Thư viện

15/4/24

QUÁN TRỌ

 



QUÁN TRỌ


Một chặp tối cổ thụ buông hạc lệ *
vọng tan sương gió lặng lá lim-dim
quán vắng ngắt biết cùng ai kể-lể
mắt đăm đăm diện-bích thử thử tìm.

cảm hơi Bậu trọ quán nầy từ trước
lạnh teo phòng thoang-thoảng ứ mùi hương
mùi thơm đọng phải chăng luồng mê dược
choáng hồn trai qua mấy kiếp lạc đường.

ngồi xuống cạnh mé giường du mộng tưởng
tiếng thở dài Bậu trút gởi cho ai
mắt nhắm mở hoài nghi tràn mấy hướng
ngọn đèn lay dồi dội tiếng u hoài.

lật đật ngó ngó qua khung cửa sổ
thược dược bông đối mặt nở nụ vui
hạc lệ hót vang rần không chịu vỗ
khúc mắc chi khan giọng rải bùi-ngùi.

thân phận khách lữ hành qua ngõ hẹp
quán trần đời nào đâu rõ ngay gian
sẽ vẽ Bậu bức truyền thần tuyệt đẹp
sẽ vẽ đời khờ khạo ngắm mơ-màng.

mưa gõ nhịp ngỡ rằng ai đó tắm
sạch bụi đời bám bụi tượng giai nhân
phòng trọ hẹp hòa hồn mơ say đắm
tiên thiên-đình trật bước rớt chỗ nằm.

quán trọ vọng cung đình ngân điệu nhạc
nhịp phách rung xô cạn hết mấy ly
Động Đình gió đẩy sóng thuyền man mác
Tây-Thi ơi, Nước Việt nghĩ suy gì.

ngã lưng thức chiêm bao gào bể não
Bậu cớ chi trầm-tích hóa lân tinh
lòng hồi hộp ngỡ ai cầm tay dạo
bước loanh quanh thì ra bóng với hình.

quán trọ đẹp trần gian đang hoan-hỉ
cô dâu từ đời thượng cổ chung vui
đèn hoa chúc kề tri-âm tri-kỷ
tràn mâm bày dĩ vãng thuở ngọt bùi.

đã, “phá toái lăng hoa tầm cựu ảnh” *
tầm lại thời cõng Bậu thuở khai-sinh
mưa rỉ rả tỉ-tê thời kiêu hãnh
liếc qua gương chỉ thấy thấy một mình. *

Trang Y Hạ

Chú thích:
* - Lệ tiếng chim kêu. Hạc lệ là tiếng con chim hạt kêu. Mượn ý:
*- “Nhật mộ hương quan hà xứ thị.
Yên ba giang thượng sử nhân sầu”. “Hoàng Hạc Lâu”. Thơ: của (Thôi Hiệu).
* - Bài thơ “Khóc Bằng Phi, Nguyên tác của Thi sĩ Nguyễn Gia Thiều: “Đập mảnh gương ra tìm lấy bóng.
Khép manh áo lại để riêng hơi”.
Được Thi sĩ Trần Danh Án, đã chuyển qua Hán Văn:
Phá toái lăng hoa tầm cựu ảnh
Trùng phong, khâm tử hộ dư hương”.

* Thi sĩ nổi tiếng người Mỹ, gốc Anh T.S. Eliot (1888-1965) định nghĩa về thơ như sau:
Thơ không làm cho sự xúc động bớt đi nhưng làm thoát ra khỏi sự xúc động; thơ không diễn đạt cá tính riêng, nhưng làm thoát ra khỏi cá tính. Nhưng dĩ nhiên, chỉ những người có cá tính nhạy bén và sự xúc động hiểu thế nào là sự mong muốn thoát ra khỏi hai điều đó.”.














Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét