Thư viện

20/5/24

QUÁN CŨ

 



QUÁN CŨ

    Quốc vài tĩn khơi men tình trở-giấc,
    Vọng về tim mây trắng nhạn la-đà.

    Chị tôi là em dâu của chủ xưởng cưa lớn nằm ngay góc của hai con đường Lê Thánh Tôn và đường Phủ Mô. Mặt trước xưởng cưa xây ra hướng đường Lê Thánh Tôn. Đối diện với xưởng cưa - phía bên kia đường là đám ruộng rau muốn, ao cá và Nhà Đèn của tỉnh KonTum. Đường Phủ Mô bắt đầu từ đường Lê Thánh Tôn, chạy qua ngã tư đường Ngô Quyền đến ngã ba đường Nguyễn Huệ là cuối đường. Nơi góc ngã tư đường Phủ Mô với đường Ngô Quyền, có - "Quán Thịt Chó Hương Giang".

     Nhà chị tôi nằm trong khuôn viên của xưởng cưa, quanh xưởng cưa được rào giậu bằng cọc sắt, dây kẽm gai cao ngang đầu. Nhà chị nằm sát mé rào đường Phủ Mô, mặt nhà hướng ra đường Lê Thánh Tôn nhưng thụt vô trong chừng ba chục thước. Trước mặt nhà chị tôi còn có một ngôi nhà khác nữa, cũng hướng ra đường Lê Thánh Tôn. Nhà nầy có một cô con gái rất xinh đẹp, đang học ở trường trung học Hoàng Đạo. Mỗi khi tôi ghé nhà anh chị, buổi sáng mở cửa ra tập thể dục trước sân là thấy phía sau lưng nhà của cô ấy. Hẳn nhiên là thấy cô ấy... bởi chỉ cách nhau cái hàng rào kẽm gai... Tôi chỉ nhìn trộm chứ không dám lân la làm quen bởi cô ấy quá lộng lẫy, kiệu sa...

     Trong xưởng cưa, những chiếc xe be kéo gỗ súc về chất đầy lấp cả lối đi, đôi khi đi vô nhà phải trèo qua những súc gỗ to dài. Sau khi anh rể chết, chị xin mở một cái cổng nhỏ ra đường Phủ Mô để đi lại cho tiện nhưng xưởng cưa chưa đồng ý. Chồng của chị đi theo xe be vô rừng khai thác gỗ cho xưởng cưa Phước Thịnh nhiều năm. Một buổi chiều mưa rừng, gió núi... - Chồng chị chết bởi cánh quạt máy bay trực thăng của Không Lực Hoa Kỳ đang hành quân. Từ xa xưa quốc lộ mười bốn [14], rừng già phủ kín ra sát mép đường. Thú rừng: nai, mang, mễnh, heo rừng, cọp, voi... nhiều lắm. Chiến tranh càng ngày càng mở rộng, chính quyền lúc bấy giờ họ mới cho phát quang từ mép lộ mỗi bên rộng ra ba mươi thước để cho máy bay trưc thăng dễ dàng đổ quân. Chồng chị tôi chết là do ngồi trên bên trên nóc xe be chở gỗ đi về trong lúc trời mưa. Chồng chị tôi chết để lại bầy con ba trai hai gái còn nhỏ!

     Chồng chị tôi chết, chị vẫn được ở trong khuôn viên xưởng cưa như cũ, chị không đi vô nhà bằng cổng chính phía đường Lê Thánh Tôn như trước nữa. Chị kêu tôi về, chị biểu mở một cái cổng nhỏ hướng ra đường Phủ Mô và làm cửa có khóa chắc chắn, đồng thời cũng phá vách gỗ nhà, mở cửa chính để đi ra đường Phủ Mô. Đường Phủ Mô, đoạn từ đường Lê Thanh Tôn đến ngã tư Ngô Quyền - một bên là xưởng cưa Phước Thịnh, còn một bên là nghĩa địa, mỗi ngày mở cổng là thấy nghĩa địa. Con đường Phủ Mô nhỏ, có trải nhựa nhưng đã quá lâu nên bong tróc, hai bên đường mọc đầy loại cây dã quỳ, hoa nở có màu vàng tươi rực rỡ…! Do đó người ta gọi là dã quỳ hoa vàng, màu vàng kiêu sa...

     Tôi là dân KonTum, ở lâu năm vậy mà không biết quán thịt chó Hương Giang cho tới một hôm tôi và thằng bạn cùng công tác chung đơn vị hành chánh, hắn rủ đi câu lươn với hắn ở mấy cái ao cá, ao rau muống chung quanh nhà Máy Đèn. Tôi nói ra vậy thì chắc không mấy ai tin, bởi ở giữa tỉnh ly KonTum làm gì có lươn để mà câu? Chính tôi cũng không tin. Vậy là tôi đi theo thằng bạn.

     Thằng bạn, hắn có cách câu lươn ngộ lắm. Hắn không xài cần câu dài, chỉ có một cái que tre bằng chiếc đũa dài chừng năm sáu tấc... Hắn cắt lấy một đoạn dây dù rút ra một sợi nhỏ khoảng một thước, hắn lại tháo cái băng đạn "carbine" cũ lấy ra cái lò xo, dùng kèm cắt một đoạn uốn thành cái lưỡi câu rồi buộc dây dù vô lưỡi câu. Mồi làm để câu lươn là mấy con trùn khoan cổ. Ở chung quanh nhà Máy Đèn vì lý do an ninh nên được rào giậu kỹ càng. Chung quanh mấy ao cá cũng có hàng rào kẽm gai nhưng sơ sài. Thằng bạn bày cho tôi biết cái "mà lươn", cứ nhìn dọc theo bờ ao hễ thấy chỗ nào có nhiều cọng rác nhỏ tụ lại hay bọt nước phập phều, mặt nước hơi xoay xoáy là chỗ đó có "mà lươn", mà lươn, tức là là chỗ con lươn làm hang để ở.

     Cái lưỡi câu lươn thằng bạn đã móc mồi sẵn, sau đó cho lưỡi câu dính vô đầu que tre, đầu dây không lưỡi câu thẳng song song với cái que tre, đồng thời ngoéo vài ba vòng vô ngón tay trỏ giữ cho khỏi tuột. Từ... từ... thọc cần câu que tre đó xuống nước chỗ nghi có cái "mà lươn", tay còn lại cho xuống mặt nước chừng vài ba phân, búng: tróc... ! tróc...! tróc...! Con lươn ở trong hang nghe tiếng động tưởng có con mồi nên thò đầu ra, ngửi phải mùi tanh của trùn là ngoạm cục mồi kéo chạy vô trong hang. Lúc nầy chính là lúc hồi hộp và thú vị...! Ngón tay trỏ nhanh chóng buông lơi sợi dây và cái cần để cho con lươn thong thả kéo mồi, đợi chừng ba bốn giây đồng hồ, sau đó ngón tay trỏ cũng từ từ kéo sợi dây thẳng ra, khi đã cảm nhận biết con lươn đã dính lưỡi câu... Đây là lúc quyết định thắng thua, ngón tay trỏ ngoáy dầu sợi dây lại vài ba vòng nữa cho chắc chắn, sau đó giật giật sơi dây rồi buông lỏng, giật làm vài ba lần như vậy con lươn sẽ bị đau hàm. Tới lúc nầy mới kéo thật căng sợi dây câu - con lươn chịu đau không thấu phải thả mình theo ra khỏi hang. Nói thì lâu nhưng mọi thao tác chỉ chừng khoảng một phút.

     Mỗi tuần chúng tôi đi câu hai lần, lúc bốn giờ chiều, [kể từ năm một chín bảy mươi ba, chính phủ cho phép viên chức hành chánh làm luôn giờ trưa và nghỉ lúc bốn giờ chiều]. Chủ ao cá biết chúng tôi câu lươn, nhưng họ không xua đuổi; họ có vẻ như ngầm khuyến khích vì con lươn đào hang lâu ngày, tạo thành nhiều lỗ mội làm vỡ bờ ao. Mỗi buổi chiều đi câu kiếm cũng được vài ba con lươn đem về nhà thằng bạn. Thằng bạn có tài nấu nướng, hắn làm món lươn bọc lá lốt bỏ vô bẹ chuối đem nướng lửa than. Một bữa nọ, ngồi câu hoài chẳng có con lươn nào. Thằng bạn rủ tôi đi nhậu thịt chó. Hắn nói có quán thịt chó ngon lắm, tao hay ghé nhậu.

     Tôi không ngờ quán thịt chó Hương Giang chỉ cách nhà chị tôi chừng sáu bảy chục thước mà bấy lâu nay tôi không hề hay biết, kể ra tôi cũng quá vô tình. Ông chủ quán nói giọng Huế tướng cao ráo đẹp lão, khuôn mặt hiền hậu, ông có hai người con gái, một người con trai út, cả ba người đều đẹp gái, đẹp trai! Giọng Huế họ nói nghe sao mà ngọt như đường phèn. Quán nhậu rộng rãi, sạch sẽ, ở phía trước quán, dây lá mơ leo phủ kín hàng rào hàng chục thước, cao quá đầu người. Lá mơ người ở trong Nam gọi là lá thúi địt. Quán thịt chó có điện tích rộng rãi, thoáng mát, có tầng gác lửng, quán cũng là nhà ở nên cách bày trí thật ấm cúng, thân thiện, khách ghé nhậu có cảm giác như ngồi ở trong nhà của mình hoặc nhà người bà con và người quen biết. Đặc biệt hơn nữa là cách tiếp khách của ông chủ quán cũng hơi lạ. Ông chào đón khách nhậu rất niềm nở như là bạn hữu thân tình lâu ngày mới gặp. Do đó khách ăn nhậu rất mến, nên thường xuyên lui tới...

     Tôi biết ăn thịt chó là do cha tôi tập cho ăn, nhưng tôi ăn không mạnh miệng cho lắm, hình như cha tôi cũng vậy. Ngày trước ở miền Nam thịt chó phải nói là ít người ăn, ít người mở quán bán thịt chó trừ bà con từ ngoài Bắc di cư vô nam năm một ngàn chín trăm năm mươi tư, thờ đệ nhứt cộng hòa
    
     Nói thật, các món thịt chó ở quán Hương Giang rất ngon, ngon hơn nhóm mấy ông bạn già của cha tôi nấu mà tôi đã từng có dịp được thưởng thức. Mỗi lần tới nhậu ở quán thịt chó Hương Giang tôi lại nhớ đến cha tôi, tôi muốn chở cha tôi tới quán ăn thịt chó một lần cho ông biết để mà so sánh cung cách nấu mỗi nơi mà học hỏi. Tôi cố tìm một lý do nào đó để thuyết phục ông ra khỏi nhà đi xuống phố thị ăn uống, thăm thú một vài nơi cho thoải mái. Thương ông ngày lại ngày cứ chăm băm vô ruộng rẫy kể ra cũng thiệt thòi, đã mấy lần tôi gợi ý nhưng đều thất bại, bởi cha tôi không bao giờ chịu ra ngoài quán. Ông đã quá quen cảnh "cơm nhà áo vợ"! Nhà tôi ở tận DakTo, cách thị trấn KonTum gần bốn mươi cây số, muốn chở ông đi phải chở bằng xe Hon-Da...

Tôi về thăm nhà và nói dối với cha tôi rằng:

      - Cha ơi! Chị con bịnh mấy bữa rày, hôm nay con về con chở cha xuống phố thăm chị, thăm các cháu luôn. Cha có đi được không?

     Chỉ có lý do "hợp lệ" đó - cha tôi mới chịu đi ra khỏi nhà. Dĩ nhiên là tôi đã "xi-nhan" trước với bà chị rồi. (Chị tôi là con nuôi của cha mẹ tôi, nhưng tôi, các em tôi đều kính trọng, thương yêu và xem chị như là chị hai của mình).

     Ngày xưa mấy ông già đi ra khỏi nhà là phải ăn mặc trịnh trọng - khăn đóng, áo dài, tay cầm dù. Cha tôi cũng không ngoại lệ đó. Buổi sáng tôi chở cha tôi đi, ông ngồi phía sau xe ôm hông tôi cứng ngắt, lưng và đầu của ông ưỡn ra phía sau thẳng băng. Tôi chạy nhanh một chút là bị rầy rà... Đoạn đường có bốn chục cây số mà tôi chạy mất hơn hai giờ đồng hồ mới tới.

Chị tôi giả giọng - nói như người bịnh mới khỏi:

     - Cha... xuống... xuống thăm con, con bịnh mới vừa mới khỏi, còn... mệt mỏi lắm, không thể nấu nướng chi được.[chị tôi giả đò ho…]. Thôi thì,... cậu út mời cha, ra... ra... quán Hương Giang nhậu một bữa... bữa thịt chó cho đã đời! Chiều nay con Lệ con của con nó đi học về, con sai nó... đi ra chợ KonTum mua vài thứ làm mấy món đãi ông ngoại! [chị tôi giả đò ho húng hắng...]

     Nghe chị tôi giả giọng người bị bịnh, tôi bụm miệng ngó lơ vì sợ lỡ mà tôi cười, thì chị tôi cũng phải cười theo thì sẽ bể mánh, lòi chành té bứa ra hết.

     Nghe đi nhậu thịt chó cha tôi hơi ngập ngừng vài giây, rồi nói như là hờn trách:

     - Cha rất bận rộn việc ruộng rẫy, để một mình mẹ con ở nhà cha không yên tâm. Ba nghe thằng út nói con bị bịnh cha mới xuống thăm, sáng mai cha về, cha xuống thăm con gái bị bịnh và mẹ con có gửi cho con trái cây với đậu nếp - chứ không phải xuống phố để đi nhậu thịt chó.

Chi tôi phân trần từ... từ... lại giả giọng người bị bịnh:

     - Nhưng... thưa cha!... Ở nhà đâu có chi mà...mà ăn đâu, lâu lâu cha xuống phố thì cũng phải đi ăn, đi thăm viếng một vài nơi để cho biết với người ta. [chị tôi giả đò ho... ]. Ngày mai về lại trên nhà cha còn có chuyện để mà kể với mấy ông bạn của cha chứ? Thị trấn KonTum nầy duy nhất chỉ có một cái quán thịt chó Hương Giang rất nổi tiếng đó cha... [chị tôi giả đò ho...].

Cha tôi nói giọng hơi nghi ngờ:

       - Con gái!... Con không ăn thịt chó mà sao con rành dữ vậy?

       - Dạ…, con không ăn được thịt chó, nhưng... nhưng... chủ quán thịt chó Hương Giang là người Huế - con quen biết họ lâu nay.

     Hú vía...! Màn kịch chị tôi diễn quá hay, đã hạ màn! Chị tôi nháy mắt, hất hàm... ngụ ý biểu tôi dẫn cha đi cho mau...! Đi cho mau...! Tôi biết hai cha con tôi đi rồi chị tôi sẽ lăn kềnh ra mà cười, cười lăn lóc…!

     Như đã nói từ đầu, quán thịt chó Hương Giang có hai người con gái và một người con trai. Hai người con gái đẹp tựa như hằng nga, cô em có chồng trước, chồng là sĩ quan trung úy, cậu em đi lính và cũng có vợ. Duy nhất chỉ còn cô chị chưa có chồng, chưa có chồng là do cô ấy chưa muốn có chồng chứ khối gì anh chàng đẹp trai tới quán ăn nhậu trồng cây si! Tôi có kéo bạn hữu đến nhậu, họ hay cắp đôi tôi với cô chị, chỉ là cắp đôi thôi, riêng tôi và cô ấy (âm thầm) quen nhau rất là thân mật. Thời gian sau nầy cả nhà đều biết và hình như ngầm khuyến khích tiến xa hơn. Chuyện nầy sẽ nói sau vậy.

     Tôi và cha tôi đi bộ tới quán, ông mặc quần rộng, áo bà ba, khăn rằn vắt vai. Tới quán tôi dẫn cha tôi đi tuốt vô cái phòng phía sau, nơi đó chỉ có hai cái bàn, có cửa sổ lớn nhìn ra vườn hoa với nhiều loài hoa kiểng; có mấy cái lồng chim. Khung cảnh rất hữu tình lại ấm áp, kín đáo.

Cha vỗ vai tôi nói:

    - Này con…! Ở nơi đây là nhà của ai vậy? Trông chẳng giống quán sá chi...?

Tôi hãnh diện nói:

     - Cha yên tâm! Đây là quán, và cũng là nhà ở của một người quen, bữa nay cha tạm quên hết mấy đám ruộng rẫy đi đó, cha con mình thoải mái cụng ly tâm tình cho thật sảng khoái...! Nhậu xong, con sẽ chở cha đi dạo một vòng quanh phố và ra bờ sông DakBla ngồi hóng mát!

      Cha tôi rất giỏi chữ Nho, chữ Việt, cha tôi học hỏi từ ông nội của tôi. Trong kho tàng chữ nghĩa của ông "tân - cựu" lẫn lộn tùng phèo, nhưng cha tôi vẫn gìn giữ văn chương truyền thống, (ông là người yêu nước, yêu quốc gia dân tộc). Ông chưa một ngày làm quan hay làm thầy. Bà con, bạn hữu, người trong làng chỉ biết cha tôi là một ông nông dân hiền lành, thật thà chất phát quanh năm sống với ruộng rẫy.

Cha tôi vừa ăn uống vừa hỏi tôi có hiểu ý nghĩa câu:

    - "Đi một ngày đàng học một sàng khôn" ?

Tôi quá biết câu đó, nhưng để hiểu ý nghĩa sâu xa thì mù tịt.

Cha tôi chậm rãi phân tích:

     - Tại sao người xưa không nói đi một ngày đàng học một "thúng" khôn? Bởi vì, đi một ngày đàng thấy cái chi cũng mới lạ mà ham hố gom đầy một thúng, gánh không nổi, học không hết, do đó ông bà ta ngày xưa phải dùng cái sàng, sàng như sàng gạo, sàng bỏ bớt cái không cần cần thiết, chỉ giữ lại cái hữu ích trên sàng để học cho mau nhớ.
   
     Trên bàn nhậu, chưa hẳn là chăm bẳm - ăn no, uống say, gây sự rồi lăn kềnh ra ngủ mà còn học hỏi được nhiều chuyện.

Tôi đã học được cái hay từ bàn rượu với cha tôi.

Trong bữa cơm tối, chị tôi hỏi cha:

      - Cha nhậu thịt chó ở quán Hương Giang có ngon không hở cha? (tự dưng chị tôi bớt bịnh).

Lần đầu tiên tôi mới thấy thấy cha tôi gật đầu, khen:

    - Thịt chó ở quán Hương Giang rất ngon! Khung cảnh trong quán có cảm giác khá thân mật, mới lạ, ngồi ăn nhậu mà ngỡ như ngồi ở trong nhà của mình.

     Cha tôi không bao giờ uống rượu để cho say mèm. Ông nói rằng người có học vấn, có tiếng tăm, có địa vị trong xã hội mà để cho rượu làm cho đầu óc quay cuồng tới nỗi nằm đường, nằm sá như vậy là đánh mất hết danh dự, đánh mất hết nhân cách... Bữa nhậu hôm nay hai cha con chúng tôi uống hơi nhiều nhưng biết dừng lại đúng lúc. Giữ lời hứa. Tôi chở cha đi dọc theo đại lộ Nguyễn Huệ, tới nhà thờ Tân Hương dừng lại cho cha ngắm vài ba phút. Tôi chạy ra cầu DakBla, nơi có Câu Lạc Bộ Thanh Niên. Tôi chạy vòng qua trường Trung Học Hoàng Đạo, tới Hàng Keo trên đại lộ Lê Thánh Tôn ngồi uống nước... Tôi dẫn cha đi vô Chợ Lồng KonTum mua vài ba thứ cho cha. Tôi chở cha đi trên đại lộ Lê Thánh Tôn để cho cha biết Tòa Giám Mục. Tôi chở cha tôi ra hướng phi trường KonTum, quay về Tòa Hành Chánh Tỉnh để trở về nhà.

     Trưa hôm sau tôi chở cha tôi về nhà trên làng Diên Bình, DakTo. Tôi cũng không quên mua vài ba món thịt chó. Tôi hiểu ý cha, ý cha tôi muốn mua thịt chó để đem về cho mẹ tôi. Lúc chia tay trở lại phố, cha không nói một tiếng, ông chỉ - vỗ... vỗ…, mấy cái vô lưng tôi rồi quay trở vô nhà. Tôi rất thấu hiểu cái vỗ nơi lưng đó ẩn chứa rất nhiều hàm ý.

       Tôi thương kính cha, một đời ông miệt mài quanh năm với ruộng rẫy bên dòng sông Dakpsi; với con suối nước chảy quanh năm sau vườn nhà; với vườn chuối đám rau và hai cái ao nuôi cá - để nuôi bảy người con thành người. Tính cha tôi không muốn làm phiền con cái, bất cứ việc gì, ông làm được là ông tự làm chứ không sai khiến hay nạt nộ con cháu. Quần áo, giày dép các cái đều do mẹ tôi may sắm kể cả hớt tóc mẹ tôi cũng làm thợ hớt tóc cho ông! Trong việc ăn uống mẹ tôi nấu món gì thì ông món đó, ăn sạch hết một cách ngon lành, không khen, không chê.

Có lần cha con tôi ngồi uống rượu, tôi hỏi nhỏ cha tôi:

     - Cha ơi, sao cha cứ "cơm nhà áo vợ", lại không nghe cha khen mẹ lấy một câu?

     Cha tôi trầm ngâm..., hình như ông quay về với kỷ niệm tình yêu một thời của hai người. Uống cạn phần rượu còn lại trong ly, cha tôi nói như là tâm sự:

     - Khen hay chê đó là bày tỏ bằng lời nói, khen chê với tâm lòng thành thật, xây dựng thì không nói làm chi, (có đôi khi còn bị hiểu lầm), còn khen chê một cách hời hợt, đẩy đưa thì tốt nhất là im lặng. Người chồng cứ nằm thẳng cẳng đọc báo để vợ mình nấu cơm canh xong xuôi rồi lại mời tới ăn, ăn no say bỏ đũa đứng dậy thậm chí uống trà cũng đợi có người bưng mời. Trong khi hai vợ chồng đều đi làm quần quật như nhau! Vậy lời khen "ngon, đẹp" đó - người vợ có cảm nhận bằng tình cảm trọn vẹn được không? Hay là người vợ cảm nhận lời khen một cách miễn cưỡng! Nhà mình sống về nghề nông tang, cha và mẹ con đều ra đồng. Ở trong vườn, trong nhà còn nuôi heo, nuôi gà…, công việc bù đầu làm không xuể nhưng phải làm, lúc trước các con còn ở nhà đi học về cũng phải phụ việc nữa là. Cha không nỡ dùng cái quyền "gia trưởng" nằm nghỉ để cho mẹ con vất vả chuyện bếp núc, chuyện heo, gà... Cha không nấu ăn được thì cha cũng phải tham gia bằng cách xách nước đổ đầy lu, vại, bửa củi, rửa rau…, xúm nhau làm rồi bày biện ra mà ăn, sau đó cùng nhau dọn dẹp cho xong để mà còn nghỉ ngơi! Chính sự san xẻ công việc thường ngày đó là cái nghĩa, cái tình giá trị còn gấp vạn lời khen sáo rỗng. Trốn vợ ra ngồi ngoài quán ăn nhậu là không công bằng.

     Cha tôi tiết lộ cho tôi rằng “Tên cha còn lưu trong gia phả ở nhà thờ tự, ghi bằng chữ nho. Con học chữ nho để dịch tên của cha, cha có hai tên”.

     Đó là một vài kỷ niệm điển hình về cha tôi. Cha tôi chết bởi loạn lạc chiến tranh chưa tìm ra xác! Chị tôi cũng chết sau cha tôi vài năm, ngôi mộ chị nằm bên mé đường Phủ Mô gần nhà, sau năm một chín bảy mươi lăm nhà cầm quyền di dời nghĩa địa, mãi sau nầy tôi mới được cháu Long con trai lớn của chị kể lại cho tôi hay:

    - "Cậu ơi, ngày con hay tin di dời nghĩa địa, trong lòng con lo lắm! Tìm chỗ khác để cải táng mộ mẹ cho được bảo đảm thì con không lo, con lo là mẹ con chết mới ba năm con sợ thi hài mẹ chưa phân hủy hết, nhà lại không có tiền, anh em chúng con mấy năm nay đi mỗi đứa mỗi phương trời kiếm sống. Ngày bốc mộ mẹ, con tháo mấy tấm ván vách cũ đóng cái quách. Đào mộ mẹ con ra, ván hòm chưa mục hết, thân mẹ con phân hủy cũng chưa hết, còn bốc mùi hôi…! Hai chân mẹ còn da bọc xương teo tóp, cái quách thì nhỏ!".

     Ngồi nghe cháu Long kể... - nước mắt tôi trào ra lúc nào cũng chẳng hay. Vài năm sau cháu Long của tôi cũng đi theo mẹ nó!

                                    ***
     Chiến tranh vây phủ KonTum với những trận đánh lớn - người dân đi di tản, tình hình yên ắng lại trở về, rồi lại ra đi tiếp, cảnh chia ly mãi luân hồi theo năm tháng dây dưa không biết đến bao giờ mới chịu ngưng. Gia đình anh chị em tôi cũng chung hoàn cảnh, mỗi người mỗi nơi chưa biết ngày nào sum họp! Còn cha tôi thì ông đã chết sau khi mất quận DakTo. Trong khói lửa mịt mù, cha tôi chết nhưng không biết ông chết ở chỗ nào!

     Ngày cha và chị tôi còn sống, tôi cùng bạn hữu vẫn tới quán thịt chó Hương Giang nhậu lai rai, sau biến cố tang thương của gia đình, tôi chẳng có hứng thú chuyện nhậu nhẹt, một số bạn hữu đổi đi xa hoặc chết trận, một phần nữa là công tác bù đầu bù cổ! Thỉnh thoảng tôi mới ghé thăm quán cũ, thăm cô con gái của ông chủ quán! Thành thật mà nói thì trong lòng của tôi có nhớ cô lắm. Mỗi lần tôi ghé lại quán cả nhà ai có mặt bữa đó đều vui mừng. Thú thật là tôi chẳng thích ăn thịt chó nữa, tôi tới quán chỉ vì thầm yêu cô con gái lớn chưa chồng ở quán Hương Giang. Tôi chưa một lần nói tiếng yêu với cô ấy. Tôi hiểu hoàn cảnh tan nát mất hết đất đai nhà cửa của gia đình tôi, tôi không biết dựa vô đâu để tính chuyện yêu đương cũng như lập gia đình. Tôi sợ một khi nói ra lời tỏ tình yêu thương sẽ là một “thảm họa” cho tôi và cô ấy, vì không biết lượng giá… Tôi và cô ấy lâu nay chỉ là một đôi bạn rất thân mật, thân tình! Tôi cảm nhận cô ấy có thầm yêu tôi, cô yêu thầm lặng, là phận gái làm sao dám thổ lộ. Tựu trung, tôi cũng chỉ là một người "khách nhậu thịt chó hiền lành, thân thiện"! những lúc ở bên nhau cô ấy kể tỉ mỉ cho tôi biết về Huế; về dòng sông Hương Giang với cây cầu Tràng Tiền, lăng tẩm và những câu hò, điệu hát cung đình của xứ Huế.

     Cuộc sống thời tao loạn, sống nay chết mai sau mỗi buổi sáng thức dậy thấy còn sống là diễm phúc. Người con trai, là người lính cũng giống người xưa, mượn rượu giải sầu. Tôi có đọc bài thơ của thi sĩ Đỗ Mục thời Trung Đường mà xót thương “nỗi buồn chiến tranh” của ngày xưa có khác chi thời nay.

Khiển Hoài - Đỗ Mục
 Lạc phách giang hồ tái tửu hành,
 Sở yêu tiêm tế chưởng trung khinh,
 Thập niên nhất giác Dương Châu mộng,
 Doanh đắc thanh lâu bạc hãnh danh.

Trang Y Hạ (Tạm dịch):

 Khơi Mối Cảm Hoài
(Lạc nhịp giang hồ uống rượu say,
 Eo thon kỹ nữ nhẹ trong tay.
 Mười năm chợt tỉnh Dương Châu mộng,
 Được tiếng thanh lâu uổng danh thay).

     Phải chăng cuộc đời của tôi, của cha tôi cũng đã “lạc phách” từ lâu trong cuộc chiến tranh dai dẳng?!

     Bất chợt cô bạn gái hỏi tôi có muốn nghe cô hát không? Đôi mắt của cô nhìn ra khung trời có khói sương của chiều tàn. Tôi chưa kịp trả lời thì cô đã cất tiếng hát. Cô hát tiếng nho nhỏ vừa đủ cho tôi nghe một vài ba ca khúc viết về xứ Huế mộng mơ của cô! Giọng cô ấm áp, cô trình bày nhạc phẩm thật truyền cảm…! Tôi chỉ nhớ có mấy câu:

"Hương Giang, thuyền không chỗ đậu,
 Ngự Viên có bướm hoa vàng.
 Hay là hài xưa in dấu,
 Đưa người đẹp ấy sang ngang…" *

     Cô còn hát “Mưa Trên Phố Huế”. (Mưa trên phố Huế hay là mưa ở trong lòng cô, trong lòng tôi). Tôi ngồi nghe cô hát, cô hát như chưa bao giờ được hát. Giọng Huế trong veo dập duềnh làm cho hồn tôi chao đảo…! Tôi mường tượng về nơi xứ thần kinh với rất nhiều đền đài, lăng tẩm, cung điện ở kinh đô "Chín Chúa Mười Ba Vua" nhà Nguyễn. Tôi hối tiếc và tôi rất ân hận là chưa thể, không thể "đưa người đẹp ấy sang ngang" để cùng nhau đi cho trọn cuộc tình!

     Chúng tôi vẫn giữ tình bạn thân thiết của nhau cho đến ngày tất cả đều rời bỏ KonTum, chạy xuống Pleiku, theo đoàn quân "di tản chiến thuật". Sau ngày một chín bảy mươi lăm, tôi bị "đày ải" nhiều năm. Ngày tôi trở về tóc đã là “sương trắng miền quê ngoại”, gia tài là tấm thân cách trí với hai bàn tay không - sinh sống ở một nơi rất xa xôi khác và hơn nữa - trong lòng tôi ôm một tâm trạng của con chim rừng sợ cây cong không dám đối diện khung trời thơ mộng cũ ấy. Bây giờ tình yêu sự nghiệp chỉ là giấc mơ xa vời vợi, nhưng trong tâm lòng tôi luôn nghĩ về cô ấy; nghĩ về kỷ niệm êm đềm như một bài thơ, bài thơ mà tôi đã từng làm và ngâm cho cô nghe.

Bậu còn ngồi xõa tóc ở trên đồi
se se lạnh vuốt dung nhan đằm thắm
hoa quỳ rựng một rừng vàng thăm thẳm
nét kiêu sa lộng lẫy điểm chiều hoang

Hoa quỳ lay gọi nắng dẫn lên ngàn
ngây thơ gọi gió lùa rung bím tóc
hoa cố nở bên triền đồi đá trọc
kỷ niệm trôi về quanh quẩn bên chân.

     Hàng cây dã quỳ hai bên con đường Phủ Mô nơi nhà chị tôi ở, và nhà nàng ở - chắc hẳn bây giờ vẫn còn nhớ người xưa mà nở rộ khoe màu vàng lộng lẫy kiêu sa?! Kiêu sa như người con gái mà tôi thầm yêu thuở trước! Tôi nhớ cô ấy lắm! Không rõ cô ấy bây chừ lưu lạc ở nơi mô? Chết hay sống? Gia đình cô có còn ở lại KonTum hay là trở về lại nơi xứ Huế thơ mộng? Và cô đã có chồng con chưa? Biết bao nhiêu câu hỏi mà nào có ai đủ thẩm quyền để trả lời cho tôi. Tôi lại nhớ mấy câu ca khi xưa cô đã từng hát cho tôi nghe, trong những giây phút thần tiên mỗi khi được ngồi bên nhau tâm sự.

" Hỏi em rằng, em ở ngoài ấy ra sao
  Má xưa còn thắm, còn thắm hoa đào
  Mắt xưa còn xanh màu biếc
  Nụ cười có đẹp trăng sao…" *

Tôi xin được hỏi một câu:

- Em có... “Bao Giờ Em Quên?*


Trang Y Hạ
Saigon – Những ngày đạp xích-lô.
* Tên nhạc phẩm.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét