TÔI
ĐỌC: NƯỚC MẮT CỦA RỪNG
Trang
Y Hạ
“Nước
Mắt Của Rừng”. Tác giả: (Amai B’Lan).
Trước
đây tôi có viết “Cánh Rừng Thời Nhỏ”. Nội dung mô
tả về phong tục, tính cách và bản năng sinh tồn của
người Thương ở Cao Nguyên nói chung và KonTum giữa núi
rừng trùng trùng điệp điệp... Đó là bối cảnh từ
những năm (một ngàn chín trăm năm mươi bảy), thời gian
ấy tôi theo cha mẹ tới vùng DakTo lập nghiệp.
Thời
nhỏ tôi đã từng tắm ở dòng sông Dakpsi, lớn lên tôi
tắm ở dòng sông Pơco… Thời gian đó để lại trong tâm
lòng những kỷ niệm không thể nào quên. Hôm nay tôi được
nhà xuất bản (Nhân Ảnh) ở San Jose, California, giới
thiệu cuốn “Nước Mắt Của Rừng” của tác giả
(Amai B’ Lan), cầm cuốn sách tôi nghĩ tác giả là một
người Thượng... Tôi lật phía sau quyển sách thì không
phải như vậy. Tên (Amai B’ Lan) - tác giả cuốn sách, là
một cô gái (người kinh) còn rất trẻ, cô có tên thật
là Trần Thị Trung Thu, cô sinh năm 1988 tại tỉnh Đồng
Nai. Cô tốt nghiệp khoa báo chí ở đại học KHXH&NV,
sau khi tốt nghiệp thay vì cô xin đi viết báo ở các tòa
soạn để đạt sự mơ ước của tuổi trẻ thì cô lại
dấn thân đi lên vùng Cao Nguyên làm công tác xã hội và
trở thành một ký giả tự do.
Ấn
phẩm “nước mắt của rừng” vỏn vẹn có một trăm
ba mươi chín trang (139), giá bìa ghi $15 mỹ kim. Ở đây
tôi không đề cập sách mỏng hay dày hoặc giá tiền mà
chính là tựa cuốn sách đã làm cho tôi xúc động...! Tôi
xúc động bởi tôi đã từng sống trên vùng cao nguyện
(KonTum) từ thuở còn bé. Từ thuở bé tôi đã tiếp xúc
với người Thượng, tôi sống gần họ, tôi mến họ và
họ cũng mến tôi. Lớn lên tôi vào lính, tôi cũng gần
gũi với các đơn vị lính Trường Sơn, hầu hết là
người Thượng. Và đơn vị tôi được phân công việc
phụ trách di tản các ngôi làng Thượng từ nơi rừng sâu
ra vùng quốc gia kiểm soát… Câu thành ngữ “ăn của
rừng rưng rưng nước mắt”, đã cho tôi một cảm nhận
qua lời nói của cha tôi. Sau nầy tôi mới hiểu ra rằng:
rừng không phải là gia tài ăn hoài không hết, rồi một
ngày nào đó (rừng khóc), thì con người phá rừng phải
chịu hậu quả từ giọt nước mắt của rừng. Đó là
thiên tai bão lũ, hạn hán khô cạn các dòng sông, dòng
suối!
“Nước
Mắt Của Rừng” chính là nước mắt người Thượng,
những giọt nước mắt chảy ngược vào tim. (Amai B’Lan).
Tôi
không hiểu tại làm sao một cô gái ốm yếu sinh ra ở
Đồng Nai vừa tròn mười tám tuổi đầu với bằng cấp
trong tay và ước mơ cho một tương lai tươi đẹp trước
mắt, lại có một (tình cảm) sâu nặng với người
Thượng J’rai trên mảnh đất Phú Bổn, Cheo Reo, thủ phủ
Ayunpa, Krong Pa… Đó vùng đất Cao Nguyên mà các linh mục
thừa sai ngày xa xưa đã từng tới để rao giảng tin mừng
của Chúa.
Tôi
thán phục, ngưỡng cô – cô gái còn rất trẻ mà đã
biết hy sinh ước vọng của riêng mình đã mạnh dạn dấn
thân vào nơi nguy hiểm; nguy hiểm chẳng những từ rừng
thiêng nước độc mà cả với con người và nhà chức
trách khi biết cô viết ra sự thật. Tôi trích vài đoạn
cảm nghĩ của tác giả Amai B’Lan:
“…
Tôi đến Ayunpa, thủ
phủ của người Jarai, sau đó là Krong Pa chỉ với ý định
dạy học cho những em bé Jarai trong ba tháng hè năm 2011.
Không dám có ước muốn tìm hiểu một dân tộc thẳm sâu
và lạ lùng trong quãng thời gian ngắn như thế. Đặt
chân lên mảnh đất huyền thoại nầy, mới bước vào
một quán ăn nhỏ đã thấy sự bất công, huống hồ tôi
đã ở suốt một mùa hè nơi đây, và trở lại nhiều
lần trong mùa xuân 2012.
Những
cuốn sách viết về người Jarai, về cao nguyên, đều vẽ
lên những hình ảnh đẹp đẽ và thơ mộng của một
thời đã qua. Thời của già làng đêm đêm bên bếp lửa
bập bùng kể Akhan, thời của Pơtao quyền lực bậc nhất
cao nguyên, thời của núi rừng bạt ngàn và sông suối
trong veo.
Tất
cả đã qua rồi
Giờ
đây, những gì còn lại chỉ là một dân tộc đang lụi
dần…” (Ngưng
trích).
Cuốn
Sách Gồm: Mười Bốn Phần:
“Duyên
Nợ Cao Nguyên”
Tôi
nghĩ, từ trong sâu thẳm đã có nhịp cầu tâm linh của
núi rừng huyền bí, của Akhan, của Pơtao nên người con
gái trẻ Trần Thị Trung Thu mới dám mạo hiểm dấn thân
chỉ bằng bằng một chiếc xe đạp cọc cạch đi từ: Di
Linh lên KonTum, ròng rã mất một tháng trời... Dọc đường
cô phải đi xin ăn, xin ngủ, xin uống nước như một kẻ
ăn mày “cái bang”... Từ Di Linh cô đi qua Gia Nghĩa chịu
đói rét giữa đường đèo đất đỏ không một bóng
người. May mắn cô được một gia đình người Thượng
cho tá túc giữa đêm mưa tăm tối… Vợ chồng người
Thượng (chủ nhà) gìa nua nghèo đói ấy đã đùm bọc cô
qua đêm khi cô lỡ độ đường, họ nấu cho cô một nồi
nước nóng để cho cô tắm và cho cô ăn một trái bắp
luộc cho đỡ đói. Ngày hôm sau vợ chồng già tiễn cô
lên đường bằng một nãi chuối, một chai nước trà
(nóng) và một cái áo mưa… Rồi cô lại đi từ: Ban Mê
Thuột tới Ajunpa, đoạn đường dài khoảng 200 cây số,
nếu đi xe đò thì phải mất ít nhất 4 giờ đồng hồ
theo như cô nói... Đó là những chuyến đi tiếp theo để
lên vùng cao nguyên của cô gái trẻ. Đúng lý ra cô có
thể nhảy lên xe đò để đi cho khỏi cực khổ và ít
nguy hiểm cho thân gái dặm trường - đêm hôm mưa gió
giữa rừng thiêng, nước độc. Đó là chưa kể bịnh tật
và xe đạp hư hỏng.... Nhưng không, nếu cô đi xe đò thì
chẳng qua chỉ là đi du lịch “cởi ngựa xem hoa”..., cô
muốn tự mình với chiếc xe đạp cà tàng vượt qua các
địa danh để ghi nhận hết hình ảnh của núi rừng hùng
vĩ cũng như con người sắc tộc sống nơi thâm sơn cùng
cốc từ hàng ngàn năm trước cho tới tận bây giờ.
Cô
Amai B’Lan, kể:
“Tôi mê cao nguyên
không đơn thuần chỉ vì vẻ đẹp trinh khôi của nó, mà
còn vì trong chuyến đi mạo hiểm đầu đời, tôi được
những con người tốt bụng của cao nguyên đùm bọc khi
sa cơ lỡ bước…”. (Ngưng
trích)
Những
con người tốt bụng đó, họ chính là người Thượng,
là người Thượng J’rai.
Cô
Amai B’Lan, nhanh chóng tìm được cô bạn gái Mơai, Mơai
đang học ngành xã hội và cô bạn gái đó đã giúp cô
về Krong Pa dạy học. Cô khôn ngoan, nên cô tìm gặp cha
quản xứ, chính cha xứ là chỗ dựa vững chắc. Cô gặp
cha Gioan, một mình cha phải coi sóc hơn 40 buôn làng. Quả
thật vất vả cho cha, vì thiếu giáo viên trầm trọng,
thiếu cả giáo lý viên. Cô giúp cha, cô rủ thêm các sinh
viên người Thượng về Krong Pa dạy học – (dù là dạy
kèm trong ba tháng hè). Trong thời gian vừa dạy học cho
lớp trẻ J’rai vừa giúp giáo xứ mọi việc, cô ăn ở
chung với người J’rai nên cô đã gây được cảm tình
với họ. Họ tin tưởng, họ kể hết mọi chuyện cho cô
nghe. Đồng thời cô tận mắt chứng kiến cuộc sống cơ
cực của người J’rai; cô chứng kiến cảnh người kinh
cướp đoạt đất đai và đồng hóa người J’rai cũng
như khinh thường họ… Cô đã đi đi về về với vùng
đất Krong Pa như chính quê hương Đồng Nai của cô. Quả
là cô gái với ý chí mãnh liệt có cái tên (Amai B’lan),
cô vốn có duyên nợ với Cao Nguyên huyền bí.
Ngày
xưa, tôi chưa hề biết Krong Pa, cho tới một ngày “di
tản chiến thuật” tháng ba 1975, dân quân hai tỉnh KonTum
và Pleiku di tản trên con đường hoang vu, loang lỗ có tên:
liên tỉnh lộ 7.B qua quận lỵ Củng Sơn về Tuy Hòa. Con
đường lui binh tàn nhẫn đó ngày nay có tên mới quốc
lộ 25 như cô Amai B’Lan đã viết. Tôi đã đi qua con
đường 7.B đầy máu và nước mắt để rồi phải dừng
lại bên bờ sông Ba mùa khô đầy cát trắng và dòng nước
mát trong xanh. Sau nầy tôi đã viết “Đêm Nằm Ở Sông
Ba”.
Trong
“nước mắt của rừng” cô có nói chuyện, người dân
cho cô hay:
“…
Nhiều người chạy
tới đèo Tona thì bị phục kích. Nhiều người chết đến
mức nghẽn cả dòng chảy sông Krong Pa. Quạ thấy xác
chết tới ăn đen cả bầu trời, đậu đầy núi. Vì vậy
người ta mới gọi núi nầy là Núi Quạ… Hôm tôi về
Krong Pa, tôi nhìn lên núi thì không thấy con qua nào nhưng
chỉ tưởng tượng đến tháng ngày chiến tranh đó đã
không khỏi rùng mình. Người dân nơi đây đã phải trả
một cái giá quá đắt. Hơn ba mươi năm sau, họ mất luôn
quyền làm chủ núi rừng có tự ngàn xưa”.
Và
rồi cuộc sống của người J’rai sau nầy:
“Ayunpa
có một hệ thống thủy lợi dẫn từ Phú Thiện về dài
chừng 20 cây số, cho phép người dân làm một năm ba vụ,
nhưng người dân J’rai chỉ làm hai vụ thôi, họ nói vụ
thứ ba để cho đất nghỉ. Kiểu canh tác nhân ái nầy có
nguồn gốc từ nền văn hóa thảo mộc, nghĩa là mượn
tài nguyên của mẹ tự nhiên để xin cái ăn rồi trân
trọng trả lại”. (Ngưng
trích).
Kiểu
canh tác “nhân ái” nầy, (Trang Y Hạ) đã viết trong
“Cánh Rừng Thời Nhỏ”. Tuy nhiên, không ngờ rằng sau
bao nhiêu năm sự nhân ái với rừng, với đất vẫn còn
in đậm trong lòng người J’rai và có thể là cả vùng
Cao Nguyên rộng lớn – Cheo Reo, Pleiku, KonTum, Ban Mê
Thuột…!
Trọng
tâm của cô Amai B’Lan là tường thuật lại những gì cô
tận mắt chứng kiến cuộc sống hiện tại của người
Ja’rai và sự tồn vong của họ trong cuốn “Nước Mắt
Của Rừng”. Tuy nhiên, cô có khái quát một vài tài liệu
hình thành tỉnh Phú Bổn, thị xã Cheo Reo. Tôi nghĩ, cô
cũng đã từng đọc qua các tài liệu lịch sử cũng như
các sách báo của các linh mục thừa sai, các linh mục bản
địa và cua các nhà nghiên cứu đã viết về vùng đất
Cao Nguyên.
Cô
Amai B’Lan, kể:
“...Hỏi
thăm người dân tôi được biết, Cheo Reo là tên của hai
anh em Cruh và Creo đến lập cư tại đây vào đầu thế
kỷ 19 (một số tài liệu ghi là Chu và Chreo). Lúc đầu
hai anh em ông lập làng tại Rongol-por-klang, nay là vùng đất
gần đập Ia Hiao. Sau đó, cả làng di chuyển đến vùng
đất gần sông Ayunpa, nay là thị trấn Ayunpa. Trước năm
1900 làng nầy có tên là Bon Chư. Năm 1904, người Pháp ký
nghị định giao Cao Nguyên cho triều đình Huế, và đặt
tên cho vùng đất nầy là Cheo Reo (đọc trại từ hai từ
Cruh và Creo). Như vậy, về mặt hành chánh (của chính
quyền thực dân), từ năm 1904, Cao Nguyên mới chính thức
thuộc về Việt Nam. Ngày 1.9.1962, chính quyền Sai Gòn lập
tỉnh Phú Bổn, đặt tỉnh lỵ tại Cheo Reo và đổi tên
là thị xã Hậu Bổn. Chính điều nầy khiến cư dân vùng
Cheo Reo có điều kiện ăn học hơn hẳn các vùng khác,
sinh ra nhiều trí thức, phần lớn làm việc cho Tây (để
sau 75 cũng bị đi cải tạo nhiều hơn các vùng khác). Sau
1975, thị xã Hậu Bổn đổi thành thị xã Ayunpa. Người
J’rai thích gọi vùng nầy là Cheo Reo hoặc Ayunpa vì những
cái tên nầy vốn dĩ của người J’rai. Trong khi đó,
người kinh thích gọi là Phú Bổn vì dễ đọc, và vì
muốn thể hiện quyền làm chủ trên mảnh đất nầy. Dù
sao thì tôi vẫn thích cái tên Ayunpa vì nghe có vẻ như...ở
nước ngoài.”. (Ngưng
trích).
Thời
đệ nhất cộng hòa thì không còn “Tây” đô hộ nữa.
Có lẽ cô Amai B’Lan, muốn nói - một số người Thượng
theo Fulro? Hoặc “Tây” là… ám chỉ chung người Mỹ và
người phương Tây.
Cô
Amai B’Lan, kể: Ngày nay người Kinh sống xen lẫn với
người Thượng, người Kinh khôn (lõi) giành hết những
phần đất màu mỡ... Ngày xưa họ quý mến người Kinh
tới nhà bao nhiêu thì ngày nay họ quay ngược trở lại.
Điều đó chứng tỏ là họ xem người Kinh như kẻ đi
xâm lấn đất đai và cố ý đồng hóa họ…
Amai
B’Lan, kể:
“Một
phụ nữ J’rai kể cho tôi nghe về những
tháng ngày sau bảy lăm. Khi người Kinh ồ ạt di cư tới
đây, họ xem người bản địa như một giống người mọi
rợ đáng khinh đến mức, ngay giữa chợ, một người
Kinh có thế tát người J’rai chỉ vì người J’rai nầy
không bán cho họ thứ họ muốn. Bây giờ sự kỳ thị đã
giảm nhiều nhưng sự phân biệt vẫn còn đó. Bước vào
một tiệm cơm, nếu để ý một chút, bạn có thể thấy
thái độ của người bán hàng đối với người Kinh và
người J’rai khác hẳn. Họ luôn vồn vã chiều lòng
người Kinh nhưng họ lại thờ ơ lạnh nhạt với người
J’rai” (Ngưng trích)
Vì
đâu nên nỗi như vậy. Câu trả lời như sau:
“Người
Kinh tới, đặt ra những chủ trương xuất phát từ lòng
tham, vơ vét mọi thứ về mình. Số liệu thống kê năm
2008 cho thấy ở Gia lai, người Kinh chiếm 52 phần trăm
dân số, trong khi người J’rai chỉ còn 33,5 phần trăm.
Người Kinh nghiễm nhiên trở thành ông chủ trên mảnh
đất của người J’rai, giàu lên trên sự lạc hậu (về
vật chất) của người bản địa nhưng không lúc nào
ngớt lời chê bai. Những người J’rai hiền lành và thật
thà nhanh chóng trở nên trắng tay và bị Kinh hóa. Hãy thử
tượng tượng một người “khách” đến nhà mình, ăn
uống no say ở nhà mình, rồi chiếm đoạt toàn bộ tài
sản của mình, sau đó đá đít đuổi mình ra khỏi nhà.
Một người như thế thì có đáng bị gọi là “ăn cháo
đá bát”, “vong ân bội nghĩa “ không”?” (Ngưng
trích)
Trước
ngày bảy lăm, người Kinh lên sinh sống ở Cao Nguyên
không nhiều. Người Thượng họ sống riêng biệt. Tuy họ
sống riêng biệt, nhưng chuyện mua bán, trao đổi thổ
sản, hàng hóa qua lại thân tình, sòng phẳng, luôn tôn
trong lẫn nhau và thành thật. Bây giờ sống xen kẻ, là
cố ý đồng hóa người Thượng. Người Thượng, họ có
lòng tự trọng, họ thật thà như đếm nhưng không có
nghĩa là họ không biết gì về thái độ của người
Kinh đối xử với họ ra sao.
Người
Thượng trên vùng Cao Nguyên đã sinh sống từ lâu đời.
Địa danh lừng lẫy gọi chung là (Ayonapar), mà người
Campuchia gọi là (Vua Lửa) - gồm hai con sông lớn Ayun và
Apar. Tuy nhiên bởi vùng Cao Nguyên rộng lớn, mật độ
dân số (sắc dân) chia ra từng nơi để sinh sống: Người
J’rai được gọi là Bahnar vùng dưới (An Khê, Phú Túc);
người Bahnar KonTum được gọi là Rơ-ngao; người J’rai
ở Pleiku được gọi là Hơdrung, núi (Hàm Rồng). Người
J’rai vùng Plei Kly (Chư-Sê), được gọi như thế nào thì
cho tới bây giờ vẫn chưa có tài liệu nào ghi lại. Tuy
nhiên người Thượng chỉ có chung một Pơtao, Pơtao có
nghĩa là “Nước & Lửa”, có quyền lực bao trùm cả
Cao Nguyên. Người Kinh sau nầy ngang nhiên chiếm đất của
họ, chà đạp danh dự của họ… Tất nhiên họ không
làm gì được với sức mạnh đông đảo của người
Kinh, nhưng sự phản kháng âm thầm trong lòng họ lúc nào
cũng có. Đó là điều rất nguy hiểm.
Tổng
thống Ngô Đình Diệm, tách vùng Cao Nguyên ra khỏi (Hoàng
Triều Cương Thổ) sau khi Pháp giao lại cho triều Nguyễn...
Từ đó Cao Nguyên do người Thượng tự chủ qua bao đời,
nay họ vẫn được tự chủ dưới thời VNCH. Chính sách
Dinh Điền của Tổng thống Ngô Đình Diệm – đưa dân
đi lập nghiệp ở các vùng (Long Khánh, Rạch Giá, Pleiku,
KonTum…). Chính phủ Ngô Đình Diệm đều có thương lượng
với người Thượng… Bù lại chính phủ giúp đỡ người
Thượng về các mặt đời sống, như: – xây trường
học, (kể cả trường đại học dành cho người Thượng),
bịnh viện… Nâng cao đời sống và khuyến khích người
Thượng định canh, định cư và trồng cây công nghiệp…
Tuyệt đối không chủ trương hay đề xướng đồng hóa
người Thượng cũng như xóa bỏ tập quán chữ nghĩa của
người Thượng. Về hành chánh, Già Làng là người coi
sóc Buôn Làng, chính quyền miền Nam không đặt để người
giam sát người Thượng. Người Thượng được tham gia
chính quyền và quân đội... Người Thượng chỉ cần có
bằng trung học nếu tham gia quân đội thì họ sẽ là sĩ
quan thay vì phải có bằng tú tài như người Kinh. Phụ nữ
người Thượng sau khi đỗ trung học họ đươc nhận vào
học Y Tá, Điều dưỡng thay vì phải có bằng tú tài như
phụ nữ người Kinh. (Xem “Từ Một Chín Năm Bảy”
(Dinh Điền) của Trang Y Hạ)
Cô
Amai B’Lan, kể:
“Nhà
Ami H’siu thuộc buôn Ama Djong, trước đây có tiếng là
đạo đức và truyền thống. Khi nhắc đến một buôn thì
có nghĩa dân cư trong đó hầu hết là người J’rai, sống
theo kiểu người J’rai. Nhưng bây giờ đi vào Buôn Ama
Djong, tôi chỉ thấy vài ba căn nhà dài. Người ta đã
thay nhà sàn bằng nhà xây, vật dụng trong nhà cũng là
của người Kinh. Giới trẻ thay cái váy truyền thống
bằng quần Jeans bó sát. Ở một góc của Buôn, đàn ông
tụ tập gầy sòng bạc, uống rượu và chửi tục. Người
trong Buôn nói: “Người J’rai bây giờ đã biết học
theo người Kinh rồi. Con gái J’rai đã biết làm đĩ còn
con trai đã biết ăn cắp rồi”. Tôi nghe mà sượng sùng
không biết giấu mặt đi đâu. Vừa xót xa cho họ vừa
tủi hổ cho mình. Buôn Ama Djong đã bị lai căng nhanh hơn
những Buôn khác vì nằm ngay trung tâm thị xã. Ngặt nỗi,
người J’rai nếu bị tha hóa thì lại càng bị nặng hơn
người Kinh. Người ta không thể cưỡng lại sự hấp dẫn
của cuộc sống hiện đại, cũng như không thể cưỡng
lại những chủ trương, chính sách của nhà nước”.
(Ngưng trích).
Tác
giả Amai B’Lan, nói:
“Tôi nghe mà sượng sùng không biết giấu mặt đi đâu.
Vừa xót xa cho họ vừa xấu hổ cho mình”. Đặt tôi
vô trường
hợp đó, tôi cũng cùng tâm trạng như cô Amai
B’Lan... Quả
thật xấu hổ biết bao
khi chúng ta tự hào là
người Kinh, vậy mà:
“Người
J’rai bây giờ đã biết học theo người Kinh rồi. Con
gái J’rai đã biết LÀM ĐĨ còn con trai đã biết ĂN CẮP
rồi”.
Nghe
mà đau xót trong lòng. Người
Kinh chúng tôi thời xưa tuy chưa hoàn hảo nhưng người
Thượng người Kinh sống với nhau hài hòa. Ngày
nay người Thượng (dù
ít nói) nhưng họ phải
nói ra lời than vãn - vừa
trách móc - vừa
ngao ngán về
người Kinh tới như
vậy. Buôn làng của
người Thượng xưa ở
gần thị trấn cũng vẫn
là nhà sàn, như:
làng Konrachot, Kon kơnâm ở
trong thị xã KonTum. Tập
tục của người Thượng ngày
xưa nhất là giới trẻ
cũng không
bị ảnh hưởng “tật xấu” nếu có của người Kinh.
Ngày xưa nếu ai đó thấy
cô gái Thượng xinh đẹp, rồi nói giỡn: “Cho
(Bắt-Cái-Nước) chút chút...”. Nghe vậy…, thì cô gái
Thượng ré
lên rồi bỏ
chạy… Còn nếu như
ai xúc phạm thân thể thiếu
nữ người Thượng, nhẹ
thì Già Làng phạt rượu cần,
phạt con dê... Nặng thì phạt trâu, bò và bắt người
thanh niên người
(kinh) xúc
phạm phải cưới cô
thiếu nữ Thượng
đó…!
Luật lệ người Thượng
tuy bất thành văn nhưng rất rõ
ràng, cho nên thanh niên người Kinh rất e dè... Tuy
vậy, vẫn có thanh niên người Kinh và người con gái
Thượng kết hôn với nhau. Người
Thượng không bao giờ biết nói dối, họ
ít nói nhưng mỗi khi họ nói ra đều
là sự thật.
Và,
cô Amai B’lan đã thất
vọng về vùng đất mà cô đã tới bằng tất cả tâm
lòng trìu mến.
Cô
Amai B’Lan, kể:
“Tôi
đã tới nơi cần tới sau nhiều ngày mơ tưởng về thủ
phủ của người jrai, về vùng đất của Pơtao Apui, về
những căn nhà sàn đêm đêm bập bùng ánh lửa kể akhan,
về dân tộc có đời sống tâm linh vô cùng sâu sắc,
nhưng sao cảm giác trong tôi thật lạ, có gì đó như là
tan vỡ.”.(Ngưng
trích)
Tôi
may mắn hơn cô Amai B’lan là tôi được học hành dưới
hai thời đệ nhất và đệ nhị Cộng Hòa Miền Nam. Tôi
uống nước từ con sông Dakpsi, Pơko... Lớn lên, tôi lại
công tác tại các buôn làng người Thượng trong nhiều
năm. Những mơ tưởng của cô về người J’rai, về
người Thượng nói chung, tôi đều đã có đủ: bằng
hình ảnh, bằng thơ, văn mà tôi đã ghi lại để cho lớp
trẻ (Kinh – Thượng) muốn tìm hiểu về một vùng đất
đỏ Cao Nguyên huyền bí. Tôi đã cùng với họ ca hát qua
điệu cồng chiêng dưới ánh lửa bập bùng giữa đêm
rừng sương lạnh với can rượu Cần, màu rượu từ lúc
ban đầu còn đục ngầu, uống cho tới lúc rượu trong
ché nước trong vắt, từ các làng: - Konhring, Daktri,
Konhnong, Dakmot, Dakkanjop, Dakkangpeng, Yalokơram, Dakpek,
Toumơrong, Mănden, MănBuk… Tôi bỏ Cao Nguyên (KonTum) ra đi
vào ngày “di tản chiến thuật”.
Tôi
nhớ Cao Nguyên, tôi nhớ KonTum, DakTo!
Đến
với người Thượng bất cứ ở vùng nào, để tìm hiểu
về tập tục của họ, điều trước tiên là phải chân
thành, trung thực và hòa đồng… Chuyện ăn uống, tuy đơn
giản nhưng không phải ai cũng đủ
(can đảm) ăn
uống chung từ các món ăn... của người
Thượng.
Món ăn của
người
Thượng ở bất cứ vùng nào cũng na ná như
nhau:
Lá khoai mì, lá
dang,
kiến vàng, trứng kiến vàng, rau dớn, măng tre le… Thịt
thú rừng, cá sông, suối được chế biến theo cách thức
riêng của họ… Một
khi cùng ăn, cùng uống với người
Thượng,
thì tức khắc tình cảm của họ sẽ nảy sinh - họ
sẽ
san sẻ mọi chuyện trong
cuộc sống cũng như tục lệ...
Tuy thời gian cô Amai B’Lan tới Ayunpa, Krong Pa... không bao
lâu nhưng cô đã làm được điều đó. Cô
noi theo gương Cha
thừa
sai
Dournes,
Cha
đã
quên đi mình là người da trắng để
hòa
đồng cùng người J’rai… Tôi
rất
khâm
phục cô.
Cô
Amai B’Lan, kể:
“Chợ
Chư Rcăm
nằm
bên dòng dông Pa, băng qua cầu
Lệ Bắc là tới Chợ nhỏ và ít hàng hóa. Lèo tèo vài
ba quán tạp hóa, mấy hàng thịt, hàng rau
của người Kinh. Người ta đi chợ chiều chủ yếu để
mua cá của người J’rai bắt từ sông Pa lên, còn sống
tươi ngon hơn chợ sáng. Người J’rai cũng đem rau cỏ ở
nhà trồng được ra chợ bán, nhưng kiểu bán không cân
đo đong đếm như người kinh. Ví dụ như họ bán cá, họ
không bán theo ký, mà bán theo đống. Họ chia ra từng đống
nhỏ, có quả to quả bé, quả tốt quả xấu. Mỗi đống
chừng hai ba lạng, giá
hai nghìn đồng. Người J’rai không biết thương lượng
giá, hai nghìn thì bán mà ba nghìn thì không, bớt xuống
năm trăm cũng không chịu. Cho nên mua bán với người
J’rai miễn trả giá. Nói một là một. Hai là hai. Sau
nầy biết tôi ở nhà cha Gioan, họ bán rẻ đi và còn cho
nữa. Trước khi tôi tới, cha phải tự đi chợ nấu cơm.
Người ta thấy cha đi chợ mua đồ ăn, tội nghiệp không
dám lấy tiền. Vì vậy, khi nào nhà sắp hết quỹ tôi
lại chọc cha: “Nhà mình nghèo rồi, cha đi chợ đi...”.
(Ngưng
trích)
Tôi
không ngờ rằng, sau hơn nửa thế kỷ, lớp người Thượng
sinh sau vẫn còn giữ y nguyên bản tính thật thà của ông
cha của mình ngày xưa... Điều nầy tôi cũng đã viết
trong “Cánh Rừng Thời Nhỏ”. Người Thượng có lòng
tự trọng và nhân cách riêng của họ. Thổ sản họ mang
ra chợ bán họ đều chọn lựa kỹ càng chứ không pha
lẫn đồ tạp nhạp bên trong để lừa gạt người mua.
Giá cả họ định ra tương xứng với công lao của họ.
Đây là đức tính trung thực vô
cùng cao quý từ ngàn đời của
ông cha họ truyền
lại.
Người
xưa nói trong tận cùng đau khổ vẫn có phút giây thanh
thản... Quả đúng như vậy. Đoạn văn mà cô Amai B’lan
tả thực dưới đây đã cho tôi được sống lại giai
đoạn thời thơ ấu ở cái làng bên dòng sông Dakpsi êm
đềm chảy qua... Buổi sáng, tôi
nghe tiếng
con
công, kêu:
tố hộ…, buổi
chiều tôi nghe tiếng con chim mỏ kiến mỏ vô thân cây
tre lồ ô vang cả núi rừng… Và
tôi
nhìn
vô làng KonHring:
làn
khói bếp quyện
trên những nóc
nhà sàn
cùng
với sương mù, khói núi hay
lắng nghe tiếng chuông nhà thờ vang
vọng
vào các ngày chúa
nhật và lễ trọng!
Cô
Amai B’Lan, kể:
“Khi
bóng chiều sụp tối, tôi nhìn thấy những đứa trẻ đi
chăn bò về, lặng lẽ và mệt mỏi. Người lớn đi nương
về, tay xách cuốc, lưng gùi củi, vừa đi vừa rầm rì
nói chuyện. Bên thềm giếng, mấy đứa nhóc tranh nhau múc
nước tắm, tiếng la ó đừa giỡn náo nhiệt một góc
làng. Ở một mái hiên nhà, người phụ nữ lom khom giã
lá mì lốc cốc. Nơi gian bếp bập bùng ánh lửa. Khói
lan tỏa buôn làng. Tiếng dế rúc rích kêu. Cuộc sống
thâm trầm và bình dị trôi qua, chỉ còn ngửi thấy mùi
khói bếp và mùi nồng nồng của phân bò trên đường
làng. So với Ayunpa, người J’rai ở Krong Pa còn “nguyên
thủy”, đậm chất J’rai lắm. Bao nhiêu điều cha
Jacques Dournes viết về người J’rai, ít ra vẫn còn thấy
bàng bạc ở Krong Pa”.
(Ngưng
trích)
Tôi
thương lắm câu nói của cô Amai B’Lan “ít ra vẫn còn
thấy bàng bạc…”. Chao ôi! Chỉ là thấy
bàng
bạc thôi sao? Làm sao cô nhận định được đó là sự
bàng bạc khi mà cô sinh sau đẻ muộn tới mấy chục
năm... Cô là một thi sĩ, nên cô mới tưởng tượng ra
được
rằng
vùng Cao Nguyên huyền bí ngày xưa: rừng cây rậm
rạp bạt
ngàn bất tận, rừng phủ
ra tận
mép quốc
lộ... Thú
rừng: voi, cọp, beo, mang, mễnh, heo rừng, chồn,
sóc, chim
chóc sinh sôi đầy
đàn…!
Một
khi đất
rừng mất hết thì cây thuốc cũng mất sạch hết!
Vậy
thì
lấy cây
thuốc
ở đâu ra
mà
chữa bịnh đây?
Người
Thượng
từ ngàn xưa họ đã học hỏi được từ muôn thú cách
dùng cây lá để chữa bịnh, họ không cần tới bác sĩ
như người Kinh. Ngày nay, mỗi khi bịnh người
Thượng phải
nhờ bác sĩ khám
và
mua thuốc, nhưng chưa chắc đã gặp bác sĩ giỏi và thuốc
tốt, hơn nữa lấy tiền ở đâu ra mà
chữa bịnh khi
cái ăn, cái mặc còn
chưa
ấm,
chưa no.
Người
J’rai, người Thượng trên Cao
Nguyên,
họ có nhiều vị thần… Họ tôn thờ, nhưng họ
không
mê tín. Họ theo đạo Công Giáo từ
rất
sớm qua việc
truyền giáo của các vị
giáo
sĩ thừa sai cũng
như
các
vị
linh
mục bản địa. Họ
rất sùng kính Chúa và biết giữ lời răn dạy từ giáo
lý... Một số người Thượng nuôi “bùa, ngãi...” để
hại người đều bị Già Làng, Linh
Mục quản xứ
đuổi họ
ra
khỏi làng. (Một
số người Thượng nói viết tiếng Pháp rất giỏi).
Cô
Amai B’Lan, kể:
“…
cả
buôn Nu lũ lượt kéo nhau tới nhà
nguyện. Họ tới đông đến nỗi ngồi tràn ra cả mái
hiên. Mỗi tuần có hai ngày cầu nguyện, vào tối thứ tư
và thứ sáu. Những buổi cầu nguyện như thế này thường
là để chia sẻ Lời Chúa và kể cho anh chị em nghe về
những ơn lành mình đã lãnh nhận được trong ngày qua.
Chính vì vậy, buổi nguyện rất đông người tham dự.
Tôi thấy người đàn ông J’rai lần giở cuốn Kinh Thánh
bằng tất cả sự kính cẩn của mình. Người mẹ dịu
con trên lưng ngồi lặng im nghe người khác chia sẻ. Những
cô gái J’rai cất tiếng hát ngợi khen Đức Chúa và đám
trẻ mong chờ cha ban phước lành. Tôi ngồi đây, nghe họ
nói mà chẳng hiểu gì, nhưng tôi có thể cảm thấy sự
linh thiêng và tín thác của họ trong những lời nguyện.
Họ đến với Chúa mang theo nguyên vẹn con người của
họ, vẻ
lam lũ khổ cực, áo quần lấm lem bụi bẩn, đôi tay thô
kệch chai sạn, bàn chân rạn nứt và ánh mắt xa xăm.
Chúng tôi dù Kinh hay J’rai, thì trong buổi cầu nguyện
nầy, mọi sắc tộc đều vô nghĩa. Chúng tôi trở thành
anh chị em của nhau. Chúng tôi trở nên một, vì chúng tôi
có cùng một cha trên trời”.
(Ngưng trích)
Đọc
đoạn văn xong đôi mắt của tôi, cay... cay…, và nghe
trong lòng quặn thắt…! Xin Chúa che chở và ban ơn thiêng
xuống trên nỗi bất hạnh của
họ đã bị bị
loại trừ; loại trừ ngay trên đất
rừng
huyền bí của ông cha người
Thượng từ
ngàn năm để lại. Tiếp theo là họ
sẽ bị
đồng hóa
một
cách có
“hệ thống” (hữu
hình lẫn vô hình).
Không thể đổ thừa hết
cho
sự tiến bộ của
văn
minh qua internet, qua công nghệ tân tiến... làm xóa đi,
hoặc làm
cản
trở sự tiếp nhận
đi lên (chậm
chạp)
của một sắc dân sống trên vùng Cao Nguyên lâu
đời...
Tàn sát rừng là tàn sát tất cả “vật thể và phi vật
thể” của người Thượng. Văn hóa cồng chiêng không
phải là những
cái
chiêng để
đánh
phèng... phèng... cho
vui…
Bởi,
một
khi không
còn cây
rừng
thì cái chiêng đó dù có đánh suốt ngày cũng không đem
lại ý nghĩa gì cả, vì
âm
vọng dội
lại từ
núi rừng âm
u huyền
bí đã
tắt ngấm.
Tiếng chiêng chính là hồn thiêng
của
rừng đại
ngàn
hòa
nhịp với sao
với đêm
chập
chờn trong
ánh lửa bập bùng ngả
nghiêng theo
ché rượu cần quay cuồng trong điệu nhạc vang
vọng
cả dòng sông, dòng suối...
Người
Thượng cũng như người Chàm, họ sống lẻ loi âm thầm
nhẫn nhịn trên chính trên quê hương của mình.
Cô
Amai B’lan, kể:
“Ở
đây, người J’rai cũng không tránh được làn sóng của
cuộc sống hiện đại. Quốc lộ 25 chạy ngang qua Ia
R’siơm thu hút nhiều người Kinh đến lập nghiệp bên
đường. Họ mở quán café, quán nhậu, cửa hàng điện
thoại và nhiều dịch vụ khác. Người J’rai vốn là một
dân tộc hiền lành và thật thà, đã không được chuẩn
bị gì để thích ứng trước cuộc đổ xô ồ ạt của
người Kinh. Còn người Kinh thì ra sức phô bày những sản
phẩm của sự tiến bộ khiến người J’rai cảm thấy
mình lạc lỏng, ngu dốt. (Có phải vì vậy mà người
J’rai khi nói chuyện với người Kinh mặt cứ cúi gầm
xuống và tự nhận mình là con lật đật không?). Kết
quả là người J’rai bị Kinh hóa mà không biết. Những
đứa trẻ J’rai đứng trước hàng bánh đầy màu sắc
của người Kinh, không thể nào cưỡng lại nổi sự hấp
dẫn. Chúng nào biết trong cái bánh xanh đỏ ấy là chất
bảo quản độc hại”. (Ngưng trích).
Hầu
hết thời gian cô Amai B’lan lên vùng Krong Pa là để dạy
học (dạy kèm) vào ban đêm cho các em chủ yếu là người
Thượng J’rai,
cũng có một
ít các
em người Kinh tới
học.
Lớp
học mỗi đêm ở
trên nhà sàn của người J’rai cho
mượn,
lớp học có
khoảng
năm
mươi em..., các
em tới học
quá nhiều
nên không
còn chỗ để
ngồi
phải ngồi cả ra ngoài hiên, các
em
phải đội cái
đèn
pin
đi
săn bắn
chụm đầu vào nhau để
mà
học…
Học
trò (học
thêm)
của cô Amai
B’Lan phần
đông các
em đã học qua lớp bốn nhưng về toán “cộng, trừ,
nhân, chia” phần nhiều không biết: 7+8
bằng
bao
nhiêu? “. Lời
em
H’
Nhao, nói: “Em học lớp 12 rồi mà còn không thạo nhân
chia nữa chị ơi” Trời ơi! Họ dạy cái gì trong 12 năm
học của các em? Còn
về
kiến thức thì các em không biết các em ở Việt Nam. Hỏi
các em, ngoài nước Việt Nam ra thì còn nước nào khác
trên
thế giới? Các em thi nhau trả lời: “Nước Krong Pa”.
Học
lên lớp ào ào nhưng không biết gì hết. (Amai
B’Lan) Cô
nói vậy
đó
! – Người
J’rai cứ nợ nần mãi vì có biết tính toán là cái
gì
đâu. Họ bán hết đất đai cho người Kinh bởi
vì
họ không tính
toán được
giá trị thực
miếng đất của
họ đang
có là
bao nhiêu tiền theo thời giá lên xuống…
Cô buồn, vì học trò của cô học kém, học
kém
vì các em có được dạy dỗ chu đáo gì
đâu
mà các
em học
cho
được giỏi
giang.
Học
trò của cô trả “học phí” cho cô là mấy bó lá khoai
mì, vài ba củ quả trái cây…!
Cô
viết như một lời ăn năn sám hối:
“Người
Kinh chúng tôi nợ các em, và các thầy cô giáo dạy dỗ
các em phải là người gánh lấy sự bất hạnh và ngu dốt
của các em. Họ cũng phải là người phải trả nợ cho
những đau khổ và lạc hậu của dân tộc các em. Khốn
thay những người làm giáo dục mà không giáo dục, vì họ
sẽ phải hứng chịu lấy tất cả những tang thương và
điêu linh của nhiều thế hệ về sau. Làm sao tôi có thể
kể cho các em biết rằng người Kinh của chúng tôi đang
giết chết dân tộc các em từng ngày từng giờ. Chúng
tôi giết các em ngay trong những buổi học, giết các em
trong những cái chữ, giết các em bằng sự dễ dãi lên
lớp và ru ngủ cả một thế hệ bằng ảo tưởng văn
minh”. (Ngưng
trích)
Tôi
rất thích câu: “Khốn thay những người làm giáo dục
mà không giáo dục...”. Vậy, thầy
cô giáo và cả bộ giáo dục họ
làm gì? Câu hỏi nầy bao nhiêu năm qua ai cũng biết rõ,
biết
rõ
nhưng
ai
cũng làm thinh.
Trong
cuốn sách “Nước Mắt
Của Rừng”, cô Amai B’Lan còn (thổ lộ) nhiều vấn đề
- thiệt thòi, bất công, đau khổ… mà tôi không thể kể
ra hết ở đây. Cô
Amai B’Lan, nói tiếp:
“Cô
không đổ lỗi cho các em, vì các em chỉ là những tờ
giấy trắng. Người ta có viết gì lên đó đâu mà hy
vọng các em có chữ nghĩa. Nếu nền giáo dục Việt Nam
không thể dạy cho một học sinh lớp sáu người J’rai
biết 15 – 8 bằng bao nhiêu thì đây chỉ là một nền
giáo dục tồi. Ôi, một đất nước chỉ mới đây thôi
tự hào là quốc gia đoạt giải Nobel toán học mà dân
chúng thì chẳng biết 4 + 7 bằng bao nhiêu”
Nội
dung các sự việc trong cuốn sách của cô viết thiết
nghĩ tất cả mọi người trong
xã hội đều
đã rõ
như ban ngày kể cả
giới
chức trách cũng hiểu nhưng
không một ai trong số họ đủ can đảm nêu lên vấn để
để
bàn bạc giải quyết...,
không một
ai
đủ can đảm đứng ra bênh vực, giúp đỡ cho
các em...
Tất cả nhìn nhau im
lặng...
Người
có trách nhiệm và
người
dạy
dỗ họ
đang
sống sờ
sờ,
họ
đang
sống sung
sướng với
đầy
đủ tiện
nghi văn
minh
thậm
chí giàu có trên
nỗi đau từng
ngày của
người
Thượng.
(Washington),
nói:
“Một khi tự do ngôn luận bị mất đi thì chúng ta như
những con cừu ngu xuẩn bị người khác
dẫn tới lò sát sinh”.
Giáo
hội Công
Giáo
đã tận tình giúp đỡ người J’rai về mọi mặt nhưng
những
sự
giúp đỡ chỉ đạt được một phần nào chứ
không vực dậy nỗi…!
Cô
Amai B’Lan nói vậy. Dù
gì, thì giáo hội Công
Giáo
chính
là một
chỗ
dựa vững chắc. Giáo
hội
là
niềm tin,
là niềm an
ủi
cho
những ai bị loại trừ, bị ngược
đãi…!
Tôi
khâm phục cô Amai B’Lan. Người con gái có
vóc
dáng nhỏ bé nhưng nghị lực thật phi thường (cô
đã làm được
việc phi thường). Tôi
cảm động khi nhìn hình ảnh cô nấu thức ăn cho ba mươi
con
người
J’rai đi trồng mì ở trong rẫy xa xôi tận rừng sâu (vì
đất gần nhà, người Kinh chiếm và mua hết). Nắng nóng
ở Krong Pa là
(thổ
sản)
không
hề thiếu sẽ
thiêu đốt
thân
xác của
cô.
Trong
cuốn sách mỏng nầy, cô đã trình cho mọi người thấy
bức tranh ảm đạm về
hiện tại, tương lai của
người Thượng nói chung và người J’rai ở Ayunpa,
ở Krong Pa, ở Phùm Gi, ở Buôn Nu, ở Buôn Phùm Ang xa xôi…
Cô quả thật là
can
đảm, cô vượt lên trên nỗi sợ hãi vốn
có của con người.
Nhà triết học
Krishnamurti,
nói: “Sự
sợ hãi nảy ra thần thánh”.
Đúng vậy
đó,
đứng trước sự sợ hãi người ta chạy
tới cầu
cứu nơi đấng quyền
năng để
được che chở...
Đối với cô (Amai B’Lan) – cô can
đảm vượt
qua
nỗi
sự hãi, từ:
thiên nhiên khắc nghiệt, từ con người không thiện cảm
với việc
làm của cô...
Bởi
vì
cô
vốn đã có Chúa ngự
ở
trong lòng. Cô
đã tiếp bước (dù ít ỏi) của các vị thừa sai như:
cha Dourisboure trong thiên bút ký “Dân Làng
Hồ” của ngài với biết bao gian lao khổ ải bởi: sốt
rét rừng, kiết lỵ, đói khát...
Chính cha Gioan đang phụ trách 40 giáo họ ở Ayunpa cũng
“kiệt sức", và cô cũng đã
trãi
qua một cơn bịnh nặng
mất
hơn
nửa
tháng mới khỏi. Cảm
ơn tác
phẩm
“Nước
Mắt Của Rừng"! Cảm ơn cô Amai B’Lan,
chúc cô luôn luôn
bằng
an trong ơn Chúa!
Tất
cả những ai dấn thân vì người nghèo khổ, người
bị áp
bức dù ít dù nhiều họ đã là thánh.
Chào Anh! Bài viết hay quá .... Cảm ơn Anh và Tác giả NƯỚC MẮT CỦA RỪNG.... Rất hân hạnh được biết Anh.
Trả lờiXóaCảm ơn Xuân Văn ghé trang nhà. Chúc sức khỏe nha!
Trả lờiXóa