Thư viện

3/10/18

Đêm Tháng Mười






Đêm Tháng Mười
     
     Thân tặng nhà thơ - Trang Y Hạ

Đêm tháng Mười mưa rơi trút nước
Ai ngậm ngùi qua khung cửa lẻ loi
Đi hết quãng người ta lại... luân hồi?!
Ký ức lùa về một thời trai trẻ.

Lũ chúng tôi một thời nhỏ bé
Chưa biết một đời thua thiệt đợi chờ.
Bạn bè giờ thằng quéo quắt chỏng trơ
Trí thức còn… ngủ trên căn gác xép.

Đêm tháng Mười có ai mộng đẹp
Mưa ngoài trời qua cửa kính ô tô.
Đứa trẻ không nhà run rẩy mẩu bánh khô
Mơ xa lắm ngày mai nắng ấm…

Chuyện quê hương nỗi buồn sâu thẳm
Như xác người chìm đắm đại dương
Như góa phụ lần tìm chút nắm xương
Xác Anh linh đã một thời oan khuất.

Đêm tháng Mười như dài không dứt
Với người tù chờ công lý tự do…
Đêm cũng dài với tiệc đắm xa hoa
Vun bằng máu người dân tôi vô tội.

Chuyện quê hương có bao giờ em hỏi
Biết bao giờ ta gặp lại nhau?!
Cùng chung tay xây đắp mảnh đất màu
Đã thắm máu bao anh hùng hào kiệt.

Đêm tháng Mười đêm dài đất Việt
Nhớ từ ngày cánh võng à ơi
Tiếng quê hương, tiếng Mẹ ru hời
Mang theo mãi đến ngày về với đất…!

Phạm Minh Tuấn
(2018.10.03)

Lời Gió Mưa,

     Nhà thơ Phạm Minh Tuấn tặng Trang Y Hạ - một bài thơ “Đêm Tháng Mười”. Tựa bài thơ là tôi đặt theo ý thơ, vì Phạm Minh Tuấn không bao giờ đặt tựa. Ví dụ: bài thơ cho dù không là tuyệt tác, cho dù không là hoàn hảo đi chăng nữa. Nhưng nội dung hàm chứa một tư tưởng lớn của một kẻ sĩ, của một người trí thức trước thời cuộc nổi trôi và dằng xé bởi sự tráo trở lừa dối mà tất cả đều xem đó như là một cứu cánh đãi bôi nhau, mà quên bẵng đi cái vốn thiện lương có sẵn từ thời cha ông truyền lại.

     Tháng Mười – chữ Mười viết hoa – đã cho người đọc hiểu rằng từ tháng Mười xa xưa – (cơn mưa của tháng mười trải ra tràn lan trên mặt đất, tạo ra một cơn dông bão đi qua tàn phá không biết bao nhiêu làng mạc cũng như mạng sống của con người trên hành tinh nhỏ bé nầy, để rồi tàn lụi một cách êm đềm như chưa có chuyện gì…). Vậy mà có nơi cơn địa chấn của bão lũ tháng Mười còn âm ỉ chưa chịu chấm dứt, cái lạnh tháng Mười còn làm cho một số nơi, một số người đang sống bị cảm lạnh.

     Mưa đêm tháng Mười dai dẳng, kẻ ưu tư ngồi trong của sổ - cửa sổ càng lúc càng hẹp dần (cả nghĩa bóng và nghĩa đen). Ký ức muộn phiền xô ngã thời tuổi trẻ ướt đẫm khi nhìn qua giọt mưa rơi ngoài trời và một vòng luân hồi tuổi đời mộng mơ thời tuổi thơ qua một thung lũng – nơi tình yêu bị chôn vùi chỉ còn lại một nửa…! Tuổi thơ chưa trưởng thành đã nhận được giấy báo rằng: thua thiệt mất mác đau thương đang chờ ở phía trước. Và cho tới khi trưởng thành, bản thân và bạn hữu với vốn trí thức lẩn quẩn trong đầu đã phản ứng ngược làm cho sinh bệnh và ngủ yên.

      Ngủ yên nhưng mộng mơ không đẹp ở trong tháng Mười, bởi giọt mưa - trên đồng quê, trên non ngàn - chứ giọt mưa không làm ướt một số người ưa chuộng tháng Mười. Mưa sẽ làm cho cơn đói kéo dài mà thức ăn thì không còn bao nhiêu –  nắng ấm thì xa vời.
     
     Chuyện quê hương nỗi buồn sâu thẳm. Đáng lý ra chuyện quê hương đâu phải của riêng ai? Tại sao vương nỗi buồn sâu thẳm mà không dám góp ý - góp ý thì có ai nghe cho đây...! Người trí thức, kẻ sĩ cảm thấy vô cùng cô đơn chính trong ngôi nhà của mình. Để rồi ra đi – ra đi trong đánh đổi bằng cả sinh mang cho sóng dữ… Vết thương quê hương chưa lành trên thân thể người quả phụ, trên thân thể người lính đôi bên và hồn thiêng người đã khuất. Cơn mưa tháng Mười như nhát dao cứa vô thân thể người tù nơi rừng thiêng nước độc. Nhưng mùi vị chiến thắng vui cười thâu đêm trên từng bàn tiệc; trên từng chiến lợi phẩm vun đầy; trên từng lời hoan hô … Và nước mắt hòa máu của người dân nơi vùng đất vắng bóng người.

     Biết vậy nhưng nào ai có dám nhắc chuyện quê hương – thiếu cơm, thiếu áo… Chia ly vẫn kéo dài, càng kéo dài cho vun tròn thế kỷ vẫn chưa gặp mặt anh em…! Thôi thì đừng nhắc chi tới chuyện đội đá vá trời cho vô ích.

     Mưa tháng Mười vẫn còn kéo dải qua từng đêm trên quê hương Việt. Lời ca dao mẹ ru không đủ sức để cho các con của mẹ ngủ nữa rồi mẹ ơi! Chúng con đang thao thức chờ và chờ, không là bình minh thì ít ra cũng là ánh sáng chập chời của một que diêm…!

Chân thành cảm ơn nhà thơ Phạm Minh Tuấn!

Trang Y Hạ.





















2 nhận xét:

  1. Nhận xét này đã bị tác giả xóa.

    Trả lờiXóa
  2. Nhà thơ Phạm Minh Tuấn tặng Trang Y Hạ - một bài thơ “Đêm Tháng Mười”. Tựa bài thơ là tôi đặt theo ý thơ, vì Phạm Minh Tuấn không bao giờ đặt tựa. Ví dụ: bài thơ cho dù không là tuyệt tác, cho dù không là hoàn hảo đi chăng nữa. Nhưng nội dung hàm chứa một tư tưởng lớn của một kẻ sĩ, của một người trí thức trước thời cuộc nổi trôi và dằng xé bởi sự tráo trở lừa dối mà tất cả đều xem đó như là một cứu cánh đãi bôi nhau, mà quên bẵng đi cái vốn thiện lương có sẵn từ thời cha ông truyền lại.

    Trả lờiXóa