Thư viện

9/12/20

ĐẤU GẠO NUÔI ƠN...

 



ĐẤU GẠO NUÔI ƠN, GÁNH GẠO NUÔI THÙ


Trang Y Hạ


Tề-Thiên-Đại-Thánh nói với sư ông Tam Tạng, thầy của mình rằng: “Trời đất vốn không hoàn hảo...!”.


Trời đất vốn không hoàn hảo…! Vậy thì con người nhỏ bé bơ vơ trên trần thế làm chi có được sự hoàn hảo? Đã không có sự hoàn hảo thì con người đành phải nương tựa vào nhau để vượt qua thiên tai bão lũ, bệnh tật, chiến tranh! Tuy nhiên, trong cuộc sống trước tiên là phải biết “tự lực cánh sinh”; biết “tích cốc phòng cơ”; biết dự đoán tai ương bão tố, dịch bệnh mà đề phòng. Người miền Trung hằng năm cõng trên lưng hàng chục cơn bão nên họ đã biết lo xa (được mùa lúa năm nay, nhưng vẫn phải ăn uống dè xẻn, tiện tặn; vẫn phải ăn cơm độn khoai sắn để dành lúa gạo đề phòng năm sau không may thất mùa …).

Đối đế lắm mới ngửa tay nhận của phát chân (từ thiện). Bởi Lòng tự trọng rất dễ bị thương tổn. Từ bé, nhà trường dạy môn “đức dục, công dân giáo dục”, là phải biết thương yêu dùm bọc lẫn nhau Lá lành đùm lá rách” hay Một con ngựa đau cả tàu không ăn cỏ”... Biết vậy, nhưng dù có muốn giúp thì cũng có năm bảy đường để giúp. Giúp trong hoàn cảnh ngặt chớ không ai giúp cho qua cảnh nghèo. Giúp đỡ, hay từ thiện nếu mà làm không khéo sẽ trở thành vô tác dụng. Do đó mới có câu Của cho không bằng cách cho” là vậy. Câu thành ngữ mang nhiều ý nghĩa cần phải phân tích, đó là câu:


Đấu gạo nuôi ơn. Gánh gạo nuôi thù”


Gạo ở trong câu nói chỉ là ước lệ, chỉ là tượng trưng chứ nội dung trong câu thành ngữ còn nhiều ý nghĩa khác. Bởi tại sao chỉ vì một đấu gạo ít ỏi mà nuôi được cái ơn ở trong lòng người thọ ơn?


- “Đấu Gạo Nuôi Ơn”.


Ngày xưa, có nhiều phương cách để đo lường. Về thể tích người ta dùng đơn vị bát, đấu” để dùng trong buôn bán... Một đấu bằng hai bát, một bát bằng nửa lít (thời xưa). Tính ra, một đấu gạo cũng chẳng có nhiều chi cho lắm, nếu nấu cháo ăn cầm hơi cũng được vài ba ngày. (Nguyên nhân đấu gạo nuôi ơn là ở chỗ người cho đấu gạo bản thân của họ cũng nghèo và túng thiếu đủ đường)… Bằng với tấm lòng thương người, họ sẵn sàng chia sớt đấu gạo với nhau cùng trong cảnh hoạn nạn... Người chia sớt đấu gạo họ cũng không có một chút ý niệm rằng họ sẽ được người thọ ơn trả ơn; người chia sớt đấu gạo họ cũng không đặt điều kiện nào với người thọ ơn. Đấu gạo nuôi ơn - đó là trách nhiệm của trái tim, của tình làng nghĩa xóm, của tình đồng bào, của lương tâm và đạo đức…!

Ngày xưa thuở còn hàn vi, danh tướng Hàn Tín phải xin cơm bà Phiếu Mẫu để độ ngày… Bà Phiếu Mẫu cũng không dư giả gì cho lắm. Bà chỉ giàu lòng nhân từ nên bà cho Hàn Tín ăn cơm... Hàn Tín ăn cơm của bà rồi hứa sẽ trả ơn cho bà… Bà Phiếu Mẫu, nói:

- Tôi thấy cậu là thanh niên trai tráng khỏe mạnh mà không nuôi nổi bản thân, tôi mới giúp cậu chứ tôi nào có mong được cậu trả ơn đâu!”.

Nghe bà Phiếu Mẫu nói vậy, Hàn Tín vô cùng xấu hổ cúi mặt bỏ đi và không dám tới xin cơm của bà Phiếu Mẫu nữa. Bà Phiếu Mẫu vốn có lòng nhân bà tự nguyện đem cơm tới để sẵn trước chỗ ở của Hàn Tín mỗi ngày... Sau này, Hàn Tín trở thành Tướng Soái Nhà Hán, ông nhớ tới bà Phiếu Mẫu ông đã trở về trả ơn cho bà. Đặt trường hợp Hàn Tín không thành Tướng Soái thì lấy của cải ở đâu mà đền ơn đây? Tuy vậy, nếu không được đền ơn thì giữa bà Phiếu Mẫu và Hàn Tín chẳng ai mắc nợ ai. Miếng cơm Phiếu Mẫu hay đấu gạo nuôi ơn đó, được nuôi ơn ở một chỗ khác. (Được nuôi ơn ở chỗ Thượng Đế. Được nuôi ơn ở chỗ con cháu. Được nuôi ơn ở kiếp sau, nếu có kiếp sau…)!


- “Gánh Gạo Nuôi Thù”.


Tại sao giúp người khác cả một gánh gạo lớn mà không được trả ơn, trả nghĩa lại còn bị nuôi thù. Gẫm ra câu nầy có tới ba trường hợp điển hình.


Trường Hợp Thứ Nhất:


Người phát chẩn cả gánh gạo. Thí dụ: là người thương gia giàu có; người điền chủ giàu có, muốn làm từ thiện nên đem gạo ra phát chẩn thường xuyên cho người nghèo... Số người nghèo nhận số gạo phát chẩn theo định kỳ đã quen...Nhưng rồi tới một ngày họ không được nhận nữa. Họ đâm ra hụt hẫng, vậy là họ xúm nhau, nhỏ to đủ điều, thậm chí còn nguyền rủa người phát chẩn không tiếc lời…


Trường Hợp Thứ Nhì:


Người phát chẩn cả gánh gạo, có ý muốn giúp đỡ cho người nghèo, nhưng họ lại có tính hay khoe mẽ việc làm từ thiện khắp thiên hạ... Vả lại, đôi khi họ thấy người thọ ơn làm ăn khấm khá thì nói bóng gió, rằng: “ấm rày quên lạnh ngày xưa”. Người thọ ơn không phải họ không nhớ ơn, có điều một khi nghe những lời kể công, trách móc nên cảm thấy xấu hổ...

Trường Hợp Thứ Ba:


Người gánh gạo phát chẩn cho người nghèo nhưng có tính toán lâu dài, có kế hoạch hẳn hoi… Họ làm từ thiện theo kiểu “bòn nơi khố rách, đãi nơi quần hồng” - “mượn hoa dâng Phật”. Họ mượn của từ các (Mạnh Thường Quân) để làm từ thiện. Họ mượn danh từ thiện với mục đích tạo uy tín cho cá nhân hay quảng bá cho công việc làm ăn... Từ đó họ giàu sụ, họ nổi tiếng nhờ đi làm từ thiện. Và có thể nói chính thiên tai dịch bệnh đã làm lợi cho họ.

Đối với một quốc gia cũng tương tự… Đừng nghĩ rằng tiền “viện trợ không hoàn lại” của các quốc gia giàu có trên thế giới hay các quỹ tài chánh thế giới là của cho không.

Không hoàn lại không hẳn là cho không.

Tiền của các quốc gia giàu có cũng là tiền của người dân xứ họ đóng thuế... Họ xử dụng tiền thuế hợp lý để tạo ra công ăn việc làm cho người dân nước họ. Vậy mà vẫn có một số quốc gia chuyên đi xin ăn bằng viện trợ... Xin viện trợ là phải mua hàng hóa của quốc gia viện trợ; mua càng nhiều thì nội lực sản xuất trong nước càng trì trệ, các ngành nghề nhất là ngành nghề về kỹ thuật sẽ không thể làm ra các sản phẩm, không phát minh ra được cái mới.

Trong lịch sử đã có nhiều quốc gia lệ thuộc kinh tế của nước khác bởi nợ nần không trả nổi mà bị mất chủ quyền, mất tự do và bị sai khiến… Đó là chưa nói tới chuyện các quốc gia viện trợ họ khai thác tài nguyên của các quốc gia (nhận viện trợ) cạn kiệt để trừ nợ. Tới lúc họ cắt dây rún. Tới lúc đó các quốc gia đi xin ăn, đi vay nợ lại nguyền rủa, chửi rủa…


Đấu gạo nuôi ơn. Gánh gạo nuôi thù đã rõ … Vậy, làm từ thiện, hãy lấy câu Thương người như thể thương thân” giúp đỡ lẫn nhau trong mọi hoàn cảnh... Giúp đỡ bằng sự thật, bằng lương tâm, bằng lý trí, bằng đạo đức và vô vị lợi… Việc làm chân chính đó lúc nào cũng thấy tâm hồn sảng khoái, bay bổng và hạnh phúc! ./.


Trang Y Hạ

     



 
 
 
    
 
    
 
 


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét