Ngôi Nhà Cấp Bốn
(tản
văn)
Tôi sinh ra và lớn lên ở giữa thành phố
Sai Gòn hoa lệ, là một nữ sinh trung học ngày ngày tôi đạp xe đến trường trong
cảnh thanh bình. Đất nước có chiến tranh, nhưng tôi nghĩ nó ở rất xa. Cha là một
người lính, cha tôi đã tử trận ! Mẹ tôi lãnh tiền tử tuất của cha để nuôi con! Mẹ tôi không tái giá, dù bà vẫn còn nhan sắc. Tôi
có người anh trai đầu lớn hơn tôi những sáu tuổi, anh tôi cũng đi lính như cha
tôi, anh cũng theo gương cha tôi mà tử trận. Anh tôi tử trận trong ngày "Hòa Bình" !
Nhà tôi ở mé sông Hàm Tử. Nửa trên bờ, nửa
dưới sông. Phần nửa nền trên bờ, tường gạch, lợp tôn, ban ngày nóng khủng khiếp...
Ngày cha tôi còn sống, tôi thấy ông tha ở đâu về những tấm giấy "carton"
lớn. Ông lấy dây kẽm câu ngang câu dọc như tấm lưới rồi ông bỏ những tấm giấy
carton đó lên phía trên làm trần. Nhưng tôi vẫn thích ở phía sau, phía sau lợp
bằng lá dừa nước, vách ván, mặt sàn cũng bằng ván. Mọi sinh hoạt thường ngày của
gia đình tôi đều ở nhà sau. Nước sông trong veo, gió thổi mát rượi, nhất là mỗi
khi nước lớn ngấp nghé mặt sàn, tôi ôm cái phao cùng với anh hai bơi ra giữa
sông tắm. Đó là kỷ niệm của những ngày còn nhỏ.
Cha mẹ tôi không bao giờ nói nguyên do lưu
lạc lên Sài Gòn cư ngụ bên bờ sông Hàm Tử nầy. Tôi chỉ biết mẹ tôi: Có học thức,
đẹp người, một nét đẹp hiền thục... Có lần tôi thấy mẹ xem ảnh cưới của ai đó .
Tôi vô tình hỏi ảnh cưới của mẹ, nhưng mẹ ngập ngừng... rồi im lặng. Cha tôi có
học vấn, hiểu đời. Cha rất yêu mẹ, yêu gia đình. Tôi còn nhớ rất rõ mỗi lần cha trở về nhà, cha
dẫn cả nhà đi xem phim, đi ăn uống ... Cha hơi cứng rắn với anh hai tôi nhưng lại
chìu tôi mọi thứ.Tôi thích cái gì cha tôi cũng mua. Bởi vậy, thỉnh thoảng tôi bị
anh hai gõ vô đầu "Ba cưng cô mầy, cô mầy sẽ hư..."! Vậy mà sau khi
cha tôi chết anh hai cưng tôi còn hơn cha tôi ngày xưa nữa. Anh không bao giờ
làm cho tôi phật ý chứ đừng nói chi là gõ vô đầu. Sau nầy tôi mới biết sở dĩ
anh cưng tôi là tại anh vô lính ! Ở nhà hủ hỉ chỉ còn có hai mẹ con, anh thường
viết thư nhờ tôi quan tâm giúp đỡ mẹ hằng ngày và hứa hôm nào về phép sẽ mua cho
quà !
Một bữa anh tôi dẫn về nhà một người bạn.
Anh nói - bọn anh cùng ở cùng một đơn vị. Trông anh chàng cao lớn. Không đẹp
trai cho mấy nhưng tính tình khoáng đạt, dễ mến, dễ bắt chuyện...
Có lần anh hai nói nhỏ với tôi...
- Nầy bé Trân ! Thằng Vĩnh bạn anh, nhỏ
hơn anh một tuổi. Hắn không cha mẹ, ở với vợ chồng người chú ruột - người chú nuôi
cho đi học mà nên người. Cô em mầy có thích thì anh hai làm mai cho mà để
dành...? Lúc đó tôi mắc cỡ quá chừng chừng nên vùng vằng...
- Em còn đi học mà... anh hai ! Còn mẹ
mà... anh hai !
Tôi thấy mặt anh hai tôi hơi quê quê...
Anh quay mặt đi chỗ khác . Tôi biết, hễ nhắc đến mẹ là anh im lặng. Anh ấy cảm
thấy có lỗi vì xa nhà... Tôi thương anh hai tôi quá chừng chừng ! Người bạn đồng
đội đó theo anh hai tôi về nhà vài lần, sau nầy không thấy về nữa...? Mẹ tôi
hình như rất mến anh Vĩnh, bạn anh hai. Thỉnh thoảng mẹ hay nhắc. Còn tôi thì
không. Nhưng một hôm tôi thấy con nhỏ bạn cùng lớp chăm chú viết... Tôi tò mò hỏi,
nó nói: "...Viết thư cho lính cũng là một cách tập viết văn ấy mà !".
Năm đó chúng tôi đang học lớp đệ tam.
Tôi đem chuyện con nhỏ bạn học của tôi viết
thư cho lính kể cho anh hai tôi nghe. Nghe xong, mặt anh buồn buồn, nói:
- Anh cũng ao ước có được một người con
gái nào đó ở "hậu phương" viết thư. Dù chỉ là... thăm hỏi thôi, cũng
thấy tâm hồn ấm áp.
- Vậy, anh bạn Vĩnh của anh cũng... "cô
đơn" y như anh phải không ?
- Hắn là con bà phước, còn cô đơn hơn anh
hai nữa. Anh đã từng nói cho em biết rồi kia mà... Hắn hơi buồn cho thân phận hắn.
Nhưng tính tình của hắn lại rất thẳng thắng, vui vẻ... Một tay đàn ghi-ta cừ
khôi. Một tay văn nghệ có hạng đấy ! Hắn đổi đi lên Kontum mấy tháng nay - xa lắm!
Em viết thư cho hắn đi - địa chỉ KBC... của hắn đây nè. Anh hứa giấu kỹ không
cho hắn biết em viết thư cho hắn là được rồi chứ gì ?
Vậy là tôi viết thư cho "anh lính ấy"!
Tôi sử dụng hộp thư lưu trữ. Qua lại chừng mươi lần thư, tôi mới cảm nhận ra rằng:
Ở trong người lính nầy toát ra một sự mạnh
mẽ, bao dung, lời văn thanh thoát... và yêu đời. Tôi thật sự chao động... Tôi cảm
thấy mình quá nhỏ nhoi trước con người nầy, hằng ngày tôi cắp sách đến trường học
hành vui chơi cùng bạn bè, tối về sum vầy cùng gia đình êm ấm ! Còn con người nầy
cũng như anh trai tôi và biết bao nhiêu người tìm cái sống trong cái chết ở
ngoài mặt trận. Sao họ vẫn thanh thản, họ yêu cuộc sống ? Vậy là tôi đã mang nợ
họ. Làm thế nào để tôi trả nợ đây...?
Từ ngày cha tôi chết. Một thời gian sau mẹ
tôi xin nghỉ dạy học. Không biết tại sao? Mẹ lao vào buôn bán ngoài chợ. Thấy mẹ
làm việc bù đầu như người khổ tu, hành xác... Anh hai và tôi năn nỉ mẹ bớt làm
để dành thời gian nghỉ ngơi. Nhưng mẹ nói: "Nhàn cư vi bất thiện". Phải
làm việc để quên đi chính mình, làm cực khổ để không còn thời gian nghĩ về khổ
cực...". Tôi đủ trí khôn để hiểu lời mẹ nói. Tôi biết mẹ nhớ cha. Hằng đêm
mẹ khấn vái nói chuyện với cha... Mẹ xin cha phù hộ cho anh tôi được bằng an
nơi chiến trường . Đôi lần tôi thấy mẹ khóc... Đối với tôi thì mẹ cười vui như
chẳng có chuyện gì. Mẹ khuyên răng tôi rất nhiều điều, hình như mẹ ý thức là cần
phải thay cha để dạy dỗ các con. Ôi, mẹ của tôi vừa làm mẹ vừa làm cha. Khổ cho
mẹ tôi biết bao nhiêu !
Anh hai tôi tử trận trong những ngày gần cuối
của cuộc chiến tranh ! Anh hai tôi chết. Mẹ tôi như người mất hồn, chết đi sống
lại... Còn tôi thì vô cùng thất vọng. Thất vọng thứ nhất là buông súng đầu hàng
trong khi sức lực vẫn còn chiến đấu. Cái hụt hẫng thứ hai là anh tôi tử trận.
Anh tôi tử trận quá oan ức bởi đã có "hiệp định hòa bình" từ mấy năm
trước . Tôi và mẹ hoàn toàn suy sụp, mất đi chỗ dựa của người đàn ông duy nhất
còn lại trong gia đình. Khủng khiếp nhất là ban đêm nhìn lên bàn thờ. Cái tủ thờ
già nua phải cố sức cõng thêm một tấm ảnh của anh tôi nữa ! Một cái lư nhang nữa
! Mẹ tôi phải khóc thêm một chút nữa ! Lưng mẹ hơi còng. Tôi thường giật mình thức
giấc bởi tiếng ho húng hắng của mẹ. Tôi biết sức khỏe của mẹ như ngọn đèn sắp cạn
dầu. Tôi chợt rùng mình nghĩ "Nếu chẳng may mẹ chết đi thì cuộc đời tôi sẽ
ra sao đây...?". Nhưng không hiểu do - quyền năng từ đâu mà mẹ trỗi dậy một
cách mạnh mẽ, không dàu dàu như trước, mẹ ăn uống và hăng say làm việc trở lại...
Tôi mừng lắm ! Tôi ôm mẹ... Tôi khóc ròng như một đứa con nít...! Mẹ vừa cười vừa
vuốt tóc mái tóc tôi... "Cái con bé nầy..., không học ở mẹ chút gì cả, lại
khóc nhè...". Có điều là mỗi đêm ngoài việc thắp nhang trên bàn thờ, mẹ
tôi còn gõ thêm mấy tiếng mõ..., tụng một đoạn kinh ngắn.
Sài Gòn sau ngày được "giải
phóng", bộ mặt thành phố xơ rơ tựa như người bịnh mới dậy. Không biết níu
kéo vào đâu để đi, để sống ? Mỗi ngày một nghèo thêm !?... Mẹ con tôi vẫn ở lại
trong ngôi nhà cũ, bên bờ sông nhiều năm sau. Mẹ tôi buôn bán trái cây từ trước
đã quen với sự cần cù, sau ngày giải phóng "lao động là vinh quang" nên không mấy
ngỡ ngàng, nhưng buôn bán bây giờ khó khăn hơn, vất vã hơn. Tội cho mấy bà, mấy
chị. Xưa giờ vốn đã quen chi phí hằng ngày với đồng lương của mình, của chồng,
giờ đây "đổi đời" mất đi nguồn sống đó. Đành phải... "xuống đường". Xuống đường không phải để đi "biểu
tình", mà chỉ lo chạy vạy buôn bán kiếm ăn từng bữa... Có chị còn phải nuôi
chồng trong tù "cải tạo"! Còn tôi, một đứa con gái mới hai mươi tuổi
đầu, đi xin việc khắp chốn mà chẳng nơi nào chịu nhận! Chung quy cũng bởi tại
cái "lý lịch trích ngang" , gia đình có cha, có anh là "ngụy
ròng"!
Có người mách bảo...
- "Cô em phải khai lý lịch là - bần cố
nông ba đời. Trình độ học vấn - mới biết đọc, biết viết... Cô em nhớ chưa? Thời
buổi nầy chỉ có... bần - mới sống tốt ! Giấu tịt cái ngụy của nhà cô đi" !
Vậy là tôi theo nghề của mẹ buôn bán đủ thứ.
Nhưng phải lén lút như buôn lậu. Mà đúng là buôn lậu thiệt, chứ đâu có được tự
do đi lại buôn bán như ngày xưa. Bởi sau ngày "giải phóng" người ta dẹp
chợ, mọi thứ... đều dồn vô "Cửa hàng - Hợp tác xã" để phân phối,
"Làm theo khả năng, hưởng theo nhu cầu".
Bạn học của tôi giờ cũng lưu tán khắp mọi nơi
kiếm sống ! Thỉnh thoảng có gặp nhau cũng chỉ thở dài, vội vàng hỏi thăm vài
câu ngắn ngủi rồi mạnh ai nấy lo chạy cơm, chạy gạo... Chiếc áo dài trắng tinh còn
đính cái tên trường thuở nào nằm buồn hiu trong tủ, không còn dịp nào để mà mặc
nữa rồi ! Đi lễ nhà thờ, đi lễ chùa... cũng không dám mặc ! Thương quá cho tà
áo dài của tôi, và cho cả miền Nam thân yêu.
Thành phố Sai Gòn bây giờ thực phẩm quá
khan hiếm. Muốn mua cái gì cũng phải xếp hàng chờ phân phối... Hàng hóa tất
nhiên phải ưu tiên cho "người có công với cách mạng, bộ đội, liệt
sĩ..". Đến lượt người dân thường thì chẳng còn bao nhiêu ! Có lần buồn bực
quá ! Tôi nói với mẹ - Phải chi ngày xưa mẹ đừng cho con đi học chữ, cứ cho con
đi làm "Cô gái Sài Gòn đi tải đạn - Cô gái Sài Gòn đi vót chông", thì
bây giờ con đã là "anh hùng cách mạng". Thật sung sướng , cái gì cũng
được cách mạng ưu tiên, từ viên thuốc uống cho đến hạt gạo... Tôi thấy người ta
dẹp hết bàn ghế, giường tủ... nhường chỗ rộng rãi để: Nuôi heo - nuôi gà - nuôi
chim cút... ngay trong nhà. Còn trồng cả rau cải trên sân thượng, trước hiên, trên
lối đi... để "cải thiện" bữa ăn, thấy mà đau lòng ! Sài Gòn bây giờ
không còn tráng lệ, nó đã trở thành dân dã. Những khuôn mặt xuống đường biểu
tình ngày xưa cũng đứng xếp hàng đợi mua: Từng ký gạo, ký củi, xị dầu ăn, nửa
lít dầu hôi để thắp, hay một cái ruột xe đạp... Nhìn vẻ mặt lúc nào cũng câng
câng... trông phát ghét ! Vậy mà cũng tự hào...?
Tôi cũng phải đi lao động công ích "xã
hội chủ nghĩa", đào mương thủy lợi ở các "nông trường", Bình
Chánh... Tôi có gặp những khuôn mặt trí thức thuộc "thành phần thứ
ba", những khuôn mặt sinh viên từng hô hào đánh cho "Mỹ cút Ngụy
nhào"...! Giờ cũng đi lao động như tôi có khác chi đâu ? Ngày nào, cố gào
gào rát cổ họng để hát: "nếu là chim...". Vậy mà nay im thin thít, cạy
miệng cũng không nói một tiếng ?
Xin lỗi ! Nếu là chim thì mấy ông cũng đã bay
đi mất đất từ lâu rồi...?
Ngôi nhà của cha mẹ tôi ở xưa nay được người
ta đặt cho cái tên "ngôi nhà cấp bốn" hay là "nhà cấp bốn"!
Người ta cho hay rằng: Trước sau gì cũng bị "giải tỏa không đền bù".
Nếu có, thì số tiền đền bù cũng chả được là bao, đền bù chỉ là tượng trưng hoặc
cấp cho phương tiện "di dời" đi nơi khác là may! Họ lấy lý do: Lấn chiếm ra sông và không có giấy
tờ chứng minh là... "bất hợp pháp"!... Chính quyền họ không cho xây thêm, chỉ được sửa
chửa sơ sài. Nhà tôi mái tôn đã mục nát. Tôi phải làm đơn ra phường xin phép lợp
lại. Tôi nhờ ông cậu - em của mẹ - mua cây tre tầm vông, cót tre với giấy dầu
có tẩm nhựa đường lợp lại ở tạm.
Một hôm có một ông "ăn mặc lịch sự",
tay xách cặp táp đến đề nghị mẹ tôi bán ngôi nhà... Ông cũng nói: nhà ven sông
nầy là "đất chiếm dụng", cho dù có ở lâu cũng mất thôi... Nhà nước bồi
thường chút đỉnh, đến lúc có lệnh "giải tỏa di dời", nếu "hộ"
nào không chịu đi sẽ bị dồn vào ở trong các chung cư. Nghe nói đến chung cư...
chúng tôi sợ hết hồn ! Chung cư nhìn bên ngoài thật "hoành tráng"! Nhưng
khi vô ở chưa được mấy năm là đã "xuống cấp", thấm dột tùm lum... !
Ông "ăn mặt lịch sự" tự động đưa ra giá - giá của ông đưa ra khá cao.
Mẹ tôi và tôi phân vân... không dám quyết định, đành mời ông chiều mai trở lại.
Ông vui vẻ gật đầu !
Mẹ tôi kêu cậu tôi đến kể lại sự việc...
Nghe xong, cậu tôi mừng rơn...!
- Chị "trúng số" rồi đó ! Theo
em tính - với số tiền nầy, em sẽ đưa chị ra ngoài xa lộ Đại Hàn, Bình Trị Đông,
mua một miếng đất của chủ ruộng. Hiện nay họ đang "san nền phân lô" để
bán. Mỗi lô thông thường cỡ: 4x15 thước, hoặc 4x20 thước. Tuy vẫn là "giấy
tay", nhưng chủ đất có hồ sơ hợp pháp. Họ hứa... "Hợp thức hóa giấy tờ"
dễ dàng. Em sẽ xây cho chị một ngôi nhà cấp bốn khang trang, có giếng nước đóng
trước nhà, đặt máy bôm hút lên xài thoải mái, còn dư một chút ít tiền cho chị
làm vốn! Dân bị "giải tỏa" chỉ có khả năng đến cỡ nầy mà thôi, rồi sau
nầy sẽ tính tiếp. Đến đâu hay đến đó vậy... Đất ruộng ngày nay thuộc "Sở hữu
toàn dân, nhà nước quản lý". Họ có toàn quyền "giải tỏa"bất cứ
lúc nào. Bất cứ chỗ nào mà họ muốn... Mình phải liệu cơm gắp mắm đi trước là hay
hơn. Còn vô chung cư ở, già yếu bịnh hoạn, chị có leo lên cầu thang mỗi ngày nổi
không ?
Nghe lời cậu mẹ tôi bằng lòng bán căn nhà
cho cái ông "ăn mặc lịch sự" đó. Tôi không biết ông mua để làm cái chi
mà mua giá cao như vậy? Theo cậu tôi cho biết: "Ông nầy là "cò nhà đất".
Ông mua không chỉ có một căn, ông còn mua nhiều căn nữa. Ông ta mua nhà của
mình - mình cho là cao giá, chứ tính ra thì không có cao... Ông làm lại giấy tờ
hợp pháp, đợi đến khi "giải tỏa, đền bù" ông lời rất to...! ".
Cậu tôi xây nhà cho tôi sắp đến ngày hoàn
tất, cậu nhắn xuống thăm, xem có vừa ý không. Mỗi chiều thứ bảy sau khi phát tiền
công cho thợ hồ, thường thường chủ thầu và chủ nhà cho nhóm thợ hồ ăn uống trước
khi ra về. Tôi thấy một người đàn ông - Dáng cao, ốm, da rám nắng, tóc râu lởm
chởm như "Trương Phi". Tôi đoán chừng... khoảng bốn mươi tuổi ngoài,
cặp mắt sáng, phảng phất chút u uẩn... Ông ta đội cái nón lưỡi trai sùm sụp, bộ
quần áo mồ hôi muối đọng trắng lưng. Ông ta ngồi vô bàn cắm cúi ăn uống, ít nói
chuyện với ai. Tôi thấy mẹ tôi cũng quan sát người đàn ông đó như tôi.
Mẹ kêu tôi ra ngoài nói nhỏ...
- Trân à! Không lẽ... người giống người ?
Tôi hơi ngạc nhiên...
- Mẹ muốn nói đến người đàn ông đó hả ?
- Chứ còn ai nữa ? Cái con bé nầy hỏi ngộ
thiệt... Con thử đoán xem...? Không lẽ là thằng Vĩnh bạn của anh hai con ngày
trước? Mẹ linh cảm như vậy, trông mặt hơi... quen quen. Thời gian xa cách đã
quá lâu rồi còn gì ? Ngày xưa cậu ta theo anh hai con về nhà có vài lần. Vả lại,
từ đó tới nay biết bao nhiêu là đổi thay - mà sự đổi thay quá nghiệt ngả ! Cho
dù cậu ấy có nhận ra, nhưng trong "hoàn cảnh" nầy... - Mẹ e rằng rất
khó để cho cậu ấy đến gặp chúng ta !
Tôi
giấu mẹ chuyện đã từng nghe lời anh hai tôi viết thư cho anh Vĩnh. Biết có phải
đúng là "ảnh" không mà thố lộ... Lỡ không phải thì... mắc cỡ chết !
Nghĩ vậy nên tôi đưa ý kiến...
- Hay... mẹ hỏi thẳng cậu thử xem ? Có thể
cậu biết - thợ hồ của cậu mà !
Em còn trụ lại nơi đây
chờ nhau bằng cả tháng ngày tuổi xanh
đợi người trong ảnh mong manh
biết chim về đậu đất lành nầy chăng ?
Từ bữa gặp người "thợ hồ" trở về
nhà trong lòng tôi có sóng, từng con sóng lăn tăn trên mặt nước hồ thu nhẹ
nhàng êm ái... Tôi lần mò lục những trang thư cũ, say sưa đọc...! Hình ảnh người
lính hiên ngang tưởng chừng đã ngủ yên trong vùng kỷ niệm, giờ hiện về làm cho
lòng tôi chao động dữ dội... Tôi đưa tay bụm miệng để khỏi bật ra tiếng khóc, nhưng
không biết tại làm sao nước mắt lại chảy dài...! Tôi chưa rõ là tôi khóc cho ai.
Khóc cho cha tôi ? Khóc cho anh hai tôi ? Hay là khóc cho người đàn ông làm...
thợ hồ kia ? Biết có phải là anh Vĩnh không ? Nếu đúng là anh Vĩnh thì ảnh đã
có vợ con gì chưa? Mà ảnh với tôi chẳng qua cũng chỉ có thư từ qua lại "nặc
danh"! Chứ có gì ràng buộc gì đâu mà hy vọng ? Hay là tôi khóc cho đời con
gái của tôi đã "quá lứa" mà chưa có chồng? Những khi đi tắm, tôi thường
săm soi hai "ngọn núi" của tôi!... Thời gian đã làm cho hai ngọn núi
càng ngày càng xuống thấp !... Tôi sợ rồi đây, hai ngọn núi sẽ bị mưa gió xói
mòn nhẵn thín như cái sân bay, thì tất cả mọi hy vọng của tôi đều tiêu tan đi hết
! Khi đó, ngôi chùa có thể là lối về duy nhất cho đời tôi... Tôi rùng mình
không dám nghĩ tới nữa. Còn lấy chồng ư ? Tôi phải lấy ai đây ? Khi mà trong tâm
hồn của tôi tràn ngập hình ảnh của "người lính năm xưa" ?... Hơn nữa,
hiện nay tôi là... "gái già" kèm theo cái lý lịch - gia đình "ngụy"
nòi !
Tin vui từ cậu tôi cho biết như sau:
- ...Hắn tên là Vĩnh, làm "ngụy"
đi tù cải tạo tám năm. Khi được tha hắn về quê ở đâu tận dưới Bạc Liêu, mới hay
người chú ruột đã qua đời. Bà thiếm cùng người con gái vượt biên chẳng biết sống
hay chết ? Lúc ở tù cải tạo bà thiếm và em gái họ có đi thăm nuôi hắn một vài lần.
Hắn trở lên Sài Gòn lang thang kiếm sống bằng đủ các nghề: Thuê xe xích lô, ba
gác chạy kiếm sống, kể cả phụ hồ, khuân vác... Sống lẩn quẩn ở bến xe miền Tây
và chợ An Đông...
- Vậy làm sao cậu biết nhiều về anh ta ?
Tôi hỏi:
- Cậu biết anh ta là do một người thợ hồ dẫn
hắn đến xin làm phụ hồ. Cậu thấy hắn siêng năng, có trách nhiệm, nên cậu mới để
ý. Những người thợ hồ chính, rất thích hắn phụ hồ! Hắn còn giúp đỡ, chỉ vẽ cho
những người phụ hồ mới vô làm. Từ đó những người thợ chính nễ phục hắn. Từ chỗ
nễ phục đến " tình thương mến thương" là chuyện thường tình, vậy là họ
dạy nghề xây cho hắn. Hắn "leo lên chức thợ phó" ! Rồi tiếp tục "leo
lên chức - thợ chính" ! Hắn làm việc có khoa học và biết điều hành công việc.
Hắn cho biết:
- "Không có vợ con - không có hộ khẩu
- không tài sản, nhà cửa - không thân nhân"!
Vậy
là hắn có - Bốn cái không ! Đời hắn sao mà giống y chang như lời của ông tổng
thống Nguyễn Văn Thiệu ngày xưa. Ông Thiệu ngày xưa, cũng đã từng tuyên bố:
"Bốn Không"! Hắn xin ngủ lại công trình để khỏi phải tốn tiền thuê
phòng trọ, khi nào xong công trình - giao nhà, thì hắn đi kiếm chỗ khác. Cũng
nhờ ơn trên mà mấy năm nay cậu nhận" hợp đồng" liên tục. Có hắn ở lại
ngủ, cậu khỏi mướn người khác giữ "vật tư...". Được như vậy, nhưng cậu
cũng không để cho hắn chịu thiệt.
Cậu tôi nhìn tôi chăm chăm, hỏi:
- ... Hình như con có tình cảm, và hiểu biết
về người có cái tên Vĩnh nầy từ lâu rồi phải không ?
Ngồi nghe ông cậu tôi kể về nỗi truân
chuyên của người "thợ hồ ". Lòng tôi quặn đau, hai mắt tôi đỏ hoe...
- Tôi tuần tự kể hết đầu đuôi câu chuyện -
Từ lúc anh hai tôi dẫn anh ta về nhà, và cho biết anh ta là con mồ côi... Sau
đó nghe lời anh hai, tôi làm người "Em gái hậu phương " để viết thư
qua lại dưới hình thức "nặc danh" nên anh Vĩnh không biết người con
gái viết thư cho mình là ai, ở đâu. Tôi đem tất cả thư từ hình ảnh để cho cậu
và mẹ xem.
Nhìn sơ qua thư và hình - cậu tôi nói:
- Chuyện tình nầy khá "lãng mạn"
đây ! Bây giờ cậu phải đi "xác minh"... xem hắn có phải là: "Vĩnh của ngày xưa ấy"
không cái đã ? Bởi người giống người, không khéo bị hố ! Chuyện nầy để cậu lo
cho.
Mẹ tôi không nói gì. Mẹ chỉ đứng dậy đi lại
bàn thờ thắp nhang, gõ mõ... Chỉ chừng đó thôi, nhưng tôi thấu hiểu tấm lòng của
mẹ. Tôi ôm mẹ mà nước mắt lưng tròng...!
Mẹ an ủi tôi...
- Mình có lòng thành thì trời phật sẽ chứng
giám. Còn cha con, anh hai con phù hộ nữa. Mẹ tin rằng mẹ con mình không quá thất
vọng đâu !
Hai ngày sau cậu tôi đến và cho biết sự thật
về anh chàng "thợ hồ" mà tôi quan tâm...
Cậu tôi vui vẻ kể:
- Qua vài ba ly rượu giải mỏi cuối ngày
làm việc. Cậu "nhá"ra cái tấm ảnh của hắn và lá thư... Hắn nhìn cậu sững
sờ, mặt mày hoảng hốt, ngớ ra... hai tay của hắn run run..., hấp tấp hỏi: Làm sao mà chú có những vật kỷ niệm quí báu nầy
của con hở chú ? Đối với con lá thư rất là thiêng liêng như một lá bùa hộ mạng của
con vậy ! Tuy chưa một lần gặp người con gái viết thư. Nhưng qua lời văn, nét
chữ... Con biết cô gái ấy là - nữ sinh.
Hắn vò đầu, xoa trán nói tiếp...
- Chú ơi, chuyện đã quá lâu rồi. Những
ngày ở trong tù "cải tạo" con vẫn nuôi hy vọng một ngày nào đó, biết
đâu sẽ gặp lại cô gái ? Chính sự hy vọng đã giúp con vượt qua tất cả nỗi đau !
Chú cũng biết, mấy năm nay con theo chú làm nghề xây dựng kiếm sống qua ngày,
nuôi một hy vọng mong manh. Con mến chú, con tin chú, nên mới thổ lộ thân phận
của con. Một thân phận mồ côi, nhờ sự nuôi nấng dạy dỗ của chú thiếm mà nên người,
con luôn luôn "tự hiểu" về thân phận của mình. Hơn hết là ở trong
hoàn cảnh nầy ! Thành ra con không dám dây dưa tình cảm với ai. Riêng người con
gái đã viết thư cho con, con nghĩ cô ấy hiểu con ! Chú cho con xin lại tấm hình
và lá thư đó để con làm kỷ niệm .
Cậu nhìn thẳng vô mắt hắn nói:
- Đừng có hạ thấp bản thân của mình và thất
vọng như vậy. Trời đất vốn đã không hoàn hảo. Tạo sao phải bắt con người ta phải
hoàn hảo ? Bộ con không còn muốn gặp lại người con gái đó hay sao? Cô con gái
"đã hiểu con..." đó, nó chưa có chồng . Ta là cậu ruột của nó.
Nghe cậu kể vừa xong. Hai tai tôi lùng
bùng, tim đập mạnh... Tôi xoay người ôm mẹ, gục đầu thổn thức...! Mẹ tôi an ủi...
Cái gì đến sẽ đến con ơi, giờ nó đã đến rồi đó ! Cũng như ngày xưa mẹ gặp cha
con vậy, tình yêu mãnh liệt, cuốn hút như một thỏi nam châm... Không một ai giải
thích và cản trở nổi. Sự thương nhớ "người dưng" chính là sự sinh tồn
trên trái đất nầy mà. Không lẽ trời phật đã lấy mất đi hai người đàn ông thân
yêu của gia đình mình, rồi lại không "bù đắp" một chút gì cho con, cho
mẹ hay sao ? Mẹ mừng cho con ! Vấn đề còn lại là phải nhờ cậu con đứng ra
lo liệu dùm !
Đúng vậy ! Cậu tôi đã "Đứng ra lo liệu
dùm"! Cậu sắp xếp mọi công việc xong xuôi đâu vào đấy... Cậu dẫn "người
thợ hồ" về quê dưới Bạc Liêu để chạy xin nhập"hộ khẩu" vô lại tại
địa phương. Nhập hộ khẩu xong lại chạy làm "chứng minh nhân dân". Về
nguyên tắc hành chính hiện giờ "người thợ hồ" đã là một người sống hợp
pháp, chỉ cần xin cái "giấy tạm vắng" để đi làm ăn xa. Hẳn nhiên là phải
lên Sai Gòn "đăng ký tạm trú" vô nhà của tôi để mà... "làm
ăn"! Sau ngày dọn về nhà mới. Mẹ tôi và vợ chồng cậu mợ "khẩn
trương" tổ chức lễ cưới cho chúng tôi. Vợ chồng cậu mợ tôi vừa là ông bà
mai, vừa là đại diện cho bên đàng trai. Mẹ bảo tôi chụp thật nhiều ảnh cưới,
quay phim.
Bây giờ tôi mới nghe mẹ kể:
"Ngày xưa, mẹ yêu cha - một người
lính trẻ. Mẹ cha yêu nhau tha thiết, yêu quá và cũng quá hấp tấp nên đã pham
"lỗi lầm" ! Không phải mẹ đổ thừa hết cho chinh chiến. Nhưng chinh
chiến cũng có cái lỗi của chinh chiến... Người con gái sống trong thời lửa khói,
không yêu người lính hào hùng thì còn ai nữa để mà yêu đây ? Nhưng yêu lính thì
phải chấp nhận cuộc sống rày đây mai đó, sự chết chóc, bị thương. Hôm nay còn gặp
nhau vui vẻ. Nhưng ngày mai, có thể người mình thương yêu sẽ vĩnh viễn không
còn trên cõi đời này ! Tình cho nhau là mẹ tự nguyện. Mẹ không ân hận. Chuyện lỗi
lầm của cha mẹ vỡ lỡ... Ông bà ngoại của con ngại mang tiếng với giòng tộc, xóm
giềng. Ông bà ngoại an ủi... và lo liệu êm thắm, bằng cách đưa cho một số tiền.
Bảo dẫn nhau lên Sai Gòn ở với người dì ruột, coi như đi làm ăn xa và lập gia
đình. Một thời gian sau hãy dẫn nhau về lại. Tình thương con của ông bà ngoại
thật quá bao la. Ông bà ngoại lúc đó chỉ làm mâm cơm trong nội bộ gia đình. Để
làm lễ Gia Tiên mà thôi" !
Ngôi nhà nhỏ ven sông nơi bến Hàm Tử là do
cha mẹ tôi mua lại và cơi nới thêm. Bởi vậy, nên mấy lần tôi nhắc đến ảnh cưới
của cha mẹ, thì mẹ "lặng thinh" là tại lý do nầy đây ! Nhưng tôi linh
cảm là mẹ chưa nói ra hết ? Tôi thương cha mẹ quá chừng. Ước chi cha và anh hai
tôi còn sống để tham dự đám cưới của chúng tôi. Mẹ tôi mãn nguyện khi thấy anh
Vĩnh có hiếu và quan tâm đến mẹ chẳng khác gì anh hai của tôi ngày xưa. Điều mẹ
mong mỏi duy nhất hiện giờ, là muốn - có cháu để bồng bế.
Một năm sau, tôi sanh ra đứa con trai đầu
lòng trong ngôi nhà cấp bốn mới. Điều mong ước của tôi là sau khi lấy chồng sẽ
sinh con đầu trong ngôi nhà của cha mẹ. Ước mơ đó đã không thành ! Mẹ tôi lại
rơi nước mắt mừng vui khi nhìn đứa cháu ngoại ra đời. Không như giọt nước mắt mẹ
rơi lúc rời ngôi nhà tràn đầy thương yêu và tràn đầy kỷ niệm bên bờ sông Hàm Tử.
Dù mẹ không thố lộ ra bằng lời, nhưng cùng là đàn bà với nhau, tôi thấu hiểu nỗi
đau khổ vui mừng qua ánh mắt cử chỉ của mẹ. Anh Vĩnh chồng tôi cũng vậy, anh nhạy
bén còn hơn cả tôi vì ảnh sinh ra và lớn lên là... "Bốn không"! Một lời nói hớ hênh, hay một thái độ hơi khác
lạ là anh cảm nhận ra ngay. Đứa con trai đầu của tôi mới biết đi lững chững...
Tôi lại mang bầu đứa con thứ hai, thai hành dữ dội như hồi mang thai đứa thứ nhất.
Công việc chăm sóc và nấu nướng, giặt giũ... một tay mẹ tôi lo liệu. Anh Vĩnh
chồng tôi ngày ngày vẫn đi theo cậu tôi làm thợ hồ. Sức khỏe của mẹ yếu, còn
tôi tay xách nách mang, thành ra chẳng buôn bán gì được. Nguồn lợi tức duy nhất
dựa vào tiền công làm thợ hồ của anh Vĩnh. May mà tôi và mẹ còn ít tiền dành dụm,
cọng với tiền bán nhà dư ra chút đỉnh. Dè xẻn nên cũng sống qua ngày.
Nhưng cuộc đời không có chuyện gì là yên ắng
mãi, sóng gió lại chao đảo ập vô gia đình êm ấm của chúng tôi... Ngôi nhà cấp bốn
mà chúng tôi đang ở được ông chủ ruộng cho hay. Không thể hợp thức hóa thủ tục
để được nhà nước quận cấp "Giấy Chủ Quyền Nhà - Giấy Sổ Đỏ". Không có
hai loại giấy đó thì không được chuyển "Hộ Khẩu"về địa phương ! Trời
ơi. Ba năm chờ đợi là ba năm sống "tạm trú"! Ba năm sống "bất hợp
pháp" mà không biết ! Không chuyển "hộ khẩu" vô căn nhà được thì
coi như mọi quyền lợi đều mất hết ! Dù có tiền "chạy" cũng chạy không
xong. Nghe tin dữ ! Mẹ tôi không tỏ ra suy sụp tinh thần, mà ngược lại càng
bình tĩnh. Buổi tối, sau khi cơm nước xong xuôi, mẹ gọi vợ chồng tôi đến bên
bàn thờ, mẹ đốt ba cây nhang rảy cho tắt lửa, đưa cho vợ chồng tôi mỗi đứa một
cây. Khi vái cha và anh tôi xong, mẹ lật cái chân đèn lên lôi ra một tờ giấy viết
tay, mẹ nói:
- Khi trước ông bà ngoại qua đời. Số ruộng
đất không còn bao nhiêu. Ông bà ngoại cho mẹ hai công ruộng gò, cậu của con ba
công. Mẹ giao hết cho vợ chồng cậu của con canh tác mấy năm qua để lo cúng giỗ...
Bây giờ xãy ra cớ sự như dzầy ! Một lần nữa mẹ lại phải nhờ cậu con tìm cách
bán ngôi nhà cấp bốn nầy, rồi về lại dưới quê cất ngôi nhà cấp bốn khác trên mảnh
đất của ông bà ngoại để ở. Coi như lá rụng về cội ! Mai nầy mẹ có chết đi, các
con nhớ chôn mẹ bên cạnh mộ ông bà ngoại, sẽ tiện bề cho con cháu nhang khói. Về
dưới thì chồng con hằng ngày chạy xe đi làm hơi xa. Thôi ráng chịu khó, mấy năm
nay cậu của con cũng chạy xe lên xuống để đi làm, có sao đâu?
Vợ chồng tôi ngồi nghe... Biết ý mẹ đã quyết,
nên tôi nói:
- Mẹ sắp xếp thế nào thì vợ chồng chúng
con nghe theo vậy. Về dưới quê con sẽ nuôi: heo, gà, vịt, cá... trồng rau..., cũng
có lợi tức để mà sống. Nghe nói về quê, chồng tôi rất mừng, vì anh thích nơi đồng
quê thoáng mát.
Cậu tôi lại đi tìm cái ông "ăn mặc lịch
sự". Ông đến, và ông cũng nói y chang như lúc trước ông mua cái "ngôi
nhà cấp bốn" của tôi ở bến Hàm Tử. Ông còn nói thêm rằng "Trước đây
ba năm khu ruộng nầy là ngoại thành, các chủ ruộng "phân lô bán nền"
vì cứ tưởng rằng sẽ được hợp thức hóa chủ quyền. Nhưng khu nầy đã nằm trong khu
công nghiệp cấp thành phố từ lâu. Do đó nhà nước không cho chuyển hộ khẩu dân
cư đến, sau nầy sẽ trở ngại, khó khăn khi "giải tỏa, đền bù". Lần nầy
ông mua giá quá thấp. Thôi cũng đành bán tháo, coi như của đổ mà hốt. Còn hơn bỏ
của chạy lấy người.
Cậu tôi và anh Vĩnh "kéo quân" về
quê xây ngôi nhà cấp bốn - cấp tốc... Chưa đến một tuần lễ là xong xuôi ! Nhà mặt
trước ngó ra dòng sông. Nước lên, nước xuống, nghe tiếng bịp kêu, gió thổi phất
phơ mấy tàu dừa nước ven bờ mà buồn tê tái. Cậu tôi và anh Vĩnh lo "chạy"
chuyển hộ khẩu về nhà mới. Lần nầy chồng tôi được nhập hộ khẩu vô với gia đình.
Được mẹ cho phép đứng tên làm "chủ hộ". Niềm vui như được nhân đôi. Mấy
tháng sau tôi sinh một đứa con gái. Ngôi nhà ven sông lúc nào cũng tràn ngập tiếng
cười vui của người lớn lẫn tiếng khóc trẻ thơ... Tiếng hát ru cháu ngủ, à ơi...
của mẹ tôi ngày ngày làm cho tôi nhập tâm, và tôi cũng hát ru cùng một giọng...
Nhìn mẹ tôi ngồi hát ru cháu ngủ. Mắt mẹ nhìn ra dòng sông, mơ mơ màng màng...
Tôi biết mẹ đang hồi tưởng về những tháng năm hạnh phúc ở trong ngôi nhà bên bến
sông Hàm Tử... Những lời hát ru nầy là lời hát ru cho - anh hai tôi và tôi ở trong
"ngôi nhà cấp bốn" đó. Từ ngày trở lại cư ngụ trên "mảnh đất ông
bà". Nơi mẹ đã chào đời. Mẹ tôi thường hay ngớ ngẩn, hoặc ngồi tư lự hàng
giờ như vậy ... Có thể là mẹ nhớ tới ông bà ngoại tôi, hoặc hồi tưởng lại thời thanh
xuân tuổi trẻ. Bởi "quá mê trai..." (lời trách hờn của bà ngoại khi
xưa, nghe mẹ kể lại...) mà phạm "lỗi lầm" phải xa nhà một thời gian
dài ! "chén cơm, đôi đũa bộ kỷ trà mà ai dâng ?" cho cha mẹ trong thời
gian đi theo chồng ? Mẹ thương yêu đặc biệt vợ chồng cậu mợ tôi cũng vì lý do nầy.
Bây giờ tuổi hạc oằn vai, gần đất xa trời. Quay trở về lại nơi sinh ra, thì hai
đấng sinh thành đã không còn nữa ! Bưng mâm cơm lại cho mẹ ăn, mà mẹ tôi không hề hay
biết. Ôi, mẹ của tôi đã già rồi ! Hai hàng chân mày của mẹ sụp xuống, má hóp...
Tóc bạc trắng chỉ còn lưa thưa một túm phất phơ theo hơi gió đồng. Tôi phải nói
lớn mẹ mới nghe !
Nước dâng ngập ngụa đời cha
nước ròng rút cả sắc hoa mẹ ngồi
đường trần một bóng chơi vơi
đêm nghe mọt gặm rã rời hồn đau.
Khi đứa con gái út của tôi biết đi ! Sức
khỏe mẹ tôi cũng suy sụp rất nhanh như ngọn đèn dầu lụn bấc... ! Hình như mẹ
tôi biết trước được "giờ linh" nên đã có chuẩn bị... Lời trăn trối của
mẹ vẫn là mong được chôn gần bên mộ của ông bà ngoại. Mẹ cầm tay anh Vĩnh mà mắt
mẹ nhìn qua tôi... Tôi hiểu ý của mẹ muốn "gửi gắm mẹ con tôi lại cho anh
Vĩnh..."! Chồng tôi cũng hiểu ý, anh vội vàng sụp xuống bên mẹ tôi và hứa...
"Đùm bọc, săn sóc cho mẹ con tôi..." ! Mẹ lại cầm tay tôi thều
thào... "Cha của con mồ côi cha mẹ từ lúc lên mười tuổi... Ba con ở với
người dì ruột - được người dì cho ăn học thành tài. Người dì ruột cũng đã chết
rồi !". Mẹ tôi thanh thản nhắm mắt đi về với - Cha tôi. Anh hai tôi. Ông
bà ngoại của tôi một cách êm thấm. Mẹ tôi đã nói ra hết, không còn điều gì giấu
diếm. Tôi lặng người đi trong giây lâu... rồi ôm mẹ mà khóc... Chao ôi... ! Tình
yêu của mẹ đối với cha thủy chung, cao đẹp biết là dường nào... ! Sự hy sinh, sự
rộng lượng của mẹ cho tình yêu quá tuyệt vời ! Mẹ của con không có "lỗi lầm"
chi hết. Con luôn tôn kính mẹ ! Con yêu mẹ - Mẹ ơi... !
Đầu năm 2008, đọc báo thấy tin chính phủ Việt
Nam và Hoa Kỳ, thỏa thuận mở lại chương trình ra đi có trật tự ! Mang tính nhân
đạo cho những người "cải tạo" ba năm trở lên. Người làm việc trong các cơ quan - quân sự, dân sự
của Hoa Kỳ được phép đến Hoa Kỳ định cư. Nghe anh Vĩnh chồng tôi nói "Lần
trước anh có hay, nhưng không có giấy tờ tùy thân và không có tiền lo dịch vụ để
ra đi". Được biết lần nầy hoàn toàn miễn phí ! Thấy chuyện quan trọng. Vợ
chồng tôi thuận ý là cần phải hỏi ý kiến của cậu mợ trước mới quyết định được.
Biết chuyện... cậu mợ tôi vui mừng ! Khuyến khích vợ chồng tôi nên đi - đi vì
tương lai học hành của hai đứa con. Sau khi nhận đơn, nộp đơn và qua hai lần sơ
vấn, phỏng vấn... thành công. Gia đình tôi được cơ quan "IOM" hướng dẫn
đi khám bệnh, nhận vé máy bay !
Mẹ chết trong lòng tôi chưa nguôi, nay phải
ra đi khỏi quê cha đất tổ. Buồn vui dồn dập lẫn lộn làm cho đầu óc của tôi đâm
ra lú lẫn... Mọi chuyện trong ngoài đều do cậu mợ và chồng tôi lo liệu hết. Tôi
đi thăm mộ cha và anh hai của tôi. Tôi xin hai người phù hộ cho chuyến đi được
bằng an ! Bữa về quê viếng mộ cha mẹ chồng và ông chú. Lần đầu tiên tôi mới thấy
anh Vĩnh - chồng tôi. Gục đầu khóc vùi trước mộ cha mẹ và ông chú ruột...!
Tôi được cha mẹ sinh ra trong một "ngôi
nhà cấp bốn", ven bờ sông. Đồng thời được sống qua hai ngôi nhà cấp bốn
khác. Đã đọng lại trong lòng tôi rất nhiều kỷ niệm: Tang thương - hạnh phúc -
khổ đau... Không biết khi sang đến xứ sở tự do Hoa Kỳ ! Nơi đó có còn "ngôi
nhà cấp bốn" nào nữa, để cho gia đình của chúng tôi tạm ngụ hay không
? ./.
Trang Y Hạ
rất ý nghĩa
Trả lờiXóahạt hạnh nhân
TYH, xin cảm ơn Anh Nguyễn
Trả lờiXóa