Thư viện

12/7/19

Độc Dược Trong Truyện Kiếm Hiệp của Kim Dung



Độc Dược Trong Truyện Kiếm Hiệp của Kim Dung

Tác giả: Trang Y Hạ

Độc Dược và Trùng Độc.

Đọc truyện “kiếm Hiệp”, nhất là đọc truyện kiếm hiệp của nhà văn Kim Dung… Chúng ta thường thấy các cao thủ võ lâm giang hồ dùng chiêu thức võ công thượng thặng để tranh hơn thua, hoặc tàn sát kẻ thù nhằm tranh ngôi đoạt vị hay xóa đi một môn phái nào đó… Ngoài những môn võ đó ra, họ còn dùng “độc dược” khống chế kẻ thù của họ mà ít tốn công sức. Vậy chất độc đó là những chất độc gì? Sự tác hại của thứ thuốc độc đó ra sao? Cách bào chế như thế nào? Và sau cùng là làm cách nào để xâm nhập vô cơ thể của kẻ địch?

Trong thiên nhiên từ thực vật cho tới động vật trên bờ dưới biển, đều có khá nhiều loài mang trong thân chất độc.

Về thực vật gồm có:

- Hoa Đỗ Quyên, Cà Độc Dược, Hoa Loa Kèn, Cây Trúc Đào, Cây Xoan, Lá Ngón, Cây Mã Tiền, Cây Sui, Cây thầu dầu. Cây phụ tử…!

Về động vật gồm có:

- Nhện độc, Chồn hôi độc, Sứa độc, Bọ cạp độc, Rết độc, Cóc độc, Ếch độc, Cá độc, rắn độc, Chim độc, Ong độc, Chuộc chù, Thú mỏ vịt, Côn trùng độc…!

Cây Sui – Độc tố trong cây Sui rất độc. Từ mấy nghìn năm trước, các Triều đại Trung Hoa – về quân sự họ đã dùng chất độc trong thân cây Sui tẩm vào mũi tên, gươm, đao, thương… Quân địch mỗi khi bị thương, chất độc sẽ nhanh chóng thấm vô máu và chết rất nhanh. Người Trung Hoa đã biết dùng độc tố để giết người bằng mọi hình thức như: Bỏ chất độc trong thức ăn, trong rượu, trong giếng, sông suối…! Nhìn chung người Trung Hoa đã biết dùng độc dược từ mấy nghìn năm trước…!

Những nhà “độc vương” Trung Hoa đã nhiều năm nghiên cứu tổng hợp các chất độc lại để rồi cho ra các loại thuốc hoàn, hoặc trùng độc để khống chế đối thủ và đôi khi cũng để chữa bệnh bằng cách “dĩ độc trị độc”. Có nhiều loại chất độc thường thấy trong các tác phẩm của Kim Dung:
- “Thập Hương Nhuyễn Cân Tán” của Triệu Mẫn
- “Xà Vương Độc” của Tây Độc Âu Dương Phong [Trong đầu cây gậy của Âu Dương Phong có con rắn độc, con rắn nầy đã cắn Cửu Chỉ Thần Cái Hồng Thất Công, làm cho ông mất hết công lực]

- “Hủ Thi Độc” của Đinh Xuân Thu
- “Tâm Thi Não Thần Đan” của Nhậm Ngã Hành
- “Sinh Tử Phù” của phái Thiên Sơn Đồng Mõ
- “Hủ Cốt Xuyên Tâm Cao” của Ngũ Độc Thánh Cô. Bà là ma đầu lừng danh đất (An Hương, Quý Châu). Truyện “Uyên Ương Đao”.

Tất cả các loại độc tố, một khi đã nhiễm vào người, sẽ mất ý thức, đồng thời cũng mất đi sức lực, sau đó là bị kềm chế, sai khiến mà không có cách gì tự giải thoát.

Ngoài Kim Dung ra còn có Cổ Long, ông cũng cho ra đời một nữ ma đầu chuyên dùng chất độc. Tên bà là: Thủy Mẫu Âm Cơ. Thuốc độc do bà chế ra - đó là một loại thuốc nước có tên “Thiên Nhất Thần Thủy”. Loại thuốc nước độc nầy – không màu, không mùi, không vị - chỉ cần một vài giọt là có thể giết chết hàng trăm người như chơi...!

Đơn cử một vài truyện Kiếm Hiệp có dùng độc được của Kim Dung… Chẳng hạn trong bộ truyện “Thiên Long Bác Bộ”, chỉ một cô gái tuổi chừng – mười sáu, mười bảy, có tên là Chung Linh, cô nầy chỉ dùng một con rắn độc gọi là “linh xà”. Mỗi khi sai khiến con linh xà, cô ta chỉ dùng miệng thổi: “Phù…! phù…! Tức thì con rắn trong người của cô ta bò ra đợi cô ta sai khiến… Tốc độ của con linh xà phóng ra rất nhanh, khiến các cao thủ trong hai phái Thần Nông và Vô Lượng không cách nào chém trúng. Cuối cùng một số cao thủ bị con linh xà cắn… rồi bị nhiễm độc!

Trong truyện “Bạch Mã Kiếu Tây Phong”. Nhất Chỉ Chấn Giang Nam Hoa Huy – một người có võ công nổi tiếng một vùng, nhưng vẫn bị đối thủ ám toán bằng ba mũi kim có tẩm độc. Nhờ bản lĩnh và nội công thâm hậu, ông chặn đứng độc dược phát tác… May mắn ông gặp đươc một cô gái Lý Văn Tú. Và, cô đã dùng mũi kiếm lấy ba cây kim độc ở sau lưng ông ta ra - sau mười hai năm ông phải chịu đựng đau đớn…. Ông mang ơn cô gái; ông nhận cô gái làm đệ tử và truyền thụ hết võ công cho cô ta.

Trong truyện “Tiếu Ngạo Giang Hồ”, là truyện có khá nhiều chất độc. Độc dược ngâm trong rượu như: Rượu độc “Hạt Đỉnh Hồng” - “Tỳ Sương” - “Thất Không Lưu Huyết”. Ba loại rượu độc nầy có lần con gái của Nhạc Bất Quần là Nhạc Linh San đem ra hù dọa và bắt các cao thủ phái Thanh Thành phải uống… [Rượu Hạt Đỉnh Hồng chỉ thấm môi là chết ngay]. Bất Giới Hòa Thương, cha Nghi Lâm cũng dùng độc dược cấy vô người Điền Bá Quang để sai khiến…! Tuy nhiên chỉ có hai loại độc sau đây là có thể nói là thuộc hàng tà đạo:

MỘT:

- Trùng độc “Tâm Thi Não Thần Đan” của phái (Triều Dương Thần Giáo) hay còn còn là (Nhật Nguyệt Thần Giáo) của Nhậm Ngã Hành - từ trong truyện “Tiếu Ngạo Giang Hồ”. Tâm Thi Não Thần Đan là - một loại trùng độc – con trùng độc được làm cho ngủ mê và bọc bên ngoài một lớp thuốc, lớp thuốc sẽ tan hết vào ngày tết Đoan Ngọ. Đúng ngày tết Đoan Ngọ, người uống thuốc phải có mặt tại núi Hắc Mộc Nhai để nhận thuốc giải, bằng không con trùng độc sẽ chạy lên não cắn phá…! Tuy nhiên loại “Thuốc Quý” nầy không phải ai cũng được uống, mà chỉ để cho các bậc Trưởng Lão hàng đầu trong giáo phái mới được uống. Ngoài ra, trùng độc nầy dùng để khống chế kẻ thù có võ công cao cường và có ý chống lại giáo phái Triều Dương... Đó là trường hợp Nhạc Bất Quần. Nhạc Bất Quần là Chưởng Môn phái Hoa Sơn, ông bức tử đại đồ đệ là Lệnh Hồ Xung và có ý giết Thánh Cô Nhậm Doanh Doanh... Do đó, buộc Lệnh Hồ Xung phải ra tay bảo vệ mình và người yêu Nhậm Doanh Doanh. Nhạc Bất Quần bị thua dưới kiếm của Lệnh Hồ Xung và bị Nhậm Doanh Doanh ép uống trùng độc “Tâm Thi Não Thần Đan”. Nhậm Doanh Doanh là con gái của giáo chủ Nhậm Ngã Hành.

Trong “Lộc Đỉnh Ký”. Phái “Thần Long Giáo” cũng có một loại thuốc hoàn rất độc, đó là “Độc Long Dịch Cân Hoàn”. Thần Long Giáo cho thuộc hạ uống loại độc dược nầy để họ mãi mãi trung thành với giáo chủ. Mỗi khi hết hạn mà không kịp uống thêm thuốc, người đã uống thuốc độc sẽ phát cơn điên - giết cả vợ con, người thân và người chung quanh. Người uống thuốc độc mà không được thuốc giải độc, ngoài điên loạn ra thân thể của họ sẽ biến dạng từ - đang cao ráo bổng trở thành người lùn tịt. Thuốc “Độc Long Dịch Cân Hoàn” cũng giống như loại thuốc “Tâm Thi Não Thần Đan” của phái “Triều Dương Thần Giáo” của Nhậm Ngã Hành từ trong truyện “Tiếu Ngạo Giang Hồ”.

HAI:

- “Sinh Tử Phù” – Sinh Tử Phù là “Bùa Sinh Tử”. Đây là một loại ám khí rất kỳ dị trong võ học mà Kim Dung đã mô tả trong truyện kiếm hiệp “Thiên Long Bát Bộ”. Sinh Tử Phù là của phái Thiên Sơn Đồng Mõ, người đứng đầu là Thiên Sơn Đồng Lão. Loại ám khí “Sinh Tử Phù” được cài cắm vô người đối phương bằng nhiều cách. Một khi trúng ám khí Sinh Tử Phù, người bị ám khí sẽ từ từ mất hết nội lực, chịu sự sai khiến. Vị trí để Sinh Tử Phù thâm nhập là – ba mươi sáu huyệt đạo, tùy theo võ công của từng địch thủ mà cấy Sinh Tử Phù. Có địch thủ được cấy năm huyệt mà cũng có địch thủ được cấy mười huyệt hoặc nhiều hơn.

Trong những thập niên sáu mươi, bảy mươi. Ở Miền Nam các “Nhật Báo” thi nhau đăng truyện kiếm hiệp của nhà văn Kim Dung. Mọi người hằng ngày tranh nhau mua báo đọc ngấu nghiến… Đọc say mê…! Và cũng đã hiểu ra rằng chất độc trong truyện rất là nguy hiểm, nếu các chất độc đó được dùng cho mục đích - quân sự, tình báo, địa lý, con người… thì hậu quả không thể nào lường được. Thí dụ: Dùng chất độc - không màu, không mùi, không vị - bỏ vô nơi đầu nguồn: sông, suối, ao, hồ..., làm cho các loại cá và các loài khác đều chết hết, nhằm làm tổn hại kinh tế cho phe địch, hay bỏ chất độc xuống giếng làm chết người của phe địch để trả thù... Dùng bùa “Sinh Tử Phù” cấy vô những người có chức vụ quan trọng trong chính quyền. Vân vân và Vân vân...!

Ngày nay “Tâm Thi Não Thần Đan” hay “Sinh Tử Phù” không là “bùa độc hay trùng độc” nữa, mà là nguy cơ bị ràng buộc bởi: "Chủ thuyết, Kinh Tế, Chính Trị, Tiền Tệ, Văn Hóa, Y Tế, Giáo Dục, Địa Lý, Du Lịch, Tham Nhũng, Vọng Ngoại…" nên đã bị: “Nước lạ” hay “Nước kế bên” cài cắm [Sinh Tử Phù] khống chế để sai khiến…! Thí dụ như: "Nước Lạ” hay "Nước Kế Bên", xây hàng chục cái đập thủy điện trên đầu sông bên nước của họ làm giảm lượng nước vùng canh tác nông nghiệp, ngư nghiệp của nước khác "Thượng điền tích thủy hạ điền khan"! Hoặc họ xả nước ồ ạt khi tới mùa mưa lũ - hoặc cho hóa chất tràn ngập trong thực phẩm để xuất cảng - hoặc buôn bán hóa chất tự do...!

Chất độc hóa học [poison] ngày nay gồm có:

- Hóa chất (trong thực phẩm & nông nghiệp).
- Fentanyl. Mexico lập công ty sản xuất (Fentanyl & Opioids) chỉ để xuất cảng sang Hoa Kỳ.
- Opioids (Thuốc phiện) loại mạnh).
- Phóng xạ “Polonium-210”
- Khí độc “Sarin”
- Chất độc Thần kinh “VX”
- Chất độc thần kinh “Novichok” của Nga
- Chất độc “Xyanua”
- Chất độc “Ricin”. Chất nầy độc gấp sáu [6] lần chất độc Xyanua… Chất độc Ricin bọn khủng bố hay dùng để bôi vào các phong bì thư hay những gói hàng để gửi tới cho nạn nhân. Nếu không phát giác kịp thời mà dùng tay mở phong thư hay gói hàng là có thể chết ngay tại chỗ. Còn nhiều loại chất độc hóa học khác nữa!

Nghi Án cái Áo "Ngự Hàn” của Vua Thanh tặng Vua Quang Trung.

Vua Quang Trung băng hà vào mùa thu năm 1792. Triều thần nhà Tây Sơn - một thời gian sau mới khám phá ra ý nghĩa của "bảy chữ" Hán thêu kim tuyến trong "chiếc áo" của vua nhà Thanh [Càn Long]đã tặng cho vua Quang Trung! Theo cách chiết tự và diễn nghĩa thì bảy chữ có ẩn nghĩa như sau: "Xa Tâm Chiết Trục Ða Ðiền Thử" Nghĩa là: (Vua Quang Trung chết vào năm Tý). Chữ "Xa" và chữ "Tâm" đem ghép lại thì thành chữ "Huệ"; "Chiết Trục" là gẫy trục; "Thử" là chuột, mà chuột là "Tý", hay năm Tý... Vậy là hóa ra vua Càn Long đã “ấn định” số mạng của vua Quang Trung phải chết vào năm Tý bằng cách tặng một chiếc áo Ngự Hàn đã làm sẵn từ trước...! Nếu [giả dụ] chiếc áo Ngự Hàn có tẩm độc dược...? Chuyện nầy hơi khó tin nhưng lại là có thật. Bởi vua Quang Trung khi lên ngôi Hoàng Đế đã có ý - xin hỏi cưới công chúa nhà Thanh, đồng thời đòi lại đất lưỡng Quảng, tức [Quảng Đông – Quảng Tây]. Do đó, vua Thanh và những nhà “lý số” của Trung Hoa tìm mọi cách giết vua Quang Trung để trừ hậu họa.

Theo sách “Ngụy Tây Liệt Truyện” của bộ sử ký “Ðại Nam Chính Biên Liệt Truyện”, quyển 30 trang 42, các sử quan triều Nguyễn
ghi như sau:
"...Một hôm về chiều, Quang Trung đang ngồi, bỗng xây xẩm tối tăm, thấy một ông già đầu bạc từ trên trời xuống, mặc áo trắng, cầm gậy sắt mắng rằng: Ông cha ngươi sống ở đất của Chúa, đời đời làm dân của Chúa, Ngươi sao dám phạm đến lăng tẩm? Rồi lấy gậy đánh vào trán, Quang Trung mê man ngã xuống, bất tỉnh nhân sự “.

Ngay như sử Việt Nam thời đó cũng ghi sai ngày mất của vua Quang Trung. Và đưa ra lý do theo cách “dị đoan” như vậy thì làm sao mà tin cho được. Theo Sử Trung Hoa trong "Ðại Thanh Thực Lục" và "Ðông Hoa Toàn Lục" ghi rằng: "Năm Càn Long thứ 58 (vào tháng 1 năm 1793), Quách Thế Huân khấu báo lên Càn Long là An Nam quốc vương Quang Trung đã chết vì bệnh". Nghĩa là – một năm sau vua Thanh mới hay vua Quang Trung chết.

Người Trung Hoa đã phát giác ra chất độc – nhất là chất Thủy Ngân từ năm – một nghìn năm trăm [1500] trước Công Nguyên. Mấy năm gần đây, Trung Quốc đã khai quật lăng mộ Tần Thủy Hoàng nhưng phải dừng lại không thể khai quật hết vì chất độc Thủy Ngân trong lăng mộ cao hơn mức bình thường tới hai trăm tám chục [280] lần. Một chút sơ sẩy là dẫn tới chết ngay tức thì. Người nhiễm phải Thủy Ngân có các triệu chứng như sau:

- Đau tê một số nơi trên da
- Mắt lờ mờ, nhìn đâu cũng thấy chao đảo
- Run rẩy, mất kiểm soát việc di chuyển
- Mất trí nhớ
- Cuối cùng là co giật và chết.

Chiếc áo Ngự Hàn của vua Càn Long [nhà thanh] tặng cho vua Quang Trung. Thiết nghĩ, đó là một chiếc áo giữ ấm cho nên sẽ được may bằng nhiều lớp vải thuộc loại tốt, được thêu rồng và những họa tiết rất đẹp…! Giả dụ, chiếc áo Ngự Hàn được tẩm một loại độc dược hay nhiều loại độc dược khác - [không mùi, không màu, không vị] nào đó, hoặc Thủy Ngân chẳng hạn… Do đó, "không phải ngẫu nhiên mà các tác giả Hoàng Lê nhất thống chí gắn cái chết của hoàng đế Quang Trung với chiếc áo bào vua Thanh [Càn Long] tặng.".


Tiếc thay cho Vua Quang Trung, vì thiếu cảnh giác nên cứ mặc áo "Ngự Hàn" vào người. Hậu quả đã rõ, là nhà vua “bị bệnh” và băng hà khi sức khỏe của nhà Vua còn đương ở thời kỳ sung mãn.

Vua Quang Trung băng hà là - Một nghi án lịch sử, nhưng không có nghĩa mãi mãi là nghi án lịch sử ./.

Trang Y Hạ
San Francisco
Bài đăng trong trang thơ văn tổng hợp (huongduongtxd.c…) LMTC (saigonbao.c..).





Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét