Thư viện

26/12/18

TIẾNG LÓNG và TIẾNG MIỀN NAM



TIẾNG LÓNG SÀI GÒN & TIẾNG MIỀN NAM


Trang Y Hạ

            “Bắp non mà nướng lửa lò,
          Đố ai ve đặng con đò Thủ Thiêm (Ca Dao)

     Người Miền Nam, người Sài Gòn kể cả trong các tác phẩm văn chương của các văn sĩ, thi sĩ, nhạc sĩ ngày xưa đều xài các từ ngữ gọi là tiếng lóng, tiếng nói đặc trưng của người miền Nam “Nam Kỳ Lục Tỉnh” gồm: (Biên Hòa, Gia Định, Định Tường, Vĩnh Long, An Giang, Hà Tiên). Ngày nay có lẽ ít có ai xài hoặc không còn ai nhớ tới và (cũng có thể mất đi). Tuy nhiên một khi đã đi vào văn chương thi phú nhạc thì chưa hẳn sẽ bị mai một. Trang Y Hạ có lo lắng cho sự mai một đó mà đã sưu tầm lưu giữ một số chữ - tuy rằng không đủ nhưng tạm góp chút tâm lòng cho các thế hệ nối tiếp lấy đó làm tài liệu nghiên cứu cũng như giữ được vốn từ ngữ vang bóng một thời. Hiện nay người ta xài thứ chữ - tầm phào, quái đản, dị hợm, kỳ cục – rất khó hiểu – khó nghe. Bởi sai văn phạm, sai mạo từ (cái, con) – sai chánh tả - họ cố ý phá Tiếng Việt nên không tuân theo: Tự Điển Tiếng Việt - Tự Điển Hán Việt – Tự Điển Hán Nôm.

     Bây giờ người ta viết, nói nhiều chữ mới lạ lắm. Nào là: "Con nhang, Con tuổi, Con facebook, Con chữ, Con học sinh, Con nhà, Con Xe, Con sân khấu, Con iphone, Con đặc sản...". Viết ngược Mạo Từ (Cái - Con). Câu văn, Câu thơ, Câu hát, Câu ca, Câu Ca dao, Câu hò, Câu vè…, thì gom chung lại nói "Câu chữ"... ". Thỉnh thoảng thì viết “Thi thoảng”. (Chữ thi trong tiếng Hán có âm khác là xác chết, "cương thi"). Mệt mỏi, chán nản, buồn chán, thì nói “Hoang hoải”. Qua lại, trao đổi thì nói “Tương tác”. Đường hai chiều (ngược, xuôi), thì nói đường “Song hành”. Đánh người thì nói “Tác động vật lý”. Tình hình, tình trạng căng thẳng, biến động thì nói “Biến căng”… Dùng chữ “Hán Việt & Hán Nôm” lộn xộn… Rồi, nào là: Cá thể: - trâu, bò, heo, gà, vịt, ngỗng...". Hai người thì nói "Cặp đôi"; Hay hơn nữa, còn nói: “Nam cá nhân”, “Nữ cá nhân”. Đi hớt tóc thì nói đi “Cắt quả, Quả đầu đẹp”… Hột vịt lộn, thì nói "Quả vịt lộn". Tất cả chữ đó không nằm trong Tự Điển Tiếng Việt & Hán Việt. Buồn và trách cho những người từng ngồi học dưới mái trường miền Nam ngày xưa, vậy mà cũng viết theo như vậy.

                                        ***
        Chẳng Lẽ Sửa Lại Lời Nhạc?
Nhạc phẩm "Để Trả Lời Một Câu Hỏi" của Nhạc sĩ (Trúc Phương), có câu: "Từ bàn tay tiên nắn nót từng nét gửi cho anh, để anh vui bước đường quân hành...". (Nét có nghĩa là “nét chữ”. Không lẽ sửa lại (nét) là “CON” gửi cho anh.
Nhạc phẩm "Tình Thư Của Lính"của Nhạc sĩ (Trần Thiện Thanh) có câu: "Thư của lính ba lô làm bàn nên nét chữ không ngay...". Chẳng lẽ sửa lại "CON CHỮ" không ngay.
“Có còn Tiếng Việt thì quốc gia mới còn”!


Tra Cứu Theo Vần Chữ Cái:

A: Ă, Â
- Anh hùng xa lộ = Phóng [đua] xe trên xa lộ Biên Hòa - Phim “Anh Hùng Xa Lộ”
- À nha = Dùng ở cuối câu “Hổng có chịu đâu à nha! Hổng có được làm như dzậy à nha!”
- Anh em cột chèo  = Anh em bạn rể
- Áo thun ba lá = Áo thun ba lỗ. Gốc pháp “maillot”.
- Áp phe = “Affaire” = Áp-phe có nhiều nghĩa… Về giao dịch – Thương lượng buôn bán. Theo nghĩ xấu Áp phe là “Hợp đồng” không chính thức, gần như là gian trá. Do đó người ta nói: “Dân áp phe”!
- Ăn tiền cò = Tiền môi giới, Tiền bo
- Ăn theo = Ăn bám
- Ăn điểm tâm = Ăn sáng
- Ăn = Cuốc xe ăn bao nhiều dzậy? Một người mẹ trẻ có con bị bệnh nói: “Thầy ơi! Con của con bị ỉa chảy, Thầy coi Thầy hốt rồi Thầy ăn bao nhiêu Thầy ăn”   [Hốt thuốc]
- Ăn hàng = Ăn vặt từ các gánh hàng rong, vỉa hè
- Ăn hàng = Ăn vặt từ các gánh hàng rong, vỉa hè
- Ăn giựt  = Ăn không trả tiền
- Âm binh = Cô hồn các đảng phá phách
- Ăn chè = “Đi ăn chè” ám chỉ chuyện trai gái [ngoại tình]
- Ẩu xị = Làm ẩu
- Áo nhà binh  = Áo lính trận.
- Âm lịch  = Chậm chạp
- Ả = cô gái đó, cô kia.
- A-ma-tưa (ơ) = không chuyên nghiệp (gốc Pháp Amateur).
- Áng chừng, cỡ chừng, đâu chừng, hổng chừng, dễ chừng = sự phỏng đoán.
- Áo ca-rô = áo sọc ca rô.
- Ăn coi nồi ngồi coi hướng = ăn trông nồi ngồi trông hướng (thành ngữ).
- Ăn cộc = Ăn nhiều (vào).

B:
- Bạn hổng biết gì hết chơn hết chọi = Bạn không biết gì hết.
- Bậu. Đại danh từ ngôi thứ nhứt = Vợ, Người yêu.
- Bối-Ba-Cụm                    = Ăn trộm, ăn cắp.
- Bỏ qua đi tám  = Không bắt lỗi
- Bảng gót = Thi hỏng
- Bắt địa = Làm tiền
- Ba đía  = xạo
- Bà chằn lửa = Hung dữ
- Ba ke = Ba xạo
- Ba trợn, thứ ba trợn = Thứ hồ đồ. Chẳng ra gì.
 -Bả, Ổng  = Bà, Ông
- Bá Láp, Bá Xàm = Tầm phào
- Bá chấy bù chét = Tuyệt vời, Tuyệt diệu
- Bự chà bá [gốc Khmer là “Cho-băs”] = Rõ ràng.
- Bự chà bá lửa = To, Rất to
- Bự (lớn) thất kinh. = Lớn khủng khiếp
- Bự quá cỡ thợ mộc. = Lớn quá cỡ
- Bự (to) kếch xì nái. = To lớn
- Bự bành ky. = To lớn
- Bự tổ chảng. = To lớn
(Nói chung là: To, Lớn)
- Bà tám = Nhiều chuyện “Ngồi lê đôi mách”.
- Bỏ đi tám  = Không nói nữa, Không tranh cãi nữa
- Bang ra đường = Chạy ra ngoài đường
- Bảnh tỏn   = Đẹp lắm
- Bảnh chọe  = Đẹp nhiều
- Banh ta lông = Hư hết mọi chuyện
- Banh xà lỏn = Rách quần đùi
- Bạt mạng = Bất cần
- Bặc co tay đôi = Đánh nhau tay đôi.
- Bặc cú = Bắn phát một
- Bắc (Bắc Cần Thơ, Bắc Vàm Cống) = Phà
- Bặm trợn =  Dữ tợn
- Bất thình lình = Đột ngột, Bất ngờ
- Bầy hầy = Lộn xộn, dơ dáy
- Bẹo = Chưng ra
- Bẹo gan = Chọc cho ai đó giận sôi gan
- Bề hội đồng = Hiếp dâm tập thể. Đánh tập thể
- Bển = Bên đó, bên ấy
- Biết đâu nà, biết đâu nè = Biết đâu đấy
- Báo lá cải = Báo chuyên viết xoi mói đời tư. Chuyện đời thường hằng ngày.
- Biết sao hôn? = Biết sao không?
- Biệt tung biệt tích = Không thấy tăm hơi
- Biểu  = Bảo
- Bít bùng = Che kín
- Bình thủy = Phích đựng nước nóng
- Bình-dân = Bình thường
- Bo bo xì = Không chơi nữa - giỡn với con nít
- Bỏ đi tám = Cho qua mọi chuyện
- Bỏ thí = Bỏ bê 
- Bố thí = Cho [Làm việc thiện nguyện]
- Bồ = Gọi bạn thân (Nam & nữ).
- Bồ tèo = Bạn thân
- Bò đá = Bị phụ tình
- Bồn binh = Bùng binh. Ngày nay kêu “Vòng xoay”
- Bội phần = Nhiều hơn
- Buồn xo = Rất buồn
- Buột = Cột
- Bữa = Buổi
- Bạn hổng biết gì hết chơn hết chọi = Trách móc
- Bán trời hổng mời thiên lôi  = Không uy tín.
- Bánh da lợn = = Bánh có ba màu
- Ba xí ba tú   = Làm ăn chẳng ra gì. Chẳng ra gì
- Bà quại  = Bà ngoại.
- Ba khía = Không thành thật.

C:
- Coi cọp = Coi báo ké.
- Chùa Tàu = Chùa của người Hoa
- Cột đèn. = Trụ điện
- Cầu tõm = Cầu tiêu trên ao hồ
- Châu thành = Nội ô. (Trong thành phố).
-Công quán = Đường sá. Cơ quan công quyền.
- Chòm, Khóm. = Đơn vị hành chánh (như Ắp).
-Căn nhà dày bịt = Dày đặt.
- Chế  = Chị (Tiếng Hoa)
- Cò kè lục chốt, Chà kè lục chốt = Người hèn hạ, bọn trẻ nít lang thang, lính lác
- Cai gà = Tài phán vũ nữ
- Cà chớn, cà cháo = Không ra gì
- Cà chớn chống xâm lăng. Cù lần ra khói lửa = Câu nói dzui.
- Cà kê dê ngỗng = Dài dòng. Nói dài dòng. Nói dai.
- Cà Na Xí Muội = Chuyện không đâu vào đâu
- Cà nhõng = Rảnh rỗi 
- Cà giựt = Lăng xăng, lộn xộn
- Cà nghinh cà ngang = Đi nghênh ngang như người say rượu.
- Cà nghinh cà bật = Không đâu vào đâu.
- Cà rem = Kem
- Cà rịt cà tang = Chậm chạp.
- Cà tàng = Không quan tâm bất cứ chuyện gì
- Cà tưng cà tửng = Không lo lắng. Không mục đích
- Cái thằng trời đánh thánh đâm = Thằng nghịch tặc, Thằng nghịch ngợm.
- Càm ràm = Cằn nhằn
- Cò = Tem cò “Thầy cò”
- Cò mồi = Giới thiệu, Ăn tiền cò
- Chim gái = Tán gái, Ghẹo gái
- Còn ai trồng khoai đất này = Tự nhận, Tự xác nhận
- Coi được hông? =Xem được không?
- Cù lần, cù lần lữa =  Ngớ ngẩn, Chậm hiểu
- Cua gái = Tán gái
- Cụng = Chạm
- Chai hia = Chia hai [Chia hai chai bia hay cưa đôi]
- Công tử Bạc Liêu = Dân chơi miệt vườn
- Cuốc (cuốc xe ăn bi nhiu) = Chạy xe
- Cứng đầu cứng cổ = Không nghe lời
- Chàng hảng, chê hê = Ngồi banh chân ra
- Cha chả = Từ cảm thán 
- Cha già khó ưa = Ông già khó chịu.
- Chả = Không [Nói chả hiều gì ráo]
- Chả = Chỉ người [Thằng chả, Cái thằng chả khó ưa]
- Chả = Chả cuốn
- Cúp cua = Trốn học
- Chà đồ nhôm - Chôm đồ nhà = Lấy cắp đồ trong nhà
- Chạy u đi, Chạy ù đi = Cắm đầu chạy
- Chằn ăn trăn quấn ,“Cái thứ chằn ăn trăn quấn!” = Thiếu tư cách.
- Chậm lụt = Chậm chạp
- Chém vè (dè) = Bỏ cuộc, Bỏ hẹn
- Chén = Bát
- Cơm bụi = Cơm bình dân
- Chèn đét ơi, mèn đét ơi, chèn ơi, Mèn ơi = Câu cảm thán.
- Chì = Giỏi. Gan lỳ
- Chị hai ơi, em nói nghe nè = Chuyện riêng. Chuyện khó nói.
- Chiên = Rán
- Chình ình =  Trước mặt. Nặng nề
- Chần dzần = Trước mặt
- Chịu = Thích, Ưa
- Chịu đèn = Bằng lòng  - Do thợ săn rọi đèn. Con thú nhìn vô đèn là dễ bắn trúng. Con nào không nhìn vô đèn là chúng sợ bỏ chạy.
- Chói lọi = Chói sáng
- Chỏ mũi, chỏ mỏ = Xía hoặc xen chuyện của người khác
- Chỏng mông. Mệt chỏng mông = Mệt mỏi
- Chỗ làm, Sở làm = Nơi làm việc
- Chơi chỏi = Chơi trội. Chơi gác.
- Chùm hum = Ngồi co ro một chỗ - [buồn xo]
- Chưn = Chân, Bàn chân
- Chưng = Bày ra
- Câu dầm = làm rề rà
- Chưng hững = Quá ngạc nhiên
- Chưng ra = Bày ra
- Con cháu nhà Hán [Chuyện từ Hán Cao Tổ diệt Tần] = Lưu manh.
- Còn khuya = Còn lâu
- Có chi hông? = Hỏi có chuyện gì không?
- Cô hồn, các đảng  = Bọn đầu trộm, đuôi cướp. Bọn mất dạy
- Chảnh, Chảnh chọe, Chảnh chó = Hách dịch.
- Chôm chỉa = Đồ ăn cắp
- Chuyện Tề thiên = Chuyện không thật
- Chó lửa = Cò súng
- Cũ xì = Quá cũ
- Cho chén chè coi, Cho tô phở coi = Kêu thức ăn, thức uống, [Thoạt nghe ngỡ như ra lệnh].
- Các chú = Ba tàu
- Cớm = Cảnh sát
- Chơi = Mời xuống ghe chơi. Người Bắc [ghe] là bộ phận sinh
 dục
- Con gái mẹ mầy, Cái thằng cha mầy. = Mắng yêu
- Cà rá = Chiếc nhẫn
- Có đau thì cắn răng mà chịu à nghen = Báo trước
- Cảo dược = Thuốc cũ rất quý
- Càm ràm = cằn nhằn
- Chỏ mỏ = Xía miệng
- Chỏ mũi = Xía vô
- Chói lọi = Chói sáng
- Chèn đét ơi  = Trời đất ơi
- Cứng đầu cứng cổ   = Không nghe lời
- Chạy = Về “Thôi tao chạy trước, tụi bây ở lại chơi dzui hén”.
- Chời ơi = Trời ơi.

D:
- Dân chơi Cầu Ba Cẳng “Pallicao”. Dân xà bát, xà bua. = Chịu chơi.
- Dở hơi = Lẩm cẩm
- Drap trải giường = Ra trải giường, Vải trải giường
- Dân tư chanh = Dân tứ chiếng
- Dầu cù là = Đảng cần lao “E! Ông bôi dầu cù là không?”. Ý nói ông vô đảng Cần lao chưa? [Thời thập niên 50 – 60]
- Dạ, thưa = Vâng, Ạ
- Dạo này = Thời gian này [Hàm ý chút quá khứ và hiện tại]
- Dấm da dấm dẵng = Ngọng nghịu. Nói không ra lời.
- Dây = Không dính dáng, [Không dây dưa vô chuyện thiên hạ]
- De kêu = quá [Vừa khen và cũng vừa chê]. Đẹp de kêu! Nói dóc de kêu!
- Dễ tào = Dễ sợ
- Dì ghẻ = Mẹ kế
- Dĩa = Đĩa
- Diễu dỡ = Hề diễu dỡ. Làm trò cười quá dỡ
- Dzọt lẹ = Chạy nhanh
- Dỏm (dởm) = Đồ giả, đồ lô “local”
- Dzô diên (vô duyên) = Không có duyên
- Dzô Mánh = Tiền kiếm được do mánh mung [cờ bạc]. Trúng số...
- Dzô trăm phần trăm = Cạn ly
- Du ngoạn = Du lịch
- Dạo rày = Lúc này [Bao gồm chút quá khư và hiện tại]
- Dục (vụt) đi = Đồ vất bỏ 
- Dùng dằng = Ương bướng, Không dứt khoát “Dùng dằng nửa ở nửa đi”
- Dữ hôn =  Giỏi [Vừa khen và cũng có thể trách móc răn đe. “Làm dữ hôn!”]
- Dzìa, dề = Về, Đi về nhà
- Dzừa dzừa (vừa vừa) = Đừng làm thái qúa
- Dân xà bát = Dân lang thang, đá cá lăn dưa
- Dàn trải = Bày ra (cho nhiều)

Đ:
- Đi cấp = Đi Vũng Tàu
- Đi nghễ = Để đầu trần đi chơi – [Tóc chải bằng dầu “Brillantine”]
- Đi bum = Đi khiêu vũ
- Đi dzợt le = Đi khoe...
- Đi xòe = Đi đánh tứ sắc
- Đi thoa = Đi đánh bài mạc chượt
- Đi húi cua = Đi hớt tóc (ngắn).
- Đồ vía = Quần áo mới
- Địa = Tiền bạc [Khứa lão đa địa]
- Địa = Coi chừng ai đó
- Đào thương = Đào đóng vai mùi mẫn
- Được hông ta = Tự hỏi
- Đá cá lăn dưa = Bọn người không ra gì
- Đa đi hia = Đi chổ khác.
- Đã nha! = Sướng nha!
- Đánh đàn đánh đọ = Tụ tập chơi bời. Xao lãng không lo học hành
- Đàng “Nói một đàng, làm một nẻo”. = Đường
- Được hem = Được không.
- Đặng = Được “Bắp non mà nướng lửa lò. Đố ai ve đặng con đò Thủ Thêm”
- Đầu đường xó chợ. = Không nhà cửa. Không nơi nương tựa.
- Đen như chà dzà (và) = Rất đen - Đen như anh chàng trên cây kem đánh răng “Hynos”
- Đi bang bang = Đi nghênh ngang
- Đi bát phố = Đi dạo phố
- Đi bụi = Bỏ nhà đi ngao du
- Đi cầu = Đi cầu tiêu
- Đi mần = Đi làm
- Địa cớm = Canh chừng cảnh sát
- Đó = Đấy
- Đồ bỏ đi = Đồ hư hỏng
- Đồ già dịch = Già mất nết
- Đồ mắc dịch, Đồ mắc toi  =  Chửi lúc bị chọc ghẹo
- Đờn = Đàn
- Đùm xe = Mai-ơ (Pháp).
- Đừng có mơ = Đừng có hòng
- Được hem (hôn/hơm) ? = được không ?
- Được gòi = Được rồi
- Đoàn Chính Thuần = Đạo đức giả [Đào hoa, nhiều vợ] 
- Địa = Tiền bạc [bắt địa]
- Đi chơi dzui dzẻ hen mầy = Câu chúc thân mật
- Đầy dẫy = Nhiều
- Đảnh sủi = Chết
- Đậu nành = Đỗ tương

E:
- E rằng = Lo sợ [một lúc nào đó sẽ mất].
- Ên = Một mình [Mượn của Khmer]
- Ê , Là tiếng của Sai Gòn = Gọi (Ê! Cho chén chè nhiều nhiều tiền ít coi)

G:
- Giỏi dữ hôn = Rất giỏi.
- Ghe chài. Ghe chài không phài ghe đi đánh cá, mà là ghe chở hàng hóa (nông sản). Trong tải từ 150 tấn cho tới 300 tấn - Ghe chở hàng
- Ghì            = Giữ
- Gác-dan = Người bảo vệ
- Già dịch, Già dê, Già ó đâm, Già lựu đạn = Mắn mỏ. Người lớn tuổi không đứng đắn, lịch sự.
- Gần xịt = Thiệt là gần
- Ghẹo = Chọc quê
- Ghê = Rất  - Đẹp ghê, Xấu ghê
- Gớm ghiết = Quá dơ
- Giục giặc, hục hặc = Bất hòa
- Giận đứt bong bóng  = Giận bể bàng quang, Giận són đái.
- Gập ghình = Gập ghành
-
Ghét (Thấy ghét, phát ghét, ghét thiệt). = Hờn dỗi. Ghét nhưng lại không ghét.
- Ghê = rất, quá.
- Ghệ linh = gái đẹp.
- Già háp = già trước tuổi.
- Ghi-đông = tay lái xe đạp, xe gắn máy.
- Guộng = Ruộng

H:
- Húi cua = Hớt tóc (ngắn)
- Huê kiều = Người Hoa.
- Hột Trân Châu Viễn Đông (Nam Kỳ Tuần Báo 1944) = Hòn Ngọc Viễn Đông.
- Heo cúi (tiếng đôi). Cúi là heo. = Heo, Lợn.
- Hột = Hạt
- Hết sẩy = Tuyệt dịu, Tuyệt vời
- Hay hén mầy = Hay hả mày
- Hổng còn gì nữa. Dzậy thôi hen! = Hết rồi. Đừng hỏi nữa.
- Hông Hổng – Là Trạng từ biến đổi từ tiếng = Không = Phủ định
- Hổng - Em hổng chịu đâu! = Không bằng lòng
- Hổm nay, Hổm rày = Từ trước đến nay
- Hãng, Sở = Công ty, Xí nghiệp
- Hay như = Hoặc là
- Hầm = Nóng
- Hầm bà lằng = Lộn xộn
- Hậu đậu =  Quá tệ
- Hết trơn hết trọi = Chẳng còn gì
- Hờm = Chờ sẵn 
- Hổm rày  = Mấy bữa trước
- Hia = Cắt ngắn [Râu tóc dài “Hia bớt đi”
- Hia = Ném, Vứt “Tóm cổ hia ra ngoài”
- Hia = Khuân vác “Hia cái bao vô đây”
- Hớt hơ hớt hãi = Hấp tấp vội vã
- Hồi nảo hồi nào = Xưa lắm
- Hổm rày, mấy bữa rày = Từ mấy ngày nay
- Hổng có chi = Không sao đâu
- Hổng chịu đâu = Không bằng lòng
- Hổng thích à nhen = Không ưa, đừng ép
- Hợp gu = Hợp nhau. Vừa ý. Sở thích.
- Ì xèo = Ồn ào
- Hưởn = Rỗi rảnh
- Hia mão = Cải lương, Hát bội
- Hóc bò tó = Trong rừng rú
- Hén = Tương đương - phải không nhỉ?
- Hệch hạc, Hịch hạc = Trống trải, nông nổi “Tình người hệch hạc”.
- Hểnh hang = Sơ hở “Ăn nói hểnh hang.
- Héo queo = cây bị thiếu nước khô héo.
- Hết trơn hết trọi = hết sạch bách trơn hết trọi).
- Hết xí quách = không còn sức lực.
- Hồi nảo hồi nao = xưa ơi là xưa.
- Hồi nẳm = lâu lắm rồi.
- Hôm bữa = hôm trước.
- Hổm rày, mấy rày = từ mấy ngày nay.
- Hổng có chi = không sao đâu.
- Hổng chịu đâu = không muốn.
- Hổng xi nhê = không ăn thua, không ăn nhằm gì hết (gốc pháp = Signifier).
- Hờm = chờ sẵn ở đó.
- Hớt hơ hớt hãi = hấp tấp và sợ hãi.
- Hú hồn hú vía = giật mình.

K:
- Kép độc (cải lương) = Diễn viên đóng vai chính.
- Khao thưởng. = Đãi tiệc.
- Khổng tử nói, Khổng tử viết = Mọt sách, Học như con vẹc
- Kép chầu = Kép có tài sắc nhưng vì nguyên do nào đó mà không được giao cho vai diễn.
- Kẻo = Coi chừng
- Kể cho nghe nè! = Nói cho nghe
- Kêu gì như kêu đò thủ thiêm =  Thúc giục
- Khỉ đột  = Thứ khỉ đột
- Khỉ khô  = Cái khỉ khô. Không ra gì
- Khỉ gió  = Cái thứ khỉ gió
- Khỉ khọm = Khỉ già
- Khứa = Lão già
- Khứa lão đa địa = Lão già nhiều tiền bạc
- Khoẻn = Chỉ vàng
- Kênh xì bo = Thách thức (đánh lộn)
- Kinh, “Kinh Tàu Hủ, Kinh đôi, Kinh Thoại Ngọc Hầu = Kênh
- Kêu giựt ngược = kêu gấp rút
- Kinh thiên động địa = chuyện xảy ra dữ dội.
- Khán thính giả = Người xem nghe kịch, cải lương, truyền hình.
- Khín = ké (mặc đồ khín, đi ăn khín). = Ăn chực. Mặt chực.
- Khó ưa = lời chê, nhưng có lúc lại là khen. (Mặt thằng nhỏ khó ưa quá hà).
- Khoái chí, khoái tỉ = rất thích, thích gần chết.
- Không thèm = không cần.

L:
- Lạnh cẳng = Lạnh chân
- Lóng rày = Dạo này (Thời gian gàn đây).
- Lên hơi, lấy hơi = Giận thở không ra hơi
- Liệu hồn = Hăm dọa
- Lộn = Trứng dzịt lộ
- Lộn xộn  = Ồn ào mất trật tự
- Lanh chanh = Không đứng đắn
- Lấy cái tay ra coi  = Sàm sở
- Lạnh xương sống  = Sợ
- Làm nư = Hờn dỗi
- Làm ùm lên = Làm lớn chuyện
- Láng coóng  = Lạnh cóng
- Láng te  = Láng bóng
- Lặc lìa = Rớt ra
- Lặc lìa lặc lọi  = Đi cà niễng
- Lăn cù mèo = Lăn long lóc
- Lần = Tìm kiếm
- Lần mò = Tìm kiếm
- Lấy le = Khoe
- Lắm à nhen = Nhiều, rất
- Lẹt đẹt = Chậm chạp
- Lao-tổn = Mất sức
- Lên bờ xuống ruộng  = Cực khổ, ba chìm bảy nổi
- Lên hơi, lấy hơi lên = Bực tức (lấy hơi lên)!
- Liệu = Tính toán
- Liệu hồn = Coi chừng
- Lô = Đồ giả, đồ “Local”
- Lộn = Nhầm, Lầm
- Líp-Ba-Ga  = “Libre Bagage” Thoải mái.
- Lơ xe = Người soát vé “Contro Leur”
- Lộn xộn = Làm rối
- Lục cá nguyệt = Sáu tháng.
- Lụi hụi = Chăm chỉ làm, Cắm cúi làm.
- Lùm xùm = Rối rắm,
- Lụt đục = Gây gỗ
- Lừng mặt = Quen quá không còn sợ nữa 
- Lu bu = Nhiều việc
- Luột bài =  Bài dài gom lại thành bài ngắn
- Làm nư = Lì
- Làm điệu = E lệ, xấu hổ
- Lu xu bù = Mượn lý do vu vơ để trốn tránh
- Là con nít hổng bằng dậy hà = Trách móc nhẹ nhàng dễ thương.
- Lâu lắc = chậm trễ, trễ nãi, có ý trách móc
- Lai căng = Không nguyên bản gốc.
- Lạnh xương sống = quá sợ.
- Lắm à nhen = nhiều, rất.
- Lăn cù mèo = lăn long lóc, té ngữa.
- Lắt lư con tàu đi = nghiêng qua nghiêng lại.
- Lầm lầm lì lì = không nói không rằng.
- Lần (biết đâu mà lần = biết tìm từ chỗ nào). = Tìm kiếm
- Lè phè = không xem gì là quan trọng, làm chơi chơi cho lấy có, làm lấy lệ.
- Lẹt đẹt = rớt lại phía sau, thua kém.
- Leo cây (me) = bị thất hẹn, bị bỏ hẹn (nãy giờ chờ thấy bà, chắc thằng Tám nó cho tụi mình leo cây rồi).
- Lèo = thất hẹn, hứa lèo.
- Lề mề = làm việc đủng đa đủng đỉnh, không hăng hái.
- Lên bờ xuống ruộng = gian nan.
- Liệu = tính toán
- Liệu hồn = coi chừng đó.
- Loạn cào cào, loạn xà ngầu = việc gì đó rối tung cả lên.
- Lô = đồ giả, đồ dỡ, đồ xấu (gốc từ chữ local).
- Lộn = lầm (nói lộn nói lại).
- Lộn xộn = làm rối lên.
- Lung tung xà beng = như loạn xà ngầu.
- Lười chảy thây = làm biếng quá.

M:
- Mấy chữ đó nghĩa là gì dzậy ta = Hỏi trống không.
- Mui xe.  - Xe đò lục tỉnh ngày xưa thường hay chất hàng hóa trên mui xe - Trần xe.
- Minh Hương (chệt) – Khách trú = Người Hoa (Từ Trung Hoa sang Việt Nam tỵ nạn).
- Miết = Liên tục
- Mặt rô.   Tay anh chị du đảng
- Mầy hả bưởi  = Chọc quê
- Mút mùa lệ thủy = Lâu dài
- Má = Mẹ
- Ma lanh, Ma le = Nhanh tay, lẹ mắt
- Mã tà = Cảnh sát
- Mari phông tên = Con gái quê mùa lên thành phố.
- Mari sến = Sến,
- Mari sến = Sến, ám chỉ (cải lương).
- Mát trời ông địa = Thoải mái
- Máy lạnh = Máy điều hòa nhiệt độ
- Mắc cười = Buồn cười
- Mắc dịch = Mất nết
- Mặt chù ụ một đống = Không bằng lòng
- Mặt chầm dầm = Giận hờn
- Mần ăn = Làm ăn
- Mần chi = Làm gì
- Mậy = Mày
- Mè nheo = Đỏng đảnh
- Mét = Mách
- Miệt = Chỉ địa danh: Miệt Hóc Môn, Miệt dưới, Miệt vườn
Miệt thứ… = Đồng ruộng (Vùng sông nước miền Tây).
- Mình ên = Một mình
- Mò mẫm rờ rẫm sờ sẩm = mò, “Mò như người ta mò hến”
- Mồ tổ! = Câu cảm thán.
- Mả = Mồ
- Mắc cỡ = Xấu hổ
- Muỗng = Thìa
- Múa quạt = Đi đánh chắn
- Mía ghim  = Mía cắt ra từng đoạn ngắn rồi ghim thành từng xâu.
- Mái giầm  = Cây giầm cheo ghe.
- Mèn ơi, Mèn đét ơi = Câu cảm thán.
- Mạnh giỏi = mạnh khỏe.
- Mắc địt = lời chê dỡ ẹt.
- Mậy = Mày (thôi nghen mậy).
- Mé = phía (nhà ổng ở xích mé bên kia kìa).
- Mở bum = mở party, tổ chức nhẩy đầm.
- Một lèo = một hơi, một mạch.
- Mừng húm = Niềm vui đến bất ngờ.
- Mưa thúi đất = mưa không ngừng.

N:
- Nhám tay, cầm nhầm = Ăn cắp.
- Nghĩ trang Mạc Đỉnh Chi. = Công viên Lê Văn Tám
- Nhà máy đèn (Chợ Quán) = Nhà máy điện
- Nhà thương thí. (miễn phí) = Bệnh viện
- Nơi đậu xe = Chỗ đậu xe.
- Nước nhửng = Nước đứng (không lên, không xuống).
- Nai Rịa Rí Rang = Đồng Nai – Bà Rịa – Phan Rí – Phan Rang. Thành ngữ chỉ về người từng trải.
- Ném về = Thiên về
- Nhật trình = Tờ báo ngày
- Nói nghe thử coi = Hỏi cho có chuyện.
- Ngon làm thử coi = Thách thức, Khuyến khích
- Nát ngướu = Nát như tương
- Nhị tỳ (Quảng Đông) = Nghĩa địa
- Nam Tàu Bắc Đẩu   = Chuyện không thật
- Nào giờ  = Nãy giờ
- Niềng xe = Vành xe
- Ngang Tàng = Bất cần đời
- Nghen, hén, hen, nhen = Tiếng thường xử dụng của người Nam
- Nghía gái = Ngắm gái
- Ngó lơ = Làm lơ
- Ngoại quốc = Nước ngoài
- Ngon bà cố = Thiệt là ngon
- Ngồi chồm hỗm = Ngồi bất cứ chỗ nào. Không cần ghế.
- Ngủ nghê =
- Nhá qua nhá lại = Sàng qua sàng lại
- Nhữ qua nhữ lại = Lạng qua, lạng lại
- Nhan nhãn = Thấy nhiều thứ trước mắt
- Nhắc chi = Đừng nhắc “Nhắc chi chuyện đó đau lòng lắm người ơi”.
- Nhạc Bất Quần = Ngụy quân tử 
- Nhậu = Uống rượu, bia
- Nhiều chiện = Nhiều chuyện
- Nhí nhảnh = Hồn nhiên
- Nhìn khó ưa quá (nha) = Khó ưa nhưng lại [ưa]
- Nhóc, đầy nhóc = Nhiều
- Nhóc tỳ = Đứa nhỏ
- Nhột = Buồn
- Nhựt = Nhật
- Nhựt trình  = Báo hàng ngày
- Ngựa đực, Ngựa cái = Xãnh xẹ
- Nón An toàn = Mũ Bảo hiểm
- Nổ banh xác = Nói láo
- Nổ dữ dội = Quăng lựu đạn (ngày xưa có chuyện hay chọi “lựu đạn” vô chợ khủng bố dân lành).
- Nước lớn, nước nhửn, nước ròng  = (thủy triều)
- Người Tàu = Ba tàu, Các chú, Khách trú, Chệc, Chệt
- Nói hoản nói tiều = Nói không đâu vào đâu [Quảng đông & Tiều châu]
- Nhà dây thép = Sở bưu điện
- Nhỏ đó xinh ghê  = Cô bé đó đẹp thật
- Nhỏ đó ngoan  = Cô bé đó ngoan.
- Nhìn phát bực  = Nhìn khó chịu
- Nhọn hoắt  = Nhọn sắt.
- Nghen “nhớ nghen” = Nhắc nhở
- Nha !Vui vẻ nha!; Ngày mơi tui qua nha! =Hẹn hò
- Nè “Đây nè”. (thí) = Đưa ra, Cho
- Nhậu mát trời ông địa. = Nhậu (ăn uống) thoải mái
- Nào giờ = từ trước tới nay.
- Năn nỉ ỉ ôi = xuống giọng năn nỉ thở than.
- Niềng xe = vành xe.
- Nổ banh xác = nói láo, nói xạo quá cỡ.
- Nổi cơn tam bành = giận dữ quá xá.
- Nước lên, nước xuống, nước ròng = (thủy triều lên xuống).
- Nước phông tên = nước vòi, nước máy (gốc Pháp = fontaine).
- Ngang tàng = hiên ngang, bất cần đời.
- Nghía = ngắm.
- Ngó = nhìn, dòm.
- Ngó lơ = làm lơ, nhìn chỗ khác như không để ý.
- Ngoại quốc = nước ngoài
- Ngõ đường = ngã đường (ngõ ba ngõ tư).
- Ngon thấy bà cố = thiệt là ngon.
- Ngộ (cái này coi ngộ hén). = đẹp, lạ.
- Ngồi chồm hỗm = ngồi co chân, không ngồi bệt dưới đất.
- Nhá qua nhá lại = làm cho ai chú ý.
- Nhà thuốc GÁC = nhà thuốc Tây bán 24/24.
- Nhan nhãn = Nhiều (ở trước mắt)
- Nhào vô kiếm ăn = lời thách đố. Tranh giành
- Nhột = buồn cười vì bị thọt cù léc.
- Nhựt = nhật.

O:
- Oke salem = Câu chào của trẻ nhỏ mỗi khi gặp lính Mỹ
- Ông Cò = Cảnh sát
- Ô tô hí = Xe ngựa
- Ổng, Bả, Cổ, Chả = Ông, Bà, Cô, Cẩu, Chỉ, Cha ấy
- Ông bà bô = Cha Mẹ
- Ông bà, ông giải = Tổ tiên dòng tộc
- Ớn ăn = Chán ăn
- Ổng, Ảnh, Cẩu, Bả = Ông, Anh, cậu, bà
- Ông ba mươi = Con cọp
- Ông quại = Ông ngoại
- Òm = Rất (Dễ òm, dị òm).

P:
- Phê = Mệt mỏi
- Phát chẩn = Phát thực phẩm, Đồ đạt.
- Phá khuấy. = Phá đám.
- Phi cơ, máy bay  = Tàu bay
- Phổng tay trên = Chụp giựt trước
- Phong phú, Làm cho phong phú = Làm tốt hơn.
- Phờ râu = Mệt

Q:
- Quả tó = Bắt quả tang
- Quan. (Người có chức vụ). Quan thống đốc, Quan Bác sĩ, Quan vệ sanh, Quan toàn quyền, Quan hai, Quan ba. = Cán bộ.
- Quá cỡ thợ mộc = Quá mức
- Qua = Đại danh từ ngôi thứ nhất. “Hôm qua qua nói qua qua mà qua hổng qua…”
- Qua đây nói nghe nè! = Gọi người nào đó lại kể chuyện
- Qua bển, vô trỏng, ra ngoải  = Qua bên kia, Vô trong, Ra ngoài.
- Quá xá = Nhiều.
- Quá xá quà xa = Quá nhiều
- Quắc cần câu = Nhậu say hết biết đường về nhà
- Quăng = Vất. Ngày xưa ở Miền Nam VC hay có chuyện quăng “lựu đạn” vô chợ, Trường học, Nhà hàng để khủng bố dân lành)
- Quần què = [Quần dơ bẩn “kinh nguyệt” của phụ nữ)
- Quần què mẻ giặc. [Uống quần què mẻ giặt cho lắm rồi ngu] – Tiếng chửi mấy người nhậu li bì suốt ngày không chịu làm việc.
- Quấy = Làm sai, Ồn ào
- Quê một cục = Làm sai hay nói hớ chuyện gì đó
- Quê xệ = Không phù hợp
- Quay cu lơ = Quay mòng mòng, Xây xẩm
- Quá trời quá đất = Quá nhiều
- Quẹo = Đi phía nào
- Qua bên bển = qua bên kia.
- Quăng lựu đạn = nói dóc hù người khác.
- Quề trớt = huề vốn, cũng như không.
- Quởn = rảnh rỗi.
- Quới nhơn = quý nhân.

R:
- Roạch  [rôt roạch] = Tiếng kêu lột rột
- Rỡ ràng = Rạng rỡ
- Rành = Thành thạo
- Ráo (hết ráo) = Hết
- Rạp = Lều, Trại
- Rạp = Rạp hát, Hý viện
- Rân trời =  Vang trời
- Rốp rẽng. Làm rốp rẽng = làm nhanh
- Rốt ráo = làm tới nơi, tới chốn
- Ruột xe = Xăm
- Ra giêng = sang năm mới, qua tết.
- Rầu thúi ruột = buồn lo.
- Riết = liên tục, hoài (Mần riết = Làm hoài).
- Ro ro = nhuần nhuyễn, thành thạo.
- Rủng rỉnh = có tiền đầy đủ trong túi.
- Rượt = chạy đuổi theo.

S:
-Số dzách = Số một
- Sao rồi ta. = Tự hỏi.
- Sao kỳ dzậy ta  = Tự thán.
- Sức mấy = Thay cho chuyện bất lực, chuyện không thể
- Sai bét bèng beng = Sai quá nhiều
- Sai đứt đuôi con nòng nọc = Sai hết
- Sạp = Gian hàng
- Sến  = Cải lương
- Sếp phơ = Tài xế
- Sống lây lất qua ngày = Cam chịu
- Sườn xe = Khung xe
- Sén = Súng
- Sấp nhỏ = tụi nhỏ, mấy đứa nhỏ. (Người lớn nói).
- Sợ teo bu gi = sợ muốn chết.
- Sụm bà chè = mệt mỏi, đi hết nổi.
- Sức mấy = còn lâu, làm gì có (Sức mấy mà buồn, buồn ơi bỏ đi tám).

T:
- Tin Ballons = Cá tháng tư [Báo lá cải].
- Thắng (xe) = Phanh.
- Thương. = Yêu.
- Thả thính. = Gợi ý tỏ tình.
- Thịt ba rọi, Thịt kho nước dừa (Kho rệu) = Thịt ba chỉ
- To tổ chảng, Bự tổ chảng. = To lớn
- Tịch, Hai mươi năm, Đi buôn trái cây, Hui nhị tỳ, Đi ô tô bươn, Về chầu diêm vương, Mặc chemise = Chết
- Tiêu tán thòn = Hư vật gì đó
- Tiêu tán đường = Hư, bể hết
- Trời đánh thánh đâm = Vô giáo dục
- Tính tính tè tè, tè ti tè tí te = Bấm còi kêu vang trên đường
- Tin kho tiêu = Lấy tin cũ đăng lại
- Tin xe cán chó = Tin tầm phào
- Tin vơ-đét = Tin lớn “Vedette”
- Tin phịa = Loan tin thất thiệt
- Tiểu thuyết ba xu = Viết không đầu không đuôi, Vớ vẫn
- Tiền cò = Tiền [Pour – bois, Tip]
- Tuốt luốt = Mất tiêu
- Tó = Bị bắt
- Toàn diện = Tất cả
- Tuốt hết = Sạch hết
- Tà tà, tàn tàn, cà rịch cà tang = Nhẫn nha, Từ từ
- Tàn mạt = Nghèo xơ xác
- Tàng tàng = Bình thường
- Tào lao, tào lao mía lao, tào lao chi địa = Chuyện không đầu không đuôi.
- Tàu hủ = Đậu phụ
- Tạt qua = Ghé qua
- Trương Phi = Nóng nảy
- Tả Pín Lù = Hầm bà lằng (gốc Quảng Đông)
- Tầm xàm bá láp = Không chủ đích
- Tầy quầy, tùm lum tà la = Bừa bãi
- Té (gốc từ miền Trung) = Ngã
- Tèn ten tén ten = Chọc ai đó
- Tiền lính tính liền, tiền làng tàn liền = Lương tháng ít ỏi của lính
- Tò te tí te = Nói chuyện
- Tòn teng = Đong đưa, đu đưa
- Tổ cha, thằng chết bầm = Chửi vu vơ
- Tới = Đến
- Tới chỉ [Uống tới chỉ. Nhậu tới bến Huỳnh Sa] = Cuối cùng
- Tới đâu hay tới đó = Không lo
- Tốp nhỏ, Tụi nhỏ. = Mấy đứa nhỏ 
- Tui ưa dzụ (vụ) này rồi à nhen = Tôi thích việc này
- Tui, qua = Tôi
- Tụm năm tụm ba = Nhiều người
- Tức cành hông = Tức dữ lắm
- Tức anh ách = Tức thở không ra hơi
- Tháng mười mưa thúi đất = Mưa nhão đất
- Thảy hàng  = Giao hàng
- Thầy chạy = Hết cách, Hết cách chữa
- Thợ lặn = Trốn sở làm đi chơi
- Thắng = Phanh
- Thằng cha mày, ông nội cha mày = Một cách nói yêu cũng có thể là chửi.
- Thậm thà thậm thụt = Lén lén, lút lút, giấu đút
- Thấy ghét = Một câu khen và cũng có thể chê, tùy theo mức độ tình cảm.
- Thấy gớm = Thấy ghê
- Thêm thắc = Vẽ vời
- Thềm ba, hàng ba = Hiên nhà
- Thí =  Miễn phí
- Thí dụ = Ví dụ
- Thí cô hồn = Cho không
- Thiệt hôn? = Thật không?
- Thọc cù lét, chọc cù lét = Làm cho ai đó bị nhột
- Thôi đi má, thôi đi mẹ! = Bỏ qua
- Thôi hén! =Chấm dứt.
- Thơm = Dứa, khóm
- Thả thính = Mồi chài
- Thúi , thúi hoắt =  Thối (hư)
- Thưa rĩnh thưa rãng = Lưa thưa lác đác
- Trăm phần trăm = Cạn chén “Một trăm em ơi, chiều nay một trăm phần trăm.
- Trật chìa, trật đường rầy, trật dây nịt = Sai hẹn
- Trển = Trên 
- Trọ trẹ = Giọng nói khó nghe
- Trời ui ui . = Trời ít nắng
- Trụi lũi = Nhẵn thín
- Trừ phi = Trừ khi
- Trực thăng = Máy bay 
- Tàn tàn =  Không đâu vào đâu
- Tây hạ thành = Cổ lổ xỉ “Cái quần áo đó từ thời Tây hạ thành” hay “Từ thời Bảo Đại còn ở truồng”
- Thằng hai = Anh đầu. Anh cả
- Trớt quớt = Hết sạch. Không còn thứ gì.
- Tui, Tui nói lần cuối. Tui hổng giỡn chơi với ông nữa đâu đó nghen! Nghe mà lo giữ hồn, léng phéng là toi mạng  = Câu cảnh cáo, hăm dọa.
- Thằng cha mầy = Mắng yêu
- Tía cứ căn dặn quài hà, làm như tui là con nít dậy = Cằn nhằn.
- Thanh minh thanh nga = Nói vòng vo
- Tà tà = Chậm, Chậm chạp
- Thưa rĩnh thưa rãng = Quá thưa
- Tới = Đến
- Tới chỉ = Đến cuối cùng
- Tới đâu hay đó = Chuyện ngày mai để ngày mai tính.
- Tà tà, cà rịch cà tang = từ từ.
- Tài khôn, tài lanh = nhanh nhẩu đoảng.
- Tàn mạt = hết cỡ (Nghèo tàn mạt, nghèo rớt mùng tơi).
- Tàng tàng = bình thường không cao kỳ.
- Tào lao, tào lao mía lao, tào lao chi địa, tào lao chi thiên = chuyện tầm xàm bá láp, vớ vẩn.
- Tầm ruồng, tầm xàm bá láp = tầm bậy.
- Tần ngần = do dự
- Tầy quầy = bừa bãi, mất kiểm soát.
- Tía, ba = Bố, cha.
- Tò te tí te = nói chuyện qua quít (Coi đó! nó xẹt qua tò te tí te với tui mấy câu thì xẹt đi mất tiêu).
- Tòn teng = đong đưa, đu đưa.
- Tui, qua ưa = tôi thích.
- Tùm lum tà la = đủ loại đủ thứ. Bề bộn.
- Tụm năm tụm ba = nhiều người họp lại bàn chuyện hay chơi trò gì đó.
- Tức cành hông = tức tối dữ lắm.
- Thảy = quăng, Ném
- Thằng cha mày, ông nội cha mày = Một cách chửi yêu với người dưới tùy theo cách lên xuống và kéo dài giọng, cũng có thể là một câu thóa mạ.
- Thâm căn cố đế = lâu lắm rồi.
- Thậm thụt = đi ra đi vào dáng vẻ lén lút.
- Thân chủ = người khách quen.
-Thấy ghét, nhìn ghét ghê = có khi là một câu khen tặng.
- Thèo lẻo = mách lẻo, nói xấu, thọc mạch.
- Thêm thắc = nói thêm.
- Thiệt hôn? = Thật không?
- Thiệt tình = lời cảm thán (thiệt tình! nói "quài" mà nó hổng chịu nghe để giờ té nằm một đống).
- Thọc cù lét, chọc cù lét = làm cho ai đó bị nhột.
-Thôi đi má = bảo ai đừng làm điều gì đó.
- Thơm = dứa, khóm.
- Thúi = thối.
- Thủng thẳng, thủng thỉnh = từ từ chậm rãi.
- Thước = mét (Đo cho tui chừng 2 thước vải tui may cái áo dài cho sấp nhỏ).
- Thưởng lãm, thưởng ngoạn = ngắm nhìn.
- Trả treo = nhỏ mà trả lời trả vốn với người lớn một cách hỗn hào.
- Trăm phần trăm = cạn chén khi nhậu (có thể gốc từ bài hát Một trăm em ơi).
- Trật chìa, trật đường rầy, tréo cẳng ngỗng, tréo ngoe = sai sót.
- Trẹo bản họng = khó phát âm, tức tối nói không ra lời.
- Trển = trên ấy (lên trên Saigon mua đi , ở trển có bán đồ nhiều lắm).
- Trọ trẹ = Giọng nói không rõ ràng.Khó nghe
- Tròm trèm = gần bằng, gần tới (tròm trèm 70 tuổi rồi).
- Trời thần đất lở = chuyện gì quá lố.
- Trời ui ui = Trời hơi tối tối.
- Trụi lũi = nhẵn thín (cạo râu trụi lũi).
- Trừ phi = trừ khi.
- Tụi mình = chúng mình.
- Thể tháo. = Thể thao.

U:
- Um xùm = Ồn ào
- Ướt chèm nhẹp = Ướt quần áo dính vô người
- Ướt như chuột lội = Ướt toàn thân
- Ứa gan = Chướng mắt
- Ừa = Ừ [Người ngang hàng hoặc nhỏ tuổi nói với nhau]
- Ừa, Dzậy anh dzìa hen = Dạ, anh đi về
- Út ơi… con nhờ chút  = Dì Út hay cô út giúp con.
- Uống không say không dzìa (về). =Uống tiếp tục

Ư:
- Ưng = đồng ý, thích, chịu.
- Ướt chèm nhẹp = Ướt sũng.

V:
- Vè xe = Chắn bùn xe
- Vỏ xe = Lốp xe
- Velosolex = Xe thời thập niên 60
- Ván ngựa = đi-văng, với một hoặc hai tấm ván gỗ quý dầy, bóng từ gỗ cây gõ, cẩm lai, được đặt trên hai bộ ngựa.
- Vầy, làm vầy nè = Làm như vậy nè).

X:
-Xế hộp = Xe hơi
- Xóm lưới, xóm đáy, xóm rõi.  - Làng chài (cá)
- Xe thổ mộ  - Xe ngựa
- Xe kiếng  - Xe ngựa che kín "Bước lên xe kiếng đi viếng mả chồng. Cỏ xanh chưa mọc trong lòng thọ thai" (Ca dao).
- Xe cộ = (Tiếng đôi) Cộ là cỗ xe = Xe
- Xế điếc = Xe đạp
- Xù [Xù nợ] = Xóa
- Xộ khám = Ở tù
- Xả láng sáng về sớm = Thoải mái
- Xà quần [huần] = Không lối thoát ra
- Xài = Dùng, xử dụng
- Xảnh xẹ  = Kiêu kỳ
- Xí xọn = Làm dáng
- Xe cam nhông = Xe tải
- Xe ba lua = Xe tải
- Xe hơi = Ô tô con
- Xe nhà binh = Xe quân đội
- Xe đò = Xe chở khách (Xe đò lục tỉnh)
- Xe Honda = Xe gắn máy
- Xào bài = Chắp vá từ nhiều bài khác nhau
- Xẹp lép = Lép xẹp, trống rổng
- Xẹt qua = Ngang qua
- Xẹt ra, Xẹt vô = Đi ra đi vào
- Xí xa xí xầm = Nói to nhỏ, Nói thầm
- Xí phần = Xí phần, Dành phần
- Xí xọ  = Chen, giành
- Xí! Hổng chịu đâu  = Không chịu đâu
- Xí! Cha già dịch nè  = Mắng mỏ
- Xi! Cha già khó ưa  = Mắng mỏ
- Xía = Chen vô
- Xĩa răng = Không đủ
- Xĩa xói = Đâm thọt
- Xiết, Hết xiết = Hết chịu nổi
- Xỏ lá ba que = Đâm thóc
- Xỏ xiên = Châm chọc
- Xưa rồi diễm = Xưa lắm rồi
- Xây chừng = Ly cà phê nhỏ, ly rượu nhỏ…
- Xấm xi, xấm xải = Làm ăn xớn xác không ra gì
- Xây lố cố = Lũ trẻ nhỏ.
- Xa lắc xa lơ = Xa thiệt xa.
- Xả láng sáng về sớm = cứ thoải mái không lo gì hết.
- Xà ích = Người đánh xe (ngựa).
- Xà lỏn = quần cụt, quần đùi.
- Xà quần = quấn lại với nhau (gốc Khmer).
- Xe ba gác = Xe ba bánh dùng để chở đồ, xe ba gác máy.
- Xí = một loại nguýt dài (cảm thán khi bị chọc ghẹo).
- Xí , Xí phần. = Giành chỗ
- Xi-cà-que = Đi cà nhắc, tàn tật.
- Xi nhan = ra hiệu, mở đèn hiệu (gốc từ tiếng Pháp: signal).
- Xì-tin = Style.
- Xí xa xí xầm, xì xà xì xầm, xì xầm = Nói to nói nhỏ.
- Xí xọn = Nhiều chuyện.
- Xía = Chen vô chuyện người khác..
- Xỉa xói = Châm chích, chì chiết.
- Xỏ xiên = Không nói thẳng, ăn nói móc họng.
- Xú chiên = Áo lót ngực nữ (gốc tiếng Pháp).
- Xì líp = Quần lót (gốc tiếng Pháp).
- Xụi lơ = hết sức.
- Xưa như trái đất = Xưa thiệt là xưa, lâu quá trời lâu.

Y:

-Y chang, Y đúc, Y khuôn, y bon = hoàn toàn giống y như nhau.

Trang Y Hạ
San Francisco 2008.
Trang Y Hạ - Sưu tầm rất công phu & khó nhọc. Quý anh chị em sao chép nhớ ghi tên tác giả: Trang Y Hạ. Xin chân thành cảm ơn.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét