Thư viện

28/5/14

Người Con Gái Tên Thủy



                  NGƯỜI CON GÁI TÊN THỦY
      
     Tháng tư, mùa mưa rừng vùng Kontum bắt đầu rục rịch kéo nhau trở về. Nắng vội vã trút cho hết lửa để chuyển mùa, hơi nóng oi ả thật khó chịu, ngồi im lặng trong hầm công sự mồ hôi cứ túa ra .Trời về chiều, bước lên khỏi hầm để thở không khí trong lành, nhưng khổ nỗi bầy chuồn chuồn đậu trên sân bay liên tục cất cánh tung bụi đất đỏ mù mịt, xa xa trên dãy Ngọc-Rinh-Rua mây mưa ùn ùn kéo nhau đen kịt, vài cơn dông vọng lại kéo theo một vài tia chớp nhì nhằng...
    
     Sáng nay nghe thường-vụ đại đội cho biết sẽ tiếp nhận mười anh lính để bổ sung... Chuyện đi và ở đối với người lính - quá bình thường nên chẳng mấy anh nào quan tâm, cái quan tâm là mong mưa rơi cho mát mẻ ! Mong là mong vậy..., chứ nghĩ đến mưa rừng dai dẳng... ve, vắt, muỗi, mòng, lại thêm lầy lội với màu đất đỏ dẻo nhẹo, cũng ngán ngẫm... Đêm đến cơn mưa đầu mùa như trút nước, sấm sét nổ đùng đùng kèm theo gió lớn giật tốc mái tôn, dưới giao thông hào trông chẳng khác gì cái ao nuôi cá. Mọi người hì hục tát cho đến khuya... mệt bở hơi tai...!
    
     Trong số lính mới bổ sung được chuyển qua chỗ tôi ở chỉ có một người lính mới. Hắn cao ráo, đẹp trai, vẻ mặt hơi lạnh lùng... Mấy hôm sau thường vụ đại đội phân công cho mười anh lính mới đi rào hai mươi thước hàng rào kẽm gai, làm xong sớm nghỉ sớm. Mỗi anh nhận một cặp bao tay và dây kẽm nhỏ để buộc... Tôi chạy theo đưa cho hắn ta một cây đinh tám và nói:
    
     - Bạn dùng cây đinh nầy để xoắn mối buộc kẽm vừa nhanh vừa chắc, số lượng giao chừng đó nếu mười người làm nhanh thì chừng khoảng hơn hai giờ là xong thôi ! Hắn nhìn tôi gật gật đầu... nhưng không cảm ơn. Chiều tối, hắn lân la lại chỗ tôi làm quen... - Hắn hỏi:
    
     - Anh Vĩnh có giấy "Pelure Fort" cho em xin mấy tờ.
    
     - Viết thư tình hả? Tôi hỏi và nói tiếp - Nếu viết xong dán tem bỏ vô thùng thư ở cuối nhà ăn. Thư đi và đến do trực thăng chuyển.
    
     Hắn nhìn nhìn tôi cười cười... cũng không nói cảm ơn. Chắc hắn nghĩ tôi là huynh trưởng phải có nghĩa vụ giúp đỡ người mới đến. Hắn đi lại cái bàn nhỏ dựa vô bức tường hầm công sự làm bằng bao cát. Cái bàn và cái ghế làm bằng gỗ thông, gỗ của mấy cái thùng dựng đạn được tháo ra rồi ghép lại, không đẹp nhưng khá chắc chắn. Không biết hắn viết thư gởi cho ai mà sau mỗi lần viết được vài ba hàng là thấy hắn vò nát bỏ vô túi áo Jacket thay vì bỏ vô sọt rác hay vứt bừa bãi ra nền nhà như thói quen của một số người. Mỗi lần vò nát như vậy miệng hắn ngâm nga...
    
     "Thư của lính ba lô làm bàn nên nét chữ không ngay...".
    
     Tôi nghe hắn hát mà cười thầm trong bụng... : "Ngồi trên bàn đường hoàng, viết chữ không ngay còn than nỗi chi..."?
    
     Hôm lãnh lương tháng, như thường lệ anh em trong tiểu đội hùn hạp ít tiền lại mua rượu, mua mồi... Nhậu một bữa ra trò, có đờn ca hát xướng thật rôm rã... Lần nầy có thêm hắn, hắn vui vẻ nhập gia tùy tục... Rượu đế rót ra trong cái thùng đạn lớn, cái ly cứ vậy mà theo tua chạy vòng vòng cho đến khi hết rượu, sạch mồi. Đời trai trẻ lại là lính xa nhà ai mà không nhậu...? Nhậu để quên đi nỗi nhớ nhà, nhớ người yêu...! Nhậu để quên ngày tháng quạnh hiu nơi tiền đồn heo hút. Hắn nhỏ hơn tôi ba bốn tuổi, tửu lượng cũng có hạng, hình như rượu vô bụng thì tâm tình bắt đầu trộn trạo nhảy mùa muốn tuôn ra nếu bắt gặp một ai đó đồng cảm và biết lắng nghe... hắn cũng không thể thoát ra ngoài cái quy luật đó. Hắn hỏi:
    
     - Anh Vĩnh có người yêu chưa? Nhà anh ở đâu?
    
     Lúc nầy tôi nhìn kỹ mới thấy hắn có cái gì đó - bất cần đời, có chút ngạo mạn mang hơi hướng trẻ nít... Tuổi trẻ mà, tâm sự lúc nào cũng đầy ắp trong hồn biết chia xẻ cùng ai.
    
     - Người yêu thì anh Vĩnh nầy có rồi, nhưng ở tận Sai Gòn lận ! Gia đình cha mẹ cũng ở rất xa. Còn chú mầy thì sao?
    
     Hắn nhìn tôi rồi nhìn lên tấm lịch treo trên bức tường bao cát, duy nhất ở đó có mỗi bức hình cô gái mặc chiếc áo dài trắng với mái tóc dài thả trôi xuống bờ vai tròn lẳng. Hắn thở dài...
    
     - Em có quen một người con gái, nhưng rồi... có cũng như không có...!
    
     - Tôi hỏi hắn tại làm sao chán nản như vậy?
      
     Hắn tóm tắt câu chuyện như sau:

     - Một hôm em được đơn vị cho đi phép về thăm nhà được bảy bữa. Nhà em ở Thị xã Kontum, gần đình Lương Khế. Buổi chiều em đi tà tà xuống hàng keo gần sân vận động. Hàng cây keo bóng mát tuy chỉ là một đoạn đường ngắn, nhưng các quán ăn, quán nhậu, quán chè... mọc san sát với nhau rất là đông vui - vui nhất là buổi tối mùa khô mọi người đổ xô ra hàng keo ăn uống và hóng gió mát. Hàng keo nằm trên đường Lê Thánh Tôn. Em ngồi một mình lai rai uống bia... Quán kế bên bán chè: sâm-bổ-lượng, có bán Yogurt đá lạnh nữa... Em thấy bốn cô gái ngồi quanh bàn của quán kế bên nói cười... Họ ỷ số đông "chọc ghẹo" em hoài... Em nhát gái lắm nên cứ ngồi im lặng uống bia, ai dè các cô "tấn công" tới tấp...! Em nghe một trong các cô nói:
    
     - Ê tụi bay, anh chàng đó... trông cũng đẹp trai nhưng coi bộ là... lính sữa đó... ! Tao nghe... cha tao nói lính sữa là mới vô lính đó mà! Chắc anh ta mới vô lính trông bộ dạng anh ta còn rụt rè, trắng trẻo... Chúng mình nhào dzô làm quen với anh ta đi. Nhưng đừng làm ồn ào quá anh ta sợ sẽ bỏ đi.
    
     Mấy cô khác "đồng thanh tương ứng...". Vậy là một giàn hợp xướng đinh tai nhức óc đổ hết về phía em. May mà chủ quán bưng ra một khay hủ Yogurt, ... vậy là các cô chấu đầu vô thưởng thức... bỏ quên em luôn.
    
     - Rồi sao nữa, nghe hấp dẫn quá ! Tôi thúc giục hắn kể...
    
     - Anh Vĩnh biết không? Em nghe mấy cô thách nhau ăn Yogurt... Ai ăn hết hai chục hủ coi như người đó thắng cuộc khỏi phải trả tiền. Em chưa bao giờ ăn Yogurt nên cứ tưởng hai mươi hủ là nhiều, ăn làm sao cho hết ngần ấy...? Vậy là em nổi máu anh hùng rơm quay qua xía vô chuyện của mấy cô:
    
     - Nếu các cô mỗi người ăn hết hai mươi hủ Yogurt thì tôi sẽ trả tiền còn thưởng thêm nếu có cô nào ăn tiếp tục. Mấy cô bấy giờ nhìn em một cách nghiêm chỉnh chứ không có cười cười giỡn giỡn nữa... Một cô trông dễ mến mở lời mời em qua ngồi cùng bàn, em cầm chai bia nhảy qua liền. Cô ấy tự giới thiệu:
    
     - Em tên là Thủy. Anh có đọc tiểu thuyết "Dòng Sông Thanh Thủy" chưa? Em như dòng sông trôi từ Pleiku về dòng sông Dakbla trong xanh nầy đó... Anh tên là gì vậy cho chúng em biết đi...? Bây giờ anh "bao" cho chúng em ăn hết mỗi người hai mươi hủ Yogurt phải hông? Được thôi, chúng em không phụ lòng của anh đâu! Anh coi lại cái túi tiền của anh đi nha!  - Anh ngồi làm "trọng tài" cho thật công minh đấy!
    
     Em quay sang gọi chủ tiệm hỏi có đủ Yogurt cho các cô "ăn kình"không? Chủ quán nói - "Không thiếu..."! Chừng non nửa giờ đồng hồ mà các cô mỗi người "quốc" sạch hai mươi hủ Yogurt mà coi bộ còn... thòm thèm ! Các cô bậm môi, liếc mắt nhìn nhau như ngầm thông báo rằng, "Hôm nay chúng mình trúng mánh được ăn một bữa Yogurt miễn phí thật là thoải mái,... không biết anh chàng lính nầy có đủ tiền để mà trả không đây nữa ...?".
    
     Em móc bóp trả tiền và hỏi có cô nào còn muốn ăn thêm nữa không...? Các cô cảm ơn em cho ăn Yogurt và đứng dậy bắt tay em từ giã thật vui vẻ...! Riêng cô Thủy nhanh miệng nói:
    
     - Tiền lính tính liền! Anh trả tiền dùm cho tụi em hơn một trăm hủ Yogurt kể cũng đã nhiều. Ai biểu anh làm "anh hùng" thì anh ráng mà chịu ! Tụi em là nữ sinh mà, có khi vui cũng hay thách nhau đi ăn kình đó anh! Thôi, hẹn anh dịp khác chúng em sẽ "bao" anh uống bia nha... ! Nói xong các cô đứng dậy dắt tay nhau đi, riêng cô Thủy nhét vội vô tay em một mảnh giấy nhỏ cuộn tròn và nói vừa đủ cho em nghe "Có dịp ghé nhà thăm em, cha em cũng là lính, hoặc viết thư cho em...".
    
     - Vậy chú em mầy có ghé nhà thăm nhà cô Thủy hay viết thư cho cô ấy không?
    
     - Ghé chớ anh. Em chưa viết thư cho cô Thủy, nhưng một bữa tiện đường nên em thử ghé thăm cô Thủy, để cho biết cái địa chỉ có thật không? Nhà cha mẹ của cô Thủy ở Trà Bá, Pleiku. Tìm nhà cô Thủy không mấy khó. Khi em bước vô sân nhà cô Thủy thì đã thấy ba cô gái có mặt ở đó rồi. Hai cô lớn ngồi đọc truyện, một cô nhỏ nhảy dây, hình như cô nhỏ nhất chừng mười tuổi. Khi em bước vô sân là các cô ngừng đọc sách, ngừng nhảy dây, tất cả mọi ánh mắt đều tập trung vô "anh chàng lính trẻ măng"! Cô gái nhỏ nhất (có thể là cô gái út) hỏi:

     - Chú đi tìm ai...?
    
     - Đây có phải là nhà của cô Thủy?
    
     - Đúng rồi, đây là nhà của...Thủy chúng em. Nhưng chú muốn tìm gặp Thủy nào?
    
     Em đâm ra lúng túng...! Lý do tại sao lại có chuyện hỏi lại Thủy nào? Bộ trong nhà có nhiều Thủy...? Vậy biết làm sao bây giờ...? Tìm đúng số nhà mà ! Bổng cô gái Thủy nhỏ nhất nói oang oang với giọng trẻ con rất ngọt ngào dễ thương nhưng điệu bộ có pha chút tinh nghịch...
     
     - Nhà chúng em có... có... năm chị em đều được cha mẹ đặt chung cho một cái tên là... Thủy, chỉ khác nhau ở cái chữ "lót" mà thôi ! Chú quen Thủy nào thì chú phải nói thêm cái chữ lót nữa mới phân biệt được. Chúng em có tên lót..., cô bé mới mở miệng thì đã nghe tiếng hai cô chị tằng hắng... (Có ý nhắc nhở cô em út không được tiết lộ...) Nhưng cô bé út đã không nghe lời lại còn, nháy... nháy... mắt với hai bà chị. Chúng em có:

     - Thanh Thủy nè...!
     - Như Thủy nè...!
     - Hồng Thủy nè...!
     - Phương Thủy nè...!
     - Mộng Thủy nè...!

     Hiện ở nhà chỉ có ba người Thủy, còn hai người Thủy nữa đi cùng mẹ thăm ba đang bị thương ...Hổng có nặng lắm đâu! Ba là đại úy đại đội trưởng đó...! Cô bé nói với vẻ mặt rất là tự  hào, mặt cười tươi như hoa, còn em thì... mặt mày héo queo lẫn xấu hổ và giận hờn vì cảm thấy như là bị cô Thủy nọ lừa dối ! Nhưng em chợt nhớ ra - ba mẹ mấy cô Thủy nầy là gia đình sĩ quan, thì không lẽ gì con cái của họ không thành thật trong giao tiếp? Em chào các cô Thủy rồi vội vàng đi ra khỏi con phố như trốn chạy...!
    
     Hắn kể xong, rồi hắn hỏi tôi có phương sách gì giúp hắn, bởi hắn không thể quên hình bóng cô gái mà hắn đã thầm yêu. Tôi nghĩ không phải là hắn ngu, hắn có trình độ học thức hắn có tài vặt... tiếng sét ái tình làm cho hắn choáng ngợp, một lớp u tình mờ ảo làm cho trí óc hắn mụ mẫm..., thành ra không còn chỗ cho sự suy nghĩ. Tôi đứng dậy vỗ vỗ trên vai hắn, hỏi:
    
     - Từ khi đến thăm nàng đến nay thời gian đã được bao lâu? Hắn nói chừng một tháng ngoài. Vậy thì chú em yên tâm đi, ngày mai anh Vĩnh nầy sẽ có cách giúp chú em mầy! Tôi hứa với hắn một cách chắc chắn.
    
     Chiều hôm sau, không biết hắn kiếm mua ở đâu ra một chai rượu "napoleon" nắp đen. Tôi thấy hắn lén giấu trong ba lô... Tôi đoán là buổi sáng hắn chạy ra cuối sân bay Phượng Hoàng nơi có mấy cái dãy sạp chợ chuyên mua bán các loại hàng hóa của lính Mỹ đem ra bán hoặc trao đổi... Tôi thấy thương hắn vì chữ tình mà phải chạy đôn chạy đáo quỳ lụy... Thiệt là tội... ! Tối đó, tôi nâng ly cùng với hắn... Hắn nhìn tôi như người sắp chết đuối trên sông chụp được cái phao! Tôi nhắc lại một chi tiết trong câu chuyện của hắn kể - Này chú em, nghe anh Vĩnh phân tích đây - chú em mầy nói: Cô con gái đó tự giới thiệu tên là Thủy, rồi hỏi chú em mầy có đọc cuốn tiểu thuyết "Dòng Sông Thanh Thủy" chưa? Có đúng như vậy không? Hắn gật đầu xác nhận đúng! Như vậy, nghĩa là cô ta ngầm báo cho chú em mầy hiểu tên cô là "Thanh Thủy" đó! Chứ có ai đâu dư hơi đã tự giới thiệu tên mình rồi còn hỏi người khác có đọc tiểu thuyết nầy nọ hay chưa mà làm gì...? Hơn nữa, theo anh nghĩ: những người sinh sống ở thành phố, có học thức, có kiến thức, có đầu óc thẩm mỹ khi sinh con cái ra họ hay đặt tên cho con cái của họ theo một vần chữ nào đó mà họ thấy thích! Người ở thôn quê ít ai đặt tên con một vần lại mang nhiều ý nghĩa như vậy. Ở thôn quê thời xưa cha mẹ ít biết chữ khi sinh con ra thường hay nhờ bà mụ hoặc nhân viên hộ tịch đặt tên con dùm cho họ. Những ông bà nầy cũng sống ở thôn quê, vả lại cũng làm biếng suy nghĩ nên cứ phang bừa một cái tên nào đó cho xong chuyện. Thí dụ: Con trai thì đa phần, không Tèo thì cũng Cu... Con gái không Thị-Mẹt, thì cũng Thị-Hến... Sau nầy lớn khôn ra thành phố học hành tiếp cận cái đẹp... nhìn lại cái tên cúng cơm thấy... xấu ơi là quá xấu...! Vậy là dẫn nhau ra tòa xin làm "Giấy Thế Vì Khai Sanh" đổi lại cái tên mới thật đẹp đẽ, lại thêm ý nghĩa văn chương, thành thị, như:
    
     - Con trai thì đặt tên: Văn Sang - Kim Trọng - Hùng Dũng -...!
     - Còn gái thì lấy tên: Yến Oanh - Mai Hoa - Thu Cúc -...!

     Khổ nỗi, khi các anh chị đổi tên xong rồi nhưng xóm giềng ở dưới quê họ đâu có biết, dù có biết đi chăng nữa họ cũng không thể nhớ hết mấy cái tên dài thòng lạ lẫm đó. Đối với họ kêu tên cũ đã quen miệng rồi, dễ nhớ, nên mỗi lần các anh chị về thăm quê nhà gặp lại họ - họ vồn vã... "Thằng Tèo..., con Hến... tụi bay mới dzìa thăm quê, thăm nhà đó hả? Mèn đét ơi..., ở trển lâu nay trở dzìa... trông đứa nào đứa nấy giống hệt... người thành phố quá hén...!". Nếu ai có bạn trên thành phố cùng đi về chung thì... lòi chành té bứa... cái tên cũ xấu xí đó ra...!

     Chú em mầy luôn nhớ trong lòng - những người con gái có học thức, có kiến thức và có cái nhìn thẩm mỹ... khi nói chuyện với họ cần phải thật tỉnh táo, bằng không sẽ như anh chàng Quách Tỉnh lớ ngớ trước cô nàng thông minh Hoàng Dung thôi...! Đó là chưa kể đôi mắt của nàng. Đôi mắt truyền đi muôn nghìn tín hiệu dù không lời nhưng là lời nói âm thầm sâu lắng, tựa con dao sắt làm chết người như bỡn. Biết bao thi nhân, nhạc sĩ, văn sĩ, Kịch sĩ, Họa sĩ, Điêu khắc... diễn tả không bao giờ hết lời trên đôi mắt em. "mắt em là bể oan cừu" mà. Vân vân... và, vân vân...
    
     Hắn ngửa cổ tống hết ly rượu vô mồm rồi quăng cái ly, hai tay hắn chụp lấy bàn tay của tôi đưa lên hôn như như con chiên hôn nhẫn chúa trong nhà thờ... Hắn nói - "Anh Vĩnh đúng là Khổng Minh, nhận định và lý luận sự việc như thần, Cô Thủy quá thông minh... làm sao mà em có thể nghĩ ra ẩn ý trong lời nói của cô ấy". Hắn lại xin tôi giấy "Pelure Fort" ngồi hì hục... "Nắn nót từng nét gởi cho... em!"... Kể từ lúc tôi "khai trí" cho hắn - con người của hắn vui hẳn lên, lúc nào cũng ca, cũng hát lại điệp khúc"...Ba lô làm bàn nên nét chữ không ngay...". Tình yêu là một thiên đường ai vướng vào rồi tâm hồn được phớt một làn sương mỏng tình ái dịu êm quên đi hết mọi chuyện phiền não chung quanh, chỉ còn lại tình yêu để nâng niu vun đắp ! Nhìn vẻ mặt "hồi sinh" của hắn tôi cũng đâm ra nhớ nàng của tôi. Nàng của tôi ở tận Sai Gòn !

     Không phải tự dưng mà các cô gái trong đó có cô nàng Thủy, lại để ý đến anh chàng "lính sữa" như hắn... Tin chiến sự chết chóc hằng ngày ở trên mặt báo, trên radio... Tiếng đạn pháo ngoài rừng rót vô thành phố. Những trái mìn âm thầm nằm dưới mặt đường lấy đi sinh mạng bất cứ thường dân hay lính chiến. Nhũng chiếc quan tài phủ cờ vàng tổ quốc từ chiếc xe nhà binh hay máy bay trực thăng chuyển về hậu phương. Những thiếu phụ tuổi hai mươi ôm con thơ đi nhận xác chồng là lính trận trắng xóa một màu khăn tang. Những người mẹ già ngong ngóng con trai từng ngày. Những người lính mất tích, mất xác không bao giờ trở về... ! Chính những hình ảnh đó đã in sâu vô trong tâm khảm người con gái. Chính những hình ảnh đó đã lôi kéo các chàng trai, bạn trai học cùng lớp, học cùng trường, ở cùng phố, ở cùng làng xóm với họ, đã lên đường tòng quân giữ nước. Các chàng trai ra đi dang dở việc học hành, bỏ lại người bạn gái, bỏ lại bao ước mơ chưa thực hiện được. Họ chấp nhận đời lính phong sương, họ chấp nhận hy sinh thân mình, họ chấp nhận thua thiệt. Người con gái tên Thủy cảm mến người lính sữa qua hình ảnh người mẹ của cô - Chính mẹ cô cũng đêm từng đêm hồi hộp chờ chồng là cha của cô ở nơi chiến trường, hoặc cảm mến người lính sữa qua bộ đồ lính trận thật hào hùng trên người cha của cô đang mặc. Cô cũng đã hiểu - tiền lính tính liền, nghĩa là tiền lính chẳng có nhiều ! Tất cả hình ảnh đó đã thấm sâu vô huyết quản, thấm sâu vô trong từng hơi thở của người con gái tên Thủy và các em có cùng tên Thủy của cô, các bạn của cô. Những chàng trai thi nhau ra chiến trường bỏ lại các cô bơ vơ, bỏ lại kỷ niệm tình yêu học trò, hạnh phúc lứa đôi hò hẹn!

     Mùa hè đỏ lửa, năm một nghìn chín trăm bảy mươi hai. Tỉnh lỵ Kontum bị công quân vây hãm hơn bốn tháng nhưng không thể chiếm được. Dân di tản đi hết để lại tỉnh lỵ trống không cho quân đội tự do chiến đấu. Trước đó tôi đã được chuyển về làm việc tại tỉnh. Hôm đưa dân di tản tôi gặp lại hắn cùng người con gái - tôi đoán có thể đó là người con gái có cái tên thật đẹp - Thanh Thủy! Hắn nhào đến ôm tôi thật xúc động...! Hắn nói:

     - Từ ngày anh Vĩnh đổi đi rồi còn lại một mình em buồn thúi ruột..., một thời gian sau em cũng đổi về quân đoàn 2, Pleiku, mấy bữa trước vợ chồng em lên Kontum thăm nhà và ông bà ngoại bên vợ, bị kẹt lại bởi cọng quân chặng họng đồi Chư Pao. Nhờ anh lo chuyến bay dùm cho vợ chồng em về lại Pleiku ! Em lại nhờ anh lần thứ hai nữa rồi ! Nói xong hắn quay sang giới thiệu vợ hắn với tôi: "Đây là Thanh Thủy vợ em! Anh đã biết tên rồi..., chúng em đã có với nhau một con trai. Còn đây là anh Vĩnh, Huynh trưởng mà anh đã kể và nhắc nhiều lần cho em nghe qua rồi đó". Vợ hắn trông dáng người dễ nhìn, ăn nói chừng mực, nhưng vui vẻ, thân mật! Trong khi chờ máy bay đến, chúng tôi còn kể cho nhau nghe nhiều chuyện...

     Khi chia tay để lên may bay, vợ hắn - cô Thanh Thủy dúi vô tay tôi một mảnh giấy nhỏ được cuộn tròn - "Anh Vĩnh ở lại tử thủ nha! Nếu có dịp về Pleiku, đến địa chỉ nhà em ở... Vợ chồng em, ba má em sẽ đãi anh một chầu bia !". Tôi mỉm cười một mình..."Biết có còn sống để đến uống bia cùng các người không nữa đây...?"  ./.


Trang Y Hạ











      

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét