Thư viện

26/3/18

Cái Nắp Cống





Cái Nắp Cống

Trang Y Hạ
      
     Đối diện với cổng trường tiểu học ở vùng ngoại ô vắng vẻ nầy không ai lạ gì người đàn ông một chân khập khiễng với cái cây nạng gỗ. Ông đeo cặp kính cận dày cộm, ngồi bán vé số bên cái bàn nhỏ có cái chân chéo dưới tàng cây trứng cá, từng xấp vé số được xếp ngay ngắn ràng rịt bởi một sợi dây thun đen. Ông không mời ai mua, ai thích thì cứ tới... mua. Vậy mà, cuối ngày ông cũng bán hết.
      
     Có một số ít người biết:
     
     Rằng: "Ông ngày xưa có đi lính cho "ngụy", bị thương rồi giải ngũ! ... Cũng chỉ biết có vậy thôi. Không thấy ông có vợ con. Người ta cũng lờ mờ biết ông có bà chị vượt biên...".
      
     Dáng người của ông đẹp, hiền hậu, lời ăn tiếng nói có vẻ trí thức, hòa nhã nên ai cũng thương mến. Ông có nhiều bạn hữu, đa số là: mấy người chạy xe xích lô, ba gác, xe thồ, kể cả người đi bán vé số dạo... Tuy ông ngồi một chỗ nhưng không bao giờ ông ngồi không, trên tay ông lúc nào cũng có một cuốn sách.

     Trước cổng trường tiểu học - buổi sáng người ta bày bán đủ thứ... chủ yếu là bán cho học sinh. Buổi chiều tan học, người ta lại bày bàn ghế nhựa ra bán: bia hơi, rượu, thức ăn thì có - cháo lòng, tiết canh lòng heo, ngêu, sò, gỏi, có lẩu thập cẩm... Giá cả rất ư là bình dân! Đa phần người bán là những người phụ nữ ở dưới quê theo chồng lên thành phố. Chồng của họ làm đủ thứ nghề - thợ hồ, khuân vác, chạy ba gác, xích lô, xe ôm, bơm xe, vá xe, lượm bịch ny lon, mua bán ve chai, bán hàng rong, phụ hồ, thợ hồ...  - Họ tham gia làm lụng cùng chồng để nuôi con! Họ quá hiểu hoàn cảnh nghèo của nhau. Người lao động cuối ngày ghé vô ăn tô cháo lòng rồi về phòng trọ xập xệ ngủ lấy lại sức, để sáng hôm sau còn tiếp tục công việc mưu sinh... Thông thường nơi nào có bán bia rượu là nơi đó ồn ào... Ngoài dân nhậu ra, còn một số người đi bán dạo - cũng có sinh viên từ dưới quê lên thành phố đi học, tham gia đi bán... Họ đi bán dạo đủ thứ: Đậu phộng luộc, đậu phộng rang, bánh phồng tôm, bánh cuốn, nem, chả, bắp luộc... Họ bưng bằng: Thúng, mẹc, mâm, xách tay, đeo trên vai. Họ lân la đến từng bàn mời mọc dẻo kẹo mấy ông khách nhậu ít nhiều phải mua cho bằng được mới chịu đi. Đó là chưa kể đội quân đi bán vé số dạo mà trong số nầy không thiếu - các ông thương phế binh "ngụy".
      
     Tôi làm thợ hồ, mỗi buổi chiều về đi ngang nơi đây thỉnh thoảng gặp bạn hữu cũng phải ghé vô đóng "hụi chết" ít ly sương sương... Tôi không lạ gì cái ông bán vé số ngồi một chỗ đối diện với cái cổng trường học đó, tóc tai râu ria của ông ta bờm xờm như sư tử. Không biết tại sao hôm nay ông về trễ chứ mọi bữa chừng năm giờ chiều là ông chuồn mất tiêu. Tôi thấy ông lững thững đi lại ngồi xuống cái bàn cách chỗ tôi và bạn hữu đang ngồi chừng vài ba thước... - Ông ta kêu tô cháo lòng...! Tôi thoáng nhìn, nếu so tuổi đời chưa chắc ông ta đã bằng tuổi tôi. Tôi cũng có chút linh cảm rằng tôi đã từng gặp ông ta ở đâu đó...? Trong lúc nhứt thời chưa thể nhớ ra. Ông ta hao hao giống người trung sĩ Ngọc ngày xưa...? Không lẽ nào - anh ta "bèo dạt mây trôi" đến vùng ngoại ô nầy...?
      
      Một thời gian sau tôi đi làm về, sực nhớ đến ông ta nên ghé mua vài tấm vé số để dò xem "lão ta" có đúng là người Trung sĩ Thương phế binh ngày trước? Quái...! Sao bữa nay lão ta cắt tóc, tỉa râu gọn gàng - trông càng lạ...? Tôi không quả quyết cho lắm, chỉ ngấm ngầm quan sát... Thật ra, tôi với người Trung sĩ Thương phế binh nầy chẳng hề là bạn bè thân thiết gì ráo. Số là, đầu - năm một nghìn chín trăm sáu mươi tám, tôi gặp một người lính thương binh mặt mày còn khá trẻ, đôi mắt cận... Ngồi nói chuyện mới biết anh ta là lính, bị thương cưa một chân dưới đầu gối, vết thương đã lành, cánh tay thì chưa tháo bột - còn treo lên cổ...! Tôi thấy hai câu thơ viết lên trên miếng băng bột trắng toát đó:
                   "Chiến trường phơi xác sầu quan ải.
               Giây phút khải hoàn ai nhớ cho".
     Nhận thấy anh ta có máu - văn nghệ, thơ, văn..., nên tôi rủ anh ta đi uống vài chai La-De... Chúng tôi cảm thấy hạp nhau trong cách nghĩ về chiến tranh, về thơ văn...! Tôi tiếp tục chiến đấu cho đến cái ngày "buông súng"...! Thật tình tôi không nhận ra ông bán vé số nầy có phải là người Trung sĩ ngày xưa ấy không nữa?... Ngại không dám hỏi. Tôi móc tiền mua hai tấm vé số và định quay đi thì chợt nhớ lại hai câu thơ... Tôi giả đò: vừa ngắm tờ vé số, vừa ngâm nga:
     "Chiến trường... phơi xác, sầu... quan ải... Giây phút... khải hoàn, ai... nhớ... cho...".
     
     Tôi liếc qua anh ta, tôi thấy có "tín hiệu"...  Anh ta lò dò bỏ cuốn sách trên bàn. Đưa tay với lấy cây nạng gỗ, đứng lên, nói giọng hơi bất mãn, gay gắt:
     
     - Không có "khải hoàn" nào hết - thưa ông anh! Khải hoàn hả? Nếu có khải hoàn thì làm gì bây giờ ông anh đi bằng chiếc xe đạp cùn cùn... như vậy...? Còn tôi, một thằng Thương phế binh "ngụy" ngồi bán vé số quanh năm suốt tháng bên lề đường như thế nầy chứ? Xin lỗi ông anh, hai câu thơ đó thật buồn - phải chăng là do... ông anh sáng tác?
     
     Tôi đoán... Chắc anh ta hỏi ngược cũng là để "thăm dò..." - Có thể là đúng rồi...! Tôi nghiêm mặt, nhìn thẳng mặt anh ta, nói:
     
     - Không phải tôi sáng-tác... Tôi đã "may mắn" đọc được hai câu thơ nầy trên cánh tay băng bột của một người Trung sĩ - tên Ngọc, lúc ngồi uống La-De chung với nhau cách đây chừng...  mười mấy năm, ở...!  Tôi nói chưa xong. Anh ta tựa cái bàn chồm tới cầm tay tôi giật... giật...! - Nói:
     
     - Anh... đúng là anh Năm rồi! Em đây, em là Ngọc đây! Là thằng trung sĩ mà anh Năm nói đó...!
      
     Chúng tôi thật sự xúc động! Hình như có... chút âm ẩm trên đôi mắt anh ta. Khuôn mặt phong trần, mái tóc bồng bềnh đen trắng chen nhau từng sợi toát lên vẻ hân hoan! Chúng tôi đã từng đồng cảm thơ văn của nhau từ thời lửa khói trong một đất nước tự do. Và, hiện nay đang sống giữa đất nước tự do thuở ấy... Vậy mà, bao nhiêu năm qua nhìn đâu đâu cũng xa lạ, nhìn đâu đâu cũng thấy sợ sợ... Trời đất quay tròn gặp lại. Dù không thân, mà có thân là thân qua vài câu thơ còn lưu giữ trong lòng... Đời chiến binh một thời cầm súng, xót xa thay, súng đã rơi vô khoảng không vô vọng... Giọt nước mắt tủi hờn, uất nghẹn bởi giòng lịch sử, chưa một lần chảy ra... Tôi vỗ vỗ vai anh ta - cười vang...! Trong tiếng cười của tôi cũng có tiếng bi thương ai oán lẫn tiếu ngạo... Nghe tôi cười - anh ta cũng cười theo...!
       
      Bình bia hơi hai lít, chủ quán đem đến, cùng với hai cái ly, một xô nhỏ đá. Bọt bia dâng trào chảy nhễu nhão xuống mặt bàn nhựa... Hai con khô mực nhỏ bằng bốn ngón tay nằm co ro trên đĩa, râu ria cháy xém... Chúng tôi nâng ly mừng hội ngộ! Kể cho nhau nghe - một thời đã qua - một thời hiện tại... Thủy triều nhẫn nha nhích lên từng chút ngập tới nửa ống quyển. Từng bầy rác rến ung dung du ngoạn theo sóng nước lang thang: vô nhà, vô hẻm... Dân nhậu không quan tâm mấy cái chuyện nước ngập, bởi quá quen như nghe quen tiếng thét "tra tấn" lỗ tai hằng ngày từ mấy cái loa phường... Tội cho người đi đường phải từng bước dò dẫm tìm nẻo về... Anh ta lấy cây nạng gỗ đẩy mấy cái bao nhựa, mấy cái vỏ dừa khô quấn quýt bên chân người, chân bàn, ra xa... Anh ta nhìn tôi hơi lâu... lâu... rồi nói:
     
     - Trông anh phong trần quá thể... Từ ngày chia tay anh trên cao nguyên em trở về Sai gòn vài năm sau cha mẹ em lần lượt qua đời! Em sống chung với vợ chồng người chị. Người chị lo cho em tiếp tục đi học chữ. Thời gian sau em thi lấy được cái bằng - cử nhân! Ngày các anh "quăng súng đầu hàng" em cảm nhận rằng mình lại bị thương thêm một lần nữa mà lần nầy càng thê thảm hơn... Mất "nguồn sống", chúng em phải tự bơi...! Người anh rể chức vụ trưởng phòng phòng Tâm lý chiến  khăn gói đi "cải tạo" để lại một vợ với hai đứa con. Nhìn bà chị ruột và hai cháu thơ ngây mà đau xót! Hai chị em nhận thấy không thể ở lại Sai gòn được nữa! - Bởi ngày nào cũng có người cầm giấy đến nhà "khuyến khích" đi kinh tế... Vậy là chị em bàn tính... "Tự nguyện" đi trước. Hai chị em về quê mẹ nhờ người cậu ruột mua cho mấy công đất làm vườn kiếm sống. Đến khi tìm được chỗ ông anh rể "cải tạo", đôi ba tháng hai chị em lại phải gánh gồng đi tiếp tế... Sáu năm hơn, ông anh rễ mới được tha về! Mấy tháng sau chị em tìm được đường dây đi vượt biên - đi thành công! Em ở lại [còn một chân làm sao có thể đêm hôm lội sình lầy trốn ra bưng, lên ghe cho được]. Khi gia đình anh chị đi rồi, em xin ông cậu lên Sai gòn sinh sống, đồng thời tìm lại kỷ niệm tình yêu không thể nào quên... Em chọn vùng ngoại ô vắng vẻ nầy ở, và làm đủ thứ nghề... Cũng có đi bán vé số dạo mấy năm. Sau cùng là ngồi bán vé số bên vệ đường để có thì giờ đọc sách. Em muốn tích lũy vốn liếng để viết sách và xuất bản một khi được người chị bảo lãnh.
    
     - Trung sĩ "cử nhân" đã đọc được sách nào, kể cho biết vài cuốn với?
     
      ... Nhìn con gián lóp ngóp bò lên cái nạng gỗ, anh ta nhẹ nhàng xịa cây nạng gỗ vô tường làm một cây cầu... Con gián mừng rỡ trở hướng leo lên rồi chạy tuốt không thèm quay đầu lại...
      
    Anh ta chậm rãi, nói:
     
     - Nói thiệt với đại ca, đọc để sưu tầm, tìm hiểu - thì sách nào cũng phải đọc, đọc cho biết "họ" nói cái gì? Học được gì đâu ở mấy quyển sách đó của phe "chiến thắng". Bây giờ toàn sách dịch của Liên Sô. Dịch sao đọc vậy, chữ nghĩa chen chúc nhau trên mặt giấy màu nâu nâu, nhám sàm bở rời, căng mắt ra mới nhìn thấy... Em đọc mấy cuốn: "Vùng Đất San-Nhi-Cốp - Thao Thức - Người Thứ 41 - Trên Mảnh Đất Đời Người - Đất Vỡ Hoang... - Sau cùng là đọc tất cả:  "Sự thật toàn tập của các ổng". Em lang thang khắp vỉa hè lục tìm mua được một số sách cũ của miền Nam: "Quốc Văn Giáo Khoa Thư - Lịch Sử Việt Nam tập 1, quyển lịch sử nầy có giá khá mắc. Ngoài ra, em còn tìm được một ít tạp chí - Văn, Tân Văn, Giai Phẩm Em (Giai Phẩm Em năm 1974 có đăng thơ của em). Nhưng em mừng nhiều nhất là cuốn "Khung Cửa Hẹp" của Andre Gide - do Bùi Giáng dịch.
       
     - Anh đi "cải tạo" mấy năm vậy?
       
     - Thử nghĩ xem?
       
     - Cái mốc cải tạo là "ba năm" ! Học chưa "tốt" tăng sáu năm hoặc lâu hơn. Đâu cần phải nghĩ...
      
     - Sơ sơ gần tám năm chứ bao nhiêu... Anh em phe ta còn tiếp tục "học tập" - học chưa "tốt" nên chưa về hết...! Anh được tha về nhà, ở dưới quê "nóng" chịu không thấu mới mò về Sài gòn tìm chút gió... Làm đủ thứ nghề ở vỉa hè... Mới lên chức thợ hồ, tay nghề chưa vững.
     
     Bất chợt anh ta nói:
      
     - Anh có thấy tàu dừa nước cắm ở lỗ cống giữa đường đó không? - Thằng em nầy cắm đó!
      
     Đoạn đường nầy mới sửa... Vậy cái nắp cống ở đâu? Tôi hỏi:
      
      "Nước thủy triều đã nhửng. Mặt nước lờ đờ lợn cợn rác rến từ từ quay trở lui... Đêm tối quen hơi lần mò trở về, cái bóng đèn tròn trốn trong cái chụp phả ra thứ ánh sáng vàng vọt rọi vô bức tường vôi bong tróc loang lở. Thứ ánh sáng nhàn nhạt đó dội ngược xuống mấy cái bàn. Bình nhựa đựng bia còn sót chút cặn nằm lăn lóc. Vài ba ông nhậu đứng dậy loạng quạng đi ra xa xa vài ba bước úp mặt vô tường vội vàng móc cái vòi nước trong người ra - rửa sạch chân tường cho trôi đi hết mùi nước lợ lợ của thủy triều..."
       
      Anh ta chưa trả lời tôi. Hình như còn đang suy nghĩ... Tự dưng anh ta cho tay vô túi quần - Móc... móc...?
       
     - Để đó..., anh Năm nầy lo bữa nhậu hôm nay! Móc móc cái gì ở... trỏng?
        
     - Không! Không phải em móc tiền đâu anh! - Em móc cho đại ca xem tấm ảnh của một người!
      
     Ảnh vợ hả?
        
      - Thưa huynh, không phải.
       
      - Bạn gái hả?
        
      - Dạ! Em không gặp lại nàng kể từ ngày em trở thành "thương phế binh"!
      
      Tấm ảnh ố vàng, nứt nẻ... Người con gái trong ảnh xinh xinh!
       
     - Anh mầy mặc cảm phải không? - Bây giờ nàng ở đâu?
     
     - Dạ, nàng ở gần đây! - Nàng có một đứa con gái nhỏ!
     
      Nghe anh ta nói vậy, tôi đã hiểu ra đôi chút... Qua cách ăn mặc; râu tóc gọn gàng của anh ta hiện giờ! Rõ ràng nơi nào có đôi bàn tay ngọc ngà của giai nhân, nơi đó bộ mặt thế giới đã đổi thay - Tôi nói:
     
     - Nàng ta đã có gia đình. Vậy thì..." còn gì nữa đâu mà..."  khoe ra?
     
     - Chồng nàng đã chết trong tù "cải tạo"!
       
     - Làm sao biết?
       
     - Em mới biết!
     
     - Rồi sao nữa...!
     
     - Nước thủy triều lên xuống thường xuyên làm cho cái nắp cống đúc bằng bê tông mềm ra... Không may cho nàng một bữa thủy triều lên cao, đường ngập. Nàng chở đứa con gái trên chiếc đạp chạy ngang nắp cống - nắp cống vỡ...! Vậy là hai mẹ con sập lỗ, gãy phuột xe, nàng ngã xuống nước, văng đứa con gái ngồi phía sau... Thấy tai nạn, em vội vàng nhào ra cứu đứa bé gái, đứa bé gái khóc thét vì lạnh và sợ nên ôm em thật chặt, miệng thì kêu mẹ... Còn nàng lóp ngóp ngồi dậy, thất thần... Vết thương do que sắt nho nhỏ cứa vô - trầy trụa... bầm tím nơi ống quyển, rươm rươm máu... Nàng nhăn nhó...! Nhờ có chiếc xe đạp cản, nếu không... nàng lọt tõm xuống cống! Em và hai mẹ con nàng đều ướt mèm!
     
     - Nhận ra nhau trong tình cảnh đó?
       
     - Em chợt thấy trong đôi mắt cô ấy nhìn em một cách kỳ lạ... Em cũng nhìn cô ấy ngờ ngợ - Dẫu là người xưa... thì trong một thoáng làm sao có thể nhận ra nhau trong tình cảnh ướt đẫm phải không huynh? Hơn nữa, đã mười mấy năm trôi qua trong đầu em đâu có nghĩ một ngày nào đó sẽ hội ngộ "cố nhân" như thế nầy! Cố nhân trong đầu em là một cô gái trẻ đẹp với kỷ niệm tình yêu thời mới trưởng thành. Nàng không bao giờ già, chỉ có em là hư hao và cằn cỗi...!
       
     "Ngần ấy thời gian trôi qua, người con gái đâu có biết người con trai thời chinh chiến ấy xuôi về phương trời nào mà chờ? Còn sống hay đã chết ngoài chiến trường? Nhan sắc thời thiếu nữ tựa bông hoa sớm nở, dù có nâng niu gìn giữ cho thật kỹ càng cũng không thể thắng được cát bụi thời gian. Chiến tranh dai dẳng...! Người con gái vẫn chờ...! Còn người con trai - không may bị thương tật mặc cảm lẩn trốn vì sợ đôi bên cùng khổ đau! Chờ đợi đến tuyệt vọng, người con gái ấy phải đi lấy chồng chứ không lẽ làm gái già? Đi lấy chồng, người con gái giấu thật kỹ mối tình đầu trong tâm! Thời cuộc đổi thay, người vợ xa chồng, một mình vật lộn với cuộc sống "mới" hằng ngày để nuôi con, nuôi chồng ở trong tù "cải tạo". Chồng chết trong tù! [Thời chiến tranh không chết. Thời "hòa bình" lại vĩnh viễn chia ly]! Số phận ngửa nghiêng đổ ập xuống đôi vai người vợ trẻ. Tương lai rồi sẽ ra sao trong những năm tháng dài còn lại...? Một chuỗi thời gian khổ đau đó đã làm cho nhan sắc người phụ nữ tàn tạ quá nhanh!".
       
     - Huynh đồng cảm với suy nghĩ của chú em. Suy nghĩ rất có tình, có nghĩa. Đừng tự trách mình nữa. Ngay cả chúng ta đây còn không nhận ra nhau sau mười mấy năm - huống hồ...
     
     - Em đề nghị cô ấy ghé vô nhà em, [nhà em ở cách chỗ "tai nạn" không xa], để băng bó vết thương... Cô ấy bằng lòng! Về nhà, em nhờ bà chị hàng xóm kế bên qua giúp đỡ - lấy quần áo cho hai mẹ con nàng thay tạm...! Căn nhà lá "sang trọng, to lớn" của em chẳng có gì đáng giá ngoài một mớ sách mua gom ở lề đường te tua, cũ xì... Cô ấy ngồi chăm chú nhìn thật lâu nét chữ trên tấm lịch treo trên tường - nơi đó em viết mấy câu thơ: gàn gàn, bướng bướng... như cái tính khí của em. Em thấy nàng len lén nhìn em với ánh mắt dò xét... Bất chợt em nhớ câu thơ của Apollinaire:
      
     "Hãy đợi đêm đến giờ đỗ, những ngày trôi qua và anh vẫn còn đây" .      
     
     Vết thương nơi chân nàng đã được băng bó...!
    
     - Có cho nàng uống thuốc thần "XUYÊN-TÂM-LIÊN" để chống nhiễm trùng không? - Tôi hỏi:
      
     Anh ta nhìn tôi, cười... cười...!
    
    - Đại ca... tiếu-lâm thiệt đó! Bộ huynh tưởng rằng chỉ có ở trong tù "cải tạo" mới độc quyền sử dụng thuốc xuyên tâm liên hay sao?
     
      "Chiếc xe đạp gãy cái phuột đã được thay mới, cái niềng xe đã chỉnh lại, cái bàn đạp được thay mới. Người sửa xe cũng là "đồng liêu"! Anh ta chỉ lấy tiền mấy món phụ tùng. Ánh nắng chiều bịn rịn đẩy cái bóng của hai mẹ con người đàn bà vô thềm nhà, nơi đó có người lính Thương phế binh chống cái nạng gỗ ngó theo... Trong lòng anh ta ngổn ngang, trệu trạo quặn thắt nhớ về một quãng thời gian xa xưa... Nếu mà..., nếu mà... không bị thương, không tàn phế thì cũng đã có vợ, cũng có thể có một đứa con như đứa bé gái kháu khỉnh, dễ thương nầy!
      
     Bỗng nhiên, đứa bé gái đang ngồi phía sau xe đạp với mẹ, vội vàng trèo xuống chạy nhanh trở lại nơi hiên nhà - hai tay ôm chân người Thương phế binh, thỏ thẻ:
     
     - Con... con thương chú nhiều lắm! Con không quên chú! Con sẽ... nhờ mẹ chở con đến thăm chú.
        
     Người Thương phế binh cảm động đến nghẹn lời, bao nhiêu năm qua đơn độc nào có ai quan tâm... Anh ta đưa tay, vuốt vuốt tóc cô bé. Không hiểu tại sao, anh ta móc cái bóp, rút ra tấm ảnh cũ xì, rạn nứt... Người con gái trong tấm ảnh còn rất trẻ. Tấm ảnh đó anh ta đã từng nâng niu cất giữ trong bao nhiêu năm qua. Anh ta giúi vô tay đứa bé gái, và nói:
     
     - Lớn lên, con sẽ đẹp hơn người đẹp trong tấm ảnh nầy! Chú tặng cho con đó. Chú đặt cho con cái tên là: Thường Xuân - Trần Thị Thường Xuân! Con có thích cái tên đó không? 

     - Đứa bé gái, gật... gật...cái đầu, rồi cầm tấm ảnh hớn hở chạy thật nhanh ra khoe với mẹ! 

     Người phụ nữ nãy giờ đứng ở cuối sân không bỏ sót một cử chỉ, một lời nói nào của hai người - một già, một trẻ... Nàng bán tín, bán nghi... Nhìn tấm ảnh từ tay đứa con gái đưa cho - thoáng nhìn - Nàng sửng sờ...!
     
     "Chúa Mẹ ơi! hình ảnh thời con gái của con đây mà...! Là anh... ! Thường Xuân của ngày xưa chỉ còn... sót lại chút nầy!"
      
     Bất giác, hai dòng nước mắt lăn dài...! Đôi chân nàng tưởng như quỵ xuống... Nàng thả chiếc xe đạp nằm sóng soài, rồi nắm tay đứa con gái bước khập khiễng trở vô hiên... Nàng quên mất cái chân của nàng bị thương còn băng bó. 
     
Nàng gọi lớn:
     
     - Anh Nghiễm...! Anh Nghiễm ơi!... Anh đừng có trốn em nữa mà! Trong lòng em đã nghi... chính là anh... Từ lúc hai mẹ con em bước vô căn nhà nầy!"
     
      - Đại ca đã nghe em "báo cáo" tường tận hết cả rồi đó! Anh có chia vui với thằng em Thương phế binh nầy không?
        
     Nước thủy triều đã rút từ lâu, chỉ còn lại hai người đàn ông. Họ đứng dậy nhìn nhau... Bắt tay nhau - thật lâu, thật chặt!  ./.

Trang Y Hạ
Sài Gòn -  Những tháng năm đi mần thợ hồ!





    


    
    




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét