Thư viện

25/5/21

NỮ THI SĨ THÁI DIỄM (HỒNG NHAN ĐA TRUÂN)

  



NỮ THI SĨ THÁI DIỄM
(HỒNG NHAN ĐA TRUÂN)

Trang Y Hạ

Nhà Hán suy vi, Đổng Trác tiếm quyền nên đã coi nhà vua chẳng ra gì, từ đó xã hội loạn lạc phân ly tan tác bởi chiến tranh… Loạn lạc nổi dậy chung quy chỉ là để tranh giành vị thế của các phe nhóm cát cứ khắp nơi trong nước. Tất cả tang thương đều đổ lên đầu người dân vô tội, trong đó có gia đình nữ thi sĩ Thái Diễm.

Thái Diễm là nữ thi nhân Trung Hoa duy nhất, nổi tiếng từ thời Kiến An – (Hán Đế Lưu Hiệp). Bà chẳng những xinh đẹp, thùy mị mà còn giỏi văn thơ, giỏi về lý số, âm luật và biện luận... Tác phẩm nổi tiếng của bà là tác phẩm “Bi Phẫn Thi”, một kiệt tác về thể loại thơ “Tự Sự”. Ngoài ra bà còn để lại “Đàn Hồ Gìa Mười Tám Phách”, đó là mười tám khúc ca theo điệu Hồ nhằm ghi lại nỗi thống khổ của bà khi ở đất Hung Nô. Có một thời gian bà bị Đổng Trác giam cầm, sau bà được thoát ra và bà lại lưu lạc tới đất Hung Nô (nghe nói là bà bị quân của Lý Thôi, Quách Nhĩ lừa giữ bà lại rồi giao nộp cho chúa Hung Nô là “Tả Hiền Vương” làm vợ để lấy lòng Chúa Hung Nô). Trong mười hai năm sống nơi đất khách quê người với biết bao thương nhớ cha mẹ nơi quê nhà nên bà dồn hết nỗi đau, nỗi phẫn hận đó vào âm nhạc bằng mười tám nhịp phách theo điệu ca của người Hung Nô. Thật may cho bà là được Tào Tháo (bạn thân của cha bà) nhớ tới bà và cho sứ giả mang lễ vật sang đất Hung Nô để chuộc bà đem về nước. Bà Thái Diễm được về nước, nhưng hai đứa con trai mà bà có cùng với Tả Hiền Vương (Hung Nô) thì phải ở lại... (Đó lại là nỗi đau xót đành phải xa hai đứa con triền miên trong suốt cuộc đời của nữ sĩ)

Khi bà trở về Hán - câu chuyện “Văn Cơ Quy Hán” của bà đã trở thành đề tài hết sức hấp dẫn cho các văn sĩ, thi sĩ, kịch sĩ diễn đạt thành các tác phẩm lừng danh…! Tới đời nhà Tống Ninh Công có một họa sĩ cung đình tên là (Trần Cư Trung) ông đã vẽ một bức họa có tên “Văn Cơ Quy Hán”, bức họa lừng danh đó tức khắc truyền đi khắp nước Trung Hoa lúc bấy giờ... Hiện nay bức họa đó vẫn còn trưng bày trang trọng tại “Viện Bảo Tàng Cố Cung”. Trung Hoa.

Nữ thi sĩ Thái Diễm, theo âm Hán cũng gọi là Sái Diễm. Tự là Văn Cơ. Bà sinh ra trong một gia đình tương đối khá giả và khoa bảng. Cha của bà là ông Thái Ung, ông là một văn sĩ kiêm sử gia, ông có ra làm quan ở vào thời Đông Hán. Ông nổi tiếng chính trực, liêm khiết cũng như rất uyên thâm bác học, như: Thông hiểu thiên văn, địa lý, số học, và âm luật.

Bởi có một người cha tài giỏi như vậy, nên nữ sĩ Thái Diểm khi mới có tám tuổi đầu đã giỏi thơ văn, thông âm luật, đặc biệt là bà có một trí nhớ rất tuyệt vời. Thái Diễm lấy chồng năm vừa tròn mười sáu tuổi. Chồng của bà là một danh sĩ nổi tiếng thuộc dòng tộc lớn và giàu có ở Hà Đông, tên là (Vệ Trọng Đạo). Hai vợ chồng bà sống với nhau rất hạnh phúc, nhưng thời gian hạnh phúc đó không được bao lâu thì chồng bà bị một chứng bệnh hiểm nghèo mà qua đời. Bởi vì bà chưa có con nên bên nhà chồng trả bà về lại nhà cha mẹ ruột của bà.

Sau khi “Văn Cơ Quy Hán” một thời gian, gia đình nhận thấy không thể để bà trơ trọi một mình nên đã nài ép nữ thi sĩ kết hôn với một người cùng huyện để yên bề gia thất. Người chồng đó của bà tên là (Đổng Tự). Đổng Tự cũng thuộc dòng họ danh giá… Bà chấp nhận và cuộc tình duyên và cuộc tình duyên đó cũng đã đem lại cho bà hạnh phúc sau nầy… Như vậy trước sau - nữ thi sĩ Thái Diễm đã trải qua ba đời chồng. Đồng Tự đảm nhận một chức quan dưới triều Tào Tháo, nhưng ông bị phạm phải một tội (…?). Bà Thái Diễm lại một phen đứng ra “biện luận” để xin Tào Tháo tha tội cho chồng của bà.

Cha của bà Thái Diễm khi còn sống ông đã lưu giữ trên bốn ngàn cuốn sách quý. Do thiên tai và chiến tranh liên miên nên sự bảo quản số sách không được trọn vẹn. Trước khi tha cho chồng của bà. Tào Tháo có nhắc tới số sách đó và hỏi bà có còn nhớ không. (Nguyên do tào Tháo hỏi là vì ông đã biết thuở còn bé bà Thái Diễm có một trí nhớ tuyệt vời). Thuở bé, có một lần cha của bà làm thất lạc một cuốn sách, may là bà có đọc qua rồi nhớ tường tận. Bà viết lại không sai sót một chữ, và đem giao cho cha của bà. Nay được Tào Tháo nhắc tới, bà liền chấp nhận và rồi xin giấy bút viết lại; bà viết lại được bốn trăm thiên của số sách còn lưu giữ trong nhà của bà. Tào Tháo vô cùng mừng rỡ và cảm kích tài năng hiếm có của bà. Ông chẳng những tha tội cho chồng bà (Đổng Tự) mà còn ban thưởng cho bà rất hậu hĩnh

Tác phẩm của nữ thi sĩ hiện nay chỉ còn áng thơ: “Thơ Bi Phẫn” Và một thiên “Hồ Già Thập bát Phách” (Mười tám điệu phách của người Hồ). Bà là nữ thi sĩ duy nhất làm thơ TỰ SỰ kết hợp với TÌNH TỰ rất nổi tiếng từ xưa cho tới nay. Biết rằng nội dung trong tác phẩm chỉ diễn đạt về nỗi truân chuyên cá nhân bà Thái Diễm. Tuy nhiên, áng thơ và âm nhạc của bà gắn liền với những biến cố tang thương của một giai đoạn lịch sử trọng đại. Đó là sự suy tàn của nhà Hán, dẫn tới chiến tranh tranh giành quyền lực của các thế lực cát cứ nổi lên khắp đất nước để rồi cuối cùng chia ba chân vạt mà lịch sử gọi là thời “Tam Quốc”. Về mặt văn học, thơ văn của nữ thi sĩ Thái Diễm thâm thúy và ảnh hưởng trong dân gian cũng như giới cầm bút hơn cả Thào Thực.

Cá nhân tôi có ảnh hưởng cách làm thơ tự sự pha lẫn tình cảm của nữ thi sĩ Thái Diễm. Tôi rất thích một số bài ca trong “Hồ Già Thập Bát Phách”. Tôi không rành nhiều về Hán Ngữ. Tôi chỉ mượn ý trong bài ca của nữ sĩ để chuyển vài ba phách qua thơ Lục Bát - nhằm nói lên nỗi đau chiến tranh dai dẳng ở miền Nam Việt Nam trong suốt hai mươi mốt năm ròng rã để rồi đành phải “lưu vọng” nơi xứ người… Tình cảnh đó, cũng không khác gì tình cảnh của nữ thi sĩ Thái Diễm đã trải qua từ thời xa xưa nơi chính quê hương của bà và ở nơi xứ rợ Hồ.


Trong hai mươi mốt năm chiến tranh tại miền Nam Việt Nam, những người phụ nữ miền Nam (vùng chiến địa) cũng đã chịu không biết bao cảnh tang thương - mất chồng, mất con, mất cha mẹ, mất anh chị em... Và cũng có các nữ thi văn sĩ tài danh đã để lại những tác phẩm thơ văn thấm đẫm nước mắt, như: “Giải Khăn Sô Cho Huế” của nữ văn sĩ (Nhã Ca) và “Ngày Mai Đi Nhận Xác Chồng” của nữ thi sĩ (Lê Thị Ý).
Ngày mai đi nhận xác chồng
Say đi để thấy mình không là mình
Say đi cho rõ người tình
Cuồng si độ ấy hiển linh bây giờ”
Hoặc:
Mùi hương cứ tưởng hơi chồng,
Nghĩa trang mà ngỡ như phòng riêng ta”


Và bài thơ thấm đẫm tình yêu trong thời chiến chinh của nữ Thi sĩ Cao Thị Vạn Gỉa

Khúc Ly Ðình

Tiễn chân anh tận phi trường
Lỗi đi. Lỗi ở.
Mười phương lỗi về.
Mù sương phi cảng não nề
Thôi anh ở lại buồn về em mang
Tiễn anh một chén rượu tàn
Một bàn tay nắm
Một hàng lệ mau
Cuộc cờ thế sự binh đao
Phút giây tái ngộ ngàn sau biết còn!
Một em trong cảnh hao mòn
Một anh đất khách nhớ tròn tháng năm
Trời Tây rẽ bước âm thầm
Ngàn năm mỏi cánh chim bằng tha hương.

Cao Thị Vạn Giả


Nữ sĩ Thái Diễm tuy hồng nhan bạc phận, bị lưu đày nơi xứ người, nhưng sự nghiệp văn chương của bà dưới thời Kiến An, các tác phẩm của bà đều được trọng dụng, lưu truyền cho tới tận ngày hôm nay mà không bị bất cứ triều đại đương thời cũng như nối tiếp cấm cản hay thiêu đốt hoặc gán cho cái tội là tác phẩm thuộc loại “văn hóa đồi trụy”.
(May mắn cho nữ sĩ Thái Diễm là không sinh ở vào thời Tần Thủy Hoàng).

Thương thay!
Từ ngày miền Nam sung sướng được “giải phóng”, các tác phẩm văn học nghệ thuật miền Nam, từ: Văn, Thơ, Nhạc, Họa, Điêu khắc, Cải lương… đều được (bên thắng cuộc) thưởng cho cái tội “văn hóa Mỹ Ngụy đồi trụy phản động”. Tất cả phải đem đi tiêu huỷ để tránh gây nguy hiểm cho (xã hội mới)... Còn các tác giả thì cũng được thưởng cho cái tội “biệt kích văn nghệ”. Tất cả phải đi vô tù “cải tạo” trong nhiều năm và trong số họ có người bỏ thây nơi rừng thiêng nước độc. Số sống sót trở về thì cũng phải chịu lưu vong hoặc im hơi lặng tiếng để tồn tại.

NHỚ NÀNG THÁI DIỄM

Trang Y Hạ – Chuyển ý ba phách ca của nữ sĩ Thái Diễm trong mười tám phách qua thơ lục bát:


PHÁCH TỨ TƯ
Không nhà - không cả thời gian
Ngậm hơi để sống thở than ai giờ
Tai trời, ách nước tiêu sơ
Đất Hồ lây lất đợi chờ bao lâu
Phong tục lạ lẫm đeo sầu
Bất đồng tâm ý đêm thâu một mình
Nhớ về cố thổ lặng thinh
Bốn dây phách dội vô hình thê lương.


PHÁCH THỨ NĂM
Nhạn về nam - nhắn biên cương
Nhạn về bắc - vọng cố hương cố chờ
Nhạn còn ở chỗ mộng mơ
Nhớ thương đứt ruột bơ vơ tội tình
Cầm đàn trăng rọi vô minh
Phách năm chao động cái hình hài sâu.

PHÁCH THỨ TÁM
Biết rằng phật ngự trên cao
Hiểu cho từng cảnh lao đao quê người
Dẫu cho tường tận mười mươi
Cũng không vớt trọn tiếng cười trôi sông
Tấm thân khi có khi không
Nghĩa nhân phấn thổ đục trong giữ mình
Ngược xuôi mấy dặm đăng trình
Trong lòng đọng trĩu bóng hình quê xa
Đoạn trường tiếp bước đi qua
Trong yên lặng đã nghiệm ra kiếp người
Phách tám diễn tả bằng lời
Ý lòng ray rứt rối bời con tim!


Trang Y Hạ
San Francisco
(Bài đã lưu trong blogs và gửi đăng báo.
Các bạn hữu sao chép nhớ ghi tên tác giả.
Xin cảm ơn!)






Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét