Thư viện

3/12/17

Độ Lượng với Tử Tù


Độ Lượng với Tử Tù

Trang Y Hạ

       Đọc trong cuốn sách “Tư Trị Thông Giám” có câu chuyện kể về một sự kiện rất lạ lùng. Đó là giao ước với tử tù của triều đại nhà Đường.

     Để hiểu thêm câu chuyện lạ lùng, thiết nghĩ nên đi ngược về lịch sử đời nhà Chu. Vua Chu Văn Vương cũng có chuyện lạ lùng. Trong lãnh địa nhà Chu, có một vùng đất rộng lớn gọi là đất Tân Kỳ. Vùng đất nầy không xây nhà tù. Nhà vua bèn khoanh một vòng tròn dưới đất và nhốt tất cả tù nhân vô trong cái vòng đó. Thế nhưng không một người tù nào bỏ trốn. Chính vua Chu Văn Vương trước đó, ông cũng từng bị tù ở Dĩu Lý, bảy năm. Ông để lại câu nói nổi tiếng “Nhựt nhựt tại tù, thiên thu tại ngoại hề”.

     Giao ước với tử tù đời nhà Đường, như sau:

     Mùa đông, tháng chạp nơi kinh đô Tràng An tuyết rơi rất dày... Buổi sáng, vua Đường Thái Tông ngồi nhìn tuyết rơi, và rồi nhà vua chợt nhớ tới lời tâu của quan Thượng thư bộ hộ kiêm Đại Lý Tự Khanh là, Đái Tụ - về việc - phải tử hình - ba trăm chín mươi tử tù [390] nội trong ngày hôm nay. Nhà vua ban chiếu chỉ, đi kiểm tra nhà lao… Những người tử tội đã mấy lần được trình lên vua xin minh xét cho giảm án, nhưng vì tội của họ gây ra quá nặng, không thể giảm nhẹ thêm được nữa, đành phải đưa ra pháp trường xử trảm. Đó là năm Trịnh Quán thứ bảy nhà Đường.

     Đôi lời nói về vua Thái Tông:

     Lý Thế dân là con thứ của Đường Cao Tổ. Ông là người thông minh, tuấn tú, văn võ song toàn, ông lên ngôi vua có niên hiệu là Trịnh Quán. Đó là vị hoàng đế thứ hai của triều đại nhà Đường, trị vì từ năm 626 tới năm 649. Ông biết "chiêu hiền đãi sĩ, thưởng phạt công minh”… Người tài giỏi tin tưởng về quy thuận triều đình rất đông. Văn thì có: Phòng Huyền Linh, Nguy Trưng... Võ thì có: Lý Tịnh, Lý Tịch... Sau khi đại sư Trần Huyền Trang lên đường đi thỉnh kinh bên Tây Trúc trở về an toàn. Nhà vua ban chiếu thỉnh nguyện đại sư, dịch: Kinh Phật, mở đầu cho công cuộc truyền bá văn hóa ra nước ngoài... Ngoài ra nhà vua còn ban chiếu thỉnh đại sư, dịch kinh Đại Bác Nhã gồm: sáu trăm quyển [600] ra tiếng Tàu.
    
     Đám tội nhân được đem ra pháp trường xử trảm là những kẻ gây ra tội độc ác, mà trời không dung, đất không tha. Tuy biết là vậy, nhưng trong lòng nhà vua Đường Thái Tông lại nghĩ rằng:

      "Con chim sắp chết ắt sẽ cất tiếng hót rất bi thương, người sắp chết chắc chắn cũng có lòng ăn năn, hối hận những việc làm độc ác do chính mình gây ra".

     Vậy thì tại sao không chịu lắng nghe tiếng nói cuối cùng của họ bày tỏ như thế nào. Tiếng nói cuối cùng của họ cũng là một bài học cho những người khác chưa phạm tội… Dù sao đi nữa họ cũng là con người, còn ăn, còn thở là còn phạm tội, trước khi bị hành quyết hãy nghe nọ nói… Từ ý nghĩ nhân ái đó, nhà vua quyết định phải đi gặp tử tù.

     Nhà tù được được tin nhà vua ghé thăm. Tất cả cai ngục và các tù nhân ăn mặc chỉnh tề tập trung tại một phòng lớn, tất cả tử tù đều quỳ rạp cúi đầu... Đối mặt với 390 tử tội nhà vua đi thẳng vô vấn đề - dõng dạc tuyên bố: Trẫm muốn hỏi các người hai điều, các ngươi hãy trả lời thành thực cho Trẫm biết.

     Trên từng khuôn mặt u uẩn, nặng nề của kẻ sắp chết. (Được phép cho đứng dậy và ngửng mặt). Đám người tử tù ngước mắt nhìn vị vua với ánh mắt long lanh, chờ đợi và cũng cảm thấy vô cùng hổ thẹn bởi những tội lỗi đã từng gây ra trong quá khứ...!

      Các tội nhân nghe Trẫm phán đây:

     - Một, các người đã phạm tội và chịu án nhiều năm - qua mấy lần xét giảm án nhưng tội lỗi của các người không thể xét giảm thêm được nữa. Vậy các người có bằng lòng với bản án tử hình mà Triều Đình phán xử hay không?

     - Thưa Thánh Thượng vạn tuế…! Triều đình đã xử đúng. Chúng tôi không bị xử oan, tội lỗi chúng tôi gây ra chúng tôi sẵn sàng chịu tội chết!

     -  Được lắm! Trẫm khen các người đã thành tâm nhận lỗi. Vậy trẫm cho các người nói lên nguyện vọng cuối cùng trước khi bị xử trảm. Các ngươi cứ thẳng thắn nói ra, đừng e ngại.

     Các người tử tù nhìn vị hoàng đế, rồi quay ra nhìn lại nhau... Và, hình như kẻ sắp chết có một linh tính - họ giữ trật tự, đưa mắt tìm một người đại diện... Người tù già nhứt, vội vàng quỳ xuống khấu đầu lạy nhà vua - ba lạy sát đất! Người tù già ngửng mặt lên, đôi mắt rưng rưng ngấn lệ nghẹn ngào, nói:

     - Thưa Thánh Thượng anh minh. Chúng tôi xin Thánh thượng ban cho một ân huệ cuối cùng trước khi chịu chết. Dám xin hoàng thượng cho bọn tử tội chúng tôi được về nhà nói lời vĩnh biệt cùng cha mẹ, vợ con… Chúng tôi hứa sẽ trở lại nhà lao đầy đủ để chịu xử trảm.

     Nhà vua hơi do dự... Nhà vua nhìn hết các tử tù rồi nói:

     - Tất cả các ngươi cũng mong được về nhà thăm cha mẹ, vợ con chứ?

     Tất các các tử tội đồng thanh nói:

     - Muôn tâu thánh thượng. Xin thánh thượng ban ơn! Tất cả chúng tôi muốn về thăm nhà! Chúng tôi cũng muốn về thăm nhà!... Chúng tôi sẽ trở lại đúng thời hạn để chịu án tử hình

     Nhà vua, nói:

     - Tất cả các người đã thành tâm thì các người hãy cùng trẫm đây lập ra một ước hẹn, các người có bằng lòng lập “ ước hẹn” với trẫm không?

     - Thánh thượng vạn tuế! Chúng tôi xin bằng lòng!

     - Được lắm! Nhà vua, nói: Kể từ bây giờ tất cả các người sẽ được về thăm gia đình... Trong thời gian các ngươi về thăm gia đình, triều đình không hề cử người đi theo dõi, hoặc giám sát các ngươi dưới mọi hình thức.

     Tất cả tử tội đều bàng hoàng sững sờ, hết nhìn vị Thánh thượng rồi nhìn lại nhau, không ai dám mở miệng nói một tiếng nào. Họ im lặng giây lầu rồi đồng thanh quỳ rạp tung hô - Thánh thượng anh minh! Đội ơn Thánh thượng!

      Hoàng đế Thái Tông đưa mắt nhìn các tử tù một cách nghiêm khắc, nói:
    
     - Lời giao ước đã đặt ra, nhưng các ngươi cần phải hứa với trẫm, là tất cả sẽ quay trở về nhà lao đầy đủ. Các người trở lại nhà lao đúng vào buổi trưa ngày mồng 4 tháng 9 sang năm. Trẫm yêu cầu tất cả trở lại không thiếu một ai; tất cả hãy tự giác trở lại đại lao cho kịp thời hạn để chịu tội và nhận bản án tử hình mà triều đình đã tuyên án. Các người có giữ đúng giao ước được không?
     
     - Tất cả tử tù đều đồng thanh hô vang…! Chúng tôi sẽ trở lại đúng hẹn. Chúng tôi sẽ giữ đúng giao ước. Thánh thượng vạn vạn tuế…!
     
     Quan Bộ hộ kiêm Lý Tự Khanh, lo sợ, lật đật chạy lại nhỏ nhẹ tâu với nhà vua:
   
     - Thưa Thánh thượng! Bọn họ là những người - Cướp của, hiếp dâm, đốt nhà, giết người... Không chuyện gì mà họ không dám làm. Thánh thượng cho họ về mà không chịu sự giám sát, họ bỏ chạy trốn hết thì biết làm sao đây? Tới lúc đó triều đình “truy nã” họ thì khó khăn tới trăm bề lại tốn rất nhiều ngân quỹ...! Lại nữa, là trong thời gian bọn họ trở về nhà quá lâu, không chừng họ lại - ngựa quen đường cũ mà đi cướp bóc, giết người làm cho bá tánh thêm khổ.

      Vua Thái Tông cương quyết giữ ý kiến và nói với quan Thượng thư bộ hộ:

- Trẫm dùng lòng thành của trẫm để đổi lấy lòng trung của họ. Trẫm thiết nghĩ họ sẽ không phản bội lòng tin của trẫm. Trẫm tin họ cũng không dám bội ước.

     Dân chúng hay tin nhà vua tha cho tử tội về nhà thăm gia đình mà không có sự giám sát nên đâm ra lo lắng, hồi hộp... Nhưng họ nghĩ rằng - nhà vua có tấm lòng nhân ái, thiết nghĩ tù nhân mang ơn chắc không tới nỗi gây thêm án hoặc thay tên đổi họ mà bỏ trốn.

                                           ***
     Giao ước ngày 4 tháng 9 - giữa Hoàng đế Đường Thái Tông và các tử tù cũng đã tới ngày hết hạn. Dân chúng ở kinh đô Tràng An và các nơi khác hay tin, ùn ùn kéo nhau về hoàng thành đông như một ngày lễ hội lớn. Họ cá cược với nhau không khác gì một canh bạc đầy cân não. Quảng trường chật kín người, ai cũng nôn nóng thấy các tù nhân có giữ đúng giao ước với Thánh thượng hay không. "Trở lại để chết sao? Đây là dịp may hiếm có, ai dại gì mà trở lại chịu chết!". Đa phần người dân nghĩ như vậy. Người dân nghĩ vậy cũng không sai. Tâm lý chung xưa nay là "trốn ẩn dật, thay tên đổi họ" để giữ mạng sống là bản tính ham sống của con người!

     Trên khán đài nhà vua cùng quần thần - tâm trạng của họ có lẽ cũng không khác mấy tâm trạng của người dân bình thường. Tất cả đều lo lắng, giây phút chờ đợi nặng nề trôi qua… Bầu không khí nơi quãng trường như vỡ tung ra, khi mà họ chứng kiến các người tử tù lần lược tiến vô sân… - Từng người một... người một... con số đã lên tới - ba trăm; ba trăm rưỡi; ba trăm tám; ba trăm tám mươi chín. Vậy là chỉ còn thiếu có mỗi một người. Thời gian gần cạn, mọi người, kể cả tử tù đều lo lắng…Một canh giờ... hai canh giờ chờ đợi thêm nặng nề trôi qua. Tất cả tử tù đã tới trước đều cúi gầm mặt...! Trong lòng họ cảm thấy bất an, cảm thấy hổ thẹn vì một người trong số họ không trở về, thì xem như đã phá vỡ giao ước với Thánh thượng.

     Có nhiều người dân nói to:

     - Một tử tù đã bỏ trốn rồi! Hãy thi hành lệnh xử trảm...!

       Quan bộ Thượng thư bộ hộ kiêm lý tự khanh, tấu với vua rằng:

     - Thưa Thánh thượng, chắc người tử tù đó không giữ giao ước với Thánh Thượng!... Giờ hành quyết đã tới!

       Hoàng đế bình tĩnh, nói:

     - Hãy đợi thêm một canh giờ nữa. Trẫm tin người cuối cùng sẽ có mặt.

     Giây phút chờ đợi người tù cuối cùng, thật là hồi hộp và cảm động… Cả quãng trường đông nghịt người vậy mà im phăng phắc, im tới nỗi nghe tiếng thở của nhau… Những người tù tới trước, họ tức giận, họ bất bình với tên tử tù có tên là: Từ Phúc Lâm, Từ Phúc lâm quê ở Kinh Kỳ, Phù Phong. Đám tử tù nghĩ:

     “Từ Phúc lâm đã không giữ đúng giao ước với nhà vua, đã bỏ trốn làm ảnh hưởng tới lòng tự trọng của họ, của một tử tù. Hắn đã bội tín với nhà vua tức là cả đám tử tù cũng bội tín với nhà vua”.

     Bỗng mọi người nhốn nháo hẳn lên: … Tới kìa! Tới kìa...! Một chiếc xe ngựa nặng nề từ từ tiến vô quãng trường... Mọi ánh mắt dồn về chiếc xe ngựa... Từ trong xe, một người có thân hình gầy gò, yếu đuối, bệnh hoạn chậm chạp bước xuống xe, tay chống gậy. Từ Phúc Lâm, người tử tù - chậm chạp bước từng bước đi về phía đám tù tử tội đang đứng đợi... Đám tử tù thấy Từ Phúc Lâm hiện diện, trong lòng họ nhẹ nhỏm, mừng vui… Và,… bọn họ òa khóc; họ khóc thật lòng! Họ khóc bởi trước khi chết họ còn giữ được danh dự cuối cùng của một người tử tội. Họ không muốn mắc thêm một tội "bội ước" với Thánh thượng.

     Nhà vua hỏi người tử tù lý do tại sao tới trễ?

    - Người tù Từ Phúc Lâm, trả lời: Thưa thánh thượng. Nhà của tử tù ở qúa xa kinh thành, ngày trở lại chịu án, tử tù bị bịnh dọc đường, phải tìm thầy thuốc chữa trị, lại không ăn uống được, nên cơ thể suy nhược… Xin Thánh thượng tha thứ cho tội tới trễ.

     Bây giờ số tù tử tội đã trình diện đủ số. Đái Trụ hỏi Thánh thượng:

    - Giờ hành quyết đã điểm. Trời đã về chiều, tuyết rơi càng lúc càng dày… Tâu Thánh thượng ban chiếu chỉ giải quyết?

    Đám tù nhân tự động, quỳ xuống cúi đầu, không ai nói với ai lời nào! Cả quãng trường lại một lần nữa - dân chúng im phăng phắc.

    Hoàng đế Thái Tông nhìn chăm chăm vô đám người tử tội.

     Đột nhiên nhà vua tuyên bố:

    - Trẫm đại xá hết thảy các tù nhân. Trẫm tha chết cho các khanh, các khanh được trở về nhà đoàn tụ cùng với gia đình! Giao ước tới đây đã hoàn thiện.

    Nhà vua vừa tuyên bố xong - Ba trăm chín mươi tử tội dập đầu tạ ơn Thánh thượng. Người dân tung hô vạn tuế, vạn tuế…, vị vua trẻ tuổi đầy lòng nhân ái. Dân chúng trở về nhà mở tiệc ăn mừng; cả kinh thành Tràng An không tiếc lời ca ngợi nhà vua trẻ, nhưng sáng suốt đã lấy lòng thành cảm hóa những kẻ có tội tày đình biết ăn năn hối cải.

                                            ***
     Năm thứ mười bốn Trịnh Quán. Phía Tây Vực, họ làm phản xua quân tấn công biên ải nhà Đường… Vua Đường Thái Tông cử tướng Hầu Quân Tập làm thống soái dẫn đoàn viễn chinh đi tiêu diệt quân Tây Vực. Đại quân lên tới mười lăm vạn kỵ binh, và lương thảo… Được tin đất nước xảy ra can qua… Ba trăm chín chục người tử tù được nhà vua tha bổng năm xưa đã tự nguyện xin ra chiến trường. Họ quyết đem phần đời còn lại để phục vụ tổ quốc nhằm chuộc lại lỗi lầm đã gây ra và cũng là để trả ơn vua. Dưới sự điều động của tướng Hầu Quân Tập… Những người tử tù đã chiến đấu hăng say... Tất cả họ đã hy sinh một cách oanh liệt… Tất cả họ đã nằm xuống vĩnh viễn vì sơn hà xã tắc.

     Giao ước với tử tù là giao ước đầy lòng nhân ái - có một không hai trong một xã hội phong kiến thời nhà Đường. Ngày xưa vua Đường đối xử với tử tù đầy lòng nhân ái như vậy. Người thời nay thì sao?

     Ngày nay - ở thời kỳ văn minh - mọi người sống trong một thế giới có luật định: - Liên Hiệp Quốc - Hội Đồng Bảo An -  Hiệp Hội Nhân Quyền - Hiệp Hội Ân Xá Quốc Tế… Phương tiện truyền thông, báo đài đều có đủ... Vậy mà, còn có những nhà cầm quyền độc tài, đối xử với  - tù binh chiến tranh, tù nhân chính trị - rất là tàn độc, như: gán cho họ đủ các thứ tội mơ hồ: tội ngụy quân - tội ngụy quyền - tội bán nước - tội làm tay sai - tội chống phá cách mạng... Bắt họ đi - tù cải tạo - bỏ đói, - lao động tới kiệt sức - chết dần mòn trên rừng sâu nước độc trong nhiều năm.... Người còn sống sót trở về mang trong người đủ thứ tật bệnh, lại thêm khủng hoảng tinh thần. Cái "lý lịch vu vạ" đó ảnh hưởng tới nhiều đời con cháu sau nầy của họ mà suốt kiếp không ngóc đầu lên nổi. Dân chúng không thích sự cai trị độc quyền thì bắt đi "kinh tế mới" trên tận rừng sâu mà không có sự trợ giúp... Dân chúng biểu lộ ý kiến xây dựng một cách ôn hòa thì lại bị bắt đưa đi tù đày... Từ đó, người người (bằng mọi cách) lần lượt bỏ nước ra đi sống lưu vong khắp hành tinh.

     Người dân sống dưới chế độ phong kiến, vua quan. Nhưng các đấng minh quân đã đối xử có tình, có lý với tù nhân. Người dân còn có niềm tin nơi công lý! ./.

Trang Y Hạ, SF. 2010





   





    






    






    



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét