Thư viện

11/8/14

Vùng Đất Trắng




                             
                          Vùng Đất Trắng

Trang Y Hạ

      
     Tháng hai, gió nồm thổi liên tu bất tận. Giữa cánh đồng nắng cháy có một người đàn ông dáng cao cao, khỏe mạnh, đầu đội nón lá đứng cuốc lật đất, thỉnh thoảng có dừng tay cuốc để nghỉ lấy sức... Đôi mắt dõi mông lung về hướng núi Chúa Chan, núi Mây Tàu... Người ta nói miền Đông đất đỏ, chứ ít có ai nói miền Đông đất trắng bao giờ. Vậy mà có một người đàn ông đang hì hục cuốc đất mùa khô trên cánh đồng miền Đông đất trắng, mồ hôi ướt đẫm lưng áo, đọng giọt dưới cằm... Trên cánh đồng khô cằn không có lấy một bóng cây, duy nhất chỉ có một cái ụ mối cao ngang ngực, trên đầu ụ mối trồi lên một lùm cây vươn ra vài nhánh đung đưa năm ba chiếc lá không đủ che mát cho một người ngồi. Đến giờ nghỉ trưa người đàn ông băm mạnh lưỡi cuốc xuống mặt ruộng, cán cuốc chĩa nghiêng nghiêng lên trời trông như nòng súng cối, người đàn ông vươn cánh tay xách cái bình nước đã vơi, uể oải đi lại chỗ ụ mối - nơi đó buổi sáng có treo một cái lon "guigoz" cơm.

     Người đàn ông trải tấm nylon nhỏ, màu xanh, đã sờn rách bên chân gò mối, ngả người nằm xuống, chân vắt chữ ngũ, chiếc nón lá nửa gối đầu, nửa còn lại che cái bóng nắng hơi chênh chếch về chiều. Người đàn ông nhìn vài cụm mây bay qua háng trôi đi về phía chân trời... Tiếng kêu của chiếc trực thăng không biết từ nơi nào vọng lại?... Hình như ở rất xa? Người đàn ông nhổm dậy nhìn... chiếc trực thăng nhỏ như cái... thúng bay về cuối núi! "... đã Lâu lắm rồi thì phải, dễ chừng có hơn mười năm kể từ ngày "buông súng đầu hàng"! Có lạ gì mấy chiếc trực thăng - đã ngồi trên đó nhiều lần rồi mà...? Chẳng những trực thăng chuồn chuồn - trực thăng "Chinook" cũng đã ngồi trên đó rồi mà? Sao bây giờ nghe tiếng kêu của nó tâm hồn lại chao động dữ dội như vậy? - "Dưới ánh mặt trời không có gì mới". Ngạn ngữ Pháp nói quá đúng!".

     Mồ hôi trên áo người đàn ông đã khô từ lâu, màu muối trắng lợt lợt gợn gợn như những con sóng âm thầm kéo nhau vô bờ... Lon "guigoz" cơm được người đàn ông khui ra, nhìn bên trên thấy có một dúm tép liu riu... nằm ngủ thật bình yên. Người đàn ông loay hoay tìm cái muỗng trong giỏ xách bằng vải...

     - "Sáng nay mẹ lại... quên bỏ cái muỗng vô giỏ cho con rồi mẹ ơi..."! Giọng người đàn ông nói như mếu...

     Cơn gió nồm nam táy máy thổi bay đi cái nắp lon guigoz. Hai cọng cây khô khẳng khiu thay cho đôi đũa...! Người đàn ông ăn cơm xong tìm cái nắp lon đậy lại, và... nhìn bên hông lon guigoz có hàng chữ số "25.6.1975 - htlp". Người đàn ông lại ngả người nằm xuống, chân vắt chữ ngũ, từng cụm mây nhỏ tiếp tục chui qua háng rủ nhau đùn thành một đám lớn... Ai là người làm ra cái lon guigoz nầy để cho người tù "cải tạo" độc quyền sử dụng không biết nữa? Làm sao có thể quên cái ngày ấy chứ? Không bao giờ quên! Hoàng Thị Lệ P.. nàng ơi! Nay ta đã trở về nơi xuất phát sau bảy năm tù tội, kỷ niệm tình yêu vẫn còn ẩn hiện sao ta không thấy nàng. Nàng ở đâu? Dù nàng có ở bất cứ nơi đâu ta vẫn không bao giờ quên câu nói của nàng":

     - "Thật nhục nhã...! Thua một cách thật nhục nhã...!".

      "Nơi cái làng đại học Thủ Đức (tạm cư). Ta cùng mọi người - dân có, lính có... đứng chết lặng nhìn mây trắng bay ngang qua đầu khi nghe ông Tổng Thống Dương Văn Minh "đọc lệnh đầu hàng"! Trước đó không lâu (21.4) ta cũng rất buồn phiền... khi nghe: ông Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu đọc bài diễn văn dài lê thê...! Tại sao lại như vậy? Tại sao...? Tại sao các "đại bàng" bỏ đi và đầu hàng một cách tủi hổ như vậy? Súng còn gầm vang,... các đơn vị còn đang cầm súng chiến đấu... Và, có những vị tướng, tá... binh lính tự kết liễu đời "binh nghiệp" bằng viên đạn, bằng thuốc độc...!".

     Một cơn gió thảm mưa sầu.
     Nấu nung gan sắt dãi dầu lòng son.
     Chữ trung còn chút con con.
     Quyết đem gởi cái tàn hồn cỏ cây * 

     Người đàn ông hiểu rất rõ đám ruộng khô đất trắng nhách là do công "khai phá" của các đứa em gái mà có. Từng hạt lúa, củ khoai cũng từ đám đất nầy mà mọc lên. Chính các đứa em đã cùng người mẹ già dành dụm lương thực để đi "thăm nuôi người tù cải tạo" - Là anh trai! - là con trai! Ngày trở về người đàn ông lờ mờ tìm không ra con đường, cái ngõ để vô nhà, dù cái nhà chẳng ra cái nhà, cái chòi cũng chẳng ra cái chòi...!

     Người em thứ gái thứ bảy ngùi ngùi nói:

     - "Anh hai được tha về nhà! Mẹ và chúng em mừng như cha sống lại. Từ nay mẹ và chúng em đã có chỗ dựa, không còn bị ai ăn hiếp nữa...!".

      Mấy ngày sau người em gái thứ bảy dẫn anh trai của mình vô đám ruộng gò để bới khoai lang cuối mùa nắng. Người đàn ông nhìn mấy ngón tay cầm cuốc của đứa em gái, ngón nào ngón nấy to bè bè giống bàn tay của người nông dân thực thụ mà nước mắt chảy vô trong lòng!

     - "Để đó anh hai đào khoai cho,... em lặt khoai cho vô thúng dùm, xong anh hai gánh về".

     Trên đường về đứa em gái tỉ tê... nói chuyện với người anh trai: 

     - "Em nhớ anh hai nhiều lắm, em và anh cùng tuổi sửu nhưng em nhỏ hơn anh những một con giáp. Hồi nhỏ em rất ghét ăn thịt heo mỡ - anh hai có còn nhớ không? Bữa ăn nào có thịt anh hai cũng ăn thịt mỡ, còn dành lại chút thịt nạc cho em... Nhà mình nghèo mẹ chỉ mua toàn thịt mỡ đâu có nhiều thịt nạc đâu hở anh hai...! Hồi trước anh hai đi làm việc cho chính phủ; anh hai gởi chút tiền về cho mẹ, mẹ sắm sửa quần áo cho chúng em, mua thịt heo có nạc cho em ăn... Mấy năm nay anh đi "cải tạo" ở nhà lâu lâu mẹ mới mua cho chúng em ăn một bữa thịt heo mỡ, thịt mỡ cũng không có tiền để mà mua ăn nữa anh hai ơi!".

     Nghe người em gái kể... Người đàn ông lặng người, cắm cúi bước... mà sao nghe như có dòng nước lạnh lạnh chảy dọc theo sống lưng, dĩ vãng vỡ bờ tràn ngập. Lòng bồi hồi nhớ lại cái lon guigoz thịt mỡ kho với sả, đậu phộng... mẹ gởi cho bao nhiêu năm qua. Người đàn ông cảm thấy như có muối xác ở trong lòng, miệng đắng nghét... quay đầu qua nhìn đứa em gái mà... hai mắt nhòa đi...!
   
     - "Anh hai... Anh khóc hả anh hai...? Đừng khóc mà anh hai!"
    
     - "...Có khóc đâu...! Mồi hôi trên trán anh chảy xuống đó mà...!".

     Vùng đất Trảng Dầu rộng mênh mông bằng phẳng nầy trước kia là rừng rậm xen lẫn tre... Nay không còn rừng, chỉ toàn cỏ tranh, một vài ngọn đồi trơ trọi, ngổn ngang sỏi đá loang lở nốt sần vằng vệnh giống màu da bị ghẻ hờm... Mùa cỏ tranh trổ bông, bông tranh trắng xóa, đất cũng như tranh phơi thân ra giữa nắng mưa xói mòn. Những đêm khuya trăng sáng vằng vặc soi trên đám hoa tranh bàng bạc hòa quyện trong màn sương đêm tạo thành một bức họa, hư hư... thực thực...trông ma quái rợn người.

     Đất hoang, tự "khai phá" không có cơ quan nào cấp giấy chứng nhận. Dù vậy, cuối năm cũng phải đóng thuế nông nghiệp. Ruộng gò mỗi năm làm một vụ lúa, ai nhanh tay trồng thêm một vụ khoai lang, đậu xanh, đậu đen, vì đã cuối mùa mưa... Ăn tết xong khoảng cuối tháng giếng bắt đầu cuốc lật phơi đất... Đất trắng, không có phân bón, trồng cây lúa hiệu quả kém. Người đàn ông đã có quá nhiều kinh nghiệm làm phân xanh ở trong tù. Người đàn ông không cảm thấy xấu hổ đi tới từng nhà trong xóm xin dọn phân trong cầu tiêu... Ở quê miền Đông không có cầu tõm như ở miền Tây, ở đây người ta đào hầm cầu cạn cạn, gác hai cái cây ngang qua... chung quanh che lá buông cao chừng một thước. Người đàn ông hốt phân đem về ủ với tro cho hoai, sau đó đem đi bón ruộng... Đất trắng, áo người đàn ông quanh năm muối bám trắng - dù có làm cật lực cũng không đủ ăn! Đi vay bắp non, lúa non...! Cái vòng luân hồi lẩn quẩn không thể nào thoát ra được. Phải chi học được thuyết di truyền "Menden" lai tạo giống để cho "năng xuất" thật nhiều thì đỡ khổ biết mấy!

     Người đàn ông cảm thấy rằng mình đã có lỗi... cần phải làm việc thiệt nhiều để trả ơn cho mẹ, cho các em. Công việc đồng áng cực nhọc còn hơn những năm tháng ở trong tù. Người đàn ông chăm chỉ làm việc không biết mệt mỏi. Ngược lại, còn cảm thấy sung sướng bởi kết quả "lao động" do chính đôi tay của mình làm để nuôi thân và nuôi gia đình! Người đàn ông thấy các đứa em hằng ngày gánh thùng đi xin nước xa hàng cây số, kể cả mùa mưa...!

     - "Phải đào giếng...? Đúng...! Phải đào một cái giếng để lấy nước thôi...! Những tháng năm dài ở trong lao tù cải tạo cũng phải đào giếng để "tự cung, tự cấp" cho bản thân và cho anh chị em tù, thì cớ gì bây giờ không đào giếng lấy nước phục vụ cho gia đình cũng như chòm xóm...?"

      Giếng đào chưa được một thước đã đụng đá tảng, đá dăm màu tím rịm, may là đá ong hơi mềm mềm. Người đàn ông ngồi đục từ từ... Người em rể thứ tư biết anh vợ đang đào giếng cũng có đến đục phụ mấy hôm. Người đàn ông "quyết tâm" miệt mài ngồi đục cho đến khi thấy mạch nước ngầm. Đứng bên trên kéo đất đá là mấy cô em gái và thằng em út nhỏ tẹo chạy lon ton... Dù các cô em có lao động ruộng rẫy chai tay nhưng khi kéo đất đá đôi tay chai sần ấy vẫn không chịu nổi đã bị bong da. Cực khổ kéo đất đá hơn cả tháng, nhưng mặt mày các cô lúc nào cũng cười vui và luôn miệng hỏi:

      - "Có nước chưa anh hai? Em thấy đất đá ẩm... lắm rồi đó...!"

     Đào sâu đến tám thước tây mới thấy mạch nước ngầm, nước phun lên rất mạnh...! Người đàn ông "anh hai" ngước mặt lên nói oang... oang...!

     - "Đã có mạch nước rồi...! Đã có nước rồi...! Nước phun ra mạnh lắm mấy cô em ơi...!"

     Các cô em reo mừng châu đầu nhìn xuống giếng... Mạch nước phun lên có vòi... Không mấy chốc đã ngập đến háng người đàn ông. Và, những giọt nước... mắt nóng hổi thi nhau, rơi... rơi... rơi... xuống đầu, xuống cổ, xuống tấm lưng trần ướt đẫm mồ hôi của người đàn ông - "anh hai"...! Làm sao mà các cô không khóc cho được? " Mấy năm qua các cô đã quá khổ sở, đã quá sức chịu đựng - từng ngày chị em thay phiên nhau từ sáng sớm tinh mơ phải thức dậy quảy đôi thùng, xách gàu đi xin nước miệt mài, chầu chực, năn nỉ... Vất vả biết là ngần nào...! Khổ nhất là mùa nắng hạn, gió nồm nam rát da, chủ giếng không cho múc nước nhiều, hoặc đóng cổng không cho múc nước. Vậy là... phải bôn ba chạy tìm xin nước ở các giếng khác mỗi nơi một chút để cho đủ ăn uống, tắm giặt trong ngày. Thời tuổi thơ đồng trang lứa - con người ta lo học hành, vui chơi! Còn các cô ngoài việc học ra còn phải bận lo việc... nước! Ngày tư, ngày tết... còn phải có lễ vật đến tạ ơn chủ giếng. Muốn đào giếng lấy nước, nhưng cơm khoai... còn chưa đủ ăn thì lấy tiền ở đâu ra để thuê người ta đào giếng, đào lỡ không có nước thì lại mất toi số tiền!

     Hàng xóm nghe nói người đàn ông đào giếng có nước. Họ nghi ngờ trong lòng, họ không tin, bởi họ cũng đã thuê thợ chuyên nghiệp đến đào giếng mấy lần đều không có một giọt nước lại bị sập lở...tốn không biết bao nhiêu là tiền của. Nhờ mấy thầy "địa lý" đến xem thủy mạch..., đào xuống cũng không gặp nước! Nghe mấy ông "tân học" bảo: Mùa nắng, ban đêm lấy cái tô bự úp xuống mặt đất, sáng ra lật ngửa tô lên thấy nước đọng trong lòng tô là biết nơi ấy có mạch nước ngầm. Nghe người ta xúi: Mướn thợ - đào... đào..., lại đào...! Đào mãi có thấy nước nôi gì đâu! Bây giờ bà con chính mắt chứng kiến mạch nước dưới giếng tuôn ra ào ào... dù là đang mùa nắng nhưng mực nước giếng lên rất cao, nước trong như gương, hỏi ai không mừng? Có người lấy gàu kéo lên uống thử rồi nói: "Nước ngọt ngay,... ông bà, cha mẹ ơi...! Giống như nước tiên, nước thánh...!". Bà mẹ người đàn ông đốt một mẻ than hồng đổ xuống giếng để khử phèn...

     Người đàn ông nhìn bà con hàng xóm. Nhìn các cô em gái của mình. Trong lòng đã đồng cảm với nỗi khổ tâm của người đi xin nước - có nước mà phải đi tìm nước, thiệt là khổ!

     Người đàn ông nói:

     - "Thưa bà con...! Anh em chúng tôi đào giếng hơn tháng nay. May mắn có nước, nước mạch ngầm là nước của đất trời ban cho, chứ không phải riêng gì của gia đình tôi mà tôi phải giữ bo bo làm của riêng. Từ nay bà con cứ việc tới gánh nước về ăn uống, tắm giặt thoải mái...!".

     Một ông già nhà hàng xóm nhà gần kế bên - đó là ông giáo Hoàng! Ông mất dạy đã lâu! Ông bước ra... Hai tay ông đưa lên ngang ngực, xoa... xoa... một cách trịnh trọng, nói:

     - "Thưa bà chị chủ nhà, thưa bà con và anh bạn...! Chính thần thánh đã nhập vô anh bạn đây, nên anh bạn mới biết mạch nước ngầm mà đào... trúng phóc! Mấy năm nay chúng tôi đã làm hết cách vẫn không tìm ra nước! Chúng tôi cũng như mẹ và các em của anh bạn rất khổ tâm chuyện... nước! Lao đao đi tìm... nước khắp nơi mà tủi thân...! Tui không ngờ tấm lòng của anh bạn đây và gia đình quá rộng rãi, tràn đầy tình nhân ái! Mười mấy năm nay chúng tôi - đi tìm nước cũng đã quá mệt mỏi. Hôm nay bà con chòm xóm chúng tôi được gia đình cho hưởng nhờ nước...! Già Hoàng nầy xin đại diện bà con trước là cảm ơn gia đình. Sau là... tôi có một đề nghị như vầy - Mười mấy gia đình chung quanh lối xóm đây mỗi gia đình góp một ít tiền để - mua mấy trăm viên đá - mấy bao ciment, cát, sỏi... xây cái thành giếng để bảo vệ cái giếng khỏi xói lở khi trời mưa, đồng thời ngăn nước dơ chảy xuống làm hư giếng, cán nền chung quanh miệng giếng cho sạch sẽ , làm một cái guồng để quay nước... Cuối cùng xin một làm một lối đi riêng để khỏi gây ồn ào phiền cho gia đình. Bà con sử dụng giếng nhớ gìn giữ cái giếng như giữ gìn con ngươi của mình vậy... Giếng nước cũng là "long mạch" đó nghe bà con! Tôi sẽ sắm lễ vật hương hoa cúng tạ ơn thánh thần Chúa Phật đã cho bà con chúng ta nguồn nước! Không biết mọi người có đồng ý không?"

      "Mọi người vỗ tay reo mừng mà nước mắt lưng tròng...".

      Vậy là cái giếng nơi nhà người đàn ông trở thành cái giếng "công cộng". Cô em thứ ba lấy chồng xa nghe tin anh hai đào giếng có nước cũng chạy về mừng...! Cô em gái thứ tư có chồng gần nghe tin cũng chạy về mừng...! Ngày tết, ngày giỗ... bà con anh em có tập trung về làm tiệc tùng... cũng không lo chuyện thiếu nước.

                               ***     
     Người đàn ông đi "cải tạo" về còn "được quản chế". Mỗi sáng thứ bảy, chúa nhật, khi nghe xã gọi thì phải đi xuống ủy ban xã "lao động công ích": Cuốc đất, gieo mạ, làm cỏ lúa, cỏ bắp... Buổi trưa anh em lao động quản chế ngồi ở trước thềm tam cấp trụ sở xã ăn cơm, chiếc nón lá cời đội trên đầu lụp xụp chẳng ai nhận ra ai. Dù không biết mặt nhưng người dân vẫn biết đó là: Đám sĩ quan, công chức "ngụy" đi học tập cải tạo "tốt" được tha về đang làm lao động cho xã...

     Buổi trưa, có cô cán bộ thư ký xã đến - tay cầm năm gói thuốc có năm cái tên khác nhau: "Hoa Mai - Đà Lạt - La Ngà - Trị An - Vàm Cỏ". Cô cán bộ cười vui vẻ nói:

- "Ủy ban xã biếu các chú, các anh... năm gói thuốc hút cho vui...! Các chú, các anh có thể nghỉ trưa trên hành lang ủy ban... Các chú, các anh nhà ở gần có thể về nhà nghỉ ngơi một giờ chiều đến lao động tiếp cũng được, còn nếu muốn chiều về sớm thì nghỉ chừng nửa tiếng rồi tiếp tục làm đến bốn giờ chiều tự động ra về. Tôi gợi ý như vậy... Tùy các chú, các anh...".

     Người đàn ông nhanh nhẩu nói:

     - "Chúng tôi cảm ơn ủy xã ban cho thuốc hút! Cảm ơn cô cán bộ thư ký! Chúng tôi ăn cơm xong - chúng tôi làm luôn, chiều nghỉ sớm! Mọi người có tán thành không?"  

     Đám "ngụy quản chế" vỗ tay tán thành...!

     Mấy loại thuốc hút nầy cũng giống loại thuốc "Bastos" trắng, Bastos đỏ, Bastos xanh, hàng "Quân Tiếp Vụ" ngày xưa... Một người trong nhóm khui mấy gói thuốc phân phát đồng đều cho hết thảy mọi người.

     Không biết từ bao giờ xã có nuôi một đàn dê mười mấy con. Có thể là ủy ban xã nuôi để "cải thiện"...? Mùa nắng đất không có hoa màu nên thả rông, mùa mưa nhốt lỏng vô văn phòng, hành lang văn phòng xã vì sợ dê ăn lúa, bắp. Xã không ngờ là đàn dê quậy tưng bừng... chúng leo lên ghế, lên bàn, lên tủ... ăn sạch - hồ sơ hộ tịch và các giấy tờ khác.. Đám "ngụy lao động công ích" muốn nằm nghỉ ít phút cũng không xong...! Mấy ông "sư phụ" lúc nào cũng quấy rầy...!

                              ***
     Người đàn ông nghĩ - cần phải đi tìm một miếng rẫy trồng bắp, đậu phộng... để có thêm lợi tức. Người đàn ông xin tiền mẹ mua hai gói thuốc "Samit" loại thuốc thơm có đầu lọc của Thái Lan đang thịnh hành, giá mắc không thua gì thuốc Mỹ. Bởi sau ngày "giải phóng" các loại thuốc hút của Mỹ: Salem, Capstan, , Pallmall, Lucky, Rubi... không còn nữa. Người ta kêu thuốc có đầu lọc là thuốc có "cán". Thuốc "ba số năm" cũng có nhưng khó mua, giá lại quá mắc... Mấy ông cán bộ rất thích! Từ đó mới có câu:

"Thấy ba số năm,
   bịnh nằm cũng ký".

      Người đàn ông bỏ hai gói "Samit" trong túi áo đi thẳng vô rừng Tiểu khu gặp ông đại úy bộ đội trông coi rừng trình bày hoàn cảnh... xin đất làm rẫy.(sau ngày "giải phóng" rừng giao cho bộ đội "quản lý") Ông đại úy tiếp người đàn ông nhiệt tình vui vẻ... Đồng ý cho phép người đàn ông vô làm rẫy, cuối năm chỉ nộp cho Tiểu khu - bắp hạt, đậu lạc (đậu phộng) là được. Ông đại úy bộ đội còn dặn thòng một câu:

     - "Nếu ai có hỏi, tại sao vào đây làm rẫy thì nói... tự tìm mà làm đấy! Tôi dặn thế thôi, chẳng có vấn đề gì đâu, yên tâm đi nhá...!".

      Trên đường trở về nhà người đàn ông suy nghĩ:"Nuốt được cái đắng cay trong cái đắng cay mới làm được hạng người trên loài người". Ông danh sĩ  Lục Tài Tử (thời Xuân Thu) nói rất có lý! Người đàn ông đã ngộ ra "gặp thời thế thế thời phải thế"...! Ngày hôm sau, người đàn ông rủ thêm vợ chồng người em gái thư tư, một người bạn tù, thêm mấy người hàng xóm kéo nhau vô khai thác rừng chồi (rừng chồi là rừng mà người ta chặt trụi hết cây gỗ, còn chồi non) để trồng bắp, đậu phộng, sắn... Mỗi rẫy có một cái chòi, ngủ trên gác, dụng cụ, hoa màu "thu hoạch" để bên dưới... Phải ở thường xuyên trong rẫy canh chừng:  voi, heo rừng, khỉ...ra phá hoại mùa màng. Một đêm nọ bầy voi ra... Mọi người hoảng hốt chạy lên chòi người đàn ông. May mà phát giác voi ra kịp thời nếu không sẽ bị voi giày. Người đàn ông rất bình tĩnh, ra lệnh cho mọi người gom củi đốt lửa sáng rực trời, sau đó bảo mọi người dùng: thùng thiết, nồi, soong, chảo đánh liên tục, tiếng dội vang ra khắp rừng... Sau đó người đàn ông lấy cuốc moi một cái lỗ nhỏ, cúi xuống miệng lỗ lấy giọng nơi cổ cố sức giả tiếng hổ gầm... Tiếng "hổ gầm" rền...rền... giữa đêm khuya núi rừng sương rơi tịch mịch nghe mà ớn lạnh xương sống... Khoảng mươi phút sau đàn voi sợ bỏ đi... Ngày xưa quân "tế tác" tức là quân tiền lộ của nhà Trần đi trước xem quân Nguyên di chuyển đến đâu để báo lại cho hậu quân biết mà phục kích chặn đánh. Họ đào một cái lỗ nhỏ bằng cái đầu, sâu chừng hai ba tấc đặt lên trên miệng lỗ một tấm mo cau, họ nằm xuống áp tai lên miếng mo cau đó. Họ có thể nghe tiếng đoàn quân Nguyên người ngựa chạy, rầm rập... rầm rập... từ xa hàng cây số. Loài voi tai rất thính. Chúng nghe tiếng "cọp gầm" bỏ chạy vô rừng... Canh tác được mấy năm - tiểu khu giao đất rừng lại cho xã "quản lý"! Người đàn ông lại tìm đất nơi khác để mưu sinh.

                                           ***
     Một bữa nọ họp tổ, ông tổ trưởng phổ biến:

     - "Có một công ty nước ngoài đầu tư trồng cây nghệ, hộ nào muốn trồng thì ghi danh. Nghệ giống công ty cung cấp, đến vụ thu hoạch họ sẽ mua hết với giá cao". Mọi người thấy dễ ăn. Cây nghệ không kén đất, không sâu bệnh lại chịu hạn. Vậy là nhà nhà trồng nghệ! Năm đầu đúng là "công ty nước ngoài đầu tư" có đến "thu mua" với giá cao như đã hứa. Thấy ăn quá ngon, mọi người bỏ hoa màu... lấy đất trồng nghệ. Đến mùa năm sau - nghệ phơi tràn cả sân, tràn ra cả ngoài đường quốc lộ - không thấy "công ty nước ngoài đầu tư" về mua...? Nhà nào cũng làm nghệ bột đem ra chợ bán, để dành kho cá, trộn với mật ong làm thuốc tể chữa bịnh...! Người đàn ông không dính vụ trồng nghệ bởi không có đất!

     Tiếp đến, mọi người nghe ai nói... "Rằng, hiện nay hạt tiêu rất có giá. Trồng tiêu không khó, chiếm ít đất - cứ vô rừng tìm cây căm xe đem về chôn trụ, đi lên Lâm Đồng, Đà Lạt mua dây giống về trồng".  Vậy là mọi người thi nhau trồng tiêu, lại còn tính toán kết quả trước:

     - "Nếu trồng chừng một trăm nọc tiêu, khi tiêu trưởng thành, lấy trung bình - năm ký tiêu sọ trên một gốc thôi, thì vị chi mỗi năm cũng có... nửa tấn hạt tiêu. Với giá như hiện nay thì... ngồi rung dùi!".

      Người xưa nói: "Thấy người ta ăn khoai mài, vác mai chạy quấy" quả thiệt đúng. Người đàn ông khi còn ở trong tù đã từng ngồi đào lỗ trồng tiêu cho "nhà trại..." trên đất đá ong mà ngao ngán tình đời. Ngồi đào cho được một cái lỗ quả thiệt trần ai khoai củ. Nói đúng ra là đục đá cho ra một cái lỗ để trồng tiêu.

      Đất trắng, vẫn trồng tiêu được với điều kiện - tầng đất thịt dày, thớ mịn... không có lớp đá ong bên dưới. Vùng đất trắng nầy trên mặt pha sỏi, cát..., bên dưới lòng đất đá dăm màu tím rịm khô khốc, nhiễm phèn, không thể trồng tiêu kinh doanh quy mô! Nhưng nói ra nào có ai đâu thèm nghe, mộng làm giàu đã che mất lý trí. Như một cơn lốc, như một phong trào. Người người kéo nhau vô rừng lùng sục chặt cây căm xe đem về trồng trụ, hoặc mua cây trụ của người khác đem về trồng tiêu ào ào... Đổ tiền bạc, công sức chăm bón... cây tiêu vẫn èo uột...! Dần dà cây tiêu... tiêu luôn... kéo theo giấc mơ làm giàu! Khi cây tiêu chết rụi, không biết từ đâu có mấy người lạ đến mua cọc tiêu, bao nhiêu cọc cây căm xe họ cũng mua hết - chở đi đâu nào ai có biết...?

     Trong vườn nhà của người đàn ông có chừng chục cọc tiêu xanh tươi. Đừng thấy cọc tiêu xanh um mà tưởng dễ ăn nha! Người đàn ông ngồi đục lỗ trồng tiêu - ở dưới lòng đất toàn đá dăm giống như lúc đào giếng... Mỗi lỗ rộng một thước, sâu hơn một thước. Đào cho ra mười cái lỗ để trồng tiêu mất mấy tháng ròng rã... Người đàn ông đi thồ chở đất màu mỡ gà từ nơi khác đem về trộn với phân xanh đã ủ mục lấp đầy lỗ, tưới nước pha vôi sát trùng, xuống cây trụ, phơi mưa, phơi nắng một thời gian cho đất nén lại. Người đàn ông đi vô - Võ Đắt thăm người anh - con cô, con cậu ruột. Ông anh nầy ngày xưa nhảy vô rừng làm "cán bộ cách mạng"! Sau ngày "giải phóng" đôi năm, được nghỉ hưu: Ngồi ở nhà - nấu rượu, nuôi heo, chăm sóc mấy chục cây cọc tiêu. Người đàn ông nhờ ông anh họ chiết ra cho một ít dây tiêu giống khỏe mạnh. Khi dây tiêu mọc ra đủ dài, người anh họ đích thân chở dây tiêu thẳng đến nhà người đàn ông - tự tay trồng xuống lỗ ... Đồng thời còn hướng dẫn cho người đàn ông - cách chăm bón, cách trừ sâu bệnh, cách che nắng gió mùa khô, cách thoát nước mùa mưa cho dây tiêu... Thỉnh thoảng ông còn chạy xe hon da chở theo chục lít rượu đế nếp thiệt ngon đến thăm gia đình và nhậu tới bến với thằng em "ngụy tặc" vài ba bữa... Ai đi ngang nhà người đàn ông thảy đều ngó vô mấy trụ tiêu xanh um đứng khép nép ở trong góc vườn mà trầm trồ khen ngợi...! Họ xin người đàn ông truyền lại cho kỹ thuật... Người đàn ông lòng thành "thật thà khai báo không giấu diếm"! Nói hết... nói hết... ra từng công đoạn...! Mọi người ngồi im lặng, chăm chú lắng nghe thật kỹ lưỡng không bỏ sót một lời nào... Đến khi nghe xong - nhìn nhau lắc đầu ngao ngán... cáo từ ra về...! Một vài người xầm xì:

      - "...Không thể làm ăn theo kiểu "văn nghệ tài tử" như vậy được! Bỏ ra công sức và thời gian quá nhiều để làm lời, mà chưa chắc đã có lời... Làm như vậy không khác gì gom tiền cắc bỏ vô... heo đất, làm sao cho khá nổi...!".

     Mộng trồng cây làm giàu trong đầu mọi người vẫn tiếp tục phát triển... Bẵng đi một thời gian... Trên huyện về phổ biến trồng cây điều. Lần nầy có chương trình hẳn hoi... Huyện xã trợ giúp máy cày, cày lật đất từ những đám tranh bỏ hoang chia cho những hộ nào ghi danh. Huyện phân phát hạt điều giống để trồng quy mô. Bốn năm sau khi cây điều cho trái, nhà nước mua lại với giá khá cao. Không đủ hạt điều để bán, Đã thiếu, lại còn bị bọn ăn trộm ban đêm xách bao bố đi hái trộm hạt điều... Được vài ba năm, mọi người nhận thấy cây điều cho hạt ít, tàng rộng, chiếm nhiều diện tích đất, không có giá trị kinh tế! Tính ra lợi tức không bằng trồng hoa màu . Không có ai ra lệnh cả, người trồng điều tự chặt bỏ, nhà nhà có củi điều chụm thoải mái, mấy bà, mấy chị... khoái quá chừng...!

     Gian truân chuyện trồng cây lâu năm để mong làm giàu, thất bại triền miên vẫn chưa ớn. Lại tiếp đến "công ty nước ngoài đầu tư" nào đó về xã phổ biến trồng cây bông vải cho nông dân, cũng phân phát hạt giống, thuốc trừ sâu, có kỹ sư nông nghiệp hướng dẫn. Nông dân lại tin - vì thấy làm có ăn...! Bởi trồng bông vải thường trồng vào khoảng gần cuối mùa mưa. Thời gian nầy hoa màu đã gặt hái sắp xong, hơi rỗi rảnh. Nhưng vì cây bông vải kén đất, vùng nầy lại đất trắng! Cây bông vải mọc lên èo uột, được một vài vụ rồi cũng dẹp tiệm!

     Một buổi sáng nọ mấy ông ngồi uống cà phê. Nghe nói - giá hạt cà phê cao vời vợi..! Ham quá, vậy là thi nhau đi tìm mua hạt đem về ươm cà phê con, đem vô rẫy trồng. Trồng cây cà phê mà tưởng dễ trồng như trồng cây ớt...! Một số ít người thành công vì có vốn bỏ ra: Đào giếng rộng, sâu hàng chục, thậm chí hàng hai ba chục thước mới có nước để tưới. Ngoài ra còn phải mua - phân bón, máy bơm nước, xăng dầu... Người dân mấy năm qua cố chạy theo "mấy cây làm giàu nhanh"! Chịu hết xiết...! Đành phải quay trở lại với loại cây truyền thống hiền hòa, đậm đà tình quê hương: Lúa, khoai, sắn, bắp, đậu phộng, đậu nành, thuốc lá, chuối, rau cải... chăn nuôi...

     Từ chuyện - trồng cây gây giàu, thất bại! Mới có truyền tụng câu: "Tiêu điều dông giải nghệ cà phê" ! (Tiêu, điều, bông vải, nghệ, cà phê). Nghĩ mà thương cho một vùng đất trắng!

     Người đàn ông "ngụy tặc" biết thân, biết phận - kinh nghiệm nông trang không bằng ai, tiền nong không có. Quanh năm chỉ chăm băm vô mấy công ruộng gò, lúc hết việc đồng án thì đi làm thợ mộc - làm nhà, sửa nhà, đóng bàn tủ ghế... kiếm ăn. Lúc rỗi rảnh đào thêm vài cái lỗ trồng thêm vài gốc tiêu, lợi tức từ gốc tiêu tuy ít ỏi, giá cả - lúc trầm, lúc bổng...! Nhưng dù gì đi chăng nữa, mấy gốc tiêu đó cũng đã góp phần quan trọng làm thay đổi cuộc sống cơ cực bấy lâu nay! Nói cho ngay, ngoài lao động cực nhọc cần mẫn ra, cũng may là nhờ có cái giếng - mạch ngầm đã cho nước quá mạnh dùng đủ quanh năm.

                                                    ***
     Người đàn ông tuổi đời đã quá băm lăm! Đôi khi nhớ lại - thời gian ở trong tù cải tạo: Có đôi lần trại cho tập trung "cải tạo viên" nghỉ lao động cả ngày? Mặc quần áo sạch sẽ để - chờ gặp một phái đoàn quốc tế nào đó...?. Trong đầu người tù "cải tạo" le lói chút hy vọng viễn vông: "Trong hoàn cảnh khốn khó nhất, luôn luôn tiềm ẩn một cơ hội"! * Dòng thời gian vẫn lạnh lùng trôi đi tựa mây bay, gió thổi...! Đôi lúc người đàn ông nhìn cô gái xinh... xinh... con của ông giáo Hoàng hì hục quay nước gánh đi về nhà mà... mơ...mơ...! Mơ ước nơi vùng đất trắng nầy có điện, lúc đó bằng mọi giá cũng phải đi mua một cái "moteur" đặt trên miệng giếng bơm nước đến từng nhà, khỏi phải phí thời gian đi gánh cực nhọc.

     Hoàng hôn sẫm màu tối... Như thường lệ, người đàn ông xách một cái bàn nhỏ, vài cái ghế ra trước sân ngồi chờ trăng lên...! Ánh trăng trong sáng đã bao nhiêu lần chiếu xuyên qua cuộc đời người đàn ông "ngụy" tối tăm. Người đàn ông bao năm nay vẫn im lặng ngồi ngắm trăng...! Không dám sờ, sợ sẽ lây cái tăm tối của đời mình làm cho trăng hoen ố dẫn đến tan vỡ...!

     Bà mẹ già của người đàn ông bước ra hiên... Bà cúi xuống trải cái bao bố cho con chó nằm... bà mẹ đã quá quen cái "tật" của người đàn ông - hễ đến mùa trăng là dọn bàn ghế ra sân ngồi, trừ những khi trời mưa. Bà nói nhỏ nhẹ, nói để cho một mình bà nghe:  

     - "Mấy đứa con gái có chồng hết rồi...! mừng... đã có "nhiều" cháu ngoại!".

     Người đàn ông đã nghe mẹ thúc giục nhiều lần chuyện lấy vợ. Không biết tại làm sao trong lòng cứ mãi phân vân...? Người đàn ông thừa hiểu mấy lời nói "xa xa..., gần gần..." của mẹ. Nhưng lần nầy giọng nói của mẹ hình như... có pha chút buồn tủi chứ không hẳn là thúc giục...! Không biết mắc mớ gì... Đôi mắt người đàn ông quay nhìn chăm chăm qua bên nhà ông giáo Hoàng?  Nơi khung cửa sổ nhỏ có ánh đèn dầu vừa mới thắp lên!

     Ông giáo Hoàng tuy đã già, nhưng đi đứng còn khỏe mạnh. Ông vẫn thường hay cầm nửa chai rượu đi sang nhà người đàn ông lai rai những lúc chiều tà, lúc chờ trăng lên... Hai người - một già một trẻ lâu nay đối ẩm ra chiều... tương đắc! "đôi bạn vong niên" tìm được ở nhau sự đồng cảm... Bữa nay hai người vẫn ngồi nói chuyện vui vẻ như vậy... Ông giáo Hoàng cầm ly rượu xoay xoay trên bàn mộc, nói:

     - "Ngày xưa già cũng từng đi lính quốc gia, không may bị thương rồi giải ngũ về nhà xin dạy học. Cảnh nghèo nên lấy vợ muộn, dù muộn nhưng hạnh phúc. Ngày con gái ra đời, hạnh phúc càng nhân lên gấp bội. Vậy mà, cơn đau tim đột ngột đã cướp đi sinh mệnh bà ấy!... Bà xã ra đi để lại cho già nầy một đứa con gái tuổi còn quá nhỏ! Già nầy "gà trống nuôi con" khôn lớn đó anh bạn...! Không biết già nầy có còn sống được bao lâu...? Nghĩ thương... con gái chưa định bề gia thất!".

     Người đàn ông nhìn người thầy giáo già buồn buồn, nói:

     - "Chiến tranh tương tàn để lại quá nhiều hệ lụy đau thương, "hòa bình" lâu rồi mà vẫn chưa nguôi ngoi... Vẫn còn chia ly, vẫn còn những con người bị lãng quên, những người bị loại trừ! Thầy chung thủy ở vậy nuôi con, tấm lòng của thầy bao la như trời biển! Công ơn nầy con cái không bao giờ trả nổi!".

     Hai người đàn ông ngồi im lặng! Mỗi người theo đuổi giòng suy nghĩ của riêng mình, thỉnh thoảng họ nhìn nhau như là... đối thoại câm...! Trăng đã lên...! Người giáo già "Thương phế binh ngụy" chậm rải nói vừa đủ cho người đàn ông nghe:

      - "Già nầy hỏi thiệt anh bạn - anh bạn đi làm thợ mộc lâu nay, đã tìm ra... "cái giỏ bỏ cái đục" chưa vậy?".

     Người đàn ông tình thiệt, trả lời:   

     - "Thưa thầy, chỉ có cái... thùng gỗ đựng đồ nghề mộc xách đi làm mấy năm nay!".

     Ông giáo Hoàng nhìn người đàn ông, cười ý nhị...!

     - "...Thôi được!  Tôi sẽ tặng cho anh bạn một cái... "giỏ", để anh đựng cái "đục mộc" của anh. Cái giỏ nầy "mềm mại" không chê chỗ nào được! Chắc anh sẽ ưng ý...!".

     Ông giáo Hoàng quay đầu về bên nhà, gọi lớn:  

     - "Thảo ơi! Con xách cái... giỏ, và cầm nửa chai rượu qua đây cho cha - nhanh lên!".

      Cô con gái có cái tên Thảo, nghe tiếng cha gọi lật đật cầm nửa chai rượu chạy qua... Cô đứng khép nép sau lưng người cha già cúi đầu nói lí nhí:

     - "Thưa cha! Con... con... không thấy cái "giỏ" mà... cha nói đó để ở đâu?".

     Ông giáo Hoàng cầm tay đứa con gái - quay lại nhìn thật lâu, thật sâu... vô đôi mắt người đàn ông... Ly rượu trên tay hai người từ từ nâng lên... hạ xuống... nhưng chưa uống. Giọng ông giáo Hoàng trầm trầm... êm ái:  

     - "Người giáo già nầy... biết rất rõ trong lòng anh bạn muốn cái "giỏ" nầy để đựng "cái đục" từ... rất lâu rồi! "Tình-trong-như-đã"...!* Hai "anh chị" đừng có mà làm bộ, làm tịch nữa...!".

     Người đàn ông nghe ông giáo già nói "trúng tim đen"của mình! Sững sờ... vội vàng xô cái ghế đứng bật dậy cầm tay ông giáo già run... run... Trên khuôn mặt, trên đôi mắt... rạng ngời niềm hạnh phúc...! Hai người bạn vong niên đã quá hiểu nhau. Người đàn ông hơi gập người ngượng ngùng nói:

     -"... Chào, chào... cô Thảo! Mời cô Thảo ngồi...!".

     Mẹ người đàn ông hình như đã chờ sẵn giây phút "trăm năm một thuở"! Bà hớn hở bước ra:

     - "Tui xin chào thầy giáo Hoàng...! Thầy mới qua... Bà chào cháu Thảo...!". Trên nét của bà tràn đầy niềm hân hoan...! Bà bước tới... Một tay cầm lấy cổ tay cô gái, một tay đưa lên, vuốt... vuốt... mái tóc đen mướt xõa xuống đôi bờ vai thon thon của cô gái không khác gì bà mẹ ruột âu yếm người con gái thân yêu của mình. Hai "mẹ con" dắt nhau đi vô nhà mà trong lòng tràn ngập nỗi vui mừng...!  

     Bóng đèn "néon" nho nhỏ, câu từ cái bình điện "ắc qui" trên tủ thờ chợt sáng lên !  ./.


Trang Y Hạ
Xuân Tâm, tháng chạp 1985

* Chính khí ca
* Danh ngôn Hy lạp
* Một câu Kiều


    


    

    

    



    

    



    

    

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét