Thư viện

13/8/20

THẤT BỘ THI


  

    
THẤT BỘ THI

Trang Y Hạ
 
ThơTào Thực
 
     Tôi không am hiểu nhiều về “Hán Học”. Tôi chỉ mượn bài thơ của người xưa để nói lên một vài suy nghĩ cá nhân. Hiện nay, sự tranh giành quyền lực, đảng phái quả là khốc liệt - bất chấp đạo đức; bất chấp lẽ phải, bất chấp nhân cách. Thậm chí quỳ gối…!
 
     Tào Thực, tự Tử Kiến, hiệu Đông A Vương. Ông là con trai thứ ba của Tào Tháo, thuộc dòng chính thất, và là em của: Tào PhiTào Chương. Theo sách Thế Thuyết Tân Ngữ. Tào Phi ra lệnh cho Tào Thực trong bảy bước phải làm một bài thơ với, tựa đề:  “Anh Em”. Tào Thực bước đi bảy bước và đã ứng khẩu hoàn thành... Nội dung bài thơ như sau:
 
*
  






 
THẤT BỘ THI
 
Chử đậu trì tác canh,
Lộc thị dĩ vi trấp,
Cơ tại phủ há nhiên.
Đậu tại phủ trung khấp,
Bản tự đồng căn sinh,
Tương tiễn hà thái cấp.
 
*
THƠ BẢY BƯỚC
(Trang Y Hạ. Tạm dịch qua thơ lục bác)
 
Nấu đậu giữ cốt làm canh,
Chắt lọc lấy nước ngon lành lắm không.
Củi đậu nấu đậu đau lòng,
Đậu trong chão khóc vốn trong một nhà.
Dầu gì một gốc sanh ra,
Giết nhau quá gấp hỏi là bởi đâu.
 
 LỜI GIÓ MƯA
 
Trang Y Hạ
 
     Tào Thực, ông đã từng nói với mọi người, rằng: “Không lấy thơ văn để tiến thân”.
 
     Tào Thực thông minh, đĩnh đạc, sống khép kín… Tào Tháo rất mến thương và đã có ý nhường ngôi một khi đã về già. Lý do mà Tào Tháo để ý tới Tào Thực là khi ông tới dự lễ khánh thành Đồng Tước Đài.
 
     “Một nền Đồng Tước khóa xuân hai Kiều” (Nguyễn Du).
 
Tào Thực có làm một bài thơ khen ngợi Đài Đồng Tước - dâng lên Tào Tháo. Tào Tháo đọc xong tỏ ra rất hài lòng. Bá quan trong triều đọc qua bài thơ cũng khâm phục! lúc đó Tào Thực mới mười tuổi. Một số quần thần trong triều có ý can ngăn Tào Tháo, rằng: không nên bỏ con trưởng (Tào Phi) mà lập con thứ sẽ gây ra hậu quả nguy hiểm. Sự việc sau đó tới tai Tào Phi. Tào Phi lo sợ Tào Thực về lâu sẽ giành chức Thái Tử, nên tìm mọi cách hại em ruột của mình.
 
     Thời gian sau Tào Tháo lâm trọng bịnh rồi chết… Quần thần trong triều tôn con trưởng Tào Phi lên ngôi. Tào Phi lên ngôi, công việc đầu tiên của Tào Phi là: triệt hạ các em và vây cánh của các em ở trong triều... Tào Phi phong hầu cho các em rồi đuổi một số trong các em ra khỏi Kinh Thành, nếu không được lệnh thì không được trở về, đồng thời cấm các em liên hệ với các chư hầu khác. Một thời gian sau, Tào Phi kêu Tào Chương về chầu và đầu độc cho Tào Chương chết trong một bữa tiệc chiêu đãi… Tào Chương là vị tướng giỏi, đã theo cha chinh chiến qua nhiều trận mạc và đã lập nhiều chiến công.
 
     Theo: Ngụy Tấn Thế Thuyết – Theo: Thế Thuyết Tân Ngữ. Tào Phi ra lệnh giết Tào Thực tức thì. Trong triều có một người tâu rằng “Tào Thục vốn giỏi thơ, nếu nội trong bảy bước mà làm xong một bài thơ, thì giết cũng chưa muộn”. Tào Phi thuận ý. Tựa đề bài thơ, là:  “Anh Em”, nếu làm không xong thì sẽ chém đầu. Tào Thực bước đi bảy bước và làm xong... Tào Phi cảm động ứa nước mắt rồi tha tội chết. Tội chết có thể tha, nhưng tội sống khó dung tha. Tào Phi đày Tào Thực lên vùng rừng sâu, nước độc, suốt đời không được phép trở về Kinh Đô. Trong mười năm cuối đời, Tào Phi bắt Tào Thực liên tiếp dời chỗ ở tới bảy lần… Cuộc sống luôn bất định, lênh đênh - rày đây mai đó, khắp chốn thâm sâu… Tào Thực quá buồn lòng, suy nghĩ mà sinh bịnh nặng rồi qua đời ở tuổi bốn mươi. Tào Thực sống có nghĩa, có tình. Lúc còn sống, ông hay tin Tào Chương chết thảm... Tào Thực có làm một bài điếu thơ khóc thương cho anh của mình.
 
     Tào Thực, về tài quân sự không bằng như hai anh, nhưng Tào Thực có tài văn thơ - dù ông không công nhận tài văn chương của mình. Tào Thực mất đi có để lại một tập thơ “Trần Tư Vương” gồm khoảng 80 bài thơ; hơn 40 bài từ, phú, tản văn. Thơ Tào Thực, chữ nghĩa điêu luyện. Tuy nhiên, nếu so ra, thì thơ của ông - ít sâu sắc hơn các thi nhân cùng thời, như: Vương XánThái Diễm, Trần Lâm.. Nhưng Tào Thực đã góp công rất lớn trong sự phát triển lịch sử văn học Trung Quốc ở cuối đời nhà Hán. Tào Thực còn là người biết vận dụng các thể dân ca một cách sáng tạo, nhuần nhuyễn vào trong tác phẩm thơ. Nhờ có ông, mà thể thơ ngũ ngôn Trung Quốc đã phát triển cho tới tận ngày nay.
 
***
     Ngày xưa - nhờ thơ mà thoát nạn chết, thoát tai biến - kể ra cũng khá nhiều. Nhưng chỉ có bảy bước chân mà làm thơ thoát chết, thì xưa nay chỉ có Tào Thực mà thôi.
 
     Ngày nay - nhà thơ Hữu Loan thoát chết - cũng nhờ thơ mà không bị kẻ theo dõi ám sát, như ông đã viết trong tự sự về cuộc đời của ông.
 
     Ngày xưa - làm thơ mà bị vu oan giá họa cũng không ít. Đọc trong truyện Thủy Hử. Nhân vật Tống Giang lúc uống rượu ngà ngà đã làm bài thơ nói lên khí phách của mình. Hoàng Văn Bính một tay nịnh bợ, tang công đã lấy bài thơ của Tống Giang - diễn giải sai nghĩa rồi đi báo cho quan phủ bắt nhốt Tống Giang.
 
     Ngày nay - Nhiều nhà văn, nhà thơ, nhà kịch nghệ - đã viết ra những tác phẩm đúng với phẩm chất trung thực của người cầm bút, thì bị - cắt xén, đục bỏ, đình bản hoặc bắt buộc phải thay đổi chữ cho phù hợp ý đồ chính trị... Tác giả nào không tuân theo sẽ bị ghép đủ thứ tội vu vơ để rồi bị bắt bỏ tù. Tác giả nào muốn tồn tại, thì phải bẻ cong ngòi bút viết để kiếm cơm cho qua ngày đoạn tháng. Tuy nhiên cũng có lắm kẻ (thích) bẻ cong ngòi bút bởi ham tiền, bởi háo danh…!
 
      Người xưa, nói: “Văn dĩ tải đạo”. Đạo đây có nghĩa là - đường ngay, nẻo thẳng. Vậy mà, không biết - bởi đâu, do đâu đã trở thành: đạo chích, đạo văn, đạo thơ, đạo nhạc, đạo họa…!
 
      Quyền lực - sự hấp dẫn của quyền lực làm cho con người điên rồ - Bên “thắng” quên đi nghĩa đồng bào, hành hạ bên thất bại tới độ không còn đất sống. Quyền lực, quả là một thứ bùa mê - tới nỗi, giết cả cha mẹ, anh chị em ruột rà một cách không thương tiếc, ngoài xã hội thì hàng xóm, bạn hữu tố cáo lẫn nhau… Tranh giành quyền lực xảy ra trên khắp trần gian - từ cổ chí kim, không chừa bất cứ một dân tộc nào.
 
     Ngày nay, thời đại văn minh, với đầy đủ phương tiện truyền thông, báo chí - thông tin khắp địa cầu - luật lệ hoàn chỉnh. Vậy mà, vì phe phái, vì tiền bạc - một số đã cổ vũ cho sự sai trái, cổ vũ cho sự gian lận..., để rồi từ chỗ “dòng chính trở thành dòng tà” - bất chấp lương tri, bất chấp đạo đức, bất chấp sự thật, bất chấp luật lệ, bất chấp nhân cách…!
      
     Tào Thực chối bỏ thơ. Vậy mà chính thơ đã cứu sống ông. Tôi xin lỗi người xưa, cho tôi tạm dùng bài thơ và nhắc nhở tới tên tuổi…! ./.
 
Trang Y Hạ - 2020




 
 

 

 

 

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét