Thư viện

14/6/18

Áo Hạ Xa




Áo Hạ Xa

Ve khuya thức giấc gọi mùa
giúp mây thay áo chẳng đùa giỡn đâu
trời vui nhỏ giọt mưa ngâu
hỏi ra mới tỏ - cô sầu bỗng dưng...

chim bay nửa cánh ngập ngừng
ngó lui sửng sốt đã từng hiểu ra
ô hay - mới đó thôi mà
mỗi phương biền biệt gọi ba bốn lần…

còn ai đứng trốn trong sân?
cột cờ trơ trụi ngắm vầng trăng treo!
người đi bụi đất hò reo
hạ xa áo mỏng qua đèo nhớ nhau.

Trang Y Hạ
San Francisco - 2018


2 nhận xét:

  1. "Áo hạ xa" với thể thơ lục bát quen thuộc, tác giả Trang Y Hạ đã lột cả rất thành công bức tranh thiên nhiên khi trời chớm hạ. Tác giả đã cảm nhân sự chuyển mình của vạn vật bằng sự quan sát rất tinh tế, với tâm hồn rất nhạy cảm. Vạn vật trong bài thơ được miêu tả có cảm xúc, có linh hồn với lối nhân hoa rất độc đáo:
    Ve khuya thức giấc gọi mùa
    giúp mây thay áo chẳng đùa giỡn đâu
    trời vui nhỏ giọt mưa ngâu
    ...
    chim bay nửa cánh ngập ngừng
    ngó lui sửng sốt đã từng hiểu ra
    Ve thức giấc hát véo von đánh thức muôn loài đón chào mùa hè, mây cũng thay chiếc áo mùa xuân để khoác lên mình chiếc áo của mùa hè, chiếc áo nhiều sắc thái, khi trắng bồng bềnh như bông, lúc xám xịt bao phủ không gian màu u ám, để trút xuống trần những cơn mưa dầm rả rít,...Bức tranh mùa hạ vưa rộn rã âm thanh tiếng ve, tiếng ào ào của những cơn mưa rào,...trên cái nền màu sắc của mây trời lúc hạ về. Phải có sự quan sát tinh tế lắm, tác giả mới cảm nhận được những chuyển biến rất nhẹ nhàng mà rõ rệt của vạn vật lúc giao mừa từ cuối xuân sang đầu hạ. Cũng khới gợi hình ảnh chia tay của tuổi mây trắng, tuổi học trò. Độc đáo nhất trong bài thơ là 2 câu:
    chim bay nửa cánh ngập ngừng
    ngó lui sửng sốt đã từng hiểu ra
    Cánh chịm "ngập ngừng" chưa muốn rời bầu trời cao xanh với nắng vàng tươi để bay sang khung trời mừa hạ, "ngó lui" - cách dùng từ rất hay, có sức khơi gợi sự liên tưởng của người đọc, cũng rất thú vị vì chim bay có bay giờ ngoái đầu ngó lui đâu? Cach nói nhân hóa gợi tâm tư nuối tiếc quá khứ , một thời huy hoàng , giờ đã lùi xa, và "sửng sốt" bàng hoàng như chưa sẵn sàng đón nhận thực tại, đón nhận những đổi thay. Câu thơ mang ý nghĩa triết lý về cuộc đời con người, lắm thăng trầm đổi thay, muốn thích nghi cũng không phải dễ dàng gì, "còn ai đứng trốn trong sân" tô đậm thêm tâm trang nấn ná, chưa chấp nhận sự đổi thay và hình ảnh "cột cờ trơ trụi ngắm vầng trăng treo", từ láy "trơ trụi" diễn đạt cảm giác trống vắng cô đơn và vầng trăng treo lơ lững giữa bầu trời cũng khơi gợi tình cảnh trống vắng, hụt hẫng.
    người đi bụi đất hò reo
    hạ xa áo mỏng qua đèo nhớ nhau.
    Hạ đến, rồi đi. Đó là quy luật của tạo hóa. Chiếc áo mỏng của hạ hay tà áo bay bay của thời áo trắng? Rời xa tuổi học trò, đó là quy luật của cuộc đời. Như những cánh chim non, lần đầu tung cánh bay vào bầu trời cao rộng, không khỏi giật mình thảng thốt pha lẫn bỡ ngỡ cùng sự nuối tiếc một thời áo trắng gắn liên với bao mùa hạ về và đi, nhưng lần này là lần tiễn biệt sao cùng, nên không khỏi nuối tiếc "ngó lui", giật mình chợt hiểu :ta xa hạ thật rồi, xa chiếc áo hạ mỏng manh, e ấp bao giấc mộng dễ thương của một thời áo trắng.
    Bài thơ chỉ với 12 câu lục bát mà sức gợi vô cùng, có lẽ còn chưa lột tả hết ngụ ý của tac giả trong bài thơ. Nhưng cach sử dụng từ ngữ giàu sức gợi cùng nghệ thuật nhân hóa tài tình, tác giả đã phác họa rất sống động bức tranh tâm trạng của tạo vật lúc vào hạ từ đó khơi gợi tâm trạng, tình cảm của tuổi học trò lúc hạ về.
    Cám ơn tác giả Trang Y Hạ!

    Trả lờiXóa
  2. Hạ về soi mặt đáy sông, đò xưa chở áo trắng đồng lúa reo, áo xưa dính chút cái nghèo, còn ta trời thẳm gieo neo phận mình.. [trích]. Cảm ơn Cô Giáo viết đoản văn hay như thơ... Chúc Cô Giáo Thu Hương trẻ khỏe!

    Trả lờiXóa