Thư viện

13/12/20

HOÀNG SẮC ÂM NHẠC


HOÀNG SẮC ÂM NHẠC

 
Trang Y Hạ


    “
Ngày xuân nâng chén ta chúc nơi nơi. Mừng anh nông phu vui lúa thơm hơi. Người thương gia lợi tức. Người công nhân ấm no. Thoát ly đời gian lao nghèo khó”… (Ly Rượu Mừng, PĐC)
 
     
Hoàng sắc âm nhạc là loại nhạc nào mà lại có sắc…? Ông Mao, nói: “Hoàng Sắc Âm Nhạc”, là loại âm nhạc chứa nội dung: tình yêu trai gái, khiêu dâm (dâm thanh), bẩn thỉu, thô tục, ủy mị…! Một số người trí thức thời đó cũng cho “hoàng ca” là loại nhạc “loạn thế chi âm, vong quốc chi âm”. Ông Mao và những người theo ông đều cho rằng thứ “nhạc vàng” làm hư hỏng văn hóa, con người, không phù hợp trong thời đại cách mạng, (nhạc đỏ mới là nhạc). Người Việt theo chủ nghĩa Mao cũng gọi “hoàng sắc” là loại nhạc vàng. Và còn gán thêm cho hai chữ, nhạc: “đồi trụy”!
 
     
Người Hoa cổ xưa xưng “hoàng đế”. Bởi hoàng đế là ông tổ của nền văn minh Hoa Hạ “hoàng thổ” (đất vàng); “hoàng hà” (sông vàng); viêm hoàng “da vàng”. Ấn tín màu vàng “kim ấn tử thụ”, áo nhà vua “hoàng bào”... Người Hoa làm giặc, dùng màu vàng - giặc “hoàng cân” (giặc khăn vàng). Tượng Phật, áo thầy chùa cũng màu vàng… Người Hoa xưa, ràng buộc bởi đạo đức, bởi luật trời, bởi luật người… Vua là thiên tử, tức con của trời. Hoàng Đế cũng chỉ là bề tôi của trời. Do đó mà trong các chiếu chỉ, viết: “phụng thiên thừa vận, hoàng đế chiếu viết…”. Nhạc cổ Trung Hoa ngày xưa nội dung chỉ là: các điển tích, điển cố, phong cảnh, quê hương, bạn hữu…  Âm điệu loại nhạc cổ xoay quanh năm [5] nốt nhạc chính gọi là ngũ âm. Ngũ âm được sắp xếp cao thấp bằng âm điệu: (Cung - Thương - Giốc - Chủy - Vũ).
 
     
Người Hoa không kiêng kỵ màu vàng. Màu vàng là màu biểu tượng của trời “hoàng thiên hữu nhãn”, của dân tộc họ… Vậy thì tại sao người Hoa sau nầy gọi nhạc cổ cầm của chính họ là thứ “nhạc vàng” một cách miệt thị? Thời của các vua chúa phong kiến Trung Hoa, đã dùng “dĩ nhạc trị quốc”. Tục Nhạc đã có từ lâu và phổ biến trong giới bình dân, lời ca dân dã bình thường nên không mấy phù hợp với - giới trí thức, giới quan lại, giới tu hành. Tuy cho rằng tục nhạc nhưng lời ca không làm mất thuần phong mỹ tục hay dâm dật…
 
     
Triều đại nhà Chu đã hình thành một loại nhạc khác có lời ca đậm tính văn chương, thanh điệu… tiếng Việt gọi là (nhã nhạc). Loại nhạc cung đình nầy, gồm có bát âm: [Thạch- Thổ- Kim- Mộc- Trúc- Bào- Ti- Cách]. Nhã nhạc ra đời nhằm đối xứng lại với [tục nhạc]. Nhã nhạc vua chúa thường dùng trong các dịp cúng tế trời đất hoặc đàn ca nơi chốn cung đình, quý tộc… Sau nầy giới nho gia rất thích nhã nhạc. Nhạc cung đình thời nhà Chu. Theo (Từ Hải Từ Điển). Nho gia gọi nhã nhạc là: “Trung Chính Hòa Bình”, hay “Khúc Nhã Thuần Chính”. Nho gia còn cho nhã nhạc cung đình là “Chính Âm”. Theo Kinh Lễ, nhã nhạc nhà Chu đi kèm với sáu điệu múa lộng lẫy, mà nội dung trong mỗi điệu múa mang ý nghĩa với một nhân vật thần thoại, lịch sử, như: - Vân Môn Đại quyển Đại Hàm - Đại Khánh - Đại Thiều - Đại Hạ - Đại Hoạch - Đại Vũ.
 
     
Những khúc nhạc nổi tiếng của người Hoa từ thời xa xưa, hiện nay vẫn còn giá trị trong lịch sử âm nhạc, vẫn lưu giữ ở các viện âm nhạc quốc gia: Hồng-Kông, Đài Loan, Singapore, Châu Âu… Nhạc, gồm có mười khúc:

- “
(Cao Sơn Lưu Thủy). Khúc nầy chỉ có: Bá Nha và Chung Tử Kỳ, mới hiểu thấu ý nghĩa… - (Quảng Lăng Tán). Khúc nhạc cổ cầm, ở vùng Quảng Lăng. Tả chuyện Nhiếp Chính, thời Chiến Quốc, vì muốn trả ơn cho bạn là Nghiêm Trọng Tử, nên ông giết tể tướng Hiệp Lụy, rồi tự sát… - (Bình Sa Lạc Nhạn). - Tả cảnh chim nhạn bay về phương xa vào tiết thu sang... - (Mai Hoa Tam Lộng”) tả hoa mai… - (Thập Diện Mai Phục). Tả lại thời Hán Sở Tranh Hùng… - (Xuân Giang Hoa Nguyệt Dạ), hay còn gọi là: Tịch Dương Tiêu Cổ). Tả cảnh sắc trên sông Dương Tử... - (Ngư Tiều Vấn Đáp). Kể về cuộc nói chuyện giữa người ngư phủ và người tiều phu. - (Hồ Gia Thập Bát Phách). Tả về nữ thi nhân Thái Diễm thời Tam Quốc… - (Hán Cung Thu Nguyệt) . Tả nỗi buồn của người cung nữ trong cung… - (Dương Xuân Bạch Tuyết). Tả về cây cối trong mùa xuân có tuyết rơi...
 
     
Xét ra nội dung âm nhạc của người Hoa ngày xưa, họ chỉ diễn tả: điển tích, lịch sử, cảnh vật, đất nước, con người chứ không hề mang nội dung đồi bại, trụy lạc... Không hiểu tại sao những người theo thuyết Mao lại chối bỏ nền âm nhạc tinh hoa tuyệt vời đó cho tới hết cuộc đại “cách mạng văn hóa”. Và, đợi cho tới khi ông Đặng Tiểu Bình “lên ngôi” mới ra lệnh mở cửa ra làm ăn theo hướng “Kinh Tế Thị Trường Tư Bản”, mà theo như lời ông nói “Bất kể mèo đen hay mèo trắng miễn là bắt được chuột”. Từ đó, thứ “nhạc vàng” độc địa mà ông Mao chê bai ghét bỏ - đã sống dậy, kể cả nhạc phương Tây cũng cho phép du nhập vô trong nước.
 
   
Nhìn lại lịch sử thời cuối đời nhà Minh…Tướng Ngô Tam Quế, mở cửa Sơn Hải Quan, đón quân của tướng Đa Nhĩ Cổn vào chiếm Bắc Kinh và lập ra triều đại nhà Thanh. Nhà Thanh hiểu ra rằng: họ chỉ chiếm được đất chứ không thể chiếm được lòng người Hán và nền văn hóa đồ sộ của người Hán. Thay vì tiêu diệt họ, nhà Thanh quay sang hợp tác với tầng lớp tinh hoa của người Hán để đặt các chức quan từ trong triều đình cho tới các địa phương... Một quyết định hết sức sáng suốt.
 
***
     
Ở miền Bắc Việt Nam “Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa”, cũng cấm tiệt thứ “nhạc vàng” độc địa giống y chang như ông Mao, cần phải loại bỏ, người dân nào sưu tầm ca hát sẽ bị bắt và bị tù đày… Nhạc vàng bị cấm chính thức vào năm 1975. Ở ngoài Bắc, vụ án lừng danh thiên cổ vì sưu tầm và hát nhạc vàng mà bị đi tù đày nhiều năm dẫn tới tan gia bạn sản, đó là vụ án:  

-“Toán Xồm - Lộc Vàng”. Toán Xồm tức là ông Phan Thắng Toán. Ông Toán chủ mưu với các đồng phạm là nghệ sĩ nghiệp dư, đi tìm kiếm các tác phẩm “Văn Nghệ Đồi Trụy”. Phiên tòa xử vào tháng (1.1971). Tòa án tuyên phạt người mười năm tù, người mười lăm năm tù”. 

(báo Hà Nội Mới “Phan Thắng toán và đồng bọn đã bị xét xử”, ngày 12.1.1971). 

Khi hai ông “Toán Xồm - Lộc Vàng” mãn hạn tù. Một người còn sống. Một người sống vô gia cư và chết ở ngoài đường phố… Dù đi tù, dù chết trong đói khổ, bệnh tật nhưng trong lòng của hai ông vẫn trung thành với thứ “nhạc vàng đồi trụy” mà hai ông đã yêu thích...

    
     
Trong các triều đại vua chúa Đại Việt đều có nhạc cung đình. Triều đại Chúa Nguyễn cũng đã có nhạc cung đình và phát triển rực rỡ... Nhà Nguyễn chọn Huế làm kinh đô, từ đó nhạc cung đình có tên gọi là nhạc cung đình Huế. Nhã nhạc trỗi lên vào những dịp (nhà vua tế trời đất, vua lên ngôi, vua băng hà, mừng chiến thắng quân giặc, đám cưới, mừng thọ, hoặc trong các nghi thức cúng đình…). Nhạc cung đình Huế, hình thành từ thế kỷ thứ mười ba [13]. Hoàng Đế Bảo Đại tuyên bố thoái vị năm một chín bốn lăm (1945). Nền nhã nhạc cung đình Huế cũng tan rã theo. Tuy nhiên về thang âm, thì âm nhạc cung đình Đại Việt đã biết xử dụng bát âm cho nhã nhạc, gồm: “Hò, Xự, Xang, Xê, Cống, Liu, U”.
 
 
***
 
     
Tân Nhạc Quốc Gia Phải Chăng Là loại Nhạc “Đồi Trụy”?
Tân Nhạc Việt Nam hình thành từ khoảng năm (1928). Theo “Nam Kỳ Lục Tỉnh”. Tân Nhạc Quốc Gia có ba tên gọi:
     

   - Tân Nhạc Việt Nam (Vietnamese modern music)
     
- Nhạc Tân Thời (Vietnamese modern musical era)
     
- Nhạc cải cách (Vietnamese reformed music).
 
     
Trong bài viết nầy, tôi không bàn về âm nhạc, dù có muốn bàn thì cũng chẳng có biết chi mô về âm nhạc mà bàn. Tất cả dẫn chứng trong bài viết nầy là để làm minh bạch cái mà người ta gán tội cho Tân Nhạc Quốc Gia là loại nhạc “Đồi & Trụy”. Dòng Tân Nhạc Quốc Gia có phải là thứ nhạc mang nội dung xấu xa đã làm hư hỏng người nghe, hủy hoại xã hội hay làm mất đi một quốc gia như vậy hay không mà thôi!
Người Việt cũng giống người Hoa. Thích màu vàng: “da vàng, lúa vàng, trăng vàng, nắng vàng, hoa cúc vàng, hoa dã quỳ vàng, rùa vàng, ngai vàng… Năm (40 - 43). Hai Bà Trưng khởi nghĩa đánh giặc Tàu bà cũng lấy màu cờ vàng. “
phất ngọn cờ vàng, phất ngọn cờ vàng oai hùng quân Nam”. (Bài học thêm lớp tiểu học thời Miền Nam Quốc Gia). Các triều vua nhà Nguyễn kể từ vua Thành Thái cũng chọn màu vàng làm cờ “Cờ Vàng Ba Sọc Đỏ”, ba sọc tượng trưng cho ba miền.
 
     
Thử tìm hiểu hai chữ “Đồi & Trụy”:
 
     
-Chữ “đồi”, là ngọn đồi ít cây cối, đồi trọc, đồi đá… Đồi, là đồi bại (phong tục đồi bại). Đồi, là hư hỏng, đổ nát, tồi tệ xấu xa. - Chữ “trụy” là rớt xuống, ngã xuống. Trụy thai, là hư thai. Trụy địa, là té ngã xuống đất. Trụy lạc, là rơi vô nơi chốn dơ bẩn. Hai chữ “đồi & trụy” không thể ghép chung. Chữ “đồi trụy” không nằm trong tự điển tiếng Việt. Vậy thì tại sao phải mượn hai chữ đó đem đi “hạch tội, vu vạ” cho một nền âm nhạc - “Tân Nhạc Quốc Gia - Nhân Bản - Khai Phóng” đã có từ lâu. Cầm bằng cho rằng Tân Nhạc Quốc Gia là thứ nhạc “đồi & trụy” thật sự. Vậy thử tìm xem trong hàng chục ngàn tác phẩm “nhạc vàng” đó có lời ca nào: - cổ súy cho việc giết người; cổ súy cho việc phá hoại tín ngưỡng, tôn giáo; cổ súy cho việc tố cáo, chụp mũ lẫn nhau; cổ súy cho việc giết hại đồng bào; cổ súy cho việc cướp bóc; cổ súy cho việc phá hoại thuần phong mỹ tục; cổ súy cho việc lừa thầy phản bạn hay giựt chồng, cướp vợ; cổ súy cho việc xóa bỏ lịch sử… Tất nhiên, (nếu có) loại nhạc phẩm tai hại như vậy thì phải mang đi đốt bỏ. Và, nếu không đốt bỏ đi thì tự thân loại nhạc qủy quái đó cũng tan biến theo dòng thời gian. Lịch sử và lịch sử âm nhạc cũng không muốn nhắc tới làm chi.

     “Nhạc sĩ Tô Hải sáng tác một ngàn bản nhạc, nhưng chính ông thú nhận: “Hầu hết sáng tác của tôi là do (hèn) nên nội dung chỉ là các khẩu hiệu tuyên truyền”. Năm 1960, nhạc sĩ Tô Hải bỏ đảng, ra khỏi quân đội. Sau năm 1975, ông vào Sài Gòn, tới năm 1986 về hưu non, chọn Nha Trang là nơi ở ẩn để tránh “phải nhận chỉ thị buộc viết cái gì, viết thế nào, viết cho ai.”. Ông thọ tới 91 tuổi. Tháng Sáu, 2009, tủ sách Tiếng Quê Hương tại Virginia, Hoa Kỳ, đã xuất bản và phát hành tác phẩm “Hồi Ký Của Một Thằng Hèn” của nhạc sĩ Tô Hải. Cuối đời ông đốt hết chỉ chừa lại một nhạc phẩm”. Theo đài (BBC).

     Người xưa, có câu nói “Hữu xạ tự nhiên hương”. Quả không sai. Trong dòng nhạc Tân Nhạc Quốc Gia đã có sẵn xạ, mùi hương từ xạ tỏa ra theo năm tháng dù cho có phong ba bão táp mùi hương của xạ vẫn cố bám chứ không hề phai… Đã nửa thế kỷ trôi qua, từ ngày mất Miền Nam Quốc Gia nhưng dòng nhạc Tân Nhạc Quốc Gia vẫn không mất. Lớp sinh sau đã thừa hưởng một di sản Tân Nhạc vĩ đại… Và nhờ dòng Tân Nhạc Quốc Gia đó mà đã có hàng ngàn Ca Sĩ trẻ “thế hệ sau” tiếp tục thành danh và giàu có (khắp trong và ngoài nước). Đó là chưa kể mọi người, mọi nhà - dù nhiều, dù ít - đều thuộc vài lời, vài đoạn trong bản nhạc hay vài bản Tân Nhạc Quốc Gia để hát chung vui trong: - đám cưới, đám ma, đám đầy tháng, đám thôi nôi, đám tân gia và các cuộc nhậu là chuyện bình thường. 

     Tân Nhạc Quốc Gia Miền Nam đã thấm sâu vô từng mạch máu li ti của người Việt… Mỗi dịp xuân về, người xa quê khắp nơi, không ai mà không nhớ tới nhạc phẩm “Xuân Này Con Không Về”. Nghĩ về người mẹ thân yêu không ai mà không nhớ tới nhạc phẩm “Lòng Mẹ”. Nghĩ về thời học sinh, không ai mà không nhớ tới nhạc phẩm “Em Tan Trường Về, - Nỗi Buồn Hoa Phượng”. Nghĩ về người lính, không ai mà không nhớ nhạc phẩm “Chuyến Tàu Hoàng Hôn, - Ly Rượu Mừng – Rừng Lá Thấp...* Nghĩ về tình yêu không ai mà không nhớ nhạc phẩm “Tôi Đưa Em Sang Sông, - Thành Phố Buồn...”. Còn nhiều…, và còn nhiều lắm! Tân Nhạc Quốc Gia, có một sức mạnh riêng mà không một cá nhân, không một đảng phái nào ngăn cản nổi. Âm nhạc không hạn hẹp bởi: - biên giới, màu da, tôn giáo, đảng phái, trẻ, già, địa lý… Chính âm nhạc Phương Tây đã góp phần làm cho “Bức Tường Bá Linh” sụp đổ. Lịch sử đã ghi lại như vậy!

 
    Trong mỗi con người đều có nhạc… Hãy để các nốt nhạc trong sáng ở trong tâm lòng ngân lên cho đời rộn rã tươi vui… Hãy xích lại gần nhau trong tình yêu, trong tình tương thân tương ái bằng lời nhạc nhẹ nhàng bay bổng mà sâu lắng…! Nhạc không màu... ,nhưng là “cầu vồng bảy sắc” cho những người yêu nhạc bước qua để đi tới vùng hương hoa bát ngát của “Chân – Thiện – Mỹ.
 

Trang Y Hạ



*Nhạc Phẩm lừng danh “Ly Rươu Mừng” của nhạc sĩ
Phạm Đình Chương bị “cầm tù” 40 năm. 



Không còn cấp phép phổ biến với tác phẩm âm nhạc trước 1975
2020-12-17. RFA.  

"Bất kỳ ai muốn lật đổ sự tự do của một quốc gia, đều phải bắt đầu bằng việc đàn áp tự do ngôn luận”  (Benjamin Franklin)

 


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét