Thư viện

7/1/18

Trả Lại Công Bằng Cho Con Chó





TRẢ LẠI CÔNG BẰNG CHO CON CHÓ

Trang Y Hạ

   Càng biết nhiều về con người, tôi càng yêu con chó của mình.” (Mark Twain).

     Mỗi khi bất bình chuyện gì trong cuộc sống…, là có cự cãi, xỉ vả nhau bằng những lời lẽ nặng nề hoặc chửi thầm, chửi sau lưng... Thiên hạ xưa nay mỗi khi chửi đều đem con chó ra bêu rếu đến tội nghiệp!

     Con chó có tai để nghe, nhưng chó lại không biết nghe tiếng nói của con người, người ta chửi bới nhau đồng thời lôi kéo chó vào chuyện, thị phi; - con chó vẫn tỉnh queo ngồi nhìn các "ông chủ" lấy nó ra làm (đòn kê) để trút nỗi giận… Phải chi con chó biết nghe chút... chút…, vài ba tiếng người chắc chắn sẽ ngoạm vào ống quyển những kẻ chửi nó mấy cái cho bỏ ghét, cái thói chửi mà lại hay bắt quàng nầy nọ.

(Kể ra con người còn có phước, bởi con chó không nghe được tiếng người nên nó mới "trung thành" tới tuyệt đối).

     Con người lấy chó ra chửi thì dùng tất cả chữ nghĩa “khủng khiếp” để sát phạt đối phương xuống hàng “chó” như:

    - Đồ ngu như con chó!
    - Đồ chó chết!
    - Đồ chó đẻ!
    - Đồ chó ghẻ! Chó lác! Chó xà mâu!
    - Đồ chó điên!
    - Đồ chó làm biếng!
    - Đồ chó phản chủ!  
   
    Xưa nay không nghe ai chửi: Đồ … chó “khùng”! Chữ khùng hơi nhẹ, không đủ độ mạt sát để cho sướng mồm. Vả lại, chỉ thấy nhà thương điên chứ không thấy  “Nhà thương khùng!” 

    Người ta lôi chó ra miệt thị vào nhau, nhưng không có một ai nghĩ mình đã xúc phạm ghê gớm đến sự “trung thành và công trạng” của loài chó. Trên thế giới có nhiều loài chó… Nhưng tựu trung, loài chó nào cũng luôn bày tỏ lòng trung thành gần như tuyệt đối với chủ nhân của nó. Trừ: chó sói và chó hoang.

     Chúng ta đã từng nghe ở Nhật Bản, vào năm 1925 có con chó tên Hachico, nằm đợi chủ là ông Giáo Sư Eizaburo suốt mười năm [10] dài tại, nhà ga Shibuya. Ông giáo sư đã vĩnh viễn không trở về... Ngày ngày, con chó của ông ngong ngóng từng chuyến tàu khứ hồi trong sự tuyệt vọng! Tuổi già, cọng với chứng bệnh thấp khớp đau đớn, con chó Hichico đã qua đời trong sự cô đơn... Toàn nước Nhật dành riêng một ngày để tưởng niệm...!Điêu khắc gia Ando Takeshi, được thuê tạc một bức tượng bằng đồng để tưởng nhớ chú chó!

     Vậy, con chó nó có phản chủ không? 

     Câu trả lời là không bao giờ, trừ khi nó bị lên cơn “điên”! Nó tuyệt đối trung thành với chủ - “Chó không chê chủ nhà khó” mà bỏ đi.

     Chính con người mới phản chủ nhiều nhất. Nào là: làm đảo chánh, bán đứng ông chủ, bạn bè, đồng chí cho kẻ khác để lấy tiền. Bán đứng quê hương tổ quốc cho ngoại bang, nhận kẻ thù truyền kiếp làm anh em. Trong đạo Công giáo thì có: Giuda Iscariot bán chúa với ba mươi đồng!

     Con chó có làm biếng không?

     Những người ở nông thôn, con chó là con vật thân thiết nuôi ở trong nhà. Công việc hằng của chó là giữ nhà, chống trộm cắp, đuổi gà, có lúc cũng bắt chuột.

     Chính con người mới làm biếng. Thích ăn ngon, mặc đẹp nhưng lại không chịu làm lụng để nuôi thân, ngược lại, chỉ lo nghĩ cách đi ăn trộm, ăn cướp, ăn cắp..., để cho con chó nó xua đuổi thật xấu hổ vô cùng. Từ đó đâm ra thù vặt với chó, để rồi tìm mọi cách thuốc chó cho chết, bắt trộm chó. Vậy thử hỏi ai là kẻ làm biếng!

     Con chó có điên không?

     Con chó không bao giờ cắn lại chủ của nó trừ khi bị bệnh dại bỏ nhà đi lang thang... Chó phân biệt được người lạ, người quen và luôn luôn cảnh giác kẻ lạ bất cứ ban đêm hay ban ngày. Biết quẩy đuôi, nằm phục xuống đất hay nhảy cẫng lên mừng rỡ khi thấy chủ về. Chủ sai bảo, con chó biết vâng lời. Khi bị chủ la rầy con chó biết phục thiện, nằm im hay chui vô gầm giường...!

     Chính con người mới điên nhiều nhất. Do đó xã hội phải xây Nhà Thương Điên! Dưỡng Trí Viện... Con người luôn vô ơn, phản phúc, chửi cha, mắng mẹ, anh chị em, bạn bè, hàng xóm... Cướp công của người khác làm của mình. Ganh tỵ, thù hằn, thù dai..., làm cản trở sự thăng tiến của người khác. Mỗi khi nắm được quyền hành trong tay thì : “Thượng đội hạ đạp”, vơ vét cho đầy túi tham bất chấp luân thường đạo lý để đạt mục đích, mà không quan tâm gì đến hoàn cảnh đau thương của người khác.

     Con chó có ghẻ không?

     Ghẻ bên ngoài da không những của chó, mà con người cũng có ghẻ. Vậy tại sao chửi chó ghẻ? Chó bị ghẻ, lác, xà mâu... cũng bắt ăn thịt và khen ngon kia mà!

     Chính con người ở dơ, không tắm mới sinh ra ghẻ. Mấy ông bà đi tù “học tập cải tạo” sau năm 1975, bị biệt giam, không cho tắm nên ghẻ lác đầy người! Nhưng ghẻ ngoài da thì chữa hết, còn ghẻ trong đầu thì rất khó chữa. Người ích kỷ nhìn ai hơn mình là tìm mọi cách nói xấu hoặc phá thối... Thí du: Quăng phân pha nhớt vô nhà người ta, phá hoại hoa màu người ta, ném đá dấu tay, chụp mũ người bất đồng chính kiến với mình là: “lực lương thù địch, là phản động, là ngụy nầy ngụy nọ”! Những bịnh ghẻ nầy rất khó trị. Hình như không có thuốc chữa!

Đồ chó đẻ (?)

Câu nầy chửi nặng lắm! 

- Mầy là thằng chó đẻ!

     Chửi quá vô lý. Dù có chửi theo nghĩa bóng hay nghĩa đen gì... gì... đi chăng nữa thì cách chửi nầy vẫn xem là thiếu giáo dục. Chó đẻ, thì có chó con để nuôi thậm chí đem cho hàng xóm, bạn hữu hoặc đem ra chợ bán. Vậy thì mắc mớ chi lại chửi “đồ chó đẻ?”.

     Đồ cho chết?

     Câu chửi nầy cũng lạ nữa. Chó chết thì làm thịt...( Ăn thịt chó, nói chuyện chó, đánh lộn tranh ăn như chó), xưa nay là vậy cả mà. Chó nào mà không chết? Chó bị xe cán, không cần biết là chó của ai, cứ lao ra xách chạy về nhà mần thịt ăn tỉnh queo...!

    Làm người khi đất nước lâm nguy đem thân ra chiến trường chống giặc dù có chết cũng vinh hiển, được tổ quốc ghi ơn tưởng nhớ muôn đời. Ngược lại sợ chết trốn tránh hay khi chiến đấu mà thấy quân địch quá mạnh, đâm ra lo sợ, bỏ quân ngũ tẩu thoát, để mặc cho anh em đồng đội ở lại chiến đấu. Đó mới là đồ chó chết. Ăn nhậu say sỉn phá làng, phá xóm, đánh lộn vỡ đầu mà chết, thì cũng thua đồ chó chết!

     Đồ ngu như chó ?

     Con chó có ngu đâu mà chửi nó ngu, “Lạc đường nắm đuôi chó” kia mà! Chó đi đến đâu chỉ cần gảnh chân xịt chút nước tiểu vô gốc cây, hay chỗ nào thuận tiện dễ nhớ, dầu có thất lạc chó vẫn đánh hơi tìm về nhà dễ dàng. Con chó rất có tình nghĩa với chủ của nó; chó không bao giờ thù vặt như con người. Người chủ có bạc đãi đánh đập chó, con chó cũng không bỏ nhà ra đi. Dù có đi năm ba bữa chó cũng tìm về quẫy đuôi mừng rỡ, nhìn thái độ người chủ có xua đuổi nữa hay không. Khi người chủ vuốt ve, cho chó ăn là chó quên hết chuyện cũ. Tình cảm con chó dành cho người rất sâu nặng.

    Chính con người chúng ta mới ngu nhiều, ngu vô chương, vô hồi... Người không biết chữ ngu đã đành! Người có ăn học, có bằng cấp đầy mình cũng ngu! Cho nên mới có câu: “Không có cái ngu nào giống cái ngu nào” là đúng lắm! Ngu trong suy nghĩ; ngu trong việc làm hằng ngày; ngu trong lời nói khi giao thiệp với mọi người; ngu trong hành động như: Đánh đập chửi bới vợ con, cha mẹ, bạn hữu, hàng xóm…! Ngu mênh mông, ngu bao la, ngu triền miên như vậy thì từ nay đừng chửi - "Ngu như con chó"!

     Câu chuyện có thật được kể lại: Tại vùng quê Quảng Nam có hai chồng sống bằng nghề nông. Một hôm chị vợ chuyển dạ sinh con, anh chồng nhờ bà hàng xóm trông nôm dùm vợ, rồi anh chồng vội vàng chạy qua làng bên thỉnh bà mụ. Khi trở về anh ta thấy một con chó con chưa mở mắt, không biết của ai bỏ trước cửa nhà. Nhìn quanh chẳng thấy người nào. Vậy là anh ta ẵm vô nhà nuôi và nghĩ “Mèo đến nhà thì khó, chó đến nhà thì sang”. Hơn nữa, vợ sắp sinh biết đâu là điềm may mắn đem đến cho gia đình!

     Vợ anh ta sinh ra một đứa bé gái khá xinh, càng lớn trông càng đẹp, hai vợ chồng rất cưng... Khi bé lớn khôn, chó và cô bé như đôi bạn thân thiết... Gặp lúc cảnh nhà túng quẩn, hơn nữa anh ta cho rằng con chó cũng đã già - sáu năm tuổi - bằng tuổi bé gái con anh, nên anh ta bán con chó cho người lái buôn ở xa.

     Mấy ngày sau con gái anh ta phát bịnh nằm liệt giường, không ăn uống. Thương hoàn cảnh nghèo của anh, thầy lang trong làng bốc thuốc giúp nhưng bệnh vẫn không thuyên giảm. Nhìn con gái ốm tong teo như cái xác mà không có cách gì cứu! Một đêm mưa gió tầm tã vợ chồng anh ta nghe tiếng động cào cào ở bên ngoài vách nhà… Hai vợ chồng xách đèn mở cửa ra thì thấy con chó của anh ta đã bán vào tháng trước - nay trở về, trên mình bê bết máu và què một chân sau. Thấy vợ chồng anh, con chó mừng rỡ bò tới và quẩy đuôi liên tục...!

     Từ lúc con chó trở về, bé gái hết bịnh, vui vẻ ăn uống và sức khỏe bình thường trở lại. Mọi người cho rằng con bé nhớ con chó mà sinh bệnh, còn con chó cũng nhớ cô chủ nhỏ của nó mà tìm mọi cách thoát thân dù mang đầy thương tích.

     Công trạng của loài chó thì nhiều lắm. Từ cứu người, canh giữ nhà của, đi săn bắn… Chó tham gia trong các cuộc chiến tranh gọi là "Đội Quân Khuyển", lập nhiều công trạng cũng được mang cấp bậc như người. Chó đánh hơi rất tài - chó đánh hơi phát giác ma túy, chất nổ của bọn khủng bố... Có chú chó mang tới cấp bậc Thiếu tá và được bảo vệ nghiêm ngặt. Có chú chó mà bọn buôn bán ma túy cho là quá “nguy hiểm” đến nỗi bọn chúng treo giải thưởng đến năm triệu đô la cho ai giết được... Chó còn trừ tà, trảm yêu nữa.

     Ở miền quê nuôi chó rất dễ, cơm thừa, canh cặn, xương xóc chó đều ăn sạch. Không có cơm cho chó ăn thường bữa, thì chó cũng biết cách đi tìm nguồn “thực phẩm” khác. Nhưng bây giờ con người văn minh sạch sẽ, nhà nào cũng có nhà xí, chí ít cũng có cái “cầu tõm” trên ao. Cho nên loài chó thời "computer" chạy đi kiếm món ăn “gia truyền” của chó cũng lắm nhiêu khê chứ chẳng chơi! Tội nghiệp cho con chó quá chừng!

     Ở bên Hoa Kỳ người ta quý trọng chó. Về thực phẩm có thức ăn đóng hộp cho chó, (thực phẩm cho chó còn mắc hơn thực phẩm người), có xà bông tắm riêng cho chó, có (bịnh viện thú y) để khám nghiệm, cắt móng, tỉa lông cho chó... Chó còn được đi học để làm chó (ngoan), không sữa hay cắn bậy. Chó được ngủ trẹn gường nệm, (ngủ chung với người). Chó ở nhà lầu, đi xe hơi, mặc áo ấm... Ông bà chủ dẫn chó đi dạo, ỉa đái ra đường, ông chủ, bà chủ phải hốt... Chủ nhà bận việc thì thuê người - hằng ngày đến dẫn chó đi lòng vòng… Tiền công mỗi giờ 30 đô la...! Con người thất nghiệp lang thang..., ngủ ngoài đường, ngủ ngoài chợ (homeless). Nhưng con chó thì không bao giờ bị thất nghiệp hay ăn xin.

     Ngày 30.4.1975. Hoa kỳ bỏ rơi VNCH, bỏ miền Nam, cố vắt giò lên cổ mà chạy… Đại sứ Martin vẫn không quên mang theo con chó nhỏ Nitnoy. Trong khi đó, còn hàng chục ngàn người Việt chờ đợi di tản đã bị bỏ rơi ở lại đối mặt với đoàn quân “chiến thắng!” . Thật là cay đắng!

      Chó là loài trung thành và có công với người như thế mà người ta lại khoái chửi chó cho đã mồm, chửi đã rồi quay ra ăn thịt chó và khen ngon mới là lạ. Lại còn nghiên cứu chế biến đủ các món: Nướng, dồi, chả chìa, rựa mậm, xáo măng, luộc, bó giò, hông dầu, lẫu… Lại còn món tiết canh chó nữa chứ! 

     Nghe nói bên nước Cao Ly, xương chó người ta cũng không bỏ, mà còn đem đi nấu thành cao chó, rồi lọc ra chế thành một thứ nước uống tẩm bổ như: nước “Red bull” của Thái lan. Việt Nam thì..., mấy ông nhậu, nói: Cu chó, đem bỏ vô hủ rượu ngâm - “ông uống bà khen” rầm trời...!

    Có lẽ, ông bà ngày xưa - cũng đã nhìn thấy sự “thiệt thòi, oan ức!” của loài chó. Từ đó, có ý muốn minh oan! Trong văn chương truyền khẩu dân gian lưu truyền hàng trăm câu tục ngữ, ca dao về chó:

     - Ăn chó cả lông, ăn hồng cả hột.
     - Ăn cùng chó ló xó nhà ma.
     - Đánh chó ngó chủ nhà.
     - Đã khó chó cắn thêm.
     - Đi tu Phật bắt ăn chay
        Thịt chó ăn được, thịt cầy thì không.
     - Chơi với chó, chó liếm mặt.
     - Chó đâu có chó sũa không, không thằng ăn trộm cũng ông ăn mày.

     Ngoài ra còn đặt vè, đặt truyện về chó. Đúc tượng chó đặc trước trụ cổng nhà... Vậy thì xem ra đời chó cũng được an ủi phần nào. Trong kho truyện cổ tích Việt Nam, có truyện về người vợ "Giết Chó Khuyên Chồng", rất khôn ngoan và nhân ái.

      Còn người với người thì sao?

      Vô số người một thời đã lập nhiều công trạng hoặc hy sinh mạng sống cho quê hương tổ quốc, nhưng nào có mấy ai nghĩ tới, thậm chí còn chối bỏ! Bia tưởng niệm cũng bị đục bỏ! Lư hương của Đức Trần Hưng Đạo cũng đem giấu; thậm chí có ngày tưởng niệm cũng cấm cản... Buồn thay!

     Đã đến lúc chúng ta cần phải nghiêm chỉnh xét lại có nên tiếp tục chửi chó, hay dùng chó để mạ lỵ người khác mà chính người chửi chó, nhân cách và lời nói của họ cũng không bằng con chó.

     Trong cuộc sống có muôn ngàn trường hợp bất ngờ xảy ra hằng ngày. Nếu tất cả trong chúng ta đều bình tĩnh, biết lắng nghe và rồi ngồi xuống phân tích từng sự việc phải quấy, chắc chắn không ai muốn dùng hình tượng con chó, con trâu, con bò, con heo, ra mà rủa sả vào nhau làm gì.

     Khổ nổi - trước mắt - nhan nhản sự bất công, suy đồi đạo đức, sự ngăn cách giàu nghèo quá lớn. Mất đất, mất nhà, tha phương cầu thực, làm thuê, làm mướn khắp mọi nơi vẫn không thoát cảnh nghèo nàn. Hằng ngày nhìn: “Kẻ ăn không hết người lần không ra” mà đau lòng! Hơn nữa, có một số người quyền uy không có tầm nhìn, lại còn tham nhũng vơ vét... Người khác góp ý xây dựng thì lại không biết phục thiện, cứ khư khư giữ nguyên tắc đến độ cứng ngắt hoặc ngang bướng “Một thằng nói ngang ba làng cãi không lại” là vậy. Từ đó, uất ức càng ngày càng dồn nén rồi đến một lúc nào đó..., không chịu nỗi tất nhiên sẽ nổ tung.

     Sự nguyền rủa, chửi bới - xét ra cũng chỉ thỏa mãn tính tự ái cá nhân nhất thời chứ không giải quyết được vấn đề cốt tủy. Chỉ có “Sự Thật” mới đem lại bình an cho xã hội, cho con người. Hùng hổ, chửi mắng sùi bọt mép một chặp, để rồi cuối cùng cảm thấy trống vắng cô đơn trong tâm hồn khi sự việc lắng dịu trở lại.

     “Chưa đánh được người mặt đỏ như vang, đánh được người mặt vàng như nghệ”!

      Chúng ta là con người, là ông chủ - đã đến lúc ngưng lấy con chó ra chửi cho nhau nghe nữa. Cố gắng làm người cho hoàn thiện đừng để cái (con) và (người) lẫn lộn trong suy nghĩ và hành động. Đừng cho rằng con chó “im lặng” là chửi thoải mái. Dù có chửi ai, hoặc chửi cái gì - thì tiếng chửi cũng chẳng thanh tao. Ngược lại những câu chửi có tính cách mạc sát đó đã hạ thấp hoặc đánh mất nhân cách của người chửi. 

    Hãy minh oan và ghi nhận sự trung thành cũng như công trạng cho con chó. Như vậy mới là công bằng, mới tìm lại được sự thư thái cho tâm hồn...!

    Con chó không có tội, đừng gán mọi thứ tội lỗi vu vơ cho con chó... Ngưng chửi chó và cũng đừng giết chó!

Trang Y Hạ – 2009


THÔI HẾT RỒI ĐÃ KHÔNG CÒN GÌ THẬT RỒI
Đó là tựa bài văn của cô giáo Phương Lê. (FB). Tôi xin phép, trích một đoạn, như sau:

Trong đàn chó đó , có con vừa mới sinh xong , vú còn căng cứng và thương cho những chó con bị giết mà không hiểu vì sao mình bị giết . Chao ơi, người chết oan khiên mà vật chết cũng oan nghiệt...” (Phương Lê)

  
             


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét