Thư viện

12/1/18

Nhớ Cái Hiên Nhà



  Nhớ Cái Hiên Nhà

Trang Y Hạ
 
  Dòng họ tôi bao đời nay chung thủy ở một vùng quê nghèo mà trong thơ văn người ta thường hay ví von là: "đồng chua nước mặn"! Chỉ nghe tiếng Miền Trung là biết nơi ấy mỗi năm cõng trên lưng ít nhất cũng... mươi cơn bão, còn hạn "bà chằng" với gió lào thì không bao giờ thiếu. Có lẽ miền đất khắc nghiệt bởi thời tiết như vậy đã hun đúc nên những con người có một sức chịu đựng để đối đầu với thiên tai dịch họa, kể cả nhân họa!
 
  Nhà cha mẹ tôi ở là nhà tranh vách đất như bao căn nhà hàng xóm ở chung quanh, nhưng nhà tôi có cái hàng hiên hơi rộng... Từ mặt sân bước lên một cấp là đến hiên, mặt hiên và mặt nền nhà bằng nhau được phân biệt bởi một cái ngạch của bằng gỗ, cái ngạch cửa cách mặt nền nhà khoảng hơn một tấc tây, mỗi khi bước vào nhà phải để ý, nếu không sẽ bị vấp ngã lăn kềnh là chuyện thường xảy ra. Nhà tôi cất theo kiểu chữ L. Từ ngoài đường làng đi quanh co chừng năm chục thước dưới những hàng cau là thấy rõ nhất mấy cây cột hàng ba của nhà bếp, bước vào trong sân nhìn qua bên tay trái là nhà chính. Nhà chính xây mặt ra vườn thơm trồng xen trong những bụi chuối. Hiên nhà bếp hẹp hơn nhà trên, ở đó cha tôi để một cái cối xay lúa với cái cần xay bằng gỗ lúc nào cũng treo lủng lẳng, hiên nhà bếp có lối đi thông thương với hiên nhà trên. Con chó vệnh nhà tôi thường hay nằm ngủ dưới gầm cối xay, cuộc đời nó với hàng hiên có thể coi như là một. Nó có nhiệm vụ giữ nhà ban ngày lẫn ban đêm cộng thêm công việc đuổi gà mỗi khi mẹ tôi phơi lúa. Hiên nhà trên khá rộng, có treo mấy tấm sáo để khi có mưa xiên hay nắng hắt vào thì kéo xuống che chắn. Trong hiên cha tôi mắc một cái võng bện bằng dây mây và một bộ bàn ghế. Trên bàn lúc nào cũng có một cái bình tích để chế nước sôi pha trà, một cái khay và bốn cái ly úp trên đó.
 
  Mùa lúa chín - gặt đem về đều chất ở hàng hiên, chỉ đem vô nhà đựng trong bồ sau khi đã phơi khô và giê cho sạch lúa lép. Còn các loại hoa màu khác để ở ngoài hiên quanh năm. Mẹ tôi cũng quanh năm ở nhà lo công việc nhà, suốt đời mẹ chỉ loanh quanh từ cái bếp rồi ra tới cái hiên - đoạn đường ấy tuy ngắn ngủi nhưng suốt cuộc đời mẹ tôi đi không bao giờ hết! Ngày còn bé đi học ở trường làng, mỗi khi tan trường tôi hấp tấp chạy nhanh về nhà, chào mẹ xong quăng cái cặp vở dưới hiên là hỏi liến thoắng:
 
  - Có gì ăn không mẹ? Con đói bụng lắm rồi!
 
  Mẹ tôi biết tôi xấu tính đói nên chuẩn bị chút thức ăn mỗi khi tôi đi học về. Bữa nào không có thì tôi sụ mặt, cằn nhằn... Những lúc ấy mẹ thường chọc:
"Học trò đi học đà về,
Cơm canh chưa chín lại trề miệng ra"!
  Nói thì nói vậy, nhưng mẹ tôi lúc nào giấu chút bánh hay cây kẹo cho tôi ăn đỡ đói chờ cơm canh chín. Nhưng hôm nay mẹ nói:
 
  - Con không thấy mẹ đang đảo lúa sao? Vào trong bếp tự lấy mà ăn.  
 
  Bưng đĩa bánh bèo ngồi ăn bên thềm... Tôi chợt nhìn xuống đôi chân trần của mẹ vừa đi vừa cày đảo từng hàng chung quanh cái sân rộng đầy lúa dưới trời nắng gay gắt... Mồ hôi trên lưng mẹ ướt đẫm, chiếc nón lá đã cời không đem lại chút mát nào cho mẹ. Tự nhiên trong lòng tôi có một luồng nhiệt, như thúc giục, như ân hận... Tính tự ái của con trai hay tính nam nhi bừng dậy. Tôi bỏ đĩa bánh xuống thềm chạy ra sân nói:
 
  - Mẹ vào nghỉ đi, để con mần cho!
 
  Mẹ ngồi xuống bên thềm đuổi ruồi bâu trên đĩa bánh của tôi. Chỉ một loáng là tôi đảo xong sân lúa, trong lòng tôi thanh thản, tự hào! Kể từ hôm đó mỗi khi đi học về quăng tập là làm phụ mẹ những việc lặt vặt... Có lần tôi nghe mẹ khoe với bà bạn:
 
  - "Con trai tôi còn nhỏ nhưng siêng lắm, đi học về phụ giúp tôi việc nhiều...".
 
  Buổi sáng cha tôi dậy sớm, ông tự nấu nước sôi châm trà uống và hút thuốc chờ trời sáng đi dạo... Ông hay chăm bón mấy bụi chuối, cây thơm trong vườn. Hình như có sự phân công sao đó... Mẹ tôi lo những việc trong nhà, còn việc gì, nặng như - chuyện đồng áng thì cha tôi mần hết. Tôi thấy cha tôi thường gánh nông sản ra chợ cho mẹ bán, mỗi lần bán thường mua vật dụng trong nhà rất nhiều - trông hai người vui lắm! Lâu lâu cha tôi cũng tổ chức ăn uống nhậu nhẹt lai rai tại hiên nhà. Ở quê, hàng xóm hay người quen đến chơi hay có việc thường ngồi nói chuyện ngoài hiên chớ ít khi vô nhà. Mặc dầu trong nhà - phòng khách có đủ bàn ghế hay bộ phảng. Phòng khách trong nhà chỉ dành cho ngày tết hoặc những ngày giỗ quảy ông bà tổ tiên... Lần nhậu nào cha tôi và mấy ông bạn cũng đờn ca vui vẻ! Không có ngồi trên bàn, trải tấm chiếu dưới hiên là các ông say sưa bàn chuyện đồng áng, chuyện thơ văn, chuyện gia đình... Mẹ tôi không dính dáng gì đến chuyện nhậu nhẹt của cha tôi. Mồi nhậu hay rượu hình như mấy ông có cái "luật lệ" sao đó mà tôi thấy mỗi khi có "lệnh tập trung", ông nào cũng có một túm đựng trong lá chuối mang đến; người nào không mang mồi thì mang rượu, rượu có màu hoặc rượu trắng. Riêng cha tôi là "chủ xị" nên góp phần "mồi" nhiều hơn. Mồi nhậu cha tôi tự làm. Bữa nhậu nào ngồi hơi lâu, tôi thấy có một vài bà "phu nhân" qua nhà ngồi nói chuyện với mẹ tôi trước sân hoặc vào trong nhà bếp. Tôi nghe cha tôi nói nhỏ với mấy ông bạn nhậu - Có "tín hiệu..."! Thôi hôm nay chúng ta... - tạm ngưng cuộc chơi! Phiên tới qua nhà Tư Tỏi, chú mầy làm chủ xị - nhớ phải có món lươn bó lá lốt bọc bẹ chuối nướng! Cha tôi và các bạn của ông thâu dọn "chiến trường" gọn gàng sạch sẽ. Chiếc chiếu "chuyên dùng" cha tôi đem ra ao giũ... giũ... mấy cái treo lên hàng rào - vậy là xong!
 
  Nhà thắp đèn dầu nên gia đình tôi ăn cơm ngoài hàng hiên trước khi trời sụp tối - một phần tiếc kiệm dầu hai là ăn cơm ngoài hiên có gió mát, chỉ khi nào trời mưa bão mới ăn cơm trong nhà bếp. Bữa cơm chiều nay tôi thấy có nhiều món ăn lạ. Mẹ tôi nói:
 
  - Mấy món nầy là của mấy ông bạn văn nghệ của cha con sớt ra cho mẹ khi trưa. Lần nhậu nào cũng chừa như vậy cả. Đó là cử chỉ đẹp cũng là nét văn hóa của mấy ông, họ mượn rượu để mần thơ viết văn hát xướng đó mà. Sau cùng họ cũng có chút... [nịnh đầm] mấy bà để "mua cái cằn nhằn" đó thôi!
 
  Tôi còn nhỏ chưa hiểu những lời mẹ tôi nói, khi tôi vào lính cha tôi mới giải thích cho tôi về cách sống, rằng:
 
  - Trong chuyện ăn uống con đừng cho là bình thường mà không coi trước, coi sau. Có nghĩa là "ăn coi nồi, ngồi coi hướng". Và lúc nào con cũng phải nhớ cái công của người làm ra món ăn cho ta ăn, phải biết chia xẻ miếng ăn với kẻ khác. Bởi miếng ăn nhỏ nhưng xử sự không đúng cách ắt trở thành chuyện lớn.

Mếng ăn là miếng tồi tàn,
Mất ăn một miếng lộn gan lên đầu".
 
  Chuyện đó vẫn xảy ra xưa nay. Đừng bao giờ để "nợ miệng" người khác dù là anh em hay bà con cũng vậy. Lệ thuộc kinh tế là lệ thuộc tất cả, là mất chủ quyền đó con biết chưa? Những đêm trời sáng trăng, gia đình tôi không ăn cơm ngoài hiên mà ăn cơm ngoài sân. Cha tôi trải tấm chiếu ra và cả gia đình quây quần bên mâm cơm lộ thiên thật là mát mẽ!
 
  Người chị hai của tôi, chị nói giọng Huế nghe dễ thương, chị lớn hơn tôi những tám tuổi. Khi còn bé tôi lấy làm lạ - tại sao tôi và chị tôi nói giọng khác nhau? Sau nầy cha mẹ tôi kể cho tôi biết sơ sơ... Cha mẹ chị là đôi bạn rất thân của cha mẹ tôi. Họ bị "tai nạn" chết hết lúc chị mới một tuổi. Vậy là cha mẹ tôi phải nuôi con của hai vợ chồng người bạn cho đến tám năm sau tôi mới sinh ra đời. Trong khai sinh chị mang họ Trần - họ của tôi, nhưng chữ lót là họ của chị. Hình ảnh cha mẹ chị được thờ chung trên bàn thờ gia tiên của dòng họ tôi. Cha mẹ tôi nâng niu chìu chuộng chị mọi thứ - nhất là chuyện học vấn. Có lần tôi nghe cha tôi nói:
 
  - Con gái mà không giỏi chữ, giỏi nghề nghiệp thì dù có nhan sắc cũng chỉ để cho người khác lợi dụng...!
 
  Cha mẹ tôi cho chị ra tỉnh để học và chị học rất giỏi. Chị lấy chồng năm chị hai mươi tuổi, bên chồng có của, mua nhà cho vợ chồng chị ra ở riêng. Anh chị sinh được năm đứa con - hai trai ba gái. Chị dạy tôi làm toán, chị dạy tôi làm văn. Tôi lúc nào cũng kính trọng chị. Chị nói với tôi rằng:
 
  - Chị và em không cùng dòng máu nhưng cùng uống chung một dòng sữa mẹ, cùng thấm chung qua từng hột mồ hôi của cha mà nên người, cùng nghe chung một lời ru qua từng câu ca dao dưới mái hiên nầy..!.
 
  Chị được cha mẹ cho về thăm Huế năm ba lần, tuy không còn ai ruột thịt thân thiết nhưng cũng còn bà con, hàng xóm. Nơi mà cha mẹ chị thuở sinh thời sống ở đó. Có lần chị đọc cho tôi nghe hai câu thơ:

"Học trò trong Quảng ra thi
Thấy con gái Huế bỏ đi không đành".
 
  Chị nói với tôi rằng
 
  - Thơ văn ca ngợi người con gái Huế đẹp! Không biết có đúng không?  
 
  Tôi nói:
 
  - ... Thì nhìn chị cũng đẹp đó thôi!
 
  Sau nầy có lần tôi ra Huế trong một dịp đi công tác. Tôi có đi qua cầu Tràng Tiền, có đi dạo quanh hồ Tĩnh Tâm, tôi có vào lăng Tự Đức, và hẳn nhiên tôi cũng... gặp người con gái Huế...! Ngày đám giỗ mãn tang cha. Gia đình chị về đông đủ. Lần nào về chị cũng quỳ lạy cha và lúc nào chị cũng khóc kể lại những kỷ niệm về cha... Chị em chúng tôi ôm nhau mà nước mắt chảy dài! Dưới mái hiên nhà nơi chị em chúng tôi lớn lên, bây giờ đã vắng bóng người cha. Chị lau chùi cái bình tích, cái khay, cái ly. Nhưng cha tôi - người xử dụng, nay không còn hiện hữu!
 
  Tôi vào quân ngũ được ba năm xem ra cũng "phong trần" ! Tôi biết đêm đêm mẹ tôi ngồi trước hiên nhà mong ngóng những đứa con, đứa cháu. Cũng chính cái hiên nầy - nước mắt vui mừng của mẹ khi thấy chúng tôi trở về. Có lần chị tôi đề nghị mẹ bán hết đất đai, ruộng vườn ra tỉnh mua một căn nhà để các con tiện bề chăm lo cho mẹ. Nhưng mẹ tôi nào có chịu đâu.
 
  "Sống ở quê có bà con chòm xóm mẹ quen rồi hơn nữa làm răng mà bỏ mồ mả ông bà, bỏ cha con một mình không ai hương khói mà đi cho đành...".
 
  Buổi sáng tiễn gia đình chị về. Tôi nói nhỏ với chị rằng có người đã giải mã câu thơ:
 
  "Học trò trong Quảng ra thi. Thấy con gái Huế bỏ đi không đành".
 
  Tôi giải thích cho chị tôi như sau:

"Học trò trong Quảng ra thi. Thấy, con gái Huế bỏ đi không đành".
 
  Chỉ cần thêm một dấu phẩy [,] trước chữ "thấy" là câu thơ khác nghĩa.
 
  - À, chị hiểu rồi, nghĩa là theo ý em: Học trò trong Quảng ra thi, các em [thấy] con gái Huế nhìn các em "đẹp trai" bỏ đi không đành chứ gì?
 
- Chị hiểu đúng rồi! Con gái Huế thấy chúng em thì ngó... sững sờ bỏ đi không đành...!

Chị tôi nói:
 
  - Cậu đừng có mà quá tự tin! Biết mô chừng mai kia mốt nọ cậu cũng mê một o gái Huế nào đó, và bị o nớ "đá giò lái" rồi sẽ sáng mắt ra!
 
  Tôi nhớ như in ngày bà ngoại tôi bịnh, mẹ về thăm bà ngoại và chỉ ở có năm hôm mà sao thấy cái hiên nhà lạnh lẽo đến rùng rợn. Cha suốt ngày cặm cụi làm việc trong vườn âm thầm như chiếc bóng không nói với ai một lời. Chị hai và tôi đi học về, chị nấu cơm, đến bữa cũng dọn lên bàn... cha tôi ăn vội vàng vài miếng, nhìn mặt cha như có một làn mây mù phớt mỏng... Công việc nhà cha làm gọn bân. Chị và tôi cũng nhớ mẹ lắm nhưng mỗi người theo đuổi mỗi ý nghĩ riêng. Hàng hiên trong những ngày vắng mẹ chỉ dành riêng cho cha, chị em chúng tôi ở nhà bếp hoặc chui trong phòng mỗi khi đi học hay đi đâu về. Chị tôi thì thầm với tôi:
 
  - Cha nhớ mẹ nhiều hơn chúng ta...!
 
  Là phụ nữ, hơn nữa chị lớn tuổi hơn tôi nên chị tinh tế chuyện đời hơn tôi, chị thường gợi chuyện với cha và nấu nước pha trà cho cha (những chuyện nầy hằng ngày cha tự làm). Tôi làm những câu thơ vụng về đem cho chị đọc và chị sửa lại gần như toàn bài:

Mấy hôm mẹ về quê ngoại
tự dưng nhà vắng vẻ ra
  bữa cơm dọn rồi để có
lạnh lùng cơn gió thoảng qua
hiên ngồi lặng lẽ mình cha
bâng quơ lật vài trang báo
chị hai thì thầm khẽ bảo
cha đang nhớ mẹ đó mà.
 
  Rồi mẹ cũng về nhà sau mấy ngày viếng thăm bà ngoại. Gia đình chúng tôi vui vẻ nhộn nhịp như ngày hội. Vui hơn là bà ngoại tôi đã hết bịnh. Mẹ tôi làm vài mâm cơm cúng để tạ ơn trời phật, ông bà tổ tiên phù hộ cho gia đình tai qua nạn khỏi. Cha tôi vui không bút nào tả xiết... Mặt ông hớn hở! Vậy là "lệnh tập trung" được đánh đi cấp kỳ... Những ông ở "Hoàng-Hạc-Lâu", bạn thơ văn của cha tôi có thể nghĩ:  
 
  - "Chắc nhà bên nớ có đám giỗ! thôi thì bên ni chuẩn bị rượu"!

Hình như "cồng-bà" đi trước cái... lệnh-tập-trung của ông hay sao ấy? Mấy "phu nhân" của quý ông cũng xách hoa quả đến cúng bái chia vui với mẹ tôi và gia đình tôi. Bàn thờ đặt ở căn trung khói hương nghi ngút... Cha tôi trịnh trọng nói mấy lời "phi lộ" ngắn nhưng hơi có phần... "nịnh nịnh" mẹ tôi. Mọi người vỗ tay rôm rã! Mấy bà bữa nay trông "đẹp" ra! Trong lúc vui có bà còn hứng lên cụng ly với mấy ông - cũng "trót" một ly xoay chừng rượu đế ngọt sớt như ai... Cha tôi nghiêng người che miệng nói với mấy ông bạn rằng hôm nay không có "tín hiệu" vui - cứ việc vui thoải mái.
 
 
  Mấy ông "Vai năm tấc rộng, lưng mười thước cao"... Vậy mà cũng sợ các bà ra phết...! Tôi thầm nghĩ như vậy.
 
  Đêm đêm mẹ nhớ cha tôi, nhớ chị, nhớ các cháu nên mẹ trằn trọc không ngủ được. Mẹ thức dậy thắp nhang trên bàn thờ, lâm râm cầu xin ơn trên phù hộ. Mẹ ra ngoài hàng hiên lót thêm cái bao bố, chỗ con chó nằm. Ánh trăng hạ tuần chiếu qua hàng cau lọt vô trong hiên nhà mờ mờ như những bóng ma chập chờn hiện lên trên dương thế. Tiếng đại bác theo tiếng gà gáy vọng về... Làng quê nơi tôi ở được "nâng lên vùng xôi đậu"! Đất đai giờ nầy có muốn bán cũng không có ai mua. Cuối cùng cũng đành bỏ quê dắt díu ra thành sống đời tản cư! Hy vọng một ngày im tiếng súng mà trở về. Nhà chị tôi tuy là ở trên phố nhưng cũng thuộc vùng ngoai ô vắng vẻ... Từ ngày anh rễ tôi mất, căn nhà càng vắng vẻ hơn. Nhà anh chị cũng có cái hiên tuy không bằng hiên nhà ở dưới quê, nhưng ngồi nơi đây nhìn ra mấy cây nhãn,  lá phủ sum suê càng nghe lòng buồn não nề. Ban đêm ánh đèn vàng trên ngọn đèn đường chiếu xuyên qua kẽ lá yếu ớt vật vờ trước hiên nhà... Có hôm hai chị em cùng ngồi cho đến khuya. Tiếng đại bác hình như cũng..."nhớ" người di tản đã mò về vùng ngoại ô nầy? Nỗi buồn xa xứ như ngọn giáo đâm vào tim những người chạy loạn. Người già như mẹ tôi không chịu nổi vết đâm ấy. Mẹ tôi qua đời! Mấy năm sau chị tôi cũng bỏ tôi và các con của chị ra đi vĩnh viễn! Tôi là người cậu, một chỗ dựa duy nhất của mấy đứa cháu. Cậu cháu tôi thỉnh thoảng cũng ra ngồi trước hiên nhà và tôi ôn lại chuyện gia đình cho các cháu nghe. Tôi vẫn bận hành quân liên miên cho đến ngày... "tan hàng"! Trong cơn hỗn loạn ấy cậu cháu tôi cũng không tìm được nhau! Sau ngày "hòa-bình" tôi tiếp tục đi - gần mười năm "tù đày" xa xứ! Ngày được tha tôi trở về làng cũ nhưng không một ai nhận ra tôi. Toàn những người xa lạ. Những đứa con của chị tôi cũng... bóng chim tăm cá!
 
  Căn nhà tranh năm xưa của gia đình tôi được người chủ mới lợp bằng tấm tôn xi măng, vách ván. Chỉ có hàng cau đứng im lặng nhìn tôi trong nắng chiều gay gắt... Trong lòng tôi dậy sóng... ! Quá khứ hiện về...! Hình ảnh mẹ tôi ngồi trước hiên nhà sàng gạo ngày nào. Hình ảnh chị em tôi lớn lên trong tiếng ru hời từ chiếc võng dung đưa trước hiên nhà. Hình ảnh chị em tôi ngồi học bài trước hiên nhà hay đùa vui trong những đêm trăng thanh ngoài sân. Hình ảnh cha tôi nằm trên võng nơi hiên mặt dàu dàu nhớ mẹ tôi mỗi khi bà có việc đi về quê ngoại... Hình ảnh cha tôi với những người bạn thơ văn của ông ca hát trong những lần gặp nhau ngoài hiên. Hình ảnh con chó khi thấy tôi từ xa vội chạy ra... ứ... ứ... ! Nhảy cẫng lên mừng rỡ mỗi khi tôi đi đâu về. Nhiều lắm...! Nhiều lắm...! Tôi như người say rượu khệnh khạng bước đi ra khỏi làng! Một kẻ mộng du!
 
Trang Y Hạ
Sai Gon, 1988
Những ngày đi mần thợ hồ
 
 
 
 

 

   















    



 

      


      



    



  

       


       

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét