Thư viện

15/3/21

TÁI HẠ KHÚC

 


TÁI HẠ KHÚC 
 
Thơ: Thi sĩ Hứa Hồn (Vãn Đường)
 
Trang Y Hạ
 
     Trận tiền ai khóc chia ly.
     Khải hoàn ai nhắc người đi không về. Thơ: (TYH)
 
Tháng ba, như một “lời nguyền phù thủy”… Và, mỗi năm quay về tái hiện hình ảnh tang thương, tàn phá bởi chiến tranh mà những người trong cuộc chiến và con cháu của họ không thể nào quên. Người bên phe thất bại đã sống lây lất chính trên quê hương và sống tản mác khắp nơi trên thế giới…. Tôi mượn bài thơ của thi sĩ Hứa Hồn thời (vãn đường) để nói lên cảm nghĩ chứ không phải là người am tường về chữ Hán, về thơ Đường để mà bình thơ.
 
  
 

Dạ chiến Tang Càn bắc,

Tần binh bán bất quy.

Triêu lai hữu hương tín,

Do tự ký hàn y.
 
Dịch Nghĩa:
Đêm qua chiến trận xảy ra ở bắc sông Tang Càn
Một nửa quân Tần không về nữa
Sớm mai người chết có thư nhà gửi tới
Lại có gửi áo lạnh nữa.
 
Trang Y Hạ chuyển qua thơ lục bác
 
KHÚC HÁT DƯỚI ẢI
 
Tang Càn chiến trận đêm qua,
Tần binh chết nửa quả là xót thương.
Thư nhà tới lúc tinh sương,
Ai người nhận áo chiến trường lặng im.
 

Nhà văn Lỗ Tấn, nói rằng: “Lịch sử Trung Hoa là lịch sử ăn thịt người”. Ý của ông muốn nói, là: Lịch sử của người Trung Hoa chỉ biết có chiến tranh và tự giết nhau triền miên”.

Sông Tang Càn hay Tang Càn Hà thuộc huyện Mã Ba, tỉnh Sơn Tây bên Tàu, lưu vực của sông bắt nguồn từ dãy Thái Hành Sơn. Sơn Tây có hàng nghìn sông lớn nhỏ, tất cả đều lệ thuộc lưu lượng nước ở hai con sông lớn: Hoàng Hà và Hải Hà. Các chi lưu lớn của Hải Hà nằm trong tỉnh Sơn Tây, là: Tang Càn Hà, Hô Đà Hà, Trạc Chương Hà, Thanh Chương Hà. Phía Bắc Tang Càn Hà là nơi đã từng xảy ra các trận chiến trên đất, dưới nước, trong đó có trận chiến mà quân Tần đã thua. 
 
Từ xa xưa cho tới ngày nay đề tài chiến tranh vẫn luôn hấp dẫn các nhà thơ, nhà văn kể cả kịch và ca dao... Thơ của các thi sĩ từ đời nhà Đường cũng không ngoại lệ. Thơ Đường tả về những cảnh tang thương do chiến tranh triền miên trong suốt chiều dài lịch sử Trung Hoa với nhiều bài thơ đẫm nước mắt… Bài thơ “ Tái Hạ Khúc” đã mô tả lại chứng tích chiến tranh đó… Thi sĩ Hứa Hồn ở vào thời kỳ “vãn đường”. Tuy nhiên, dù cho chiến tranh đã đi qua bao nhiêu năm chăng nữa nhưng sự mất mát để lại thì quá nhiều trong lòng người với biết bao đau khổ và nuối tiếc…! Do đó, viết về đề tài chiến tranh viết không bao giờ cho hết được. Đề tài chiến tranh là luận chứng của lịch sử chở đầy tang thương, nước mắt…
 
Bài thơ “Tái Hạ Khúc” là bài thơ: Ngũ Ngôn Tứ Tuyệt. Hai câu: Đề và Thực, thi sĩ Hưa Hồn tả về trận đánh ở phía Bắc dòng sông Tang Càn:
 
     Dạ chiến Tang Càn Bắc,
     Tần binh bán bất qui.
 
Nghĩ kỹ ra thì chỉ bằng hai câu trên là quá đủ cho một bài thơ. Bởi câu thứ hai (Thực) - Tần binh bán bất qui…! Quả thật đau xót vì đã có nửa quân Tần tử trận nơi chiến trường chẳng được trở về quê nhà. Đó là sự mất mát nhân mạng quá to lớn… Nghĩa là (tự cảm) câu thứ hai đã có “Luận & Kết”. Và cũng có thể nói là đã có đủ ý cho một nỗi đau của một trận chiến… Đàng nầy thi sĩ Hứa Hồn đã cho chúng ta hiểu thêm một cái Luận và Kết khác, mà khi đọc lên - càng ngậm ngùi thương xót tới rơi nước mắt:
 
      Triêu lai hữu hương tín,
      Do tự ký hàn y.
 
Hai câu nầy đứng riêng biệt (đối lập) với hai câu trên là “Đề - Thực”. Trong hai câu sau - thi sĩ Hứa Hồn đã bày tỏ một tấm lòng cảm thương cho người mẹ! Cảm thương cho người vợ ở quê nhà... Ở nơi quê nhà từng giờ, từng ngày ngong ngóng người thân được bình an trở về… Họ nghĩ rằng nơi biên trấn chắc chắn sẽ thiếu thốn mọi thứ... Và họ đã gửi thư và áo lạnh - để mong rằng người thân mặc thêm cho ấm cũng như đọc thư để biết tin tức gia đình để yên tâm đánh giặc - hầu mong thắng trận trở về trong vinh hiển… Chính sự đối lập của hai câu thơ đã làm tăng lên gấp nhiều lần sự đau xót cho số phận người trai xông pha nơi chiến trường
 
     Trận tiền ai khóc chia ly.
     Khải hoàn ai nhắc người đi không về.
     Chiều hoang vó ngựa sơn khê
     Gươm tan cung gãy bốn bề im hơi
    …….
    Trích, Thơ: (Trang Y Hạ)
 
Không có nỗi đau nào to lớn hơn nỗi đau chiến tranh; nỗi đau chiến tranh làm tan nát ruộng đồng sông núi; chiến tranh làm hao hụt nhân lực và nguyên khí quốc gia; chiến tranh để lại vành khăn tang trên đầu người quả phụ, con thơ và cha mẹ già yếu không ai phụng dưỡng… Tóm lại: Ai gây ra chiến tranh tức là gây ra tội ác.
 
Việt Nam đã đi qua hơn hai mươi năm chiến tranh, đã để lại không biết bao nhiêu là tang tóc, chia lìa mà cho tới tận ngày hôm nay vẫn không thể hàn gắn nỗi…! Chiến tranh “Ý Thức Hệ”, người dân (Nam – Bắc) không thể sống chung, nên ngày “hòa bình” đã bỏ nước ra đi vượt biên trên biển, trên rừng bất kể nguy hiểm dẫn tới hàng triệu người - bị sóng biển, bị hãi tặc cướp bóc mà cho tới hôm nay (gần nửa thế kỷ trôi qua) vẫn chưa ai có thể thống kê chính xác… Sự bỏ nước ra đi tỵ nạn khắp thế giới của người Việt là cuộc bỏ nước ra đi lớn nhứt trong lịch sử dân tộc… Và, cuối cùng cuộc chiến chỉ “thống nhất” về mặt địa lý. Đáo cuộc rồi cũng phải dựa vào hệ thống kinh tế tư bản “WTO” để phát triển và tồn tại. Cuộc chiến tranh hai mươi năm đó có thể tránh được, nếu biết bình tĩnh, ngồi xuống để tìm ra một giải pháp khác hay hơn để hóa giải trong hòa bình và xây dựng đất nước.
 
Người mẹ, người vợ, người thân gửi những lá thư, áo lạnh ra chiến trường. Tất cả bặt vô âm tín, bởi người trai trẻ đã nằm xuống vĩnh viễn trên rừng... 

"Thư của lính ba lô làm bàn nên nét chữ không ngay". Và, "Từ bàn tay tiên nắn nót từng nét gửi cho anh để anh vui bước đường quân hành...". Đó là những lời nhạc thiết tha của tình yêu nhớ về nhau, gửi cho nhau trong thời chinh chiến, chưa kể các bài thơ tình của người lính.
 
Bài thơ của thi sĩ Hứa Hồn chỉ vỏn vẹn có bốn câu, được kết nối bằng kỹ thuật và bố cục tưởng chừng như là (nghịch thủy). Nhưng…, từ thẳm sâu của lòng nhân ái; từ thẳm sâu của hồi ức đã cho biết đó là sự đồng nhất giữa mất mác và tồn tại luôn cộng hưởng trong vòng xoáy ghê rợn của cuộc chiến tranh.
 
Bài thơ đã làm xúc động lòng người. Trang Y Hạ là một kẻ hậu sinh xin mượn ý thơ để tỏ nỗi lòng… Mong thi sĩ tiền nhân thương cảm mà đừng quở trách

 
Trang Y Hạ

 “Tôi tiêu diệt kẻ thù của mình bằng cách biến họ thành bạn” Abraham Lincoln (1861-1865)

 

  “Trái ngược với tình yêu không phải là sự thù ghét mà là sự dửng dưng. Trái ngược với nghệ thuật không phải là cái xấu mà là sự dửng dưng. Trái ngược với đức tin không phải là tà giáo mà là sự dửng dưng. Và trái ngược với sự sống không phải là cái chết mà là sự dửng dưng.” (Elie Wiesel giáo sư người Mỹ gốc Do Thái)

 


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét