Thư viện

2/5/25

ĐẠI LỘ CHI LĂNG

 


ĐẠI-LỘ CHI-LĂNG

     “Từ ngày ăn phải miếng trầu,
       Miệng ăn, môi đỏ, dạ sầu đăm chiêu.”. (Ca dao).

Về qua đại-lộ Chi-Lăng [1]
hồn Bà-Chiểu gọi, dùng-dằng ngó quanh
bước lên xe kiếng dạ-hành [2]
ngựa vui ôn-cố, bóng thành hỏi han.

Đường cây giục gió nắng vàng
nhớ người khai cuộc, thuở tang tang điền
ẩn-thần đất tụ cơ-duyên [3]
dấu chân khai thổ tưởng tiền-hiền xưa.

Bến sông sóng dựa thân dừa
lạch sình khởi-lập hai mùa sậm da
trên cơm dưới cá, hiền hòa
công-lao khởi tạo kể là công-lao.

Tuổi tên giờ đã đi vào
lãng quên tựa ngọn ba-đào thiếu hơi
sử bia một góc lưu lời
phập-phòm nghe tiếng lá rơi chẳng hề.

Lộ-trình nhầu-nhĩ tỉ-tê
tiếng rao đêm vọng gom về cõi xa
sinh-cơ-tử-tán, quả là
mở mồ ngóc ngó san-hà lạnh tanh.

Phất-trần ai phất dỗ-dành
di-cư chia sớt trăng thanh với đồng
đước, bần, vẹt, sú... mênh mông
rễ sanh cắm rễ tâm lòng bấy nay.

Đất trời thay đổi mặt mày
nhân-sinh-kỷ-kiến, men cay ấm đời
trở mình trở-giấc sầu vơi
ba-trăm-năm, vẳng mấy lời: tử, sinh.

Nhân-gian hát-tửu xập-xình
bát khai vân vụ, hiển-linh tỏ mờ
thiết-tha đồng vọng thiên-cơ
tầm-vu sóng vỗ, vỗ bờ thiện chân.

Tiền nhân bảo-chứng ân-cần
huyền-quang, huyền-học, bao lần đề thi
tự bày tai họa ích gì
sát-na phong tận từ-bi cũng thừa.

Về qua đại-lộ thôi mưa
Chi-Lăng cửa ải sương vừa tan sương
khí thiêng quyện giữ nẻo đường
giương cung thầm giở một chương sử rằng.

Bước trên đại-lộ Chi-Lăng
hồn non nước, ngự thuyền trăng luận bàn [4]
nóng từ phương Bắc nóng ran
bắc-môn- tỏa-thược, chưa tan cuộc cờ. [5]

Băng tâm nhất phiến tiêu-sơ
pháo xe ngựa tốt, đang chờ nước đi
tiếng đàn chim việt thầm-thì
truy-nguyên mở cõi khắc ghi sử nguồn.

Trang Y Hạ

Cước chú:
1- Đại lộ Chi-Lăng, thuộc tỉnh Gia Định (Sai-Gòn).

2- Xe Kiếng, kiểu như xe Thổ mộ.
Bước lên xe kiếng đi viếng mả chồng,
Cỏ xanh chưa mọc trong lòng thọ thai”. (Ca Dao).

3- Linh là thần linh, chỉ sự thần kỳ, thiêng liêng. Ngoài ra còn có: “Diệu linh” chỉ mặt trời, dùng trong văn thơ. Khuất Nguyên (Nước Sở) trong bài Thiên-Vấn, viết:
Giác túc vị đán,
Diệu linh an tàng?
Tạm dịch:
Phương đông sao Giác còn,
Giấu đâu thái dương hử? Và: "lưỡng diệu" chỉ chung mặt trời và mặt trăng.

4- Bài: Để Trường Sa Vãn Bạc, của Phan Huy Chú có câu:
Tương Thủy huân phong cổn lãng hoa,
Phiến phàm chuyển miện đáo Trường Sa”.
Nghĩa là:
(Sông Tương gió mát, sóng tựa hoa,
Thuyền trôi chớp mắt, tới Trường Sa.)

5- Trong đền thờ vua Đinh Tiên Hoàng ở Nam Định có ghi câu “Bắc Môn Tỏa Thược”. Nghĩa là (Phong tỏa cửa bắc).

Trang Y Hạ






Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét