Thư viện

10/9/24

KHỔNG NHO & NHỮNG MÂU THUẪN

 



KHỔNG NHO & NHỮNG MÂU THUẪN

Tác giả: Trang Y Hạ

Khổng Nho, nội dung tư tưởng chứa đầy mâu thuẫn đã để lại hậu quả lâu dài cho người Trung Quốc; cho những quốc gia dựa vào tư tưởng của Khổng Tử làm phương châm giáo dục để rồi tự chuốc lấy hậu quả, là - nền giáo dục trì trệ, lạc hậu không thể theo kịp kỷ nguyên khoa học, công nghệ tiên tiến như các nước Phương Tây.

(Tại sao gọi là Khổng Nho? Bởi Nho Giáo có trước Khổng Tử. Khổng Tử sinh sau, mới làm hoàn thiện thêm và làm cho phong phú thêm).

Trong bài nầy, tác giả không cố ý “chỉ trích người xưa”, mà chỉ phân tích lời dạy của Khổng Nho nhằm phân tích, những “mâu thuẫn, hậu quả” của Khổng Nho để lại mà các nhà khoa bảng trí thức danh tiếng thế giới cũng đã phê phán cốt để suy nghiệm chọn lọc hầu chấn chỉnh lại nền giáo dục cho phù hợp với thời đại công kỹ nghệ đang trên đà phát triển không ngừng. [Phải hiểu rằng, cho dù là danh nhân, danh sĩ thì họ cũng có những sai sót và khuyết điểm của người xưa chứ không là toàn mỹ]. Từ lâu một số các quốc gia theo Khổng Nho, lấy “tư tưởng” đó làm phương châm giáo dục đã nhận thức và mạnh dạn chối bỏ để tiếp nhận khoa học kỹ thuật nhằm đưa đất nước giàu mạnh, như: Nhật Bản, Đài Loan, Singapore, Nam Hàn và ngay cả Trung Hoa lục địa ngày nay cũng vậy.

Tiếp nhận “Một nền văn minh, khoa học kỹ nghệ”, không phải là xóa bỏ sạch hết các: Định đề; phạm trù đạo đức (nhân bản vốn có) hoặc nền nếp văn hóa cố định gọi là “truyền thống”. Tuy nhiên, đôi khi chính văn hóa truyền thống cố hữu truyền từ đời nầy sang đời khác qua mấy ngàn năm trong lũy tre làng đã tạo ra (thói quen lười biếng, sợ hãi) không dám dấn thân, không dám xê dịch, nghi ngại không dám tìm tòi cái mới, không dám thay đổi... Điển hình là “Bản Điều Trần” canh tân đất nước của ông Nguyễn Trường Tộ khi ông qua Pháp đã tận mắt chứng kiến sức mạnh – quân sự, kinh tế… Bản điều trần, bị vua quan Triều Nguyễn xóa bỏ. Từ đó, nước Pháp mới có cớ để đô hộ Việt Nam gần cả trăm năm. Nhà triết học Ấn Độ (Krishnamurti) khẳng định rằng “Truyền thống cố hữu chính là nguyên nhân của nỗi sợ hãi”. Bởi quá sợ hãi cho nên không dám phá bỏ cái cũ, mặc dù cái cũ đã “rách nát”... ! Tệ hơn nữa là đám quan lại hủ lậu cố giữ khư khư định kiến vì lo sợ nếu thay đổi theo trào lưu khoa học thì sẽ mất hết quyền hành, tài sản…

Tiếp nhận “khoa học kỹ thuật” là thoát ra khỏi cái kén, thoát ra khỏi lũy tre làng để nhìn thấy bầu trời cao rộng hơn, con người khôn ngoan hơn và cuộc sống sung túc hơn.

Nhà Khai Sáng Nhật Bản, (Fukuzawa Yukichi) đã trình bày trong “Thoát Á Luận”. Ông luôn khẳng định rằng: “Khổng Nho chỉ dạy cho con người hư hỏng, mất ý chí, áp đặt và thụ động…”.

Văn hào Lỗ Tấn (Trung Hoa), nói: “Nho giáo là thuốc độc của tinh thần”. Và ông còn nói tiếp: “Các giai cấp phong kiến Trung Quốc trong lịch sử, dùng Đạo Khổng (Trung, Hiếu, Nhân, Lễ, Nghĩa, Trí, Tín) để làm hòn đá gõ cửa nhà người ta. Một khi chủ nhà nghe gõ, mở cửa cho vào thì nó lấy hòn đá đập vô đầu chủ nhà”. Đọc truyện ngắn “Khổng Ất Kỷ”, hoặc “Trường Minh Đăng” của Văn Hào thì sẽ biết ngọn ngành.

Tôn Trung Sơn (Tôn Dật Tiên), Trung Hoa, là người đưa ra chủ nghĩa Tam dân: “Dân Tộc, Dân Quyền, Dân Sinh”. Ông cũng cho rằng: “Khổng Giáo là trở ngại cho sự phát triển giáo dục, trở ngại cho sự thịnh vượng quốc gia cũng như không đem lại tự do, hạnh phúc cho con người. Người dân không được dạy về quyền con người; không được dạy về lòng yêu nước; không được dạy về cách làm cho phát triển kinh tế, nông nghiệp và công nghiệp”.

Ông Nguyễn Trường Tộ (1828 – 1871) làm quan thời Nhà Nguyễn, ông đã cực lực phê phán: “Ý thức hệ Khổng Nho đã lỗi thời cần phải dẹp bỏ để tiếp nhận ánh sáng văn minh Phương Tây”.

Ông Phan Chu Trinh nói: "Không bỏ Chữ Hán (Khổng – Nho). Thì Không Cứu Được Nước Nam".

Ông Mao Trạch Đông, nói: “Những người như chúng tôi chống Khổng Tử có rất nhiều lý do khác. Khổng Học độc quyền bá chiếm Trung Quốc, làm cho tư tưởng của chúng tôi không được tự do, phải buồn khổ làm nô lệ cho thần tượng này suốt hai nghìn năm, thì cũng đã không thể không phản đối.”.

Văn sĩ kiêm Nhà Tư tưởng Khang Hữu Vi 1858 – 1927). Và, Nhà Dịch Thuật kiêm Ký Giả Lương Khải Siêu (1873 - 1929), nói rằng: “Bất cứ loại hình văn hóa truyền thống nào như: - “Nho, Đạo, Pháp, Mặc...” - đều không thể cứu được Trung Quốc, hơn nữa là một gánh nặng hoặc vật cản. Lối thoát duy nhất là từ bỏ hệ tư tưởng truyền thống, cải cách duy tân, học theo văn minh phương Tây, hiện đại hóa Trung Quốc về mọi mặt”.

Tiếc thay, đề xướng của hai ông thất bại thảm hại.

Khổng Tử suốt đời chạy tới nước nào thì “nịnh bợ” vua chúa nước đó để mong được giữ một chức quan, nhưng khi đã nhận được chức quan thì không hoàn thành nhiệm vụ. Sai lầm của Khổng Tử là cho rằng: “Vua chúa và dân chúng có cùng chuẩn mực đạo đức ngang nhau”. Do đó, xài chữ “NHÂN” tùy tiện. Không rõ có phải đó là một phương thức dạy học cách riêng của Khổng Nho thời đó hay không? Khổng Nho tùy theo từng bản tánh của từng đệ tử mà truyền dạy. Đối với đứa ham ăn, ham uống, thì dạy: "Quân tử thực bất cầu bảo". Nghĩa là (Người quân tử ăn không cầu no). Đứa hay gây sự, quậy phá, bướng bỉnh, thì dạy: "Quân tử hòa nhi bất đồng". Đứa nói năng huyên thuyên bừa bãi không đầu không đuôi, thì dạy: "Tiểu biện hại nghĩa, tiểu ngôn phá đạo". Đứa hay bêu xấu người khác, moi móc chuyện đời người khác, thì dạy: "Nặc nhân chi thiện, sở vị tế hiền; dương nhân chi ác, tư vi tiểu nhơn". nghĩa là: (Giấu điều tốt đẹp của người là dìm kẻ hiền; chỉ phô bày điều xấu của người là kẻ tiểu nhân). Cách dạy “xé lẻ” đó theo quan điểm ngày nay là không phù hợp.

Khổng Tử suốt đời chỉ mong làm quan; mong các vua chúa dùng (lễ nhạc) của mình để “bình thiên hạ”. Ông dùng mọi cách khuyến dụ nhưng chẳng ai thèm nghe, thậm chí còn xua đuổi. Từ đó mà Khổng Tử cảm thấy chán nản đành trở về quê cũ... Ông tự than: “Đời đục cả, ta trong với ai”. Qua câu than thở đó đã đủ cho thấy Khổng Nho không hoàn hảo, và hơn nữa là các bậc vua chúa cũng không (mặn mà) mỗi khi “Thánh” Khổng Tử răn dạy. Ông buồn chán mà than thở: “Cô đơn, mệt mỏi như con chó không nhà”.

Tuy nhiên giới Nho gia, Vua chúa độc tài, quan lại tham những thì đã nhìn ra thuyết Khổng Nho rất có lợi cho họ trong việc đè đầu, đè cổ dân chúng. Khổng Nho chính là sợi “dây thừng” giúp họ siết cổ dân đen, biến dân đen thành những con cừu ngoan ngoãn chui vào trong cái rọ: “Trung, Hiếu, Nhân, Lễ, Nghĩa, Trí, Tín”, và một khi đã chui vào rọ thì mãi mãi trung thành tuyệt đối mà không có ý niệm thoát ra hay chống cự.

Chủ thuyết của Khổng Nho là lấy “Lễ Nhạc” để giới thiệu cho các vua chúa cách trị dân. Nhưng thật ra đó chỉ là “mị dân” hòng nhằm ru ngủ đám dân chúng nghèo đói, ngu dốt... Chính đời sống xã hội nghèo đói, loạn lạc hằng ngày đã chỉ rõ ra rằng: (Một khi con người và xã hội rơi vào hoàn cảnh bần cùng thì tất nhiên sẽ sinh ra loạn lạc, giặc dã nổi lên khắp nơi!). Điển hình, như: Loạn An Lộc Sơn, đời Nhà Đường. Giặc Khăn Vàng (Hoàng Cân), thời Hậu Hán hay Thái Bình Thiên Quốc thời Nhà Thanh”, đã quy tụ được hàng chục triệu người nông dân theo họ nổi dậy làm binh biến…! Trong các cuộc nổi dậy đó đã làm dân số giảm đi rất nhiều…! Văn hào Lỗ Tấn, nói: “Lịch sử Trung Hoa là lịch sử ăn thịt người”. Nghĩa là Trung Hoa luôn có chiến tranh (tự chém giết nhau). Từ đó, nghèo khổ triền miên, - đó là chưa kể thiên tai lũ lụt…! Ai cũng biết “Bần cùng sinh đạo tặc”, hoặc “Có thực mới vực được đạo”. Vậy thì “lễ, nhạc” đối với người bần cùng nằm dưới đáy xã hội thì phỏng có ích gì?

Người xưa nói: “Phú quý sinh lễ nghĩa”. Một khi đời sống no ấm mới có thể tổ chức giỗ quảy cho ông bà, cha mẹ, anh chị em... Đất nước giàu mạnh, kinh tế phát triển thì mới đủ kinh phí tổ chức các “lễ hội truyền thống văn hóa của dân tộc cũng như tưởng nhớ tới các bậc anh hùng có công giữ nước”. Khổng Nho không dạy cho người dân làm giàu để có cơm no áo ấm mà lại lấy “lễ nhạc” để trị họ. Dạy như vậy là sinh ra loạn lạc, cướp bóc. Giả dụ rằng thứ “lễ, nhạc” đó là hình luật được công nhận trong xã hội phong kiến cũng như bây giờ thì cũng không đủ sức răn đe để giữ trật tự xã hội.

NHỮNG CÂU DẠY: BẤT NHẤT, MÂU THUẪN

- Đối Với Người Dân:
Khổng giáo khinh thường người dân:
Ông Khổng Tử nói: (Hình phạt không được dùng cho quan lớn). “Hình bất thướng đại phu”. Vậy là vua chúa, quan lại, phú hào, bá hộ... được quyền “kim bài miễn tử” không phải chịu bất cứ hình luật nào. Lấy lễ nhạc trị nước mà nói: (Lễ không kể đến bọn thứ dân). “Lễ bất há thứ dân”. Vậy là Khổng Nho chỉ nhằm phục vụ cho quyền lợi vua chúa, quan lại là chính. Lấy lễ đối nhân xử thế vậy mà lễ không kể đến bọn thứ dân. Bởi vậy vua chúa, quan lại phong kiến gọi người dân là: “Bọn thứ dân, đám bần dân, con dân, con đỏ”, một cách miệt thị. Vua chúa “vi hành” người dân phải quỳ lạy, cúi đầu chứ không được nhìn mặt. Dưới thời phong kiến, người dân phải nai lưng đóng đủ các thứ thuế để cho guồng máy quan lại hủ bại hưởng thụ. Ngược lại mỗi khi có thiên tai dịch bệnh hay chiến tranh, nghèo đói thì không biết kêu ai. Vậy “lễ nhạc” không đem lại an bình cho xã hội!

Ngày nay (thế kỷ hai mươi, hai mươi mốt), những thế kỷ của kỹ nghệ khoa học, con người rất thông minh và văn minh... Vậy mà một số quốc gia “độc tài” vẫn khư khư ôm hồn ma Khổng Nho làm phương châm giáo dục thì chỉ làm khổ người dân và đất nước càng chậm tiến. Đại Việt (Việt Nam), hơn bốn ngàn năm vẫn ôm khư khư Khổng Nho làm nền tảng giáo huấn mà bị nô lệ phương Bắc hơn một ngàn năm, và rồi “bế môn tỏa cảng” nên bị người Pháp đô hộ gần trăm năm, cho tới hôm nay vẫn chưa thoát ra được, đã vậy còn tròng thêm chủ thuyết Cộng Sản cùng “đồng chí” với Trung Cộng.

Sách sử ghi chép rằng, sau khi Khổng Tử mất, “Lục Kinh & Kinh Nhạc” đã bị thiêu huỷ hoàn toàn. Học trò của Khổng Tử xúm nhau tìm tòi ghi chép lại. “Tam sao thất bổn” thử hỏi có còn chính xác hay không? Đời Nhà Tần “Đốt sách, giết học trò”, thì sách của Khổng Tử cũng bị mất đi khá nhiều.

- Đối Với Phụ Nữ:
Khổng Nho khinh thường phụ nữ:

Khổng Nho đối xử không công bằng với phụ nữ, đã vậy lại còn ràng buộc phụ nữ bằng các thứ giáo điều rất khắc khe tới nỗi vô lý và bất nhân. Những người con cùng cốt nhục do chính cha mẹ sinh ra mà lại phân biệt giới tính (trai, gái) theo cách “Trọng nam, khinh nữ”. Khổng Nho xem con gái là ngoại tộc, bằng câu nói: “Nhất nam viết hữu, thập nữ viết vô”. Nghĩa là: (một đứa con trai thì coi là có, còn mười đứa con gái cũng coi là không). Thật là bất nhân. Hoặc: “Nữ sinh ngoại tộc” (Con gái sinh ra là con nhà người khác). Vậy mà Khổng giáo còn nói: “Phu phụ tương kính như tân”. Nghĩa là: (Vợ chồng phải kính trọng nhau như một người khách). Khổng Nho, nói hay như vậy thì tại sao lại bắt người phụ nữ phải: “Xuất giá tòng phu”. Nghĩa là: (Một khi đã lấy chồng thì phải phụ thuộc hoàn toàn người chồng). Kính trọng lẫn nhau như khách, mà lại bắt người vợ suốt cuộc đời phải cúi đầu nghe chồng phán bảo mà không được phép cãi lại?! Vậy là người phụ nữ một khi đã lấy chồng thì chẳng khác gì “nô lệ”, chẳng khác gì một người “giúp việc & sinh con” mà không được trả lương?! Nghĩ ra, thật là quá mâu thuẫn.

Lại nữa, đã tôn trọng lẫn nhau, tại sao lại cho đàn ông được quyền: “Nam hữu tam thê tứ thiếp”. Nghĩa là: (Đàn ông được lấy nhiều vợ)! Còn người phụ nữ thì: “Gái chính chuyên chỉ thờ một chồng”? Lại nữa, là: Tình vợ chồng thiêng liêng cùng thề nguyền sống với nhau suốt đời, sống tới “răng long đầu bạc”, đồng cam cộng khổ lo nuôi dạy bầy con nên người, thì bảo là: “Phu thê như y phục”. Nghĩa là (vợ chồng như quần áo), muốn cởi bỏ lúc nào cũng được. Dạy như vậy có khác gì xem phụ nữ là một món hàng để mua bán, trao đổi…?! Trong khi đó anh em ruột thì nói: “Huynh đệ như thủ túc”. Nghĩa là (Anh em như thể tay chân)?

Nghĩ thử xem, anh em ruột chỉ sống chung nhà với cha mẹ khi còn bé, nhưng một khi đã trưởng thành tất nhiên phải lập gia đình rồi tách ra riêng mỗi người sinh sống mỗi nơi, phận ai nấy sống chẳng ai lo cho ai được. Tục ngữ, nói: “Của cha của mẹ thì ham, của anh của chi ai làm nấy ăn” đó thôi. Anh em ruột có khi nào sống chung suốt đời như vợ chồng được đâu? Vợ chồng vốn vì tình yêu (trai, gái) lấy nhau để “truyền giống”, vì nghĩa ân mà nương dựa vào nhau lúc - bệnh hoạn, lúc khó khăn, thì lại xem nhẹ, khinh thường…!

Đau đớn hơn nữa là Khổng Nho, tròng vô cổ người phụ nữ bằng cái gông: “Tam tòng, tứ đức”. Suốt cuộc đời họ lệ thuộc hoàn toàn vô người đàn ông, đó là: [Cha, Chồng, Con Trai]. Khổng Nho bắt buộc phụ nữ học: “Công, Dung, Ngôn, Hạnh”, đó cũng là cái gông tròng vô cổ phụ nữ nhằm phục vụ chồng và nhà chồng. Người phụ nữ chỉ lẩn quẩn ở trong nhà, may vá thêu thùa và sinh con, còn chuyện ngoài xã hội không được quyền tham gia.

Khổng Nho quan niệm rằng: Chỉ có: “Nam nhi đại trượng phu”, “Nam nhân quân tử”. Nghĩa là: Người con trai mới là đúng là bậc quý phái được tôn vinh; con trai mới làm nên việc lớn và đáng gọi là chính trực. Do quan niệm như vậy mà trong mọi nghi lễ chỉ có phái nam mới có quyền đứng ra chủ trì việc cúng tế từ trong nhà ra ngoài xã hội, còn người nữ mệt nhọc lo việc bếp núc để phục vụ thì chỉ loanh quanh ở dưới bếp, ăn uống sau bếp chứ không được quyền bước lên nhà trên! Khổng giáo dạy: “Nữ nhân ngoại tộc”. Đã ngoại tộc thì suốt đời người phụ nữ theo chồng cũng ngoại tộc, chỉ là được tiếng “con dâu”. Người xưa nói: “Thương chồng mới lụy bà gia, Gẫm tôi với mụ chẳng bà con chi”! Một khi người phụ nữ bị chồng, bị nhà chồng đánh đập, ruồng bỏ thì chỗ dựa duy nhất là cha mẹ ruột. Vậy thì tại sao nói phụ nữ là ngoại tộc? Khổng Nho dạy: “Tam niên vô tử bất thành thê”. Nghĩa là: (Ba năm không sinh con không phải là vợ). Không sinh được con, đâu phải là cái tội của người vợ gây ra? Tại sao lại quy tội cho một phía? Mắc mớ gì Khổng Nho tự đưa ra cái “luật” vô lý nhằm chia rẽ tình chồng vợ, làm tan nát tình vợ chồng đang sống êm ấm?! Khổng Nho, tạo tiền đề cho đàn ông có quyền ruồng bỏ người vợ đầu ấp tay gối đã được hai bên dòng họ cưới hỏi và được chính quyền công nhận bằng “giấy giá thú”. Khổng Nho quả thật độc ác!

Khổng Nho dạy: Duy nữ tử dữ tiểu nhân vi nan dưỡng dã, cận chi tắc bất tốn, viễn chi tắc oán”. Nghĩa là: (Chỉ có phụ nữ và tiểu nhân là khó giáo dưỡng, thân thiết với họ thì họ tự cao, lạnh nhạt với họ thì họ bất mãn). Khổng Nho không hiểu tâm lý và bản chất con người, bởi ở trong con người thiện ác luôn đối chọi để tiến tới “Chân – Thiện – Mỹ”. Vì không hiểu biết nên đã phân biệt, khinh khi phụ nữ.

Khinh thường phụ nữ, cho họ “dơ bẩn nguyệt lịch”! Vậy mà tất cả đàn ông đều chui ra từ (chỗ dơ bẩn nguyệt lịch) ấy của phụ nữ. Bà Đoàn Thị Điểm, nói: “Giai do thử đồ xuất” quả là quá đúng! Hạ thấp giá trị người phụ nữ là hạ thấp phân nửa nhân loại.

Khổng Nho xem thường tiểu nhân. Giả dụ, không người tiểu nhân thì làm gì có người quân tử? Không lẽ con người khi sinh ra là biết làm người quân tử? Nếu được như vậy thì nơi trần gian ô trọc chẳng khác gì chốn Thiên Đường! Ông Tào Tháo ngày xưa đã tin dùng người tiểu nhân, ông còn nói: “Dùng người tiểu nhân đúng chỗ họ sẽ làm được rất nhiều việc hay”.

Trong “Thiên Tự Văn”. Thiên Tự Văn là một cuốn sách ghi chép các điều về giáo lý chính thống của Nho Giáo, như sau: “Ngoại thụ phó huấn, nhập phụng mẫu nghi”. Nghĩa là: (Ra bên ngoài nghe lời thầy dạy, về nhà nhớ lời mẹ). Câu nầy mới nghe thì như có vẻ khen ngợi, nhưng thực ra là áp đặt người phụ nữ nghe lời mà không được tự ý phản kháng. Tuy vậy, Khổng Nho cũng có nhiều câu nói giá trị. Điển hình, như: “Kỷ sở bất dục vật thi ư nhân”. Nghĩa là: (Cái gì mà mình không muốn thì đừng bao giờ làm cho người khác).Dưới thời phong kiến vốn dĩ xem phụ nữ không ra gì. Do đó Khổng Nho cũng không dám cất tiếng nói để bênh vực phụ nữ. Đã không dám bênh vực lại còn đổ thêm dầu vô lửa. Tuy nhiên, trong lịch sử Trung Hoa vẫn có những bà mẹ có học thức đã dạy con của họ trở thành bậc tài danh, như: Âu Dương Tu, Tô Thức

Dưới thời phong kiến vốn dĩ xem phụ nữ không ra gì. Do đó Khổng Nho cũng không dám cất tiếng nói để bênh vực phụ nữ. Đã không dám bênh vực lại còn đổ thêm dầu vô lửa. Tuy nhiên, trong lịch sử Trung Hoa vẫn có những bà mẹ có học thức đã dạy con của họ trở thành bậc tài danh, như: Âu Dương Tu, Tô Thức (Tô Đông Pha), Chu Tất Đại… Ngoài ra cũng có một số phụ nữ được cha mẹ cho ăn học và trở thành văn thi sĩ, như: Thi sĩ Thái Diễm trong thời Tam Quốc phân tranh mà Tào Tháo rất coi trọng tài văn thơ cũng như trí nhớ của bà. Tác phẩm “Hồ Già Thập Bát Phách” của bà vẫn còn lưu truyền trong nền văn học Trung Hoa cho tới tận ngày nay. Nữ thi sĩ Tiết Đào (768 – 831) nhà Đường. Bà để lại tập thơ “Cẩm Giang Tập”. Nữ thi sĩ Lương Ý Nương (Nhà Đường) để lại bài thơ “Trường Tương Tư” rất nổi tiếng.

- Đối Với Nam Nhi:
Đối với con trai, thì một mặt Khổng giáo khuyên: “Nam nhi chí tại tứ phương”. Nghĩa là (Làm trai phải có ý chí ở khắp bốn phương trời). “Chí làm trai dặm nghìn da ngựa, Gieo Thái Sơn nhẹ tựa hồng mao”. (Chinh Phụ Ngâm). Vậy mà lại ràng buộc một câu quá mâu thuẫn: “Phụ mẫu tồn bất khả viễn du”. Nghĩa là: (Cha mẹ còn sống thì không được đi xa). Ngày xưa chính Hàn Tín cũng vì câu nói đó mà cứ lẩn quẩn ở bên mẹ và mả mẹ, nên đã trễ nãi chuyện tiến thân dù tài năng quân sự của ông rất giỏi, thậm chí còn phải chịu “lòn trôn giữa chợ” để có lý do được ở lại quê nhà. Bởi vậy, sử sách Trung Hoa thời trước và thời sau chưa bao giờ khinh khi Hàn Tín chuyện “lòn trôn”. Và khi Hàn Tín làm tướng nhà Hán, ông trở về quê nhà báo ơn người bán thịt heo “bắt” ông lòn trôn giữa chợ.

Khổng Nho, dạy: Tề gia, trị quốc, bình thiên hạ”. Câu nói nầy ngày xưa là “kim chỉ nam” cho các đấng nam nhi. Thời phong kiến luôn áp đặt thì làm gì có tề gia? Vua chúa lập “Tam cung, lục viện”. Quan lại, Địa chủ lập nhiều thị tỳ thê thiếp. Đàn ông thường dân cũng có quyền năm thê bảy thiếp... ? Cuộc sống gia đình đa thê như vậy, tất nhiên những người vợ và con cháu của họ, dòng tộc bên ngoại của họ sẽ đấu tranh để giành ảnh hưởng, quyền lợi. Và gia đình sẽ luôn - xào xáo, bất ổn, bất an triền miên kể cả đối chọi nhau ngấm ngầm... ! Vậy thì làm sao mà tề gia, trị quốc, bình thiên hạ cho được đây?

- Đối Với Quan Hệ Vua Tôi:
Khổng Nho dạy: “Thượng bất chính, hạ tất loạn”. Nghĩa là (Ở trên không chính trực thì bên dưới sẽ loạn). Vậy mà lại dạy: “Quân xử thần tử, thần bất tử bất trung” là hết sức tàn nhẫn, độc ác! Những người có tâm lòng ngay thẳng góp ý kiến xây dựng thì không dám nói, mà có nói ra kế hoạch canh tân đất nước, can gián nhà vua hoặc nói lên sự thật thì nhà vua cũng không nghe lại còn ghép tội “khi quân”, bị “Tru di tam tốc, Tru di cửu tộc”. Đã vậy còn dạy: “Quân dĩ dân vi bản”. Nghĩa là: (Vua lấy dân làm gốc). Nhưng lại dạy: “Một tấc đất là của nhà vua, hột lúa, ngọn rau là nhờ ơn của vua ban cho”. Trong khi đó vua chúa, quan lại “ăn bám” của dân mà sống.

- Đối Với Tình Cha Con:
Khổng Nho dạy: “Phụ xử tử vong tử bất vong bất hiếu”. Nghĩa là (Người cha bắt con chết thì người con phải chết, người con không chịu chết là bất hiếu). Người xưa có câu: “Hổ dữ còn không ăn thịt con”, huống hồ là con người! Tại sao lại dạy cho “người cha” mất đi nhân tính như vậy? Người cha nào có phải quan tòa đâu mà xử án giết chết con ruột của chính mình? Luật lệ của vua chúa đặt ra để làm gì? Từ đó, ngươi cha lộng hành rồi trở thành “Gia Trưởng”, có toàn quyền sanh sát - bắt vợ con phải tuân theo ý mình bằng không sẽ bị giết; bị đem đi bán cũng như lập nhiều thê thiếp mà không dám cãi…! Khổng Nho dạy con người trở thành “ngu trung” – trung thành một cách mù quáng – mọi sự phản kháng đều bị ghép tội.

- Đối Với Vua Chúa, Quan Trường:
Khổng giáo với tham nhũng:
Trung Quốc tụt hậu so với Phương Tây nhiều năm về - chính trị, giáo dục, công nghệ, kinh tế, quân sự - cũng vì cố bám theo Khổng Nho. Do đó các học giả Trung Quốc sau nầy đã nhận thấy nguyên do tai hại của sự tụt hậu và mạnh dạn từ bỏ. Khổng Nho có liên quan trong vấn đề “tham nhũng, gia đình trị”. Lý do là dạy con người chỉ biết nghe theo một chiều, chỉ chấp nhận hiện tại - cho dù có chịu cảnh túng thiếu nghèo đói; cho dù chịu ngu dốt; cho dù bị đàn áp; cho dù bị ly hương... - mà không hề dám nhìn về tương lai, không dám phản kháng để mặc cho bọn tham quan cấu kết, lộng hành… Hiện nay căn nguyên đó vẫn đang còn ảnh hưởng.

Nhìn Chung:
Khổng Nho xây dựng hệ thống tư tưởng dựa theo vòng quanh chữ “Nhân” để đề ra phạm trù đạo đức: “Trung, Hiếu, Nhân, Nghĩa, Lễ, Trí, Tín”, nhằm áp đặt niềm tin tuyệt đối, có thể nói là “bắt buộc”. Bắt buộc bách tính tuyệt đối trung thành với Vua Chúa - cho dù vua chúa, sai phạm, hủ bại thậm chí làm mất nước vẫn u mê trung thành mà không dám hé răng phản ứng, đối chất… Sự áp đặt đó đã làm thui chột trí tuệ, làm mất đi sự sáng tạo, khai phóng canh tân trong mọi lãnh vực của đời sống, từ: kinh tế, khoa học, chính trị, xã hội, giáo dục, nghệ thuật - đồng thời làm mất hết nhuệ khí, nghị lực của tuổi trẻ. Tệ hơn nữa là làm cho người dân tê liệt sự phản kháng, sự phê phán cái xấu của kẻ độc ác, độc tài.

Thật ra những phạm trù đạo đức Khổng Nho đề ra chỉ là gom lại các mối liên hệ nhân bản tự thân đã có sẵn trong tâm lòng ở mỗi con người; cũng như các hình thái đối nhân xử thế giữa người với người; với chòm xóm láng giềng. Mối liên hệ nhân bản tự thân chính là lẽ sống tràn đầy yêu thương đã có từ lâu - đã có từ rất lâu, trước khi Khổng Nho xuất hiện. Nhân ái, nhân bản luôn luôn có sẵn trong mối giao hảo trước khi “Chữ Nhân” ra đời.

Chữ nhân “chữ viết” ra đời chỉ là để hoàn thiện, để làm sáng tỏ ý nghĩa “Hàn Lâm Văn Chương” hầu truyền lại cho các thế hệ sinh sau bằng văn bản, chương hồi... Chữ Nhân () gồm bộ thủ nhân (), và bộ nhị (). Hai “bộ thủ” hợp chung lại thành một chữ Hội Ý. Vậy “chữ nhân” có nghĩa là đại diện diễn tả làm sáng danh phẩm chất đạo đức trong quan hệ trực tiếp giữa người với người bằng hai bộ chữ nhân lồng ghép vào với nhau. Nghĩa là: “hiển nhiên” có hai người là hình thành ở trong một nhóm; hình thành một gia đình. Từ đó khởi sự cho một hình thái xã hội quần thể. Chữ Nhân chính là cách sống nhân bản, nhân ái đối xử trong tình thương yêu, san sẻ đùm bọc. Con người khi tượng hình từ trong bào thai thì “nhân” đã có từ đó rồi, chứ không phải đợi cho tới khi có (chữ nhân) mới biết rằng có nhân.

Tóm Lại:
Chẳng thà không biết gì hết, còn hơn là biết mà biết toàn chuyện sai lầm. Tư tưởng sai lầm sẽ gây ra sự đau khổ cho quê hương, đất nước và cho nhiều thế hệ con cháu. Thậm chí cho toàn nhân loại... Nguy hiểm hơn là làm tay sai cho giặc dẫn tới mất tổ quốc, làm nô lệ cho ngoại bang. “Chủ thuyết sẽ mất đi nhưng dân tộc thì trường tồn”. Ở vào thời buổi công kỹ nghệ mà quốc gia nào còn đeo bám Khổng Nho làm kim chỉ nam cho giáo dục là dẫn đất nước đi thụt lùi về mọi mặt.

Trong bài viết nầy không đề cập tới chuyện “Đúng, Sai”. Sự thật vẫn là sự thật, sự thật không phải dùng để chỉ trích - (người nầy sai, kẻ kia đúng). Nhưng, phải thấu hiểu sự thật thật sâu xa bằng với các sự việc “khác nhau”; ở trong một sự kiện khác nhau; ở trong một thời điểm khác nhau; ở trong một chủ thuyết ngoại lai du nhập sai lầm. Nhận thức bằng cách tự đặt lại vấn đề, tự vấn lại lương tri hầu làm sáng tỏ... Từ đó, đừng hùa theo số đông nhằm “phong thánh” cho một ai đó, cho một chủ thuyết không tưởng mà bị mắc lừa. ./.

Trang Y Hạ.
(Trần Phước Hân)
Viết tại San Francisco, 2009.



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét