Thư viện

7/8/18

Đi Thăm Thư Viện Tổng Thống Donald Reagan




Đi Thăm Thư Viện Tổng Thống Ronald Reagan

Trang Y Hạ
    
     Ngày Lễ độc lập Hoa Kỳ [Independence Day] năm nay [2018]. Tôi lại có dịp trở lại Elmonte, Los Angeles để thăm người em gái và các cháu… Từ San Francisco. Tôi phải có mặt tại góc đường Vanness - Golden Gate lúc sáu giờ mười lăm phút sáng để leo lên xe đò Hoàng… Đi xe đò Hoàng cũng có cái thú vị là… được ngắm nhìn hai bên đường với những cánh đồng bằng phẳng rộng mênh mông ngút ngàn cây trái…, hơn nữa giá tiền xe cũng hợp lý chỉ có… bốn mươi đồng [$40]. Nhà xe còn cho một ổ bánh mì, một chai nước.

     Đón tôi tại chợ Thuận Phát là đứa cháu rễ. Trời mùa hè ở Los Angeles hơi nóng… Đứa cháu rễ nói:

-         Cậu về lần nầy con sẽ dẫn cậu đi thăm thư viện của một ông tổng thống Hoa Kỳ - đó là ông Ronald Reagan. Cậu còn nhớ lần trước con đưa cậu đi thăm thư viện tổng thống  Richard Nixon không?

-         Làm sao mà cậu quên được hở con! Lần đi thăm thư viện Nixon - thời gian gấp gáp nên chưa đi hết… Tuy nhiên lần thăm đó cũng đã để lại trong lòng cậu một nỗi buồn man mác về một thời gian chiến tranh và hòa bình… Một hiệp định “hòa bình nấm mồ” mà theo như ông tổng thống Thiệu trả lời phỏng vấn của báo chí Đức sau ngày mất miền Nam. Trở về lại San Francisco cậu có viết bài thơ: “Một Giờ Trong Thư Viện Nixon”.
    
     Trời về chiều ở Elmonte không khí vẫn còn oi bức… Đứa cháu hạ thấp của kiếng gió lùa vô trong xe… Tôi nhìn qua đứa cháu rễ… Tôi có cảm giác rằng tôi và đứa cháu rễ có một sự tương đồng nào đó trong tình cảm gia đình. Và, rõ ràng hơn hết là về mặt lịch sử cũng như kiến thức…, dù gì đi nữa thì đứa cháu rễ nầy cũng là một giáo sư dạy toán và sinh ngữ. Bao năm qua hai cậu cháu thường trao đổi với nhau về quá khứ đau buồn của miền Nam; trao đổi về lịch sử Việt Nam qua hơn bốn nghìn năm thăng trầm trong việc mở mang bờ cõi và giữ nước trước họa xâm lăng từ phương Bắc. Một già một trẻ rất khản khái trao đổi qua lại như là tâm sự; như là ưu tư về thời cuộc chứ không riêng gì học hỏi lẫn nhau.

     Nhà em gái và các cháu của tôi ở phố cổ Alhambra. Phố cổ nầy chính quyền bảo tồn như một di tích lịch sử, được mua bán nhưng cấm không được thay đổi thiết kế bên ngoài và bên trong; cấm thay đổi màu sắc cũng như cây cỏ trong khuôn viên trước và sau nhà. Mọi sự thay đổi phải được sự cho phép của quận, hạt... Nghỉ lễ độc lập [4.7], mọi người tập trung đông đủ để đi tắm biển...! Mùa hè, đứa cháu rể có nhiều thời gian lo chăm sóc hai cô con gái nhỏ và đi du ngoạn đây đó… Phố cổ sớm mai thiệt yên ắng, không một bóng người, xe hơi chạy trong phố cổ ít hơn so với những khu phố sầm uất khác… Tôi và cháu rể vừa chạy bộ vừa nói chuyện…! Đứa cháu nhắc:

-         Chín giờ sáng hôm nay đi thăm thư viện Ronal Reagan nha cậu…! Con ở đây lâu năm vậy mà chưa có dịp để đi. Bữa nay đi với cậu thì sẽ vui hơn… !

-         Có xa lắm không con?

-         Từ nhà mình [Alhambra] tới Simi Valley [nơi tọa lạc thư viện…] khoảng hơn một giờ xe thôi cậu.

***
     Thư viện Ronald Reagan Presidential Library xây trên một ngọn đồi cao, nằm tách biệt khá xa với các khu dân cư… Quang cảnh vắng lặng, cây cối lưa thưa… Đứng trên đỉnh đồi nhìn xuống thung lũng sâu hun hút, xa xa là biển… Tôi thấy bá tánh đứng xếp hàng mua vé… Giá vé cho người lớn: $25, cho trẻ em dưới mười tám tuổi là $17 dollar. Chúng tôi gồm hai người lớn, hai cháu gái. Người nhân viên đưa vé và huy hiệu nhỏ như đồng tiền xu [25 cent] cho mỗi người để dán trước ngực… Chúng tôi chưa ăn sáng, nên cảm thấy đói bụng… Tôi hỏi người hướng dẫn viên thì được chỉ dẫn: “…, nơi bán thức ăn ở phía sau thư viện”.

     Hoa Kỳ có tổng số - hai mươi mốt thư viện của các đời tổng thống mang tên của chính mình… Thư viện cũng là nơi chôn cất di hài tổng thống. Thư viện tổng thống lập ra để lưu trữ: Tư liệu, tài liệu, văn bản, văn kiện, sách vở, tranh ảnh, phim ảnh… liên quan tới thời còn làm tổng thống, đồng thời cũng cất giữ tặng phẩm của các nguyên thủ quốc gia trên thế giới … Ngân khoản để mua đất lập thành thư viện cho những vị tổng thống sau khi nghỉ hưu là do các nhà hảo tâm, các hội đoàn vận động đóng góp chứ không lấy tiền từ ngân sách quốc gia. Tại thành phố Simi Valley nơi tọa lạc thư viện Ronald Reagan Presidential Library. Hằng năm thư viện đón cả triệu lượt du khách tới viếng thăm. Thư viện có sáu điều hấp dẫn cần phải biết:

     1 -Thư viện đứng chơ vơ giữa một ngọn đồi cao lộng gió… Du khách đứng nhìn xuống một vùng thung lũng rộng lớn, bên dưới là vườn cây nhấp nhô lượn sóng… Những xóm nhà nằm bơ vơ giữa các triền đồi trông thật là thanh tịnh và thơ mộng… Nhà hàng có nhiều món ăn, rượu bia… Mua một vài chai bia ngồi nhâm nhi thả đôi mắt lang thang qua miền thung lũng nắng gió với vài chòm mây… đung đưa là đã cảm thấy tâm hồn bay bổng nhẹ tênh, thánh thiện…!

      2 -Thư viện Ronald Reagan là thư viện lớn, hành lang rộng, dài hun hút... Bên dưới và bên trong các tầng hầm là các phòng chiếu phim, dãy ghế ngồi xem phim được lót nệm êm ái. Các bậc thang, nền phòng đều lót thảm… Phim chiếu màn ảnh rộng, quay lại cuộc đời tuổi trẻ của tổng thống; của phu nhân tổng thống là bà Nancy Reagan. Người xưa nói: “Sau sự thành công của người đàn ông có bóng dáng người phụ nữ”. Quả là đúng như vậy. Bà phu nhân Nancy Reagan chính là người phụ nữ đó. Bà là cánh tay đắc lực giúp chồng hoàn thành sứ mạng to lớn không những cho Hoa Kỳ mà cho cả thế giới. Phim quay lại lúc tổng thống còn là một nghệ sĩ đóng phim ở Holly Wood; Lúc làm thống đốc tiểu bang California; Lúc làm tổng thống liên bang Hoa Kỳ. Trong các tầng hầm còn trưng bày hiện vật như: Chiếc ghế của tổng thống ngồi làm việc ở thủ đô Washington cùng các tranh ảnh, phù điêu…!

     3 -Ronald Reagan Presidential Library. Trưng bày chiếc máy bay Air Force One, chiếc máy bay riêng của các đời tổng thống. Bây giờ thì máy bay đã được cho “nghỉ hưu”. Chiếc máy bay đã từng chở các đời tổng thống Hoa Kỳ đi công du: Nixon, Ford, Carter, Reagan, Bush cha, Clinton, Bush con. Trong thư viện Ronald Reagan... Chiếc Air Force One đã được bảo trì trong nhà… Thư viện cho phép du khách đi vô bên trong lòng máy bay để thỏa mãn tính tò mò cũng như tận mắt chứng kiến một phương tiện đã từng chở các đời tổng thống Hoa Kỳ. Trước khi lên thăm bên trong máy bay. Du khách xếp hàng chờ cô “phó nhòm” chụp ảnh… Người nào thích chụp ảnh làm kỷ niệm thì cô “phó nhồm” đạo diễn - cho đứng trên các bậc cầu thang nơi cửa máy bay [chụp bốn kiểu]. Du khách đi dạo xem bên trong khoang máy bay thỏa thích, sau đó quay trở lại quầy để lấy hình - hình khổ lớn bằng bìa tập vở, có khung hình bằng giấy bìa cứng rất đẹp…! Giá $36 dollar cho bốn tấm ảnh. Ronald Reagan Presidential Library còn có trưng bày một chiếc máy bay phản lực cơ lộ thiên... Du khách cũng được lên thăm và chụp hình. Đa phần du khách thích chụp hình lưu niệm cho một lần thăm viếng...! Tôi nhìn chiếc máy bay Air Force One… Tôi nhớ lại thời tổng thống Richard Nixon ngồi trên chiếc máy bay đó để bay tới Honolulu,[Hawaii] gặp ông tổng thống Nguyễn Văn Thiệu... [VNCH].

     4- Ronald Reagan Presidential Library có một gian hàng bán đồ vật lưu niệm rất lớn, trang trí đẹp, bán hàng nghìn mặt hàng… - Gồm có: quần áo các loại, giày vớ các loại, áo jacket các loại, nón mũ các loại, huy hiệu, huy chương các loại, viết các loại… Nhìn chung là có quá nhiều mặt hàng lưu niệm cho cả người lính, người lớn, phụ nữ, trẻ em… Tất cả đều ghi tên tổng thống Ronald Reagan với chiếc Hàng Không Mẫu Hạm mang tên ông. Tôi cảm thấy rằng nơi phòng bán đồ lưu niệm có sức hấp dẫn đối với du khách. Không một du khách nào - khi đã vô thăm gian hàng mà không mua một vài ba món hàng lưu niệm nào đó…!

     5- Thăm Ronald Reagan Presidential Library, du khách còn được thưởng lãm, tìm hiểu về cuộc đời của Thành cát Tư Hãn. Phòng chiếu phim về thời nhỏ của Thành Cát Tư Hãn sống trên thảo nguyên Mông Cổ mênh mông cùng với những bộ lạc… thật sống động! Bản đồ quân Nguyên “hành quân” đi đánh chiếm từ Á sang Âu… Những bức tranh vẽ - cung, tên, gươm, giáo… vó ngựa trường chinh đi xâm chiếm các quốc gia khác… Du khách chờ tới phiên mình để chụp hình chung bên pho tượng đồng Thành Cát Tư Hãn hoặc dừng chân đứng ngắm thanh gươm mà ông ta đã từng sử dụng trên bước đường chinh phạt thế giới.

          6-  Tới thư viện Ronald Reagan du khách không thể nào mà không đi lại đứng ngắm “bức tường ô nhục”…! Bức tường được mô phỏng trông như thật đã ngăn đôi thành phố Bá Linh [berlin] của nước Đức trong thời kỳ đệ nhị thế chiến.

***
     Tôi đứng chụp  hình chung với tượng Thành cát Tư Hãn mà trong lòng thầm nghĩ:  “Ngày xưa ông xua quân đi đánh chiếm khắp nơi… Vậy mà ba lần quân của ông xâm phạm bờ cõi nước Việt chúng tôi [trong thời vua Trần]. Nước Việt chúng tôi tuy nhỏ nhưng vua tôi đồng lòng qua Hội Nghị Diên Hồng - đã đánh bại đoàn quân xâm lăng của ông cả ba lần. Đáng lẽ ra Đức Hưng Đạo Vương Trần Hưng Đạo phải được tôn vinh ở trong thư viện Donald Geagan Presidential Library nầy chứ không phải là ông đâu! Tôi không hiểu tại sao ông lại được vinh dự ở chung trong thư viện tổng thống Rananld Reagan? Có lẽ người dân Hoa Kỳ họ cho rằng ông là một người anh hùng vĩ đại của đất nước Mông Cổ thì phải?”.

     Ông Donald Reagan là một tổng thống vĩ đại của Hoa Kỳ. Người dân Hoa Kỳ phong cho ông là người "Đốt không cháy". Ông tung tiền ra để chạy đua vũ trang bằng chương trình “Chiến Tranh Giữa Các Vì Sao”. Liên Bang Liên Xô dồn sức lực để chạy theo... nên đã… hụt hơi - dẫn tới sụp đổ hoàn toàn khối cộng sản trên toàn thế giới! Đập vỡ bức tường “ô nhục” Bá Linh thống nhất nước Đức không tốn một viên đạn, một giọt máu! Tôi và có thể nhiều người dân miền Nam sẽ không bao giờ quên câu nói của tổng thống Reagan:

     "Chấm dứt chiến tranh không đơn thuần là rút quân về nhà là xong. Vì lẽ, cái giá phải trả cho loại [hòa bình] đó là nghìn năm tăm tối cho các thế hệ sinh tại Việt Nam về sau"

     Ban đêm, từ dưới thung lũng, từ các nơi khác trong vùng nhìn lên ngọn đồi... - Thư viện Ronald Reagan Presidential Library sáng rực một màu hồng...! Đó là: Ý tưởng của tổng thống Reagan lúc còn sống!

     Tôi kính phúc...! Tôi ngưỡng mộ...! Tôi biết ơn ông tổng thống Ronald Reagan, bởi chính ông đã can thiệp […!] để cho chúng tôi - những người “cải tạo” được tới Hoa Kỳ định cư với lý do: “Cựu Tù Nhân Chính Trị”…! Đôi khi tôi mơ tưởng và có chút nuối tiếc là: "Phải chi ông làm tổng thống ở vào thời của ông tổng thống Nixon". Tôi võ đoán rằng: Cuộc chiến tranh tại miền Nam Việt Nam sẽ đi theo một hướng khác… Có thể, chúng tôi và con cháu của chúng tôi không phải mang “quốc tịch” Hoa Kỳ suốt đời như lâu nay...!


Trang Y Hạ - San Francisco.






   

                   Ảnh trên là Thành Cát Tư Hãn

     Các ảnh dưới là bên trong lòng phi cơ Air Force One

 






    


  






    


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét