Thư viện

22/1/18

Tháng Chạp Nhớ Nàng Huyền Trân






Tháng Chạp, Nhớ Nàng Huyền Trân

Trang Y Hạ

     Buổi sáng mặt trời còn đang chuẩn bị áo mão để "ra mắt" vạn vật trên quả địa cầu, thì tôi chuẩn bị chạy ra biển. Bầu trời tinh mơ còn tối om và lạnh... Ngọn đèn đường đã mờ lại mờ hơn bởi màng sương vây quanh tạo nên một bức tranh huyền ảo... Nhưng tuyệt nhiên không thấy loài thiêu thân tới tự tử...! Thời gian sớm mai yên tỉnh hầu như mọi nhà còn đang say ngủ, chỉ trừ mấy người đi lao động sớm... Tôi cũng như một số người thích ra biển sớm để tập thể dục... - hít thở mùi biển, nghe giọng nói thì thầm lẫn ồn ào của biển. Biển ở vùng San Francisco rất lạnh chỉ thích hợp cho những người lướt ván. Tôi ra biển tập thể dục vào buổi sáng có hai nguyên nhân. Tôi yêu biển và tôi yêu những hình bóng thân yêu từ bên kia bờ đại dương. Mỗi buổi sáng như vậy tôi cảm nhận như là được nghe lời nói của họ vọng sang...!

     Tháng chạp...! Ừ, là tháng chạp...! Ở chỗ tôi không có tháng chạp, mặc dù trong lòng tôi tháng chạp chất chứa biết bao nhiêu kỷ niệm vui buồn từ những lần chia ly mà chưa một lần được "châu về hiệp phố". Con thuyền tha hương cứ mãi lênh đênh...!

     Sáng nay tôi đang đang pha cà-phê thì nhận đươc cuộc gọi của người em - con ông chú:

     - "Anh hai ơi! Hôm nay là ngày chạp mả...".

     Tôi thật sự xúc động... Vị đắng của ly cà phê bữa nay càng đắng thêm... Và, chính vị đắng đó đã làm cho vùng ký ức trong đầu tôi trỗi dậy... Tôi xa quê đã nhiều năm; xa vì lý do gì thì tôi chưa biết vì lúc đó tôi còn quá nhỏ... Tôi nhớ có một lần - năm tôi được sáu tuổi, cha tôi dẫn tôi đi chạp mả... Mọi người dọn cỏ trên các nấm mộ ông bà..., rồi sau đó kéo về nhà thờ tự cúng bái, ăn uống... Trời tháng chạp - mưa phùn, gió bất lạnh lùng, nhưng không khí buổi chạp mả - bà con giòng tộc tụ về đông vui - nơi nhà thờ tự khói nhang nghi ngút - trang nghiêm và ấm áp. Đó là lần chạp mả đầu tiên và cuối cùng trong cuộc đời ba chìm bảy nổi của tôi.

     Trước đây khoảng mười năm. Một đứa cháu kêu tôi bằng bác nói rằng:

     - "Bác hai phải về nơi sinh ra trước tuổi bảy mươi".

    Lúc đó tôi không hiểu ý câu nói của đứa cháu. Thời gian sau tôi mới hiểu... Đúng là phải về trước tuổi bảy mươi, để còn tỉnh táo nhận diện gia phả... Phải còn tỉnh táo, khỏe mạnh để mà "cụng ly" với ông bà tổ tiên; cụng ly với đàn em; với cháu chắt và nhất là đầu óc còn sáng suốt để nghe kể lại bao thăng trầm của giòng tộc...! 
                                        oOo

     Tôi tha phương vì những nguyên do của lịch sử phải dẫn tới tù đày và lưu vong để tìm nơi chốn nương thân. Tôi tự hào là đã sinh ra ở xứ Quế Sơn [núi quế] Quảng Nam. Tôi nhớ nàng công chúa Huyền Trân từ mấy trăm năm trước, nàng cũng ly hương nhưng nàng đã đem về cho tổ quốc một vùng đất rộng lớn  - Đó là hai châu Ô, Lý. Vùng đất nầy từ xa xưa có hai thứ thổ sản. Một là trái Bòn bon. Hai là cây Quế. Đó là chưa nói tới các thứ khác…!

     Theo chính sử. Một phần đất phía bắc Quảng Nam - Lấy con sông Tranh từ thượng nguồn chảy xuống Đại Lộc, thì dòng sông Tranh có tên gọi khác là sông Vu Gia. Sông Vu Gia tiếp tục chảy ra Bàn Thạch giáp giữa (Duy Xuyên và Điện Bàn). Dòng sông nầy là ranh giới phân định giữa Việt Nam và Chiêm Thành - [kể từ khi vua Chế Mân cắt hai châu Ô Lý dâng cho vua Trần Nhân Tông để xin cưới nàng công chúa xinh đẹp - Huyền Trân]. Chính sử ghi: Công chúa Huyền Trân và đoàn tùy tùng tới thành Đồ Bàn [Bình Định] để nhận lễ tấn phong Hoàng Hậu nước Chiêm Thành. Theo lễ nghi tôn giáo trước khi tấn phong Hoàng Hậu, Công Chúa Huyền Trân phải ghé thánh địa Mỹ Sơn [Trà Kiệu] trước, để gặp nhà vua Chế Mân đang đợi sẵn ở đó để cùng cúng tế...!

     Trên đường đi vô "quê chồng" khúc khuỷu quanh co... Công Chúa cảm thấy mệt mỏi nên ra lệnh cho đoàn tùy tùng dừng chân nghỉ bên dòng sông... Đứng trước cảnh núi non trùng trùng điệp điệp..., Công Chúa hỏi đoàn tùy tùng nơi đây là đâu...? Và, Công Chúa được biết dòng sông nầy là biên giới cuối cùng của nước Việt. Thân gái dặm trường lại thêm nỗi nhớ nhà; nỗi thương cảm cho thân phận mình trong những ngày tới sống lẻ loi nơi đất khách quê người...! Nàng công chúa khóc thầm... Và lạ thay, một giọt nước mắt lăn xuống dòng sông nhưng không hòa tan theo dòng nước mà lại trầm xuống đáy sông. Giọt nước mắt ấy đã hóa ngọc, đêm đêm nổi lên soi sáng cả một vùng sơn lâm vắng lặng. Bến sông nầy được đặt tên là Bến Giằng, nhằm ghi nhớ lại sự giằng xé tâm tư của cô công chúa xinh đẹp xót xa cho cuộc "hôn nhân ngoại giao". Xót xa cho phận gái - vì nhà, vì nước mà phải ưng chịu lấy ngoại nhân làm chồng. Nàng Công Chúa nước Việt đành gạt nước mắt bước chân xuống thuyền qua bên kia biên giới của nước Chiêm để làm Hoàng Hậu - vĩnh viễn rời xa tổ quốc! Bữa tiễn đưa phận má hồng đi "lấy chồng" tràn đầy nước mắt. Dư âm buổi chia tay của Công Chúa còn để lại hai câu ca dao. (Tôi sẽ nói trong bài sau).

     Tương truyền còn ghi lại rằng: Cây quế ngày xưa chỉ có vị cay nồng chứ không tỏa mùi thơm.  Chính mùi hương từ mái tóc dài, đen tuyền, óng ả của nàng Công Chúa tỏa ra khắp núi rừng rồi thấm sâu vô cây Quế... Và, từ đó cây quế cho mùi hương của quế... Người ta dùng vỏ quế để chữa bịnh, thân cây quế đẽo làm guốc cũng để chữa bịnh... Câu nói truyền tụng trong vùng Quảng Nam "Gạo châu củi quế" đã nói lên giá trị của cây quế.

     Tháng chạp trở về, nhưng tôi chỉ trở về bằng ký ức.... Tôi còn biền biệt phương xa. Không những tôi còn biền biệt phương xa mà còn nhiều lớp con cháu sinh sau đẻ muộn cũng tiếp nối tôi để rồi biền biệt phương xa với nhiều nguyên do...! Nàng Huyền Trân Công Chúa đi lấy chồng ngoại, chồng của nàng là một ông vua Chiêm Thành trẻ tuổi, hào hoa và nàng đã đem về cho tổ quốc hai châu Ô & Lý. Nàng là Anh Thư nước Việt.

     Mấy trăm năm sau… hậu thân của nàng Công Chúa Huyền Trân là những cô gái Việt ở những vùng quê nghèo, không ruộng đất, không được học hành... Các cô gái đó - họ cũng rất là xinh đẹp, cũng rất là hiền lành, cũng có rất nhiều ước mơ cho hạnh phúc của riêng mình. Nhưng than ôi: "Gia bần tri hiếu tử. Nước loạn thức trung thần". Vì chữ hiếu mà các cô nhắm mắt đưa chân để cho bọn ngoại nhân dùng tiền bạc "lựa" làm vợ hầu mong đổi đời...! Các cô cũng có nhiều "Bến Giằng" trước khi theo chồng bằng máy bay - phó mặc xác thân cho sự may rủi…! Cho dù các cô không đem về cho tổ quốc được một tấc đất nào như Công Chúa Huyền Trân, nhưng bù lại các cô đã mang về cho đất mẹ rất nhiều những đứa cháu ngoại kháu khỉnh...; các cô đem về "ngoại tệ" - trước giúp cha mẹ, anh chị em..., sau là giúp "nhà nước, nước nhà" giàu mạnh. Cha mẹ của các cô rất ư là tự hào vì đã có con gái đi lấy chồng ngoại quốc. Ai có nhiều con gái lấy chồng ngoại quốc là nhà có phước! Dòng tộc thơm lây!

     Ngày mai tôi lại đi ra biển tập thể dục.. Tôi nhìn biển xanh cho đôi mắt thêm xanh. Tôi nhìn sóng cho lòng tôi dậy sóng... Tôi quay về tháng chạp với nỗi lòng của một kẻ tha phương. Tôi vì lịch sử mà phải chịu tha phương đã đành. Nhưng lớp con cháu vì cớ gì mà bắt chước tôi mà tha phương...?!

     Tôi tưởng nhớ nàng Công Chúa Huyền Trân - Nàng có công lớn với quê hương nước Việt. Còn tôi...? Tôi là một kẻ vô tích sự, lang bạc nơi xứ người...!

Trang Y Hạ. SF, 2018



    

    


    

    

     
    

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét