Thư viện

16/10/21

NHỮNG KHOẢNH KHẮC CHƯA QUÊN

 



NHỮNG KHOẢNH KHẮC CHƯA QUÊN


Trang Y Hạ

Tôi rời Kontum từ ngày mười sáu, tháng ba, năm một nghìn chín trăm bảy mươi lăm trên con đường 7B - từ Cheo reo về Củng Sơn, Tuy Hòa. Và, tôi đã ghi lại trong "Đêm Bên Bờ Sông Ba" nói lên tình cảnh "Di Tản Chiến Thuật" của quân và dân Kontum, Pleiku - đã âm thầm và hỗn loạn rời khỏi Cao Nguyên trong nuối tiếc và bất lực! Máu, mồ hôi và nước mắt đổ xuống trên con đường mòn 7B. Bên dòng sông Krong Pa. Dòng sông chứng kiến cảnh ngậm ngùi chia ly và thất lạc nhau mà cho đến mãi tận bây giờ, những người trong gia đình chạy theo cuộc "di tản" năm xưa đó vẫn chưa tìm được người thân cho một lần đoàn tụ!

Trên đoạn đường gian nan và máu lửa đó. Tôi và một số người dân may mắn thoát vể thành phố Tuy Hòa vào một chiều ngày mười chín tháng ba. Đêm ấy, chúng tôi ở tạm trong nhà một người dân tốt bụng ven Thị Xã. Người chủ nhà là một người đàn ông khoảng năm mươi tuổi vẻ mặt hiền lành. Ông ta rất là bình thản với công việc hằng ngày, không thấy có vẻ gì lo âu hay chuẩn bị di tản như chúng tôi. Ông chuẩn bị cơm nước cho chúng tôi thật chu đáo, và sắp xếp chỗ cho chúng tôi ngủ - dù là ngủ ngoài hiên, vì nhà ông cũng quá nhỏ. Thỉnh thoảng, ông ta thở dài, nói với chúng tôi: "Hòa bình sắp đến rồi, chạy đi đâu cho khổ hở bà con?". Đối với những người phụ nữ và trẻ con thì họ không hiểu lời ông ta nói, nhưng đối với tôi - câu nói của người chủ nhà thật sự làm cho tôi lo lắng! Và suốt đêm đó tôi ngồi chờ trời sáng.
 
  Quốc lộ một, đoạn Tuy Hòa trong những ngày tháng ba người dân và quân đội di tản từ những tỉnh miền ngoài đổ vào Nam – gồm xe quân sự, xe dân sự kể cả người đi bộ chật không còn chỗ chen chân. Ai cũng túm tụm một giỏ hành lý bên người. Khổ nhất là những người phụ nữ! Tay xách nách mang..., con thơ khóc ngằn nghặt bởi khát sữa, mỏi mệt... Nhất là, không khí oi bức của nắng nóng miền Trung. Vậy mới biết dù sống trong cảnh thanh bình người phụ nữ vẫn khổ bởi làm lụng nuôi con, nuôi cha mẹ, thay chồng đi giữ nước. Chiến sự xảy ra... Người phụ nữ càng đau khổ nhọc nhằn gấp hàng trăm lần! Chúng tôi khó khăn lắm mới thuê được chiếc xe "Dahatshu" với cái giá  khá cao để chạy vô Nha Trang. Nhưng người chủ xe ngần ngừ "sợ" không muốn chạy. Ông ta nói: " Vô Nha Trang sợ bị kẹt đường không trở ra được bởi gia đình cũng chuẩn bị xuống ghe nhà, đi di tản". Chúng tôi năn nỉ quá ông mới miễn cưỡng chạy. Vô tới Nha Trang, chúng tôi thấy bến xe đò vẫn còn tấp nập nhưng không hỗn loạn, giá cả có nhích lên chút đỉnh, chẳng qua là khan hiếm xăng dầu chứ thật ra không có cảnh "chặt chém". Người dân Nha Trang cũng rục rịch đi tản như chúng tôi nhưng không có gì gấp gáp.

Đến Phan Thiết, tôi ở tạm nhà bà con mấy hôm, tình hình trong thị xã vẫn còn yên tỉnh, người dân đổ xô ra ngân hàng rút tiền. Tôi lại nghe: tin cộng quân đánh lớn ở ngã ba Bình Tuy, ngã ba Ông Đồn cũng bị Cộng quân chặn. Như vậy đường bộ về Sài Gòn coi như không thể đi được. Người bà con của tôi, họ sống lâu đời tại thị xã Phan Thiết bằng nghề đánh bắt cá nên quen biết nhiều chủ ghe buôn hàng, từ: Sai Gòn - Phan Thiết và ngược lại. Vậy là, một chuyến đi đường biển cho tôi vô Sai Gòn được người bà con sắp xếp cẩn thận. Tôi ăn mặc như người dân đi buôn. Đúng sáu giờ sáng tôi xuống ghe và lênh đênh trên biển, hai ngày sau ghe cập bến Chánh Hưng, quận Tám.

Tôi chạy về nhà xưởng ông anh ở Cầu Tre, trên đường Hương Lộ 14, để báo tin... Sau đó, tôi về trình diện Bộ Nội Vụ. Nơi đây phối trí tôi ra Làng Đại Học Thủ Đức - làm công tác tiếp cư. Làng Đại Học Thủ Đức xây dựng chưa xong, nhiều nơi còn ngổn ngang cát đá... Người chạy loạn các nơi chạy về được "Tổ Tiếp Cư" chúng tôi tiếp nhận cho vào ở trên các tầng lầu, đồng bào tạm cư được phát chiếu, thùng nhựa đựng nước và thực phẩm. Chỗ ăn ở rộng rãi thoáng mát. Nhưng rồi đồng bào chạy loạn đỗ về càng ngày càng đông, thành ra chật chội, ngay cả hành lang, cầu thang cũng chật kín người - nằm ngồi la liệt... Ruồi, muỗi và không khí ô nhiễm bắt đầu tấn công. Toán tiếp cư chỉ lo thực phẩm đã không xuể, còn nhân lực đâu mà tính đến chuyện khác. Hằng ngày, đồng bào - từng giờ lắng nghe đài BBC đưa tin về chiến sự - tất cả tin tức từ đài nầy loan đi đều bi quan: "Nay mất tỉnh nầy, mai mất vùng nọ..."! Một đồn mười, mười đồn trăm, gây một nỗi hoang mang trên từng khuôn mặt mỗi người. Họ lo lắng, họ sợ sệt vì gia đình nào cũng có người thất lạc hoặc bị thương, bị mất tích và chết!

Một buổi chiều ngày 21.4. 1975, mọi người quây quần để theo dõi Tổng Thống Nguyễn văn Thiệu đọc diễn văn từ chức. Họ lắng nghe say sưa, mặt người nào người nấy lộ vẻ đăm chiêu, thở dài... Những đôi mắt nhìn nhau như vô hồn. Khi Tổng Thống đọc bài diễn văn xong. Mọi người thẫn thờ bước đi loanh quanh - mang theo một tâm trạng chán chường, hoang mang. Hình như đồng bào đã linh cảm một cái gì đó ập xuống trên đầu mà không biết lúc nào? Tôi và mọi người còn nghe tin nói rằng: "Sẽ chia đôi miền nam, từ Tuy Hòa trở ra Huế là của Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam. Còn từ Tuy Hòa trở vào là của Việt Nam Cộng Hòa". Do đó, đồng bào bằng mọi giá phải theo Quốc Gia vô địa phận Nha Trang cho chắc chắn. Dù bằng đường bộ hay đường biển cũng phải chạy.

Thế rồi, Cộng quân tràn vô Sai Gòn! Sáng ngày 30.4.1975, đồng bào chạy loạn tại Làng đại học Thủ Đức kéo nhau vô Sai Gòn tìm xe về quê. Còn người trong nội ô Sai Gòn thì ùn ùn kéo nhau đổ trở ra. Một cảnh kẹt xe khủng khiếp ngay tại ngã tư Hàng Sanh. Tại quân cảng - cầu Tân Cảng, (sau 1975, gọi là cầu Sai Gon) kho gạo và thực phẩm khô tại đây bị phá, mặc cho mọi người hôi của. Tuy nhiên, chẳng tìm đâu ra được một nụ cười trên môi. Mấy ông cách-mạng-ba-mươi, trên tay đeo băng đỏ - mặt mày "lên đời, rất ư là nghiêm nghị, miệng luôn quát tháo..."!
 
Tôi trở về nhà ông anh, thân xác mệt mỏi lẫn chán nản, không biết số phận của mình trong những ngày sắp tới sẽ ra sao. Ngoài đường người ta treo cờ "Mặt trận giải phóng, cờ đỏ sao vàng" còn các thanh niên cũng tự tìm việc gì đó để làm, nhằm bày tỏ "tấm lòng tha thiết" đối với cách mạng. Trong nhà ai có đồ đạc quần áo dính líu đến Mỹ Ngụy như: Sách vở, muỗng inox, đồ lính trận... tất cả đều đem ra đường bỏ hoặc giấu kỹ. (một số dụng cụ inox có khắc chữ VNCH). Các cô gái, lo cắt cụt hết các móng tay vì nghe đâu cách mạng vô sẽ rút móng, nếu cô nào còn để móng tay dài, mỹ phẩm son phấn cũng đem ra đường vứt bỏ. Tin khủng khiếp là ép gả các cô gái cho thương binh cách mạng! Những người làm việc cho "chế độ " thì phập phồng lo sợ! Hễ nghe ở đâu đó có "cán bộ cách mạng" họp dân... Dù không ai mời, cũng lăn xăn chạy đến nghe ngóng "chính sách khoan hồng của cách mạng" như thế nào? Để biết số phận của mình được định đoạt ra sao? Nhà cửa có bị tịch thu không? Đi lâu hay mau? Hàng trăm câu hỏi đặt ra mà không ai biết để trả lời. Chỉ đoán già, đoán non... ! Thời gian cứ lấp lửng chầm chậm trôi qua trên những khuôn mặt lo lắng...

Tại Tổng Y Viện Cộng Hòa, những anh chị em Thương Bệnh Binh được "ưu ái mời ra đường", dù trên người mang lỉnh kỉnh dây truyền dịch, bông băng... Tất cả bò lê, bò lết tìm đường về quê. Ai không có quê, không có người thân thì lang thang trông chờ người hảo tâm... Nhưng trong bối cảnh "hỗn quân, hỗn quan" nầy ai cũng lo cho bản thân và gia đình. Tấm lòng nhân ái không phải không có. Mọi người chỉ giúp đỡ trong khoảnh khắc nào thôi. Tất cả vô nhà Thờ, nhà Chùa để tạm sống. Không riêng gì tại Tổng Y Viện Cộng Hòa ở Sai Gòn mà có lẽ hầu hết các Quân Y Viện trên toàn miền Nam đều cùng chung một số phận như vậy!

Tôi đến trình diện "Ủy Ban Quân Quản" tại tỉnh Hành Chánh Gia Định. "Chính quyền cách mạng" tại đây cấp cho tôi miếng giấy to cỡ bẳng bốn ngón tay, có chữ ký của ông Cao Đăng Chiếm. Người cấp giấy nói: "...về nhà chờ gọi đi "học tập... !". Nhìn những người Bộ đội ở trần, đầu đội nón cối nấu ăn phía sau tòa nhà hành chánh. Họ nói cười vui vẻ! Thật đúng là một ngày "Hòa Bình Thống Nhất" của họ! Trong lòng tôi không thấy thống nhất? Hoàn toàn xa lạ và hụt hẫng, mất mác! Những khuôn mặt người lính chúng tôi cũng như người dân - thất thần, hoảng sợ - bước nhanh qua đường như chạy trốn - chạy trốn nơi đâu mới được chứ?

Ông anh tôi làm kỹ thuật cơ khí cho xưởng "Nhựa Bao Bì" ở cầu Tre. (Hương Lộ 14). Ông chủ xưởng là người Hoa, cũng là anh em kết-nghĩa với ông anh của tôi. Ông chủ lấy vợ Việt, người Cần Thơ hay An Giang…? Vợ chồng ông ở với nhau lâu ngày mà không có con. Gia đình bên vợ ông ở dưới quê khó khăn và mất an ninh nên trai gái đều dồn hết lên làm công nhân trong xưởng nhựa. Trong số đó có cô em vợ của ông rất xinh. Gia đình cố ý dàn xếp cho cô nầy làm vợ ông chủ (hai chị em lấy chung một chồng), sinh được hai trai, hai gái. Cô nầy có người anh trai tên Hóa, dáng người to lớn, vẻ mặt hiền, tính tình vui vẻ dễ bắt chuyện. Anh ta giữ chức vụ điều hành công nhân trong một phân xưởng. Công nhân đa phần người Việt.

Hồi còn ở Kontum. Hàng tháng vào ngày hai mươi mốt tây, mỗi tháng, tôi ôm hồ sơ lương về Sai Gòn nộp và nhận chi phiếu tại Tổng Nha Tài chánh trên đường Nguyễn Huệ. Sau đó, đem về Ngân Khố tỉnh KonTum, lãnh tiền phát lương cho đơn vị. Thời gian đi về theo Sự-Vụ-Lệnh là bảy ngày, đi bằng đường Hàng Không Dân Sự, đôi khi cũng đi bằng máy bay quân sự: C 47, Caribu. Công việc tài chánh nhanh thì khoảng chừng ba ngày là xong, thời gian còn lại tôi đi chơi hoặc vô Thư Viện...
 
Vợ chồng ông anh tôi và những người ở dưới quê lên làm công đều ăn ở tại xưởng. Mỗi lần tôi về Sai Gòn, tôi đều ở nhà anh chị trong xưởng. Tối đến, tôi thường uống bia với anh Hóa, hoặc đánh cờ tướng với anh Sồi Chảy. Anh Sồi Chảy là người Hoa, anh ấy rất ghét ông Tổng Thống Thiệu (có lẽ vì xu hướng hay cảm tính...?). Cuộc biểu tình của sinh viên nào anh cũng bỏ công việc đi tham gia - mặc dù anh chẳng phải là sinh viên. Nhưng anh lại có cảm tình với tôi, dù biết tôi là viên chức của chính phủ VNCH. Tôi cũng được ông anh (bỏ nhỏ) : "Đừng có nói nhiều...(?)".

Ngày Cộng quân chiếm Sai Gon, tôi thấy anh Hóa, mặc đồ Bộ đội. Còn anh Sồi Chảy và một số ít anh chị em công nhân trong xưởng nhựa mang băng đỏ suốt ngày chạy ngoài đường. Nào đi đón Bộ đội ở Dinh Độc Lập! Nào mừng lễ ngày lao động một tháng năm! Nào là lo ăn uống cho gần mười anh Bộ đội miền Bắc đang ở trong xưởng. Nhìn chung cái xưởng giống y như là "cơ sở cách mạng" đã có từ lâu nay, bây giờ mới đường hoàng lộ diện (tôi nghĩ vậy). Đối với tôi, "họ" vẫn vui vẻ như ngày nào, nhưng hình như có cái gì đó, lạ... lạ,... Ngăn cách mà cũng như không ngăn cách...

Xưởng nhựa vẫn hoạt động cầm chừng, công nhân tự động về quê chỉ còn lại khoảng mươi người - toàn người trong gia đình. Ông chủ suốt ngày uống rượu, trông ông tiều tụy, chán nản. Bà chủ nhỏ cùng anh trung úy bộ đội trẻ "quản lý" công việc...

Ông anh tôi, phụ trách về kỹ thuật nên ông được lệnh cho chạy máy làm việc. Xưởng hoạt động cầm chừng, rỗi rảnh, anh tôi ngồi uống bia cùng với mấy ông bộ đội miền Bắc. Đôi khi tôi cũng tham dự và nghe các ông ấy nói:

"Ngoài miền Bắc chúng tôi đã tiến nên chủ nghĩa xã hội. Được sự giúp đỡ vô cùng to lớn của ông Liên xô, ông Trung Quốc... Do đó, người dân miền Bắc chúng tôi - đời sống - nói chung - rất "nà" sung sướng!".

Chúng tôi chỉ biết nghe, và nghe, chẳng hiểu "chủ nghĩa xã hội" là cái chủ nghĩa -chi chi - mà sao sung sướng quá vậy...?

Những tòa nhà chính phủ VNCH, những nhà dân bỏ đi "di tản" - Bộ đội chiếm đóng, các ông đập hết các cánh cửa gỗ, lấy củi nấu ăn khói bay mù trời... Chúng tôi để ý thấy mấy ổng không bao giờ đi lẻ tẻ, lúc nào đi cũng ba bốn người với nhau. Trẻ nhỏ bu quanh xem các chú bộ đội đông nghịt. Tôi thấy có người đàn ông già nua lật tìm trong những đống sách vứt bỏ ngoài đường, và gom lại - đem đi? Tôi cũng thấy có người mẹ già nua gom giày, quần áo của lính - đem đi? Tôi cũng thấy có người chị gom những tấm hình các loại còn rất đẹp - đem đi? Tôi cũng thấy có người đưa quan tài ra Nghĩa Trang hay đi đâu không biết nữa...!

Tôi đi tù, hay còn gọi là đi "học tập cải tạo" trở về! Thời gian bảy năm trôi qua kể ra cũng quá lâu! Những đổi thay bên ngoài như: Đổi tiền, đánh tư sản, kinh tế mới, vượt biên, và nhất là tin "chiến tranh biên giới Việt Trung, năm 1979" chúng tôi hoàn toàn không hay biết. Có biết chăng chỉ nghe loáng thoáng qua sự rỉ tai của một số anh em "cải tạo viên" nhạy bén bắt được thông tin của người thân trong lúc thăm nuôi. Dù tam sao thất bổn, nhưng cũng rất là: quí báu. Ngày còn ở trong trại , khi được "thăm nuôi". Tôi nghe mẹ, nói - “Anh tôi vẫn còn làm việc trong xưởng nhựa như cũ. Xưởng không bị tịch thu trong lần đánh "tư sản mại bản, công thương nghiệp". Tôi nghe mẹ nói, nhưng không hình dung “đánh tư sản” là đánh ra sao, đánh như thế nào?

Ngày tôi thả khỏi trại tù, tôi rất háo hức đi vô Sai Gòn thăm vợ chồng anh chị, các cháu, và những nơi tôi đã từng đi qua - những nơi hò hẹn tình yêu, bạn hữu... Nhưng khổ nỗi không có tiền đi xe, quần áo cũng không có. Suốt tuần ở trong rẫy - cưa củi, đốt than, xẻ gỗ bán. May ra cũng chỉ đủ ăn mà thôi. Một phần còn bị quản chế. Chiều thứ bảy, thồ nông sản hay than củi về nhà, sáng chúa nhật đi dự lễ nhà Thờ. Sáng thứ lại phải vào rừng. Ngày ngày, cứ nối đuôi nhau cuốn hút trôi đi không thể tách ra được.

Rồi dịp may cũng đến! Cha Carat chính xứ họ đạo Diên Bình của tôi ngày xưa. Năm 1972, mất quận DakTo, Cha Carat dẫn người dân, chạy từ Tân Cảnh, Diên Bình đi về thị xã KonTum. Cha bị Cộng quân chặn bắt ở khúc cua làng Kon Hơnong. Cha được trả về Pháp sau năm 1975. Từ bên Pháp, Cha gởi cho một ký thuốc Tây (ba tháng cho một lần, mỗi lần một ký). Anh em cúng tôi, ai có gia đình cũng nhận được quà của Cha, kể cả mẹ tôi. Vậy là gia đình tôi được nhà cầm quyền xã xếp vô "diện có thân nhân ở nước ngoài", hơn nữa là dân Thiên Chúa Giáo, nên xã "quản lý" đặc biệt. Mỗi khi thấy ông bưu tín viên, đem giấy báo nhận quà đến nhà - cả nhà ai cũng mừng rỡ! phải lo tiền "làm quà" cho ông ấy, và cảm ơn rối rít...!
Sau ngày 30.4.1975, tất cả xe đò đều chuyển qua chạy than, thứ than củi người dân đốt đem ra bán, trong đó có tôi. Xe nào cũng đeo phía sau cái thùng than thật to. Than được đốt lên để làm sức đẩy cho xe chạy thay cho xăng dầu, kiểu như xe lửa chạy bằng hơi nước ở vào đầu thế kỷ thứ 19 vậy. Anh lơ xe lúc nào cũng ngồi gần bên thùng than – anh ta vừa đón khách, vừa thu tiền, vừa "chăm sóc" thùng than. Xe trèo dốc, hơi yếu lửa là anh ta lấy cục canh bánh xe, gõ... gõ... mạnh vào thùng than. Hành khách ngồi trên xe mặt mày, quần áo dính đầy bụi than. Chúng tôi ở Căn Cứ, phải đón xe lên Long Khánh. Từ Long Khánh muốn đi "thành phố Hồ Chí Minh" cũng phải xếp hàng mua vé. Vé ưu tiên cho: "Bộ đội, gia đình có công với cách mạng, cán bộ đi công tác”, được ưu tiên mua vé trước. Cuối cùng mới đến người dân - mua được vài người là hết vé! Lại phải chờ chuyến sau!

Nhận được ký thuốc Tây, phải đi vô "thành phố Hồ Chí Minh" bán, đi về mất hai ngày công. Nhà nước quy định số quà "Việt Kiều" gởi cho thân nhân ở trong nước - khoảng - năm đến bảy ký gì đó? Tôi không nhớ rõ cho lắm. Quá số ký ấn định sẽ bị phạt nặng hoặc bị nhà nước tịch thu. Một lần tôi thấy anh cán bộ Bưu Điện có vẻ vui vui! Tôi bạo miệng nói: Dạ thưa anh cán bộ! Ở trong tù “cải tạo”, tôi được nghe cán bộ chính trị trại nói "Tụi đế quốc Mỹ tàn ác, xâm lăng, đi chiếm đất khắp thế giới, trong đó có Việt Nam chúng ta... Nhưng đồ dùng của nó tốt lắm. Như vậy, thì tại sao nhà nước hạn chế nhận quà?” Anh cán bộ bưu điện vui vẻ nói "Chính vì, nó... quá tốt ! mới hạn chế! Nhà nước ta là nhà nước - “Đỉnh Cao Trí Tuệ” của nhân loại, đã thấy được điều đó. Nếu không hạn chế, dân chúng sẽ ỷ lại tiền quà của bọn đế quốc mà không chịu - tiến nhanh, tiến mạnh, tiến vững chắc lên Chủ nghĩa xã hội. Ở Liên xô, Trung Quốc, Đông Âu, kể cả miền Bắc nước ta họ đã lên... hết rồi! Còn miền Nam chúng ta đi trước lại về sau - thật buồn! Trong cuộc chiến tranh chống đế quốc Mỹ, Nhân dân ta chỉ có: giáo, mác, tầm vông đã đâm cho bọn Mỹ rớt toàn bộ B - 52, Thần sấm, Con ma, Cánh xập cánh xòe...". Cán bộ nói chuyện vui quá! "Đúng như thế đấy chứ! Bằng chứng là đế quốc Mỹ cuốn cờ chạy trối chết về nước, còn bọn ngụy bán nước như các anh được cách mạng khoan hồng, không giết - cho đi học tập cải tạo. Các anh phải đời đời biết ơn...".

Tôi thầm nghĩ - anh cán bộ bưu điện nầy rất là thuộc bài vở. Vậy mà, tại sao ổng lại làm việc ở ngành phát thư nầy không biết?

Tôi cùng gia đình đứa em gái thứ bảy, nhận quà cùng một đợt. Tôi rủ người em rể xuống xã xin "giấy phép tạm vắng" ngày hôm trước, để sáng hôm sau đón xe đò đi thật sớm cho kịp giờ đứng xếp hàng ở bến xe Long Khánh chờ mua vé. Chúng tôi đem bán thuốc tây ở trên đường Hai Bà Trưng, gần nhà thờ Tân Định. Thuốc còn hạn xử dụng thì có giá. Thuốc hết hạn xử dụng "Nhà thuốc" vẫn mua, nhưng giá mua chỉ còn phân nửa. Trung bình mỗi lần bán ký thuốc cũng kiếm được từ - tám trăm đến một ngàn hai trăm đồng là quá mức. Nói thật lòng, cũng nhờ món quà từ ông Cha Carat mà gia đình tôi thoát qua cơn khốn khổ một thời gian dài.


Tôi ghé thăm ông anh. Anh em ôm nhau bồi hồi xúc động. Gia đình ông anh không còn ở trong xưởng như trước, nay đã mua nhà ở bên quận Tám. Tôi trở lại Sài Gòn sau hơn bảy năm xa vắng. Tôi như người từ cung trăng mới xuống... Cái gì cũng "lạ !" - lạ nhất là đường phố có nhiều xe đạp. Ông anh tôi đạp xe hằng ngày từ đường Hưng Phú quận Tám qua Cầu Tre Hương Lộ 14 để làm việc. Nhìn chỗ nào cũng thấy vựa cây, củi, thang tre, tiệm mộc.. Nhà ở cũng làm bằng gỗ, gác gỗ. Nấu nướng bằng củi. Đường phố nào cũng thấy "tiệm mộc" và sản phẩm mộc bày bán nhan nhản lấn ra cả ngoài đường.

Bữa cơm tối gia đình được dọn ra. Nhìn vô mâm cơm đặt dưới nền xi măng. Tôi thấy có tô canh cá lóc. Hình như hiểu cái nhìn của tôi, chị dâu tôi buộc miệng nói: "Hôm nay, anh chị đãi chú mà! Anh chị vẫn còn nhớ chú thích món canh chua cá lóc ! "Bảy năm rồi phải không chị? Tôi nói trong sự xúc động đến nghẹn lời! Em cảm ơn anh chị đã không quên thằng em khốn khổ nầy”. Anh tôi nói nhỏ gì đó, vào tai đứa con gái út. Nó mới mười hai tuổi đầu. Con bé bỏ cái "bi đông" vô trong cái giỏ đi chợ, xăng xái xách giỏ đi đâu đó...? Chừng hai mươi phút trở về - đi thẳng ra sau bếp. Anh tôi nói “Hồi chiều anh đã "đăng ký tạm trú, tạm vắng" cho chú rồi đó! Chú đừng có sợ!". Anh tôi vừa nói vừa đổ bi đông rượu vô cái ấm bằng đất có vòi và đậy nắp lại. Anh quay ra đóng cửa chính, kéo màn cửa sổ. Anh nói tiếp "Anh được ưu tiên làm lại xưởng cũ nhưng xưởng bây giờ là "Công Tư Hợp Doanh" do nhà nước quản lý. Lương, khi có khi không! Đôi khi họ trả lương bằng thực phẩm, hay sản phẩm của mình làm ra rồi tự đem đi bán lấy tiền. Lời ăn lỗ thì chịu. Không như ngày xưa đâu, khổ sở lắm! Vợ chồng anh chị biết chú ở trong tù rất cực "Nhứt nhựt tại tù, thiên thu tại ngoại" mà! Nhưng những người ở ngoài "xã hội mới..." cũng không sướng hơn bao nhiêu đâu. Cũng "lao động là vinh quang"; cũng ăn mì lác, bo bo, cũng họp tổ dân phố, cũng bình bầu người tốt, việc tốt...". Ôi, thôi đủ thứ chuyện trên đời. Ban đêm giấc ngủ cũng chẳng yên! Mấy ổng - Công an khu vực muốn xét "hộ khẩu" lúc nào thì xét. Gõ cửa ầm ầm cả xóm đều thức. Có điều trái ngược là - ai cũng gắng tập: "nói gian, nói dối" để luồn lách kiếm miếng cơm sống qua ngày. Tập nói gian, nói dối riết đâm ra... chẳng biết mắc cỡ hay xấu hổ gì ráo, cứ "vô tư" vui vẻ mà nói, thậm chí với cha mẹ, vợ con, bạn bè cũng nói dối tuốt luốt”!

Anh tôi, lấy ra ba cái chén đất rót ra ba chén rượu. Anh bưng một chén đặt trên bàn thờ..., rượu màu nâu nhạt, khói nhang quyện lung linh đầm ấm. Anh nói "Rượu Cây-Lý đó chú! Thứ rượu nầy ngày xưa chưa từng biết để uống. Bây giờ quý như vàng! Và uống cũng phải "trùm mền" mà uống chứ không dám uống công khai!". Hai anh em cụng chén! Tôi run run bưng chén rượu uống một hơi hết sạch! Bất chợt hai hàng nước mắt chảy dài... Đứa cháu gái đi mua rượu hồi nãy thấy vậy vội buông đũa nhào lại ôm tôi khóc rấm rức...Không biết đứa cháu gái khóc thương cho cuộc đời của chú nó, hay khóc vì sợ tôi uống thứ rượu "Cây Lý" không được? Hồi tôi đi "cải tạo", cô bé mới năm tuổi, đâu có biết gì! Đêm đó chị dâu tôi giăng mùng cho hai anh em tôi nằm ngủ dưới cái nền xi măng.

Ngày hôm sau hai anh em tôi chở nhau trên chiếc xe đạp đến xưởng làm - cái xưởng mà ngày xưa mỗi lần đi công tác về sai Gòn, tôi thường ở lại chơi cùng anh chị và các cháu vài ba bữa. Tôi gặp lại anh Hóa tại xưởng. Anh sững sờ, lọng cọng rơi cái "cờ lê" trên tay xuống đất. Tôi nghĩ chắc anh không ngờ tôi còn sống từ trại tù "cải tạo" trở về. Trông anh có vẻ bơ phờ, vợ anh cũng chạy ra đon đả... Anh cho biết bốn đứa con anh, hai đứa lớn nghỉ học ở nhà trông em và phụ giúp việc nhà. Vợ chồng anh cũng mua được căn nhà nhỏ trong hẻm. Tôi không nhắc lại chuyện ngày , (chuyện anh làm cách mạng), nhưng anh thở dài, tự nói "Đất guộng nhà cửa của mình ở dưới quê, không "theo" cũng không được. Mấy năm dzô "tập đoàn, tập thể"! Dzồi cũng trắng tay " !

Hôm sau, anh Hóa xin nghỉ một ngày dẫn tôi đi xem phim ở trên đường "Châu văn Liêm", (trước là đường Tổng Đốc Phương). Tôi thấy người ta xếp hàng rồng rắn để mua vé. Đứng đợi gần một giờ mới mua được! Tôi đâu còn tâm trí để xem phim Liên Xô, ở trong tù coi tập thể trên truyền hình cũng đã chán lắm rồi! Chẳng qua đi để cho anh vui lòng. (Hình như anh cũng chẳng chú ý đến phim). Tự dưng anh nói: "Bây giờ mà VNCH quay trở lại thì mấy tay Việt Cọng không biết trốn vào đâu? Rừng bây giờ phá sạch hết...". Giọng anh nói oang...oang...! Tôi sợ điếng người, lấy tay đập vào đùi anh mà nói: Tui đi tù mới về, đừng nói lung tung - ngán lắm! Anh cười nói: "Sợ gì mà sợ, ai cũng biết dzậy mà! Sự thật vẫn là sự thật mà!".
Tôi hỏi anh về Sồi Chảy hiện giờ ở đâu? Anh cho biết: "Hắn ngày xưa ghét ông Thiệu lắm. Không biết tại sao nữa? Cha mẹ hắn cũng khá, có tiệm buôn bán ở trên đường Lục Tỉnh. Hắn nghe ai xúi...? Chứ tôi không khi nào "móc nối" hắn. Tính hắn như ruột để ngoài da, ai mà dám bàn chuyện chính trị với hắn. Khi bộ đội miền Bắc chiếm Sài Gòn, hắn nhào ra lập công, tay đeo băng đỏ - đem tài lực ra đón Cách Mạng. Chừng hai tháng sau tôi nghe tin hắn nằm ở Bệnh Viện Quảng Đông. Mặt mày sưng húp, còn cái mỏ sưng chù vù, rụng mấy cái răng cửa ...?! Gặng hỏi năm lần, bảy lượt... Hắn chẳng chịu nói lý do tại sao ra nông nổi? Sau đó hắn vượt biên cùng với gia đình! Hiện nay hắn có vợ, có con và sống ở Canada. Thỉnh thoảng hắn có gởi về một trăm đô la cho anh em cũ trong xưởng "liên hoan" một bữa... Kể ra tính tình của hắn xốc nổi, bộc trực - nhưng cũng còn có chút tình cảm đối với anh em. Khối thằng hiện nay "tự dưng giàu sụ"... Ăn trên ngồi trước mà có thèm nghĩ đến ai đâu...!".

Anh Hóa có còn nhớ anh Sĩ - mần thợ hồ không? Tôi hỏi? "Tôi nhớ chứ! Anh ấy là người có học; bụng đầy chữ nhưng không may, không phùng thời mới đi mần thợ hồ. Chứ hồi đó mà may mắn, phùng thời chắc bây giờ cũng đi !” (cười) ! Anh ấy về Hồng Ngự mần guộng, nghe đâu cũng tạm đủ sống, đứa con trai đầu, học rất giỏi.
Năm 1973, tôi được đại diện đơn vị tỉnh KonTum, đi về Thủ Đô Sai Gòn dự đợt "Chiến Sĩ Xuất Sắc". Mấy thằng bạn nói: “Tao nghe trong Dinh Độc Lập có tấm thảm dày bốn phân, trải trên thềm lối đi vào Dinh... Mầy bỏ trong túi một cây ghim hồ sơ - khi vào đó, mầy ghim xuống thử có đúng là dày như vậy không nha? Lúc ngồi trước thềm Dinh Độc Lập để chờ Tổng Thống Thiệu đến, tôi lén rút cây kim giấy ghim trong túi áo (Cây ghim dài 2,5 phân) ấn xuống tấm thảm. Cây kim không đủ dài, tôi rút cây kim giấu vô túi. Đến khi gặp Tổng Thống, nghe Tổng Thống nói chuyện và sau đó là dự tiệc thân mật - nhận quà! Tôi nhận được một cây viết máy có khắc câu : "Tổng Thống Nguyễn văn Thiệu Thân Tặng" cùng một số tặng phẩm khác khi đi thăm xí nghiệp dệt - Vinatexco; Bưu Điện Sai Gòn, một vài Restaurant trên đường Đồng Khánh, Tản Đà và các nơi khác...

Cây viết có chữ đề tặng của Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu, tôi tặng lại cho anh Sĩ. Người trí thức đi mần thợ hồ nuôi con. Anh mừng và hãnh diện... Sau ngày mất Sai Gon, anh vẫn giữ và mang về quê. Sau nầy tôi có gặp đứa con đầu của anh ấy trong một bữa giỗ. Hiện nay cháu nó đang hành nghề Bác Sĩ. Nó nói "Chú ơi, cây viết đó con giấu kỹ lắm! Nhưng qua mấy lần dời nhà, cây viết, đó... "hư" rồi! Nhưng con không bao giờ quên hình dáng cây viết ngày xưa chú đã tặng cho Ba con". Tôi nói “Vật có thể hư, nhưng hình ảnh và kỷ niệm in vào trong tâm lòng không... bị hư mới thật là đáng quý gấp vạn lần đó cháu! Chú cảm ơn cháu còn nhớ cây viết ấy”!

Tôi muốn tự mình đi vòng vòng thăm lại những nơi mà ngày xưa đã từng đi qua... Anh tôi chạy mượn ở đâu đó cho tôi một chiếc xe đạp đầm. Tôi đạp xe ra bến đò La-Kay, bến phía bên quận Tám là vựa bán cây bạch đàn, tầm vông, lá dừa nước chằm lợp nhà... Qua đò ngang, sang bên quận Năm, đầu đường Nguyễn Tri Phương là vựa bán cây, củi các loại rất lớn. Lòng con kênh Tàu Hủ cạn đáy, dòng nước đen ngòm. Tôi chạy một vòng qua Đại Thế Giới, Hào Huê, quay trở lại Đồng Khánh - Trần Hưng Đạo. Tôi chạy đến Nhà Ga Hàng Không Việt Nam cũ nơi đầu đường Phạm Ngũ Lão, gần bùng binh chợ Bến Thành. Ngày trước từ Kontum tôi công tác về Sai Gòn, xuống phi trường Tân Sơn Nhứt là có xe của hãng Hàng Không Việt Nam đưa về đây, và mua vé cũng tại đây. Mỗi lần về Sai Gòn ông anh tôi chạy xe Suzuki ra đón, trên đường về hai anh em tôi hay ghé đường Lục Tỉnh ăn lẩu cá. Hay chạy tuốt qua bên chợ cá Trần Quốc Toản, trên đường Trần Quốc Toản, ăn cháo trắng với hột vịt muối.

Tôi bồi hồi nhớ lại cô bạn gái "Tìm bạn Bốn Phương", ngày nào, nàng ngơ ngác trước ga Hàng Không Việt Nam để tìm "ký hiệu" nhận ra nhau trong lần gặp gỡ đầu tiên... Ngày xưa, tôi công tác tại DakTo, trên đường tỉnh lộ 512, qua khỏi dốc làng Dakmot, bên tay trái có cái làng Thượng - tên dài thòng - Yanglokơram, nằm khoảng giữa làng Dakmot và Ben Hét. Thằng bạn đưa cho tôi tờ báo có mục "Tìm bạn..." và nói: - "Có cô nầy làm ở Phòng Thư Lưu Trữ Bưu Điện Sai Gòn. Mầy viết thư làm quen với cô ấy đi. Cô ấy nói “sẽ trả lời dù thư đến muộn". Sau nầy có dịp vô sai Gòn sẽ có người hướng dẫn...! Thật ra, thời ấy đi Sai Gòn là chuyện trong mơ,  mặc dầu tôi có người dì ruột và ông anh ở đó. Viết thư là viết để tìm chút ấm áp, nơi "Em gái hậu phương, còn anh tiền tuyến". Nhưng chuyện đời cái gì cũng có thể xảy ra. Năm 1971, tôi bị thương trong lúc di chuyển ở bên bờ sông Pơko. Được chuyển về tỉnh điều trị... Sau khi bình phục tôi được bố trí ở lại làm việc tại tỉnh luôn!

Chúng tôi hẹn gặp nhau trong chuyến công tác đầu tiên! Cô ấy đón tôi tại Nhà Ga Hàng Không Việt Nam, Sài Gòn. Chúng tôi gởi trước cho nhau một vài tấm ảnh mới nhất để dễ nhận diện. Chúng tôi nhận ra nhau dễ dàng. Sau đó, cô ấy đề nghị vô rạp Eden xem phim. Lúc nầy rạp Eden đang chiếu phim Hải Âu Phi Xứ dựa theo tiểu thuyết "Hải Âu Phi Xứ" của nữ văn sĩ Quỳnh Giao. (Đặng Quang Vinh và Chân Trân) thủ vai chính. Hai diễn viên đẹp, trẻ trung nầy diễn rất là... tình tứ! Hai chúng tôi ngồi trong rạp cả ngày. (Ngày xưa nếu không có bận việc gì, chỉ cần mua một vé vô cửa, một ổ bánh mì là vô rạp hát coi phim suốt ngày). Tối đó, chúng tôi đi ăn tối và hẹn hôm sau gặp lại. Tôi tặng cho cô ấy một bài thơ và cái "Nhà Rông" nhỏ. Cô ấy tặng tôi cuốn sách "Khung Trời Nhỏ Hẹp" của (Somerset Maugham).

Tôi nhìn vô rạp Eden, giờ đây hoang vắng, còn nhà ga Hàng Không Việt Nam cỏ mọc xanh um. Hình ảnh cô bạn gái hiện ra trong tâm tưởng. Nhìn lên những ngôi nhà lầu trên các đường phố, quần áo phơi giăng ngổn ngang. Từ ngày Cộng quân vô chiếm Sai Gon, những thứ xa xỉ phẩm như: Phim ảnh, bia, thuốc lá ngoại, bi da, nhảy đầm, vũ cầu, ping pông, kem đánh răng Hynos, kem đánh răng lena kem trắng chỉ hồng, xà bông Cô Ba 72% dầu, cà vạt, áo vét, áo dài, mỹ phẩm, nước hoa... "trốn" đi đâu mất biệt? Kể cả xe nhà binh GMC, xe Deep, xe lam cũng không thấy bóng dáng?! Còn sách vở, nhạc vàng và tiếng Anh, thì cho là "văn hóa đồi trụy, phản động" – Đem đốt hoặc cấm tiệt ! Tôi đi trở lại nhiều chỗ, để tìm lại dư hương ngày nào. Nhưng tất cả đều đổi thay. Những con người Sai Gon thuở trước, giờ nầy họ đang ở đâu? Sống hay chết? Họ có biết tôi đang đi tìm lại hình ảnh và kỷ niệm trong sáng tuyệt vời ấy hay không? Ai là người có trách nhiệm trả lời tôi đây?!

Tôi nhìn qua phía Dinh Độc Lập, bổng nhớ đến mấy người bạn khi xưa nhờ tôi ghim thử tấm thảm để biết độ dày bao nhiêu? Ngày ấy tôi trả lời với họ là tấm thảm có độ dày cỡ bốn phân (?!). Hàng trăm người mang giày đi trên tấm thảm nhưng mặt tấm thảm vẫn như cũ - không để lại một dấu vết xơ xác nào. Mặt tấm thảm, trông óng ánh êm dịu và đẹp mắt! Nếu được nằm trên tấm thảm mà ngủ một giấc thì sướng biết bao! Không biết bây giờ tấm thảm ấy có còn không?

Tôi đứng trước Nhà Thờ Đức Bà, tôi đọc kinh... Chậm chậm dắt xe đạp qua đường Nguyễn Hậu bên hông Bưu Điện, để tìm lại “dư âm ngày cũ”. Đường Nguyễn Hậu trước kia dãy "Hộp Thư Lưu Trữ". Ngày xưa mỗi lần về Sai Gòn tôi thường đến đây – hẹn cô bạn gái đi chơi. Và, có lần tôi không cho cô ấy biết trước rẳng tôi vô Sai Gòn công tác. Cô ấy nhìn tôi sững sờ "Anh về Sai Gon mà anh không cho em hay, không hẹn em thì làm sao mà xin phép để đi chơi được?”. Nhưng cuối cùng chúng tôi cũng ở bên nhau. Mái tóc "Demigarcon" với cái răng khểnh, tà áo dài trắng tinh! Hình ảnh Thiên-Thần ấy đã hút hồn tôi trong những tháng năm tràn đầy thơ mộng.

Tôi bàng hoàng đứng nhìn giây lâu... Mất hết rồi! Mất hết rồi! Sài Gòn bây giờ không có còn là của ta nữa rồi! Đâu rồi những sinh viên bỏ học xuống đường hô hào chống Mỹ Diệm; Chống Mỹ Ngụy, chống Thiệu, Kỳ? Đâu rồi những đoàn biểu tình của sư sãi chống chiến tranh, hát nhạc phản chiến, đốt cờ Mỹ, đốt xe Mỹ? Đâu rồi đám ký giả xuống đường đi ăn mày đòi công lý? Đâu rồi những ông Cha, ông Sư thích làm chính trị? Đâu rồi những ông bà trí thức cấp tiến, và đam mê lý tưởng Cộng Sản? Bây giờ các người ở đâu vậy hử? Dân đói khổ tù đày, vượt biển... ! Mà sao, chẳng thấy các người xuống đường đi biểu tình? Sao các người không làm báo Tư-Nhân, lập đảng để bênh vực cho lẽ phải? Hiện nay các người ở nơi mô, mà không thấy một ai lên tiếng vậy...?!

Có lần tôi và cô bạn gái đứng trên cầu vượt trước chợ Bến Thành ngắm dòng người và xe trôi qua. Cô ấy quay lại hỏi tôi “Con gà nó ăn thứ gì vậy anh?”. Tôi nói “Con gà nó ăn ngũ cốc!” Cô ấy lắc đầu, nói "Nó còn thích ăn thịt nữa đó anh !". Và cô ấy nói tiếp "Ở ngoài vùng chiến sự, anh đừng ăn thịt gà chạy rong nhé! Nó ăn xác chết đấy!". Tôi tưởng cô ấy ngây thơ nói chơi cho vui. Nhưng tôi hiểu ra: "Gà" cũng thích ăn thịt! Nó cũng như con người, cái gì cũng ăn. Con người hơn con gà là biết chọn thứ để ăn.

Tôi dắt xe ra đường Hai bà Trưng, chạy ra bến Bạch Đằng, bến phà Thủ Thiêm đông nghẹt người. Tiếng hát khàn... khàn…, hòa theo tiếng đàn guitar đứt đoạn vọng lại trên bến phà:

"Người đi, đi ngoài phố bóng dáng xưa mịt mù. Thành ghế đá chiều công viên. Ngày xưa đã hết rồi. Người đi đi ngoài phố chừng bỡ ngỡ bơ vơ. Người đi đi ngoài phố mấy dấu chân lạc loài. Hình bóng cũ, người yêu xưa còn đâu còn đâu. Tình duyên đã lỡ rồi".

Tôi đủ tỉnh táo để nhận ra, họ là ai. Những anh chị em Thương-Bệnh-Binh, Thương Phế Binh sau cuộc chiến bị xô đẩy ra ngoài đường, mất nguồn tài trợ dù là ít ỏi. Với thân thể đầy vết tích chiến tranh như thế nầy, họ làm gì được để sống? Một số có vợ con thì theo gia đình lên "kinh tế mới" ! Số còn lại đơn thân độc mã hay gia đình quá khốn khổ, vì sự sinh tồn buộc họ phải lang thang đầu đường xó chợ, trên bến phà, trên bến xe... ngửa tay ăn mày chút tình thương của đồng bào... Đối với "xã hội mới" họ hoàn toàn bị bỏ rơi và khinh miệt ! Vật chất, tinh thần đều mất trắng! Cấp chỉ của họ đã "di tản trước và di tản trong ngày 30.4.1975. Số còn lại thì bị người bên “thắng cuộc” bắt bỏhay còn gọi là "cải tạo". Bạn đồng đội lo cho thân mình còn chưa xong, làm sao có thể cưu mang cho ai? Gặp nhau mũi lòng nhín nhịn quăng cho vài đồng…, coi như san xẻ tình cố cựu rồi quày quả quay đi nuốt cảm xúc vô trong lòng không dám để cho ai nhìn thấy. Sai Gòn "Hòn Ngọc Viễn Đông"! Phải chăng đã chết rồi? Cây phượng vĩ trong sân trường ngậm ngùi nở hoa. Xác cánh phượng hồng còn nằm trơ vơ ra đó! Tà áo dài tha thướt mất hút theo gót hài, giờ đây chỉ còn nghe văng vẳng tiếng ve sầu trong nắng chiều xa vắng. Những ai thích lượm xác phượng hồng, giờ này đang ở nơi mô? Sài Gòn ngày nay quá đỗi đời thường, trần trụi mang dáng dấp nhà quê. Nhưng không còn vẻ đơn sơ mộc mạc..! Ngoài phố người đi vô tình như mây bay, không để lai chút bóng râm cho những bước chân lãng tử... Họ hối hả từng bước chân đi về đâu? Không tiếng cười, có cười chăng là nhếch môi và cái nhún vai lắc đầu...! Tôi quẹo xe qua đường Hàm Nghi, chạy thẳng tuốt về nhà nằm thở!

Anh chị tôi biết ngày mai là ngày tôi hết hạn "tạm vắng, tạm trú". Gia đình lại làm bữa cơm chia tay. Nhìn mâm cơm tôi thấy có: sườn heo ram, rau sống và một đĩa nhộng bóp gỏi với bắp chuối. Tôi định mở miệng, nói " chị mua chi đồ ngon tốn kém như vậy?". Thì chị dâu tôi hiểu ý, vội vàng xua tay: "Chú đừng nghĩ, ngày nào nhà anh chị cũng có thịt heo để mà ăn đâu. Chờ nửa tháng, hôm nay mới lấy được cái tem phiếu đem ra "Cửa Hàng Tươi Sống Phụ Nữ". Họ phân phối cho chị được một ký: Nửa thịt mỡ, nửa thịt sườn! Chú có lộc ăn đó!".

Anh tôi chui đầu dưới gầm giường moi ra một cái bao? Nghe tiếng lổn cổn... Tôi hỏi “Cái gì đó vậy anh?”. Anh đưa tay ra dấu bảo tôi ra ngoài đóng cửa chính và kéo tấm màn cửa sổ lại. Rồi anh nói "Mai chú về quê. Anh chị đãi chú chầu bia"! Tôi ngạc nhiên hỏi “Bia gì vậy?”. Anh nói "Bia lên men hiệu (Hòa Bình), nguyên liệu làm bằng trái cây. Nói trái cây cho nó "ngơm" vậy, chứ thật ra là vỏ trái thơm trong nhà máy “Hợp tác Xã” thải ra. Họ tận dụng ủ lên men, lọc sạch bơm khí ga cho cồn . Vậy là thành... "bia", uống thoải mái! Uống nhiều cào ruột, cào gan dữ lắm. Nhưng phải uống để hồi tưởng một thời huy hoàng nay còn đâu? Hay hổ nhớ rừng ấy mà! Dân nhậu hiện nay kêu là "bia lên cơn"... Còn một vài loại bia nữa, như: Bia, Con Cọp Gò Vấp, Bia 36... Ngoài ra, còn có rượu nhẹ có ga hiệu Chương Dương. Anh cũng có mua mỗi thứ vài chai đây. Chú uống thử cho biết với người ta".

Tôi sực nhớ ra, là mẹ có gởi cho anh chị và các cháu, hai ký nếp và một ký đậu xanh. Tôi lật đật lôi cái giỏ lác ra, nói “Anh chị ơi! Mẹ có gởi nếp, đậu lên cho anh chị nè - mà em quên mất! Mẹ cho nếp, đậu để dưới đáy giỏ đựng quần áo của em và mẹ may thêm một lớp đệm lác nữa phủ lên. Mẹ giấu kỹ lắm! Mẹ sợ đến trạm Trảng Bom bị họ lục xét lấy mất!”. Chị Dâu và hai cháu gái lấy dao xúm lại rạch lớp đệm trút hết nếp và đậu xanh ra cái mâm bằng nhôm. Cô cháu gái út mừng rỡ, nhao... nhao…, lên "Cháu cảm ơn bà nội... ! Cháu cảm ơn bà nội..."!

Tôi cứ tưởng lòng anh tôi là sắt đá... Ai dè, anh đưa tay, cào... cào... mấy hột nếp lẫn lộn với đậu xanh trên cái mâm. Nước mắt anh ứa ra...! Chị Dâu cũng vậy...! Anh chụp lấy ly bia "lên cơn" uống một ngụm cho trôi đi nỗi nghẹn ngào vào lòng ! Anh nói "Thời... Ngăn-Sông-Cấm-Chợ! Thiệt, là... khổ..."! Hình như…, anh nói giọng trầm trầm vừa đủ cho hai đứa con gái của anh nghe, thì phải...?


Trang Y Hạ
Viết tại Xuân Tâm, 1984

 


 


 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét