Thư viện

22/9/13

CÔ EM GÁI NUÔI




                            
                        
CÔ EM GÁI NUÔI
   
Tác giả: Trang Y Hạ
   
     Nhà ông cậu của tôi ở Phương Nghĩa Bốn, sát phi trường Kontum, chỉ ngăn cách bởi con đường nhựa. Từ nhà cậu tôi đi ra cổng chính phi trường chừng ba trăm mét. Đứng trong sân nhà ông cậu, tôi vẫn thấy máy bay vận tải hạng nặng: Caribou, C 47, C 130 lên xuống, kể cả máy bay hàng không dân sự, còn máy bay trực thăng, máy bay trinh sát - L 19 thì hầu như có mặt thường xuyên.

     Máy bay lên xuống như thoi cửi
     lính chiến dạn dày theo nắng mưa

     Tôi không biết ông cậu của tôi từ Duy Xuyên, Quảng Nam đổi lên Kontum từ năm nào? Chỉ biết ông là lính mang cấp bậc Thượng Sĩ, làm việc ở "Ban ba hành quân", ông biết sửa xe và lái xe quân sự GMC. Vùng cao nguyên đất đỏ đương nhiên ai cũng biết, nhưng vùng trũng thành phố Kontum bao bọc bởi dòng sông Dakbla - đất trắng nhách! Vùng đất trắng và hơi pha màu mỡ gà kéo dài đến tận: Trung Tín, Phương Quý, Phương Hòa, Trung Nghĩa, Tân Phú. Nhìn trên mặt đất thấy màu bạc, nhưng khi đào giếng lấy nước thì đất bên dưới rất chặt, mịn, dẻo, trăng trắng mang dạng đất sét "kaolin", giếng đào sâu khoảng bốn hay năm mét là có nước. Nhà nào cũng có một hoặc hai cái giếng, mỗi cái giếng người ta thiết kế một cái cần vọt để kéo nước thay vì phải dùng sức người. Cậu tôi cũng như bao người dân ở Phương Nghĩa bốn nầy – cái nghề duy nhất để sinh sống là trồng đủ các loại bầu bí, rau cải... quanh năm. Thật ra chỉ có mợ tôi làm rau, còn cậu tôi loay hoay ở đồn, ông chỉ phụ giúp khi nào rỗi rảnh.

     Nhà tôi ở bên dòng sông Dakpsi. Cách tỉnh ly Kontum chừng ba mươi cây số đường về hướng Dakto. Tôi hay đạp xe về thăm cậu mợ khi có dịp, mỗi lần về thăm - người mừng vui nhiều là mợ tôi, vì tôi thích kéo nước với cái cần vọt để giúp mợ tưới rau. Tôi kéo nước đổ đầy hết các lu, sau đó tôi tưới những luống rau cải. Cậu tôi cũng mừng vì ông rất thích ăn ớt hiểm uống rượu, loại ớt trái nhỏ còn gọi là ớt chuột do chim ăn và ỉa ra mọc hoang trong rừng – ớt rất cay khi còn xanh, đến khi ớt chín trở màu vàng, ớt bớt cay và cũng không còn mùi thơm. Biết tính cậu nên mẹ tôi chuẩn bị ớt thật nhiều đem làm quà, còn mợ tôi thích măng tre le với rau dớn. Vậy là lần nào về tỉnh tôi cũng đèo theo cái bao tòn ten phía sau xe!

Những tháng nghỉ hè sau nầy tôi về ở nhà cậu mợ có khi nửa tháng hoặc một tháng. Tôi dạo chơi khắp chốn, tôi thích nhất là ra cuối phi trường - nơi đây có lò gạch, lò ngói và các bụi tre tàng che rộng như cái lọng, bên dưới sạch sẽ, yên lặng, nhiều lối mòn quanh co như vườn địa đàng. Không biết có phải vậy không mà người ta đặt tên nơi đây là "Paradise" ! Tôi ra sông Dakbla tắm, thời gian nầy tôi có quen mấy người bạn và chơi với họ rất thân, tôi thích nhất là được vào rạp Thanh Bình đối diện với ty cảnh sát xem phim "Cinéma". Thỉnh thoảng cậu hay mợ dẫn tôi đi xem phim, đôi khi đi với chị gái. Tôi có người chị, nhà chị ở đường Phủ Mô, tôi thường qua lại hai nơi chứ không nhất thiết phải ở một chỗ. Cái thích thứ hai của tôi là nghe tiếng chuông nhà thờ thánh thót ngân xa trong làn sương mờ, khi thì văng vẳng, khi thì dồn dập...

     Năm đúng tuổi, tôi vào lính được mấy năm... Mùa hè đỏ lửa năm 1972 mất quận Dakto, tôi và gia đình chạy thoát về tỉnh lỵ sau đó tử thủ trong “mùa hè đỏ lửa”. Tôi được bố trí về phụ trách phần việc tại Tỉnh, thay thế chức vụ của ông trưởng phòng Tâm Lý Chiến cũ ông bỏ nhiệm sở không trở về, cũng trong thời gian nầy tôi được tin ông anh ở Saigon, và bà dì ở Phú Nhuận cho biết mẹ và các em tôi được bằng an trong lần di tản khỏi KonTum. Mẹ tôi không trở lại Kontum nữa. Ruộng rẫy, nhà cửa mất hết trở về lấy cái chi mà sống!

     Khoảng nửa năm 1972, trong một chuyến công tác về Saigon, khi xong việc, tôi trở lại ga Hàng Không Việt Nam nằm ở đầu đường Phạm Ngũ Lão để ra sân bay trở về Kontum. Thấy thời gian còn quá sớm, tôi bước đi lang thang trước chợ Bến Thành tìm mua quà cho cậu mợ và bà chị. Tôi chợt thấy người ta bán xoài - xoài trái nào cũng bự, chín vàng trông rất đẹp ! Đi loanh quanh không biết làm sao mà mua, sợ mua lầm. Tôi thấy một bà má chừng sáu mươi tuổi, ngồi lựa xoài. Đứng phía sau lưng bà là cô gái trạc hai mươi tuổi, dáng người ôm ốm, cao cao không đẹp nhiều, nhưng có duyên, dễ thương và một cậu em chừng mười ba tuổi. Tôi lân la lại ngồi xuống, nói:
     
      - Thưa má, con muốn mua chục xoài về làm quà mà không biết mua, má làm ơn mua dùm cho con với, chỉ còn nửa tiếng nữa là con lên máy bay trở về đơn vị ở Kontum rồi!

      Bà má quay lại nhìn tôi với ánh mắt thân thiện...!
    
      - Con là Lính về phép hả ? Trông con còn trẻ quá !

      Tôi cảm nhận được ánh mắt thân thiện đó. Tôi nói:
    
      - Dạ thưa má ! Con vào lính được năm năm rồi!

     Tôi xưng tên, má cũng xưng tên. Má cũng giới thiệu cô con gái của má cùng cậu con trai đứng kế bên.

Má nói:

- Này con trai, bất ngờ gặp nhau giữa đàng cứ coi như là cuộc hạnh ngộ, má coi con như con nuôi của má, có đi đâu thì đi, nhưng có dịp về Saigon thì ghé thăm má, thăm các em con. 

     Người con gái lấy giấy ghi địa chỉ nhà... Tôi cũng ghi số: KBC...
     
Bà má, nói tiếp:

- Đây là chục xoài (chục mười hai trái) má đã lựa sẵn, con cầm lấy mà đi về cho kịp giờ. Lần sau có được đi phép vô Saigon ghé nhà má mà nghỉ ngơi... Nhớ viết thư cho má, má chờ tin con.

Tôi lấy tiền ra đưa má. Má nói:

- biếu cho con, cũng là biếu cho con trai của má vậy, tụi bay còn trẻ mà phải xa nhà thiệt là khổ, má thương các con lắm! Trong lòng tôi bùi ngùi như chực khóc, tôi biết lòng má cũng lưu luyến như tôi, người con gái và đứa con trai cũng vậy. Mới gặp nhau mà sao như đã có hẹn từ kiếp nào...

     Tôi vẫn làm việc bên phòng Tâm Lý Chiến, nhưng bên phòng tài chánh lại nhờ tôi hằng tháng mang hồ sơ lương của đơn vị vô Sai gòn giao nộp và nhận chi phiếu đem về. Tờ "Sự Vụ Lệnh" tỉnh cấp thời gian bảy ngày, đi bằng đường hàng không dân sự, đôi khi cũng đi bằng máy bay quân sự như C 47. Sở dĩ các anh bên phòng tài chánh nhờ tôi đi thay là biết tôi có người thân ở Saigon, khi đi vô đó sẵn có chỗ ăn, chỗ ngủ, và nhờ phương tiện của người thân đi lại đỡ tốn kém. Với số tiền "công tác phí" cho bảy ngày (khoảng ba nghìn đồng) thì chẳng thấm vào đâu ở cái đất Saigon hoa lệ, đương nhiên sẽ thâm vào tiền lương là điều không thể tránh khỏi. Hồ sơ tài chánh giao cho Bộ trực ngành, nhân viên ở bộ xem xét, có khi sai, như: thêm hoặc bớt về tình trạng nhân sự vợ con của lính trong hồ sơ lương tháng. Thông thường các anh ở bộ ưu tiên cho những Tỉnh xa. Tuy nhiên, tôi cũng... "biết chuyện" nên các anh thường bỏ qua những sai sót nhỏ, nhất là thiếu một vài chữ ký của đơn vị trưởng, hay làm lại một vài bản tài chánh chưa đúng. Tôi ký thay y chang chữ ký của đơn vị trưởng và đem nộp trở lại (dĩ nhiên tôi phải tập nhái chữ ký của đơn vị trưởng với sự đồng ý của ổng). Đường sá xa xôi làm sao mang bảng lương sai sót trở về đơn vị làm lại. Sau đó các anh chở tôi ra Tổng Nha Tài Chánh trên đường Nguyễn Huệ nhận chi phiếu đem về giao cho Ty Tài Chánh Tỉnh và rút tiền... Hồ sơ tài chánh tôi hoàn tất chỉ trong ba ngày.

     Tôi quyết đi tìm nhà má nuôi. Tôi mượn chiếc xe gắn máy Suzuki của ông anh rồi lần theo địa chỉ ghi trong giấy. Đây rồi, nhà bến Hàm Tử, phía bờ sông, đối diện cổng sau Bệnh Viện Chợ Quán. Con hẻm ngắn chủn và rộng một thước rưỡi, đi thẳng vào cuối con hẽm, quẹo phải là căn nhà ba má nuôi, nửa nằm trên bờ, nửa nằm vắt dưới sông, phần nhà trên sông lát ván sàn trông gồ ghề, có lan can bằng tre tầm vông, có chiếc võng treo tòn ten... Nhìn lên bàn thờ tôi biết gia đình ba má theo đạo Cao Đài. Trông ba nuôi khoảng bảy mươi tuổi, đẹp lão, ba má ăn chay trường. Em gái nuôi học xong phổ thông theo học tiếp hai năm về Y Tá Điều Dưỡng hiện đang làm trong bịnh viện Chợ Quán. Người anh đầu có vợ hai con cùng trạc tuổi tôi, đang đóng quân ở Bến Cát. Tôi chưa hân hạnh được gặp mặt anh ấy. Em gái nuôi dẫn tôi vào bệnh viện và giới thiệu với bạn! Chúng tôi đi chợ Hòa Bình, tôi lẽo đẽo xách giỏ theo sau. Em gái tôi nói giọng miền Tây nghe êm tai... Về nhà em gái trổ tài nấu nướng, món ăn miền Tây, tôi chưa bao giờ thấy chứ nói chi là ăn. Tôi sinh ra ở Quảng Nam, lớn lên trên rừng núi Kontum chỉ biết măng le, rau dớn... Bữa cơm gia đình hôm nay có: canh tôm nấu với bông so đũa, mắm cá linh ăn với bông súng, cù nèo, rau đắng... Ba má nuôi thì ăn cơm với đậu hủ chiên, canh hẹ nấu với tàu hủ, đậu bắp hấp cơm chấm với chao. Nói chung, những thứ nầy tôi mới biết thưởng thức lần đầu. Những lần về sau nầy, em gái nuôi còn cho tôi ăn các món khác: cá lóc thui, chuột đồng, thịt rắn, ốc bưu xào với lá nhàu, bông điên điển nấu với cá linh - Ngon ơi là ngon !

     Con hẽm nhỏ nầy cũng là cái "bến cảng" của một số ít các ghe thuyền từ miền Tây về đậu, người ta chuyển  nông sản, trái cây, rau các loại và bông hoa, có cả gạch, ngói, đất sét để làm lò và lò đã làm sẵn. Khoảng ba bốn ngày hay một tuần lễ ghe thuyền mới ghé bến một lần. Dòng kinh sâu, nước thủy triều dâng lên trong vắt, ba nuôi tôi lấy gàu múc nước đổ vào lu để dùng trong nhà cầu. Nước ăn, uống, tắm thì dùng nước máy. Tôi và thằng em nuôi - rủ nhau nhào xuống sông bơi qua bên kia bờ.

     Em gái nuôi - (tôi chưa nuôi một ngày nào) - luôn giữ một khoảng cách với tôi trong cử chỉ cũng như lời nói. Em viết thư cho tôi nhưng vẫn xử dụng ngôn ngữ "trẻ con" xa lạ… Chúng tôi thỉnh thoảng hay đi xem phim ở rạp Lê Lợi. Có lần tôi hỏi:
     
     - Chừng nào em gái có chồng vậy hử?

     Em gái nuôi quay lại thở ra...
      
     - Anh chưa có vợ thì cớ gì hỏi em bao giờ có chồng?

     Tôi cười cười, nói:
      
     - Nghề Lính của anh rày đây, mai đó... Lấy vợ sẽ làm khổ cho người con gái, chứ không phải anh không muốn có vợ.

      -Đó cũng là một lý do chính, cô em nói tiếp:
     
      - Anh biết không - chị dâu em mỗi đêm ôm hai đứa con mà khóc vì nhớ anh trai của em đó! Em thương chị dâu lắm, chị cũng thương em, hai chị em tâm sự như đôi bạn. Em nhìn tình cảnh chị mà lo cho số phận mình sau nầy, biết đâu rồi cũng có chồng là Lính. Em thương hai đứa cháu của em, nếu anh em chết trận, hai đứa nhỏ mất cha thì đau khổ biết chừng nào ! Càng nghĩ, em càng thấy sợ lắm anh ạ! Má em nói: “Khi chưa có anh, má chỉ lo và nhớ mỗi một mình anh trai của em thôi, giờ có anh, má lại lo cho anh nữa, lòng má em nghĩ thế nào thì lòng chúng em cũng nghĩ về anh như vậy”. Anh có biết tại sao em xin rất nhiều ảnh của anh không? Anh trai em cũng như anh, đời trai chinh chiến biết sống chết giờ nào, giữ lại được cái gì thì hãy giữ.

     Tôi suy nghĩ miên man về lời nói của em gái nuôi. Đã  là ba má ruột hay ba má nuôi tấm lòng thương yêu lo lắng đối với các con cũng đều như nhau, - quả thật là tình thương yêu của "cha mẹ" bao la như biển cả. Huống hồ, đây chỉ là một sự tình cờ mà tôi gặp má và hai em, đã để lại trong lòng tôi một thứ tình cảm "ba má, anh em" rất là thiêng liêng. Tôi nhìn người em gái nuôi tràn đầy yêu thương - yêu thương không khác gì năm người em gái ruột của tôi. Má nuôi có hai người con trai ruột, má vẫn sợ mất đi vì chiến tranh, Má muốn có thêm một người con trai nuôi như tôi, - dù tôi không bao giờ ở gần bên má. Thông thường những người em gái ruột hay em nuôi cũng vậy, họ thương yêu anh trai, ngoài ba má ra anh trai cũng là một chỗ dựa an toàn. Chiến tranh chắc chắn sẽ đưa những người anh của họ về đất. Đối với họ, lớn lên phải lấy chồng, dù trong thời chiến chinh cũng phải lấy chồng, - lấy lính hay dân thường cũng phải lấy bởi tuổi xuân của người con gái chỉ có ngần ấy thời gian ngắn ngủi.  Trong thời chiến dù có lấy ai đi chăng nữa, nhưng khi chiến sự xảy ra cũng đều chịu chung cảnh chết chóc tang thương và chia ly !

     Tôi vẫn đi đi, về về giữa Kontum và Saigon. Nhưng công việc sau nầy càng ngày càng nhiều hơn, ít có thời gian ở lại Saigon lâu, vài tháng tôi mới ghé về thăm mẹ ruột, các em, nhưng cũng chỉ ở lại một đêm. Và tôi vẫn tới thăm gia đình mẹ nuôi, có đôi lần vì công việc gấp, không ghé nhà được tôi chạy xe thẳng vô bệnh viện gặp em gái nuôi, gởi chút quà! Em mừng rỡ lắm, nhưng khi nghe nói: anh phải đi gấp, mặt em gái sụ xuống liền... trông thật tội nghiệp!

     Em nhìn tôi nói với một giọng tha thiết...
      
     - Không ở lại ăn bữa cơm cùng gia đình hay sao?

     Trong lòng tôi phân vân: nửa ở, nửa đi...
     
     - Thôi, lần sau vậy nha em ! Anh bận công việc quá em ạ! Cho anh gửi lời xin lỗi ba má và em trai, lần tới về anh dẫn các em đi xem phim nha, nói xong tôi quày quả ra đi. Đó là lần gặp cuối cùng khi Saigon chưa mất.

     Đêm nghe đạn pháo tóc cha bạc
     Hầm trú mẹ ngồi nước mắt chan
     Đất trắng thiếu phân pha lẫn cát
     Con đi chinh chiến biệt sương ngàn

Mùa hè đỏ lửa năm 1972, phi trường Kontum hứng hàng trăm quả đạn pháo hỏa tiễn122 ly của Cộng quân. ndân gần sân bay nên mọi người di chuyển khỏi tỉnh từ rất sớm, nên không có thiệt hại nhân mạng nhiều, còn nhà cửa đương nhiên phải hư hại... Đang đêm Cộng quân lợi dụng sương mù xua quân vượt sông Dakbla chiếm phân nửa thị xã gồm : Phi trường, Phương Nghĩa, tòa Hành chính tỉnh, tòa Giám mục, Nghĩa địa, kể cả khu vực nhà dòng Cuenot. Quân đội quốc gia tái chiếm đánh lui Cộng quân sau bốn tháng tử thủ. Gia đình cậu tôi rời Phương Nghĩa dời về ở đường Tăng Bạt Hổ, gần Nhà Đèn. Tôi có đến thăm đôi ba lần, sau nầy ông giải ngũ và về quê ở Duy Xuyên…

Trong những ngày đầu hàng quăng súng. Tôi không muốn theo mẹ ruột về quê. Tôi thương nhớ Saigon. Saigon đẹp, Saigon cao sang nhưng không kiểu cách, Saigon chợt nắng, chợt mưa để lại trong lòng người đi hay ở những tình cảm yêu thương không bao giờ phai mờ trong tâm khảm. Trong lòng tôi tràn đầy những kỷ niệm về Saigon, Tôi bất lực tôi không giữ được Saigon, Tôi ân hận, tôi xấu hổ với Saigon.

      Tôi chưa có vợ, chỉ có người bạn gái. Hôm tôi về thăm mẹ và em nuôi, có cô ấy đi cùng. Những ngày sau 1975 lòng người Saigon rối bời... Không khí trong gia đình mẹ nuôi cũng không khác gì mấy, trên khuôn mặt ai cũng đăm chiêu, lo lắng. Tôi gặp lại người con trai của má nuôi, cùng là lính chiến nên chúng tôi mến nhau, hiểu nhau... Gia đình nào có người thân dính líu đến chế độ cũ, lại càng lo lắng, buồn rầu hơn! Em gái nuôi hằng ngày vẫn vô ra Bệnh Viện, nhìn nét mặt lạnh lùng, ít nói hình như tránh né mọi người.

     Quăng súng đạn tưởng hòa bình trở lại
     Tìm về em - mòn mỏi tháng năm dài
     Tia nắng sạm bước quân hành còn mãi
     Hận thù kia ập xuống trệ hai vai.

          Buổi chiều chia tay, tôi trở về nhà ông anh.

Người em gái nuôi cầm tay tôi chậm rải nói:
     
     - Trong những tháng năm chiến tranh, tuy ít gặp nhau nhưng anh em mình còn có thể gặp nhau, thư từ cho nhau, bây giờ "hòa bình" lại càng xa nhau mãi mãi, các anh lại ra đi lần nữa lần ra đi nầy không biết đến bao giờ mới gặp lại, em linh cảm như vậy...! Những người con gái như tụi em vẫn cứ khổ, vẫn cứ chờ đợi, - chờ đợi đến bao giờ hở anh...?! Lòng tôi chùng xuống vì câu nói mang nhiều ý nghĩa, - Là em gái nói cũng có thể hiểu như vậy được, hay người yêu nói cũng có thể hiểu ra... Tôi là người bại trận, bản thân cũng không biết ra sao trước kẻ thù giờ họ là kẻ chiến thắng, tương lai mù mịt, không biết số phận của chính mình đẩy đưa về đâu, làm sao mà có thể lo cho gia đình, chứ đừng nói gì đến tình yêu, có khi cái đã có cũng tuột khỏi tầm tay ! Tôi nhìn người em gái nuôi mà cảm thấy tủi thân lẫn xấu hổ, có lẽ người em gái nuôi thấy được nỗi đau khổ lẫn buồn phiền trên khuôn mặt đầy vẻ suy tư, hốc hác của tôi. Tôi chưa kịp nói lời an ủi thì em đã quay người vội vã bước vô phòng đóng cửa lại !
    
     Thuyền anh neo giữa phong trần
     Sóng xô, gió giạt bao lần xót đau.
    
     Giờ khắc chia tay của tôi với người em gái nuôi là như vậy đó...!

      Trên đường về bạn gái nói với tôi:
      
      - Anh biết không? "Cô em gái nuôi của anh đã "yêu" anh tha thiết từ lâu, cô ấy giấu trong lòng tình yêu đơn phương của mình. Tình "anh em nuôi" thiêng liêng hòa quyện, có lúc như... một cái bóng mờ mờ ám ảnh pha chút tội lỗi khi nghĩ về tình yêu ấy. Tệ hơn nữa: chính anh cũng không dám thoát ra khỏi cái vỏ kén truyền thống cố hữu đã vô tình hay cố ý tự lừa dối chính mình có thể trong một thoáng nào đó hai người đã nghĩ về nhau một cách gần gũi thân mật phớt qua trong giấc mơ...!". 

      Cô bạn gái của tôi còn nói tiếp:
    
      - Khi em bước vô ngôi nhà cha mẹ nuôi của anh là em đã cảm nhận ra điều ấy... Em, chính em là kẻ thứ ba "phá bĩnh" tình cảm của anh đối với gia đình nầy, em nhìn xuyên thấu qua ánh mắt nơi em gái nuôi của anh, cô ấy nhìn em một cách lạnh lùng có pha chút hờn ghen... ! Phụ nữ chúng em có một giác quan rất nhạy bén trong chuyện tình ái, yêu thương. Chúng em là phụ nữ hay ghen mà, rồi một ngày nào đó, có thể em cũng sẽ bỏ anh nhưng cô ấy thì không bao giờ, vẫn nhớ anh suốt kiếp cho dù cô ấy có lấy chồng. Cô ấy yêu anh bằng trái tim của người con gái yêu người con trai, và một tình yêu "anh em nuôi" thiêng liêng lồng vào nhau xung đột gay gắt, cũng không kém phần đau khổ cho hai người đâu."! 

     Tôi phủ định thẳng thừng những lời của cô bạn gái nói, nhưng trong lòng cũng thoáng một nỗi hoài nghi...

     Tôi đi tù "cải tạo", cô bạn gái của tôi bỏ tôi ra đi thật... Chẳng qua là cô ấy quá tuyệt vọng, làm sao biết được bao giờ tôi trở về hay là chết rục ở đâu đó...? Cô ấy còn tương lai, cô phải lo một khi xuân sắc từng ngày héo tàn. Cô ấy có cá tính rất mạnh mẽ và quyết đoán để ra đi! Cô ấy không có lỗi phải gì trong tình huống nầy. Tôi không buồn phiền hay giận hờn cô ấy. Tôi chỉ nhớ cô ấy !

     Từng đêm thương nhớ cuồng đầu óc
     Bậu ở phương trời có biết không
     Những tưởng: se duyên và kết tóc
     Rào vây, nguyệt rụng - hận trong lòng.
    
     Khi bước vào năm thứ tư đại học “cải tạo", cảm thấy chuyện được th về nhà là quá xa vời như bóng chim tăm cá! Buổi sáng, buổi chiều nhìn lên đỉnh núi mây trắng, mây đen kéo nhau bay qua từng đàn mà không biết làm sao gửi chút tình nhớ thương về phương trời nào đó, và phương trời nào đó những người mình nhớ thương có còn nhớ thương hay không ? Biết bao câu hỏi hiện ra trong tâm trí ngày ngày, có ai đâu đủ thẩm quyền để trả lời, nhìn qua, nhìn lại... những thằng bạn tù nằm co ro... bởi cùng một nỗi xót xa như nhau mà !

     Lao động mỏi, đêm chập chờn giấc ngủ
     Rệp thăm nom cạn máu muỗi ru hời
     Áo tù mỏng nhìn ra màn sương phủ
     Dế tủi lòng, trỗi điệu hát chơi vơi.

     Đau khổ thể xác bởi "lao động là vinh quang" còn chịu đựng được. Đau khổ về tinh thần với những tội lỗi oan nghiệt từ đâu ập xuống càng thê lương hơn. Suốt mấy năm dài ở đại học “cải tạo" quanh đi, quẩn lại cũng chỉ có đề tài: chửi Mỹ Ngụy. Tôi nhớ câu ngạn ngữ Ấn Độ "Khi con bò giắt vào đất thánh, khi giắt nó ra nó vẫn là con bò". Tôi tự nghĩ mình có phải là con bò hay cái trại tù nầy là đất thánh?

     Trong lòng tôi vẫn nhớ tới hai gia đình – mẹ ruột, các em gái ruột, đồng thời nhớ ba má nuôi và cô em gái nuôi ốm tong teo. Tôi lo lắng không biết gia đình họ có còn ở Saigon hay tới một vùng đất “kinh tế mới” xa xôi nào khác? Trong nỗi cô đơn tột cùng trong cảnh tù đày, hình bóng bạn gái cứ hiện về chập chờn trong tâm trí... ! Tóc tôi đã lai rai năm ba sợi bạc - dù tuổi đời chỉ mới ba mươi. Tôi lén viết thư, nhờ em gái ruột chuyển cho cô em gái nuôi của tôi về nơi địa chỉ cũ. Một sự cầu may...!

     Một buổi trưa thứ bảy là ngày "thăm nuôi" của trại. Người "liên lạc viên "phụ trách thăm nuôi chạy ra nơi tôi đang lao động, nói:
     
     - Anh về trại có thân nhân đến...

     Ai đến thăm vậy anh - tôi hỏi ?
      
     - Không phải mẹ anh đâu - cô nào đấy ! Tôi mừng cho anh !

     Tôi lếch thếch theo người "liên lạc viên" đi về trại, vừa qua khỏi cổng, người công an gọi lại nói: "Anh Hân, về thay áo quần nhanh lên, thân nhân của anh đợi đã lâu rồi". Tôi thấy một người phụ nữ đứng bật dậy nhìn về phía tôi, có thể người phụ nữ đã nghe đúng tên người cần gặp nên đứng dậy chăng? Tôi nghĩ vậy… và tôi cũng nhìn lại, nhưng không nhận ra người phụ nữ kia là ai ? Khoảng cách hơi xa! Về đến phòng tôi vội vã trút bỏ bộ đồ tù, rửa mặt, lau sơ mồ hôi trên người. Tôi lần tay vào trong bao gối đầu (bao gối làm bằng bao cát công sự cũ) lấy ra bộ quần áo civil nhăn nhúm ra mặc vội vàng... Mặc kệ tóc tai bờm xờm, râu ria tua tủa...

     Từ xa, tôi thấy người phụ nữ ngồi trong nhà thăm nuôi chăm bẳm nhìn về hướng tôi đang hấp tấp đi ra. Tôi linh cảm đó là người em gái nuôi của tôi. Đúng vậy! Em gái nuôi của tôi già đi rất rõ, thân hình ngày xưa vốn đã ốm giờ càng ốm hơn. Bộ ngực phẳng lì ẩn dưới làn vải, hai cái núm cau nhô lên nhỏ xíu trông phong cảnh thật... đìu hiu ! Tôi lên tiếng trước:
      
     - Anh của em đây ! Con chào má...!

     Má nuôi của tôi lọm khọm bước tới, lấy khăn chậm nhanh nước mắt, run giọng, nói:
      
     - Dầu con có thay hình đổi dạng bao nhiêu lần má vẫn nhận ra con mà, tôi gục đầu trên vai má nuôi... Em gái nuôi đưa tay che miệng nhìn tôi - sững sờ, chết trân...! Em không khóc thành tiếng nhưng nước mắt đoanh tròng... Tôi biết em dằn lòng, thiệt là khổ sở cho em! Em vẫn giữ khoảng cách như ngày xưa nhưng ánh mắt tha thiết hơn, ân cần hơn trong từng cử chỉ và lời nói, có lẽ em không ngờ rằng "người anh trai kết nghĩa” của mình ngày xưa cao một mét bảy mươi ba; phong độ, bệ vệ... Vậy mà... bây giờ trông như một... ông già năm mươi, đôi mắt trũng sâu chứa đầy u uẩn quay cuồng với tháng năm tù đày, râu ria lởm chởm, tóc tai bù xù nhốm bạc trông lêu nghêu như một cây sào của người đi giữ vịt !" . 

     Tôi nhìn người em gái nuôi mà trong tâm lòng đau thắt, giày vò ăn năn và tự hỏi: "Đâu rồi vẻ trẻ trung nhí nhảnh của cô gái Saigon năm xưa? Nét hồn nhiên tươi tắn của tuổi hai mươi tan biến đi đâu rồi ?". Tôi nghiêng đầu quẹt nhanh giọt nước mắt vào mái tóc bạc thúa của má nuôi. Tôi cũng đã từng làm một lần như vậy trên mái tóc bạc thếch của mẹ ruột tôi ở lần thăm đầu tiên. (trại cấm - không được khóc). Ba mươi phút trôi qua làm sao nói hết bao điều muốn nói... ! Tôi và em gái nuôi nhìn nhau - thật sâu... thật lâu...! Chúng tôi ngấm ngầm thấu hiểu sự chia ly vẫn còn tiếp diễn. Hãy giữ lại trong nhau kỷ niệm, những trang thư đầy ắp thân yêu, những hình ảnh đẹp nhất của một thời chưa thể phai nhòa, sự đợi chờ trôi theo dòng thời gian miên viễn, chưa chắc đã gặp lại... Một nụ cười thoáng qua rồi nhanh chóng tắt lịm trên đôi môi khô cằn nức nẻ...

     Em thoáng hiện cho hồn anh nổi sóng
     Ngất ngư bơi trong hồi ức miên man
     Sương rụng giọt lay phay tà áo mỏng
     Xác thân nghe từng phút hóa điêu tàn.

     Gia đình người con trai của má nuôi tôi vượt biên thành công mỹ mãn sau vài tháng tôi đi vô tù. Đã có tin tức gửi về cho hay. Người em gái nuôi của tôi vẫn được "cách mạng" lưu giữ lại làm việc tại bệnh viện - phụ trách bên khoa thần kinh. Căn nhà bên bờ sông vẫn được ở như cũ, không phải bị đuổi đi "kinh tế mới".

     Tôi còn được mẹ ruột cho biết thêm.. Sau lần đi thăm nuôi tôi trở về, M nuôi của tôi bị bệnh rồi chết, trước đó một năm ba nuôi của tôi cũng qua đời. Vậy là ngôi nhà bên bến sông chỉ còn hai chị em đùm bọc nhau mà sống. Lần "thăm nuôi" đó, cũng là lần thăm nuôi cuối cùng ! Mãi năm năm sau tôi mới được tha về.

     Nhìn ngôi mẹ ruột như cái chòi giữ dưa, nhìn em gái, em trai vất vả nắng mưa trên rẫy... Đồ đạt trong nhà không còn một thứ gì gọi là đáng giá. Những cái đáng giá đã bán đi hết rồi ! Tôi nghĩ: búa, liềm, cuốc... có lẽ sẽ đi theo tôi suốt cuộc đời nầy, cuộc sống bị một sự "quản chế" thân xác và cả quản chế trong tư tưởng, - suốt năm chỉ lẩn quẩn trong rừng, trong rẫy... đào xới kiếm miếng ăn còn không đủ.

     Mấy đứa em gái, em trai của tôi, nói:
      
     - " Bây chừ bản thân anh còn lo không nổi, huống hồ cưu mang được cho ai. Thời trai trẻ hào hùng của anh đã trôi qua rồi, lại còn phải gánh trên vai suốt đời anh, và con cái của anh sau nầy một cái "lý lịch Ngụy bán nước"! Anh đừng có mơ mộng hão huyền, những người bạn trai hay bạn gái của anh ngày xưa, ngoài đời mấy năm qua họ cũng khổ trăm bề anh ạ! Đôi khi họ cũng muốn quên đi bản thân, quên đi cả tình yêu và dĩ vãng cho đỡ cực... ! Thơ văn cũng cùng chung hoàn cảnh bị hất hủi như vậy... ! Tất cả hãy để yên trong lòng mà nhớ, hãy tìm chút bằng yên trong cái đau khổ tận cùng để sống, mà sống cũng không ra sống... Không ai giúp đỡ được gì cho nhau trong lúc nầy, hơn nữa, người ta đang "vận động"  - gom đất ruộng, phương tiện sản xuất để vô "Tập đoàn - Hợp tác xã" làm ăn tập thể - tiến lên xã hội mới...  Anh hãy đợi đến một ngày nào đó:  biết đâu, sẽ có một người con gái "gồng mình hay liều mạng" chịu lấy một tên "ngụy bán nước" như anh về làm chồng, nói ra thật đau lòng, chúng em thương yêu anh nên mới nói ra để còn có anh... Chính bản thân anh cũng hơn một lần tự hiểu mình đang đứng ở tọa độ nào trong cái xã hội mới; trong trái tim của những người con gái nếu một mai kia anh sẽ được gặp họ?".

     Lời em gái của tôi nói quá đúng, những người tù "cải tạo" như tôi trong lòng tràn ngập sự thất vọng, mặc cảm, xa lạ trên những nẻo đường đã hơn một lần đi qua.,không thấy bất cứ cái gì thuộc về mình, kể cả mây bay gió thoảng cũng không đem lại cảm giác ngọt ngào dịu êm... Tất cả gần như tê liệt các giác quan, co thân lại như loài cuốn chiếu, kỷ niệm tình yêu, bạn hữu, thơ văn..., đều xếp lại đem cất giấu vào một góc tối trong tâm hồn. Mặc cảm đủ điều, sợ đủ điều và cũng hoài nghi đủ điều.

     Tôi nghe phong thanh người em gái nuôi chuyển qua làm việc tại Bệnh Viện khác. Tôi tìm ra và lần dò hỏi chị lao công... - chị lao công cho biết " Chị ấy có làm ở đây một thời gian ngắn. Chị ấy đã nghỉ lâu rồi...". Tôi quay về căn nhà bên bến sông để nhớ về kỷ niệm xưa nhưng nơi đây trống huơ... Một ụ cát với cái cần cẩu đang hoạt động. Một số căn nhà có người ở và buôn bán có vẻ đìu hiu, một số căn nhà vẫn còn nhưng cửa đóng, then cài, có căn cửa nẻo trống hoang, có căn trở thành đống gạch vun, một vài căn nhà đập bỏ xong đã dọn sạch hết xà bần, trong số đó có nhà của mẹ nuôi của tôi, mặt nền nhà xi măng lòi ra láng bóng... Mấy cái cọc cừ đỡ sàn nhà ven bờ sông còn sót lại đen thui, đen thủi đứng trông trời. Ai đó đặt mấy cái ghế nhựa cũ xì, một cái bàn nhựa trên mặt nền nhà, bên dưới bàn vài cái vỏ chai bia nằm lăn lóc... quang cảnh tan hoang, tiêu điều, xơ xác, không khác mấy so với thảm trạng tết Mậu Thân năm xưa...!

      Em gái nuôi ơi ! Anh lang thang trong thành phố Saigon nầy, anh tìm lại những nơi mà anh em chúng ta đã từng ngồi, đã từng đi qua…, nhưng hết rồi ! Anh bây giờ là kẻ hoàn toàn xa lạ với tất cả, là kẻ ăn mày tình thương của thế nhân, anh là kẻ chiến bại, anh là kẻ lưu vong trên quê hương của mình, anh không còn xứng đáng là anh trai của em gái nữa rồi.
    
       Tôi đứng lặng thinh giây lâu, mặt dàu dàu nhớ về một thời sum họp yên vui đầm ấm... Dòng sông nước đen ngoàm, thỉnh thoảng một vài cơn gió thổi thốc lên mang theo mùi cống rãnh "nồng nàn" ! Em gái nuôi ơi, bây chừ em ở nơi mô? Anh mong rằng em sẽ có một gia đình hạnh phúc ! Tôi bước đi như người mộng du... Tôi sực nhớ ở trong sân bệnh viện có một tượng đài Đức Mẹ Maria. Ngày xưa ấy, tôi và người em gái nuôi có đến nơi đó một vài lần... Tôi đã đứng trước cổng "Bệnh Viện Điên" ! Tôi nhếch môi, thầm nghĩ: "Chưa đến nỗi phải vô trong đó..." !  Tôi bước nhanh về hướng chợ Hòa Bình như chạy trốn một khung trời kỷ niệm bỏ lại phía sau lưng ./.


Trang Y Hạ


Trang Y Hạ, tên thật Trần Phước Hân. Sinh năm 1950 tại Cang Đông, Quế Sơn Quảng Nam. Thuở bé theo cha mẹ lên DakTo, KonTum sinh sống.
Hiện ông đang định cư tại San Francisco (Hoa Kỳ)
Ông sáng tác khá nhiều truyện ngắn, thơ, ca, chủ yếu đăng trên blogs cá nhân, các trang văn chương để thỏa mãn đam mê viết lách của mình.
    
    





     

    














Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét