Thư viện

5/3/21

CHIỀU BUỒN

 



CHIỀU BUỒN
 
Thơ: Phạm Minh Tuấn
 
     Tặng: Anh Trang Y Hạ
 
Chiều buồn phố cũ dâng buồn
Thoáng trong xa vắng tiếng chuông ngân dài.
Kinh cầu nửa khúc gọi ai
Hồn còn phiêu bạt xác này trả vay.
 
Chiều buồn chiều vẫn cuối ngày
Nâng niu vạt nắng van nài bóng đêm.
Phố xưa cứ ngỡ đã quên
Mà còn đau nhói bậc thềm gót ai...
 
Chiều buồn len lén phố dài
Ngấm trên ngọn tóc tuổi phai cuối đời.
Nắng chưa chịu tắt vạt rơi
Đời ta đã ngấm giọt mời đắng môi.
 
Chiều buồn nghe những tơi bời
Tình xưa như những gọi mời bóng ma.
Đêm hẹn về với tình ta
Mà chiều không tắt tình xa vẫn là...
 
Chiều buồn...
Chiều mãi...
Chiều tà…
 
Phạm Minh Tuấn
(20210305)
 
LỜI GIÓ MƯA
 
Trang Y Hạ
 
Đọc thơ của Phạm Minh Tuấn… Bài Chiều Buồn! (Tựa bài thơ do Trang Y Hạ, đặt... Phạm Minh Tuấn xưa nay vẫn lười biếng vậy đó…). Đọc thơ của Phạm Minh Tuấn, tôi chợt nhớ tới bài thơ Cổ Phong - Cổ Nguyệt Đình
 
“Phong trần hồ tửu sầu viễn xứ
  Nhất phiến hành vân tận mạc suy
  Sầu im kỷ nữ thôi vũ phuốn
  Phách lặng sênh chao Yến phi mang.”
 
(Phong trần rượu thấm buồn đất lạ
 Bàng bạc mây đưa tận chân trời
 Kỹ nữ im lìm không múa hát
 Phách lặng nhịp nghiêng  Én bay thôi.)
 
Trong cuộc sống hằng ngày của chúng ta có rất nhiều những buổi chiều. Người nông dân sau một ngày vất vả trên cánh đồng, chờ khi chiều xuống không khí mát mẻ – dù có ham công, tiếc việc cũng phải hối hả đi về nhà… Trẻ mục đồng cũng ngất ngưỡng trên lưng trâu trở về nhà. Người thành phố làm việc trong công xưởng cũng vậy… Thế nhưng, “chiều buồn”, thì chưa hẳn ai cũng diễn tả được - dù có buồn - rồi một thoáng cũng chìm sâu vô trong giấc ngủ… Và ngày hôm sau thức dậy đón một ngày “vui” mới.
 
Bối cảnh trong thơ: Chiều Buồn, là “Phố Cũ”. Phạm Minh Tuấn đi thẳng vô phố cũ, với đoạn thơ:
 
Chiều buồn phố cũ dâng buồn
Thoáng trong xa vắng tiếng chuông ngân dài.
Kinh cầu nửa khúc gọi ai
 
Phố cũ ấy ở trong con người đang đi vẫn còn mới nên mới dâng buồn… Tiếng chuông gõ cửa ngày xưa, ngày xưa người đi xa vắng không một ai ra mở cửa… Tiếng chuông đó vẫn đồng vọng dội biến thể như một khúc “kinh cầu” của tiếng mõ (công phu)… Và tiếng chuông cũng chỉ có ngân lên “một nửa”…!
 
Chiều buồn là một khúc luân hồi, là một chặng vãng lai thấp thoáng bóng hình lúc ẩn lúc hiện để người làm thơ đi tìm lại một hồi ức tưởng như đã theo chiều của ngày, để rồi bóng đêm ùa về vây bủa… Tiếc nuối:
 
Nâng niu vạt nắng van nài bóng đêm.
 
Câu thơ của Minh Tuấn bộc lộ hết cả tâm lòng của buổi chiều buồn… Vạt nắng của chiều chỉ là một thứ ánh sáng mờ nhạt… chứ không cho hơi ấm. Dù có “nâng niu” thì phải ôm ấp và phả vô chính lửa của trái tim, để chút ánh sáng mong manh đó sống lại… Nhưng không thể được, bởi “nỗi đau thời gian” mà triết gia Ấn Độ (Krisnamurti) đã từng tìm cách vượt qu trong triết thuyết của ông cũng không hoàn hảo…!  Ở đây Minh Tuấn, thực tế hơn: “van nài bóng đêm”. (cầu xin bóng đêm). Câu thơ “đặc biệt” trong bài thơ.
 
Chiều buồn đi vô nỗi nhớ… Và chiều cứ đi qua nhưng nắng chiều chưa bao giờ tắt, dù màn đêm phủ xuống… Tôi cũng có lần đi qua phố cũ, phố cũ của tôi chỉ là đi tìm lối xưa chứ không bàng bạc, nuối tiếc, hẹn hò… như trong thơ Minh Tuấn.
 
Tôi lần qua phố cũ
Ngang nhà bậu năm xưa
Giàn hoa chừ đã rũ
Rả rích từng cơn mưa.
 

Trang Y Hạ
 
 


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét