Thư viện

17/11/20

CON LỪA

 



CON LỪA
 
Trang Y Hạ
 
“Đồng Đăng có phố Kỳ Lừa,
  Có nàng Tô Thị, có chùa Tam Thanh”. (Ca dao)
 
     Ở Việt Nam không có giống Lừa, nhưng lại có, Phố Kỳ Lừa, và ca dao về người mẹ… Phố Kỳ Lừa đã hình thành từ rất lâu đời, đầu thế kỷ thứ mười bảy, thuộc địa phận (Đồng Đăng, Lạng Sơn). Tuy chẳng có giống Lừa nhưng các thứ “lừa” khác thì nhiều lắm...
 
     Theo các nhà nghiên cứu. Giống Lừa sinh trưởng hoang dã ở Châu Phi cách đây hơn - năm nghìn năm. Giống Lừa được thuần thành làm gia sức ở Ai Cập khoảng - ba nghìn năm về trước... Dòng họ nhà Lừa hiện nay có khoảng hơn năm mươi triệu con sống rải rác khắp nơi trên thế giới. Đa phần ở các quốc gia và vùng lãnh thổ nghèo.
 
     Lừa là loài động vật có vú thuộc họ ngựa. Lừa không chạy nhanh bằng ngựa, nhưng lừa có sức khỏe, người ta dùng lừa để vận tải hàng hóa, và cỡi… Lừa du nhập qua Pháp, có tên là: Poitou. Poitou là tên một ngôi làng thuộc nước Pháp chuyên nuôi lừa và lai giống lừa. Giống lừa lai ở làng Poitou to con khỏe mạnh hơn giống nguyên thủy ở bên Châu Phi. Từ Pháp giống lừa được các nước Châu Âu mua về xử dụng... Con Lừa thuở xa xưa được xem là một “biểu tượng” sang trọng thời Trung Cổ La Mã.
 
     Con lừa đã đi vào văn học bằng câu chuyện Ngu Ngôn, rằng:
 
     “Một buổi sáng nọ người nông dân già nghe tiếng con lừa kêu gào dưới giếng khô. Người nông dân nhờ vài người hàng xóm tới, họ dùng xẻng lấp đất xuống giếng từ từ… Con lừa hoảng sợ, nghĩ người ta chôn sống… Bản năng sinh tồn, con lừa đạp đất ngoi lên và dần dần lên tới miệng giếng, thoát chết. Bấy giờ con lừa mới hiểu ra, người ta đã cứu nó bằng cách đổ đất xuống giếng chứ không phải giết nó”.
 
     Bản tính của con lừa: hiền lành, dễ mến, ngoan ngoãn… Lừa có tật nặng tai, một khi người chủ sai bảo thì phải nói to tiếng mới chịu nghe theo... Do đó nhân gian mới có câu nói: “Điếc như lừa, Ù lì như lừa, Ngu như lừa”. Nghĩ ra, có lẽ con lừa bị hàm oan một cách vô cớ. Bản tính trời cho như vậy chứ loài lừa nào có muốn như vậy đâu. Hầu hết các giống lừa cao chỉ độ khoảng - một thước tư, hoặc hơn chút xíu... Lừa không cao như ngựa, lừa phát triển thân thể theo bề ngang…
 
     Giống lừa du nhập sang Mỹ khá trễ, không biết vì nguyên nhân gì…? Tuy vậy, hiện nay ở Mỹ người ta lập nhiều trang trại nuôi và lai giống lừa… Lừa ở Mỹ người ta không gọi tên, là: Poitou như bên nước Pháp, người Mỹ đặt cho giống lừa một cái tên riêng, tên đó là: (Donkey). Người Mỹ vốn yêu động vật, nên họ cũng yêu mến con lừa là đúng thôi. Có một điều khá thú vị là người Mỹ lấy con “LỪA” đặt tên cho đảng Dân Chủ, đảng đầu tiên của nước Mỹ. Thiết nghĩ, từ mấy trăm năm trước người Mỹ từ Anh Quốc vượt biên sang đất Hoa Kỳ hiện nay, trong đầu của họ chỉ có hình con lừa là biểu tượng sang trong duy nhất. Do đó họ vẫn giữ hình ảnh con lừa trong huyết quản của họ cho tới tận bây giờ.
 
     Theo từ điển tiếng Việt. Chữ (lừa) thuộc “động từ”. Hầu hết trong các chữ lừa ghép đều có nghĩa không tốt, như: lừa tình, lừa tiền, lừa vàng… Vậy thì cớ chi lại lấy chữ “Lừa” đặt tên cho con Lừa…? Hóa ra người Việt đặt tên cho con vật (lừa)quả là hàm hồ, hay là có (chủ ý), hoặc có thể tại vì con Lừa thích nghe lời nói nặng, lời nhiếc mắng của người chủ, mà chịu nhận cái tên không được chính trực. Nghĩ ra…, cũng oan uổng cho con lừa…!
 
     Tuy chữ lừa đặt cho con lừa là như vậy, nhưng chữ lừa cũng còn có vài ý hay, như: lừa xương, lừa cát sạn trong khi ăn cơm... Câu ca dao cảm động nói về người mẹ khi mẹ nhai từng búng cơm cho thật nguyễn, rồi mớm cho con ăn khi con chưa mọc răng.
 
      “Ngồi buồn nhớ mẹ ta xưa,
        Miệng nhai cơm búng, lưỡi lừa cá xương” Ca dao.
 
Theo “phong thủy” bên Tàu. Tất cả các giấc mơ thấy con Lừa đều tốt, trừ giấc mơ thấy lừa “mặc quần áo giống như một vị quan lớn”. Giấc mơ đó rất là tai họa…, sẽ bị bạn hữu, người thân lừa lấy hết tiền tài, phải ra đường ăn mày.
 
***
 
Con Lừa đã được “minh oan”!
 
     Ngày nay con người càng ngày càng tiến bộ về khoa học điện toán (computer), và kỹ thuật cơ khí… đã chế tạo ra các loại máy móc tinh khôn còn hơn trí tuệ con người (máy phải có móc, không móc thì chưa phải là máy - táy máy moi móc…). Máy, phương tiện dùng để thay thế (con người mưu mô) đi lừa người ngay, người công chính - lấy đi niềm tin, sự thật, tiền tài, tiền đồ… của bá tánh hết sức tinh vi, thậm chí đem bom đạn thả trên đầu mà bá tánh không hề hay, không hề biết. Máy, kêu gọi HỒN MA từ âm phủ sống dậy đi lãnh tiền trợ cấp của chính phủ … Máy, kêu gọi HỒN MA từ âm phủ sống dậy đi bầu cử cho các ông, các bà có mưu đồ chính trị bẩn thỉu; bầu cho các ông bà tham những, hối lộ bán nước để vinh thân… Máy, thay (con người xảo quyệt) đổi trắng thay đen chỉ trong vài giờ, từ: dốt nát trở thành tiến sĩ; từ tổng thống trúng cử trở thành thất cử… Máy móc qua mặt sự công chính cũng như luật pháp mà không một ai dám nói, dám cãi - bởi vì máy quá máy móc khó tìm ra bằng chứng. Dẫu có tìm ra bằng chứng thì lại đổ thừa là tại máy, móc...
 
     Người xưa, nói “Một lần bất tín vạn lần bất tin”. Trong luật pháp từ xưa tới nay có đề cập tới ý nầy, và cũng có những điều luật theo ý nầy mà xử án... “Một lần lừa bịp tất cả các lần đều là lừa bịp”. Con Lừa là động vật có ích cho con người, và từ thời Trung Cổ La Mã, Lừa được tôn vinh là con vật “sang trọng”. Theo chữ nghĩa Việt Nam, lừa được cho là quá tệ, nhưng cũng không tới nỗi lừa phải là quá xấu.
 
     Vậy, hãy gìn giữ tiếng thơm cho con lừa lúc nào cũng (sang trọng), và cư xử làm sao để người đời đừng nói các câu khinh khi, miệt thị, rằng: ”Bọn bay là đồ Con Lừa” hoặc “Chúng mày là đồ con lừa hèn hạ”.
 
     Tội nghiệp cho đời lừa gian nan quá thể…! ./.
 
Trang Y Hạ
 


 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét