NGƯỜI ĐÀN ÔNG ĐẢM ĐANG
Trang Y Hạ
Thông thường cứ mỗi buổi sáng gã chờ vợ đi
làm, chờ hai đứa con gái đi học - khi đó gã mới bắt tay mần công việc của một
người "ở đợ": nào là rửa chén, quét lau nhà, giặt quần áo... cuối
cùng là đi chợ, mỗi tuần gã đi chợ hai lần. Công việc nhà nào có nhiều nhặng
chi, gã chỉ ngoáy... một chặp là xong mọi thứ, thời gian trong ngày còn lại dài
thườn thượt... Gã ngồi đọc báo, đọc truyện trên "computer", đọc hoài
cũng đâm chán, gã lấy bia "budweiser" ra uống lai rai... Từ ngày qua
định cư ở Hoa Kỳ đến nay gã đâm giềng loại bia "king of ..." từ lúc
nào cũng không biết nữa? Mỗi khi ngồi độc ẩm gã ôn lại quãng đời thơ ấu, quãng
đời học sinh, quãng đời lính tráng, quãng đời tù "cải tạo", và quãng
đời lưu vong bao nhiêu năm qua - mới đó mới đây mà tuổi trời cho - đã trên sáu
chục! Những lúc cô đơn - gã cầm điện thoại gọi thằng bạn chiến hữu ở cách nhà
gã hơn một cây số, hai lão già ngồi lai rai vài "lon" ôn lại dĩ vãng
cũng thấy ấm lòng. Bữa nay cũng vậy, hai người ngồi tâm sự não nề nên uống đến
lon thứ: đại úy, "chuẩn, thiếu, trung, đại", nghĩa là đã uống được bốn
[lon]. Gã sực nhớ đến công việc ở đợ hôm nay mần chưa xong. Gã nhìn thằng bạn già
đang ôm cây đàn ghi-ta tửng từng tưng..., nói:
- Thôi, mầy uống hết lon bia đó đi,
rồi... dzọt về cho mau! Mai kia mốt nọ, uống tiếp.
Thằng bạn của gã cụt hứng nhìn gã cằn nhằn:
- Sao bữa nay mầy "đuổi" tao về
sớm vậy? Tao muốn uống đến lon... Trung tá! Bữa ni tao nhận được lệnh không đón
bà xã.
Gã nhìn thằng bạn chí thân cười cười..., nói:
- Mầy quên mất hết các thứ bậc của người
đàn ông Bắc Mỹ rồi hả? Chúng ta là hạng thứ tư mà...! Mầy không đi đón vợ thì cứ
ngồi đó mà "nhậu" một mình. Tao còn phải... nấu cơm, làm thức ăn, rửa
một đống chén bát nữa, mầy nghe rõ chửa? Gã vừa nói vừa nhìn lên đồng hồ...
***
Ngày được qua Hoa Kỳ định cư. Tuổi đời gã cũng
vừa mới qua cái cỡ năm chục cái xuân xanh, cái tuổi mà theo các bậc hiền
nho nói: "... tri-thiên-mệnh", hay như ông Nguyễn Trãi nói:
"Ngoài năm
mươi tuổi ngoài chân thế .
Ắt đã tròn như nước
ở bầu".
Tròn hay méo cũng chấp nhận thôi, có điều cái
tuổi năm mươi "lơ lửng con cá vàng" nầy thật là khó chịu...! Đi xin
việc chỗ nào họ cũng rất ư là lịch sự, tế nhị: "Ông về nhà chờ ít hôm sẽ
có giấy gọi đi Interview (phỏng vấn) Gã nộp đơn nhiều nơi, phỏng vấn nhiều lần,
chờ dài cổ... cuối cùng gã cũng được một xưởng nọ nhận vô mần. Mần được ba bốn năm
thì chủ xưởng cho nghỉ việc với lý do: "Công ty vỡ nợ"! Gã xin ăn trợ
cấp thất nghiệp (EDD) của chính phủ, ăn trợ cấp thất nghiệp được hai mươi hai
tháng - ngưng!
Trong thời gian thất nghiệp gã cũng đi xin
việc mần,... nhưng không có chộ mô nhận. Đi riết mỏi cẳng trở về nhà mặt mày gã
âu sầu như cái bánh bao thiu... Vợ gã thấy gã tất tả mà chẳng được việc chi nên
gợi ý:
- Thôi thì ở nhà mần việc nhà, đi lang
thang... thêm bịnh càng khổ!
Nghe vợ nói vậy gã sực nhớ tới hoàn cảnh của
thằng bạn thân ngồi nhậu lúc sáng - hắn cũng thất nghiệp trước mấy năm. Tự
nhiên trong lòng cảm thấy thương cho thằng bạn hơn bao giờ hết - có lẽ "đồng
bịnh tương lân" chăng? Hai người sút soát tuổi nhau: Ở cùng đơn vị, cùng ở
tù "cải tạo" chung một trại, cùng ra trại một ngày, cùng đi qua định
cư tại Hoa Kỳ chung một chuyến bay, cùng có vợ đi mần nghề móng tay (nail). Chỉ
có khác nhau: - thằng bạn có một đứa con trai, còn gã thì có hai "nường vịt
trời". Thôi thì, cũng tại hoàn cảnh chứ có ai muốn thất nghiệp? Gã tự an ủi
và bắt tay vào tập mần công việc của người ở đợ...!
Thuở trước có người nấu cho ăn, có người giặt
quần áo cho mặc, suốt ngày chỉ có biết đi mần kiếm tiền, rảnh chút thời gian
thì mần thơ, viết truyện giải khuấy - nhưng chủ yếu là thơ. Gã mê đọc thơ và mần
thơ từ thời còn tiểu học. Thơ thì chẳng có chi là hay ho cho lắm, chỉ tạm tạm
thôi, gã mần thơ chẳng qua là nói lên cảm xúc và sự kiện, sau nữa là tặng cho bạn
hữu những lúc: trà dư tửu hậu. Thật ra gã cũng đâu có ham danh, ham lợi chi ba
cái chuyện văn thơ nầy nọ... đến như thi sĩ Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu còn gánh
thơ lên "bán" cho chị Hằng thì với thơ của gã có thấm tháp vào đâu mà
khoe ra cho thêm ê mặt.
Ngày đầu mần công việc của người ở đợ gã hơi
lúng túng không biết bắt đầu từ đâu? Đầu tiên gã tập mở bếp ga: nấu nước sôi để
nguội chế vô bình lọc, tập pha cà phê, pha trà, pha sữa... Riêng nấu cơm bằng nồi cơm điện - thì gã mù tịt
chuyện canh nước mần răng cho nó đúng? Thực hành đến năm lần, bảy lượt mới
thành công mỹ mãn, hẳn nhiên là hầu hết số cơm nhão, cơm khô đó, gã gói giấy thật
kỹ đem giấu kín vô trong thùng rác - tránh vợ con về nhìn thấy mà bị "chửi"
thì quê độ! Còn chuyện lau nhà, lau bếp, phòng tắm... thì quá rành, đã từng có
mần qua. Việc rửa chén, bát, nồi, niêu, soong, chảo - không có chi khó khăn cho
lắm.
Trong nhà có máy giặt và máy sấy - giặt quần
áo gã phải học đến cả tháng trời - từ vợ và hai đứa con gái. Họ dạy cho gã biết
cách phân chia quần áo ra từng loại vải, giặt màu trắng màu đen riêng - loại
nào cần phải sấy, loại nào phải phơi ngoài nắng, loại nào cần phơi trong mát, giặt
nước ấm hay nước lạnh. Nói nôm na là phải nhớ hết các loại quần áo của vợ con,
khi giặt xong phải xếp riêng vào tủ cho từng người một, công việc nầy đòi phải
có trí nhớ dai, tốn nhiều thời gian! Chưa nói là quần áo luôn thay đổi theo từng
mùa do vợ con mua mới đem về hàng tuần, hằng tháng - cần phải cập nhật thường
xuyên. Đến phần sắp xếp giày dép cũng gian nan không kém... Gia đình có ba người
phụ nữ, tính sơ sơ trung bình mỗi người sở hữu chừng hai mươi đôi giày dép các
kiểu. Chưa kể đến các đôi giày dép "xịn" còn để trong hộp, chưa tính
hai đôi giày với một đôi dép của gã. Mỗi lần mang đi, mang về - mấy "nường"
cứ vất tứ tung, gã lại phải xếp lại gọn gàng lên trên kệ - kệ không đủ chỗ thì
xếp dười nền "garage" cho ngay thẳng, lớp lang theo từng loại... Khi
đi chỉ cần nhìn thoáng qua là thấy kiểu giày dép muốn mang trong ngày, không phải
mất công tìm, nhất là mỗi khi có công chuyện gấp.
Mấy tháng đầu mần người ở đợ gã chỉ biết nấu
cơm, còn các món ăn khác thì đành chịu thua! Mỗi buổi sáng người vợ dậy sớm làm
món ăn cho gia đình, bới vô hộp để mang đi mần, chừa lại một ít cho gã ăn trong
ngày, còn các con thì ăn trưa tại trường. Buổi chiều gã nấu một nồi cơm để đó rồi
ngồi đợi vợ đi mần về chế biến món ăn, gã lăng xăng xớ rớ chờ vợ sai mần cái
chi gã mần cái đó. Mỗi ngày trước khi đi mần vợ gã dặn gã:
- bỏ thịt cá từ
trong tủ lạnh ra ngoài cho tan đá.
Bữa nào quên thì vợ gã gọi điện về...
Gã nhận thấy rằng: mần người "ở đợ" như rứa là chưa trọn vẹn, chưa
đúng phận sự, do đó gã âm thầm vào "google" học cách nấu ăn... Khi vợ
con đi khỏi nhà thì gã đi chợ - gã vào khu hàng "Lucky" mua cá thịt về
nấu thử. Gã mần hai ba món ăn - gia đình ăn thấy ngon miệng, đúng khẩu vị từng
người. Vậy là gã tiếp tục nghiên cứu, sưu tầm thêm, và gã đã trở thành một tay đầu
bếp thành thạo, có thể nói là cự phách không thua chi - vua tiến sĩ bếp Yan Can
Cook - Martin Yan! Nhờ có biệt tài chế biến món ăn mới lạ, hấp dẫn... Ngon đến
nỗi vợ con gã không còn tha thiết chi đến chuyện đi ăn ở nhà hàng nữa, trừ những
khi bạn hữu mời đám cưới, sinh nhật... Mỗi lần sinh nhật người trong gia đình -
tiệc tùng đều đãi tại nhà do chính bàn tay "tài hoa" của gã nấu... Gã
trang trí bàn tiệc đẹp mắt không thua chi ở nhà hàng; lại thêm không khí ấm
cúng, thân mật, đôi khi vui vẻ còn ôm nhau nhảy đầm, ca hát... Gã còn ngâm thơ,
hay mần một vài bài thơ "tứ tuyệt" rất nhanh không thua gì Tào Thực
ngày xưa bên Tàu. Các món ăn: Tây, Tàu, Việt, Hàn, Nhật, Thái... nếu mọi người
thích ăn là gã nấu được tuốt. Ngoài ra gã còn có biệt tài pha chế rượu, gã sưu
tầm đủ thứ rượu: rượu Tây, rượu Tàu, kể cả rượu đế Việt Nam như: rượu mít, rượu
nếp than, rượu cần cao nguyên trung phần, mang hương vị và phong cách KonTum. Cuộc đời gã gắn liền với KonTum, đa phần tuổi
thơ của gã quyện chặt với những ngọn núi cao quanh năm: mây-mưa-mù- gió-thổi...
Gã thích uống rượu cần và những lễ hội như: lễ xuống giống vào khoảng cuối
tháng ba; lễ cúng Yàng cuối năm, sau khi thu hái hoa màu... dân cả làng lớn nhỏ
ăn uống vui chơi...! Điệu cồng chiêng hòa theo nhịp bước nhảy nhót vang khắp
núi rừng - ngay cả thú hoang cũng còn biết cảm nhận, vểnh tai ngơ ngác huống
chi là con người!
Từ bên trong căn bếp nhà gã, mọi sự được gã
sắp xếp thứ tự ngăn nắp, gọn gàng, sạch sẽ. Người vợ bây chừ mà có muốn vô bếp
nấu món chi đó... thì không biết mô mà mò, đôi khi lại còn mần xáo trộn những vật
dụng mà chồng mình đã tốn công sếp đặt, hơn nữa dù có nấu cũng chưa chắc nhanh
và ngon bằng người chồng "đầu bếp" thân yêu. Bởi lâu nay chỉ biết ăn mà
không thường xuyên "luyện", thành ra tay nghề nấu nướng đâm ra lọng cọng
quên đầu, quên đuôi! Thôi thì, cứ "đặt hàng" cho chồng nấu là tiện nhất.
Đôi khi vợ con nhờ nấu tiệc (party) cùng bạn hữu họp mặt tại nhà thay vì phải
đi ra ngoài nhà hàng tốn kém lại thêm ràng buộc thời gian. Vậy là gã nhận nấu -
đương nhiên phải có tiền thưởng, không tiền thưởng thì chí ít cũng phải có quà
thưởng. Quà thưởng mà họ tặng cho gã thường là một cặp rượu: Johnny Walker, loại
chai bự, gã rất thích loại rượu - "Ông già chống gậy" đó. Mấy đệ tử
Lưu Linh ngày xưa hay gọi là: "Ông già bật ngửa". Ngày xưa đi lính gã
từng đấu uống rượu với một tay Sĩ quan Mỹ - bằng loại rượu: Johnny Walker, và gã
đã thắng vẻ vang! Phần thưởng là bốn chai rượu - cũng là Johnny Walker. Kỷ niệm
ấy đi theo gã suốt cuộc đời.
Những ngày mần công việc của người ở đợ, gã
ngại nhất là mấy cái thùng rác. Ba thùng rác - ba màu khác nhau như dân Việt
Nam phân biệt ra: Người miền Trung, người miền Nam, người miền Bắc... Thùng màu
đen chứa rác thập cẩm, thùng màu xanh lá cây chứa thức ăn thừa, lá cây, giấy vụn.
Thùng màu xanh nước biển chứa: ve chai các thứ, giấy carton để tái chế. Trên nắp
mỗi thùng rác đều có gắn bảng hướng dẫn bằng chữ và bằng hình rõ ràng... Sợ nhất
là cái thùng rác màu xanh lá cây chứa thức ăn thừa. Một tuần xe rác đến lấy rác
một lần, nếu gói thức ăn thừa không kỹ sẽ bốc mùi hôi. Các con của gã khi ăn
chúng nó cứ vất lung tung, gã phải lựa ra từng loại... nếu rác bỏ vô thùng lộn
xộn sẽ bị ăn giấy phạt. Mỗi lần đổ rác xong gã phải rửa mấy cái thùng cho sạch,
úp xuống cho khô ráo... Lâu dần rồi gã cũng quen với mùi rác, không còn cảm thấy
khó chịu như mấy ngày đầu.
***
Thằng
bạn nối khố ở cách nhà gã chừng hơn cây số, lúc buồn buồn... gã cầm máy gọi bạn
đến làm vài lon budweiser giải sầu! Và, đôi bạn thân ngồi tỉ tê kể lại những
ngày còn ngồi trên ghế nhà trường với biết bao kỷ niệm, rồi vào lính đánh đấm
khắp bốn vùng chiến thuật. Ngày mất nước đi tù "cải tạo" mỗi thằng ẵm
sơ sơ chín năm tù ngon ơ, ra tù gã cũng chạy lang thang rày đây mai đó làm đủ
các nghề để tồn tại, (cũng may hiện nay hai đứa con gái gã ở chung nhà, chúng
nó biết thương cha mẹ - nghĩ ra, gã cũng còn có phước!). Còn thằng bạn gã tuy
có một đứa con trai nhưng do quá cưng chiều nên đâm ra hơi... ngổ ngáo, khó bảo
(gã cũng như bạn gã lập gia đình sau khi ra tù cải tạo). Thằng con của bạn gã -
theo chúng bạn thuê phòng ở riêng, rồi sang tiểu bang khác. Vợ người bạn gã khóc
hết nước mắt nên mới nhờ gã đứng ra mần trung gian "hòa-hợp, hòa-giải...".
Gã gọi điện nói chuyện phải trái với đứa con "bướng bỉnh - cứng đầu"
của thằng bạn. Đứa con của thằng bạn trả lời một câu xanh rờn:
- Con kính thưa vợ chồng bác Tư! Con không
vô lễ với cha mẹ con. Bởi vì cha của con không hiểu tâm tính tuổi trẻ, không
tin vào tuổi trẻ chúng con, lúc nào cũng cho mình cái "quyền được nói đúng,
làm đúng". Cha con là "cựu-sĩ-quan", dù nhiều hay ít cũng quen "ra
lệnh" cọng thêm tính-gia-trưởng bảo thủ. Con nhớ cha mẹ con lắm, nhưng con
nghĩ lại lời cha con nói khi xưa: "Mầy hãy đi ra khỏi nhà ngay, đừng bao
giờ cho tao thấy mặt nữa". Cha con nói như vậy là oan cho con lắm đó bác
Tư ơi!
Xung đột gia đình là một nỗi bất hạnh đã có
từ xưa đến nay không khác chi những xung đột tranh giành quyền bính ở bên ngoài
xã hội lâu dần dẫn đến mất nước... Không biết gã thuyết phục bằng cách nào đó
mà đứa con của thằng bạn ngoan ngoãn trở về sống với gia đình cha mẹ. Thế là
gia đình thằng bạn được đoàn tụ! Nhìn mái tóc lơ thơ bạc thúa của thằng bạn gã
cũng bùi ngùi... Khi cơn bão đi qua, nước đã rút, mặt trời bừng lên ấm áp, gia
đình thằng bạn quay sang nói lời cảm ơn:
- Gia đình tao đoàn tụ là nhờ cái lưỡi
"Tô Tần" của mầy - mầy đúng là dân "tâm-lý-chiến", dân tâm-lý-chiến
lại là thi sĩ cho nên mầy nói ra: có lý, có tình - ai cũng nghe răm rắp... Chỉ
có VC là không chịu nghe. Cả nhà cùng cười...! Sau đó là bữa tiệc - không say
không dzìa!
***
Tất cả các khoản chi tiêu trong nhà gã một
mình vợ gã lo tất cả... Những ngày mùa đông nhìn vợ trang bị: áo lạnh, khăn quấn
cổ ... xách giỏ thức ăn bước ra ngoài sương gió để đi mần. Gã nắm cánh cửa nhìn
theo bước chân người vợ khuất nơi góc đường mới đóng cửa lại quay trở vô nhà.
Căn nhà bây chừ chỉ còn lại mỗi một mình gã với những công việc
"osin"... Gã nhìn căn nhà trống vắng - răng mà giống y chang ở trong
khu dưỡng lão mà gã đã từng thấy... Gã nhớ lại lúc ra tù "cải tạo" một
thời gian, gã gặp người phụ nữ là vợ gã bây chừ. Hai người quen nhau và yêu
nhau... Có lần gã hỏi vợ gã [lúc đó còn là người yêu]:
- Em không sợ lấy một thằng ngụy tặc như
anh làm chồng chứ?
Vợ gã nhìn gã rồi trả lời:
- Em không lấy một thằng ngụy tặc như anh làm
chồng thì lấy ai đây?
Hai người nhìn nhau cười...! Ân tình đó của
vợ, gã không bao giờ quên.
Những đêm đi mần về, người vợ thường hay
kêu: nhức mình, đau lưng, mỏi tay, mỏi cổ, mỏi chân...! Thấy tình cảnh của vợ như
vầy gã thương lắm nhưng không biết phương cách chi mà săn sóc... Gã lại mò vô
"google" tìm học: đấm bóp, day huyệt, giác hơi... Khi đã học nhuần
nhuyễn các phương thức, bây giờ gã lại có thêm một cái nghề mới - nghề đấm bóp mà
người "khách hàng" đầu tiên là vợ gã. Không biết mỗi tối tối gã: bấm...
bấm... day... day... cái "huyệt" chi mà người vợ của gã "sướng
rêm mé đìu hiu"!*
Tuy công việc "osin" hằng ngày gã
đều chu toàn một cách xuất sắc trên cả tuyệt vời không thể chê vào đâu được, nhưng
trong thâm tâm gã vẫn nghĩ mình là... một thằng đàn ông "sống-bám-váy-đàn-bà"
chẳng giống thứ chi cả! Mỗi sáng thứ bảy gã lên phố trung-tâm, một mình ngồi với
ly cà phê im lặng lắng nghe dĩ vãng thập thò quay về, gã lấy viết giấy ra mần một
vài câu thơ... Những giây phút xuất thần thoát tục đó gã mới thật sự quay trở lại
với chính bản thân của mình, gã cảm thấy yêu thương cuộc sống hiện hữu, yêu dĩ
vãng ngọt ngào, và cũng quá cay đắng - Không lên voi mà bắt phải xuống chó, quả
là oan nghiệt!
Cuộc sống trong gia đình không phải lúc
nào cũng êm ả như dòng sông, dòng sông cũng có lúc qua ghềnh, qua thác... Dù
tâm tư đã chuẩn bị là: "người thua cuộc", nhưng trong lòng gã cũng cảm
thấy buồn buồn, một nỗi buồn khó diễn tả... Gã thở ra thườn thượt - "không
tiền bạc trong tay thì dù có nói hay đến cách mấy người ta cũng đâu có ai thèm
nghe, thèm để ý"! Một người đàn ông thua thiệt quả là cực hình.
***
Tiếng điện thoại reo... Người vợ bắt máy
nghe:
- Chị Tư ơi! Chị qua nhà em dẫn anh Tư
dzìa! Anh Tư uống bia với chồng em xỉn quắp cần câu rồi...! Em có nghe anh Tư khề
khà... nói với chồng em - là ảnh rất giỏi nghề đấm bóp, day huyệt, giác hơi...
phải không hở chị?
Người vợ của gã hoảng hồn, hoảng vía... bỏ
máy xuống tất tả chạy vội qua nhà người bạn chồng. Thấy chồng ngồi lừ đừ, đôi mắt
mơ màng...! Người vợ mỉm cười vui vẻ đi lại cúi xuống thì thầm vô tai gã...
Không biết vợ gã nói với gã chuyện chi...? Chỉ thấy mặt mày gã - tỉnh queo, tươi
rói...! Hai vợ chồng gã đứng lên chào tạm biệt gia đình người bạn để ra về - Vợ
người bạn nói vói theo:
- Về nhà bấm day huyệt, giác hơi hả...? Sướng
rêm mé đìu hiu nha...! Nhớ truyền cái "tuyệt chiêu" đó cho ông xã nhà
tui nghen!
Hai vợ chồng quay lại cười vang...! ./.
Trang Y Hạ -
* Sướng Rêm Mé Đìu Hiu" - của
Văn Sĩ - Duyên Anh
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét