Thư viện

21/10/18

Bài văn Gửi Trang Y Hạ




Gửi: Nhà thơ Trang Y Hạ

Linh Vang

     Đây là bài viết cho Kỷ Nguyên Mới số vừa rồi. Linh Vang có nhắc tới tiếng Việt trong sáng.

Một góc trời Tây Bắc Linh Vang Tháng sáu, mùa dâu strawberry. Đã qua. Tháng bảy, raspberry. Đã qua. Nhắc tới raspberry, mấy tuần trước, Ng nói có thấy một bụi raspberry nằm sát hàng rào bà hàng xóm Cathy, gần đám lá gai. Không biết nó xuất phát từ đâu, hay là từ cái bụi trên đồi (nhà), chim ăn nhả hột ở đây, rồi mọc lên một bụi mà lâu nay mình không thấy, bây giờ cũng đã có trái chín? Cũng như bụi trúc - mình không mua trồng mà cũng có một bụi sau vườn. Nó bò sang từ nhà một gia đình Á Đông ở xóm sau. Để nó khỏi đi lung tung, Ng cho vào một cái thùng thiếc. Nhìn nhà có trồng trúc là biết nhà của người Á Đông! Dâu nào cũng tốt nên tôi dặn Ng đừng nhổ bỏ. Bữa đó, tôi hái một bụm tay dâu ở trên đồi, chứ chưa hái dâu ở bụi dưới này. Loại dâu này có gai nên phải mang găng tay cẩn thận. Tháng tám, dâu đen (blackberries) mọc hoang dại ở khắp mọi nơi, trái đã chín đen bóng. Giống dâu này mọc và ra trái nhiều đến nỗi tôi hay ví nó giống như sim ở trên rừng. Đồi núi. Hai bên xa lộ. Trong công viên. Ở những khoảng đất bỏ trống. Nó còn len lỏi vào vườn, vào sân nhà người ta. Cái rễ khỏe lắm, chạy chui lòng vòng ở dưới đất, rồi trồi lên bất cứ nơi nào. Mọc ở đâu để mình hái ăn thì được, còn mọc trong vườn thì không ai thích. Tôi nhớ cái green belt, khoảng đất để cây cối mọc tự nhiên, ngăn giữa xóm tôi với xóm sau, tạo một chút riêng tư giữa hai khu xóm, vào mùa hè, tôi chỉ cần đứng bên này hàng rào là vói tay hái trái, những dây dâu leo lên hàng rào, chĩa những nhánh đầy trái chín qua vườn nhà tôi, thấy cũng tiện lợi, không cần phải đi đâu xa. Nhưng rồi lại bực mình vì phải nhổ những cây mọc qua đất của mình. Phải mang găng tay cẩn thận coi chừng sướt tay vì chúng có gai, cũng giống như raspberry. Dâu chín, không mấy người đi hái, xem chừng chỉ để chim ăn và để cho nó rụng, thấy thật tiếc. Vì dâu, có thể nấu nước uống, làm mứt, làm bánh. Mà là organic, không có phân hóa học độc hại. Đọc sách thấy cho biết là ăn dâu rất tốt, bất kể dâu nào - strawberries, raspberries, blueberries - có chứa chất chống lão hóa. Năm nào cũng vậy, cứ mùa này nghĩ cảnh cây trái thiên nhiên, như trái táo, trái lê, trái nho ở vùng tôi lại để rụng đầy, như cam ở Cali, rồi dọn đổ rác thật phí.

Người Mỹ họ trồng cây trái chơi cho vui thôi, để cho rụng đầy sân, đầy vườn, rồi lại ra mua ở siêu thị. Ngay cả người mình cũng vậy, lê Mỹ, lê Nhật, hồng dòn, hồng mềm trồng đầy mà cũng đâu có ăn hết. Trong lúc đó ở nhiều nước Phi Châu, con nít không có thực phẩm mà ăn, ốm tong teo, giơ xương và đưa cái bụng phình to ra. Nhìn dâu chín đen rồi sẽ thành hoang phí, tôi lại tiếc hùi hụi. Nhưng làm được gì chứ! Rồi tôi cũng nghĩ tới xứ Mỹ này. Thức ăn ê hề, đổ lên đổ xuống, phí phạm. Chính phủ còn tạo ra những vườn rau công cộng, cung cấp miễn phí hột giống, phân bón, nước, ai muốn xin một mảnh nhỏ trồng cũng được. Không hẳn là chỉ dành cho những ai có lợi tức thấp. Bằng chứng là chị Thu Hương, ở chung cư tầng cao, không có đất, hè năm đó chị xin một miếng đất nhỏ trồng trọt cho vui, chị bảo lao động một chút cho khỏe và lại được dịp phơi nắng - vùng Tây Bắc chỉ có nắng vào những tháng hè. Chị trồng đủ loại rau, dưa leo, cà chua, bầu, bí,...rồi cũng cho Food Bank, để họ phân phối cho người nghèo. Mùa hè, con nít ở không, được cha mẹ khuyến khích tới vườn rau công cộng phụ tưới nước, nhổ cỏ. Rồi tới mùa thu hoạch thì lại phụ hái, bỏ bao, thu dọn vườn rau. Đây cũng là hình thức giúp trẻ con biết đóng góp công lao, làm một cái gì cho cộng đồng. Trong cái e-mail mới đây, anh Nguyễn Hiền, bạn văn ở bên Hòa Lan, có nhắc tôi: "Giờ này liệu thu dọn đồ đạc là vừa." Người không hiểu chuyện chắc chắn là không biết tại sao anh lại nhắc như vậy, đồ đạc gì mà cần phải thu dọn là vừa. Ở tuổi sắp về hưu, tiến đến...tuổi già, có nhiều thứ cần thu dọn, người Mỹ thường nói là downsize, downsizing, như là bán nhà lớn, mua nhà nhỏ, đỡ chăm sóc; bán nhà lầu mua nhà trệt để khỏi phải lên xuống, lỡ té ngã gãy xương hay lăn đùng đi luôn. Với những người thích đọc sách, viết lách như anh và tôi thì ở đây, việc trước tiên cần phải làm là dọn dẹp mớ sách, báo. Đem tặng bạn bè, tặng thư viện, cuối cùng không ai chịu nhận thì phải khiêng đi đổ thùng rác thôi. Để tránh phiền phức cho người thân sau này. Là phải dọn dẹp. Vì mình cũng biết là sách báo sẽ không để lại cho con cháu được, chẳng đứa nào muốn giữ đâu, một phần cũng chẳng đọc được tiếng Việt, một phần chúng đâu có ở yên một chỗ, dọn nhà đi theo công ăn việc làm! Tôi đã nghĩ tới việc dọn dẹp này từ đầu năm, mà vẫn chưa thực hiện được. Nhưng thứ quan trọng nhất là những cuốn nhật ký. Tôi viết nhật ký từ hồi 12, 13 tuổi,...mấy chục năm rồi. Ngày trước, tôi cứ nghĩ, viết để sau này khi già ngồi đong đưa trên ghế mà đọc lại những cuốn nhật ký cũ, nhớ lại chuyện xưa, chắc là thú vị lắm. Bây giờ, tôi nghĩ chắc cũng chẳng làm được chuyện đó, bận rộn, lu bu "tắt quạt", khi rảnh thì cũng đã già rồi, cũng đâu buồn đọc. Gần trăm cuốn nhật ký này chắc là sẽ phải đem liệng thùng rác thôi! Đâu có cảnh bỏ trong rương, cất trên gác, bị quên lững một thời gian dài, rồi bất chợt một ngày đó có đứa cháu nào tìm thấy đọc, rồi tìm hiểu, rồi viết về mình. Một cuốn tiểu thuyết ra đời. Haha, có đứa cháu nào của mình sẽ làm nhà văn hay không? Nghĩ lại, tôi cũng đâu phải là nhà văn, nhà thơ nổi tiếng gì cho cam, để nhật ký, bản thảo, thư từ của mình có thể đem cho một trường đại học, để sau này một sinh viên trẻ nào đó tìm hiểu, nghiên cứu về một người Việt tị nạn, đến Mỹ sau khi Nam Việt Nam sụp đổ, rơi vào tay CS, cuộc sống của những ngày mới tới,...viết một luận án tiến sĩ về mình? Hay tặng cho Viện bảo tàng của ông Giao Chỉ? Tôi mang theo cuốn nhật ký đi làm mỗi ngày, ngay cả những lúc đi chơi xa. Tôi ngồi viết trong quán cà phê, ở sở làm. Có lần, trên xe buýt, thấy tôi viết nhật ký, một bà Mỹ cười nói với tôi, you không nghĩ là you đã quá già để viết nhật ký không? Không, không bao giờ quá già để làm việc gì mình thích cả. Với lại, viết nhật ký (journals, diaries) cũng là cách giúp người ta giảm sự căng thẳng trong cuộc sống. Giống như nghe nhạc vậy. Hay đọc một cuốn truyện. Viết lách với tôi thật cũng chỉ để giải trí, vui chơi, dù trong thâm tâm, tôi cũng có ý muốn giữ một thứ tiếng Việt mà tôi đã lớn lên, một thứ tiếng Việt mà tôi cho là rất hay, rất trong sáng, là của thời Việt Nam Cộng Hòa, so với tiếng Việt của người Việt trong nước bây giờ. Tôi cũng không muốn gánh một "trách nhiệm" nào cả - có biết bao người họ cho họ đang gánh trách nhiệm này trách nhiệm nọ mà họ có làm được gì đâu. Tôi chỉ biết cố gắng trong khả năng của tôi, mà đôi khi cũng không tránh khỏi bị "nhiễm" "chữ cs". Ba triệu người Việt ở hải ngoại chỉ là thiểu số so với 90 triệu người Việt ở trong nước.

Thế hệ của tôi là thế hệ cuối cùng của thời VNCH, nên rồi đây chắc chắn Chữ Việt Thời Việt Nam Cộng Hòa sẽ không còn. Cứ nhìn tình trạng sách báo Việt ở hải ngoại hiện giờ là biết ngay. Người trẻ không đọc, người già "đi" dần (KNM chỉ còn một ít độc giả). Chưa kể là cái chữ Việt ở trong nước hiện giờ cũng không còn chính thức nếu mà Việt Nam trở thành một tỉnh của Trung Cộng. Người Việt sẽ trở thành dân ở tạm trên đất nước của mình. Rồi nói tiếng tàu hay nói ngọng nghịu cái chữ của Bùi Hiền! Nhìn dân Tây Tạng đi! Tôi không biết thực hư, chỉ nghe nói là trong nước họ đang bắt con nít mới học tiểu học đã phải học tiếng tàu rồi. Vụ ba đặc khu vẫn tiến hành, và vụ kiểm soát an ninh mạng, đạo luật cũng đã thông qua. Người tàu đã qua VN ở đầy - con lai tàu cũng đầy! Bọn chóp bu tham nhũng tranh nhau bỏ túi cho lẹ rồi tìm đường chạy. Qua những nước "tư bản giẫy chết". Võ Kim Cự, người ký giấy đưa Formosa vào Hà Tĩnh, nghe nói giờ đây đang xin qua Canada sinh sống. Chỉ cần 800 ngàn cho chính phủ Canada mượn không lời trong 5 năm là đủ điều kiện rồi! Mỹ rồi cũng vậy thôi! Biết bao người từng theo cs, hưởng bổng lộc của chế độ cs, nắm trong tay bao quyền hành, hay coi một tờ báo lớn của cs, giờ hẳn đã âm thầm qua ở Mỹ mà mình không biết, cho dù có biết cũng chẳng làm gì được họ. Buồn chưa!

Linh Vang
Chủ bút Nguyệt san - Kỷ Nguyên Mới.
Tòa soạn 1321 Titania Ln, Mc.Lean
VA, 22102

Trang Y Hạ cảm ơn chị nhà văn Linh Vang chuyển cho đọc… Thật thấm thía…!




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét