Thư viện

19/11/20

NGƯỜI ĐÀN BÀ CŨ

 



NGƯỜI ĐÀN BÀ CŨ

 
Trang Y Hạ
 
     Tại sao phải gọi là người “đàn bà cũ”…?
 
     Chẳng có người đàn bà nào cũ đâu. Người đàn bà còn sống lúc nào cũng (mới và mới cho tới chết vẫn còn mới - chết hết rồi vẫn mới)! Từ xưa cho tới nay - người đời, cho tới văn chương, nói: "người vợ cũ, người chồng cũ, người tình cũ, người yêu cũ, người bạn cũ…"chứ chẳng thấy ai nói người đàn bà cũ hay người đàn ông cũ. Dẫu rằng: vợ cũ chưa hẳn đã là cũ… Họ sẽ luôn luôn tìm mọi cách để làm mới…, và càng mới hơn khi gặp được mối nhân duyên mới...! Vậy, đừng bao giờ viết "đàn bà cũ"! Viết như vậy là sai văn phạm và hơn nữa là xúc phạm danh dự, phẩm hạnh của người phụ nữ.
 
     Đọc báo, đọc thơ… thấy các tác giả viết về người phụ nữ của họ là người “đàn bà cũ” với một - giọng văn, ý thơ… có vẻ - nửa nuối tiếc, nửa hững hờ, thậm chí trách móc… Tại sao vậy? Tại sao phải viết về họ như vậy? Tác giả có thù hận hay bị người phụ nữ ruồng bỏ để rồi gọi họ là người đàn bà cũ, một cách quơ đũa cả nắm? Dẫu có ân oán, thù hận cũng có thể giải quyết bằng tình, bằng luật lệ trắng đen rõ ràng để rồi vẫn là bạn tốt với nhau, chứ đâu cần phải dùng lời lẽ “cay đắng” cho nhau.
 
     Thế nào là người đàn cũ? Thân xác cũ ư? Tâm hồn cũ ư? Viết, hay nói như vậy là sai ý nghĩa! Người con trai tìm cách yêu một người con gái rồi lấy làm vợ, thời gian sau chia tay nhau mỗi người đi mỗi hướng tìm nguồn hạnh phúc mới với lý do “đồng sàn dị mộng” - chừ, vô tình hay cố ý, gặp lại người vợ cũ năm xưa - đẹp, hay xấu hơn, họ vẫn là người vợ cũ có từ cuộc hôn nhân đổ vỡ giữa hai người... Về mặt thể xác, tinh thần họ không bao giờ cũ. Họ mới hoàn toàn thậm chí còn mới hơn thuở cùng có nhau. Họ phải mới để vươn lên, để tồn tại… (Họ chính là người vợ cũ) chứ không thể gọi họ là người đàn bà cũ. Đặt trường hợp có gặp lại nhau ở trong bất cứ hoàn cảnh nào - giàu sang hay nghèo khó cũng không thể gọi họ là người đàn bà cũ chung chung có pha giọng điệu khinh thường, coi thường.
 
     Bất Ngờ
     Bất ngờ mà gặp lại nhau,
     Bậu ôm chiếc bóng nhuốm màu thời gian.
     Còn ta một gã lang thang,
     Cùng trời cuối đất mang mang cuộc tình. Thơ (Trang Y Hạ)
 
     Biết rằng khi chia tay nhau là hết; hết đây có nghĩa là trên danh phận không sống chung trong một ngôi nhà, nhưng vẫn sống chung trong bầu trời, chia tay nhau chưa chắc là hết “dẫu lìa ngó ý còn vương tơ lòng” kia mà. “bậu ôm (chiếc bóng)”, còn người kia “một gã (lang thang)” - lang thang trong kỷ niệm, trong hồi tưởng…!
 
     Trong văn chương tiếng Việt, xưa nay, tất cả đều nói: đàn bà con gái . Thành Ngữ “đàn bà con gái” là chỉ về phụ nữ nói chung là như vậy... Đàn bà, chỉ người phụ nữ có chồng. Trong ca dao, nói:
 
     “Con tôi nay đã đàn bà.
       Mâm trầu hũ rượu đều là của tôi”.
 
      Cha mẹ sinh ra con gái gả đi lấy chồng - gả, kể như (mất con)! Mất con mà còn tốn một mớ “mâm trầu hũ rượu”, kể ra cha mẹ có con gái cũng khổ…! Luật lệ ngày xa xưa là vậy, sinh con gái là phải lo chuẩn bị của “hồi môn”, cha mẹ nghèo không có của hồi môn - người con gái khó bề lấy chồng, dù có lấy được chồng cũng không hơn gì một cuộc mua bán nô lệ, bị người bên gia đình chồng khinh khi, đày đọa…!
 
     Trời sinh ra đàn bà nhưng lại để cho họ bị thiệt thòi, và bất công hơn là gán cho họ “đầu dây của tội lỗi”.
 
     Không một người đàn bà nào muốn bản thân của mình trở thành tàn tạ, tàn tạ tới nỗi rêu phong bám đầy người… Dù cho họ có trắc trở về đường tình, hay gặp bất hạnh trong cuộc đời thì họ vẫn tự đứng lên chứ không chịu đầu hàng số phận. Do đó, họ phải làm mới cả thể xác, tâm hồn, và tìm mọi cách làm đẹp: bằng cách ăn uống, bằng cách tập thể dục thẩm mỹ, giải phẫu thẩm mỹ, dùng mỹ phẩm... Người đàn bà muốn giữ hạnh phúc lâu bền là phải biết làm đẹp; làm đẹp bên trong lẫn bên ngoài. Dù trong ngày có bận rộn công việc tới đâu chăng nữa người phụ nữ cũng phải dành chút ít thời gian làm đẹp cho bản thân... Người chồng yêu vợ là phải biết san sẻ công việc nhà để người vợ làm đẹp và người vợ sẽ đem lại sự nồng ấm, hạnh phúc... Người nào đó, nói: “Không có phụ nữ xấu, chỉ có phụ nữ không biết làm đẹp”. Câu nói rất ý nghĩa.
 
     Không thể nói, viết: “người đàn bà cũ”. Nói, viết như vậy là làm mất đi ý nghĩa câu văn, sai văn phạm và không được thiện cảm với người đọc, người nghe - nhất là giới nữ.
 
Trang Y Hạ   
 

 

  

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét