THƠ: KHUYẾT DANH (BÀI HÁT XƯA)
古歌
古歌
高田種小麥,
終久不成穗。
男兒在他鄉,
焉得不憔悴。
CỔ CA
Cao điền chủng tiểu mạch,
Chung cửu bất thành tuệ.
Nam nhi tại tha hương,
Yên đắc bất tiều tụy.
BÀI HÁT XƯA
Lúa gieo ở đám ruộng cao,
Lớn lên lép xẹp biết sao bây
giờ.
Quê người cầu thực lơ ngơ,
Thân trai còm cỏi bơ vơ tội
tình.
Trang Y Hạ - Tạm Dịch Thơ!
LỜI GIÓ MƯA:
Mượn ý thơ cổ, mà luận:
Đọc bài thơ của người xưa, dù chỉ vỏn vẹn
có bốn câu; bốn câu nhưng đã gom lại đầy đủ ý nghĩa nhân sinh - cả nghĩa đen và
nghĩa bóng. Người làm thơ gọi là ẩn dụ theo cách “dụ ngôn” - lấy hột lúa mạch để
bày tỏ một vấn đề nhức nhối từ bao lâu nay: giữa con người và thiên nhiên, giữa
con người và con người. Bài thơ “khuyết danh”! Không rõ tác giả đã được sinh ra
vào thời đại nào ở bên Tàu. Tác giả khuyết danh sinh trước “Công Nguyên” thì bốn
câu thơ không chịu ảnh hưởng về thần học Thiên Chúa Giáo. Đặc trường hợp, tác
giả sinh sau Công Nguyên thì đó là một sự trùng hợp ngẫu nhiên.
Trong “Kinh Thánh Tân Ước” có một dụ ngôn:
“Người gieo giống đi ra gieo hạt giống của mình. Trong khi người ấy gieo, thì
có hạt rơi xuống vệ đường, người ta giẫm lên và chim trời ăn mất. Hạt thóc rơi
trên đá, và khi mọc lên lại héo đi vì thiếu ẩm ướt. Có hạt rơi giữa bụi gai,
gai cùng mọc lên và sẽ làm chết nghẹt. Có hạt rơi vào đất tốt, và khi mọc lên sẽ
đâm hoa kết quả gấp trăm”.
Vậy, ý thứ nhứt trong hai câu thơ: “Cao điền
chủng tiểu mạch, Chung cửu bất thành tuệ.” Là một sự trùng hợp theo dụ ngôn của
kinh thánh. Hột lúa mạch đã được gieo trên ruộng cao, thiếu nước nên không cho
kết quả. Kinh nghiệm nhà nông ngày xưa “Nhứt nước, Nhì phân, Tam cần, Tứ giống”.
Nước là yếu tố chính quyết định sự sống không những - động, thực vật mà còn cho
cả con người. Có câu “Thượng điền tích thủy hạn điền khan”. Đây cũng là một
kinh nghiệm về “Thủy Nông”. Nhưng thử hỏi người nông dân nghèo thì lấy đâu ra
phương tiện, tiền của làm thủy nông để tích trữ nước…? Trong khi đó, gia tài của
họ chỉ có vỏn vẹn vài ba công ruộng khô cằn sỏi đá…!
Từ chỗ ruộng đất khô cằn, không cho ra được
sản lượng lương thực. Người nông dân buộc phải tha phương cầu thực là chuyện tất
yếu… Ở nơi đất khách quê người làm sao mà yên thân cho đây? Khổ sở đói khác là không
thể tránh khỏi!
Còn, ý thứ nhì trong bốn câu thơ: Đã trót
sinh ra thời buổi loạn ly… Thi sĩ Vũ Hoàng Chương, nói: “Lũ chúng ta đầu thai
nhầm thế kỷ”. Vua quan thối nát, sưu cao thuế nặng… Người nông dân một cổ đôi
tròng, không biết kêu ai, nhờ cậy ai... Người nông dân cũng không khác gì hột
lúa tiểu mạch, một khi đã rơi vào vùng đất khô cằn thì dù có cố sức mà lớn lên
nhưng không đơm hoa kết trái.
Đọc bốn câu thơ của người xưa, mà sao y
chang tình cảnh người nông dân thời buổi bây giờ. Bây giờ người nông dân cũng mất
đất, mất ruộng mà không biết kêu cứu ở đâu; ở đâu cũng không giải quyết. Người
nông dân bây giờ cũng tha phương cầu thực khắp nơi trên thế giới.
Thương lắm thay…! ./.
Trang Y Hạ
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét