Thư viện

24/7/14

Gặp Ông Già Làng




                 
         Gặp Ông Già Làng

Trang Y Hạ
                               
     Cho dù có sinh ra ở trên Cao-Nguyên và trưởng thành nơi đó - nhưng chưa chắc ai cũng có "duyên" được thấy mặt ông Già-Làng một lần trong đời - tất cả cũng chỉ được nghe người khác nói lại mà thôi và cho dù ông ta có đi ngang qua trước mắt cũng không thể nào nhận ra người Thượng ấy là - ông Già-Làng. Bởi ông Già-Làng không có mang lon, mặc áo veston, thắt cà vạc, hay khăn đóng áo dài thùng thình tay cầm cái cây dù như những ông Lý-Trưởng thời Phong-Kiến xa xưa.

     Khi còn nhỏ mỗi lần làm nũng, khóc nhè... mẹ tôi thường đe rằng: - "Có mau nín đi không thì nói, không nín hử - mẹ kêu ông Già-Làng đến bắt đi vô rừng ở với cọp!". Không biết cái "uy" của ông già làng khủng khiếp như thế nào mà đến - cả mẹ tôi cũng phải sợ...? Vậy là tôi nín khe. Khi lớn lên tôi mới hiểu ông Già-Làng là người đứng đầu trong một cái làng. Những người Thượng trên Cao-Nguyên rất kính trọng ông Già-Làng của họ. Ông có toàn quyền quyết-định -  giải quyết tất cả mọi vấn đề liên quan đến sự tồn vong cũng như cuộc sống trong Làng. Nhưng tôi cũng chỉ hiểu sơ sơ như vậy thôi chứ thật sự tôi cũng chưa thấy mặt ông Già-Làng tròn méo như thế nào. Hằng ngày tôi vẫn thấy những người đàn ông Thượng đóng khố, ở trần, đầu không có đội nón, lưng mang gùi, tay cầm cây xà gạc, hay ngọn giáo dựa trên bờ vai ngọn chĩa thẳng lên trời. Bên hông còn đeo một con dao ngắn. Có người còn cầm một cái ống điếu để hút thuốc, ống điếu có cái cán dài gần những năm sáu tấc tây, có lần tôi thấy mấy ổng dúi... dúi... cái đầu ống tẩu có nhồi thuốc vào trong tro bếp, chu miệng:  bập...bập... thay vì phải dùng hộp quẹt. Buổi chiều khoảng ba hay bốn giờ trên đường đi làm rẫy về họ hay ghé vào quán bán tạp hóa của mẹ tôi mua rượu và các thứ lỉnh kỉnh khác... Hơn nữa có việc gì đâu mà phải đi gặp cái ông Già-Làng kia chứ? Trừ khi đi vào làng mua gà hay trái cây... hoặc chọc ghẹo con gái trong làng của ổng. Đàn bà người Thượng ít khi mặc áo, thường để ngực trần. Màu da nâu nâu do rám nắng, Phơi hai quả "bưởi" Năm-Roi, Biên-Hòa - tưng tưng... đung đưa..., nhất là hai "núm cau" ngẫng lên trời như hai cái sừng... nhìn mà... phát thèm! Thành ra, mấy anh chàng thanh niên người Kinh "có máu..." đôi khi thấy ngứa mắt... "sững cồ" tay chân táy máy... Hoặc buông lời nói sổ sàng... - Em ơi! Cho tui "bắt cái nước!" * chút chút... Cô gái Thượng xấu hổ bỏ cả gùi xuống đất - ré lên... ù chạy đi báo cho người trong làng hoặc ông Già-Làng biết. Ôi thôi! - thế nào cũng bị phạt vạ! Nhẹ lắm cũng mất một con heo với hai chum lớn rượu cần để xin lỗi! Còn nếu thật sự "bắt-cái-nước" thì ô hô! Theo tục lệ lâu đời của Làng, ông Già-Làng bắt người con trai (bất kể người Kinh hay người Thượng) phải đền cho nhà gái : một hoặc hai con trâu, mươi ché lớn rượu cần. Ngoài ra còn phải đãi tất cả mọi người trong làng - một bữa rượu no say, vui vẻ! Còn nếu người con gái có thai với người con trai thì câu chuyện càng to hơn. Dĩ nhiên ông Già-Làng cũng như dân làng bắt buộc người con trai đó phải cưới cô gái về làm vợ! Ai đã từng sống ở vùng: Pleiku, KonTum, Dakto... thì rất rành những cái "lệ" bất thành văn nầy. Đóa "hoa rừng" xinh tươi mơn mởn giữa đại ngàn - anh chàng nào mà chẳng ham!

     Đoàn công tác chúng tôi được lệnh: Nội trong hai ngày phải chuyển địa bàn công tác. Nơi đến là cái làng Thượng - làng Thượng nầy trước kia ở tận trong rừng sâu, vì không bảo đảm an ninh nên đã di dời ra gần quốc lộ hơn một tháng nay. Đoàn chúng tôi có trách nhiệm đến để ổn định đời sống mọi mặt cho họ trong vòng sáu tháng. Lệnh di chuyển gấp gáp nên chúng tôi chỉ âm thầm bàn giao sổ sách lại cho chính quyền địa phương cũ - nơi đây là ấp người Kinh, chúng tôi công tác cũng đã được năm tháng qua. Ngoài ra không tiết lộ - nếu tiết lộ thì thế nào cũng có sự tiệc tùng chia tay bịn rịn - kẻ ở người đi càng thêm nặng lòng… Dù sao đi nữa - trong mấy tháng qua hơn ba mươi anh chị em chúng tôi: "cùng ăn, cùng ở, cùng làm" ít nhiều cũng... "Đi dân nhớ, ở dân thương!". Tuy giấu kín chuyện ra đi, nhưng buổi sáng rời ấp bà con lại hay tin nên kéo ra khá đông để đưa tiễn! Có một bà mẹ dẫn một con chó lông màu vàng khá to đến gặp tôi và nói:

     - Mẹ tặng cho các con - con chó! Mẹ hết cơm cho nó ăn!

     Tôi hiểu tấm lòng của mẹ. Tôi định nói... thì mẹ cầm tay - hôm nào rảnh trở lại thăm mẹ là mẹ mừng lắm rồi, đừng nói gì nhiều. Tôi đành im lặng và chụp ảnh chung với mẹ, có cả con chó.

     Trời tháng bảy mưa dầm những ngọn núi chui vào trong màn khói âm u, những đám mây đen mọng nước xâm chiến hết cả khung trời như đe dọa ập xuống bất cứ lúc nào. Có lẽ Ngưu Lang - Chúc Nữ gặp nhau nên giọt vắn, giọt dài chăng? Đoàn chúng tôi chia tay bà con trong lòng cũng nằng nặng như những đám mây kia. Chắc thế nào cũng có một vài anh chàng giống "Ngưu-Lang Chúc-Nữ". Thôi ráng chịu  - mai kia mốt nọ - thế nào cũng trở lại thăm một lần kia mà!

     Khi đoàn di chuyển đến nơi công tác mới. Tôi chọn chỗ đóng quân cách làng chừng trăm mét theo tọa độ của Chi-Khu. Ở trong ấp người Kinh thì anh em chúng tôi có thể xin ở chung trong nhà dân, nhưng với người Thượng thì không thể ở chung như vậy được. Bởi người Thượng nhà sàn của họ chật chội lại không có ngăn chia ra từng phòng. Buổi tôi cả gia đình quây quầng sinh hoạt chung quanh cái bếp lửa; ăn ngủ cũng chung quanh cái bếp lửa, đàn bà con gái cũng nằm tênh hênh ra đó mà ngủ một cách vô cùng thoải mái!

     Đoàn chúng tôi có ba toán, mỗi toán mười người. Đào hầm công sự hình tam giác… Tôi, ông phó đoàn và người âm thoại viên ở riêng một hầm - hầm chỉ huy! Chu vi công sự có ba vọng gác, chung quanh kéo kẽm gai và gài mìm claymore. Nội trong một ngày chúng tôi hoàn tất công sự chiến đấu cũng như chỗ ngủ. Chỗ ngủ bằng giường xếp, che poncho.

     Ngày hôm sau khoảng mười giờ sáng. Tôi dự định đi tìm gặp ông Già-Làng nói cho ông biết công việc của đoàn chúng tôi và nhờ ông cộng tác... thì trời mưa tầm tã - mưa rất lớn kéo dài đến tối mới tạm ngưng. Đang phụ với anh em tát nước ra khỏi hầm, phần đất đỏ mới đào lên gặp mưa nên nhão nhoẹt dính vào giày bê bết, nhìn anh chị em người nào người nấy quần áo bùn đất đỏ dính đầy quần áo, mặt mày trông thật thảm thương. Một phần thì gió nuí lạnh căm căm cũng may là sức trẻ nên chịu đựng nổi. Tôi vừa trở lại hầm chỉ huy thì tôi thấy một người lính trong đoàn của tôi dẫn vào một ông người Thượng và nói:

     -Thưa anh! Ông nầy xưng là Già-Làng muốn gặp anh trình bày sự việc, hình như: Có người trong đoàn chúng ta bắt một con chó trong làng của ông. Tôi nhìn người đàn ông – Già Làng! Trông ông khoảng năm mươi tuổi, đóng khố, mặc áo lính nét mặc trông dễ mến! Tôi hỏi:
  
     - Ông chính là Già Làng của cái làng "Yanglokơram" nầy sao?

      Ông ta trả lời tôi có vẻ... hơi không mấy nhiệt tình!
  
     - Đúng như vậy! Cách đây hai ngày tui được nơi ông Thiếu Tá Quận Trưởng kiêm Chi Khu Trưởng cho toi biết: Đoàn công tác các ông sẽ đến giúp đỡ làng chúng tui định cư: Có cái ăn, có cái uống, có cái mặc, có cái nhà ở... Nhưng các ông chưa giúp được cái nào thì lính của ông đã bắt mất một con chó trong làng của chúng toi mà làm thịt. Như vậy là không tốt đâu. Chúng toi không ưa các ông đâu!
  
     Tôi nhận thấy trong chuyện nầy có cái gì đó không bình thường, vì đoàn chúng tôi chân ướt chân ráo mới đến chưa ổn định vị trí thì có thời giờ đâu đi bắt chó người ta làm thịt kia chứ? Chuyện thật quái lạ! Trong lòng nghĩ vậy nhưng tôi vẫn ôn tồn nói với ông Già-Làng rằng: Trên nguyên tắc và danh dự, đoàn chúng tôi không được phép làm những chuyện tầm bậy để mất lòng bà con như vậy. Nếu một trong những người lính của tôi mà ăn cắp con chó trong Làng của các ông, nếu biết được kẻ nào đó ăn trộm chó, thì tôi sẽ kỷ luật thẳng tay và bồi thường cho ông gấp nhiều lần. Ông Già-Làng cầm tay tôi dẫn đi ra ngoài cái mương nước bên vệ đường Tỉnh-Lộ, rồi ông chỉ tay nói:
  
    - Lính của ông đang làm thịt con chó của chúng toi đó - chó của chúng toi đó!

     Tôi biết đây là sự hiểu lầm. Nhưng giải tỏa cho rõ ràng mối nghi ngờ ngay trong lúc nầy thì không là phải dễ dàng. Tôi quay lại bảo người lính của tôi ngưng làm thịt con chó và gom số lông lại. Con chó lúc nầy đã được cạo lông hết chỉ còn bốn cái chân. Tôi thầm phục tài anh Phước, "hỏa đầu quân". Không nước sôi và chỉ có mỗi cái cật tre lồ ô mà anh cạo lông con chó sạch sẽ.

     Tôi nói với ông Già-Làng rằng: - Ông nói với bà con trong Làng bình tĩnh, tôi sẽ làm sáng tỏ chuyện hiểu lầm nầy. Những người Thượng trong làng kéo nhau ra gần ba chục người, trai gái đều đủ cả. Mỗi người nói một câu: Tiếng Thương có, tiếng Kinh có, ồn ào như một cái chợ! Họ nói: - Nào là người Kinh ăn cắp - người Kinh xấu lắm!  Xấu lắm...! Thấy tình thế hơi bất lợi, tôi nói với anh đoàn phó lấy ra một cây thuốc "Bastos đỏ" nhờ ông Già-Làng chia cho bà con hút cho đỡ lạnh, chuyện trắng đen còn có đó. Khi khói thuốc lá bay mù trời mù đất... Tôi mới nhờ ông Già Làng cho biết người nào mất con chó. Ông Già-Làng chỉ người đàn ông to mồm hồi nãy đến giờ. Tôi nhìn thẳng vào mắt ông ta và chậm chậm hỏi:
  
     - Con chó của ông khi mất, cái lông của nó màu gì vậy?
     - Màu đen!
     - Con chó của ông lớn cỡ bao nhiêu?
     - Nó lớn bằng cái đùi của toi!
     - Con chó chạy mất khi nào vậy ông?
     - Ngày bữa kia!
     - Ông có đi tìm nó không?
     - Có đi tìm chớ, nhưng không thấy, toi buồn lắm!
     - Ông có muốn ăn thịt chó không?
     - Ông muốn cho, cái bụng của toi cũng muốn ăn...!

      Còn ai mất chó nữa?

      - Toi! Toi! Toi...
   
     Tại sao cái làng nầy mất chó nhiều vậy cà? Tôi nghĩ vậy. Người Thượng vốn tính tình thật thà nên tôi rất tin ở lời họ nói. Tôi hỏi ông Già-Làng:

     - Từ trước đến nay trong làng có mất nhiều chó như vậy không? Tôi hỏi 

     - Ông Già-Làng cũng lắc lắc cái đầu. 

     Tôi nói với ông Già-Làng rằng:

     - Chúng tôi không bắt chó trong Làng của ông. Con chó chúng tôi đang cạo lông là của một bà Mẹ nơi chúng tôi đang công tác cho chúng tôi trước khi chúng tôi đến đây. Chúng tôi có chụp hình. Tôi cho ông Già-Làng xem phim... Và tôi hứa sẽ tìm cho được nguyên nhân chuyện mất chó hàng loạt trong mấy ngày qua. Ông Già-Làng có vẻ tin tưởng rồi đứng lên nói mấy câu bằng tiếng Thượng. Mọi người kéo nhau ra về. Nhưng tôi biết tình cảm dân làng một phần nào đó đối với chúng tôi đã bị... sứt mẻ! Nếu tôi không tìm ra nguyên nhân mất chó thì thế nào người trong làng nhất định sẽ không hợp tác cùng chúng tôi - thật là rắc rối!

     Sáng hôm sau trời có vẻ sáng hơn sau mấy ngày mưa liên miên... Đang ngồi uống cà phê cùng anh em thì xa xa tôi thấy một người lính mặc sắc phục BĐQ vai mang hai khẩu M.72 lơn tơn đi vào lại còn huých gió... vui vẻ! Thì ra là Thiếu Úy Minh - bạn tôi. Chúng tôi bắt tay nhau… Bạn tôi nói:

     -Tao biết đoàn của mầy sẽ đến nên tao mang cho mầy hai khẩu M72. Nhưng trước khi đoàn mầy đến thì đơn vị của tao bị phục kích  - bị thương nặng hai "em"! Chuyển về Quân-Y-Viện rồi! Tao kêu đạn pháo 105 nện chung quanh đây cũng như đèn hỏa châu yểm trợ hơn nửa tiếng đồng hồ...

     Nghe thằng Minh bạn tôi cho biết... Tôi mừng rơn! lấy tay đánh đét vào đùi một cái thiệt to - Thì ra là như vậy! Đạn pháo nổ quá gần làng làm cho bầy chó hoảng sợ chạy trốn hết vô rừng. Hơn nữa vùng đất mới con chó chưa quen". Tôi đem chuyện dân làng mất chó kể cho thằng bạn tôi nghe. Chúng tôi quả quyết nội trong ngày hôm nay thế nào mấy con chó chạy vô rừng đói xơ rơ xác rác cũng sẽ trở về. Giống chó săn nầy tinh khôn lắm làm sao mất được trừ khi trúng mảnh đạn mà chết.

     Anh Phước làm thịt chó xong. Anh cho biết khoảng mười ký thịt chưa kể bộ lòng. Đang bàn tính làm mấy món gì để lai rai thì ông Già- Làng hớn hở chạy ra.

    Ông ta nói liến thoắng... Vẻ mặt mừng rỡ xen chút ái ngại: Ông cho biết:

     - Thưa ông xếp. Mấy con chó của chúng toi về nhà đủ hết rùi, chúng toi mừng lắm - toi xin lõi ông! Từ bây giờ ông nói cái gì toi cũng nghe lời ông hết.

     Tôi bảo anh Phước cắt ba ký thịt chó, lấy năm lít rượu trắng, thêm một cây thuốc lá bastos. Tôi cầm tay ông Già-Làng và nói lời chia vui với ông cũng như bà con trong làng. Thật ra cũng là chia vui cùng toàn đoàn công tác của chúng tôi.

     Trong vòng một tháng đoàn chúng tôi đã hoàn thành một số công tác đáng kể như: Hoàn thành một cái Nhà-Rông để cho thanh niên trong làng có chỗ sinh hoạt ca hát cũng như đến ngủ vào ban đêm. một Trạm- Y- Tế, một lớp học dạy tiếng Thượng và tiếng Kinh. Ngoài ra, đoàn và dân làng góp công đốn tre lồ ô làm máng dẫn nước từ trong suối về làng dài gần ba cây số. Xây một nhà vệ sinh công cộng. Về đời sống đoàn còn hướng dẫn bà con trong làng cách ăn uống cho có vệ sinh: Thực phẩm, nước uống cần phải nấu chín. Chỉ bà con cách sử dụng xà bông để tắm giặt... Đoàn còn khám bịnh, phát thuốc, cắt tóc, tắm gội cho trẻ em...

     Tôi và ông Già-Làng thì năm mười bữa nửa tháng mới gặp nhau một lần vào buổi chiếu sau khi ông ấy ở trên rẫy trở về. Thường thì tôi mời ông chui vào cái hầm của tôi để uống rượu và bàn công việc... Có lần ông mời tôi đến nhà ông uống rượu cần ủ bằng gạo nếp - nhấm mồi bằng thịt nai phơi khô do vợ của ông đã nướng sẵn. Ông nói:

     -Toi có hai người con gái. Đứa đầu có gia đình, đứa thứ hai mới hai mươi tuổi, hồi nhỏ có tật nơi chân trái nên bước đi hơi khập khiểng được bà Phước nuôi dưỡng cho học hành và làm Y-Tá trong Bệnh Viện cũng của mấy bà Phước thuộc dòng Phao-Lô. Hai năm nó mới về thăm vợ chồng toi một lần nhưng cũng chỉ ở được một đêm rồi nó lại đi nữa. Vợ chồng toi nhớ nó lắm nhưng cuộc sống của nó quen ở với người Kinh các ông ròi! Ông lấy hình cho tôi xem. Hai cô con gái trông dễ nhìn, cô em tuy có tật nhưng trông có duyên, đẹp gái! Tôi nhìn lên vách lá nhà ông, tôi thấy chừng mươi cuốn sách, nhìn gáy sách toàn tiếng Pháp. Tôi hơi ngạc nhiên - không lẽ ông Già-Làng giỏi tiếng Pháp. Tôi sực nhớ người trong làng nầy theo đạo Công Giáo. Ông thấy tôi nhìn mấy quyển sách ông nói ngay:

     - Đó là sách tiếng Pháp - ông Cố Tây cho toi mượn đọc nhưng toi chưa trả - đó là mấy cuốn sách của văn hào: "Jean Paul Sartre và Henry Charrière". Toi học tiếng Pháp từ thời các ông Cố Thừa-Sai Paris. Toi biết viết, đọc và nói thông thạo, nhưng bây giờ toi cũng hơi quên vì lâu quá ròi không có ai biết tiếng Pháp để nói chuyện với toi. Cách đây một năm có một người Kinh đi mua heo (lúc chúng tui còn ở trong cái làng cũ). Khi uống rượu với toi người ấy nói biết nói tiếng Pháp chút chút. Đúng là người ấy nói không giỏi. Chợt có đứa con gái - gùi cái gùi củi đi ngang qua nhà - người ấy nhìn và cười nói: "Cô-giơ-mông-tôi-xoa". Người ấy nói với toi đó là tiếng "Pháp bồi". Ông "sếp"có hiểu câu người ấy nói nghĩa là gì không? Toi không hiểu gì cả ông "sếp" oi!

     May là tôi uống hết "can" rượu, bằng không thế nào cũng bị sặc. Nhìn vẻ mặt thật thà của ông Già-Làng tôi không thể nhịn được cười. Tôi giải thích: - Thật ra câu đó là tiếng Việt hoàn toàn bởi người đàn ông nói nhanh quá, thoạt nghe như có âm giọng của tiếng Pháp - nên ông không nhận ra đó thôi, đó chỉ là câu nói chọc ghẹo, vui chơi. Còn nhiều câu đại loại như vậy mà trong lúc uống rượu người ta thường hay nói cho thêm phần vui vẻ...! Để tôi nói vài câu "tiếng Pháp" cho ông nghe nhé:

     -"Om-toi-vô-đi-co!; Xo-toi-ra-đi-ong!; Toi- giơ-mong-ong-xoa!; Ong-giơ-mong-toi-xoa!...". Tôi cũng gặp trường hợp như ông - khi nghe bạn nhậu nói tiếng Hoa cho vui trong lúc uống rượu, như vầy: -"Mẵn-cúi-hài-dón-khíu-khíu-chọ"? Lúc đó tôi cũng như ông chẳng hiểu mô tê chi hết. Người nói "tiếng Hoa" đó dịch nghĩa ra như sau: "Mẵn cúi" - nói lái là: Muỗi cắn! "Hài dón" nói lái là:  - Hòn dái!  còn "Khíu khíu chọ" nói lái là: - Khó khó chịu! Nói trọn câu là như vầy: "Muỗi-cắn-hòn-dái khó-khó-chịu!" 

     Ông Già-Làng cười bò lăn...! 
   
     Ông Già-Làng giở gối lấy ra hai gói thuốc. Một gói: Capstan và một gói: Pallmall. Ông xé gói thuốc capstan mời tôi một điếu còn ông thì hút Pallmall. Ông châm lửa hút nhả khói thành một cái vòng tròn lớn - liền sau đó ông nhả thêm một vòng tròn nhỏ chạy tọt qua cái vòng tròn lớn - thật là điệu nghệ và đẹp mắt! Ông sĩ-quan Trung-Úy mà tôi quen đã dạy tôi làm đấy! Ông sĩ quan Trung Úy còn nói: Thuốc capstan có nghĩa là: "Chiếc-áo-phong-sương-tặng-ấm-nàng! " còn một câu nữa là: "Con-anh-phá-sản-tại-anh-ngu!". Trên bao thuốc Pallmall thì có câu như thế nầy: "Phải-anh-là-lính-mời-anh-lên-lầu!". Hôm nay tui mời ông "sếp"  lên nhà sàn của tui uống rượu chơi, thì cũng như lên lầu - nhà sàn cũng là "lầu" mà - phải vậy không ông "sếp"?

     Tôi phục ông Già-Làng nầy có trí nhớ dai, thật sự tôi cũng không biết mấy câu đó. Tôi thầm cảm ơn những người lính chiến dù trong chiến đấu gian nguy nhưng luôn có một tinh thần lạc quan, vui vẻ yêu đời; yêu văn nghệ, yêu văn thơ, yêu nước!

     Tôi nhìn xuống sân nhà ông Già-Làng thấy một bầy heo con vừa ỉa xong - lật đật chạy theo heo mẹ. Tiếp đến là đàn gà chạy lại - mổ...  mổ... bươi... bươi... đống phân heo ra tứ tung. Tôi chợt nhớ và nhại lại câu nói giả tiếng Campuchia của người bạn khi xưa - cũng trong lúc uống rượu: "Ảy chĩa trum tùm lây, trây tùm lum!".

     Ông Già-Làng mừng rỡ!

     - Ông "sếp" cũng biết nói tiếng Campuchia nữa sao?

     Tôi cười nói:

     - Tôi chỉ biết có mỗi một câu đó thôi!

     - Nghĩa của câu ấy là gì - cho toi biết vúi?

     Tôi chậm rãi giải thích với vẻ mặt hơi nghiêm nghị:

     -Ảy-chĩa, nói lái là: Ỉa-chảy! Trum tùm lây, nói lái là: - "Trây tùm lum!". Nói nguyên câu là như vầy: "Ỉa chảy trây tùm lum...!". 

     Ông Già-Làng lại thêm một phen cười bể cái bụng... ! 

     Tôi nói thêm với ông Già-Làng rằng, dù ông có ở nhà sàn nhưng nuôi gia súc thả chạy rông ỉa đái tùm lum - sinh ra ruồi muỗi, bâu vào thức ăn, nước uống, muỗi chích vào người mà sinh bịnh! Chưa kể các ông đi chân trần dậm phải cái phân gia súc rồi mang lên trên sàn nhà trây ra giường chiếu... Ông giỏi tiếng Pháp, ông là người có học thức, văn-minh... Ông cùng chúng tôi vận động dân trong làng nên khoanh một vùng rộng sau nhà làm chuồng trại cho gia súc ở nhằm bảo đảm sức khỏe cho mọi người.

     Ông Già-Làng nhìn tôi... rồi ông đưa hai tay ra cầm hai bàn tay tôi rung rung mấy cái... Đó là cách thể hiện sự đồng tình, trân trọng  và tràn đầy mến thương của người miền núi!

     Một tuần sau tôi đưa cho ông Già-Làng ba kiểu mẫu chuồng trại tôi vẽ ra trên giấy, bảng vẽ tô màu có cả những con gà, con heo trông thật đẹp mắt. Tôi nói rằng ông Già-Làng đem về cho moi người xem thử, nếu đồng ý tôi sẽ vẽ cho mỗi nhà một bản, và cứ xem đó mà làm chuồng. Tôi sẽ cho anh em trong đoàn làm thử một cái chuồng trong vườn nhà của ông. Người Thượng rất bảo thủ, muốn họ làm theo thì phải làm trước cho họ thấy. Đồng bào Thượng rất thông minh thật thà lại cần mẫn. Chừng nửa tháng sau, trong làng nhà nào cũng có chuồng nuôi gia súc - chuồng họ làm đẹp hơn hẳn mẫu vẽ của chúng tôi rất nhiều - làm đúng theo bản vẽ nhưng bay bướm đượm chất hoang dã của họ chứ không cứng ngắt như trong bản vẻ của chúng tôi. Chính vì vậy mà anh em chúng tôi được dịp mở thêm tầm mắt. Tôi cho chụp hình hết các mẫu chuồng - tráng ảnh, làm bích báo treo ở Nhà-Rông cho mọi người cùng xem!

     Bẵng đi một thời gian khá lâu, có lẽ hơn nửa tháng tôi không thấy mặt ông Già-Làng đâu cả. Tôi có dò hỏi nhưng người trong làng tuyệt nhiên không ai nói. Thấm thoát đoàn chúng tôi công tác ở cái làng nầy cũng gần năm tháng, theo như lịch công tác thì còn không bao lâu nữa chúng tôi sẽ chuyển đi nơi khác. Bây giờ là mùa đông không còn mưa dầm ẩm ướt, nhưng sương mù thì ôi thôi dày đặc - buổi sáng trung bình chín giờ sáng may ra mới thấy anh mặt trời, chiều chiều chừng ba giờ lại sương giăng… Ngày nào trời buồn chuyện chi thì suốt ngày âm u - âm u đến hai ba ngày là chuyện bình thường ở cái xứ Cao-Nguyên nầy, lại thêm gió núi, gió núi là sản phẩm lúc nào cũng no nê không bao giờ thiếu hụt.

     Đang ngồi suy tư thì ông Già-Làng hiện ra - ông chợt đến, chợt đi như người tình trong mộng - lúc có, lúc không - không biết đâu mà lần...

     - Ông Già-Làng đi chơi lâu vậy, tôi cười cười hỏi?

     - Không đúng đâu! Toi đi về gặp bà Phước [nữ tu]. Nói chuyện về người lính của ông với con gái của tôi - chúng nó... "bắt cái nước"! và con gái của tui có thai ròi ông oi!

     Tôi hoảng hồn...!

     -Hả! Ông nói lại đi, ai "bắt-cái-nước" con gái ông? Trời ơi... hết chuyện... chó, lại đến chuyện trai gái! Tôi điếng hồn, đứng bật dậy! Thằng lính nào của tôi "bắt cái nước" con gái của ông có thai? Ông nói tên hắn ra mau đi, tôi sẽ bắn cho nó què một chân rồi tôi đi tù cũng được còn hơn là chịu mất danh dự...

     Ông Già-Làng vẻ mặt tỉnh queo còn nhìn tôi cười nữa chứ...!

     Tôi nói:

     - Chuyện to tát như vầy mà ông cười được sao? Bây giờ trâu rượu ở đâu mà bồi thường cho làng đây!

     Ông Già-Làng nói:

     - Không phải đúng vậy đâu ông oi! Người lính "bắt-cái-nước"con gái toi trước kia là lính của ông thiệt - nhưng nó giải ngũ vì bị thương ở chân, bị cưa ngang ống chân - tên nó là... ông Chua đó...! Ông Chua nhà ở gần Bệnh-Viện - nơi con gái tui làm Y Tá. Ông Chua thường đến đó chữa trị vết thương mỗi khi đau nhức và thương con gái toi. Chúng nó 'bắt-cái-nước"có thai. Bà Phước kêu tôi đến chuẩn bị làm đám cưới cũng như làm phép hôn phối ở nhà thờ. Thế nào ông "sếp" cũng được mời ăn đám cưới con gái chúng toi. Hôm nay toi mời ông luôn đó.    

      Tôi như vất được cả khối đá nặng nghìn cân xuống khỏi vai. Tôi bị ám ảnh chuyện con chó mấy tháng trước nên không giữ được bình tĩnh. Tôi giữ ông Già-Làng ngồi lại cùng anh em uống vài ly rượu nhắc lại chuyện đoàn chúng tôi bị phục kích hơn một năm trước... Lần đó bị chết một người, bị thương tật một người.  Anh Chua là bị cưa một chân trên mắt cá lúc tuổi đời tròn hai mươi, cái tuổi hừng hực của thời trai tráng.
    
       Tôi đã được gặp ông Già-Làng trong những trường hợp như vậy đó. Một ông Già-Làng thông minh, thật thà chứ không phải "dữ tợn" như hồi còn nhỏ mẹ tôi thường hù dọa mỗi khi tôi khóc nhè. Tôi nhớ mãi hình ảnh ông Già-Làng mong một ngày nào đó núi rừng Cao-Nguyên hết sương mù. Tôi sẽ đi tìm cái ông Già-Làng, tôi sẽ nói với ông một câu  - "Om-toi-vo-di-ong"!

 Trang Y Hạ
* Bắt cái nước có nghĩa là làm tình

    


   


    

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét