Thư viện

8/2/17

VƯỜN THẨM




VƯỜN THẨM

     “Yêu nhau mấy chẳng quản lầm than,
       Mấy sông cũng lội, mấy ngàn cũng qua” (Ca Dao)

     Cuộc tình của thi sĩ Lục Du và cô Đường Uyển dù “chẳng quản lầm than” , vậy mà đã không thể “vượt qua” được sự cay độc của người mẹ. Người mẹ ruột đã bắt con trai của bà phải ly hôn người vợ trong đau khổ.

     Thi sĩ Lục Du (1125-1209) tự là Vụ Quan, hiệu Phóng Ông, người Sơn Âm, Việt Châu (nay là: Nhạn Môn Đạo, Sơn Tây). Dưới thời Nam Tống ông có ra làm quan Tri Châu, Tri Phủ và quan Quốc Sử Biên Tu... Lục Du là một thi nhân có tấm lòng yêu nước mãnh liệt, còn với thơ ông để lại đời tập thơ “Kiến Nam Từ Chuyên Tập” hiên còn lưu giữ trong bảo tàng văn học. Số lượng thơ ông sáng tác thật đồ sộ - hơn mười bốn nghìn bài thơ. Ông đã sống qua hai triều đại Tống, Kim.

     Về tình yêu của thi sĩ Lục Du thì khi còn trai trẻ lúc vào khoảng tuổi hai mươi, ông đã có một tình yêu rất là thắm thiết với cô em gái họ. Cô ấy là con gái của ông cậu ruột (người Hoa, anh em con cô, con cậu được phép lấy nhau). Đó là cô Đường Uyển, cô Đường Uyển chẳng những đẹp người, đẹp nết mà còn lại am hiểu thi nhạc họa, còn sắc đẹp thùy mị của cô đã làm rung động không biết bao nhiêu trái tim của những chàng trai giàu có cũng như danh tiếng. Tuy nhiên, cô chỉ yêu một mình thi sĩ Lục Du. Hai người yêu nhau được sự chấp thuận của gia đình và hai bên gia đình đã tổ chức đám cưới cho đôi trẻ, sau khi cưới hai vợ chồng sống chung đầm ấm, hạnh phúc trong một thời gian khá lâu.

      Người mẹ ruột của thi sĩ Lục Du, trước kia (hình như) vốn có tỵ hiềm với gia đình của cô Đường Uyển, nhưng bà giấu kín trong lòng không nói ra. Bây giờ tuổi của bà đã già, mà người già thì thường hay khó tính và nhớ chuyện cũ, và đã khơi lại chuyện cũ.

     Bà khơi lại chuyện cũ… Do đó sóng gió lại nổi lên nhắm vô đôi vợ chồng trẻ, nhứt là Đường Uyển con dâu của bà. Tuy rằng trước ngày cưới bà chấp thuận cuộc hôn nhân, sau ngày cười một thời gian khá lâu bà mới trở mặt tỏ rõ thái độ phản kháng với những điều kỳ cục hết sức phi lý. đã đối xử rất cay nghiệt, tàn tệ với người "con dâu" và cũng là đứa cháu gái kêu bà bằng cô ruột. Bà đày đọa con dâu cả thể xác lẫn tinh thần, cả ngày lẫn đêm, và hình như bà đã có chuẩn bị “kế hoạch” trả thù đối với gia đình của cô Đường Uyển? Nhưng cũng có thể là do tâm lý của người mẹ lo sợ con dâu cướp đi tình cảm của hai mẹ con trai bà, bà cảm thấy bị con trai bỏ rơi. Trước hành động phi lý của “mẹ chồng, cô Đường Uyển cùng chống cắn răng chịu đựng mà không dám phản kháng hay than thở…!

     Từ cố chí kim, chẳng biết có bị “lời nguyền” nào hay không mà mẹ chồng nàng dâu luôn luôn đối đầu với nhau tới nỗi một mất một còn. Cùng là phận đàn bà sống chung trong một gia đình, đúng lý ra phải thương yêu đùm bọc, giúp đỡ nhau, nương tựa vào nhau mà sống. Đàng này “mối thù truyền kiếp” đó hễ có dịp thì ngọn lửa chiến tranh bùng phát mãnh liệt gieo đau khổ cho chính bản thân lại còn kéo theo nhiều người thân thiết nữa. Đôi bên đụng độ triền miên tới nỗi dân gian đã đưa vào Ca Dao.

     Mẹ chồng nói xấu con dâu:
Của rẻ thật là của hôi, Cưới phải dâu dại khổ tôi trăm đường” ( Ca Dao).

     Con dâu nói xấu mẹ chồng:
Thương chồng mới khóc bà gia. Gẫm tôi với mụ có bà con chi” (Ca Dao).

     Cuối cùng bà mẹ của Lục Du bức ép cặp vợ chồng Lục Du, Đường Uyển bằng mọi cách hai người phải ly hôn, đồng thời cấm cản không cho phép vợ chồng họ gặp mặt nhau dưới mọi hình thức... Trước sức ép quá ngang ngược, tàn nhẫn tới độ mất nhân tính của người mẹ, không còn cách nào khác sau khi hai vợ chồng quỳ đã xuống lạy lục van xin khóc lác… Bà mẹ vẫn làm ngơ. Lục Du ngậm ngùi im lặng cúi đầu khuất phục để giữ đạo hiếu - đành gạt nước mắt chia tay người vợ yêu quý bởi không còn lối thoát (bên vợ, bên mẹ), biết phân xử sao cho trọn vẹn.

     Buổi sáng chia tay, hai vợ chồng ôm nhau không rời, trái tim của họ tan nát, trời đất như sụp đổ dưới chân. Đường Uyển trở về nhà cha mẹ ruột, cô sống tựa như một cái bóng mờ chìm trong nỗi đau thương, trong nỗi cô đơn bị mất chồng, thương cho số phận hẩm hiu của mình! Mấy năm sau, cha mẹ của cô nhờ người môi giới, và cô Đường Uyển đi lấy chồng. Cô sở dĩ chấp thuận lấy chồng lần nữa là vì cô hết hy vọng mẹ chồng sẽ đổi ý đồng thời cũng muốn quên đi tất cả quá khứ, cái quá khư còn đang hiển hiện trước mắt chứ chưa thuộc về dĩ vãng. Cô Đường Uyển lập gia đình mới tạm cho là yên bề, còn Lục Du từ ngày chia tay vợ trong nước mắt ông cũng suy sụp, rồi mẹ ông bắt ông đi cưới vợ. Mẹ ông chọn vợ cho ông.

     Người chồng thứ hai của Đường Uyển là một người có học thức, có kiến văn quảng bác, có một tấm lòng độ lượng, vị tha... Ông hiểu rất rõ nghịch cảnh đau khổ lẫn trái ngang của vợ chồng Luc Du - Đường Uyển! Ông hiểu nên ông muốn đem tình yêu chân thành của ông tới hầu giúp cho cô Đường Uyển tìm lại sự yêu đời, hạnh phúc trong lần tái hôn nầy. Ông đã tới với Đường Uyển bằng một tình yêu thực sự, ông tôn trọng quá khứ đầy nghịch lý; đầy nước mắt của hai người họ. Trong lòng của ông, ông cũng thấu hiểu, và ông cũng biết tình vợ chồng của họ còn rất sâu đậm không dễ gì ngày một ngày hai mà quên đi cho được. Trong thâm tâm ông cũng từng có ý nghĩ nếu sau nầy mọi chuyện đã nguôi ngoai, nếu có dịp thuận tiện sẽ âm thầm tạo điều kiện cho họ gặp nhau.

Chiến tranh liên miên, và công việc làm của ông phải di chuyển rày đây mai đó khắp nơi nên chưa có thể thực hiện được lời hứa chưa nói ra đó.

                                           oOo

     Thẩm Viên, theo thi sĩ Lục Du miêu tả trong thơ, thì có thể hiểu đó là một khu vườn thiên nhiên rộng rãi, nơi đó có rừng, có sông suối, có ao hồ sen nở quanh năm, có nhà thủy tạ, có tửu gia, có quán trọ, có những cây cầu đẹp bắc qua sông, qua suối, có đủ các loài kỳ hoa dị thảo, chim muông... Thẩm viên chính là một khu vườn cảnh trí rất thơ mộng, một nơi hò hẹn lý tưởng của giai nhân tài tử; của tao nhân mặc khách bốn phương tụ về để thưởng ngoạn cũng như bàn luận thơ ca hát xướng…! Lục Du và Đường Uyển thuở ban đầu cũng thường hay lui tới để rồi quen nhau, yêu nhau.

     Thời gian ly hôn thấm thoát vậy mà đã hơn mười năm, mười năm chia tay nhau có thể đôi vợ chồng cũ chắc cũng đã nguôi ngoai nỗi niềm nhớ nhung…?!

     Hôm nay cô Đường Uyển cùng chồng trở lại thăm quê cũ, thăm cha mẹ, thăm cảnh xưa…! Đôi vợ chồng thuận đường đi ngang qua Thẩm Viên, trời đã về chiều và dừng chân ở lại nơi Thẩm Viên nghỉ ngơi, và đồng thời cũng tiện thể ngoạn cảnh vài ba ngày…! Người chồng của Đường Uyển vẫn luôn nhớ “lời hứa ở lòng trong lòng”, ông "dò la..." và được biết Lục Du thỉnh thoảng vẫn tới thăm Thẳm Viên (có lẽ như để ôn lại kỷ niệm tình yêu đầy đau khổ của ông...). Người chồng của Đường Uyển với tấm lòng cao thượng, âm thầm sắp xếp cho vợ mình được giáp mặt Lục Du như một sự tình cờ... Dù sao thì hai người họ bây giờ ai cũng đã có duyên, có phận, gặp mặt chẳng qua hỏi thăm nhau đôi ba câu cũng hợp tình, hợp lý.

     Tình cờ mà gặp lại nhau
     Bậu đeo chiếc bóng nhuốm màu thời gian
     Còn ta một gã lang thang
     Cùng trời cuối đất mang mang cuộc tình.
                                        Trích thơ (Trang Y Hạ).

     Người ta xưa nay đều nói "thời gian là liều thuốc" sẽ quên đi mọi chuyện, hay vơi đi những hoàn cảnh đau buồn... Thực tế có thể đúng phần nào, nhưng đối với Lục Du - Đường Uyển dù có là cả trăm năm đi nữa thì chưa chắc đã quên, ngược lại trong thời gian mười năm xa vắng ngọn lửa tình yêu, tình vợ chồng càng thêm nung nấu như một Hỏa Diệm Sơn chực chờ bùng cháy không thể nào dập tắt nổi, không phải ngọn lửa cháy bùng lên mà là ngọn lửa cháy ngầm thiêu đốt tâm hồn thể xác của họ, cho dù hiện nay hai người đã lập gia đình mới. Đúng vậy! Việc hai người gặp lại nhau lần nầy, vô tình hay hữu ý - đã giết chết cuộc đời của họ thêm một lần nữa, bởi mười năm trôi qua tưởng đã nguôi ngoai trong lòng, thảng hoặc có khi trong tâm tưởng hai người còn nuôi một chút hy vọng đoàn tụ mơ hồ viễn vông…! Nào ngờ, lần gặp lại nhau là một thảm họa - một thảm họa còn kinh hoàng khủng khiếp hơn lúc hai người bị ép buộc phải ly hôn. Gặp lại nhau thể xác có già hơn, ngược lại tình vợ chồng càng trẻ ra. Hai người không vồn vập mừng rỡ ôm nhau khóc lóc, họ giữ một khoảng cách xa nhứt định, oái ăm thay hơi hướm vợ chồng thiêng liêng tỏa ra bao phủ bầu không khí nặng trĩu lại rất gần.

     Thẩm Viên nơi "khai sinh" ra một cuộc tình lớn của Lục Du và Đường Uyển, nhưng cũng là mồ chôn - tình yêu, tình vợ chồng trong tuyệt vọng, đau khổ!

     Trở về nhà sau chuyến đi đó, cô Đường Uyển giữ thái độ bình thường, cô vẫn chăm lo việc nhà như mọi khi. Người chồng hiện nay của Đường Uyển thấy vậy tưởng rằng ông đã làm được một việc ân nghĩa giúp cho vợ được bình tâm, vui vẻ sống trong niềm hạnh phúc. Phần cô Đường Uyển sau lần "giáp mặt" người chồng cũ, ngày ngày cô vẫn vô ra, vẻ mặt bình thản, nhưng nếu nhìn kỹ thì chẳng khác nào người mộng du. tựa như một hình nhân biết đi. ít nói, có lúc ngơ ngơ, ngẩn ngẩn mỗi khi ngồi một mình…! Tia hy vọng ấp ủ được gặp lại người chồng cũ đã thành hiện thực, nhưng không bùng cháy dữ dội vì nàng đã có chồng. Hơn mười năm qua Đường Uyển không bị "ái ân lạc lẽo", ngược lại Đường Uyển sống trong "hạnh phúc" do người chồng sau đem lại. Đường Uyển đã không "giấu trong tim một bóng người", bởi trước kia nàng đã có chồng và bị "bức tử ly hôn", điều đó người chồng sau hiểu rất rõ... Đau đớn thay cho một kiếp hồng nhan bạc phận, hãy thương xót, thông cảm tha thứ cho Đường Uyển, bởi nàng - “đã có trong tim một bóng chồng” - đó là thi sĩ Lục Du. Chính ngọn lửa cháy ngầm trong tâm can Đường Uyển bao năm qua cho tới lúc gặp gỡ lại người chồng cũ đã thiêu rụi cuộc đời còn lại của cô. Một năm sau, sau ngày "trùng phùng định mệnh", Đường Uyển nhuốm bịnh và ra đi vĩnh viễn không một lời từ biệt! Nàng mang theo nỗi thương nhớ cuộc hôn nhân đầu đời tan vỡ lẫn uất hận thấu tận trời xanh mà lẽ ra không hề ngang trái. Nàng để lại dương gian “hai người chồng"; để lại cho đời một tình sử không hề phai.

     VPhần Lục Du, sự đau khổ cũng không thua gì người vợ cũ Đường Uyển. Ông viết nhanh lên vách một bài thơ đầy phẩn hận, bi thương - đó là bài: “Thoa Đầu Phượng”. Lục Du cũng không ngờ rằng cuộc "tương phùng" lần này là một tai họa giáng xuống cho người vợ cũ cũng như cho chính bản thân ông. Thời gian mười năm xa cách, tường rằng có thể làm nguôi ngoai. Đường Uyển chết ông mới ngộ ra câu chuyện - "Từ Thứ không đầu Tào thì người mẹ của Từ Thứ sẽ không chết". Hiểu theo nghĩa nào cũng được... Đường Uyển mất đi, Lục Du cũng không hiện hữu trên cõi đời dù ông còn đang sống sờ sờ... Sự dằn vật trong ân hận, lẫn nhớ thương người vợ cũ đã biến đổi con người Lục Du. Ông dồn hết tang thương vô trong thơ, cũng như lòng yêu nước - đánh quân Kim [Bộ Tộc Nữ Chân] mà ông đã hết lòng theo đuổi từ trước. Sự đau khổ nhớ thương Đường Uyển cũng có lúc quật ngã ông - ông uống rượu, ông đi đứng ngông nghênh, ông sống phóng túng gần như bất cần đời, và thăng trầm nổi trôi nơi chốn quan trường...

                                             oOo

      Tuổi đời chồng chất lên thân thể Lục Du ở mốc tuổi - bảy mươi lăm, tuy thân thể già nua nhưng tình yêu dành cho Đường Uyển - người vợ cũ yêu quý không hề phai nhạt. Ông lại tìm về Thẩm Viên. Thẩm Viên giờ nầy đối với ông như là một phế tích hoang tàn, tiêu sơ... Ngồi nơi đài cao Quán Viên, hay đứng trên cây cầu nhìn dòng nước trôi qua mà tưởng như hình dáng người vợ cũ còn in đưới đáy sông phản ảnh làm cho ông thấy lại những lần hẹn hò - đờn ca, vịnh thơ, và những kỷ niệm tình yêu của một thời dĩ vãng. Ông làm hai bài thơ Thẩm Viên kỳ một, và Thẩm Viên kỳ hai diễn tả tất cả hoài niệm cuộc tình, cùng với nỗi nuối tiếc nhớ thương của ông với người vợ cũ.

       Bây giờ nước mắt thi sĩ đã cạn nguồn từ lâu, chỉ còn lại là ngân ngấn giọt sầu viền quanh nơi hốc mắt già nua...! Thơ của thi sĩ Lục Du.

      Thẩm Viên [Kỳ một]
     “Thành thượng tà dương hoạ giốc ai,
      Thẩm viên phi phục cựu trì đài.
       Thương tâm kiều hạ xuân ba lục,
       Tằng thị kinh hồng chiếu ảnh lai.”.

      (Chiều nghiêng thành cổ tiếng tù vang
       Vườn Thẩm đài ao dáng cũ càng
       Đau lòng ngắm sóng xuân xanh vỗ
       Bóng nàng đáy nước mãi chưa tan).
       
Thẩm Viên [Kỳ hai]
       “Mộng đoạn hương tiêu tứ thập niên,
        Thẩm viên liễu lão bất xuy miên.
         Thử thân hành tác kê sơn thổ,
         Do điếu di tung nhất huyễn nhiên.”

       (Hương tàn mộng rớt bốn mươi niên
        Vườn Thẩm liễu già sạch nợ duyên
        Thân này ví phỏng thành tro đất
        Vẫn nhớ người xưa ngấn lệ viền.)
                            Trang Y Hạ - (Tạm dịch).

      Một cuộc tình lớn cũng như thấm đẫm nước mắt của thi nhân Lục Du với cô Đường Uyển đã ghi vô tình sử thơ ca. Tôi đọc thơ của thi sĩ; tôi mê thơ của ông; tôi cảm phục cuộc tình đầy chông gai trắc trở của ông. Một cuộc tình duyên Lục Du - Đường Uyển mãi mãi lưu truyền! Xin phép thi nhân cho tôi dịch thơ và giới thiệu hai bài "Thẩm Viên",

Trang Y Hạ




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét