Thư viện

7/1/16

Con Én Đậu Trên Cán Bay




           Con Én Đậu Trên Cán Bay

    

    Trang Y Hạ 

     Hai Hân mần nghề thầu xây nhà, công việc làm đều đều... Nhưng khoảng hơn tháng nay không nhận được "hợp đồng" nào. Mỗi buổi sáng Hai Hân dẫn đứa con gái nhỏ ra đầu hẻm ngồi uống cà phê với mấy bác: chạy xích lô, chạy ba gác, chạy xe ôm... Những người nầy chơi thân với Hai Hân, bởi mỗi khi nhận được "công trình" xây nhà là Hai Hân kêu họ đi chở: vật liệu, giàn giáo, cây ván "cốp pha", xà bần... Khi mọi người túa ra bốn hướng đi kiếm cơm trong ngày thì Hai Hân cũng đứng lên bồng đứa con gái nhỏ trở vô nhà.



     Đi mần quen chân, quen tay. Bây giờ ngồi ở nhà hoài cũng đâm buồn! Thật ra Hai Hân cũng không đến nổi phải ở không, Hai Hân có thể xách đồ nghề thợ hồ đi mần công cho các chủ thầu bạn bè khác - kiếm cơm qua ngày, kiếm rượu nhậu lai rai...  Khổ nỗi Hai Hân hiện giờ với tư cách là - một ông "chủ thầu",  dù chỉ là mần ăn tự do [cò con] chứ chẳng có ngạch trật ở trong các công ty, xí nghiệp của nhà nước (ngày xưa miền Nam kêu là mần trong "hãng - xưởng"). Hai Hân dù có lạy lục xin xỏ vô - mấy cái công ty, xí nghiệp, của nhà nước. Không ông bà giám đốc nào dám cho vô. Lý do là tại cái lý lịch - lính ngụy, cùng với hàng chục năm "cải tạo" của Hai Hân... Nhìn sơ qua  "quá trình hoạt động bản thân" của Hai Hân là họ đã toát mồ hôi hột dầm dzề...!



     Hai Hân vẫn tự tin - dù không là "kỹ sư xây dựng", nhưng chí ít cũng có:



     - "chứng chỉ trung cấp xây dựng. Giấy phép hành nghề xây dựng"



     Ngoài hai cái giấy đó ra, Hai Hân còn có - kinh nghiệm tám năm phụ hồ, mần thợ hồ, có kinh nghiệm hơn ba năm đi lãnh thầu xây nhà, có vài người thợ hồ đệ tử ruột. Nghĩ xa hơn chút nữa - Hai Hân cũng đã lớn tuổi, chẳng lẽ quay trở lại xin đi mần công nhật?



     Hai Hân thấu hiểu thân phận của mình, đành ngồi ở nhà "ăn cơm vợ"! Làm ăn tự do - lúc đói, lúc no... cũng ảnh hưởng tới lợi tức chi tiêu trong gia đình. Hơn nữa còn phải "tạm ứng" ít tiền giữ chân vài người thợ chính. Thợ của Hai Hân đều ở dưới quê miền Tây nghe đâu dưới miệt: Long Mỹ, Vị Thủy...Tất cả họ đều: trai trẻ, gái trẻ... Nhà nghèo, ít biết chữ, không ruộng đất, lang thang cái thân lục bình nổi trôi lên thành phố Saigon làm đủ thứ nghề kiếm sống. Hai Hân cũng đã từng mần phụ hồ, quen biết họ, thương tình truyền lại cái nghề thợ hồ... Trả lương cho họ tính theo "tay nghề" của mỗi người. Thí dụ: Thợ hồ chỉ biết xây tô thì lương thấp, biết đóng "cốp pha", bắt hoa văn..., biết thêm chút nghề mộc trang trí (dân thợ hồ gọi là thợ đa năng) thì tiền lương có cao hơn...

     

     Sở dĩ Hai Hân sốt sắng truyền nghề thợ hồ cho đám trẻ là vì... Hai Hân cũng đã từng về Saigon - thuê xích lô, thuê ba gác, chạy lòng vòng kiếm ăn một thời gian dài ở chợ An-Đông. Chạy xe xích lô, ba gác ế khách quá - phải lụi hụi đi xin mần phụ hồ, rồi mần thợ hồ.



     Hai Hân được cái may... Ngày xưa, Hai Hân là giáo sư dạy học. Chiến cuộc leo thang, được động viên vô trường bộ binh Thủ Đức thụ huấn khóa sĩ quan. Mãn khóa, cấp trên chuyển ra chiến trường chiến đấu mấy năm, sau đó Hai Hân được biệt phái trở lại ngành giáo dục để đi dạy học tiếp cho đến ngày mất miền Nam! Sau ngày "buông súng" Hai Hân cũng hăng say mần tiên phong đi tù "cải tạo" hết mười năm!



     Với tư cách của một người giáo sư dạy học, với tư cách của một người sĩ quan VNCH, với trình độ học vấn và kiến thức từ sách vở, tù đày... Hai Hân thừa kinh nghiệm để nhận ra rằng ở thời buổi nầy - sự lừa lọc, dối trá, láo khoét, ba ke, ba xạo, bá láp, bá xàm... đã lên ngôi! Dù biết vậy Hai Hân vẫn trung thành theo cách sống - chất phát, nhân nghĩa... ở trong nền giáo dục miền Nam... Hơn nữa Hai Hân đã thấm vô tâm lòng  tình "huynh đệ chi binh" của một thời đi mần lính ở ngoài chiến trường.



     Mỗi cuối tháng lĩnh lương ra là: - "Tiền lính tính liền, tiền làng tàn liền"!  Hai Hân xả láng cùng với bạn hữu:



     - "Túy ngọa sa trường quân mạc tiếu...".



     Tính hào sảng, chịu chơi đã quen. Hiện giờ tuy có rơi vô cảnh sa cơ, nghèo túng, nhưng không phải vì vậy mà tỏ ra ươn hèn, hay bần tiện... Những người thợ hồ, phụ hồ, ngay cả chủ thầu, cai thầu - đều nhìn Hai Hân với ánh mắt thiện cảm lẫn nể nang. Những người thợ hồ mần chung đều cảm mến, lúc rỗi rảnh bọn họ xúm nhau dạy cho Hai Hân nghề xây tô... Mấy ông cai, ông đội - đôi khi cũng chỉ cho Hai Hân cách đọc bản vẽ kiến trúc... Đám thầy thợ hồ lại hè nhau đề bạt cho Hai Hân lên mần thợ chính. Hai Hân bỏ hẳn ra một tuần lương thợ chính đầu tiên - khao thưởng tất cả đám sư thầy để  "đền ơn đáp nghĩa"!

    

     Khi còn mần phụ hồ..., Hai Hân không ưa mấy tay thợ chính hành hạ người phụ hồ, (mặt mày các "sư thầy" lúc nào cũng kênh kênh..., hạch sách đủ điều nhằm hành hạ các anh chị em phụ hồ. Kể cả chửi bới... để trả thù đời!). Mối thù "truyền kiếp" đó cứ trầm luân mãi mãi trong cõi luân hồi không thể thoát ra được để lên chốn "niết bàn"!



    Thân phận người phụ hồ còn có tên gọi khác:  (thợ phổ thông). Họ chịu thiệt thòi đủ mọi mặt - lương ít, mần việc nhiều... Hằng ngày người thợ phụ phải đến chỗ "công trình" sớm hơn, ít nhất mười lăm phút để nghe: ông thầu, ông cai, ban hành "nghị quyết:



      - "Người nầy sàng cát, người nầy trộn hồ cháo, người nầy chuyển gạch, chuyển xi-măng, sắt thép, ván cốp-pha, người nầy kéo nước, kéo hồ..."!



     Giàn đồng ca của người phụ hồ nhịp nhàng, hối hả... Ai mà mần lỡ nhịp, tức thì bị cai thầu chửi tắt bếp, trừ lương... Mỗi ngày trước khi ra về người phụ hồ còn phải lo - gom gạch dư, hồ thừa cho thợ chính hoàn tất, sau đó phải rửa sạch sẽ tất cả dụng cụ... Vật liệu còn vung vãi phải gom lại xếp vô kho. Nhiều "ông" thợ chính còn bắt phụ hồ rửa đồ nghề cho mình. Chưa kể đến cuối tuần - nhiều chủ nhà, chủ thầu chỉ ưu tiên - mời thợ chính ở lại ăn uống, hoặc thưởng tiền khi giao nhà mới... Không thèm - quan tâm, ngó ngàng tới phụ hồ!



     Người ta nói:



     - "Nơi nào có đàn áp, nơi đó có đấu tranh".



     Người phụ hồ đấu tranh bằng mọi cách, bằng mọi giá -  leo lên chức thợ chính để hưởng "quang vinh muôn năm". Đôi khi còn phải bỏ tiền túi ra - bao đám thầu, cai... ăn nhậu để được công nhận lên - Hàm thợ hồ! Dần dà... tất cả xúm nhau làm "sư - thầy" hết ráo...



***

     Nguyên nhân Hai Hân trở thành "nhà thầu" là - do từ một câu nói...



     Một hôm Hai Hân đi mua - một cái bay xây, một cái đục sắt, một cái búa nhỏ. Trở về tới đầu hẻm, thì gặp ngay đám anh em chạy - xích lô, ba gác, xe ôm... sau một ngày bương chải kiếm cơm về tập trung nơi quán nhậu của ông Toản già. Hai Hân có cái tật nhậu là phải có "mồi" dồi dào mới nhậu. Anh em xích lô, ba gác, xe ôm... hú nhau nhậu lai rai - chơi theo kiểu Mỹ chứ có ai bao cho ai đâu? Vậy thì lấy tiền ở đâu ra mà mua nhiều mồi... Thấy mồi toàn: cốc, ổi... Hai Hân hăm hở kêu mồi, đồng thời cũng kêu luôn vài lít rượu đế. Tính hay chơi đẹp nên đám nhậu trong hẻm thấy Hai Hân thì như thấy ông... thần tài!   



     Ông già Toản, chủ quán nhậu - ngày xưa: văn thơ của ông cũng có tiếng tăm... Ông vốn là thầy dạy học. Từ lâu ông đã nhận biết Hai Hân là... "ngọa hổ tàng long" chứ chẳng phải một anh thợ hồ đen thui, đen thủi... Bởi vì thời cuộc đành phải ẩn nhẫn - ông đem lòng cảm mến! Ông già Toản thấy Hai Hân cầm mấy cái: bay, búa, đục.



     Ông thấy xót thương cho người lỡ vận, nên nói với Hai Hân rằng:



     -  Chú mầy cầm tiền đi mua... Tại sao không tìm mua cái "sung sướng" ? Mua mần chi ba cái thứ khổ cực!



      Bất thình lình nghe câu nói của ông già Toản... Hai Hân chỉ biết cười... rồi quày quã ra về. Tối đến - Hai Hân ngồi ngẫm nghĩ:



     - "Mình vốn là một giáo sư dạy học lâu năm, biết vài ngoại ngữ... Thời buổi nầy không ai thèm xử dụng cái sở học miền Nam. Thôi thì, ngày mai chắc phải đi tìm chỗ ghi danh học cái nghề kiến trúc... May ra có thể "đổi đời"! Ngồi chùm um một chỗ như vầy coi sao đặng?".



     Ngày hôm sau, Hai Hân ghi danh học lớp "kiến trúc" ban đêm...  Tối nào cũng đạp xe tới trường đại học... Một thời gian sau Hai Hân ẵm cái "chứng chỉ trung cấp xây dựng"! Sau đó ẵm luôn cái giấy "hành nghề xây, sửa chữa nhà" do quận cấp! Tự phong luôn cái chức "nhà thầu"! Đi nhận thầu cứ chìa mấy "lá bùa" đó ra cho bá tính thấy mà tin... Qua ba năm mần thầu Hai Hân đã có một mớ tiếng tăm...

***                                             

     Từ khi lên chức "nhà thầu khoán" tất cả đồ nghề hồi còn mần: thợ hồ, thợ mộc ... Hai Hân dồn hết vào trong một cái thùng gỗ bự bự, cất kỹ để mần kỷ niệm!



     Hai Hân đã từng đọc sách báo nên có biết:



     - "Ở bên Nhật Bản, người ta lập ra nhiều ngôi đền, để thờ những con búp bê mà các bé gái ưa thích, nay không thích nữa... Người Nhật nghĩ  rằng - búp bê cũng có linh hồn. Phụ nữ Nhật Bản thường hay dẫn con của họ đến đền thờ búp bê để cầu xin sự: bình an, may mắn... Nếp văn hóa nhân ái đó gần như - một tín ngưỡng của người Nhật Bản".



     Bây giờ Hai Hân đang thất nghiệp, dư thời gian nên nhớ đến đồ nghề - moi ra lau chùi, săm soi, hồi tưởng... Nhưng cũng chỉ săm soi, ve vuốt mỗi cái bay xây - cái bay xây đó Hai Hân đã xử dụng nhiều năm... Nửa thân của cái bay mòn thành hình tam giác, giông giống cánh chim én, mỏng te như lá lúa, mũi bay nhọn hoắt, hai bên cạnh cái bay bén ngọt... Hai Hân tự hào là đã từng xử dụng cái bay mỏng bén ngọt để gọt trái cây ăn...



     Hai Hân đậy thùng đồ nghề trở lại, cầm cái bay cùn đi ra trước cái sân rộng nơi có cái bàn thiên. Nơi sân rộng cũng là cái kho lộ thiên cất giữ: giàn giáo, ván cốp-pha... Hồi sáng vợ Hai Hân đi chợ có mua về một nãi chuối xanh cúng trên bàn thiên, ở dưới chân bàn thiên chỗ ông địa ngồi có dĩa: ổi, xoài, thanh long. Hai Hân lấy cái bay bén ngọt cắt làm tư trái thanh long - ăn một miếng... Ngước mặt lên thấy bên ngoài hàng rào có ba bốn đứa con nít hàng xóm đứng dòm vào, trông có vẻ thèm thuồng... Hai Hân bưng cả dĩa trái cây và ba miếng thanh long vừa mới cắt  đi ra - phân chia cho lũ nhỏ...



     Hai Hân chắp tay lâm râm khấn vái - mấy câu (vừa đủ cho bàn thiên nghe) rồi cắm mũi bay vô giữa đám chân nhang đứng dày đặc ở trong cái lư bự bự. Quay trở vô nhà ngả lưng xuống võng, sau đó lại ngước đầu nhìn lên vách chỗ có treo tấm lịch... Chỉ còn một tháng nữa là đến lễ giáng sinh. Vậy là... mùa đông sắp hết. Thiên hạ sẽ rộn ràng: xây nhà, sửa nhà... để đón tết âm lịch. Đang thất nghiệp eo sèo nhưng Hai Hân vẫn tưởng tượng:



     - "Giá mà bây giờ có ba bốn chủ nhà, họ cùng nhau hè tới kêu đi xây nhà cùng một lúc. Không biết mình sẽ xoay sở ra sao đây cho xong...?".



     Thật ra Hai Hân có cần chi phải mơ, phải tưởng tượng. Thông thường mấy tháng cận tết - công việc nhiều mần không xuể... Ở cái đất Saigon nầy - không biết có phải vì "sĩ diện hay tập tục", mà cứ tới cuối năm,  người ta lại thi nhau: xây nhà, sửa chữa nhà... chuẩn bị ăn tết...! Mần thầu uy tín như Hai Hân - đương nhiên là bận rộn... Có năm người ta kêu mần quá nhiều, nên hụt thợ hồ - sáng ngày ba mươi tháng chạp Hai Hân mới giao nhà..., thưởng tiền cho số thợ về quê ăn tết. Người ta nói "thợ rèn ăn dao lụt", quả thật đúng. Hai Hân mần thầu xây nhà cho người ta tráng lệ, còn nhà của Hai Hân thì tuyềnh toàng, thậm chí ngày tết cũng không đủ thì giờ quét dọn, chứ nói chi tới sửa sang!



     Đang nằm mơ mơ... màng màng..., Hai Hân nghe tiếng chim kêu văng vẳng... Có thể mấy chú chim đó kêu ở trên: cây dâu, cây mận, cây ổi trước sân. Trong giấc ngủ chập chờn Hai Hân mơ thấy đứa bé gái ...



     Chuyện bé gái còn dài, sẽ kể sau...



***

     Hai Hân nhớ rõ mồn một những tháng năm cơ cực đi phụ hồ, rồi mần thợ hồ... - Vào một buổi chiều thứ bảy năm xưa, trời đổ mưa như trút nước. Nhận tiền công của một tuần mần thợ hồ, trên đường về gần tới nhà, Hai Hân ghé vô quán cháo lòng tiết canh - Bình Dân - của vợ chồng Tư Hâm - ăn tô cháo lòng, uống xị rượu đế ngâm chuối hột! Ngồi lai rai cùng với bạn bè - thợ hồ, anh em thương phế binh đi bán vé số, hay mần nghề - sửa vá bơm hơi ... mà cảm thấy ấm áp!  



     Tô cháo Lòng heo, tiết canh, đậu phộng, rau thơm, bánh tráng mè... Ăn ngon bá chấy bù chét!



     Hai Hân ăn uống xong!  Mua một bọc cháo, một bịch lòng heo - mang về nhà khao thưởng cho con gái, cũng là... "nịnh đầm" bà xã. Thói quen đó gần như một thông lệ. Nói là về gần nhà chứ thật ra còn cách một con kênh rất lớn. Đó là (Kênh Đôi). Hai bên bến đò Kênh Đôi là đường Chánh Hưng. Qua lại có đò ngang...



     Mấy năm sau nầy lên mần thầu - thứ bảy nào Hai Hân cũng kéo đám thợ hồ đến quán Tư Hâm... Trước là - để "ủng hộ" cho quán Tư Hâm, sau là - khao thưởng ba quân đệ tử, bạn bè...



     Tư Hâm cũng là dân "cải tạo" sáu bảy năm... Ngày trước làm trưởng phòng (...) bên Tỉnh đoàn CB/XDNT... Bên vợ Tư Hâm có dính líu: xa xa... gần gần... bên "cách mạng" nên gia đình vợ con không phải đi "kinh tế mới". Cái quán cháo lòng cũng do bên vợ của Tư Hâm cho thuê giá rẻ ở tầng trệt để vợ chồng bán: cháo lòng heo, tiết canh heo buổi chiều, buổi sáng bán hủ tiếu, buổi trưa bán cơm bình dân kiếm sống. Hai Hân hay ghé quán Tư Hâm là nghĩ tới cái tình "phe ta"... Tư Hâm biết: đàn ca tân cổ... Dân nhậu đa phần dân thợ hồ, dân ba gác, xích lô, xe ôm, dân đi bán vé số dạo [trong đó có cả những anh em thương phế binh VNCH]. Họ khoái Tư Hâm bội phần... Họ xúm nhau mời rượu - mời rượu là Tư Hâm bưng ly lên ngửa cổ uống cái ực liền, rồi ca:



     - "Một trăm em ơi, chiều nay một trăm phần trăm..." !



     Nói thật ra, vợ chồng Tư Hâm cũng có cái nghĩa tình, "huynh đệ chi binh"  - Bán cháo lòng, hủ tiếu, cơm trưa... đều tính hạ giá cho những anh chị em "bên thua cuộc" bị bỏ rơi, bị loại trừ... bươn chải kiếm sống từng ngày trên đường phố...



***

     Trở lại câu chuyện hai Hân ngủ trưa "mơ" thấy đứa bé gái.



     Năm xưa, Hai Hân thất nghiệp cả tháng trời, chờ mỏi cổ, đi mỏi chưn chẳng có việc chi để mần... Vợ Hai Hân - mỗi buổi sáng - từ sáu giờ xách theo: một cái ghế gỗ thấp, hai cái thau lớn, một miếng ván bề ngang rộng chừng hai tấc, chiều dài miếng ván, dài hơn miệng cái thau một chút. Đến "xí nghiệp đông lạnh" trên đường Nguyễn Duy, bên bờ Kênh Đôi, xin lột tôm. Hàng trăm phụ nữ trẻ già ngồi lột tôm lộ thiên ngay trên lề đường, bất kể mưa nắng... (lao động tự do, xí nghiệp không trang bị quần áo, giày nón...) Mùi tanh tưởi của tôm, mùi nước lột tôm... chảy tràn lan ra mặt đường tanh hôi, xông lên muốn ói mửa...! Lột tôm tới khoảng..., hơn chín giờ sáng là nghỉ.  Xí nghiệp đông lạnh cân số lương tôm lột của mỗi người...  Trả tiền công ngay tại chỗ.



     Bữa nào vợ Hai Hân cũng đem về nhà một mớ đầu tôm trộng trộng, kho mặn để ăn - bớt tốn tiền chợ. Hai Hân nhìn con gái bữa ăn nào cũng có đầu tôm để nhai trệu trạo... Thấy mà đau lòng đứt ruột! Có nhiều bữa đứa con gái nhỏ đói sữa... Khóc...! Dỗ hoài không nín! Cho uống nước đường cũng khóc... Hai Hân phải bồng con đi ra chỗ xí nghiệp đông lạnh, nơi vợ ngồi lột tôm... Trời mưa tầm tã, nước ngập đến nửa ống quyển! Vợ Hai Hân thấy Hai Hân bồng con ra thì mừng quýnh, nói:



     - Hai cái vú của em căng cứng sữa, đau nhức... Ngồi ép ngực vô đùi sữa chảy ướt cả áo... Em biết ở nhà con thèm sữa lắm! Nhưng còn hơn nửa giờ nữa, em mới lột xong số tôm đã nhận...



     Con gái bú sữa no nê, mặt mày tươi rói, nhoẻn miệng cười... Hai Hân bồng con gái ra về.  



     Buổi sáng Hai Hân cùng đứa con gái út ngồi uống cà phê nơi đầu hẻm, thấy ông Tía nuôi đi tới. Ông Tía nuôi xưa nay chuyên mần nghề: mộc nhà, mộc đóng xuồng... Thấy Tía nuôi tới, Hai Hân liền than thở:



     - Cả tháng nay con thất nghiệp, Tía ơi...



     Ông Tía nuôi của Hai Hân nói:



     - Thằng Hai, mầy nghe đây! Mầy dẫn con vô nhà, lấy đồ nghề mộc, cầm thêm cái bay, máng hồ... đi theo tía sửa cái nhà bên kia bờ Kênh Đôi. Sửa chừng mươi hôm... Mần xong cái nầy đi, rồi theo Tía về dưới Phước Lộc xây hai cái nhà tường có gác gỗ... Tía đã nhận "tiền đặt cọc" của chủ nhà. Đây! Tía ứng trước cho con mấy trăm... Con cầm về đưa cho con Tư, vợ mầy cho nó mừng... Nghe Tía dặn thêm... Mần nhà chỗ Kênh Đôi, thằng hai mầy thấy... thì để mắt, chứ đừng có nhiều chiện, hay thèo lẽo...



     Hai Hân theo Tía nuôi xuống đò qua Kênh Đôi. Nhìn căn nhà ngả nghiêng, mái lợp tôn đã rỉ sét, vách che bằng lá dừa nước, nằm bên mé bờ kênh. Cách nhà chừng vài thước, là tám cái cầu tiêu lộ thiên công cộng san sát nhau, ngăn ra từng cái bằng tôn cũ cao ngang đầu gối...! Đi ra dãy nhà cầu, người ta mần một cây cầu bằng ván dài chừng... năm sáu thước. Phân, giấy, rác rến, xác chuột chết... nổi lềnh bềnh, dập dềnh đưa đẩy theo sóng vỗ bờ...! Mỗi khi nước rút đi, một bãi "chiến trường" phơi ra... Đủ thứ mùi tỏa hương nồng nàn đến ngạt mũi... Bề ngang căn nhà chừng ba thước, bề dài khoảng tám thước, nhưng chỉ có hai thước ở trên bờ. Dọc theo trên bờ kênh có một lối đi nhỏ vừa một chiếc xe xích lô... Mấy cây cọc tràm chống đỡ sàn nhà nằm phía ngoài kênh, nước thủy triều lên xuống lâu ngày, rêu bám: đen thui, đen thủi, mục nát, xiêu vẹo... Ván sàn cũng mục nát chắp vá lỗ chỗ. Hai Hân động lòng nhớ tới bài thơ ngũ ngôn của ông Nguyễn Gia Thiều:

    

     Lởm chởm vài hàng tỏi

     Lưa thưa mấy nhánh gừng

     Vẽ chi là cảnh mọn

     Mà cũng gợi tang thương. (NGT)



     Trong nhà không giường chiếu, chỉ có mấy tấm lát với một mớ quần áo bèo nhèo treo trên vách lá, trên vách lá có một bức ảnh đức mẹ Maria bồng chúa hài đồng. Phía cuối nhà có một cái buồng tắm, che sơ sài bằng tấm nhựa màu xanh nước biển, vài ba cái nồi nhôm nằm co ro buồn hiu, một cái lò bằng đất, miệng lò còn ngậm mấy que củi cháy dở, lạnh tanh, một cái lu sành cạn nước. Gia tài cái nhà nầy chỉ có ngần ấy thôi... Không thấy mặt chủ nhà. Nghe tía nuôi hồi sáng dặn dò... Hai Hân đành mần thinh. Nhưng trong bụng lại nghĩ:



     "Chủ nhà nầy chắc là... đi mần ăn xa. Hoặc buôn bán tới tối mới về, sáng sớm lại đi tiếp...".


 Đứng trước nhà - "giám sát công trình" là một bé gái. Không biết con của ai? Đoán chừng... sáu, bảy tuổi, quần áo mặc sơ sài, tóc cắt ngắn kiểu: "bumbe - demigarcon". Khuôn mặt đẹp như đức mẹ Maria. Đứng lấp ló trước hiên, thỉnh thoảng có ghé mắt nhìn vô nhà qua lỗ thủng rỉ rét ở tấm vách bằng tôn... Đến gần trưa, có một người phụ nữ gánh: thau thùng... đi tới kêu bé gái vô nhà của chị. Nhà của người phụ nữ cũng nằm ở mé sông - nhà vách lá lợp tôn tuyềnh toàng... Bé gái theo người phụ nữ vô nhà, nhưng chỉ được một chặp rồi cũng đi trở ra ...



     Trước khi sửa nhà... Hai Hân nhẹ nhàng gom số quần áo, vật dụng của gia đình chủ nhà xếp gọn vô trong một góc, lấy tấm "nylon" che kín. Sửa nhà theo kiểu "cuốn chiếu" chứ không phá tanh banh... Phá ra hết trên Phường biết được, họ xuống họ lập "biên bản"! Lý do:



     - "Cất nhà trên kênh rạch là bất hợp pháp"!    



     Lúc gom đồ... Hai Hân thấy - một con "heo đất" nho nhỏ?



     Đến giờ nghỉ trưa. Hai Hân đi bộ một đỗi ngắn là tới quán cơm Tư Hâm. Đang ngồi cắm cổ ăn uống ào ào..., khi ngước mặt lên... Hai Hân thấy đứa bé gái "giám sát công trình" đứng bên cây trụ đèn trước quán cơm nhìn vô... Hai Hân tưởng bé gái đói..., vội chạy ra nắm tay mời bé gái vô quán.



     Bé gái rụt tay lại, chậm rãi nói:



     - Chú mần nhà! Chú nhớ... đừng mần bể con heo đất của con nghen chú...!



     Hai Hân giật mình... Thì ra bé gái nầy là con gái của chủ nhà! Bé gái chỉ lo lắng sợ mấy ông thợ sửa nhà mần bể con heo đất... Hai Hân cúi thấp người xuống nói:



     - Con tên chi?



     - Dạ thưa chú! Con tên là Liên...



     - Tại sao con không đem con heo đất đi giấu? Sao lúc sáng ở nhà con không nói với chú?



     Bé Liên hồn nhiên nói:



     - Tía má con biểu:



     - "Không được đi vô nhà trong lúc mấy ông thợ đang mần. Tía má còn biểu - mấy ông thợ mần nhà không lấy đồ... Nhà mình có thứ chi đáng giá mà lấy".



     Nghe bé Liên nói vậy, trong lòng Hai Hân mềm nhũn ra... Hai Hân nghĩ:



     - Bé Liên cũng trạc tuổi con gái út của mình. Và các đứa con gái của mình cũng có con heo đất nho nhỏ, giống như của bé Liên nầy!



     Hai Hân cảm thấy thương bé Liên quá - nên nói:



     - Cháu đã tới đây rồi, Chú mời cháu vô quán ăn cơm với chú cho chú vui lòng. Chú ăn cũng chưa xong...



     Bé Liên ngập ngừng vài giây rồi nói chậm chậm...



     - Tía má con biểu:



      - Hổng có ăn, hay nhận tiền, quà của người lạ... Con cảm ơn chú nhiều lắm!



     Hai Hân phân trần:



     - Chú hổng có phải là người lạ... Chú tới mần nhà cho con ở mà! Chú nói vậy có đúng hông?



     Bé gái lẳng lặng theo Hai Hân vô quán ngồi kế bên...



     Kể từ bữa đó, trưa nào Hai Hân đi ăn cơm cũng hú rủ bé gái đi theo... Bé gái thay áo quần lành lặn, sạch sẽ... trông dễ thương quá chừng! Cũng từ bữa quen biết bé gái, Hai Hân âm thầm mỗi ngày cho con heo đất của bé gái ăn, y như cho mấy con heo đất của con mình ăn! Trước giáng sinh vài ngày căn nhà đã hoàn thiện. Bé gái mặt mày hớn hở hẳn lên chứ không thinh thinh như mấy bữa đầu... Căn nhà hoàn thành mà Hai Hân chưa thấy bóng dáng chủ nhà!



     Ông Tía nuôi ra lệnh "rút quân"!


***

     Bẵng đi một thời gian..., Hai Hân quay trở lại thăm bé Liên. Người ở trong căn nhà của bé Liên là một người phụ nữ bán đồ xẻ ngày xưa thường hay chăm sóc bé Liên... Thấy Hai Hân tới - Chị ta nhận ra, đon đã:



     - Lâu quá hổng thấy anh lại chơi? Con bé Liên trông anh quá xá quà xa... Bữa hổm, con bé nó đập con heo đất lấy tiền mần sinh nhật - nó thấy có nhiều tiền giấy. Con bé sững sờ...! Nó ngồi im lặng... một lúc rồi nó khóc! Khóc xong, nó khoe với tui và tía má nó:



     - "Con biết ai bỏ tiền nuôi heo đất của con rồi!... Chú thợ Hai Hân đó! Lúc xưa chú mần nhà... Đến giờ đi ăn trưa, chú hay dẫn con đi ăn cơm ở quán cơm ông Tư Hâm, chú ấy còn mua cho con một con búp bê nhỏ nữa. Con mong chú Hai Hân trở lại để con cảm ơn, mà hổng có thấy chú ở đâu!".



     Người phụ nữ đứng trước nhà kể một hồi... sực nhớ, mới mời khách... Hai Hân thấy trong nhà có một cái truyền hình đen trắng - mười bốn "inch"... Tấm ảnh đức mẹ Maria vẫn còn treo trên tường...



     Người phụ nữ nói giọng hơi nhỏ, có vẻ dè dặt:



     - Anh biết hông? Ông bà Sáu chủ nhà nầy có tấm lòng nhân hậu lắm! Tui chỉ biết chút ít về hoàn cảnh của ổng bả... Bởi tui hằng ngày trông nôm con bé Liên, qua nó mà tui đoán biết ổng ngày xưa có mần việc chi đó cho chế độ cũ... Tui còn biết ổng đi học tập cải tạo nữa... Tui nhớ rất rõ lúc hai vợ chồng ổng bả dẫn con bé về bờ sông nầy, cất cái nhà vách lá kế nhà lá của tui, lúc đó bờ sông nầy còn trống lắm, ai muốn ở thì ở. Ổng bả có chiếc ghe hơi bự bự, mỗi ngày chờ nước lớn là ổng bả chèo về miệt: Tân An hay đâu đó... Mua trái cây, cá mắm... đem về bỏ mối ở các chợ. Riêng tui, ổng bả bỏ trái cây chỉ lấy chút đỉnh cho có lấy...



     Người phụ nữ dáo dác... nhìn ra cửa, rồi nói tiếp:



     - Tui nói nhỏ cho anh hay nghen - Khoảng nửa năm trước đây, khoảng mười giờ tối... Ổng bả có mời tui qua nhà! Tui dòm dòm... tìm con Liên mà hổng có thấy nó... Ổng bả có vẻ lo lắng, nhìn tôi..., rồi nói:



     - "Gia đình tôi có chuyện phải dời về bên ngoại ở dưới Bạc Liêu, chắc là khá lâu mới trở lại... Vợ chồng tôi viết cái "giấy tay" chuyển quyền căn nhà nầy cho chị ở và coi sóc dùm...! Cảm ơn chị mấy năm qua đã trông nom con gái chúng tôi. Khi nào chúng tôi trở về lại hãy tính...".




     Ổng bả nhét vội tờ giấy tay đó, với một cái phong bì vô túi áo bà ba của tui. Tui đang bàng hoàng chưa kịp mở miệng ra... Ổng bả đã nhảy tọt xuống xuồng chèo đi tuốt... Tui nhìn vô đêm đen nuốt... dần dần cái ghe của ổng bả mà nước mắt của tui chảy ròng ròng anh ơi! Trong phong bì ổng bả có để lại  - Năm trăm nghìn đồng! Một món tiền qúa lớn đối với tui.



    - Vậy... lâu nay chị có nhận được tin chi về gia đình ổng bả và bé Liên? Hai Hân hỏi với vẻ nôn nóng:



     Người phụ nữ nhìn Hai Hân... Xuống giọng nói như thì thầm:



     - Gia đình ổng đi... vượt biên đó anh...! Hèn chi mà ổng bả giấu nhẹm, hổng có cho tui hay... Ổng bả nhắn tin về cho tui, tui mới biết chớ! Anh hổng có kể cho ai biết à nghen!



     Người phụ nữ rơm rớm nước mắt tỉ tê:



     - Mỗi ngày, vô ra tui nhìn căn nhà trống trơn... Tui nhớ con bé, tui lại khóc...! Tội nghiệp con bé lắm! Ổng bả sống trên ghe, thân lục bình nổi trôi rày đây mai đó theo con nước... Đâu có "hộ khẩu" chi để mà mần cái giấy khai sinh cho con Liên! Đã không có giấy khai sinh thì mần chi mà được nhà trường họ cho nó vô học! Con Liên thông minh, nó học lóm lém... chỉ biết đọc, biết viết. Nghĩ mà thương nó đứt ruột!   



     Ổng bả còn hứa: khi nào tui bị "giải tỏa" nhà, thì cho ổng bả hay, ổng bả sẽ giúp...! Còn con bé Liên cũng nhắn về - nó dặn tui là:



     - "Dì có gặp lại được chú Hai Hân, thì dì nói con xin gởi lời thăm... Con nhớ chú hai Hân lắm!".



     Người phụ nữ thành thật:



     - Ổng bả có cho tui địa chỉ... ở bên bển đây nè...



     Hai Hân chào người phụ nữ để ra về. Gió từ mặt sông thổi lên lành lạnh... Hình bóng bé Liên gầy gò vẫn chập chờn trong ký ức... Xin cảm ơn trời phật phù hộ cho gia đình bé gái ở bên kia bờ đại dương - nơi đó có tự do, có nhân ái - được bình an! Con nước đang lớn, giờ đã nhửng - rác rến, lục bình lờ đờ chưa biết tấp vô đâu...


***

    Hai Hân mần thầu xây nhà được thêm mấy năm nữa! Sau đó ngậm ngùi "rửa tay gác kiếm" bởi sức khỏe! Thời gian sau, gia đình Hai Hân tới Hoa Kỳ định cư.



     Một buổi tối trước ngày gia đình lên phi cơ qua Mỹ sống đời ty nạn... Ba đứa con gái đi lại bên Hai Hân thỏ thẻ:



     - Tía ơi! Tía giải nghệ mần thầu, ngồi ở nhà chỉ có vô ra chắc là tía buồn lắm phải vậy hông hở Tía?! Chúng con nói cho Tía hay một chiện... Sáng nay, chúng con có thấy - một con chim én đậu trên cán bay - cái bay mà tía đã cắm trong lư nhang trên bàn thiên đó... đó... ! Tía cắm cái bay cùn trên bàn thiên mần chi dzậy hở tía?



     Hai Hân nhìn qua các con... rồi trả lời tóm tắt - giọng trầm buồn:



     - Ngày xưa Tía phục vụ trong chính thể miền Nam. Tía mần nghề dạy học, thời trước gọi là giáo sư. Đồng thời tía còn là một người lính VNCH lăn lóc ngoài chiến trường... Cơ trời thay đổi: "anh hùng lỡ vận lên nguồn đốt than"! Tía chưa phải anh hùng nên chưa được đốt than... Sau khi ra tù "cải tạo", Tía về lại đất Saigon thân yêu sống chui... Thuê xích lô, ba gác chạy kiếm cơm... rồi chuyển qua: mần phụ hồ, mần thợ hồ... Học thêm về kiến trúc, mần - chủ thầu xây cất... Tía mần lâu năm đến nỗi cái bay đúc bằng thép, thấm mồ hôi của Tía mòn đến mỏng te! Thân cái bay chỉ còn lại một mảnh nhỏ hình tam giác, trông giống cánh én mà các con đã thấy...



     Sở dĩ, Tía cắm cái bay cùn đó lên lư nhang, là... Tía - cúng dâng lên ông Trời sự khổ cực mà Tía đã chấp nhận chịu đựng bấy lâu nay... Tía không một lời than vãn, hay đổ lỗi cho kẻ khác. Các con đã thấy con én đậu trên cán bay - đó là tín hiệu của mùa xuân, của hy vọng! Ông Trời còn ngó xuống trên thân phận của những con người - bị oan ức, bị loại trừ...



     Ba cô con gái ôm người Tía thân yêu - khóc rấm rức... Ba cô khóc thương cho quãng đời gian nan của Tía, hay khóc mừng được đi qua Mỹ?



Có thể, ba cô khóc cho cả hai! ./.



 Trang Y Hạ

Saigon - tháng năm đi mần thợ hồ

*Đồ xẻ là trái cây xẻ ra - gánh đi bán hàng rong








    







    



    



    



    



    

    

    

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét