Thư viện

1/12/20

CỨT CHIM CU...!

 




CỨT CHIM CU

 
Trang Y Hạ
           

     Kể gian lận làm nên lịch sử gian lận      

     Văn hào Albert Camus, viết: “Việc của người biết suy nghĩ là không đứng cùng phía đao phủ”. 

     Trong kho tàng “ca dao - tục ngữ - thành ngữ” của ông bà ngày xưa để lại cho hậu thế thật phong phú, nhiều câu mà khi đọc lên cần phải có thời gian mới hiểu, hoặc phải nhờ… giải thích mới hiểu, - bởi nội dung ẩn giấu nhiều ý nghĩa cao sâu,  thâm thúy. Câu “CỨT CHIM CU TRÉT KHU BÌM BỊP” là câu thành ngữ nằm trong kho tàng văn học dân gian phong phú đó.

 
     Ngày còn bé, tôi thấy cha tôi - mỗi buổi sáng, buổi tối ông thường theo dõi tin tức, nghe ca nhạc, nghe cải lương… qua cái radio màu vàng vàng… Tôi được cha cho biết đó là cái radio “Ấp-Chiến-Lược” do chính phủ của ông Ngô Đình Diệm tặng. Tuy rằng tặng, nhưng không phải nhà nào cũng có… Một bữa tối nọ có hai ba ông hàng xóm tụ tập tại nhà tôi; mấy ông hàng xóm và cha tôi châu đầu nghe tin tức, nhìn các ông chăm chú nghe vẻ mặt các ông rất căng thẳng, nhưng tôi không biết chuyện gì đang xảy ra... Các ông nghe xong, kéo nhau tới bàn ngồi uống trà đàm luận… Tôi nghe cha tôi nói: “cứt chim cu trét khu bìm bịp” chứ làm cách mạng cái đếch chi, bọn chúng nó giết ông tổng thống Diệm là giết người quốc gia yêu nước, là giết người công chính…!
 
     Để hiểu ẩn ý cao sâu của câu thành ngữ, thiết nghĩ phải biết khái quát một số thói quen ăn uống, sinh hoạt trong cuộc sống của hai loài chim “cu và bìm bịp” như thế nào. Từ đó mới có dữ kiện để so sánh, phân tích…
 
-Chim Cu:
 
     Chim Cu thuộc họ bồ câu. Trên thế giới hiện có ba trăm lẻ tám loại chim cu, riêng ở Việt Nam có hai mươi hai loài chim cu các loại. Ngoài ra còn có: Bồ câu gà, bồ câu sư tử, bồ câu vảy cá.
 
     Thực phẩm của chim cu: Gạo, mè, cao lương, đậu phộng, hột kê, hột bo bo, hột hướng dương… Vào khoảng tháng ba, cây da ra búp lá non, chim cu gầm ghì cũng thích ăn. Tuy nhiên chim cu ăn không nhiều nên cũng không lo thiếu hụt thực phẩm và cũng không làm hại cho mùa màng, nhà nông, ngược lại còn có lợi. Ông bà xưa có câu:
 
     “Cu ra ràng, nàng ra khem”.
 
Cu ra ràng là nói chung cho các con chim cu sinh ra được khoảng - mười tới mười lăm ngày. Bắt chim cu non hầm với thuốc Bắc, hột sen ăn để bồi bổ cơ thể. Chim cu (bồ câu) được huấn luyện để đưa tin tức. Đặc tính của chim cu mái cũng như cu trống sống với nhau chung thủy cho tới khi chết.
 
-Chim bìm bịp:
 
     Chim bìm bịp thuộc họ Cu Cu (Cuculidae). Trên thế giới hiện có ba mươi loại bìm bịp. Ở Việt Nam có hại loại loại bìm bịp sinh sống. Đó là bìm bịp lớn và bìm bịp nhỏ.(Centropus sinensis intermedius Hume) và bìm bịp nhỏ (Centropus bengalensis bengalensis Gmelin).
 
     Thực phẩm: bìm bịp thích ăn thực phẩm sống: Ếch, nhái, ốc, cào cào, châu chấu, cá nhỏ… Món ăn mà bìm bịp thích nhứt là các loại rắn.
    
     Trong Đông Y, các thầy thuốc dùng bìm bịp để chữa bệnh- gãy xương, nứt xương kín, chữa suy nhược, nhức mỏi, ứ huyết, tê thấp, đau lưng, sản hậu, liệt dương, hen suyễn, đái buốt, bổ thận… Ở Quảng Nam, ngày xưa có ông Thầy Vàng, ông dùng con bìm bịp ngâm rượu và thuốc cao dạng viên chữa bịnh rất hay. Khoảng năm một chín sáu mươi. Mẹ tôi trèo hái cà phê mít - chẳng may té ngã từ trên thang xuống - nứt xương dùi… Cha tôi từ DakTo, KonTum phải trở về Quảng Nam tìm thuốc của ông Thầy Vàng bào chế từ con bìm bịp đem về cho mẹ tôi chữa binh – (trong uống ngoài thoa) mà liền xương đi lại bình thường. Chim bìm bịp còn nhỏ cũng như chim bồ câu ra ràng, đem hầm với thuốc Bắc, hầm với hột sen, ăn để tẩm bổ cho người già, phụ nữ sau khi sanh…! Ngoài ra dùng bìm bịp khô ngâm với rượu mạnh, uống rất tốt cho cơ thể.
 
     Đặc tính của bìm bịp là thích sống những nơi bui rậm, đầm lầy… Bìm bịp biết lợi dụng con nước thủy triều lên xuống để tìm kiếm mồi… Bìm bịp biết dự trữ mồi trong tổ, nên bắt rắn đem về làm cho con rắn tê liệt để ăn từ từ... Nơi nào có tổ chim bìm bịp là có rắn quanh quẩn, nhưng tuyệt nhiên rắn không bao giờ lân la lại gần tổ bìm bịp để bắt bìm bịp con, (đó là điều bí ẩn). Có vài loại rắn không sợ bìm bịp thì bìm bịp đã biết trước và bắt ăn sạch hết. Người ta cho rằng: “TRONG PHÂN” của con chim bìm bịp tỏa ra mùi “ĐẶC TRƯNG”, hấp dẫn loài rắn bò tới, nhưng khi rắn bò tới gần thì lại rất sợ thứ mùi bí ẩn đó… Sỡ dĩ người ta biết được mùi đặc trưng đó là mỗi lần gài bẫy bắt chim bìm bịp, thường thấy chung quanh ổ chim dính đầy cứt... Bìm bịp có tính hung dữ, tiếng kêu lớn, vang đi xa lúc trầm lúc bổng nghe da diết mỗi khi trời về chiều… Người ta thuần hóa chim bìm bịp để giữ nhà vì bìm bịp biết bảo vệ vùng lãnh địa của chúng, không để cho kẻ thù xâm nhập, ngoài ra bìm bịp còn lùng sục tìm bắt rắn trong các bụi cỏ cây rậm mọc ở chung quanh nhà…! Bìm bịp đi vào ca dao:
 
     “Bìm bịp kêu, nước lớn anh ơi,
       Buôn bán chẳng lời chèo chống mỏi mê”.
 
    Chim cu và chim bìm bịp (con trống, con mái sống cặp đôi chung tình cho tới trọn đời và có trách nhiệm với nhau). Cả hai loài chim đều có ích cho con người. Tuy nhiên xét về tính cách và đời sống của mỗi loài thì chim cu và bìm bịp hoàn toàn đối nghịch... Bìm bịp tính “HUNG HĂNG”, còn chim cu “HIỀN LÀNH”. Bìm bịp “ĂN THỊT”, chim cu ăn “NGŨ CỐC”. Hầu hết các loài động vật ăn thịt đều có tính cách hung dữ và rất hung dữ… 

     Vậy cớ chi người xưa nói “cứt chim cu trét khu bìm bịp”? Cứt chim cu đối với chim cu là thứ thải bỏ, còn cứt chim bìm bịp đối với bìm bịp là “vũ khí” bảo vệ nòi giống bìm bịp trước kẻ thù là loài rắn, bìm bịp là khắc tinh của loài rắn. Người ta giải thích câu thành ngữ: Cứt chim cu trét khu bìm bịp. Nghĩa là: “có lỗi không nhận lỗi lại đổ thừa cho kẻ khác”. Giải thích như vậy cũng đúng, nhưng chỉ đúng có một phần. Ông bà ta ngày xưa dù ít biết chữ hoặc có thể mù chữ, nhưng không phải vì thế mà không am hiểu về triết lý sống, triết lý nhân bản, cách đối nhân xử thế và hơn hết là bảo vệ tổ quốc. Qua thực tiễn cuộc sống, đối diện với thiên nhiên khắc nghiệt, ông bà ngày xưa đã tích trữ vô số kinh nghiệm lưu truyền lại cho con cháu...
 
     Câu thành ngữ còn có ý nghĩa sâu xa... Giả dụ: con chim cu ăn ngũ cốc (ăn chay) là người tu hành, là người chính trực. Giả dụ: con chim bìm bịp ăn thịt (ăn mặn) là người bình thường, nhưng không có nghĩa là xấu… Hai loài chim nầy sống trong “môi trường” khác nhau, cho nên không thâm thù tới nỗi “không đội trời chung” như một số loài khác. Vậy là có một ai đó, một tổ chức nào đó, một phong trào nào đó…, đã lợi dụng danh nghĩa chính trực, trong sạch của chim cu (tức của người khác) để làm một tấm bình phong che giấu mưu đồ… Bằng cách lấy cứt chim cu trét khu bìm bịp để ghép tội, để vu oan giá họa... Cứt chim cu trét khu bìm bịp theo nghĩa đen là sẽ làm loãng đi bớt mùi vị đặc trưng của cứt chim bìm bịp. Làm như vậy, tức thì loài rắn hết sợ và rồi sẽ tấn công ổ bìm bịp, bắt chim non bìm bịp… Nghĩa bóng là gây chia rẽ hàng ngũ quân địch bằng danh nghĩa chân thật của người khác theo kiểu ném đá giấu tay, nhằm phá nát công sự phòng thủ và vũ khí bên quân địch. Câu thành ngữ còn có ý khác hơn là những kẻ tự cho rằng, họ "có chính nghĩa, có lý tưởng…"  rồi tìm một lý do bẩn thủi áp đặt, vu khống cho người chính nhân, hoặc một quốc gia, mà quốc gia đó đang sống trong cảnh thanh bình bằng một cái tội - không thực tế, sai sự thật - để rồi xua quân đi cướp đất, cướp nhà của họ. 
     

     Trong suốt chiều dài lịch sử nước Đại Việt. Phương Bắc đều lấy danh nghĩa nước lớn vu khống, áp đặt đủ mọi lý do để xua quân đi xâm chiếm Đại Việt và dân Đại Việt phải làm nô lệ cả nghìn năm... Người Mỹ, họ muốn đưa quân qua miền Nam, nhưng Tổng thống Ngô Đình Diệm, nhất quyết không chịu. Họ dùng (một số) tướng "khố xanh, khố đỏ" thời Pháp thuộc để làm cuộc đảo chánh giết cả dòng họ gia đình Tổng thống Diệm với danh nghĩa là cuộc "cách mạng"!
 
     Kẻ bất lương, kẻ gian lận họ lấy cứt chim cu đi trét tùm lum lên mặt mày người khác, theo kiểu "ném đá giấu tay"Và họ còn trét... lên bộ mặt của một quốc gia mà họ đã và đang sống...! 

     Nhà triết học (Friedrich Nietzsche) viết “The death of God”. (Thượng Đế đã chết)! Thượng đế đã chết thật rồi chăng...?!

 
     Bây giờ thì tôi đã hiểu ý nghĩa câu thành ngữ “cứt chim cu trét khu bìm bịp” do chính cha tôi nói ra từ ngày xưa... Ngày tôi còn bé.
 

Trang Y Hạ
 
 


    
 
 
 
    

 
 

 

 


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét