Thư viện

1/8/15

Ba Dòng Sông - Khói Sương



                

           BA DÒNG SÔNG - KHÓI SƯƠNG

Trang Y Hạ

               Ngồi nhìn lớp lớp khói sương
               Thấm qua lời nhạc Trúc Phương ngùi ngùi! [thơ TYH]

     Tôi không sinh ra tại KonTum, nhưng tôi đã sống cùng với gia đình ở KonTum từ năm: một nghìn chín trăm năm mươi bảy. Năm đó tôi mới có - tám tuổi.

      Từ thời gian đó, tôi đã lớn lên trong âm u lạnh lẽo của mưa rừng. Trong cái nóng mướt mồi hôi của mùa nắng cháy, cọng thêm cái lạnh thấu xương của ngày đông. Mùa nắng còn cõng thêm gió thổi liên tu bất tận cả ngày lẫn đêm xé tan nát tàu lá chuối, da người khô rám, môi thâm nứt nẻ...! Khói núi tầng tầng lớp lớp nơi lưng chừng đồi, phủ trên đỉnh đồi... Mùa mưa, mưa như trút nước, mưa dầm dề nhão nhẹt đất đỏ. Bầu trời sà xuống thấp trông thê lương lạnh lẽo...! Ngưng mưa, khói núi đùn lên như nói rằng: "Mưa không thể nào làm trôi đi hết làn khói linh thiêng huyền bí muôn đời sưởi ấm đại ngàn"!

     Sương, sương mù là đặc sản ở cao nguyên vùng KonTum nầy. Sương buổi sáng, sương buổi chiều, sương khuya, ướt đẫm cây rừng lá cỏ, ướt đẫm áo người đi... Sương gieo nặng hạt tựa mưa phùn gió bấc không khác chi thời tiết nơi quê tôi miền Trung, độ tháng chạp.... Người KonTum thừa hưởng khói sương bạt ngàn của rừng núi cao nguyên với hai mùa mưa nắng nên tâm hồn thanh thoát pha chút trầm mặc, u uẩn của kẻ mang tâm trạng tha phương đến ngụ trên vùng đất đỏ "bazan", rừng thiêng, nước độc...

     Người ta thường hay viết, hay hát về - một "dòng sông tuổi thơ"! Có bao nhiêu dòng dông tuổi thơ chảy qua trong thời thơ ngây ấy? Có bao nhiêu dòng sông chảy qua suốt một đời người? Riêng tôi, tôi có đến ba dòng sông...

     Dòng sông Dakpsi [DakTo] chảy ngang qua làng Dinh Điền nơi tôi ở. Cây cầu bắc qua sông là cây cầu gỗ, nối liền - thôn Một với thôn Hai, thôn Ba... Dòng sông chảy hiền hòa cho dù là mùa mưa, mưa dầm nước lũ. Mùa nắng, nước cạn - đó là khoảng thời gian tuyệt vời cho tuổi nhỏ chúng tôi tắm sông. Chúng tôi xúm nhau bơi ra cái cồn cát trắng giữa sông đầy bụi rậm, chơi trò cút bắt... Các bà, các chị lớn thì giặc quần áo mùng mền...  Nơi dòng sông nầy tôi đã chứng kiến sự ra đời của bốn đứa em gái, một đứa em trai út, và một đứa cháu gái.  Chứng kiến cảnh cha mẹ tôi vất vả khai hoang để lập nghiệp để nuôi chúng tôi khôn lớn! Và, cũng chính nơi dòng sông Dakpsi nầy tôi đã khóc cho người Cha, một người em gái - Vĩnh viễn nằm lại bên dòng sông Dakpsi! Tôi nhớ có nhiều đêm tôi phải đạp xe gần ba cây số đến nhà thờ ở thôn Ba, nơi có dòng nữ tu Phao Lô - để học chữ... Dòng sông Dakpsi đã chảy qua thời tuổi thơ của tôi, của các em tôi và bạn bè cùng trang lứa. Hạt phù sa nơi dòng sông Dakpsi còn lắng đọng mãi trong tâm hồn tôi cho đến tận bây giờ.
       
     Dòng sông Dakbla bao quanh thị xã KonTum, dòng nước chảy ngược về nguồn, gặp dòng sông Krong Pô Kô hòa vào thác Yaly, khói sương bao phủ quanh năm huyền bí... Đi từ Pleiku lên KonTum, trước khi vô thị xã phải qua cây cầu Dakbla, qua khỏi cầu nhìn bên phải đã thấy Câu Lạc Bộ Thanh Niên, cây xăng... Đứng tại cây xăng nhìn lên hướng bắc sẽ thấy cụm cây rừng xum suê, nơi đó là trường trung học Hoàng Đạo và cũng là hướng đi lên Tân cảnh, DakTo. Từ cây xăng rẽ qua tay phải là đường Nguyễn Huệ, con đường dài nhất thị trấn nằm dọc theo bờ sông. Đi vô đường Nguyễn Huệ, đến ngã ba đầu tiên quẹo trái là đường Trịnh Minh Thế, đi chừng khoảng ngắn sẽ thấy chợ KonTum tọa lạc ở góc ngã tư đường Trịnh Minh Thế, Lê Thánh Tôn. [Đường Lê Thánh Tôn -  con đường chính của thị trấn]. Gần chợ có - Sân Vận Động, bến Xe Đò, trường Trung học Hoàng Đạo, ty Thuế Vụ, hàng Keo... Hàng Keo có nhiều quán ăn, quán nhậu, quán chè...! Nơi hẹn hò ăn uống đông vui...! Đi tiếp đường Nguyễn Huệ sẽ gặp ngã ba đường Phan Đình Phùng, lại quẹo trái, nơi góc đường có nhà thờ gỗ Tân Hương hơn một trăm tuổi xây mặt ra sông Dakbla. Con đường Phan Thanh Giản đi tiếp sẽ đến Tòa Hành Chánh Tỉnh, quẹo trái ra sân bay, nếu đi thẳng sẽ đến thành DakPha, bệnh viện Dã Chiến số 2 và hậu cứ Sư Đoàn 22 bộ binh. Nếu đi suốt đường Nguyễn Huệ thì ra vùng rau cải Phương Nghĩa 4, vườn Paradise. Phía sau lưng nhà thờ Tân Hương là trường nữ trung học Teresa. Tường cao, cổng trường hướng ra đường Phan Thanh Giản, cửa đóng then cài kín mít, hai bên đường hàng cây phượng xum suê, cành lá giao nhau che mát tà áo dài mỗi khi các cô nữ sinh tan trường.

     Tôi ví cây cầu Dabla với cây cầu ở Vichégrad bắt qua dòng sông Drina nối liền vùng Bosnia, Serbie. Hai dòng sông, hai cây cầu là chứng nhân qua nhiều biến thiên, đầy tang thương của lịch sử. Cây cầu trên sông Drina có nàng con gái Fata nhảy xuống sông trầm mình tự tử bởi mối tình ngang trái ép buộc! Theo truyền thuyết, nơi dòng sông Dakbla cũng có cái "Đảo tình yêu"! Một câu chuyện tình đầy oan nghiệt của cô sơn nữ... Dòng sông Dakbla còn có một truyền thuyết khác - Đó là con cua đinh lớn như cái nia hay nổi lên mặt nước rồi lặn xuống rất nhanh, [nghe nói có người đã may mắn nhìn thấy]!

     Dòng sông Dakbsi cho tôi nhiều kỷ niệm đồng quê thời nhỏ. Còn dòng sông Dakbla như bàn tay người mẹ hiền bao bọc ôm ấp thị trấn KonTum, đã cho tôi sự hiểu biết của phố phường, mở mang cho tôi kiến thức qua sự học hành, qua sách vở. Tôi đã từng dành dụm từng đồng bạc để ra nhà sách Vinh Quang mua sách. Tôi còn nhớ đã mua, cuốn -  "Ý thức mới trong văn nghệ và triết học" của Phạm Công Thiện - "Khung trời nhỏ hẹp" của Maugham - "Điệu ru nước mắt -  của Duyên Anh - "Bên dòng sông trẹm" của Dương Hà - "Vòng tay học trò" của Nguyễn Thị Hoàng... Sau nầy khi vào lính, mỗi tháng lĩnh lương tôi vẫn thường hay ghé lại nơi đây mua sách... Tôi cùng cô bạn gái đi chụp hình ở tiệm Photo Bác Ái, đi xem Cinéma ở rạp Thanh Bình, hoặc đi ăn kem, ăn chè Sâm bổ lượng ở hàng Keo [Sân Vận Động].

   Tôi theo bạn hữu xuống sông Dakbla đoạn nhà thờ Cuenot tắm, lội qua bên kia bờ Nam ruộng Nhà Chung dạo chơi khi ruộng đã gặt hái xong. Mùa khô phía bờ nam chạy dài xuống Phương Hòa, Phương Quý... Nông dân người ta trồng rau cải, trồng bắp, trồng mía dọc theo bờ sông mênh mông ngút ngàn xanh um, đến mùa bắp ra hoa, mía trổ bông, bông tỏa màu trắng rợp trời. Làm sao có thể viết cho hết bao kỷ niệm buồn vui với bản thân, với tình yêu, với bạn hữu - bên dòng Dakbla...

     Dòng sông Pô Kô dòng sông bắt nguồn từ quận Tu-mơ-rông, chảy quanh co ngang qua quận DakTo, Tỉnh lộ 512 [cầu Dakmot], chảy dọc theo làng Thượng Daktri, làng Dinh Điền Tri Lễ. Sau đó lượn một vòng cung xa xa về phía sau phi trường Phượng Hoàng, Trung đoàn 42, tiếp tục xuôi hướng Nam hòa với dòng sông Dakpsi để gặp dòng sông Dakbla đổ xuống thác Yaly ... Sông Pô kô lưu lại trong lòng tôi nhiều kỷ niệm về chiến chinh kể từ khi tôi cầm súng. Tôi cùng chiến hữu đã tắm giặt, ăn uống ở dòng sông này... Người con gái tôi quen nơi xã Tri Lễ, thời gian chưa được bao lâu. Nàng hẹn gặp tôi tại cây cầu treo trên sông Pô Kô bắc qua làng Thượng Daktri. Cô ấy khóc - nói lời chia tay với tôi để theo mẹ trở về lại quê cũ Bồng Sơn, xứ dừa của nàng... Và, đó cũng là thời gian tôi khởi đầu biết yêu, biết đau khổ bởi nhớ thương... Dòng sông Pô Kô nơi làng Daktri, có lần tôi đã chếnh choáng hơi men rượu cần, nhảy nhót theo điệu cồng chiêng với các cô sơn nữ bên ánh lửa bập bùng đêm lễ hội... Dòng sông Pô Kô là chứng nhân của những trận đánh kinh thiên động địa! Như:  Trận Tu Mơ Rông, Dakpek, đồn Bạch Hổ Ben Hét [ngã ba biên giới], sân bay Phượng Hoàng, Trung Đoàn 42, Chi khu Dakto, Căn cứ hỏa lực 5, 6, Charlie và biết bao trận chiến khác... Bên dòng sông Pô Kô tôi cũng đã một lần bị thương ngay trong một đêm chuyển quân...

      Nghiêng bi đông, từng giọt nhỏ xuống môi
      người bạn nằm miệng khác khô chợt hé
      vết thương trên đùi hở ra giống chẻ
      làm đôi – nhìn tựa bờ bắc bờ nam
... [thơ TYH]

     Tôi còn trẻ, mới vài ba tuổi lính, mộng mơ về tương lai tràn đầy, tình yêu đang thời sung mãn. Lý tưởng quốc gia - bảo vệ quê hương nhiệt tình sôi nổi... Tôi chú ý đến những ca khúc của nhạc sĩ Trúc Phương. Người bạn của tôi có mua một cái máy cassette để nghe nhạc... Bọn chúng tôi - ban ngày nghe các chị ca sĩ hát trên radio... Buổi tối thì nghe chị ca sĩ Thanh Thúy hát từ máy cassette. Ở nơi miền rừng núi làm gì có ánh điện, chỉ có đèn dầu, đèn "manchon" cũng là mơ ước... Mưa đêm gió hú, sao trời chạy trốn... Tình yêu xa xôi, tình yêu đơn côi tan vỡ... Có lẽ vì vậy mà nhóm bạn chúng tôi, ba người thích lời nhạc - đậm tình người, tình đời, tình yêu, tình lính, của nhạc sĩ Trúc Phương qua sự trình bày của cô Thanh Thúy. Chúng tôi không biết ai là người "phong" cho cô Thanh Thúy - Giọng hát - Khói Sương? Theo tôi, chỉ có những ai đã từng sống nơi vùng rừng núi Cao nguyên - mới hiểu, mới cảm thấu được sự huyền ảo của khói sương. Và, người đó đã thăng hoa giọng hát chị Thanh Thúy lên tầng sương khói...! Khói sương chẳng những huyền ảo mà còn là vẻ đẹp của thiên nhiên ban tặng cho con người, con người nhìn lớp lớp khói sương, hiểu được thời tiết... Nói thật, nơi tiền đồn, ở dưới giao thông hào, ở trong lô cốt, hay ở trong nhà - càng về khuya nằm nghe cô ca sĩ Thanh Thúy ca là muốn nhổm dậy - làm thơ, viết thư tình hay hồi âm cho người - "Em gái hậu phương"...

     Đêm qua nằm mơ thấy người trai lính chiến
     Xuôi tàu về quê hương... [*]
      
     Ngoài trời mỗi đêm chỉ có sương rơi, sương rơi đọng giọt trên lá, trên poncho... Người lính tác chiến âm thầm lặng lẻ với núi cao, với đêm đen, điểm canh là một vài tiếng đạn pháo vọng về chập chờn theo ánh hỏa châu... Điểm canh là tiếng của dế, tiếng của loài chim... Tôi là người sống nơi tỉnh lẻ, nơi biên cương, trong tâm luôn mơ ước một ngày nào đó được vô Saigon thăm thủ đô hoa lệ [sau nầy gia đình tôi về ở Saigon]. Đôi lúc tôi và bạn hữu cũng mường tượng mỗi khi nghe nhạc và tự hỏi cô ca sĩ đang hát có trẻ đẹp không? Cô có đến nơi rừng thiêng nước độc nầy để hát ủy lạo cho các chiến sĩ không? Và, đôi khi cũng mơ mộng được thấy mặt và hân hạnh được bắt tay - chúc cho cô ca sĩ ấy mạnh khỏe, hát hay...

     Đêm chưa ngủ nghe ngoài trời đổ mưa
     Từng hạt rơi gác nhỏ đèn le lói
... [*]

    
Chiến tranh dai dẳng, dẫn đến "Mùa hè đỏ lửa" - Cộng quân tấn công Chi Khu DakTo, Tân Cảnh. Trung Đoàn 42 - thất thủ...! Dân chúng bơ vơ mạnh ai nấy chạy - băng rừng lội sông chạy về phía quốc gia! Tôi cũng phải mất mấy ngày đêm trong rừng mới về tới thị trấn KonTum. Tôi chia tay hai dòng sông trong đau khổ, tức tối... Trời tháng ba nắng cháy, hai con sông Dakpsi và Pô Kô dòng chảy đã vơi đi nhiều, còn trong lòng tôi thì tràn ngập nỗi thương đau...!

     Bây giờ, tôi chỉ lại mỗi một dòng sông Dakbla an ủi ngày ngày... Dòng chảy của ba con sông vẫn từng giây, từng phút hội tụ, còn tôi và bạn hữu, người thân thì không thể nào trở về hội tụ như xưa! Vậy mà đã hết xa cách đâu... Ngày tháng ba 1975, tôi lại vội vã rời bỏ KonTum, bỏ dòng sông Dakbla thân yêu cuối cùng để ra đi! Tôi đơn côi bởi chưa lập gia đình thì không nói làm gì. Tôi đơn côi bởi xa lìa ba dòng sông mới là đau xót! Sự đơn côi biết tỏ cùng ai, tôi cần một ai đó... "mời" tôi cùng ngồi xuống để chia sẻ nỗi cô đơn triền miên.

     Nhà tôi đơn côi mời anh ở lại
     Kể chuyện tha phương chưa lần phai nhớ thương [*]
   
     KonTum là vùng đất đỏ của người bản địa sắc tộc - Ja-Rai - Ba-na - Xê-Đăng - Rơ-Ngao... Từ mấy thế kỷ trước, người Kinh từ vùng Qui Nhơn Bình Định, theo chân các Cha thừa sai đến truyền giáo và dần dà sinh cơ lập nghiệp, tạo thành một thị trấn KonTum nho nhỏ nửa quê, nửa thành, nép mình bên dòng sông Dakbla... Người Kinh và người Thượng sống hòa thuận trong tinh thần tôn trọng lẫn nhau, trong tình yêu thương bác ái của Phúc Âm... Người Kinh đến lập nghiệp nơi phố núi nầy bị cuốn hút bởi con người Sắc Tộc thật thà, trung trực, hiếu khách và tình nghĩa. Cuốn hút bởi núi rừng bao la hùng vỹ với khói sương bao phủ quanh năm. Cuốn hút bởi mưa rừng dai dẳng hàng mười ngày nửa tháng chưa tạnh. Cuốn hút bởi nắng gió, bởi cái lạnh thấu xương của mùa đông. Cuốn hút bởi dòng sông Dakbla thơ mộng - dòng sông chảy ngược... Xưa nay người ta chỉ biết đến KonTum qua những địa danh chiến tranh, "tù đày"! Không ai biết KonTum hùng vỹ, thơ mộng, và còn có - tài nguyên kinh tế tiềm ẩn...

     Thời chính phủ Ngô Đình Diệm, ông Tổng Thống đã có đến thăm KonTum, DakTo... Ông Tổng Thống rất ưu ái đối với đồng bào Thượng qua các chương trình - Y tế, Giáo dục, Văn hóa, Đời sống... Họ được học chữ và nói tiếng của họ. Họ có Già Làng cai quản họ, họ vẫn giữ lễ hội truyền thống của riêng họ. Tên "Thượng" là do ông Ngô Đình Diệm đặt cho họ - để người kinh xưng hô một cách tôn trọng thay vì gọi họ là  "Mọi"! Người Thượng có bằng Trung Học là được đi học Sĩ quan, được vô trường Sư phạm, thay vì phải có bằng Tú tài như người kinh.

      KonTum như người anh cả lo bảo vệ vùng tam biên [Việt Miên Lào]. Người lính hay viên chức nào đổi lên KonTum công tác, thường nghĩ rằng bị đi đày... Thời chinh chiến đơn vị hay cá nhân nào đổi lên Pleiku công tác là còn "sung sướng"! Chưa lên KonTum - vùng DakTo, Ben Hét, Tu Mơ Rông, Dakpek, Măng Đen chiến đấu là chưa phải phong trần...

     KonTum có nhiều nhà thơ, nhà văn, nhạc sĩ, ca sĩ và các nhà trí thức khoa bảng... Họ nép mình như phố KonTum, nép mình bên dòng Dakbla chảy ngược, họ không ca ngợi, hay nhờ người khác "lăng xê" tâng bốc vùng đất họ sinh ra và lớn lên. Họ cũng viết về KonTum nhưng ít khi phổ biến. Có lẽ do uống nước từ dòng sông Dakbla chảy ngược về nguồn, đã sinh ra - người KonTum có cái tính khiêm nhường như vậy chăng?

     Tôi rời bỏ KonTum, rời bỏ cả ba dòng sông thương yêu. Nhưng ba dòng sông vẫn mãi mãi chảy trong huyết quản của tôi.  Trong tâm hồn tôi còn thấm - mưa, nắng, gió, sương lạnh của núi rừng. Còn thấm - khói súng, khói bom... Còn thấm - tiếng khóc của mẹ, tiếng khóc của người vợ lính, của trẻ thơ, trong những ngày chạy giặc về xuôi  "di tản chiến thuật" trên con đường tử lộ 7B, tháng 3. 1975...

     Trong những tháng năm ở trong tù "cải tạo"! Mỗi buổi chiều, hoàng hôn ấp ủ cánh rừng cao su bạt ngàn, mang theo vài cơn gió lạnh. Mùa đông âm thầm trở về mà người tù "cải tạo" nào có hay! Mùa đông về người tù cải tạo lo lắng bởi thiếu quần áo...! Mùa đông lạnh lẽo làm cho người tù mau đói! Phần ăn đa phần khoai sắn, bo bo, không đủ no, làm sao chống lại cái lạnh! Có một người tù "cải tạo" còn trẻ, anh ta ngồi nhìn ra cánh rừng cao su đang phủ sương mù... Khe khẽ hát:

     Thôi trách nhau chi, chuyện tình dù dở dang
     Đã tan thành mây khói, như quên vào dĩ vãng
     Đôi mắt người xưa xin đừng buồn vì tôi...  [*]

     Ngày hôm sau - người tù "cải tạo" trẻ đó hăng hái làm kiểm điểm! Lý do: "... Còn mơ tưởng nhạc vàng, nhạc đồi trụy, phản động của Mỹ Ngụy"!

     Ba dòng sông định hình chảy quanh co trong vùng rừng núi mênh mông đã tạo nên một "KonTum Kiêu Hùng" - vẫn còn đó. Sông đã vơi đi dòng chảy! Sông đã cạn kiệt và cách trở bởi những cái "đập" ngăn...! Cuộc đời lênh đênh của tôi đã trôi theo ba dòng sông "định mệnh" đó... Cuộc đời trôi nổi của tôi đã hòa theo khói sương bay qua vùng đất lạ...!  - "Thì dù xa xôi tôi vẫn là của người..." [*]! ./.


Trang Y Hạ
Saigon, những tháng năm đi mần thợ hồ.
[*] Lời nhạc sĩ Trúc Phương



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét