Thư viện

25/5/20

Người Máy Mần Thơ




 Người Máy Mần Thơ
       (Phiếm Luận)

Trang Y Hạ

     Ở Austraria và ở đại học Canada, từ lâu người ta đã nghiên cứu thành công và sắp cho ra đời các “ông, bà - robot thi sĩ”, nhằm để thay hết các ông bà thi sĩ con người hiện nay.

     Các ông bà thi sĩ người máy “robot” nầy, hằng ngày chỉ lo có mỗi một việc, đó là nghiền ngẫm - ba, bốn nghìn bài thơ được “nạp vô trong bộ nhớ vĩ đại”. Và từ đó các thi sĩ robot, sẽ - trộn trạo, nhào nặn, sàn lọc…, cho ra đời những tác phẩm thơ “hay tuyệt cú mèo” - thơ hay hơn cả - đại thi hào Nguyễn Du, Bùi Giáng, Shakespeares, Apollinaire, Hồ Xuân Hương, Lý Bạch, Đỗ Phủ… Hơn nữa là các ông bà thi sĩ robot làm thơ đã hay mà chẳng cần phải lo chuyện hội đoàn văn thơ, họp mặt -  như các ông bà thi sĩ, con người.

     Nghe tin có thi sĩ robot ra đời. Tôi vô cùng mừng rỡ…! Mừng, là bởi nếu sản xuất quy mô ra hàng trăm nghìn các ông bà thi sĩ robot, thì đương nhiên giá cả ắt sẽ vừa với túi “tiền già, tiền hưu còm cỏi” của tôi. Tôi sẽ ra “The home depot” hoặc đâu đó, mua một bà hoặc một ông thi sĩ, bưng về để trong phòng ngủ - mỗi đêm đêm nghe mấy ổng bả robot mần thơ tình, đọc thơ tình ỏm củ tỏi…, nghe khoái cái lỗ tai. Tôi chỉ ngồi uống rượu, rung đùi thưởng thức… sướng, rêm mé đìu hiu…!

     Mừng thì có mừng. Trong lòng, lo vẫn cứ lo, lo là mấy ông bà thi sĩ robot làm thơ theo tiếng Anh, phổ thông trên thế giới coi như dễ mần, chứ còn mần thơ theo tiếng Việt pha với tiếng Hán Việt, thì chưa chắc mấy ổng bả robot có mần được không đây…? Chưa kể là…, còn biết bao nhiêu: - ẩn dụ, hoán dụ, nhân cách hóa…. Trong thơ còn có: “Thi trung hữu họa. Thi trung hữu nhạc”, vần điệu, luật bằng trắc, lại còn: đối câu, đối ý, đối chữ (ngay trong đối chữ cũng có ẩn dụ, ẩn dụ: danh từ, ẩn dụ động từ, ẩn dụ tĩnh từ). Không biết thi sĩ robot có làm ra được những câu thơ thần, như:

     -Em về mấy thế kỷ sau
      Nhìn trăng có thấy nguyên màu ấy không” (Bùi Giáng)

     Ôi, cái màu huyết dụ, cái màu tồn sinh của “nguyệt” trên trái đất – (khi trồi khi sụt, khi có, khi không). Ông bà thi sĩ robot có biết, có cảm nhận được cái thứ màu ấy chăng?

     -Đáy đĩa mùa đi nhịp hải hà  (Nguyễn Xuân Sanh)

     Trong cái đáy đĩa: tròn… tròn…, cạn… cạn…, con…con…! Vậy mà cớ chi lại có chuyện - mùa đi từng nhịp, từng nhịp qua sông, qua biển ở trong đó vậy? Thi sĩ robot, có nhìn thấy không?

     -Thuyền tình vừa ghé đến nơi
      Thì đà trâm gãy bình rơi bao giờ (Kiều) .

      Câu nầy thi sĩ Nguyễn Du chuyển ý từ câu thơ cổ mà không bị ràng buộc. Đúng là thuộc bậc sư phụ “Nhất phiến tình chu dĩ đáo ngạn. Bình trầm rơi chiết dĩ đa thời”. Thi sĩ robot, có chuyển ý được không?

     -Nắng chia nửa bãi chiều rồi,
      Vườn hoang trinh nữ khép đôi lá rầu. (Huy Cận).

Thi sĩ robot có biết “trinh nữ” là gì không?  Và trinh nữ nào mà rầu tới độ phải khép cái lá kia lại không?

     Có một cậu học sinh gởi email cho tôi, nói rằng: - “Bác giải thích dùm con hai câu thơ đầu, trong bài Ngậm Ngùi, cháu đọc mà không hiểu”. Còn nhiều câu thơ thần của các thi hào thi bá, xưa nay...

     Về ẩn dụ, ẩn dụ thì có hàng trăm phép ẩn dụ - ẩn dụ chìm, ẩn dụ nổi. Người biết mần thơ, ít nhiều cũng phải hiểu ít nhứt vài ba phép ẩn dụ thông thường... Người làm thơ và muốn trở thành thi sĩ, thì hãy đọc hai cuốn sách nói về ẩn dụ và câu cú của Aristotle:

     1- Potics (Thi pháp học)
     2- Rhetoric (Tu từ học).

     Nhằm để biết thêm về cách:

     -Tạo chữ mới - Chữ lạ - Chữ rút gọn – Chữ thông thường - Chữ dùng liên hoàn – Chữ có tính cách trang trí (rác) -  Chữ hoàn toàn xa lạ mà mọi người xử dụng - Chữ làm duyên dáng - Chữ sáng tạo…!

     Thơ là trò chơi “trí tuệ”, chữ ít, lại ẩn giấu nhiều nghĩa… Có thể ví von rằng: thơ là sự trốn tìm. Người đọc thơ cũng phải có tâm hồn mơ mộng như người mần thơ. Đọc, liên tưởng, dò la… - mới nhận ra cái tuyệt vời trong từng chữ, từng câu thơ, mà tác giả ký gởi ý nghĩa của người, của mình vô trong bài thơ. Hoặc tác giả, mượn bài thơ để ám dụ về một bối cảnh lịch sử, địa lý nào đó… Thí dụ như các bài thơ Đường tuyệt vời: “Qua Đèo Ngang” của bà Huyện Thanh Quan. Bài thơ Đường “Thu Điếu” của Tam Nguyên Yên Đỗ - Nguyễn Khuyến. Bài thơ Đường “Cảm Hoài” của Đặng Dung… Đọc thơ cũng giống như nhìn người. Đừng thấy ăn mặc sang trọng, liền đánh giá người đó là trí thức, người tốt… Thơ cũng vậy, bài thơ đọc nghe câu chữ rộn ràng như hùng binh ra trận, nhưng tư tưởng trống rỗng.

     Tổng quát: là phải biết đặt vấn đề, biết dùng trí tuệ - nhận định tất cả sự việc tìm cho ra mặt trái, mặt phải - đúng, sai - chứ không thể: nhìn, và nghe theo một chiều. Hoặc hùa theo tâm lý số đông, (ai sao tui dzậy).

     Tôi lo, là lo cho các ông bà thi sĩ robot có được (cài đặt)  phần trí tuệ đó không? Kinh nghiệm đó không? Để robot thi sĩ mần ra các bài thơ thần cho bá tánh đọc. Tôi không có ý lên lớp, dạy đời.

     Robot thi sĩ - mần thơ; đọc thơ không biết có nhận biết thơ hay, và hiểu ra “tư tưởng” trong bài thơ... Nghĩa là bài thơ đó nói về đề tài nào? Tìm chữ mới lạ; câu ý mới lạ, nhạc điệu mới lạ và cuối cùng luật thơ... Khen bài thơ, bình thơ, là đi tìm thơ…, chứ không thể khen thơ, mà không biết thơ hay ở chỗ nào. Khen, mà không nói rõ “công trạng”, sẽ làm cho người thi nhân cụt hứng! Người thi sĩ, rất thích - người đọc thơ của họ, mà tìm ra được: ẩn nghĩa, ẩn ý… trong thơ.

          Về ẩn dụ: “Ẩn dụ, có nghĩa là quy cho sự vật nào đó một cái tên mà tên này thuộc về một sự vật khác”. Có bốn loại ẩn dụ chính trong hàng trăm loại ẩn dụ khác nhau của Aristotle. Nguyên một cuốn sách dài, chỉ tạm bày ra một số ít… Tôi nghĩ các nhà sản xuất thi sĩ robot sẽ (lập trình) cho robot, hàng trăm loại ẩn dụ, đề dụ (synecdoche) như đã có xưa nay:

     -“Ẩn dụ danh từ - Ẩn dụ động từ - Ẩn dụ Tĩnh từ - Ẩn dụ vị ngữ (predicative) - Ẩn dụ trội (có mặt) in praesentia” - Ẩn dụ phân từ (participe). “ẩn dụ ba hạn từ” (metaphors of three terms). Ẩn dụ trạng từ (phó từ). Ẩn dụ cơ cấu (structural metaphors)…”

     Còn đầy dẫy ẩn dụ nữa… Không biết các ông bà thi sĩ robot, có nhớ hết để mà mần thơ hay không đây? Tôi lo, là lo cho thi sĩ robot mần thơ, sẽ - không hiểu, không cảm nhận được cái “thần” trong  câu thơ của Nguyễn Du

     “Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ”. (Kiều)

     Thi sĩ robot có biết buồn trước cảnh lạ, người lạ không?

Hoặc hai câu thơ của Bùi Giáng:

    “Em đi bên ấy chân tròn khép. Hai ống mơ hồ mỏi một hang”.

     Thi sĩ robot có biết mơ hồ ra cái…(hang) ấy, cái hang ấy đã quá mệt mỏi theo vòng sinh tử không? Hoặc những bài kệ, bằng các thể thơ mang triết lý, tín ngưỡng cao sâu, thí dụ:

     Trong Hán tự, chữ tiền là từ chữ “kim” và hai chữ “qua”- qua có nghĩa là: (giáo và mác), mà hình thành chữ tiền. Có một bài kệ, ý nghĩa thâm sâu:

   “Nhị qua tranh kim sát khí cao,
     Nhơn nhơn nhân tha phạm lao đao.
     Năng hội dụng giả siêu tam giới,
     Bất hội dung giả nghiệt nam đào”.

Nghĩa là:

     Hai giáo tranh tiền sát khí cao,
     Người người vì nó chịu lao đao.
     Biết dùng thì đặng thoát tam giới,
     Không biết dùng khó mà thoát tội. (Volume 6 - Vietnamese Version).

     Tôi lo là lo không biết các ông bà thi sĩ robot có lĩnh hội hết ý nghĩa mang tính thiền học đó, mà mần thơ, dịch thơ.

     Đi tìm “ẩn dụ” là vô vàn khó khăn.

     Người làm thơ thì nhiều, mỗi người Việt Nam là một thi nhân. “Ca dao - Tục ngữ - Thành ngữ - Châm ngôn…”. Tất cả đều do kinh nghiệm từ “lão nông tri điền” mà thành văn... Gọi là văn thơ dân gian truyền khẩu. Có người làm ra cả nghìn bài thơ, nhưng chưa phải là thi sĩ. Để trở thành “thi sĩ” thì - thi phẩm cần phải hội đủ nhiều yếu tố văn học…

     Ở Việt nam kể từ thời “Tự Lực văn Đoàn”, đã chịu ảnh hưởng rất nhiều - ba trường phái văn học Phương Tây:

     -Trường phái: Lãng mạn (romanticism)
     -Trường phái: Siêu thực (Surrealism)
     -Trường phái: New Poetry (thơ mới)

     Hình như…, cho tới tận bây chừ, vẫn còn có một số thi nhân mần thơ theo vài trường phái kể trên. Thơ là mơ mộng… lãng mạn… Tuy nhiên, dù thi nhân có mơ mộng, lãng mạn hay làm mới tới đâu cũng không thể thoát ra khỏi cái vòng cương tỏa của trái đất “vạn vật hấp dẫn của Newton”. Con diều bay bổng trên khung trời lộng gió, vẫn còn phải mắc nợ cái sợi dây. Vậy thì, thơ văn không thể thoát ra khỏi thân phận con người.

     Nền “Đệ Nhứt Cộng Hòa” miền Nam ra đời từ ngày (26.10.1956). Chính phủ chủ trương đưa văn hóa, văn học theo đường hướng “Duy Linh & Nhân Vị”, được nâng lên hàng quốc sách. Các nhà lãnh đạo đề xướng, thực thi phê phán: triết học, luân lý, sử học, giáo dục, văn nghệ… Từ đó “lớp các nhà văn hóa mới” xuất hiện, tách rời thần tính chuyển sang con người hiện sinh để rồi trở thành con người dấn thân… Dòng thơ văn mang âm hưởng triết học - của Camus, của Jean Paul Sartre, của Martin Heidegger, của Nietzsche… Triết lý phân tâm học vật chất của Gaston Bachelard, Cấu trúc luận của Claude Levi Strauuss… Bởi biến cố lịch sử tạo ra những cái mốc thời gian không thể xóa nhòa trong tâm trí con người và văn học Việt Nam - bây giờ và mãi mãi… Do đó, phải chia dòng văn học ra làm hai giai đoạn: 1954 – 1963 và 1964 – 1975. Sau năm 1975 tới nay - lại chia ra thêm một lần nữa. Đó là: Dòng văn học trong nước (CNXH) và Dòng văn học ngoài nước (Tự Do) của những người lưu vong… !

     Trong khi ngồi chờ mấy ông bà thi sĩ robot, cho ra đời những kiệt tác thơ. Không lẽ chúng ta khoanh tay ngồi im chăng? không mần thơ nữa hay sao? Chúng ta tiếp tục mần thơ chứ? Sợ chi mấy ông bà thi sĩ robot đó! Chúng ta đâu có mơ mộng trở thành thi sĩ đâu. (còn ai tự phong thi sĩ thì cứ tự phong). Làm thơ cốt để cho đời thêm vui, giải tỏa bớt nỗi buồn cũng như: tìm bạn hữu để tâm tình; tâm tình qua ý thơ, qua ly trà, qua ly rượu - trong lúc cảm thấy tâm hồn trống vắng… Đơn giản chỉ có vậy thôi mà.

     Tôi nghĩ, con người - từ bây chừ, “mần thơ sẽ không còn hay” bằng các ông bà thi sĩ robot nữa. Sản phẩm công nghệ điện tử, từ từ thay thế trí tuệ con người trên mọi lãnh vực đời sống… Con người buộc phải chấp nhận sự thật. Chấp nhận “thất nghiệp” dài… dài…! Kiện tướng vô địch cờ vua thế giới - người Nga, là ông: Garry Kimovich Kasparov. Ông ta đã đánh cờ vua với “ông” robot, ông đánh không lại ông robot. He…! He…! Ông Kasparov phải đầu hàng vô điều kiện, huống hồ chúng ta là con người mần thơ tay ngang, thiếu dụng cụ, máy móc.

    Mai nầy, dù có mần thơ không hay bằng thi sĩ robot, thì cũng đâu có xấu hổ chi nà. Một “cục sắt thông minh” thôi mà! Phải không các ông bà thi sĩ con người?

    Riêng tôi. Tôi vẫn mần thơ! Dù có ngồi cận kề bên các ông bà thi sĩ robot, tôi cũng mạnh dạn mần thơ… Không răng mô…!

Trang Y Hạ - San Francisco




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét