TẢN MẠN - ĐI NHẬU CHUỒN
Trang Y Hạ
Tui đang định viết vài dòng về ngày “lễ Tạ
Ơn”. Ngày lễ tạ ơn là ngày lễ của người Phương Tây và người Mỹ, họ giết gà tây ăn
mừng rồi xá tội cho gà tây... Ngày lễ tạ ơn của họ chẳng dính dáng chi tới người
Việt.
Trong những năm chiến tranh, người lính Hoa
Kỳ sang tham chiến tại miền Nam Việt Nam (đồng minh), mỗi khi tới ngày lễ tạ ơn
hay lễ giáng sinh họ đều tổ chức mừng lễ trong căn cứ của họ. Tuy rằng vui mừng,
nhưng người lính Mỹ không vui một mình mà san sẻ sự vui mừng đó cho người bản xứ,
(trẻ em)! Một hình ảnh cảm động khi anh Trung sĩ Athur M. McMellon tặng một con
gà tây cho cô bé (Nguyễn Kim Loan), vào dịp lễ tạ ơn - năm một chín sáu lăm. Photo
by Hugh A. Mulligan ( AP). lúc đó cô bé vừa tròn mười hai tuổi, nhìn cô bé Loan
cười rất hồn nhiên bên con gà tây và anh Trung sĩ, cho dù người khó tính hay
thù ghét cũng phải công nhận rằng: đó là một món quà nhân ái, một hình ảnh đẹp,
một khoảnh khắc thiêng liêng không bao giờ phai mờ trong ký ức giữa cô bé Loan và người Trung sĩ Mỹ… Thương thay, “cổ lai chinh chiến kỷ nhân hồi”! Người
trung sĩ Hoa Kỳ đã ra đi vĩnh viễn khoảng một tuần sau trên quốc lộ 13 cách Thủ
dầu Một chừng 20 cây số.
Đang chuẩn bị viết thì điện thoại reo ỏm tỏi…
Tui cầm máy... À, thì ra là lão bạn già. Lão hét: “Thay quần áo mau lên, mười
phút nữa tui ghé chở bạn, đi nhậu: chuồn…! chuồn…!”. Lão nói tắt ngang; lão nói bỏ
lửng kiểu nầy ai mà hiểu - nhậu chuồn là nhậu cái, chi… chi…? Không lẽ nhậu cá
chuồn, cá chuồn mần chi có mà nhậu, hay là cá chuồn ở Quảng Nam do người nhà
lão gởi qua, cũng có thể lắm chứ? Ở biển miền Trung mùa cá chuồn rộ nhứt khoảng
từ nửa tháng năm. Thôi, cứ tới đó rồi hãy hay…!
Dân Quảng Nam như tui, hễ nhắc tới “chuồn”
là nghĩ ngay tới cá chuồn, cá chuồn xanh với các món, như: cá chuồn chiên, cá
chuồn nướng, cá chuồn thính, cá chuồn nấu canh với mít non… Ôi, đủ thứ món từ
con cá chuồn… Ngoài các món cá chuồn đó ra, thì còn có món trứng cá chuồn, món trứng
cá chuồn còn ngon hơn các loại trứng cá khác trên thế giới. Ngon hết chỗ chê. Do
đó mà xứ Quảng Nam tui mới có câu hát:
“Ai về nhắn với bạn nguồn
Mít non gởi xuống cá chuồn
gởi lên”
Câu hát nầy có nhiều khác biệt
tùy theo cách diễn đạt mỗi nơi, như:
“Ai về nhắn với nậu nguồn
Măng le gửi xuống cá chuồn gửi
lên”.
Theo địa lý xứ Quảng Nam hai câu hát trên
đều đúng. Quảng Nam giáp ranh với tỉnh KonTum, măng tre le đầy rừng vào mùa mưa,
còn mít Quảng Nam thì khỏi nói,có cả rừng mít…!
***
Wuhan Corona Virus, làm điêu đứng Hoa Kỳ gần
cả năm nay chưa có hồi kết thúc, nền kinh tế có thể nói là chao đảo… Tôi ở San
Francisco, thuộc tiểu bang Califorina, nơi covid-19 tràn ngập… rồi còn thêm
“BLM và Antifa” tràn ngập… Không khí chính trị ngộp thở bởi tranh cử tổng thống
mà “GIAN LẬN” phiếu bầu… Sự gian lận đại quy mô toàn quốc, lần đầu tiên trong lịch
sử Hiệp Chủng Quốc Hoa Kỳ, còn thống đốc các tiểu bang chẳng khác chi ông vua một
cõi - nay ra lệnh nầy, mai mốt ra lệnh khác chẳng biết đâu mà lần.
Tui nhìn qua kiếng xe, thấy bá tánh ngồi
ăn uống dưới lòng đường bên cạnh dòng xe
lưu thông; bá tánh ngồi ở trong những cái hộp vuông vuông, chật hẹp khép bằng
ván ép, cao ngang rốn. Tất cả đều lộ thiên. Chúng tôi gởi xe xong. Lão bạn nói:
Già đi tìm, chọn một “cái chuồng” hai người ngồi, để nói chuyện cho thoải mái.
Mình đi kêu bia đen đây…! Bây giờ tui mới ngộ ra rằng “nhậu chuồn [g]”, tức là
ngồi nhậu ở trong cái chuồng làm bằng gỗ giống y như cái chuồng dùng để nhốt mấy
con chó chứ chẳng có con cá chuồn nào…! Tui nhìn qua các… chuồng… khác, tui thấy
bá tánh đủ màu da đang nâng ly uống ăn ào ào mà đâu có sợ “covid-19”.
Tui hỏi lão bạn: Này lão già, lão mầy có sợ
covid-19 không? Già như tụi mình mà “dính chấu” là đi luôn vô lò thiêu, người
nhà cũng không hay biết đó nha! Lão bạn tui trả lời tỉnh queo: Sợ chi mà sợ chứ,
ngồi ở trong (cái chuồng) nầy, là: hợp pháp, hợp hiến… con covid-19, nó cũng biết
sợ phạm luật nên không dám xâm nhập bừa bãi… Nhưng một khi nhậu xong đứng dậy đi
ra khỏi cái chuồng cọp nầy mà không đeo cái mask là bị nhiễm covid-19 liền đó
nghe chửa!
… Thì ra là vậy!
Tui hỏi thêm: Vậy tại sao mấy ông bà chủ tịch,
thống đốc biết được ở trong các nhà hàng có con covid-19 cư ngụ mà đuổi thực
khách ra ngồi ngoài trời ăn uống trong bui bặm, nắng nôi lại còn nguy hiểm vì bị
xe tông… (Ở San Jose xe tông vô mấy cái chuồng làm chết người rồi đó?). Người bạn
già nhìn tui, nói: Lão mầy là nhà văn, nhà thơ, sao mà ngây thơ quá vậy. Con
covid-19 là dụng cụ xâm lăng của Tàu, nó với chính trị là anh em ruột... Mùa
covid-19 là mùa để cho dân giàu càng thêm giàu… Luật của Chủ Tịch Hạ Viện và Thống
Đốc là lệnh trời, một khi đã có “chiếu chỉ” ban xuống thì thần dân đố có ai dám
cãi.
Tui nghe lão bạn già nói cũng có lý. Tui hỏi
tiếp: Vậy trong nhà mình đang ở cũng có con covid-19 hử? Lão bạn già của tui lại
nhìn tui, rối phán: Nhà văn, nhà thơ lại lẩm cẩm nữa rồi. Con covid-19 đó dù ở
bên Tàu, nhưng nó đã được học thuộc làu luật pháp Hoa Kỳ, nó xâm nhập gia cư bất
hợp pháp thì trước tiên nó sẽ bị chủ nhà bắn cho nó vỡ sọ, hoặc là chủ nhà kêu
police bắt nhốt.
Nghe lão bạn giải thích cũng có lý...! Tui
hỏi nữa: Con covid chừng nào sẽ hết vậy hử…? Lão bạn già của tui nhìn ly bia
đen thui, đen thủi như… “Kinh Nước Đen” ở Cầu Bông, Sai-Gòn năm xưa, rồi nói: Chuyện
bí mật nầy chắc phải đi gặp người (tập-giữ-bình) mới biết được. Tôi ngơ ngác…không
hiểu người “tập giữ bình” là người nào. Thôi, từ từ sẽ hiểu.
Chừ tới phiên bạn của tui hỏi tui nè: Này
lão nhà văn, nhà thơ đã nhận được chi phiếu $ 1,200 yễm trợ covid-19 của tổng
thống Trump chưa? Đằng nầy nhận lâu rồi. Tui trả lời: Chưa nhận…! Có gọi tới, hỏi
- năm ba lần đều được “thượng cấp” trả lời “Hiện
còn hàng triệu người chưa được nhận tiền”!
Ông bạn già của tui, an ủi: Mai kia mốt nọ…
- rồi cũng sẽ nhận được tiền thôi!
Tui nhìn qua bên kia đường thấy hàng chữ
“Back Lives Matter” treo trịnh trọng trước mặt tiền nhà. Tui nhìn mấy căn nhà kế
tiếp cũng vậy, tui lại thấy người ta gỡ bỏ tất cả các cánh của kiếng rồi thay bằng
ván ép kiên cố có giằng thêm mấy thanh gỗ bự ngang dọc… Một sự kiện khác thường,
chẳng khác gì đang chuẩn bị cho một cuộc chiến tranh sắp diễn ra… Và, cũng từ
trong ngôi nhà có hàng chữ “black lives matter” đó tui thấy hai người, tui nghĩ
họ là một cặp (vợ chồng) da trắng, cỡ trung niên đi ra; kế tiếp là hai người
con gái da trắng nữa, đi ra. Họ xúm nhau lên xe, nổ máy chạy đi…
Lão bạn già của tui hình như cũng đã thấy…
Lão trầm ngâm một lúc rồi nói: Người da trắng là “linh hồn” của black lives
matter & Antifa… Lần bầu cử tổng thống bốn năm sau khỏi phải đi bầu - đã có
cái (Voting Machine Dominion)! Đồng thời, có thể còn có đạo quân âm phủ... Tui hỏi nhỏ ông bạn
của tui: Trong đạo quân âm phủ đó có ông Bao Công không vậy? Ông bạn già của
tui cười ha hả, nói: Câu hỏi rất hay. Đương nhiên “hồn ma” cũng phải là hồn ma -
có danh tiếng, có chức phận chứ. Mình nghĩ: chẳng những có Bao Chuẩn, mà còn có
cả: (Tôn tử, Khương Tử Nha, Hàn Tín, Trương Lương, Phạm Lãi, Khổng Minh, Tiêu
Hà, Mã Viện, Tôn Sĩ Nghị…). Toàn là những ông tai to mặt bự hưởng ứng (làm cố vấn)
đông dzui…, cũng không biết chừng…!
Mùa tạ ơn năm nay, người Mỹ sẽ tạ ơn (…)! Tạ
ơn trong không khí buồn tẻ…! Ngày lễ tạ ơn ở chỗ tui - ảm đạm, và lo sợ đủ các thứ
sợ..., (covid-19 tung hoành, thiết quân luật…). Và buồn hơn là cuộc bầu cử tổng
thống đầy rẫy sự gian lận phiếu bầu khắp trên cả nước Mỹ… Tui không ngờ sự tệ lậu
đó xảy ra trên nước Mỹ tự do dân chủ… Tui đã từng sống và cầm súng trong thời
chiến tranh tại miền Nam Việt Nam, tui đã thấm thía nỗi đau từ sự gian lận,
gian dối và truyền thông phản chiến thổ tả…
Ngày lễ tạ ơn năm nay, tui nghĩ tới anh
Trung sĩ Hoa Kỳ (Athur M. McMellon), anh đã chia mừng ý nghĩa ngày lễ Happy Thanksgiving cùng với cô bé (Nguyễn Kim Loan) ở nơi xa xôi…! Dù là đang trong thời chiến
tranh…! Nhưng đó là sự thật, đó là thanh bình, đó là tâm lòng nhân ái, vị tha…!
*Chuồng = Trại súc vật (Animal Farm). Tiểu thuyết của George Orwell, xuất bản ở Anh vào ngày 17. 8.1945.Sách được dịch ra 70 ngôn ngữ trên thế giới! Ai chưa đọc nên tìm đọc!
CHÍNH TRỊ KHÓ HƠN VẬT LÝ
Theo Hannah Arendt, chính trị
được thiết lập trên dữ kiện thực tế là bởi số đông con người, giải quyết tình
trạng cộng sinh của sự khác biệt. Xét trên phương diện này chính trị phải tôn
trọng tính đa dạng, phức tạp của nhiều quan điểm khác nhau, không phải lúc nào
cũng có thể hòa giải, khước từ sự độc đoán áp chế của cái tự cho là chân lý vô điều
kiện, cào bằng mọi ý kiến bằng cách loại trừ những gì được cho là thiên vị, lệch
lạc, sai lầm nơi chúng. Như vậy chính trị, từ cơ cấu nền tảng cần đến sự tự do,
đến hành động tự trị của các cá nhân với tính cách là khả năng đưa ra những điều
mới mẻ, không bị lập trình bởi cơ chế nhân quả của thế giới.
Khoa học tự nhiên thì dựa
trên nguyên lý nhân quả: nghiên cứu khoa học dựa trên một số giả định: A, B, C
để đưa đến những định đề: X,Y,Z, đó là tác dụng của nhân và quả. Khoa học tự
nhiên vận hành dựa trên giả định có một thực tại khách quan độc lập với tâm trí
con người, tư duy con người có thể hiểu, đạt đến chân lý thuần lý của các sự vật
hiện tượng bên ngoài con người. Trong khi chính trị chỉ giải quyết các sự kiện
có thật (factual truth) liên quan đến những biến cố xảy ra.
Khoa học và triết học thích
hợp với đời sống suy tưởng, còn chính trị thuộc về đời sống hành động. Đây là
hai lãnh vực khác biệt nhau. Người giỏi làm khoa học hay suy tư triết học không
chắc phù hợp mà nhiều khi còn ngây thơ hay nhầm lẫn về chính trị.
Triết gia Heidegger có thời
gian hợp tác với chính quyền Đức Quốc xã đến giờ vẫn là dấu hỏi cho nhiều môn đệ
và những người yêu mến ông; Jean-Paul Sartre ba lần gia nhập rồi rời bỏ đảng CS
Pháp (dù sao Sartre sống ở một nước có tự do tư tưởng - vẫn may mắn hơn Trần Đức
Thảo nhiều !) Jean Paul Sartre phát biểu một câu nói để đời : “Un
anti-communiste est un chien” (chỉ có chó mới chống chủ nghĩa Cộng Sản). Trong
cuộc bút chiến với nhà văn Albert Camus những năm đầu thập niên 1950. Triết gia
Bertrand Russell (Anh) cùng với Jean Pual Sartre lập tòa án quốc tế để xử - cái
gọi là “Tội ác chiến tranh của Mỹ ở Việt Nam”. (Albert Camus cũng gia nhập đảng
Cộng sản Pháp, nhưng nhanh chóng rút ra) nhưng lại không biết đến tội ác của
Mao & Trung Cộng trong “Cách Mạng Văn hóa” và tội ác của Stalin ở Liên Xô,
Ucraina, Đông Âu…?
Các nhà vật lý Oppenheimer,
Niels Bohr và nhiều nhà vật lý người Mỹ khác thời Chiến tranh Lạnh đã lo lắng rằng:
Hoa Kỳ độc quyền sản xuất bom nguyên tử… - nên đã tuồn bí mật (tài liệu) về việc
chế tạo bom nguyên tử cho phía Liên Xô… Phải là sai lầm và ảo tưởng về đạo lý
và chính trị…?
Grenville Clark - một luật
sư nổi tiếng đã hỏi Albert Einstein bên lề một hội nghị ở Đại học Princeton năm
1946: ”Thưa Dr. Einstein, tâm trí của con người đã mở rộng đến mức khám phá ra
được cấu trúc của các nguyên tử mà tại sao chúng ta lại không thể nghĩ ra các
biện pháp chính trị để giữ cho (bom) nguyên tử không hủy diệt chúng ta? ”
Einstein đã trả lời (với một chút chua chát ?) : “Điều đó thật đơn giản, bạn thân mến. Đó là vì chính trị khó hơn vật lý
nhiều.” Hẳn là Einstein cũng thấy chẻ một hạch tâm nguyên tử dễ dàng hơn loại
bỏ một định kiến tư tưởng…!
“Mọi hành động một khi đã được khai triển đều sẽ tuột khỏi tay người khởi
xướng và rơi vào cuộc chơi của vô số tác động qua lại làm nó chệch hướng với mục
đích, và đôi khi còn dẫn dắt nó đến một công dụng trái ngược với chủ đích ban đầu”
(Edgar Morin).
Làm chính trị khó khăn như
thế nên nó quá nguy hiểm nếu người ta hoàn toàn phó mặc nó cho các chính trị
gia! Chính vì vậy mà dẫn tới độc tài, hay chiến tranh.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét