Thư viện

15/6/24

CHIÊM NGHIỆM

 




CHIÊM NGHIỆM

Lên thiên đình tấu với trời
lòng cung dưỡng đã có lời cõi xa
xuống địa-ngục vẫn cứ là
lòng cung dưỡng vốn nở hoa đón chào.

Ông Trời ngước mắt vì sao
Diêm Vương cúi mặt, đi vào đi ra
thân tâm, quán-trọ-ta-bà
chắp tay chiêm-nghiệm thấu ba bốn chiều.

Trang Y Hạ.
- Chiêm Nghiệm: “Gieo nhân nào, gặt quả nấy” &Hàm huyết phún nhân, tiên ô tự khẩu”. Tạm dịch: (Ngậm máu phun người, trước tiên dơ miệng mình).

LỜI GIÓ MƯA:


     “Con người là sinh vật chính trị”. (Aristole).
Do đó, những ai không quan tâm tới chính trị, tránh né chính trị là tự làm hại chính mình.

     Các bậc Cha Mẹ sinh con ra đời đã yêu thương nuôi dưỡng và cho học hành nên người, công ơn đó người con phải có trách nhiệm lo phụng dưỡng khi cha mẹ trở về già nhằm đền đáp công ơn sinh thành. Đó gọi là ĐẠO” làm con. Tất cả sinh vật trên trái đất cần phải ăn uống mới tồn tại, con người cũng vậy, dù (đi tu hay không đi tu). Đối với Chư Tăng thuở xưa mỗi khi đi khất thực bá tánh cảm nhận ra rằng phải có (trách nhiệm thiêng liêng) cung cấp thực phẩm, hoa quả, đồ dùng cho các vị. Các vị đi chân trần, mặc áo Cà Sa màu vàng trang trọng, tay bưng Bình Bát, (Bình Bát) là vật dụng thiết yếu chỉ được làm bằng gốm, kim loại thường. Không được làm bằng trái bầu, sọ người, vẽ hoa văn và phải có nắp đậy. Chư tăng một khi đã về già hay viên tịch, có thể truyền "y bát" cho đệ tử thân tín tiếp tục hành đạo.

     Chư Tăng đi khất thực, đi trong âm thầm lặng lẽ, mặc cho: - mưa, nắng, gió, sương... Bá tánh cho thứ gì các vị nhận thứ nấy chứ không mở miệng yêu cầu và chỉ nhận vừa đủ. Hành khất là suy nghiệm chứng kiến nỗi đau của thế nhân “Dục yêu nhân bất tử, tiên tác hoạt tử nhân”. Nghĩa là (Muốn thành kẻ bất tử, trước hết hãy sống như người chết). Bá tánh cung dưỡng là “thiện nguyện, thiện tâm” chứ không hề ràng buộc, bắt buộc với bất cứ điều luật nào của đạo và đời. Bá tánh cung dưỡng chỉ chắp tay cúi đầu, chứ không quỳ lạy Chư Tăng ở bất cứ nơi nào. Tại sao phải chắp tay cung kính? Bởi các Chư Tăng đi “khất thực” là đại diện cho tinh thần - “chánh đạo, chánh tín, chánh niệm” nhằm thấu hiểu nỗi khổ đau từ kiếp nhân sinh, vì lý do đó bá tánh không nên vì quá "ngưỡng mộ" đi theo gây trở ngài cho các vị. Đi khất thực khác với đi “ăn mày”. Bá tánh cung dưỡng, bố thí phải có thiện tâm, có lòng cảm thương. Người xưa, nói: “của cho không bằng cách cho”. Nghĩa là chính “cách cho” đã giữ lại ơn nghĩa đã cho chứ không phải là của cho nhiều, cho ít.

     Ngày xưa bá tánh đem thực phẩm cho Chư Tăng hành khất, (Theo Hán Tự) gọi là “Cung Dưỡng”. Chư Tăng thời xưa không được phép nhận tiền.
                                         ***
     Ngày nay, Chư Tăng được phép nhận tiền là phải kể từ thời Nhà Đường. Thời Nhà Đường, ngài Tam Tạng đi thỉnh kinh ròng rã mười bảy năm cơ cực ở bên Thiên Trúc, Ngài đã mang rất nhiều bộ kinh Phật trở về nước. Vua Đường vui mừng đón Ngài Tam Tạng tại kinh đô. Nhà Vua liền cho tập trung các nhà khoa bảng, các vị cao tăng để phiên dịch tất cả các pho kinh, pho giáo lý Phật Học ra Hán Tự để mọi người dân theo Phật đọc được nội dung mà hiểu rõ ý nghĩa sâu xa của kinh kệ… Đồng thời Nhà Vua cho lập ra phái Thiền Tông. Phái Thiền Tông phát triển rất mạnh ở Trung Hoa thời đó và truyền bá ra khắp nơi.

     Đại Việt theo phái Thiền Tông từ khá lâu, đời Nhà Trần có Thiền Phái Trúc Lâm Yên Tử, tất nhiên là có ảnh hưởng nguyên tắc Thiền Tông nhà Đường. Ngày nay cung dưỡng được gọi là “cúng dường”. Bá tánh cúng dường bằng thực phẩm, hoa quả nếu Chư Tăng hành khất, bằng như Chư Tăng không hành khất thì bá tánh sẽ cúng dường bằng cách chuyển khoản, tức là tiền được chuyển từ “tài khoản” cá nhân qua Ngân hàng tới người nhận cũng có mở “tài khoản”, rất thuận tiện, nhanh chóng.

     Tuy nhiên, chớ nên hô hào, vận động, ép buộc, hù dọa bá tánh (giàu, nghèo) phải vét hết tiền bạc gia sản kể cả (nhẫn cưới) đem đi cúng dường, cúng sao, cúng giải hạn, cúng vong...” nhằm mưu cầu hạnh phúc giàu sang ở một kiếp (tương lai) nào đó rất mơ hồ viễn vông..., thì thiết nghĩ là không nên.

     Không nên, bởi bá tánh (hiện tại) phần nhiều đời sống còn nghèo khổ, thậm chí quá nghèo khổ, phải tha phương cầu thực, phải lam lũ làm lụng mới có cái ăn, cái mặc, lại còn phải chịu đựng đủ các thứ lệ phí, đủ các thứ thuế! Hơn nữa người nghèo, lúc bị bệnh tật chuyển vô bệnh viện phải đóng “viện phí” mới được chữa bệnh, bằng không có tiền thì chịu chết! Con cháu đi học phải đóng “học phí” cho nhà trường thì mới cho học, bằng không có tiền thì đành thất học ở nhà đi lượm ve chai, đi bán vé số...! Kể thêm nữa là: thiên tai, nhân họa đổ ập xuống đầu của họ, con cháu của họ. An sinh xã hội thì chẳng có, mà nếu có cũng không thấm vào đâu. Tình trạng như vậy họ biết kêu ai để cứu vớt đây? Họ biết dựa ai để cầu mong sự giúp đỡ, che chở đây?!

     Những người nghèo đói, người bị loại trừ, người tàn tật, người ăn xin, người bị mất nhà cửa đất ruộng, người bị tù oan, người tù chính trị, người đi bán vé số, người nông dân bị hạn hán, lũ lụt mất mùa. Tất cả họ, tất nhiên sẽ dựa Thần Thánh! Họ cầu xin sự an ủi, sự may mắn và mong ước thoát khỏi cảnh khó khăn. Dựa thần thánh cũng phải có tiền, để mua: (heo quay, bông hoa, trái cây, nhang đèn, tiền đô la, vàng mả, nhà lầu, xe gắn máy, xe hơi, iphone...). Thứ “qùa cáp sang trọng" dành cho người cõi âm, cho người cõi trên, giá bán không hề rẻ bao giờ, và cũng không hạ giá cho người nghèo, người có lợi tức thấp. Trong khi đó ở trong nhà thì thờ ông thần tài (!?).

                                       ***
     Trong giáo lý các tôn giáo luôn dạy điều “hiếu nghĩa” lên hàng đầu. Thứ nhất thảo kính cha mẹ…”. Hiếu thảo với đấng sinh thành là một việc “Thiện” lớn nhất mà không một việc thiện nào có thể so sánh cho bằng được. Vậy người con phải có lòng hiếu thảo, lo để dành tiền bạc nuôi dưỡng cha mẹ già yếu cho tròn đạo làm con. Đạo lý đó, thiết nghĩ có khác chi tu tại gia”?! Câu tục ngữ “Tu đâu cho bằng tu nhà, thờ cha kính mẹ bằng ba tu chùa”. Giữ cho tròn đạo làm con thì Thần Thánh đã hiện diện ở trong tâm hồn và được nhận ơn phúc từ Thần Thánh.

     Triết gia người Ấn Độ (Krishnamurti), nói: "Bởi khi trái tim chúng ta đã héo tàn, nên Thượng Đế mới trở nên quan trọng". Hãy suy gẫm câu nói của triết gia! Thi sĩ Nguyễn Du cũng nói “Xưa nay nhân định thắng thiên cũng nhiều” đó thôi. Con người là một vũ trụ thu nhỏ, hãy khám phá ra điều huyền diệu ở trong vũ trụ thu hẹp đó trước khi nhờ trời giúp đỡ.

     Bậc chân tu hành đạo đã hiến mình ép xác, ăn uống kham khổ ngồi thiền nơi tĩnh mịch vắng vẻ; chấp nhận sống đời khổ hạnh - không khoa trương vọng tưởng. Chân phước, chân tu xuất phát từ (chánh đạo, chánh niệm, chánh tín) và “từ bi, bác ái” cứu nhân độ thế thoát cảnh trầm luân tội lỗi - chẳng lạm dụng lòng tin (nơi một số người) bằng sự “mê tín dị đoan”...! Chẳng là gánh nặng, rối rắm đạo đời. Phật dạy: Không xuống địa ngục, không trở thành Phật”. Nghĩa là không chịu gánh khổ nạn, không nhận ra kiếp nạn ở trên cõi đời tạm nầy thì chẳng thể thành Phật. Đi tu chứ nào có phải đi làm quan đâu mà mong “công, hầu, khanh, tướng”, phú quý giàu sang, ăn trên ngồi trước.

     Ông Phạm Trọng Yêm (989 – 1052), người nước Tống thuở bé còn hàn vi sau lên làm Tể Tướng. Có câu nói nổi tiếng “Tiên thiên hạ chi ưu nhi ưu, hậu thiên hạ chi lạc nhi lạc”. Tạm dịch: (Lo trước cái lo của thiên hạ, vui sau cái vui của thiên hạ). Đó là tấm lòng nhân bản, nhân ái của người làm quan thanh liêm.

     Đức Phật, dạy rằng: Đặt điều nói xấu người khác, cũng giống như hành động của kẻ nằm ngửa phun nước miếng lên trời”.

     “Hãy tự đặt vấn đề, cớ gì phải để kẻ khác xỏ mũi dẫn đi tới chân trời góc bể mà tưởng rằng chân lý”. (Trần Phước Hân).

Trang Y Hạ
Vạn sự bất như bôi tại thủ, nhân sinh kỷ kiến nguyệt đương đầu”.



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét