Thư viện

8/5/24

TIẾNG KHÓC - THÚY KIỀU

 


TIẾNG KHÓC – THÚY KIỀU

     Tùng tùng trống đánh ngũ liên,
     Bước chân xuống thuyền nước mắt như mưa.
(Lính thú thời xưa)

Trong cuộc sống với muôn hình vạn trạng, từ thiên nhiên cho tới con người - đã và đang xảy ra hằng ngày như: động đất, bão lũ, dịch bệnh, chiến tranh, tai nạn, vu vạ, hận tình, hận đời, tang thương… Khóc là chuyện không thể thiếu trong cuộc đời mà con người sinh ra ở trong cuộc đời là nhân tố đối diện với thiên nhiên để tồn tại và sinh sôi nẩy nở.

Thực ra, thì con người, từ thuở mới lọt lòng mẹ thì đã khóc; lớn lên gặp trắc trở trong cuộc sống cũng khóc, khóc cả đời. Trong cuốn “Chinh Phụ Ngâm” của tác giả Nguyễn Gia Thiều có câu: “Thảo nào khi mới chôn nhau, Đã mang tiếng khóc ban đầu mà ra.”!

Khóc là một hiện tượng sinh lý, nước mắt thuộc nhân loại học, tâm lý học. Nước mắt rơi đó là hiện tượng của tâm linh. Nước mắt là hiện tượng sinh lý được sản xuất qua hạch tuyến lệ. Nước mắt có vị mặn, đó là chất muối làm trơn; chất muối nầy làm cho nhãn cầu ẩm ướt không bị không khí nắng gió làm khô rát, chất muối làm trôi đi hết bụi bặm li ti trong mắt. Trong chai thuốc nhỏ mắt nhà điều chế dược phẩm đều có ghi thành phần muối. Nước mắt chứa đựng các chất diệt vi khuẩn nhẹ (lysozyme) một loại enzyme tức là protein, một (chất hữu cơ) diệt các loại vi trùng. Trong nước mắt chứa đựng các hóa chất manganese, nhiều nhứt là prolactin, chất điều hợp kích thích sản xuất ra sữa. Manganese và prolactin, khi khóc, hai chất nầy sẽ làm giảm sự căng thẳng giúp cơ thể quân bình cảm thấy dễ chịu hơn và dễ ngủ.

Bỏ ra ngoài cái lợi về sinh lý thì tiếng Khóc cũng là ngôn ngữ truyền đạt thông tin, như trẻ con khóc đòi ăn, đòi uống, đòi bú hay bị nóng lạnh... Người lớn khi gặp hoàn cảnh bế tắc hoặc bị đe dọa tới tính mạng cũng khóc la lên để cầu xin hầu mong được cứu thoát. Trong tâm lý học thì nước mắt được tạo ra bởi xúc cảm hạnh phúc, cảm giác đột ngột, hay đau buồn... Ngôn ngữ khác nhau là rào cản cho sự truyền đạt. Ngược lại nước mắt là mối giao cảm dễ biết dễ nhận thấy để thấu cảm. Nước mắt nơi người lớn khóc chính là mối dây tình cảm đối với người chung quanh. Vậy đàn ông, đàn bà không có gì phải đáng xấu hổ.

các loài động vật có khóc hay không? Khóc về sinh lý? Đề tài nầy các nhà nghiên cứu lâu nay vẫn còn đang tranh luận... Tuy nhiên dòng họ loài voi, có khóc khi có một con trong bầy bị chết. Loài hắc tinh tinh (chimpanzees) cũng khóc. Lịch sử ghi lai khi Hưng Đạo Vương dẫn quân đi tới bờ sông Hóa Giang thì con voi của ngài đang cỡi không may bị sa lầy, quân sĩ và dân trong làng tìm mọi cách kéo con voi lên nhưng bất thành vì nước thủy triều dâng lên nhanh. Con voi nhìn ngài Hưng Đạo nước mắt chảy ra. Hưng Đạo Vương sợ quân sĩ mềm lòng, Ngài trỏ tay xuống bến sông mà thề rằng “Chuyến nầy không phá tan giặc Nguyên thề sẽ không trở về bến sông nầy nữa”. Đó là lời thề sông Hóa Giang vẫn còn vang vọng suốt trong chiều dài lịch sử chống ngoại xâm và các thế hệ tiếp nối. Tiếng khóc của con voi đã biến đau buồn thành khí thế hùng dũng cho ba quân tướng sĩ và đã đem lại chiến thắng.

Tiếng khóc sụt sùi của ông Nguyễn Trãi khi đưa tiễn cha bị giặc Tàu bắc đưa về nước nơi quan ải. Ông Nguyễn Phi Khanh quay đầu lại nói với con trai rằng: “Con lẽo đẽo đi theo cha khóc lóc mà có ích gì? Con hãy trở về mà lo trả thù cha và rửa hận cho nước”. Bậc trung thần, bậc trung can nghĩa khí đã biết dùng tiếng khóc như một thứ vũ khí có lợi cho quê hương đất nước, họ không để cho tiếng khóc làm yếu lòng dẫn tới suy sụp tinh thần.

Danh họa Leonardo da Vinci (1452 – 1519), trong một bức họa, ông vẽ một bức tranh cho thấy ống dẫn lệ xuất phát từ trái tim. Vua David trong cơn đau buồn đã nói: “Ta mệt mỏi với lời than vãn suốt đêm. Ta làm ướt sũng chiếc giường bằng nước mắt của ta; ta đổ nước mắt trên mệm ghế. (Thánh vịnh 56: 8). Văn sĩ Voltaire (Pháp) ở thế kỷ thứ mười tám viết trong cuốn sách Từ Điển Triết Học: “Nước mắt là ngôn ngữ thầm lặng của đau buồn”. Và Saint Exupéry viết trong cuốn Le Petit Prince (Hoàng Tử Bé) “Vương quốc của nước mắt là nơi bí ẩn như thế đấy”.

Chúa Gie-su, cũng khóc. Trong Kinh Thánh Tân Ước, ghi: “Khi ngài đi vào thành Gie-ru-sa-lem, ngài thấy thành thì ngài khóc về nó, vì biết rồi đây, thành sẽ không còn nữa, bởi quân thù sẽ phá hủy nó” Và “Khi chúa Gie-su gần đến thành, thấy thì khóc về thành”. (Lu ca, chương 19, câu 41.).

Nước mắt là tình yêu, nước mắt là một dấu hiệu của tình yêu. Và nước mắt chính là món qùa quý giá mà Thương Đế đã trao tặng cho con người kể cả súc vật.

Tuy nhiên, có nhiều “kiểu” khóc khác nhau - Có người khóc lóc kêu gào rất là thảm thiết! Có người khóc âm thầm lặng lẻ trong đêm khuya thanh vắng! Có người khóc bằng cách nuốt nước mắt vô lòng để rồi u uẩn sinh ra bịnh mà chết! Có người quay mặt đi chỗ khác mà khóc! Có người khóc vì gia cảnh quá túng quẫn! Có người xem phim, truyện cũng khóc! Có người vui mừng quá cũng khóc! Tiếng khóc nào cũng đem tới sự buồn bã, thê lương ảm đạm - nhứt là khóc cho người thân, bạn hữu lúc qua đời...! Trong một đời người, ít nhất ai cũng phải trải qua một vài lần khóc than như vậy mà không có cách chi tránh khỏi.

Người ta khuyên rằng: buồn thì cứ việc khóc, khóc cho vơi đi bớt đau đớn tinh thần lẫn thể xác, sau khi khóc thì sẽ dần dần rơi vào trạng thái buồn ngủ… Người ta cũng chê rằng đàn ông không được khóc, không nên khóc - khóc là yếu đuối là giống đàn bà con gái chưa đáng mặt làm trai, chưa đáng mặt anh hùng. Thử hỏi một khi tận mắt chứng kiến sự tang thương mất mát thì xúc cảm của nam nữ có khác gì nhau đâu? Tại sao lại úy kỵ tiếng khóc đối với đàn ông? Dù không khóc thành tiếng thì họ cũng rưng rưng ngấn lệ (quay đi chỗ khác mà khóc, khóc thầm)! Trong “Tam Quốc Chí”. Lưu Bị là đấng anh hùng một cõi cũng rơi lệ như thường kia mà! Bởi vậy mới có thành ngữ “khóc như lưu bị”.

Thi sĩ Trần Tử Ngang (661-702) Thời Đường cũng khóc trong bài:
Đăng U Châu Đài Ca
Tiền bất kiến cổ nhân
Hậu bất kiến lai giả
Niệm thiên địa chi du du
Độc sảng nhiên nhi thế hạ.

Trước thì chẳng thấy người xưa
Sau thì người mới vẫn chưa thấy mà
Ngẫm trời đất rộng bao la
Một ngồi thương cảm lệ sa hai hàng.
Trang Y Hạ, (Tạm dịch).

Hãy Nghe Thúy Kiều Khóc:


Trong truyện Kiều, tiếng khóc cũng rất đa dạng phong phú theo nhiệp điệu, theo tầng suất của các diễn biến xảy ra. Anh chàng Kim Trọng khóc thê lương, khóc thảm thiết, khóc ai oán bởi mất đi một người đẹp, một hồng nhan tri kỷ đã thề non hẹn biển là nàng Thúy Kiều. Anh chàng Thúc Sinh tài hoa, thích trăng hoa cũng khóc sượt mướt; khóc một cách quá tủi hổ khi bị vợ cả là Hoạn Thư bắt người yêu Thúy Kiều của mình làm Hoa Nô mà không nghĩ ra cách gì để cứu nàng, cứu mình.


Đọc truyện Kiều chúng ta tiếng khóc, nhiều gấp hai lần tiếng cười, ngẫm nghĩ ra cũng đúng thôi. Thúy Kiều khóc vì phải bán mình chuộc cha, tiếng khóc còn lây sang cho những người chung quanh, tới - Mười Một Người . (Tiếng khóc của Thúy Kiều nếu suy nghĩ để hiểu rộng ra thì đó chính là tiếng khóc than cho một xã hội suy tàn của chế độ nhà Minh lúc bấy giờ). Thời phong kiến thân phận người phụ nữ bị rẻ rúng, bị coi thường thậm chí xem như một món hàng trao đổi… Đó cũng là tiếng khóc; tiếng khóc được nhân cách hóa “bốn dây như thở như than”. Và Nguyễn Du với một câu tám chữ mà chở tiếng khóc tới hai lần. “tỉnh ra lại khóc, khóc rồi lại mê”.
…….
Kiều ơi, em khổ một đời
Họa vô đơn chí lầm người bán tơ
Ba trăm năm ngỡ phai mờ 
Hồn em lảng vảng dật dờ làm chi.
Trích thơ (Trang Y Hạ).


Trong truyện Kiều, các nhân vật góp cho tiếng khóc, gồm có: “Người Khách Viễn Phương”, người nầy là nhân vật thoạt tới, thoạt đi, nhưng để lại tiếng khóc đa tình lãng mạn và cũng là tiếng khóc đầu tiên. Một [1] lần. Tuy rằng chưa gặp mặt “người trong mộng” mà người khách viễn phương - không biết ở phương trời nào lại xưng hô với Đạm Tiên là… “mình”! Xưng mình đồng nghĩa như tình vợ chồng. Đồng thời bỏ tiền mua quan tài lo chôn cất nàng Đạm Tiên chu đáo và khóc than thảm thiết.

(Thuyền tình vừa ghé đến nơi. Thì đà trâm gãy bình rơi bao giờ)! “Nhất phiến tình chu dĩ đáo ngạn, bình trầm rơi chiết dĩ đa thời”.

Tiếng khóc tiếp theo: Cây Đàn chỉ khóc một [1] lần. Vương bà khóc sáu [6] lần. Vương ông khóc bảy [7] lần. Thúy Vân và Vương Quan mỗi người khóc bốn [4] lần. Kim Trọng khóc tới chín [9] lần . Thúc Sinh khóc mười [10] lần. Ai cho rằng đàn ông không khóc vì tình? Từ cổ chí kim có anh hùng nào thoát qua khỏi ải mỹ nhân đâu?!


Nàng Thúy Kiều khóc tới hai mươi tám [28] lần. 

Đoạn trường một cuộc phân ly
Đời em đã thấm sử thi Tiên Điền
Cái vòng thế sự đảo điên
Nợ tình chưa dứt lụy phiền lại mang.
Trích thơ (Trang Y Hạ).


Trong mười lăm năm [15] lưu lạc phương người… Thúy Kiều có: Hai mươi tám [28] lần khóc; khóc như vậy kể ra cũng còn quá ít, biết đâu trong những đêm khuya trằn trọc không ngủ được…, Thúy Kiều phần nhớ gia đình, phần nhớ Kim Trọng, phần lo nỗi mình rồi để cho những giọt nước mắt tuôn rơi thấm gối mà thi sĩ Tiên Điền không biết, nên không thể viết ra…! Người xưa nói: Bất kinh nhất phiên hàn triệt cốt. Chẩm đắc mai hoa phác tỵ hương” (Không qua một phen lạnh thấu xương. Sao được hoa mai tỏa ngát hương).

Thúy Kiều khóc nhiều thì cũng phải thôi. Nàng thương cho đời nàng bị bán đứt, bán đoạn cho người ta để lấy tiền chuộc cha, số tiền đó cha nàng và gia đình nàng đâu có được hưởng đồng nào mà lọt hết vô túi của bọn quan tham. Trong mười lăm năm lưu lạc bị bọn tú bà, bọn du côn khai thác tấm thân nàng để lấy lời, nàng đâu có được trả thêm đồng nào để dành dụm cho bản thân, nàng muốn gửi chút tiền về cho mẹ cũng đành chịu. Trong mười lăm năm dài đăng đẳng Thúy Kiều làm ra cho bọn tú bà biết bao nhiêu là tiền, họ khai thác tấm thân nàng cạn kiệt, và có thể nói gấp hàng trăm, hàng ngàn lần số tiền nàng bị bán để chuộc cha. Do đó nàng Thúy Kiều đành lấy nước mắt để an ủi thân phận cá chậu chim lồng.

Thúy Kiều bán mình nếu tính theo tuổi, lúc đó nàng chỉ mới (mười lăm tuổi). Tính theo Kinh Lễ “Nữ tử thập hựu ngũ niên nhị kê”.


Trong Truyện Kiều có cả thảy bảy mươi ba [73] lần khóc ở trong năm mươi mốt [51] câu thơ. [Có một [1] câu thơ là cây đờn khóc. Vậy tổng cộng trong truyện Kiều, có - năm mươi hai [52] câu thơ khóc. Sở dĩ khóc nhiều như vậy vì vài ba câu có nhiều người cùng nhau khóc.


Năm mươi hai [52] câu thơ Có tiếng khóc như sau:


Một người khách phương xa vốn đa tình, đa cảm nhưng lại có một tâm lòng bao dung rộng rãi… Người khách phương xa ấy cảm thương nàng Đạm Tiên một kỹ nữ tài sắc mà chết yểu. Tiếc thay, bởi vô duyên số nên chàng không được gặp mặt giai nhân. Người khách phương xa đã cất tiếng khóc đầu tiên trong truyện Kiều. Một cuộc gặp gỡ không thành đã gây sóng gió, mưa bão bằng những giọt lệ thương đau.

Chúng ta hãy nghe tiếng khóc:

1 - Khóc than khôn xiết sự tình,
Khéo vô duyên bấy là mình với ta.


Nàng Thúy Kiều, trong một buổi chiều đi dự lễ thanh minh cùng với hai em, Thúy Vân và Vương Quan, nàng nhìn thấy ngôi mộ hoang tàn, quạnh hiu, đề tên “Hiệu Thư Lưu Đạm Tiên Chi Mộ”, ngôi mộ không hương khói, cỏ mọc um tùm mà chạnh lòng thương cảm…! Vương Quan kể rõ sự tình rằng: ngôi mộ hoang đó là của nàng kỹ nữ Đạm Tiên tài sắc xứ kinh đô hoa lệ khi xưa. Bởi vắn số mà chết... Được nghe nguyên do như vậy nên Thúy Kiều động lòng trắc ẩn khi nghĩ tới phận mình cũng là phận nữ nhi chẳng biết vận mệnh sau nầy rồi sẽ ra sao…? Vốn đa sầu, đa cảm…! Nàng khóc than trước mộ Đạm Tiên:


Lòng đâu sẵn món thương tâm,
2 - Thoắt nghe Kiều đã đầm đầm châu sa.


Thúy Kiều thắp hương lâm râm khấn nguyện trước mộ Đạm Tiên hồi lâu… Mặt mày nàng ủ dột, nước mắt tuôn rơi lả chả… ! Nàng còn rút cây trâm đề thơ Vạch da cây, vịnh bốn câu ba vần” .


Lại càng ủ-dột nét hoa,
3 - Sầu tuôn đứt nối, châu sa vắn dài.


Thơ vịnh như sau:

Phiên Âm:
Sắc hương hà xứ dã,
Bằng điếu thống tâm tai.
Minh nguyệt lãnh loan bi,
Ám trần phong kính đài.
Ngọc tuy hoàng thổ oánh,
Danh vị bạch tuyết mai.
Thượng hữu như miên tửu
Vô nhân điện nhất bôi.
DỊCH:
(Hương sắc còn đâu nữa,
Viếng mộ mà chạnh lòng.
Chăn uyên đêm nguyệt lạnh,
Lớp bụi phủ gương trong.
Ngọc dẫu bùn đen lấp,
Danh chưa tuyết trắng phong.
Ví còn ao rượu đó,
Ai tế một tuần không).


Nàng Kiều còn đề vài ba bài thơ nữa… Và nàng lại khóc như mưa…! Em nàng, Thúy Vân thấy chị mình bi lụy mà bất bình:


Vân rằng: Chị cũng nực cười,
4 - Khéo dư nước mắt khóc người đời xưa.


Người mà có: tài hoa, đức độ, có lòng thương người, cứu người thì cũng nên khóc và tưởng nhớ tới họ. Theo quan niệm: “hồng nhan đa truân -  hồng nhan bạc mệnh”. Thúy Kiều liên tưởng tới số phận của mình sau nầy mà bi lụy, lo lắng: Nỗi niềm tưởng đến mà đau. Thấy người nằm đó biết sau thế nào”. Bởi vì lý do đó, mà Thúy Kiều không nghe lời em gái Thúy Vân… Nghĩa trang về chiều âm u rờn rợn, âm khí nặng nề, đường về quê thì còn xa lơ xa lắc… Thấy vậy, Vương Quan mới nói: “Cớ sao chị lại vận vào chuyện không hay cho mình”. Vương Quan cũng không thuyết phục được người chị. Bất chợt một cơn gió lạnh thổi ngang qua mang theo mùi hương thơm ngát, cây nghiêng, lá rụng bay phất phơ trong trời chiều… Ba chị em nhìn nhau mà không biết chuyện gì, do đâu mà có hương thơm tràn tới giữa buổi chiều tà? Thúy Kiều nghĩ rằng: hồn Đạm Tiên đã linh ứng để Đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu” với mình. Và, nàng nghĩ tới ông thầy tướng số lúc xưa (đoán về số phận) đã tác động vào lòng nàng câu “hồng nhan bạc mệnh”. Nhớ từ năm hãy thơ ngây, Có người tướng sĩ đoán ngay một lời: Anh hoa phát tiết ra ngoài, Nghìn thu bạc mệnh, một đời tài hoa”!

Thúy Kiều cảm nhận ra rằng Đạm Tiên đã hiển linh… Nàng xưng hô với Đạm Tiên như tình chị em, dù là cách biệt âm dương.

Do sự ám ảnh từ lời tiên đoán của thầy tướng số, đồng thời thuở bé nàng cũng sáng tác “Bản Đờn Bạc Mệnh”. Khúc bạc mệnh đã ăn sâu vô trong tiềm thức và đeo đẳng Thúy Kiều trong suốt mười lăm năm phiêu bạt giang hồ chịu không biết bao nhiêu khổ lụy cho thân gái dặm trường.


Lần thứ nhất:  Bản đờn bạc mệnh, Thúy Kiều đã đờn cho Kim Trọng nghe và hai người đã thề non, hẹn biển cùng nhau đi tới hạnh phúc: “Khi tựa gối, khi cúi đầu, Khi vò chín khúc khi chau đôi mày”! “Rằng hay thì thật là hay, Nghe ra ngậm đắng, nuốt cay thế nào”. 


Lần thứ nhì: Bản đờn bạc mệnh - trong phận người hầu “Hoa Nô”…! Thúy Kiều đờn phục vụ cho ông bà chủ là (Thúc Sinh - Hoạn Thư). Tiếng đờn thê lương, ảm đạm, éo le khiến cho người nghe là Thúc Sinh cũng như Kiều tan nát cả tâm lòng

5 - Bốn dây như khóc, như than.
Khiến người trong cuộc cũng tan nát lòng.
Cũng trong một tiếng tơ đồng,
6 - Người ngoài cười nụ, người trong khóc thầm.
7 - Giọt châu lã chã khôn cầm,
8 - Cúi đầu, nàng những gạt thầm giọt sương. 
Lần thứ ba. Thúy Kiều lại đờn “Khúc Bạc Mệnh” cho Hồ Tôn Hiến nghe trong bữa tiệc rượu khao thưởng chiến công sau khi phục binh giết chết Từ Hải, chồng của nàng. Hồ Tôn Hiến khi nghe tiếng đờn bi ai não nuột của người góa phụ cũng không cầm được nước mắt, dù đang là trong bữa tiệc khao thưởng chiến công: “Một cung gió tủi, mưa sầu, Bốn dây nhỏ máu năm đầu ngón tay. Ve ngâm, vượn hót, nào tày.”.

9 - Lọt tai, Hồ cũng nhăn mày rơi châu.


Xét về lý, thì có thể nói: Thúy Kiều đã phạm vào tội “giết chồng”. Bởi Hồ Tôn Hiến đã “mua chuộc” Thúy Kiều, để Thúy Kiều khuyên Từ Hải ra hàng triều đình (Triều đình phong kiến lúc bấy giờ vẫn xem Từ Hải là “giặc” nổi loạn), đã nhiều lần muốn đem quân chinh phạt, nhưng lần nào cũng không thành. Thúy Kiều đã mắc mưu. Từ Hải là tướng nên trong lòng cũng biết - về hàng là tương lai mờ mịt, nhưng Từ Hải cậy sức mình… “Bó thân về với Triều đình, Hàng thần lơ láo, phận mình ra chi, Sao bằng một cõi biên thùy, Sức nầy ai dễ làm gì được ai”. Tuy nói Thúy Kiều (giết chồng). Trong chính sử Triều Minh không nhắc gì tới Thúy Kiều.

(Từ Vị, vị quan tham mưu cho Hồ Tông Hiến. Từ Vị dâng kế bắt Từ Hải bằng cách chiêu dụ Từ Hải ra hàng rồi giết thì có nhắc tới Thúy Kiều).

Chờ người tâm chở từ bi.
Chờ người mong mỏi ngồi lỳ quán xiêu.
Đạm Tiên trắng bệt sương chiều,
Thúy Kiều có cả bao điều như không.
Trích thơ (Trang Y Hạ)


Xét về tình, thì Thúy Kiều chẳng có lỗi lầm gì. Từ Hải đã chấm dứt chuỗi ngày dài phong trần khổ ải của nàng. Từ Hải đã cho nàng sự vinh quang của một “mệnh phụ phu nhân”, lại còn giúp nàng “trả thù” bọn buôn người đã hành hạ nàng. Nàng mong mỏi ngày trở quê nhà bằng danh chánh ngôn thuận làm rạng rỡ gia đình. Nàng mong mỏi chấm dứt những tháng năm lang bạc nơi xứ người cơ cực đầy tủi nhục…! Nguyện vọng tha thiết quay về cố quận, bất cứ ai cũng mong ước chứ không riêng Thúy Kiều. 
Thúy Kiều cùng các em đi dự lễ Thanh Minh xong, trở về nhà thì đêm đã khuya. Đêm đó Thúy Kiều nằm mộng thấy hồn ma Đạm Tiên [coi như gặp lần thứ nhì]. Đạm Tiên nói cho Thúy Kiều rằng: - “Chị đã đọc bài thơ rất hay của em và đã báo cho bà chủ “Hội Đoạn Trường” ở cõi âm và đã  ghi tên em vô “Sổ Đoạn Trường”. Đạm Tiên còn ra cho Thúy Kiều mười đề thơ mới, để Kiều làm. Và ngay trong đêm Kiều đã làm xong mười bài thơ trong giấc mộng… Tỉnh ra Kiều còn ngơ ngác… “Đoạn trường sổ, đoạn trường thơ” đã buộc vào đời nàng với mười lăm năm tha hương. May mà còn giữ được mạng sống để về đoàn tụ cùng gia đình.


Thử đọc bài thơ thứ nhất trong mười bài của Thúy Kiều:


Tích Đa Tài
Uyên tiên bất nhẫn tài
Hợp hoan niên niên vị nhân phổ
Tự thân chỉ bả tương tư oai
Tương tư oai, tích đa tài.”
Dịch:
(Tiếc Cho Tài:
Tờ oanh chẳng đoái hoài
Hợp hoan ngày tháng bỏ cho ai?
Riêng mối tương tư vẫn kéo dài
Vẫn kéo dài, tiếc cho tài.)
[...]
Thúy Kiều mộng thấy Đạm Tiên, mà trong những đêm kế tiếp trong lòng bần thần lo lắng, thở dài, không ngủ được:


Một mình lưỡng lự canh chầy
Đường xa nghĩ nỗi sau nầy mà kinh.


Nỗi riêng lớp lớp sóng giồi
10 - Nghĩ đòi cơn, lại sụt sùi đòi cơn.


Đêm nằm, Thúy Kiều suy nghĩ mông lung về cơn mộng mị với nàng Đạm Tiên, rồi lại lo cho số phận của mình sau nầy mà trong lòng sợ sệt, tinh thần rối loạn… Bất chợt Thúy Kiều tủi thân khóc rấm rức giữa đêm khuya thanh vắng làm cho Vương Bà thức giấc, hỏi duyên cớ gì mà con ngủ không được:


Cớ sao trằn trọc canh khuya,
11 - Màu hoa lê, hãy dầm dề giọt mưa?”


Bấy giờ Thúy Kiều mới kể sự việc - nằm mộng thấy Đạm Tiên Cứ trong mộng triệu mà suy, Phận con thôi có ra gì mai sau!”. Vương Bà ai ủi con gái - đừng nên tin vào những chuyện mộng mị, tướng số mà khổ thân ra. Thúy Kiều an tâm, nhưng vẫn khóc:


Vâng lời khuyên giải thấp cao
12 - Chưa xong điều nghĩ, đã dào mạch tương.


Thúy kiều bị ám ảnh bởi lời “tiên đoán của ông thầy tướng số”, “Hồn ma Đạm Tiên”, “Bản đờn bạc mệnh” do chính nàng sáng tác. Ba điều đó như một thứ độc dược thấm từ từ và xô đẩy nàng vô trong vòng xoáy của tự ty, của mặc cảm, của số phận... Nàng đã tự mình vận buộc điều bạc mệnh cho mình, nhưng không ngờ các điều ấy đã ứng nghiệm làm khổ cho gia đình nàng, cho nàng và cho người yêu nàng là Kim Trọng. Ngoài ra còn có Thúc Sinh, Hồ Tôn Hiến cũng rơi nước mắt vì nàng. Và, cái chết uất ức của chồng nàng, Từ Hải!


Một bữa ông bà Vương Viên Ngoại đi vắng. Thúy Kiều đi sang nhà Kim Trọng… Hai người hàn huyên tâm sự cho tới khuya mới về nhà. Người gia nhân của Kim Trong gõ cửa cho hay rằng: Cha Kim Trọng báo tin phải về Liêu Dương gấp để hộ tang người chú…! Chàng Kim hốt hoảng vội vàng chạy sang nhà Thúy Kiều cho hay tin dữ… ! Hai người chia tay trong bịn rịn…!


Ngại ngùng một bước, một xa,
13 - Một lời trân trọng, châu sa mấy hàng.


Tên bán tơ, vu oan giá họa cho Vương Ông, Vương bà và họ bị quan nha bắt giam, bị tra khảo, đánh đập. Gia đình Thuý Kiều lại không tiền để lo lót cho đám quan lại. Túng thế, Thúy Kiều đành phải ngậm ngùi bán mình để lấy tiền, đặng lo lót cứu cho cha mẹ ra khỏi nhà tù.


Liêu Dương ngàn dặm đâu xa,
Lâm Truy nỡ để bướm vờn hoa.
Trăng tròn vành vạnh mây che khuất,
Thân gái dặm trường xót cảnh nhà.
Trích thơ (Trang Y Hạ).


Gia đình Thúy Kiều gặp tai ươn. Mụ mối hay tin liền dẫn anh chàng Mã Giám Sinh tới và cho Thúy Kiều biết rằng: muốn cưới nàng về làm thiếp. Nhưng thực ra anh chàng họ Mã mua Thúy Kiều về để bán vào “Thanh lâu” - (Thanh Lâu là của gã họ Mã chung vốn với mụ tú bà). Mụ tú bà quá lứa cùng với gã họ Mã sống chung kiểu “gìa nhân nghãi, non vợ chồng”. Thúy Kiều nấp ở trong phòng bước ra trình diện bọn họ. Nàng bước đi như người mất hồn, khóc như mưa: 


Nỗi mình thêm tức nỗi nhà,
14 - Thềm hoa một bước, lệ hoa mấy hàng!


Vương ông được quan nha thả ra, trong lòng ông quá mừng rỡ, nào dè khi về tới nhà mới hay cớ sự: Thúy Kiều bán mình cho người ta để nhận số tiền: (Bốn trăm năm mươi lạng vàng) và nhờ người họ Chung, cũng là một nha dịch nhưng còn có chút lòng nhân lo lót xin lãnh nhận cho cha con được về. Ông thương con gái vì mình mà chịu nhục thân. Ông khóc lóc tới nỗi máu hòa nước mắt:


Thương tình con trẻ, cha già,
15 - Nhìn nàng, ông những máu sa, ruột dầu.


Ông vừa khóc lóc, vừa nhào vô tường với ý định đập đầu cho chết:


Liều mình, ông đã gieo đầu tường vôi.
16 – Theo lời càng chảy dòng châu.
Thương cha già, Thúy Kiều gượng làm vui - khuyên can “Rằng cha hãy bình tỉnh mà sống để gia đình khỏi tan nát. Con hy sinh một mình con cũng là quá đủ rồi, Cha mẹ cứ xem như con đã đứt dây nôi chết từ khi còn thơ ấu…”. Vương ông nghe lời con, cả nhà ôm nhau mà khóc:


Phải lời ông cũng dần dà êm tai,
17 - Nhìn nhau giọt vắn, giọt dài ngổn ngang.


Vậy là, chuyện gia đình Thúy Kiều đã xếp đặt xong xuôi đâu đó, bấy giờ nàng mới nhớ tới Kim Trọng, người tình đầu với bao hứa hẹn cho một tương lai tràn đầu hạnh phúc. Vậy mà, không ngờ tai bay vạ gió - vừa chớm nở lại sớm vội tàn, quả là oan khiên đối với nàng! Nàng khóc sưng cả mắt cho tới suốt đêm. Nàng tự nhận lỗi là đã phụ lòng Kim Trọng và than thở cho số phận sao quá éo le!


Một mình nàng, ngọn đèn khuya,
18 - Áo dầm giọt lệ, tóc se mái đầu.


Nỗi riêng, riêng những bàn hoàn,
19 - Dầu chong trắng đĩa, lệ tràn thấm khăn.


Tiếng khóc giữa đêm khuya thanh vắng làm cho Thúy Vân tỉnh giấc, và hỏi nguyên do: Thúy Kiều ngập ngừng rồi cũng phải thổ lộ cùng em gái chuyện tình cảm giữa nàng với Kim Trọng… Nhưng nay vì gia biến nên đành phải phụ lòng chàng. Nàng nhờ em gái thay nàng trả nghĩa Kim Trọng, đồng thời trao kỷ vật tình yêu của mình với chàng Kim cho em gái giữ... Nàng vật mình khóc than thảm thiết trước mặt em gái.

20 - Ôi Kim lang! Hỡi Kim lang!
Thôi thôi! Thiếp đã phụ chàng từ đây!”
Thúy Kiều vì quá bi thương mà ngất xỉu. Gia đình xúm lại lo cấp cứu. Tỉnh giấc nàng lại khóc nức nở…! Thúy Vân kể lại cho gia đình hay chuyện tình cảm của chị mình và Kim Trọng cho cả nhà nghe. Vương ông công nhận vì cha mà con lỗi lời thề và hứa sẽ lo tròn việc trả nghĩa chàng Kim Trọng như lời Thúy Kiều dặn dò. “Xuân, huyên chợt tỉnh giấc nồng, Một nhà tấp nập, kẻ trong người ngoài. Kẻ thang, người thuốc, bời bời,”.

21 - Mới giầu cơn vựng, chưa phai giọt hồng.
Hỏi: “Sao ra sự lạ lùng”?
22 - Kiều càng nức nở, mở không ra lời. 


Ngày hôm sau Mã Giám Sinh đưa kiệu hoa tới đón Thúy Kiều. Giây phút chia tay bất đắc dĩ nên tất cả mọi người đều khóc than, bịn rịn…!

Đau lòng kẻ ở người đi,
23 - Lệ rơi thấm áo, tơ chia rủ tằm.


Mã Giám Sinh đón Thúy Kiều về nhà trọ. Đêm đó nàng thất thân với chàng họ mã. Nàng lại khóc cho bản thân nhơ nhuốc của mình.

24 - Giọt riêng tầm tã, mưa tuôn
Phần căm nỗi khách, phần nhơ nỗi mình .


Ngày hôm sau, nơi nhà trọ Vương ông làm bữa tiệc tiễn chân Mã Giám Sinh và Thúy Kiều lên đường... Thúy Kiều kể rõ hết sự thất vọng, nhục nhã ê chề với mẹ chuyện nàng bị cưỡng bức trong đêm. Hai mẹ con cùng ôm nhau mà khóc:

25 - Nhìn nhau lã chã giọt hồng,
Rì tai, nàng với giãi lòng trước sau.


Thúy Kiều cùng họ Mã lên xe trực chỉ về Lâm Truy. Nước mắt ngập tràn!

26 - Trông vời, gạt lệ, phân tay,
Góc trời thăm thẳm, ngày ngày đăm đăm.


Mụ tú bà quá lứa, vì biết Thúy Kiều đã thất thân với thằng chồng hờ họ Mã, đồng thời cũng tiếc số tiền đã bỏ ra nên mụ đánh đập Thúy Kiều. Thúy Kiều quá uất ức bèn rút dao giấu trong người ra tự tử…! Trong lúc bị ngất đi, hồn ma Đạm Tiên, [đây lần thứ ba] báo cho Thúy Kiều hay rằng: nghiệp đoạn trường còn dài, không thể chết. Sông Tiền Đường sẽ là nơi chúng ta gặp nhau. Sau khi tỉnh lại Thúy Kiều được mụ tú bà cho ở lầu Ngưng Bích. Mụ tú bà thuê tên ma cô Sở Khanh đi dụ dỗ Thúy Kiều trốn đi chung với hắn. Bị bắt lại và chịu trận đòn thừa sống, thiếu chết. Thúy Kiều đành chấp nhận bước chân vào con đường làm gái làng chơi bất đắc dĩ. 

27 - Buồng riêng, riêng những sụt sui:
Nghĩ thân mà lại ngậm ngùi cho thân”.


Thúy Kiều hằng ngày ngụ ở nơi thanh lâu. Nàng gặp một người khách làng chơi là Thúc Sinh, ở Vô Tích. Anh chàng nầy theo người cha tới Lâm Truy buôn bán. Nghe danh nàng Kiều, tìm cách tới làm quen. Là một khách làng chơi, rồi từ từ say đắm Thúy Kiều. Thúc Sinh lừa mụ tú chuộc được Thúy Kiều ra khỏi lầu xanh và lấy nàng làm vợ lẻ. Thúc Sinh giấu nhẹm cha mình và vợ cả là Hoạn Thư.


Thúc ông biết tất cả chuyện tình riêng giữa hai người, Thúc ông bắt Thúc Sinh bỏ Thúy Kiều. Thúc Sinh không vâng lời, Thúc ông đi báo quan. Quan huyện đưa ra hai hướng cho Thúy Kiều chọn. Một là chịu đánh đòn và gông một tháng. Hai là trở về lại thanh lâu. Thúy Kiều chịu đánh đòn: “Phận đành chi dám kêu oan, Đào hoen, quẹn má liễu tan tác mày.”. Thúc Sinh nhìn cảnh Thúy Kiều chịu đòn roi, cũng khóc theo:

28 - Khóc rằng: Oan khốc vì ta,
Có nghe lời trước, chớ đà lụy sau”.


Quan Huyện thấy vậy bèn hỏi Thúc Sinh: Thúc Sinh trả lời:

29 - Sụt sùi, chàng mới thưa ngay,
Đầu đuôi kể lại sự ngày cầu thân.


Thúc sinh thừa nhận là sẽ đùm bọc Thúy Kiều, Thúy Kiều tin tưởng nên mới ra cớ sự như vậy… Hơn nữa, nàng cũng là con nhà danh giá và có học. Nghe vậy, Quan huyện ra đầu đề “cái gông”, rồi bảo Thúy Kiều vịnh. Thúy Kiều vịnh xong đưa quan huyện xem. Bài vịnh:


Phiên Âm
Hoàng-Oanh-Nhi Khúc
Ngã dữ mộc vi cừu
Hỉ khuyên sáo trung đắc xuất đầu
Cảm phương viên dà cái toàn thân xũ
Hà tằng mi vũ tu
Tọa tỉnh khả ưu
Khả linh lệ ngấn lệ lưu bất đáo chẩn hòa tụ [trù]
Tạ hiền hầu
Giao nhân cường hang, tái bất hứa phóng ca hầu.”
Dịch:
(Ta với cây là thù
Trong khuôn khổ mừng được ló đầu
Vuông tròn che toàn thân cảm thấy xấu
Tai mắt thẹn gì đâu
Đáy giếng âu sầu
Đáng thương áo xiêm chẳng thấm, giọt lệ cứ tuôn mau
Tạ hiền hầu
Cổ bị cứng, giọng hát nghẹn trong yết hầu.).


Quan huyện khen thơ nàng hay và ra lệnh ngưng đánh. Đồng thời khuyên Thúc Ông nên nhận Thúy Kiều làm con dâu – cho hai người cưới nhau.


Vợ chính của Thúc Sinh là con gái quan Thượng Thư bộ lại, tên là Hoạn Thư. Hoạn thư hay tin chồng mình cưới Thúy Kiều làm vợ lẻ mà không bàn bạc với nàng. Thúc Sinh trở về thăm nhà lại không dám trình bày, nếu Thúc Sinh nói ra cho vợ hay thì nàng cũng đâu có hẹp hòi gì. Làm trai có năm thê bảy thiếp là chuyện thường. Hoạn Thư là con nhà trâm anh, nên nàng không thể ghen tuôn như các phụ nữ dân dã tầm thường. Nàng nghĩ cách bắt cóc Thúy Kiều rồi đốt nhà hô hoán là Thúy Kiều đã bị chết cháy. Thúc Ông mắc mưu Hoạn Thư, tưởng Thúy Kiều đã chết và làm ma chay…!

30 - Thúc ông sui sụt, ngắn dài,
Nghĩ con vắng vẻ, thương người nết na.


Thúc sinh về nhà, biết chuyện cũng tin nàng Kiều đã chết, nên khóc lóc:

31 - Gieo mình vật vã khóc than:
Con người thế ấy, thác oan thế nầy!”


Hoạn Thư sau khi bắt cóc Thúy Kiều về nhà, nàng đánh Thúy Kiều một trận tơi tả… Và sau đó bắt làm con ở, với cái tên Hoa Nô. Số Thúy Kiều còn phước nên được bà quản gia thương tình chăm sóc… Nàng khóc thương cho số phận mình:

32 - Nàng càng giọt ngọc như chan,
Nỗi lòng luống những bàn hoàn niềm tây.


Từ Lâm Truy, Thúc Sinh về thăm nhà vợ cả ở Vô Tích. Kịch bản đánh ghen vô tiền khoáng hậu, do nàng dàn dựng đã thành công… Trong bữa liên hoan mừng Thúc Sinh về thăm nhà. Hoạn Thư hành hạ Thúc Sinh và Hoa Nô Thúy Kiều đủ các thứ. Thúc Sinh quá bạc nhược, chỉ biết khóc và uống rượu:


Sợ quen dám hở ra lời,
33 - Khôn ngăn giọt ngọc, sụt sùi nhỏ sa.


Sinh càng như dai, như ngây,
34 - Giọt dài, giọt ngắn, chén đầy, chén vơi.


Hoạn Thư trả thù hai người cho tới khuya, rồi cùng chồng trở về phòng mình. Hoa Nô Thúy Kiều mới được phép về nơi ở riêng. Nàng ngồi một mình, mặc cho dòng nước mắt tuôn như suối:


Một mình âm ỷ đêm chầy,
35 - Đĩa dầu vơi, nước mắt đầy, năm canh.


Hoạn Thư sau màn đánh ghen độc đáo, giờ cũng đã vơi đi nỗi tức giận, hơn nữa nàng cũng thầm phục Thúy Kiều có nhan sắc không thua gì nàng và cũng có học thức như nàng. Theo nguyện vọng của Hoa Nô, nàng chấp thuận cho Thúy Kiều đi tu với pháp danh Trạc Tuyền, tại Quan Âm Các ở phía vườn sau của nhà nàng. Nàng cho người canh giữ, không cho hai người họ lén lút gặp nhau.

Thúy Kiều không xin, không năn nỉ Hoạn Thư “tha tội”. Nàng chỉ xin đi tu, xin đi tu là phương cách giữ danh dự tốt nhứt trong lúc này. Nàng hiểu rất rõ nàng vì chữ hiếu mà bán thân. Bán thân đồng nghĩa là thân nàng như cành hoa giữa chợ đời mặc cho gió dập mưa vùi. Và hơn nữa là Thúy Kiều hiểu rất rõ sổ “đoạn trường” còn lâu nàng mới được rút tên ra.


Quan phòng, then nhặt, lưới mau,
36 - Nói lời trước mặt, rơi châu vắng người.


Hoạn Thư thử lòng hai người có còn quyến luyến nhau hay không. Nàng giả đò đi về quê thăm mẹ. Bất ngờ nàng quay lại thì bắt gặp Thúc Sinh và Trạc Tuyền hai người đang khóc…! Thúc Sinh quá yếu đuối, hèn kém, không đáng mặt đấng mày râu. Vậy mà, cũng giở thói trăng hoa làm khổ cho Thúy Kiều.

37 - Sụt sùi giở nỗi đoạn tràng,
38 - Giọt châu tầm tã, đẫm tràng áo xanh.


Ni cô Trạc Tuyền lo sợ khi biết Hoạn Thư còn ghen và tiếp tục trả thù. Để giữ cho thân khỏi chết. Trạc Tuyển bỏ chùa mang theo: chuông vàng, khánh bạc. Trạc Tuyền lại bị bọn buôn người: Bạc hà, Bạc Hạnh, bắt đem bán vào thanh lâu. Nàng gặp Từ Hải và lấy làm chồng. Đang hạnh phúc thì nàng nghe theo lời chiêu dụ của Hồ Tôn Hiến… Nàng khuyên Từ Hải quy hàng triều đình. Bị phản bội, Từ Hải bị giết chết. Nàng sụp lạy trước thi thể Từ Hải, ăn năn khóc lóc:

39 - Khóc rằng: “Trí dũng có thừa,
Bởi nghe lời thiếp, đến cơ hội nầy!”


Thúy Kiều khóc lóc ai oán, đâm đầu đòi chết theo chồng. Từ Hải uất ức chết đứng, từ từ ngã xuống: (Nguyễn Du cho Từ Hải chết đứng, sử triều nhà Minh không ghi. và Từ Hải chết bằng cách cũng không rõ ràng).

40 - Dòng thu như xối cơn sầu,
Dứt lời, nàng cũng gieo đầu một bên.


Trong bữa tiệc khao quân chiến thắng. Hồ Tôn Hiến bảo nàng tự chọn phần thưởng cho nàng… Nàng từ chối và nhận lỗi đã giết chồng. Nàng tuyên xưng công trạng của chồng trước mặt kẻ thù: (Đoạn nầy là hư cấu, chính sử triều Minh không ghi, không nhắc tới Thúy Kiều).

41 - Nàng càng giọt ngọc tuôn dào,
Ngập ngừng mới gởi thấp cao sự lòng.


Hồ Tôn Hiến trông thấy góa phụ Thúy Kiều càng u sầu càng đẹp, trong lúc có rượu…, Hồ Tôn Hiến bắt Thúy Kiều gảy đờn cho mình nghe. Thúy Kiều ngậm đắng nuốt cay gảy lại “khúc đờn bạc mệnh”. Đau đớn vì mất chồng, nay lại bị kẻ giết chồng bắt dạo đờn mua vui. Tiếng đờn ngân lên như: thở than, như uất nghẹn, như trách hờn cao xanh… Hồ Tôn Hiến cũng phải rơi châu. Hồ Tôn Hiến lại còn lả lơi với vợ kẻ thù, xin cầu hôn Thúy Kiều. Thúy Kiều từ chối: Giết chồng mà lại lấy chồng, Mặt nào mà lại đứng trong cõi đời?”. Tỉnh rượu, nhớ lại chuyện mình làm không phải với Thúy Kiều và sợ ảnh hướng tới đường công danh, bèn gã ngay Thúy Kiều cho viên thổ quan. Khi thuyền đưa Thúy Kiều rẽ vô sông Tiền Đường, nhớ lại lời Đạm Tiên, nên nàng gieo mình xuống sông…!

42 - Lọt tai Hồ cũng nhăn mày, rơi châu.


Từ Liêu Dương trở về, Kim Trọng hết sức bàng hoàng khi thấy nơi ở của gia đình Thúy Kiều trở thành hoang phế… Và tất cả dời đi chỗ khác. Chàng tìm và tìm ra chỗ ở mới của Vương ông:

43 - Khóc than kể hết niềm tây:
Chàng ôi! Biết nỗi nước nầy cho chưa?”


Kim Trọng ôm Vương ông mà than khóc thảm thiết:


Vật mình vẫy gió, tuôn mưa,
44 - Dầm dề giọt ngọc, thẫn thờ hồn mai!
Đau đoài đoạn, ngất đòi thôi,
45 - Tỉnh ra lại khóc, khóc rồi lại mê.
Kim Trọng xuất tiền ra sửa sang lại vườn nhà cũ, rồi mời Vương ông sang cùng ở với nhau. Chàng còn thề sẽ dùng mọi cách tìm kiếm Thúy Kiều cho bằng được, dù phải từ chức làm quan tri huyện để đi kiếm người yêu. Chưa có “khế ước” gì về hôn nhân chính thức chỉ có mỗi lời thề non hẹn biển giữa trai và gái. Nghĩ ra chàng Kim cũng có nghĩa, có tình.

46 - Đinh ninh mài lệ, chép thư,
Cắt người tìm tõi, đưa tờ nhắn nhe.


Dù Kim Trọng có cố gắng tìm kiếm, nhưng nàng Thúy Kiều vẫn bặc vô âm tín. “Ruột tằm, ngày một héo hon, Tuyết sương ngày một hao mòn mình ve. Thẫn thờ, lúc tỉnh lúc mê,”.


47 - Máu theo nước mắt, hồn lìa chiêm bao.


Ông bà Vương ông thấy cảnh Kim Trọng thương nhớ Thúy Kiều mà gầy mòn thân thể. Nhớ lời Thúy Kiều dặn, nên gấp rút làm lễ thành hôn cho Kim Trọng với Thúy Vân giữ đúng lời dặn của Thúy Kiều khi xưa.


Nỗi nàng nhớ đến bao giờ,
48 - Tuôn châu đòi trận, vò tơ trăm vòng.


Thúy Kiều được được hai ngư phủ của sư Giác Duyên cứu sống sau khi nhảy xuống sông Tiền Đường. Trong lúc nửa tỉnh, nửa mê, Thúy Kiều lại được hồn ma Đạm Tiên [lần thứ tư], về báo. rằng: Thúy Kiều đã được rút tên ra khỏi sổ đoạn trường. Kiếp hồng nhan bạc mệnh đã chấm dứt. Và yêu cầu phải trả lại mười bài thơ đoạn trường khi xưa Duyên xưa đầy đặn, phúc sau dồi dào!”

Thơ Thúy Kiều

Bài thơ nầy Thúy Kiều làm cho Đạm Tiên trước khi nàng trầm mình xuống sông Tiền Đường tự tử. Nàng tự vẫn vì Hồ Tông Hiến giết chết chồng nàng là Từ Hải - một phần lỗi cũng vì nàng khuyên chồng ra đầu thú. Nàng bị mắc mưu và còn bị Hồ Tông Hiến đem nàng gã cho thổ quan.

"Một thiên tuyệt bút, gọi là để sau" [Câu Kiều 2626]

Thập ngũ niên tiền hữu ước
Kim triêu phương đáo Tiền Đường
Bách tuế quang âm hỏa thước
Nhất sinh thân tự hoàn lương
Trào tín thôi nhân khứ dã
Đẳng nhàn liễu khướt đoạn trường

Dịch thơ:

Mười lăm năm trước có hẹn
Tinh sương bước tới Tiền Đường
Trăm năm bóng câu qua cửa
Một đời mơ mộng hoàn lương
Sóng trào tiễn người đi khuất
An nhàn giủ sổ đoạn trường.

Kim Trọng vâng mệnh vua đi nhậm chức tại huyện Nam Bình, Phúc Kiến. Vương Quan nhận nhiệm vụ mới ở thành Phú Dương, Chiết Giang. Trước đó Từ Hải chết ở Hàng Châu. Nghe tin như vậy, Kim Trọng - Vương Quan, cùng gia đình đến Hàng Châu tìm Thúy Kiều. Người ta cho hay Thúy Kiều tự tử chết – cả nhà làm đám tang khóc lóc. May là sư Giác Duyên đi qua thấy bài vị của Thúy Kiều bèn nói:

49 - Người còn, sao bỗng làm ma khóc người?”


Sư Giác Duyên dẫn tất cả về Thảo Am để gặp nàng Kiều. Gia đình đoàn tụ. Thúy kiều vừa mừng, vừa tủi: “Tưởng bây giờ, là bao giờ, Rõ ràng mở mắt, còn ngờ chiêm bao!”.

50 - Giọt châu thánh thót, quyẽn bào,
Mầng mầng, tủi tủi, xiết bao sự tình.


Gia đình sum họp sau mười lăm năm xa cách. Có biết bao nhiêu chuyện phải kể ra cho nhau nghe trong dòng nước mắt chảy đầm đìa…, vui mừng lẫn đau xót: “Huyên già dưới gối gieo mình,”.

51 - Khóc than, mình kể sự mình đầu đuôi:
52 – Bốn dây như khóc như than. [cây đờn khóc].
Từ con lưu lạc quê người, Bèo trôi sóng vỗ chốc mười lăm năm! Tính rằng sông nước cát lầm, Kiếp nầy ai lại còn cầm gặp đây!”.
[]
Phôi pha chút phận hồng nhan
Mười lăm năm ấy, là vàng đấy thôi
Chiều nay xuống phố ta ngồi
Chờ em, em ở xa xôi có về.
Trích thơ (Trang Y Hạ)

Tiếng khóc của Thúy Kiều đã hết!

Đã hết khóc. Mừng cho Thúy Kiều được trở về nhà gặp lại tất cả người thân trong gia đình. Tiếc thay cho các “Nàng Kiều” hậu nhân, họ cũng cùng cảnh ngộ hay khác cảnh ngộ của Thúy Kiều, đã không được cái may mắn như vậy. Một trong số họ bỏ thây nơi xứ người, một trong số họ bị đày đọa tới cùng cực - thậm chí không còn biết tổ quốc là gì; tiếng nói mẹ đẻ cũng quên luôn!
Bất tri tam bách dư niên hậu
Thiên hạ hà nhân khấp Tố Như” .

Khóc Tố Như tức là khóc cho cuộc đời Thúy Kiều và các cô (Thúy Kiều) hậu nhân rơi vô hoàn cảnh “trong nhờ đục chịu” của “mười hai bến nước” đã vì hoàn cảnh nghèo đói hay vì nguyên do nào đó, phải cam phận đánh du với cuộc đời còn son trẻ để đi lấy chồng ngoại nhân lưu lạc nơi xứ người. Thiết nghĩ, đâu chỉ có (mười hai bến nước) mà là có hàng trăm bến nước chực chờ các nàng. Dù biết rằng thời nay có đầy đủ các phương tiện truyền thông như: Điện thoại, internet cũng như sách báo và các phương tiện đi lại dễ dàng hơn. Tuy nhiên, càng văn minh thì hiểm họa từ văn minh lại càng tinh vi mà con người sống trong xã hội văn minh đó không thể lường trước được chuyện gì sẽ xảy ra.

Một ngồi quán lạnh đầu cầu
Mỵ Ê, Nàng Nguyệt, Kiều [ở] đâu có về
Nơi đây xứ lạ làm quê
Nhớ người thiên cổ bốn bề quạnh hiu.
Trích thơ (Trang Y Hạ).

Trang Y Hạ

Lời Mưa Gió:

CHỮ ĐIỂN

Chữ ĐIỂN viết là “典”, thuộc dạng chữ Hội ý. Trong Giáp cốt văn chữ ĐIỂN được miêu tả bằng hình ảnh hai tay dâng sách rất kính cẩn, ngụ ý đây là văn kiện hay loại tài liệu gì đó rất quan trọng. Nghĩa gốc là của ĐIỂN là sách vở, các nghĩa phái sinh là “chuẩn mực”, “phép tắc”, v.v…

ĐIỂN là sách, sách ở đây là chỉ các kinh sách trọng yếu của người xưa để lại. Ban đầu, khi nói đến ĐIỂN tức là chỉ “Tam phần ngũ điển 三 墳 五 典”. Tam phần là sách của Tam Hoàng như Phục Hy, Thần Nông, Hoàng Đế. Ngũ điển là sách của Ngũ Đế tức Thiếu Hiệu, Xuyên Húc, Cao Tân, Đường, Ngu. Về sau ĐIỂN được dùng để chỉ chung cho các kinh sách thời xưa.

ĐIỂN còn dùng để chỉ những câu chuyện cũ, sự cũ, như sách ghi các sự cũ gọi là cổ điển 古典. Với nét nghĩa này ta còn có…
ĐIỂN CỐ - ĐIỂN TÍCH典故 - 典跡 là chỉ những việc có chép trong các sách vở thời xưa, được cô đọng lại trong một từ ngữ hay một thành ngữ để nói lên ý nghĩa của chuyện đó. Văn học cổ thường dùng rất nhiều Điển tích hay Điển cố. Nếu không biết được Điển tích thì không thể hiểu được ý nghĩa của câu văn hay câu thơ ấy một cách tường tận được.
ĐIỂN cũng dùng để chỉ những Sách được coi là mẫu mực, dùng làm tiêu chuẩn, phép tắc để mọi người có thể noi theo. Như:
TỪ ĐIỂN – TỰ ĐIỂN ()- 字典 là sách giải thích ý nghĩa, từ nguyên, cách dùng, cách phát âm, và thường kèm theo các ví dụ về cách xử dụng từ đó.

Chữ TỪ ĐIỂN, Hán văn có 2 cách viết là 詞典 hay 辭典. Hai cách viết nầy đều đồng nghĩa. TỪ ĐIỂN là bộ sách để tra nghĩa của từng nhóm chữ còn TỰ ĐIỂN là bộ sách để tra nghĩa của từng chữ một.
Từ điển bao gồm việc giải nghĩa các thành ngữ, điển tích
và các từ ghép. Việc giải nghĩa nầy phải đi từ việc giải nghĩa
từng chữ một, rồi sau đó mới giải nghĩa cả thành ngữ. Cho
nên: TỪ ĐIỂN cũng là TỰ ĐIỂN.

KINH ĐIỂN 經典là những kinh sách ghi chép các sự việc xưa và các phép tắc đời xưa, để làm khuôn mẫu cho đời sau học tập và bắt chước noi theo.
Theo: (Đỗ Hoang Anh).

 


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét