy Kiều. Thúy Kiều từ chối: “Giết chồng mà lại lấy chồng, Mặt nào mà lại đứng trong cõi đời?”. Tỉnh rượu, nhớ lại chuyện mình làm không phải với Thúy Kiều và sợ ảnh hướng tới đường công danh, bèn gã ngay Thúy Kiều cho viên thổ quan. Khi thuyền đưa Thúy Kiều rẽ vô sông Tiền Đường, nhớ lại lời Đạm Tiên, nên nàng gieo mình xuống sông…!

-         Lọt tai Hồ cũng nhăn mày, rơi châu.

     Từ Liêu Dương trở về, Kim Trọng hết sức ngỡ ngàng khi thấy nơi ở của gia đình Thúy Kiều trở thành hoang phế… Và tất cả dời đi chỗ khác. Chàng tìm ra chỗ ở mới của Vương ông:

-         Khóc than kể hết niềm tây:
               “Chàng ôi! Biết nỗi nước nầy cho chưa?”

Kim Trọng cũng than khóc thảm thiết:

                Vật mình vẫy gió, tuôn mưa,
-         Dầm dề giọt ngọc, thẫn thờ hồn mai!
                Đau đoài đoạn, ngất đòi thôi,
-         Tỉnh ra lại khóc, khóc rồi lại mê.

     Kim Trọng sửa sang vườn nhà, mời Vương ông sang ở cùng. Thề sẽ dùng mọi cách tìm kiếm Thúy Kiều, dù phải từ chức làm quan tri huyện để đi kiếm người yêu.

-         Đinh ninh mài lệ, chép thư,
                Cắt người tìm tõi, đưa tờ nhắn nhe.

     Dù Kim Trọng có cố gắng tìm kiếm, nhưng nàng Thúy Kiều vẫn bặc vô âm tín. “Ruột tằm, ngày một héo hon, Tuyết sương ngày một hao mòn mình ve. Thẫn thờ, lúc tỉnh lúc mê,”

-         Máu theo nước mắt, hồn lìa chiêm bao.

     Ông bà Vương ông thấy cảnh Kim Trọng thương nhớ Thúy Kiều mà gầy mòn thân thể. Nhớ lời Thúy Kiều dặn, nên gấp rút làm lễ thành hôn cho Kim Trọng với Thúy Vân.

                Nỗi nàng nhớ đến bao giờ,
-         Tuôn châu đòi trận, vò tơ trăm vòng.

     Thúy Kiều được được hai ngư phủ của sư Giác Duyên cứu sống sau khi nhảy xuống sông Tiền Đường. Trong lúc nửa tỉnh, nửa mê, Thúy Kiều lại được hồn ma Đạm Tiên [lần thứ tư], về báo. Rằng: Thúy Kiều đã được rút tên ra khỏi sổ đoạn trường. Kiếp hồng nhan bạc mệnh đã chấm dứt. Và yêu cầu phải trả lại mười bài thơ đoạn trường khi xưa “Duyên xưa đầy đặn, phúc sau dồi dào!”

     Kim Trọng vâng mệnh vua đi nhậm chức tại huyện Nam Bình, Phúc Kiến. Vương Quan nhận nhiệm vụ mới ở thành Phú Dương, Chiết Giang. Trước đó Từ Hải chết ở Hàng Châu. Nghe tin như vậy, Kim Trọng  - Vương Quan, cùng gia đình đến Hàng Châu tìm Thúy Kiều. Người ta cho hay Thúy Kiều tự tử chết – cả nhà làm đám tang khóc lóc. May là sư Giác Duyên đi qua thấy bài vị của Thúy Kiều bèn nói:

-         “Người còn, sao bỗng làm ma khóc người?”

      Sư Giác Duyên dẫn tất cả về Thảo Am để gặp nàng Kiều. Gia đình đoàn tụ. Thúy kiều vừa mừng, vừa tủi: “Tưởng bây giờ, là bao giờ, Rõ ràng mở mắt, còn ngờ chiêm bao!”.
    
-         Giọt châu thánh thót, quyẽn bào,
                Mầng mầng, tủi tủi, xiết bao sự tình.

     Gia đình sum họp sau mười lăm năm xa cách. Có biết bao nhiêu chuyện phải kể ra cho nhau nghe trong dòng nước mắt vui mừng lẫn đau xót: “Huyên già dưới gối gieo mình,”.
    
-         Khóc than, mình kể sự mình đầu đuôi:
    
     “Từ con lưu lạc quê người, Bèo trôi, sóng vỗ, chốc mười lăm năm! Tính rằng sông nước cát lầm, Kiếp nầy, ai lại còn cầm gặp đây!”. Tiếng khóc trong truyện Kiều tới đây là hết!

     ……..    
     Phôi pha chút phận hồng nhan
     Mười lăm năm ấy, là vàng đấy thôi
     Chiều nay xuống phố ta ngồi
     Chờ em, em ở xa xôi có về.       [thơ TYH]

     “Bất tri tam bách dư niên hậu
     Thiên hạ hà nhân khấp Tố Như” . Cảm ơn thi sĩ Nguyễn Du!

Trang Y Hạ
San Francisco

     Tham Khảo:
-         Từ Điển Truyện Kiều, của Đào Duy Anh
-         Truyện Thúy Kiều, của Nguyễn Du. Bui Kỷ & Trần Trọng Kim hiệu đính. Sách Giao Khoa trước năm 1975.




     Sóng trên sông Tiền Đường
    



    




    

    

    

        
    

    
    

 

    

    





    
    


    
    
      
    





Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét