QUÁN CÀ PHÊ DINH-ĐIỀN
(Pleiku)
Thơ: Trang Y Hạ
Mưa mờ mắt mở mơ màng
lần qua lá phố chào hàng cây rung
khi nặng hột khi mưa phùn
ghé Pleiku giấu cái huôn trong người *
Thanh Bình, Diệp Kính, nhiêu thôi
đứ đừ trở gót quán ngồi cà-phê
Dinh Điền đã ở, đã về*
miền xuôi hút cảnh sơn khê trùng phùng
quay vòng chiến địa ung dung
vui tai pháo khạc đì đùng vọng âm
co ro jacket thì thầm
lòi con mắt ngó chầm chầm ai đâu
máy quay đĩa dội thần sầu
Nỗi-Buồn-Hoa-Phượng* - bao lâu hết buồn
Hai-Mùa-Mưa* - nhớ lại tuôn
Chiều-Mưa-Biên-Giới* - giọt luồng qua tâm
cà-phê gõ nhịp hát thầm
mặt phin méo mó tay cầm sút rơi
ván thùng đạn - chế bàn ngồi*
rung rinh tay quẹt lửa mồi capstan
thương người trai tráng xa gần
tụ pleiku trả nợ nần chiến chinh
mùi cà-phê thuốc ấm tình
ngày mai rồi có còn mình nữa không
hỏi lòng người ấy có chồng
hay ngồi ngong ngóng cái mồng một giêng
đứng lên móc túi tính tiền
bàn tay chạm đoạn tơ duyên cuộn tròn.
Trang Y Hạ
Pleiku – 1972
* Dinh Điền cùng tên làng Dinh Điền
* Tên các nhạc phẩm
* Ván thùng đạn, quán dùng làm bàn ghế.
* Hun có nghĩa "vận xui".
- TỪ NGỮ VIỆT CỔ
- Dưới đây là một số từ cổ tưởng chừng vô nghĩa nhưng lại có ý nghĩa rất bất ngờ và thú vị.
- * YÊU DẤU
- Chúng ta vẫn thường nói, em yêu dấu, ‘yêu’ thì hiểu rồi, nhưng ‘dấu’ nghĩa là gì?
- ‘Dấu’ là một từ cổ, sách Đại Nam quốc âm tự vị của Huỳnh Tịnh Của giảng: ‘dấu’ nghĩa là ‘yêu mến’. Từ điển Việt-Bồ-La của Alexandre de Rhodes (1651) cũng giải thích ‘dấu’ là một từ cổ để chỉ sự thương yêu. Ông cho ví dụ: Thuốc dấu là ‘bùa để làm cho yêu’.
- Tục ngữ Việt Nam nói ‘Con vua vua dấu, con chúa chúa yêu’, còn Hồ Xuân Hương trong bài thơ Cái quạt giấy (bài hai) thì viết ‘Chúa dấu vua yêu một cái này’. Có thể thấy, ‘dấu’ và ‘yêu’ là hai từ có ý nghĩa tương đương, ngày xưa dùng hai từ độc lập, nhưng bây giờ ta có thể thấy từ ‘yêu’ vẫn còn được viết hay nói một mình, còn từ ‘dấu’ thì không ai dùng một mình nữa. Giờ đây, thay vì ‘anh yêu em’ mà nói ‘anh dấu em’ thì không khéo lại bị hỏi ‘anh giấu cái gì?’.
- * CHỢ BÚA
- Trong từ ‘chợ búa’ thì ‘búa’ có nghĩa là gì?
- ‘Búa’ trong ‘chợ búa’ chắc chắn không liên quan đến cái búa để đốn cây rồi. Tuy còn nhiều ý kiến khác nhau, nhưng ý kiến được xem là vững chắc nhất thì cho rằng ‘búa’ là âm xưa của chữ [铺], âm Hán Việt hiện đại là của chữ này là ‘phố’, nghĩa là cửa hàng, là nơi buôn bán. Chợ búa nói chung là nơi người ta tụ tập mua bán. ‘Búa’ trong tiếng Việt hiện đại đã dần mất nghĩa và không dùng độc lập, nhưng nếu nói nó vô nghĩa thì không đúng. Tiếng Việt có rất nhiều từ cổ bị mất nghĩa khi đứng một mình, nhưng chúng không vô nghĩa.
- * GẬY GỘC
- Người ta nói ‘gậy gộc’, ‘gậy’ thì hiểu rồi, còn ‘gộc’? ‘Gộc’ là từ mà hiện nay đã không còn nghĩa độc lập. Tiếng Hán, ‘gộc’ là chữ này [㭲]. Sách ‘Đại Nam quốc âm tự vị’ của Huỳnh Tịnh Của giảng: ‘Gộc’ là ‘cây củi có khúc đẩn(?) mà lớn’ và cho ví dụ ‘ông gộc’ là người già cả hơn hết hoặc làm lớn hơn hết trong một xứ. Cũng có tài liệu giảng ‘gộc’ là ‘đoạn gốc của cây tre, cây vầu’ hay có nghĩa là ‘to lớn’. Theo đó, gậy gộc nghĩa là những cây gậy lớn, thường dùng để đánh nhau.
- * HỎI HAN
- Mình hay nói ‘hỏi han’ nhau, ‘hỏi’ thì rõ nghĩa rồi, vậy ‘han’ có nghĩa không? Tương tự như ‘gậy gộc’, ‘hỏi han’ không phải là từ láy mà là từ ghép đẳng lập, trong đó cả ‘hỏi’ và ‘han’ đều có nghĩa. Đại Nam quốc âm tự vị của Huỳnh Tịnh Của giải thích: ‘han’ nghĩa là ‘hỏi tới’, ‘nói tới’. Theo đó, ‘hỏi han’ nghĩa là hỏi một việc gì đó, hỏi tới hay nói tới một việc nào đó. Truyện Kiều của Nguyễn Du từng dùng ‘han’ như một từ độc lập, không dính đến từ ‘hỏi’, trong câu:
- “Trước xe lơi lả han chào,
- Vâng lời nàng mới bước vào tận nơi’ (Phần Kiều rơi vào tay Tú Bà và Mã Giám Sinh). ‘Han chào’ chính là chào hỏi.
- * TO TÁT, TUỔI TÁC
- Khi mình nói về một chuyện gì đó ‘to tát’ thì ‘tát’ có nghĩa là gì? ‘To tát’ không phải là từ láy mà là từ ghép, cả ‘to’ và ‘tát’ đều có nghĩa. Tuy nhiên, ‘tát’ ở đây là một minh chứng cho hiện tượng dùng sai nhiều thì thành đúng trong ngôn ngữ. ‘Tát’ đúng ra phải dùng là ‘tác’.‘Tác’ nghĩa là lớn, ta thường gặp qua từ ‘tuổi tác’. Khi nói ‘tuổi tác’ thì đã mang nghĩa lớn tuổi, già rồi. Tuy nhiên, ngày nay mình hay nói ‘tuổi tác đã lớn’, cách nói này xét về nguồn gốc thì không đúng, bị lặp từ. Do trong quá trình xử dụng đã có nhiều biến chuyển, nên ‘tuổi tác’ thường dùng để chỉ tuổi. Thậm chí tuổi còn nhỏ cũng dùng ‘tuổi tác’, ví dụ: ‘Tuổi tác còn nhỏ’, ‘tuổi tác mới có bây lớn’,… Riêng từ ‘to tác’ để chỉ cái gì đó lớn thì đã dùng thành ‘to tát’. Tuy nhiên, để viết đúng chính tả tiếng Việt hiện đại thì mình vẫn cứ dùng ‘to tát’.
- * CẦN CÙ
- Có câu, ‘cần cù bù thông minh’, ‘cần cù’ là từ láy hay từ ghép? ‘Cù’ có nghĩa gì không? ‘Cần cù’ là từ ghép, cả ‘cần’ và ‘cù’ đều có nghĩa. Đây là từ gốc Hán, viết là 勤劬. ‘Cần’ là siêng năng chăm chỉ, ‘cù’ là khó nhọc, vất vả. Chữ ‘cù’ này còn xuất hiện trong từ ‘cù lao’ (劬劳) chỉ công ơn cha mẹ (thường nói chín chữ cù lao). Truyện Kiều có câu:
- “Duyên hội ngộ, đức cù lao.
- Bên tình bên hiếu bên nào nặng hơn”.
- Không nên nhầm lẫn từ ‘cù lao’ này với từ ‘cù lao’ chỉ cồn đất/cát nổi lên giữa sông do phù sa bồi lắng.
- * BẾP NÚC
- – Bếp là nơi nấu ăn;
- – Núc là ‘đồ đắp bằng đất thường làm ra ba hòn, có thể bắc nồi nấu ăn’, cho nên có thể hiểu núc chính là ông Táo. (theo Huỳnh Tịnh Của, Đại Nam quốc âm tự vị)
- * THÊU THÙA
- ‘Thêu thùa’ là từ ghép tổ hợp (hay ghép đẳng lập), trong đó cả thêu và thùa đều có nghĩa
- – Thêu là dùng chỉ màu đính lên bề mặt vải làm ra hoa văn;
- – Thùa là kết chỉ thêm, làm cho đẹp thêm.
- Về cơ bản thì thêu và thùa giống nhau, đều là hành động thêm hoa văn trang trí trên vải vóc cho đẹp. Nhưng thùa đôi khi còn có nghĩa là hành động mạng lại chỗ vải bị rách cho đẹp.
- * VẢI VÓC
- ‘Vải vóc’ là một từ ghép với chữ ‘vóc’ cũng có nghĩa:
- – Vải là chỉ bông hoặc đồ dệt bằng chỉ bông;
- – Vóc là một xấp hàng lụa vừa đủ một quần là sáu thước may. Ngày nay thì vải không nhất thiết là dệt bằng chỉ bông mà có thể dệt bằng nhiều chất liệu khác. Còn vóc thì ít khi thấy dùng một mình nữa, người ta thường lầm tưởng ‘vải vóc’ là từ láy.
- Bâng Khuâng
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét