Người Lính Công Binh Hoa Kỳ
Trang Y Hạ
Con đường quốc
lộ mười bốn từ thị xã KonTum chạy lên Tân Cảnh, DakTo. Trước năm một chín sáu
mươi lăm - có đoạn được tráng nhựa, có đoạn chưa. Đoạn đã tráng nhựa thẳng tắp
nhưng lâu năm không kịp tu bổ, mưa rừng xói khuyết... phần nhựa còn lại quá ít,
rất khó đi. Ở trên cao nguyên khí hậu chỉ có hai mùa mưa nắng. Mùa mưa bắt đầu
từ tháng tư và chấm dứt vào tháng mười. Phần đường chưa tráng nhựa mỗi mùa mưa trở
về thường bị lầy lội, xe cộ cày nát... nhiều khi không còn nhận ra mặt đường
nguyên thủy nữa ! Mùa nắng rủ theo gió mùa cao nguyên hốt bụi tung lên bầu trời
mù mịt, chưa nói đến những chuyến xe nhà binh xe dân sự chạy qua... Người dân có
nhà ở hai bên đường suốt ngày đêm cửa đóng kín bưng. Màu đất bazan quyện trên
mái tranh, mái tôn kể cả đồ đạt trong nhà đều phủ một màu bụi đỏ. Cây cỏ hai
bên đường cũng cùng chung số phận...! Người dân không bao giờ dám mặt quần áo
trắng ra đi đường bởi màu đất đỏ dính vô rất khó giặt.
Nhà cha mẹ tôi sinh sống - nằm trên trục lộ
mười bốn nầy, có dòng sông Dakpsi chảy ngang qua làng thật là thơ mộng. Trước
kia có cây cầu bằng gỗ nối liền giữa hai thôn, cây cầu gỗ lâu ngày bị mục được thay
bằng một cây cầu sắt. Vùng Bắc KonTum rộng lớn, núi cao trùng trùng điệp điệp
quanh năm mây mù che phủ. Nơi đây vùng ngã ba biên giới - thường xãy ra những
trận đánh lớn... Sau năm một chín sáu lăm hai Chi Khu: Dakpet, Toumơrong, bị Cộng
quân chiếm giữ vĩnh viễn không có cách chi lấy lại được. Duy nhất chỉ còn một
Chi Khu DakTo nằm trên đồi heo hút làm tiền đồn trấn giữ.
Từ năm: Một chín sáu lăm, chiến tranh mở rộng.
Con đường quốc lộ mười bốn được công binh Hoa Kỳ làm lại, tráng nhựa chắc chắn.
Từng đoàn công-voa cách vài ba ngày chở phương tiện chiến tranh phục vụ cho
lính đồng minh Hoa Kỳ, lính Quốc gia đóng tại sân bay Phượng Hoàng, DakTo 2.
Lính công binh Mỹ được trang bị loại súng trường liên thanh. Làm đường hoàn
toàn bằng phương tiện cơ giới, rất nhanh! Có ngày hoàn thành - một đến hai cây số
quốc lộ là chuyện thường.
Một
hôm toán công binh Hoa Kỳ làm đường đến địa phận xã của tôi. Hai bên đường có nhà
dân, vườn giậu sát mé đường, gia cầm một số nhà thả rông chạy lung tung lại
thêm người dân - nhất là người già trẻ em qua lại nên tốc độ làm đường rất là chậm.
Người dân túa ra xem đông vui không khác chi ngày hội làng... ! Toán công binh Hoa Kỳ
làm đường đến gần nhà nào thì nhà đó - gần giờ nghỉ trưa thỉnh thoảng có mang
bánh trái ra đãi những người lính công binh..., hoặc mời vô trong sân, trong vườn
cây trái, trong nhà...! Họ nghĩ... họ mang ơn những người công binh, vì từ
nay sẽ có con đường nhựa mới để đi, mùa nắng nhà cửa sẽ không còn bụi bám, mùa
mưa sẽ không còn bị sình lầy. Nhưng cũng chỉ có ngày đầu dân chúng xúm nhau ra
xem thôi ! Mấy ngày sau bận vô rẫy, chỉ còn lại bọn con nít. Bọn con nít thấy
người lính Hoa Kỳ cao lêu ngêu thì thích lắm! Bọn chúng chào - Hello... ! Chủ yếu
là xin kẹo...! Lính Hoa Kỳ nhai kẹo cao su suốt ngày... Thấy bọn con nít Việt Nam dễ
mến, lễ phép, họ thương lắm...! Họ thường
hay cho đám con nít kẹo bánh... Không biết bọn trẻ học ở đâu được một vài ba
câu tiếng Anh...? Thành ra bọn chúng khá "tự tin" hễ thấy lính công
binh Hoa Kỳ, hay lính Hoa Kỳ là chạy lại la cà... làm quen...!
Trong đám trẻ nít có một đứa khoảng mười
tuổi... Bàn tay bên phải của nó ở ngón chính giữa không biết tại sao - màu da trở
nên đen thui, thẳng tuột, không co lại được...! Nó tên là thằng Hớn, vườn nhà
nó ở kế sát vườn nhà cha mẹ tôi. Cha mẹ nó nghèo lại đông con. Hai ông bà lo
làm lụng nuôi bầy con cũng khá vất vả. Nhưng được cái là đám trẻ không bị dốt,
bởi vì được học trường công lập của chính phủ, hoàn toàn miễn phí, được phát vở,
viết... Màu da đen thui trên ngón tay của thằng Hớn chính hắn cũng không biết tại
sao? Người lính công binh Hoa Kỳ làm đường thường để ý đến ngón tay khác lạ đó...
Anh ta quan tâm nhưng không thể hỏi nguyên do... bởi thằng Hớn không nói được
tiếng Anh ! Anh ta ưu ái hắn, cho hắn kẹo nhiều hơn mấy đứa khác. Giờ nghỉ trưa
anh ta bảo thằng Hớn dẫn anh ta về nhà cho anh ta biết nhà nó.
Một bữa đoàn "công voa" hằng mấy
chục chiếc do tài xế là lính Hoa Kỳ lái - từ cảng Qui Nhơn chạy lên phi trường Phượng
Hoàng. Trong đoàn "công voa" có một số xe chở toàn cây gỗ thông dài
chừng hơn mười thước tây, vuông vứt mỗi cạnh - bốn tấc. Loại gỗ nầy dùng làm hầm
công sự, nhà xưởng... Không biết tại sao khi chạy ngang vườn nhà cha mẹ tôi, có
một chiếc lật nhào trút tất cả số cây gỗ thông trên xe vô bìa vườn nhà của cha mẹ
tôi, làm hư nát hàng rào, gãy đổ hơn mười cây cà phê mít đang cho trái và một số
hoa màu khác. Chiếc xe "công voa"được kéo đứng lên, tiếp tục chạy - bỏ
số cây gỗ thông lại bên vệ đường. Ngày hôm sau có một vị Thiếu tá Hoa Kỳ với một người
thông ngôn chạy xe Jeep đến gặp cha tôi để thương lượng việc bồi thường thiệt hại...
Cha tôi nói với người thông ngôn rằng:
"Ông
không muốn lấy tiền. Chỉ xin một cây gỗ thông, vì gỗ thông nầy có tẩm dầu. Con mối,
Con mọt, không dám ăn. Nếu dùng gỗ thông nầy làm giàn che trên hầm trú ẩn ở
trong nhà - ban đêm cộng quân có pháo kích... chui xuống hầm trốn thì quá tốt!".
Lúc đầu vị Thiếu tá Hoa Kỳ không đồng ý. Ông gọi
đi đâu đó... nói chuyện một lúc. Nói xong, ông nhìn cha tôi cười thật tươi... !
Không những ông chấp thuận cho một cây gỗ như cha tôi đã yêu cầu, mà ông còn tặng
cho cha tôi thêm một cây gỗ nữa! số còn lại ông ra lịnh chở đi.
Giải quyết chuyện bồi thường vừa xong thì
người lính công binh Hoa Kỳ cũng vừa tới. Anh ta nói chuyện với vị Thiếu tá
một hồi... Đám con nít lúc nầy bu quanh, đương nhiên thằng Hớn cũng có mặt. Người
lính công binh đi lại nắm tay thằng Hớn dẫn đến gặp vị Thiếu tá. Vị Thiếu tá cầm bàn tay thằng Hớn - Nắn... nắn... một hồi...! Và bỏ đi đến
chỗ chiếc xe Jeep lấy cuốn sổ... Người lính công binh đi theo - vừa đi vừa
nói chuyện tiếp với vị Thiếu tá rất nhiều...
Bẵng đi một thời gian hơi lâu, vào buổi
sáng ngày chúa nhật, mọi người đi lễ nhà thờ vừa xong túa ra về nhà. Họ thấy trước
nhà thằng Hớn đậu sẵn một chiếc xe Jeep có thùng bằng vải nhà binh kín mít. Hai
bên hông cả phía trước và phía sau xe có dấu "Hồng Thập Tự", người trong
thôn tò mò chạy đến xem... Từ trong xe bước xuống đầu tiên là người lính công
binh Hoa Kỳ bữa trước, theo sau là một người thông ngôn và một người Hoa Kỳ nữa trên tay ông ấy xách
một cái túi cũng có hình "Hồng Thập Tự" hơi nặng... Có thể là một vị
bác sĩ Quân Y chăng? Thằng Hớn rất mừng khi gặp lại người lính công binh,
hắn chạy ra chào - Hello rối rít...! Còn cha mẹ nó thì ngơ ngơ, ngác ngác... sợ
sệt... ! Chẳng hiểu chuyện chi mà mấy người lính Hoa Kỳ lại đến nhà mình?
Người thông ngôn nói với cha mẹ thằng Hớn:
- "Người
công binh Hoa Kỳ nầy đã từng quen với con của ông bà và muốn giúp con của ông bà chữa
lành ngón tay bị bịnh "da đen", không co lại được. Xin ông bà nói rõ nguyên do tại
sao ngón tay của con ông bà bị như vậy...?".
Cha mẹ thằng Hớn suốt ngày lo lên rẫy đâu
có biết nguyên nhân gì... ! Chỉ còn thằng Hớn nó có nhớ nổi khoảng thời gian
nào và con vật nào cắn gây ra vết thương cho nó mà thôi... Người lính công binh Hoa Kỳ qua lời dịch của người thông ngôn... - khuyến khích thằng Hớn nhớ lại xem đã bị con vật
nào cắn, hoặc một nguyên do nào khác... Sau vài phút ngồi thờ thẫn... thằng Hớn
nhớ ra:
"Chừng
một năm trước, người ta bắt cầu phao tạm trên sông để làm cây cầu sắt mới. Nước
sông mùa nắng cạn xợt. Mỗi ngày đi qua cầu tạm đến trường học, thằng Hớn cùng
đám bạn học dừng lại ngồi xuống trên thành gỗ cầu phao lấy tay vọc nước giỡn với
nhau vài phút... Bỗng nhiên thằng Hớn nghe đầu ngón tay giữa bên phải đau nhói
giống như mũi kim tiêm...! Không thấy dấu vết hay chảy máu, không sưng... Khi về
nhà cả tuần sau nơi đầu ngón tay từ từ trở màu thâm đen... Không co ra, co vô được...
! Có đi khám một vài lần ở trạm y tế nhưng không biết nguyên do bởi con gì cắn?
Nơi ngón tay cũng không có đau, nhưng viết chữ rất khó vì ngón tay càng ngày
càng đen, cứng và thẳng tuột...!".
Nửa tháng sau, cũng chiếc xe có chữ
"Hồng Thập Tự" đó đến nhà thằng Hớn. Người thông ngôn nói lại lời
vị bác sĩ Hoa Kỳ:
- "Xin phép chuyển con
của ông bà đến...Quân Y Viện Hoa Kỳ để chữa bịnh. Lý do: "Ngón tay bị độc
tố... (?!) sắp ăn luồng sâu vô lòng bàn tay... Không chặn đứng kịp, có thể phải...
tháo khớp xương ở cổ tay...! Nếu ông bà đồng ý cho điều trị (điều trị không tốn
tiền). Ông bà hãy ký vô "Giấy cam kết". Sau khi con ông bà khỏe mạnh
sẽ giao con lại cho ông bà".
(Nghe đâu đưa xuống Quân-Y-Viện, 71 ở Quân
đoàn 2 Pleiku. Quân-Y-Viện nầy rất lớn nằm sâu bên dưới lòng đất...).
Trước khi chuyển thằng Hớn vô Quân Y Viện.
Bác sĩ và người lính công binh đè thằng Hớn ra: Cắt tóc, tắm rửa, đánh răng, cắt móng tay, móng chân cho thật sạch sẽ. Thay quần áo mới trông đẹp con nít ra!
Họ sắm sẵn cho thằng Hớn một cái túi xách trong đó có mấy bộ quần áo và đồ dùng
cá nhân... Có lẽ do người lính công binh chuẩn bị trước...? Một thùng thức
ăn toàn - đồ hộp, bơ, sữa... để lại cho cha mẹ anh chị em của thằng Hớn. Thằng
Hớn vui vẻ chào cha mẹ anh chị em nó, rồi chạy thẳng ra xe - xe chạy về hướng sân
bay Phượng Hoàng để lên trực thăng về Quân-Y-Viện, Quân đoàn Pleiku.
Khoảng một tuần lễ sau, thằng Hớn được đưa
từ Quân Y Viện Pleiku trở về nhà sau khi đã khỏe mạnh! Cha mẹ thằng Hớn mừng rỡ ký giấy
nhận lại con, và hồ sơ chữa trị của bịnh viện từ tay bác sĩ Hoa Kỳ. Nhận một gói thuốc trị bịnh các
loại để uống tại nhà. Ngoài ra còn nhận thêm một thùng quà lớn gồm: Kẹo, bánh,
đồ chơi các loại...! May mắn là "chất độc" từ ngón tay chưa ăn sâu vô
lòng bàn tay. Nhưng ngón tay giữa phải cắt bỏ ! Tủy xương trong ngón tay bị cắt
bỏ, đen và cứng như cái lõi trong cục "pin" lớn! Ngón tay bị cắt bỏ được
gói cẩn thận trong túi nhựa đem về cho cha mẹ thằng Hớn xem như một "bằng
chứng"! Bà con trong thôn đến thăm hỏi... Thấy lóng xương đen thui cứng ngắt
mà phát ớn...! Lúc nầy cha mẹ thằng Hớn cũng như mọi người trong thôn liền nghĩ...
đến người lính công binh Hoa Kỳ thuở nọ! Chính người lính công binh làm đường đã yêu cầu cấp
trên chấp thuận đem thằng Hớn đi Quân Y Viện chữa bịnh...! Tấm lòng nhân đạo cao
quý của người công binh Hoa Kỳ cũng như các y bác sĩ trong Quân Y Viện Hoa Kỳ không biết lấy cái gì trả nỗi. Do đó, từ cha mẹ thằng Hớn cho
đến người dân trong thôn cảm thấy như là mắc nợ... qúa
nhiều! Họ chỉ biết đọc kinh cầu nguyện... Xin Chúa, mẹ Maria ban phước lành cho người lính công binh mà thôi ! Không biết người lính công binh làm đường bây giờ ở đâu? Hay đã về Hoa Kỳ?
Trong những năm tháng kế tiếp... Thằng Hớn
và cha mẹ nó vẫn trông ngóng, chờ đợi... người lính công binh Hoa Kỳ làm đường quay trở lại...! Cách đôi
ba ngày thằng Hớn đứng nhìn đoàn xe "công-voa" dài dằng dặc lầm lủi chạy về hướng phi
trường Phượng Hoàng... Đôi mắt nó buồn hiu...! Còn người lính công binh Hoa Kỳ làm đường thì biệt tăm...!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét