Thư viện

9/7/14

Hẻm Cụt



                          
                       Hẻm Cụt

Trang Y Hạ

      Tôi nghe phong thanh "... Trước năm một nghìn chín bảy mươi lăm. Ba Nhảy là lính, không biết đi lính chi, đóng quân ở Định Tường. Trong một lần đụng trận bị thương cưa bỏ một cái chân bên trái". Anh ta chống nạng đi bán vé số mỗi ngày, tính tình vui vẻ, hòa nhã... Mỗi lần gặp hay chào tôi - đại ca!

     Tôi về Sai Gòn sống trong cái một hẻm cụt nơi vùng ngoại ô quận T.. nầy chưa được nửa năm. Nơi đây là quê vợ, bên nhà vợ tôi nghèo miếng vườn bên nhà vợ đang ở hơi rộng rộng, trong vườn trồng toàn chuối sứ cây nào cây nấy cao nghệu... Trước sân có trồng cây mận, cây ổi, các cây đều cho trái. Một cái nhà thấp lè tè vừa kê đủ: một cái giường tre nhỏ, một cái di-văng nhỏ, không bàn ghế, bên hông có một cái chái bếp nhỏ đi vô đi ra đụng đầu. Phía sau vườn cũng có một cái nhà nhỏ đủ kê một cái giường lớn và một cái tủ nhỏ đựng quần áo. Hai vợ chồng tôi ở "thoải mái" trong cái ổ tò vò đó! Hai cái nhà làm bằng cây cừ tràm, cây tre tầm vông, vách che bằng lá dừa nước, lợp tôn cũ, nền tráng ciment. Người xưa nói "Thà ở xó chuồng heo còn hơn theo quê vợ". Tôi không biết sự sĩ diện của mấy đấng đàn ông thuở trước cao đến đâu? Họ có mối hận tình hay "Trọng nam khinh nữ"... để rồi phán một câu có vẻ hằn học miệt thị như vậy! Đối với tôi cái quan niệm đó đã quá lỗi thời, ở bên nội hay bên ngoại cũng được, miễn là thuận tiện cho công việc làm ăn, ở bên nào cũng phải làm việc cật lực cho có lợi tức... Không lợi dụng tình cảm, tiền bạc của hai bên cha mẹ để mà dựa dẫm, ăn bám thì có chi đâu mà ngại? "Đời cua cua máy. đời cáy cáy đào"! Không ai nuôi ai đến suốt đời bao giờ, sĩ diện mần chi cho thêm hao tổn tinh thần?

     Tôi biết nghề mộc, tay nghề thuộc hạng xoàng xoàng: đóng tủ bàn ghế, làm nhà... Sau ngày "thống nhất" mọi người dân thi đua phá rừng làm rẫy, lấy gỗ, lấy củi, đốt than... đem ra chợ bán để sống qua ngày đoạn tháng chờ tiến lên xã hội mới sung sướng. Than gỗ còn dùng để thay thế xăng dầu cho các loại xe hơi... do "ciment" khan hiếm - từ thôn quê cho đến thành phố đều làm nhà, làm sàn gác toàn bằng gỗ. Mấy năm đầu "bao cấp" mua gỗ từ "Cửa Hàng Quốc Doanh" cũng không phải dễ dàng, làm đơn chờ dài cổ mới mua được, mua xong trước khi chở về nhà còn phải lấy bùn, lọ nồi... bôi lên thân cây gỗ cho cũ xì lỡ khi có gặp đội "Quản lý kinh tế thị trường" kiểm tra, thì nói - mua cây gỗ cũ về sửa nhà. Sau thời bao cấp ở thành phố Sài Gòn đi bất cứ con đường nào cũng thấy vựa cây ván, vựa than củi..., vựa cây cừ, tre tầm vông, thang tre, tấm cót tre, giấy dầu lợp nhà, lá dừa nước... tha hồ mà mua chẳng có ai thèm xét hỏi. Chợ buôn bán cây gỗ ván các loại lớn nhất Sài Gòn ở phía sau Bưu Điện Chợ Lớn, chợ nằm chình ình giữa các con đường - "Trịnh Hoài Đức, Nguyễn Thi, Mạc Cửu, Trần Văn Kiểu..." Lan ra cả các khu chung quanh. Máy cưa, máy bào, máy cắt xẻ gỗ, phục vụ cho ngành mộc chạy ầm ầm suốt ngày, xe ba gác máy, xe ba gác đạp, xe xích lô đạp, xe xích lô máy, xe lam, ghe xuồng... sẵn sàng đưa hàng đến tận địa chỉ của người mua ở bất cứ nơi đâu trong thành phố... Suốt con đường Trịnh Hoài Đức từ bưu điện Chợ lớn cho đến cầu Ba Cẳng, hai bên - chuyên buôn bán các mặt hàng phục vụ cho ngành mộc đủ các loại...

     Đường đi vô nhà bà mẹ vợ tôi ở là con hẻm nhỏ dọc theo phía sau lưng trường tiểu học Phú Hưng, qua hai cái cua gấp thông ra chợ Xóm Than. Nhà mẹ vợ tôi ở ngay đầu cái cua thứ nhất, bên hông nhà có cái lạch nhỏ ăn thông ra kênh lớn nước thủy triệu vô ra hằng ngày. Sau ngày "giải phóng" người ta xây nhà bít kín đầu hẻm phía chợ Xóm Than, lần hồi người ta cũng lấp luôn cái con lạch để cất nhà chồng lên... trời mưa nước không có lối thoát, ngập cả xóm!

      Nghe bà mẹ vợ "thổ địa" của tôi kể:

     - "Vùng nầy trước kia là đất ruộng. Năm 1966, ông Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu cho xây hàng loạt các dãy nhà lô liên kế, diện tích mỗi căn nhà: rộng bốn thước, dài mười hai thước, tường xây bằng gạch lốc, mái lợp tôn Fibro. (Ciment) Chủ yếu để bán rẻ cho: nhân viên công chức, dân chúng, khu gia binh, thương phế binh ở".

     Căn nhà cuối cùng chắn cái hẻm cụt là căn nhà lá của người thương phế binh "ngụy" - Ba Nhảy. Bên trong hẻm cụt còn có cái ao rau muống khá rộng, quanh bờ ao có trồng nhiều cây dừa cho trái sum suê, nước cống của mấy nhà trong hẻm chảy ra cái ao rau muống đó, lâu ngày nước trong ao đen thui như xì dầu. Đám rau muống chết toi! Ao nầy là của nhà bà: Hai Cổ Cò. Đêm tối, nhất là những đêm trời mưa dầm..., nằm nghe giàn đồng ca: ếch, nhái..."hòa tấu" mà buồn thúi ruột!  

     Bà mẹ vợ của tôi đã già, hằng ngày bà bắt ghế ngồi trước hiên nhà ngắm mây bay, gió thổi... bà để cái tủ thuốc lá nho nhỏ bán cho mấy người hút thuốc lá lẻ, thỉnh thoảng có vài người lạ không biết cái hẻm đã cụt nên chạy xe vô trỏng. Từ đó bà già vợ tôi tự nhiên có nhiệm vụ "thông báo" cho những người lạ: 

     - "Hẻm nầy là hẻm cụt bà con ơi"...!

     Mấy bác tài: xe ba gác, xích lô, người đi bộ, thấy bà già nhiệt tình nên mua vài năm ba điếu thuốc coi như là trả ơn cho tấm lòng thật thà, nhân hậu! Đồng thời nói bâng quơ một vài câu bóng gió pha chút giận hờn, bất mãn, nhưng cam phận:

     - "Thời buổi nầy ai có tiền, có quyền, có thế lực, muốn bít..., muốn chặn..., muốn chiếm chỗ nào mà chẳng được, ai đâu dám nói, dám kiện... Kiện hay nói ra cũng chẳng đi đến đâu không khéo lại rước họa vào thân"!

     Tôi tuy mới về ở bên nhà vợ đi mần chưa được nửa năm nhưng đã "nổi tiếng" thật thà, ít nói. Đặc biệt là đóng bàn tủ ghế hay sửa chữa... tôi lấy giá phải chăng, còn sửa mấy cái lặt vặt tôi không bao giờ tính tiền. Cây gỗ cũ các loại tôi trữ lại để dành, tôi sẵn lòng cho bà con mượn che rạp mỗi khi có chuyện "Quan, Hôn, Tang, Tế". Sở dĩ tôi ít nói và ít giao tiếp bởi tấm thân của tôi mang một cái... "lý lịch ngụy quân - ngụy quyền". Đã từng được may mắn đi "cải tạo" nhiều năm! Chuyện chỉ có... "đơn giản" như vậy thôi mà!... Ngoài vợ tôi ra, ở trong cái hẻm nầy mọi người không ai biết tôi là thằng cha căng, chú kiết từ nơi nào tới? Vấn đề: tạm trú, tạm vắng... bà mẹ vợ của tôi lo liệu hết, bà mẹ vợ tôi có một người anh ruột đi mần "kách mệnh" tập kết ra Bắc hồi... 1954. Ngày "... vinh quang muôn năm" áo gấm vô Nam, ông dẫn theo một cô vợ người Bắc trẻ măng nhỏ hơn ông chừng... hai mươi mấy tuổi, với ba đứa con nhỏ. Qua năm sau ông nghỉ hưu nhưng gia đình còn hưởng nhiều "bổng lộc", ánh hào quang "cách mạng" vẫn còn miệt mài lan tỏa rộng khắp trong giòng tộc bên vợ. Nghe nói vậy chứ tôi chưa hề gặp mặt ông cậu vợ bao giờ... Tôi cũng nghe bà mẹ vợ kể: thời chống Pháp bà cũng có bưng... mấy thúng lựu đạn cung cấp cho "kách mệnh" ở tận trong đồng chó ngáp...? Tôi nghĩ... "lựu đạn, chứ có phải khoai lang đâu mà bưng đến mấy thúng..."?

     Tôi sống bên nhà vợ lúc đầu lạ nước lạ cái, cũng may tôi gặp ông già Năm! Ông là bạn thân của cha vợ tôi, cũng đồng là bạn thân của bà mẹ vợ của tôi nữa. Ông cha vợ của tôi "khắc khẩu" với bà mẹ vợ của tôi nên bỏ về "chợ Đào - gạo Nàng Thơm" cất cái nhà lá giống cái y chang cái chòi giữ vịt, sống mình ên trên miếng đất nho nhỏ của gia tộc để lại, ông sống dzậy đã lâu năm lắm rồi! Thỉnh thoảng hai ông bà có gặp nhau nhưng coi bộ hai người còn... "bẽn lẽn" lắm! Khắc khẩu chuyện chi không biết? Vậy mà hai ông bà sinh một hơi những chín đứa con, ngỏm củ tỏi lúc còn nhỏ hết sáu đứa, còn sống ba đứa: hai gái, một út trai. Ông già Năm quê ở Phước Lộc, Nhà Bè, do không muốn làm "cách mạng" bỏ ruộng lên thành phố ông mua được một căn trong dãy nhà lô làm chỗ sinh sống và nuôi các con ăn học. Ông làm nghề thợ mộc kể cả đóng xuồng. Uy tín của ông ở vùng Xóm Đầm nầy rất lớn. (không phải xóm chuyên nhảy đầm, mà là xóm đầm lầy) Ông thấy tôi hiền lành lại cũng biết nghề mộc như ông, ông mến lắm! Ông nói: "Nếu tôi bằng lòng, ông sẽ nhận tôi làm con nuôi ngang hông của ông". Tôi bằng lòng, vậy là ông đi kiếm việc, nhận việc... rồi hai tía con: một già, một trẻ cõng đồ nghề cùng nhau đi mần, mần chỗ nào ông cũng khoe... "Tui có thằng con "lãng tử hồi đầu"! Tay nghề mộc của nó còn giỏi hơn tui nữa đó". Tôi không biết nhiều về hoàn cảnh của những người sống trong con hẻm cụt nầy; cho dù có biết chút ít thì cũng để bụng, chứ bà xã của tôi không cho tôi giao tiếp thân mật với họ! Chắc bả lo cho cái "lý lịch ngụy đen thui, đen thủi" của tôi. Nghĩ cũng đúng, vì ở thời buổi "kách mạng" lên ngôi ai biết ai, ai tin ai... Ăn nói hớ hênh là dễ vô tù cải tạo như bỡn!

      Nơi đầu hẻm cụt là ngã ba, buổi sáng sớm ở nơi đây trở thành cái chợ nhỏ, bán thức ăn, đồ uống do mấy bà, mấy cô ở trong hẻm cụt đem ra bán. Vợ của người thương phế binh "ngụy" sáng sớm cũng ì ạch cùng đứa con gái đẩy cái xe ra đầu hẻm, bày bàn ghế nhưa bán cà phê, thuốc lá...Xe lam, xe ba gác, xe xích lô, xe hon da, xe hon da ôm, xe đạp... đậu dài dài, ăn uống xong là tỏa đi khắp các nẻo đường quê hương kiếm cơm. Nào là gánh bún của chị Sáu Giò; gánh hủ tiếu của chị Tư Tỏi; trẹt bánh tét, bánh ú của bà Hai Méo; thúng xôi vò của cô Bảy Lủng; sàng hột mít luộc, hột sầu riêng luộc của bà Bảy Còng, nồi cơm tấm của cô em Cà Cuống. Xa xa chút nữa có hàng phở ngoài hàng hiên của chị Hai Phượng, giá rất ư là bình dân! Còn thêm gánh đồ xẻ của chị Năm La, đồ xẻ là các loại trái cây xẻ nhỏ ra cho vô bịch "nylon". Mấy năm trước còn có mâm khoai lang luộc, sắn luộc, của bà mẹ vợ tôi bày bán.

     Buổi sáng ngồi ăn uống nơi cái chợ nho nhỏ nầy được nghe tin tức nóng hổi miễn phí - đủ thứ chuyện trên trời dưới đất... Ngay bên hông nhà lão Tương trên cây cột đèn điện ốm nhom đã oằn lưng cõng một mớ dây nhợ chằng chịt đủ các loại, vẫn chưa tởn, lại còn đành hanh chất lên thêm ba cái loa phường "to đùng"! Sáng sáng... chiều chiều... ra rả tra tấn hai cái lỗ tai đến phát ớn! "Thống nhất" lâu rồi mà còn léo nhéo... "con gái Sài gòn đi tải đạn - con gái Sài gòn đi vót chông ..." . Cái chợ nhỏ nầy lúc nào cũng ồn ào..., ồn ào quá đổi, trường học phải trám hết các cửa sổ... Công an khu vực đôi ba lần đe dọa đòi đẹp nhưng đâu rồi cũng hoàn đấy.

     Mùa mưa, mưa to... con hẻm cụt nầy nước ngập quá gối, mấy bà mấy cô xăn quần sát tới tận bẹn lội bì bõm từng bước... sợ lọt xuống hố ga, thoải mái "vô tư" khoe cặp đùi trắng hếu...! Mấy ông có máu...dê tha hồ "rửa mắt" khỏi phải tốn tiền "bo". Trước hiên, nhà nào cũng xây một con lươn chắn nước cao hay thấp tùy theo chỗ nền hẻm nông sâu. Nhà nào cũng chuẩn bị "gàu" tát nước mưa, trông quang cảnh tát nước giống y chang những ngày đi đào mương thủy lợi... Đám con nít "hồ hởi" nhào ra tắm mưa, đùa giỡn vui chơi thật là sung sướng, bọn trẻ kiếm ở đâu ra mấy cái ruột xe nhỏ, rồi nằm lên bơi từ đầu hẻm cho tới cuối hẻm. Một đám trẻ loi nhoi, lóc nhóc lội bì bõm chạy theo sau hò reo...té ngã la inh ỏi... tạo thành sóng lớn ùa nước vô nhà, cha mẹ chúng nó la ơi ới...! Nước ngập kéo theo nước cống thơm lừng... Trời ngưng mưa, khoảng một hai giờ sau nước rút đi, quang cảnh khi nước rút đi rồi trông thật tiêu điều... Để lại nào là: rác rến, bịch nylon, vỏ dừa khô, bông băng vệ sinh, xác chuột chết sình chương thấy mà phát khiếp. "sình thì sình nhưng vẫn cứ thương, thương thì thương nhưng vẫn sình chương" Đồ dùng trong nhà đều nhảy tót lên giường, lên bàn ngồi rung đùi... mùi nước cống còn phảng phất hương hoa phải lo lau rửa... tốn thêm tiền nước máy. Trong hẻm cụt bao năm nay mua điện, mua nước máy của nhà lão Tương bán, lão kinh doanh bán nước. Nhưng có ai đó nói rằng lão "bán nước" là lão ta gào lên...

     - "Vợ chồng tui "đổi nước" lấy tiền...! Chớ tui không bao giờ bán nước...! Các người hiểu chưa...? Kẻ nào nói vợ chồng tui "bán nước" là...là... tui... kêu lính bắt bỏ tù mọt gông! Bỏ tù rục xương! Bỏ tù không có ngày về..."!

     Mọi người xầm xì:

    - "Vợ chồng lão Tương bán nước rõ như ban ngày..., vậy mà còn chửi người ta, còn hăm dọa kêu lính bắt người ta...? Thứ hàm hồ..., ông bà xưa nói "Một thằng nói ngang... ba làng cãi cũng không lại". Quả thiệt là đúng mà! Không sai chút nào....? "Đổi nước"... với bán nước, tựu trung cũng là lấy tiền, chỉ khác nhau cách nói để che giấu hành động mà thôi. Chỉ có dzậy mà cũng chửi... người ta cho được."!

     Mùa nắng, nước ngập theo kiểu mùa nắng. Nhà nước gọi là "cường triều, triều cường". Thủy triều âm thầm lên, âm thầm rút, chơi theo kiểu: đánh "du kích" hay nói một cách bay bướm hơn là "em chợt đến, rồi em... chợt đi". Đôi khi nước thủy triều cũng nằm ăn vạ vài bữa mới chịu rút. Nước thủy triều dâng lên cũng mang theo "hành trang" đủ mọi thứ hằm bà lằn chẳng khác chi nước trời mưa ngập. Người trong hẻm cụt tái diễn lại cảnh "tát nước đêm trăng"! Chợ nhỏ ở ngoài đầu hẻm nền đất hơi cao, bà con ngồi chò hỏ trên ghế uống cà phê, ăn hủ tiếu... "vô tư" bởi quá quen với lũ.

                                      ***  

      Đầu hẻm cụt là "quán rượu tử thần" của vợ chồng nhà lão Tương, vợ chồng lão chuyên bán: Rượu thuốc, rượu sắn, rượu rắn, rượu bắp, rượu pha cồn tạp nhạp, và bia lên men "hòa bình - bia 36 - bia con cọp Gò Vấp, rượu nhẹ có ga Chương Dương. Mồi nhậu có các loại thịt khô, cá khô..., ngoài ra, khoảng đầu giờ chiều có gánh bún thập cẩm của chị Sáu Sún. Trong nồi nước lèo của chị có đủ mặt bá quan văn võ thủy lục, như: Đầu cổ gà, đầu cổ vịt, chân gà, chân vịt, lòng gà, lòng vịt, giò heo, xươn heo, huyết heo... Nghe chị nói dưới đáy... nồi có: ngêu sò ốc hến "chem chép" nữa...! Không biết từ thời gian nào mà một số con "ngọc hoàng" quy tụ về cái quán rượu tử thần của nhà lão Tương, sáng sớm đã tập trung lại uống rượu, chai rượu giấu dưới gầm bàn, người lạ đi ngang qua cứ tưởng họ ngồi uống cà phê, còn người địa phương lạ chi mấy trự con "ngọc hoàng" nầy... Họ ngồi uống đến chín mười giờ sáng là tan hàng! Chừng ba bốn giờ chiều họ lại "họp giao ban" đến tối mịt!   

     Tên "Quán Rượu Tử Thần" là do tôi đặt, và được âm thầm truyền tụng ra... vợ chồng lão Tương nghe được - Tức lắm! Thỉnh thoảng hai vợ chồng ra đứng trước nhà hoác mồm ra chửi xiên, chửi xéo... như chó sủa trăng. Đâu có biết ai là tác giả? Mãi đến sau nầy khi Hoa Kỳ bỏ cấm vận, hàng hóa tư bản nhảy vô "xâm lăng" nhất là các loại bia ngoại, rượu ngoại... Vợ chồng lão Tương bấy giờ không bán rượu đế tử thần nữa, quay sang "kinh doanh nhà hàng ăn uống", bán các loại bia rượu "xịn"...! Mướn đầu bếp về nấu các món ăn, món nhậu... Mướn mấy em tiếp viên trẻ đẹp mặc đồng phục chạy bàn... Mấy em "tiếp thị bia" đến tiếp thị các loại bia ngoại... - cũng trẻ đẹp, cũng mặc đồng phục váy ngắn thiệt ngắn... sẵn sàng nâng ly, cụng ly, cùng với khách... Đám con "ngọc hoàng" trôi dạt theo đám lục bình để rồi, lần lượt... từng em...từng em... khăn gói về chầu thượng đế hết ráo...! Vợ chồng lão Tương cuối cùng rồi cũng biết tôi là người nói câu: "Quán rượu tử thần", nhưng câu chuyện đã qua quá lâu, hơn nữa lão lại mang ơn tôi "thiết kế" cho lão cái nhà hàng "một trệt, một lầu" khá đẹp! (khách nhậu say xỉn khen đó nghen!). Cuối tuần, thứ bảy tôi còn kéo bạn hữu đến nhậu lai rai "ủng hộ"...nên vợ chồng lão Tương xoa xoa hai tay cười xuề xòa nịnh nọt... Sở dĩ tôi bỏ nghề mộc là vì không có ai kêu tôi mần nữa, thành ra tôi phải đi học lấy cái bằng "xây dựng" rồi "chạy" xin giấy phép hành nghề, chuyển qua "thầu xây cất".

       Tôi xây cho bà mẹ vợ một ngôi nhà "cấp bốn" nho nhỏ nhưng khang trang, tôi cũng xây cho tôi một căn nhà cấp bốn be bé ở kế bên nhà bà mẹ vợ. Tôi được nhập "hộ khẩu" vô hộ khẩu gia đình bên vợ sau hơn mười lăm năm tạm trú. Tui bàn với bà xã: cho vợ chồng Ba Nhảy gởi nhờ cái xe bán cà phê. Bà xã tôi nói - đã có ý đó từ lâu. Lúc nầy bà con trong hẻm có nhiều cảm tình đối với tôi, gặp chỗ nào họ cũng chào anh Tư... anh Tư... Bà xã thấy tôi đã quen với cách sống nơi cái hẻm cụt nầy nên bà... "xả cảng, xả cùm" để cho tôi được đi lại tự do cùng với mấy ông hàng xóm, chiến hữu lai rai một vài chai bia hay tham dự: thôi nôi, cúng giỗ...thoải mái chứ không còn "quản chế" như trước đây nữa! Người ta nói: "Người con gái đi lấy chồng bị mất cái chi"? Đừng nghĩ tầm bậy, tầm bạ... nha bà con. Mấy cô đi lấy chồng thì mất cái tên "khai sinh" chứ mất cái chi, sau đó mất cái chi chi...đố ai mà biết. Riêng tôi từ khi lấy vợ, ở bên quê vợ - tôi mất cái tên cúng cơm của tôi luôn, tôi trở thành... "anh Tư"! Vợ tôi là thứ tư đó mà!

     Hôm nay, hai vợ chồng người thương binh Ba Nhảy lại nhà mời đám giỗ... Đồng thời cũng hỏi mượn: cây, tấm bạt che rạp để bày bàn tiệc ra ngoài hẻm.!

     Người thương phế binh Ba Nhảy - chủ nhà nói:

     - Anh về đây ở cũng đã lâu, bác Năm ở đẳng, (năm là tên thứ mẹ vợ tôi) cũng như vợ chồng anh chị Tư giúp đỡ chòm xóm rất nhiều việc... Nhưng anh em chúng tôi chưa có dịp mời anh Tư ngồi uống với nhau một cách "hợp pháp"! Hợp pháp đây có nghĩa là... được các bà vợ cho phép nhậu thoải mái không như mấy lần trước đang uống rượu nửa chừng các bà mượn lý do nào đó... sai con kêu dzìa! Đồng thời tui giới thiệu sơ sơ..."qúa trình hoạt động bản thân" của anh em tụi tui cho anh Tư biết thêm. Tui tên Nghiêm, còn tên thường gọi là Ba Nhảy, đi lính Địa Phương Quân, bị thương năm 1972, cưa quăng đi mất một cái giò rồi! Quê Định Tường, nghề nghiệp bán vé số. "lý lịch trích ngang" có bấy nhiêu.

     Tui xin giới thiệu tiếp nghen anh Tư:

     - Đây là Sơn, Thiếu úy Địa Phương Quân, bị thương chột một mắt, quê Giồng xoài, Bạc Liêu, làm nghề vá sửa xe...

     Ba Nhảy giới thiệu chưa dứt lời, Sơn thiếu úy đã vội vàng đứng lên dơ tay phân bua:

     - Anh Tư ơi... tui tên thật là Sơn, chỉ là lính thôi, em bị thương mù một mắt nên anh em trong hẻm "đặc cách" gắn thêm cho cái lon "Thiếu úy"! - Thiếu úy là... "chột" một mắt đó anh Tư ơi! Chết tên luôn "kể từ dạo ấy"... anh Tư ơi! Mọi người cười vang...!

     Ba Nhảy ra hiệu giữ trật tự - giới thiệu tiếp:

     - Đây là Chín Cu, tên thật là Bảnh, thằng chả có nghề điêu khắc vàng bạc, làm "gia công" cho khách hàng ở nhà. Trước đi lính Nghĩa Quân, bị thương đứt nửa bàn chân đi cà thọt, quê  Cần Đước. Cuộc nhậu nào Chín Cu cũng góp vui hậu hỉ!

    - Còn đây là Hai Bánh, hay Hai Liếm cũng được, đi lính được một năm thì "giải phóng"! Ngồi buồn nên lấy xoài ra ăn, xoài vừa chín tới mà chấm với muối Tây Ninh - ngon hết biết! Thòm thèm nên liếm mấy hột muối còn sót lại trong đĩa mà mơ mộng... Mấy bà đi qua thấy vậy đặt luôn cho cái tên: "Hai Liếm"! Ngoài liếm muối ra hắn không còn liếm... chỗ nào nữa! (cười) . Quê Tây Ninh. Thật ra, tên cúng cơm là Thành, còn cái tên Hai Bánh, là... là...

      Thành...! Kể cho anh Tư và anh em nghe câu chuyện đó... đi thành! Ba Nhảy giục:

     - "Chiều hôm đó tui đang tìm khách nầm chuyến cuối, chợt có một ông khách nói giọng Bắc... ăn mặc khá tươm tất, ông ta vẫy tay gọi tui lại và nói như ra lệnh: "Này, thằng đạp xích lô ...! (ngày trước "giải phóng" người miền Nam kêu là - bác xích lô) Đi đến cầu Băng Ky bao nhiêu tiền đấy?". Tui nói đúng giá nhưng ông ta so kè tới lui... chỉ còn có phân nửa! Tui nói giá tiền ít như dzầy, thì chỉ chạy được có... hai bánh thôi nha, muốn đi thì lên xe...! Ông ta tưởng tui nói chơi cho dzui...! Vậy là ông ta xách túi xách nhảy tót lên xe nằm vắt chân chữ ngũ, rồi ca: "Trường sơn tây anh đi... thương em... thương em...". Tui nghe ổng hát mà muốn... nổi máu! Chạy gần tới Cầu Đỏ tui nói "ông ấy ơi...ông chịu khó níu hai bên thành xe cho chắc chắn dùm tui nghe, tui chạy hai bánh đây"! Nói xong tui đảo... đảo... giật... giật... cái xe! Ông ta tưởng tui chạy hai bánh thiệt ổng hoảng hồn quay đầu ra sau "Tôi.. tôi... đồng ý... đồng ý...trả...trả...thêm... Nàm ơn... nàm ơn... chạy đủ ba...ba... bánh. Ông móc tiền ra..." !

     Hai bánh kể xong vẻ mặt tỉnh queo! Còn tôi và anh em thì được một trận cười bể bụng...!

     Ba Nhảy chỉ tay về hướng cuối bàn giới thiệu tiếp:

     - Ngồi cuối bàn, đó là: Lâm - Bắt Heo (Không biết bắt heo nào?), trước kia có đi lính Biệt Động Quân, ở Biển Hồ, Pleiku sáu tháng. Bị thương nơi chân đi cà thọt, rồi giải ngũ năm 1973, quê U Minh.

     - Ngồi kế anh Tư, là Ba Ngôn, có khiếu mần thơ... Trước có làm cán bộ XDNT. "Giờ đây mình hãnh tiến, làm con dân tộc Việt, khoát áo đen tuyền xây dựng nông thôn" Bị thương rồi giải ngũ. Sau 1975 có đi "cải tạo", quê Kiến Tường. Hiện nay buổi sáng phụ vợ bán hủ tiếu, buổi chiều chạy xích lô, ai kêu đâu chạy đó!

     - Còn đây là chú Út Say, "Việt Kiều Kampuchia" hồi hương. Lý do năm 1970 bị người Kampuchia "cáp duôn" chặt đầu, nên bỏ của chạy lấy người, trước sống trong làng Việt kiều Kampuchia ở xã Mỹ Xuân... Sau chú chuyển về đây đi mần thợ hồ, đã "nghỉ hưu". Bị ma Miên hay ma Việt... nhập vô trong người, chú ca hát lảm nhảm suốt ngày đêm:

         Mời em lên, lên tàu hỏa, chúng mình đi
         Đi, khắp nơi... mà không... tốn tiền

     Nay tỉnh rồi! Mấy câu chú hát lúc trước, người lớn, con nít đều thuộc lòng. Họ cũng mơ ước được mời lên... xe hỏa... đi khắp nơi mà không tốn tiền!

      Ba Ngôn - có vẻ như "bức xúc" chuyện chi trong lòng? Vội vàng đứng lên giơ tay xin có ý kiến:  

     Mơ ước của chúng ta bao lâu nay là mong làm sao được chính quyền cho: Gắn đồng hồ nước, gắn đồng hồ điện, vô hộ khẩu...! Mắc mớ chi lại mơ lên... "tàu hỏa" để đi chơi vậy hả...? Chẳng lẽ nhịn đói để mà đi chơi sao...? Lâu nay trong cái hẻm cụt nầy mọi người đi mua nước để ăn uống, giá mắc gấp... năm bảy lần "giá nhà nước" từ quán rượu tử thần của vợ chồng nhà lão Tương! Điện đóm cũng câu nhờ của vợ chồng nhà lão Tương, giá điện cũng mắc gấp... năm bảy lần "giá nhà nước"! Mỗi lần chả say sỉn, đi ăn đám... không ai kéo cầu giao điện, vậy là chúng ta ăn cơm bên ánh đèn dầu, tội nhất là mấy đứa nhỏ ngồi học bài cũng dưới ánh đèn dầu tù mù...! Cả con hẻm cụt nầy không nhà nào mua sắm nổi một cái "truyền hình" để xem, mà có sắm được truyền hình thì cũng đâu có điện mà sử dụng! Ghiền bóng đá, phim ảnh... chạy đi coi ké khắp - bốn vùng chiến thuật! Còn chuyện vô "hộ khẩu" (hậu khổ) thì chưa dám mơ ước. Sử dụng cái "sổ tạm trú" là may lắm rồi! Mong có "hộ khẩu" là có tất cả! Khi cần tiền cầm cái hộ khẩu đó đi "thế chấp vay tiền" cũng dễ dàng! Ngày trước, chính quyền miền Nam chỉ dùng một tờ giấy, đó là: "Tờ Khai Gia Đình" rất đơn giản, chỉ kiểm soát về mặt an ninh mà thôi, còn về mặt đời sống - Tờ Khai Gia Đình không làm trở ngại sự sinh hoạt mua bán hằng ngày của người dân. Thêm một việc nữa, là cái hẻm nầy bao nhiêu năm nay - mưa sình, nắng bụi, cần tráng bê tông, đặt đường ống thoát nước. Họp tổ dân phố, dân nêu ý kiến biết bao nhiêu lần rồi, nhưng chẳng thấy "cán bộ" trên phường quan tâm. Lúc nào mấy ông cán bộ ở trển cũng hứa hẹn, nào là "Nhân dân và chính quyền góp công, góp tiền để làm". Nhưng có đâu?!  

       Nghiêm - Ba Nhảy với nét mặt hơi buồn buồn, nói:

     - Ba Ngôn - "bức xúc đại trà" như dzậy là đúng với nỗi lòng mong ước của mọi người lâu nay đó thôi. Nhưng mọi chuyện cứ để nằm im đó, chúng ta "có quyền" ngồi đợi! Bây giờ mời tất cả nâng ly chúc mừng ngày "chết" của cha tui, ngày xưa cha tui tử trận trong một lần hành quân! Mẹ tui lãnh tiền tử tuất nuôi anh em chúng tui, rồi mẹ tui cũng chết quách đi rồi! Nhưng có một điều tui rất buồn là mẹ tôi trước khi chết bà quên "di chúc" lại cho tui được rõ... Cái tên Ba Nhảy nầy là do cha tui đặt, hay là mẹ tui đặt? Tại sao lại phải "nhảy" đến ba lần? (cười) Đến đời tui, tui cũng làm lính Quốc Gia, bị thương cụt một chân, sau 1975 đi lang thang rồi về ngụ tại cái hẻm cụt nầy, thì cũng xem như cuộc đời lính "ngụy" của tui đã đi vào hẻm cụt! Nào nâng ly, cạn đáy anh em ơi!

     Hai Bánh, tự Hai Liếm lên tiếng:

     Chúng em có biết chút ít về anh Tư, anh Tư có đi "cải tạo" nhiều năm nên âm thầm xem anh như một người đại ca. Dù cuộc chiến đã qua lâu rồi và chúng ta là kẻ "chiến bại", nhưng không hẳn chúng ta gục ngã, thời gian sẽ trả lời. "Hữu xạ tự nhiên hương" phải không anh Tư? Hôm nay nhân đám giỗ ông già anh Ba Nhảy, lần nào cũng vậy, anh em chúng em không ngồi lại thì thôi, chứ đã ngồi lại với nhau rồi, có chén rượu, là... hát hò, đờn ca... Bữa nay có anh Tư càng vui hơn!

     Bạn Ba Ngôn đâu? hát một bản tặng anh Tư nghe coi! Hai Bánh nói như ra lệnh! Ngôn - tằng hắng... rồi cất tiếng hát...

      Tôi là lính xa nhà đi trấn sơn khê hai mùa mưa sa mù che kín nẻo đường về. Xin đừng oán và hãy mến thương tôi, trăm lần không bao giờ tôi giận cuộc đời...

     Tiếng đàn của Ba Nhảy và tiếng hát của Ba Ngôn vừa dứt. Anh em vỗ tay giòn tan...

     - Cạn ly đi anh Tư ơi! Sao anh cứ ngồi thừ người ra mãi vậy? Giờ thì đến, Hai Bánh - Hai Liếm nầy hát nha!

      ...Bao thương nhớ từ độ anh vui bước quân hành
       Nửa năm anh viết lá thư xanh bảo rằng
       Sẽ về phố phường
       Mừng rơi nước mắt ướt mi người tôi thương...

       Một nỗi buồn man mác từ đâu ùa về trong lòng mọi người, cầm ly rượu trên tay anh em nhìn nhau bồi hồi nhớ về từng kỷ niệm tình yêu lính trận của một thời năm xưa. Ôi, hẹn... - Sẽ về phố phường... Cái hẹn quả thật là: Tha thiết, lãng mạn...!

     - " Anh đã về phố phường rồi đây em ơi! Trong cái hẻm cụt ngủn không lối thoát nầy đây em ơi! Em bây chừ ở nơi đâu? Những lá thư tình ngày xưa xa ấy bay về phương trời nào rồi hở em...?"!

     Tôi uống hết ly rượu rồi nhìn mấy anh em "nhà ngụy" mà trong lòng dậy lên một tình cảm vô cùng triều mến... Họ trôi dạt về cái hẻm cụt nầy như rắn mất đầu, nhìn đâu đâu cũng thấy sự lạc lõng bơ vơ! Không một ai quan tâm! Không một ai đoái hoài giúp đỡ! Tất cả tự bươn chải kiếm sống từng ngày để mà sống; để mà chữa bịnh, chữa vết thương ngoài thân thể cũng như tự xoa dịu vết thương hằn sâu trong lòng! Người sống đã vậy, còn người chết ở trên rừng chưa tìm ra hài cốt! Ngay nghĩa trang quân đội Biên hòa nằm sờ sờ bên đường bao năm vẫn bỏ bê!

     Không cần đợi anh em yêu cầu. Tôi nhờ Ba Nhảy đàn cho tôi hát:
      
       ...Tôi tiễn anh như bao anh hùng hiên ngang ra sa trường.
       Vì yêu quê hương anh lặng lẽ bước chân đi...
       
      Nhớ những ngày đổi lên Kontum, Pleiku vào mùa mưa. Mưa kéo dài lê thê lướt thướt, mây mù sương khói thi nhau phủ kín khung trời, gió núi hắt từng hạt nước vô mặt lạnh buốt đến tê tay. Ngồi trong quán cà phê Dinh-Điền nhìn cái phin cà phê cũ rích méo mó nhăn nhúm, nghiêng nghiêng nằm cheo leo trên miệng cái ly. Từng giọt... từng giọt...cà phê bịn rịn buông rơi... Tiếng ca ấm áp truyền cảm đến ngùi ngùi của cô ca sĩ Trang Mỹ Dung, chở theo nhiều mùa mưa ở tận trong rừng sâu núi thẳm đem về vung vãi khắp phố núi cao nguyên heo hút... Đâu chỉ có hai mùa mưa rồi thôi...? Phải không cô ca sĩ Trang Mỹ Dung? Không có tiếng còi tàu nào giữa đêm khuya chỉ có tiếng súng, tiếng đại bác... Hai đường sắt chạy song song đến tận sân ga là đôi giày "saut" dính đầy bùn đất đỏ đang mơ mộng trên phố núi...! Ngồi trong quán cà phê nhìn hạt mưa bay qua khung cửa sổ..., khói thuốc vàng tay không sưởi nổi tâm hồn. Từng nhịp tim thổn thức u hoài - nhớ về một lần tiễn đưa, một lần hẹn ước!

     Ba Nhảy ngưng đàn, lấy tay đập... đập... vô thùng đàn nói - Giọng anh Tư còn rung động lắm, không phải giọng rượu rè rè... như giọng tụi tui.

     Tôi nhìn anh em một lượt rồi nói tiếp:

     - Những bài hát viết về: Người lính, về tình yêu, về quê hương, đất nước của các nhạc sĩ, ca sĩ miền Nam. Sau ngày "thống nhất" cách mạng gọi một cách, miệt thị, là: "nhạc sến, nhạc vàng, nhạc ngụy" - cấm hát? Cách mạng cấm, nhưng người yêu nhạc từ Nam chí Bắc vẫn ngang nhiên hát... lời ca, tiếng nhạc, giai điệu mượt mà xuất phát từ trái tim đầy tính nhân bản, yêu thương... thấm sâu vào lòng quê hương... Vậy thì tại sao nói nền âm nhạc miền Nam là nhạc: "phản động, là văn hóa đồi trụy"? Bây giờ có còn ai ngồi ngâm nga hát... "Bài ca năm tấn -  Sóc bom bo - Anh Ba Hưng...". Cuối cùng rồi nhà nước cũng đã nhận ra "chân lý" chấp nhận sự thực - cho phép hát! Không cho phép cũng không được, lời ca tiếng nhạc đã vượt không gian, vượt thời gian, bay bổng qua bên kia bờ đại dương - tồn tại mãi mãi! Như vậy, đứng về mặt: "Âm nhạc, Văn hóa văn học, Nghệ thuật, Báo chí...". Miền Nam tự do đã... thắng! Chúng ta không cô đơn trong cái hẻm cụt nầy phải không các anh em?

      Mọi người vỗ tay...! Nghiêm - Ba Nhảy nói:

    - Anh Tư đại ca phân tích quá đúng, trên cả tuyệt vời! Anh Tư không nói ra thì tụi tui cũng không biết chi hết! Anh Tư đã cho bọn em được mở mang trí não. Cảm ơn đại ca anh Tư nhiều! Nào, hãy cạn ly!  Ba Nhảy "hồ hởi" so dây hát luôn một hơi:

      ...Sài gòn đẹp lắm, Sai gòn ơi! Sai Gòn ơi...! la lá la...! Sài Gòn...". Tất cả vỗ tay hát theo, không khí thiệt là vui...!

                                  ***
     Đất vườn của bà Hai Cổ Cò còn rộng. Đất nhà bà là đất hương hỏa ông bà để lại, có bằng khoán, nhưng bây giờ là "đất của toàn dân" đã được "quy hoạch"! Gia đình bà cần tiền kêu bán cái ao giá rẻ như cho: Hai chỉ rưỡi vàng! Nhưng chẳng mấy ai dám đến mua! Ông Sáu Ngoảnh "cò nhà đất" nghe tin chạy vô mua liền! (một lần ngoảnh đã buồn, ngoảnh đến sáu lần, quá vô tình) . Ông thuê xe ba gác chở cát vô "giải phóng bằng phẳng, phân lô bán nền". Miếng đất ao đó phân ra được mười lô, mỗi lô rộng bốn thước nhơn cho mười sáu thước. (4x16). Ông bán mỗi lô nghe đâu đến: Một "cây" vàng? Ông chi phí "thuốc men" các cái... cũng còn lời khẳm! Toàn là người lạ - giàu tiền, lắm bạc... ở đâu đến mua! Ông Sáu Ngoảnh bán đất viết bằng "giấy tay", ông cam đoan sẽ "hợp thức hóa giấy tờ chủ quyền đất" cho người mua.

     Người dân trong vùng "quy hoạch" lâu nay ai cũng thuộc lòng mấy câu:

     - "Cụm dân cư khu vực nầy sẽ được giải tỏa xây chung cư... Cấm cất nhà kiên cố, hay mua bán sang nhượng. Người dân nào muốn: chống dột, chống thấm, thay nền, đảo ngói... phải làm đơn xin phép lên ủy ban nhân dân Phường!".

     Phường đã ra "nghị quyết" như vậy mà ông Tám Ngoảnh nầy còn dám ngang nhiên mua bán đất tỉnh queo? Ông ta có ngán ai đâu nà! Mấy người mua nền đất cũng "vô tư"mua, có ngán ai đâu nà! Thiệt là chẳng hiểu nổi! Khoảng đâu ba bốn tháng sau người dân trong hẻm cụt thấy mấy ông bà mua nền đất - kéo chở "vật tư" thợ hồ đến "ngang nhiên" xây nhà ào ào...

     - "Chuyện nầy hơi kỳ lạ thiệt đó à nghen? Tại sao không thấy các ông: - công an khu vực - mấy ông cán bộ ở trên Ủy ban nhân dân Phường xuống lập biên bản dzậy cà"? Chắc là mấy ổng ấy bận trăm công nghìn việc chưa biết đó thôi!

     Vậy là dân trong hẻm bắt chước xây nhà, sửa nhà, dù là xây nhà "cấp bốn" tạm bợ... Một buổi chiều trời mưa rơi rơi... ngồi nhìn nước ngập đầy hẻm mà buồn da diết! Mọi người thấy bà "Tổ trưởng dân phố" xăn quần lội bì bõm... đến từng nhà, báo Tin mừng...!

     - " Rằng tới ngày kia...Các ông cán bộ ở trên Ủy ban nhân dân Phường, Quận, xuống định giá mỗi hộ vui lòng đóng một số tiền - (Dân và nhà nước cùng làm): Gắn đồng hồ nước, gắn đồng hồ điện, đặt cống thoát nước, phủ bê tông con hẻm. Dựng một cái cổng tại đầu hẻm - trương bảng Tổ Hẻm Văn Hóa"!

     Dân sống trong con hẻm mừng như bắt được vàng...! Mọi người nhốn nháo bàn tán xôn xao cả mấy hôm liền... đến quên cả ăn, quên cả ngủ... đúng là niềm vui to lớn đã đến! Khi bình tỉnh trở lại, tính ra thì thấy số tiền đóng góp cũng... nhiều... nhiều... khi đó mọi người mới nhìn nhau cau mày lo lắng! Lo tiền đóng cho nhà nước đã đành, còn cái lo nữa là - Tráng bê tông hẻm thì phải nâng nền hẽm lên cao ít nhất cũng phải nửa thước. Vậy là phải nâng nền nhà, không nâng nền nhà mưa ngập trở thành cái ao nuôi cá! Nhưng nghĩ đi, nghĩ  lại... lâu nay nhà nước thường hay nói:

     - "Sau cuộc chiến tranh trường kỳ chống Mỹ xâm lăng cứu nước, đã thống nhất, nhưng đất nước ta còn nghèo! Kêu gọi đóng góp là thể hiện lòng yêu nước...".

     Vậy là mọi người im lặng "hồ hởi" phấn khởi... chạy đi gom tiền. Ai thiếu tiền thì... đi vay, đi mượn... dù tiền vay mượn lãi có cao ngút trời cũng ráng chịu để nắm bắt cho bằng được cái "mơ ước" bao năm nay cho thật nhanh, để vụt lần nầy thì không biết đến bao giờ mới có dịp may khác. Sắp tới đây sẽ không còn cái cảnh. Mỗi buổi sáng sớm, mỗi chiều tối, mọi người già trẻ đứng - Xếp thùng, xếp xô... dài dài bên hông nhà của vợ chồng lão Tương đợi đến phiên hứng cho được một thùng nước mà ngao ngán tình đời! Nước chảy quá yếu, hay cúp nước thì càng thê thảm hơn!

     Hôm toán thợ của "công ty nhà nước" hoàn thành công việc: Cán bê tông, nước đã chảy, điện đã sáng, mọi người vui như trẩy hội...! Ngoài đầu hẻm có hai người - một nam, một nữ đứng dòm vô... Đó là, hai vợ chồng nhà Lão Tương!

     ....... 

     Sau một thời gian chờ đợi...! Gia đình tôi mới được đi định cư ở nước ngoài "...được đi thì cứ đi, cây cột đèn biết đi nó cũng đi!".Gia đình làm bữa cơm chia tay.

     Tôi nói với ông cậu vợ rằng:
    
     - Mấy năm nay thằng cháu rễ của cậu mần "ngụy nằm vùng, bắc cóc" cháu gái của cậu, cậu có buồn không?

       Hai cậu cháu cụng ly...! Ông cậu vợ cười... khà... khà...!

     - ...Cái thằng Tư nầy hỏi... thiệt là ngộ! Lâu nay cậu tụi bay vẫn thấy thằng Tư "nằm vùng bắt cóc" đứa cháu gái thân yêu của cậu mỗi ngày đó chớ...! Cả nhà cùng cười...! Tụi bay thử hỏi cô Năm - mẹ của tụi bay coi, chưa bao giờ ông cậu nầy nghĩ tụi bay là... ngụy nọ, ngụy kia! Gia đình cháu đi qua bển mần ăn, khi nào có dịp về thăm nhớ cho cậu chai rượu Tây đó nghen!

     Mới có bốn năm năm xa cách mà tin dữ dồn dập bay qua: "...Nào là: Chín Cu chết do ung thư gan...! Nào là: Út Say, Việt kiều Kampuchia chết già...! Lâm Bắt Heo cũng chết do té xe bị "chấn thương sọ não"! Sơn - Thiếu úy, đời nhà về cầu Ông Thìn...? Thành - Hai Bánh, tức Hai Liếm theo vợ về quê ở cầu Đa Khoa nào đó...? Ba Ngôn, cùng vợ con chuyển xuống Long An...? Riêng Ba Nhảy tuy còn "bám trụ", nhưng sức khỏe yếu kém không còn chống nạng đi bán vé số nổi nữa, ở nhà phụ vợ bán cà phê cho qua ngày chứ xem ra cũng ế ẩm! Đàn ông thanh niên bây chừ, thích uống - cà phê ôm, cà phê võng, cà phê đèn mờ... Đã có vài người nhiều tiền "gạ gẫm"... mua cái nhà cấp bốn của Ba Nhảy với giá "cao" để cơi nới... Không biết lần nầy Ba Nhảy sẽ nhảy về đâu...? Bây chừ Ba Nhảy đâu cần cái tờ "di chúc" của mẹ để hiểu cái tên "Ba Nhảy" là do ai đặt cho nữa? Phải nhảy nhiều lần chứ đâu chỉ có... ba cái nhảy rồi thôi? Vợ chồng nhà lão Tương - đáo cuộc gia mê, "hồi đầu thị ngạn"! Gõ mõ... ăn chay...!  

     Thuở con hẻm cụt chìm sâu trong màu đen tăm tối thì anh em chiến hữu vô ra vẫn còn thấy mặt nhau. Bây giờ nước điện đầy đủ, đường hẻm cao ráo... mọi người lại bỏ ra đi mỗi người mỗi phương? Hẻm cụt mà ở cũng không yên! Tôi chợt nhớ đến câu hát: Thượng đế hỡi hãy lắng nghe người dân hiền...! Các bạn hữu - huynh đệ chi binh của tôi ơi, mấy chục năm qua chúng ta sống với nhau trong tình đồng đội, tình láng giềng chứa chan như bát nước đầy!  Anh em chúng ta âm thầm chịu đựng tủi nhục trước sự đổi thay một cách oan nghiệt, chúng ta không đổ thừa, không thù hận, nuối tiếc. Chúng ta vui vẻ chấp nhận đi cho hết một vòng lịch sử. Tổ quốc lúc nào cũng cần những người chiến sĩ vô danh! Tổ quốc lúc nào cũng ghi ơn những người con bỏ mình để gìn giữ quê hương đất nước!

     Dù là ở nơi xa, nhưng Tư tôi lúc nào cũng mang cái hẻm cụt nặng trĩu ở trong lòng!


Trang Y Hạ
Tặng Thầy TXD &
Lúc nào cũng nhớ các bạn!







       




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét