Thư viện

23/7/18

Ngã Tư Không Bằng Yên




Ngã Tư Không Bằng Yên

Trang Y Hạ

     Tôi có một cuộc hẹn ở nơi ngã tư cuối đường Chánh Hưng, điểm hẹn do [người ấy] chỉ dẫn… Tôi nhớ lại ngày xưa nơi đó chỉ là… một cái ngã ba. Trong lòng hơi thắc mắc nhưng rồi chợt hiểu ra rằng: đã lâu lắm chưa một lần trở lại…!

     Từ miền Đông đất trắng. Tôi nhờ người em trai gọi đặt chỗ trước từ nhà xe “đưa rước tận nhà”để về Sài Gòn. Nhà xe cho biết sẽ đón lúc hai giờ sáng. Đồng rừng buổi sáng trời se se lạnh dù đang là giữa mùa hạ có lẽ ngày hôm trước có một vài cơn mưa, lại nghe đâu là sắp có bão… Người em trai cho biết “Anh Thái là chủ xe đó!”. Xe tới đúng giờ. Tôi xách túi hành lý bước ra…, nhìn vào trong xe chỉ có hai người phụ nữ ngồi co ro...

Thái, người chủ xe vồn vã hỏi:

-         Anh Hai mới về hả? Chị và các cháu có về không?  

Tôi cười và bắt tay, trả lời:

-         Anh về trước…, mươi hôm nữa chị và các cháu mới về Thái à! Chú em và gia đình khỏe không?

-         Đúng! Anh chị phải về mỗi năm để thăm mẹ anh chứ! Thỉnh thoảng em cũng ghé thăm bà. Thái nói.
 
-  Thái lên làm chủ xe đò được mấy năm rồi? Tôi hỏi.

    Thái vừa sắp xếp chỗ ngồi cho khách vừa trả lời:

-         Cũng gần mười năm rồi anh, nói thiệt với anh nếu không có hai bà chị ở bên Mỹ gửi tiền về thì làm chi mà mua nổi xe hở anh. Hai bà chị cho một nửa, còn một nửa là vợ chồng em bán miếng đất ở trong sông Ui…

     Nghe Thái nhắc tới sông Ui trong lòng tôi chợt buồn rười rượi…!  Số là năm - một nghìn chín trăm tám mươi ba, tôi được tha về nhà. Không một mảnh đất canh tác… Tôi đành vác rựa đi phá rừng làm rẫy chui trong vùng sông Ui, bị sốt rét rừng tưởng là về với Chúa! Gặp Thái cũng làm rẫy nên quen…!

-         Thái có mấy đứa con nhỉ?

-         Thưa anh, em có hai đứa. Hai đứa nó đã qua Mỹ và có vợ có chồng rồi anh. Vợ chồng em ráng cày thêm ít năm rồi cũng qua bển ở luôn. Hồ sơ bảo lãnh vợ chồng em - hai đứa con đã lo xong hết cả rồi anh à!

     Chiếc xe chạy vô từng con hẽm sâu hun hút, gồ ghề, tối om trong các xóm để đón từng người khách… Thái sắp xếp cho tôi ngồi phía sau bác tài để dễ nói chuyện… Thái lo bắt khách, thâu tiền… Canh đường, canh trạm nên chúng tôi chẳng nói được gì nhiều. Xe vô Sai Gòn, chạy lòng vòng bỏ khách. Tôi xuống ngã tư Hùng Vương - Nguyễn Duy Dương. Tôi bước xuống xe, Thái cũng xuống - Thái vỗ vai tôi:

-         Hôm nào anh về lại, anh em mình nhậu lai rai ôn lại chuyện cũ ở sông Ui nha!

     Tôi nhìn đồng hồ - mới năm giờ ba mươi sáng. Hai bên đường phố chưa mở cửa ngoại trừ một vài chỗ bày biện bàn ghế ra để bán cà phê vỉa hè. Xe hơi, xe hon-da chưa nhiều nhưng chạy vội vã... Tôi lò dò theo sau người ta để đi qua đường nơi có cây xăng, mấy ông chạy xe ôm lẽo đẽo theo hỏi… Tôi nói cảm ơn… rồi đi dọc theo đường Nguyễn Duy Dương. Tôi thấy mấy bà “cò” chèo kéo mấy người đi khám bệnh ở “Trung Tâm Hòa Hảo”. Lâu lắm tôi chưa có dịp đi bộ trên đường phố Sài Gòn buổi sớm mai như vầy... Tôi đi… đi mãi thì gặp ngã tư đường Trần Phú với đường Nguyễn Tri Phương. Quán cà phê starbucks trông bề thế nơi góc đường , im lìm… Tôi nhìn qua bên kia đường phía tay mặt thấy một quán cà phê đang dọn bàn ghế ra vỉa hè rộng rãi… Tôi thấy quán chưa có khách, lại ngại… “mở hàng” nên không dám vô ngồi. Đang đứng xớ rớ… thì có cô gái chạy ra mời:

-         Chú ngồi đi! Chú uống cà phê nào con làm cho!

     Tôi muốn đi vệ sinh, nhưng ngặt vì cái túi hành lý to kềnh hơn nữa cũng không dám hỏi… Ngồi một mình bên ly cà phê sữa nóng nhìn thành phố còn đang ngái ngủ… Không tờ báo để đọc! Đành đọc lại ký ức xa xưa của chính mình... Ký ức xa xưa của tôi là một người Lính, một người tù…! Và sau cùng là… một người mang quốc tịch của một nước khác! Hiện giờ tôi đang ngồi trên quê hương, có quê hương nhưng không thể ở lâu dài được. Tôi cũng đã từng chạy xe xích lô đi qua các con đường trong thành phố để kiếm tiền sống qua ngày… Những người khách mà tôi đã từng chở họ đi… - không biết bây giờ họ còn nhớ tới tôi; họ có biết tôi đã trở về lại và đi dạo trên một vài con phố hay không?

     Ly cà phê sữa nóng có giá ba mươi nghìn đồng. Tôi để trên bàn hai tờ hai mươi nghìn đồng rồi đứng dậy... Tôi nghe tiếng cô gái:

-         Tiền thối chú ơi!

-         Sáng nay chú “mở hàng”…! Chú biếu con đó!

-         Con chúc chú đi đường bình an!

     Tôi cảm ơn cô gái. Và tự hỏi: Bình an ư? Tôi phải chờ người để đi theo họ mà qua ngã tư… Lâu lắm tôi chưa đi qua ngã tư một mình. Đi lơ ngơ bị xe tông… “bình an” đâu chưa thấy - vô bịnh viện An-Bình nằm hoặc “hui-nhị-tỳ” là cái chắc chứ chẳng chơi…! Tôi kêu taxi… Ngồi trong xe nhìn đồng hồ đã là bảy giờ. Cuộc hẹn trong mơ cứ lởn vởn trong đầu… Người ấy bi chừ đã tới điểm hẹn chưa hỉ…?

-         Chú về Việt Nam thăm quê lâu chưa? Chú tài xế taxi gợi chuyện.

-         Ủa! Sao chú em biết qua là người ở nước ngoài?

-         Dễ mà chú! Con hành nghề chạy xe taxi hơn mười năm trời mà…! Chú đừng lo - đồng hồ tính cây số rất là chính xác! Xin phép chú, con hơi tò mò chút. Chú qua Mỹ lâu chưa? Chú là sĩ quan “Ngụy” phải không…? Con nói thiệt cho chú hay. Bây giờ ai cũng ước ao được Ngụy như chú để đi qua Mỹ.

     Tôi cười nói:

-         Chú em nói cà rỡn cho vui, cho có chuyện… Ao ước cái gì tốt lành thì không ao ước! Ai đời lại đi ao ước làm Ngụy bao giờ. Lâu nay không cần ngụy người ta cũng đi qua Mỹ ào ào kia mà! Chú qua Mỹ cũng khá lâu... Ngày chú ra phi trường Tân Sơn Nhất để định cư bên Mỹ, trời mưa lớn, nước mưa ngập nhiều đoạn đường. Bác tài xế taxi nói với chú rằng:

           “Thời gian sau, nếu có trở về thăm quê hương thì thành phố nầy chỉ còn… một chỗ ngập nước thôi”

-         Ông ấy nói quá đúng đó chú ơi! Bây giờ chỉ có một cơn mưa nhỏ cũng đã ngập tràn lan…

     Tôi nói thiệt, khi đó tôi không hiểu cái ẩn ý trong câu nói của bác tài taxi. Bây giờ thì tôi đã hiểu. Đúng! Thành phố Sài Gòn hiện nay chỉ còn đúng một chỗ ngập nước mà báo chí họ nói khéo là “Tụ nước”! Xe taxi dừng ở cuối đường Chánh Hưng. Tôi thấy ngã tư và hai con đường một chiều chứ không như một con đường có hai chiều như ngày trước. Không “cầu vượt” cho nên xe quẹo lung tung quá nguy hiểm. Tôi đề nghị bác tài chạy qua bên kia ngã tư. Tôi nhìn đồng hồ tính tiền - Bảy mươi ba nghìn đồng. Tôi đưa tám chục nghìn [bốn tờ hai mươi nghìn]. Bác tài cảm ơn và đưa cho tôi cái tấm địa chỉ…!

     Tôi đứng bên ngã tư lơ ngơ y chang người từ hành tinh khác tới… Vùng đất nầy ngày xưa với tôi không xa lạ, thời còn đi làm thợ hồ tôi đã xây nhiều nhà cho người ta và xây hai cái hồ chứa nước, lọc nước lớn, vậy mà bây giờ không một ai nhận ra tôi. Dòng xe tuần tự - dừng, quẹo, chạy thẳng - trên đầu mỗi người đã đội “nón bảo hiểm” lại còn đeo “khẩu trang” kín mít không khác gì phụ nữ Hồi Giáo thì còn có ai nhận ra được ai…? Tôi len lỏi trên vỉa hè ngổn ngang vật cản, hàng quán… để đi về hướng quốc lộ 50. Đi chừng ba mươi thước tôi thấy có một xe bán hủ tíu. Tôi muốn thưởng thức món hủ tíu vỉa hè để tìm lại cảm giác mà ngày xưa tôi cùng các anh chị em thợ hồ, phụ hồ đã từng ăn… Tôi ngồi trên chiếc ghế đẩu bằng nhựa, túi hành lý ôm khư khư trong lòng, ngồi đợi chừng mười phút mới có một bà chị mặc áo bà ba màu nâu nâu… đi tới hỏi…! Tô hủ tíu được mang ra. Tôi thấy vài cục xương heo trắng hếu bọc một lớp da, lơ thơ vài sợi lông trắng, nấn ná phất phơ…! Miếng chanh bằng đầu ngón tay rúm ró…! Một dúm rau thơm với ít cọng giá đã ngả màu… Trên miệng tô còn lưu lại vết tích... Tôi vớt vài đũa hủ tíu ăn tạm cho đỡ đói, xương không dám gặm vì hàm răng của tôi thiếu lực... “Mười hai nghìn đồng một tô”! Ồ, sao giá rẻ vậy!? Tôi để trên bàn tờ hai mươi nghìn rồi bước sang quán cà phê kế bên.

     Quán cà phê rộng, nền xi-măng, mái lợp nửa tôn thiết, nửa lá dừa nước, phía trước có trồng hai cây bàng tàng lá sum suê, xanh um, một tủ đựng thuốc lá và cũng là chỗ chủ quán đứng pha cà phê. Tôi nhìn sang bên trái có một chiếc xe ba gác máy, có mui che đang đậu, [nghe nói loại xe nầy nhập của “nước lạ”] cũng bên trái là xe hủ tíu, bày biện ghế xúp giống y xe hủ tíu mà tôi đã ghé ăn. Khách tới ăn đa phần là thợ hồ và người lao động… Tôi nhìn vô bên trong quán cà phê, quán hơi âm u…, đong đưa chừng sáu chiếc võng, chỉ có hai cái bàn màu xanh da trời đã phai màu từ thuở nào nằm chơ vơ loang lở… Tôi không dám nằm võng, võng đó đã có hàng nghìn người nằm… Tôi kéo ghế nhựa có lưng dựa để ngồi. Người phụ nữ trạc tuổi hai mươi lăm đang du đưa trên võng hình như bận chơi game, kế bên là đứa con trai khoảng bốn tuổi, cô nường thấy tôi vô ngồi thì ngưng chơi, chạy đi tìm cái khăn lau qua loa mặt bàn, nói:

-         Chú uống gì? Chỉ có cà phê đá.

     Cô nường hỏi tôi uống gì, mà lại nói – “chỉ có cà phê đá”! Tôi nghĩ cũng chỉ có mỗi cà phê đá. Cho chú cà phê đá.

-         Mười nghìn một ly.

-         Quán có Wifi vậy không hở cô?

-         Có, nhưng quá yếu, chút nữa cài - bassword cho.

     Tôi nghe trong giọng nói cô chủ quán có chút gì đó hơi bất cần...? Có phải tại tôi không nằm võng hay là tại tôi không phải là người khách mở hàng…? Chặp sau cô nường bưng ly cà phê đá đặt trên bàn… Tôi chưa kịp cảm ơn thì cô chủ quán thản nhiên nói:

-         Chú cho xin tiền ly cà phê!...

     Nhận tiền xong cô nường quay quả đi vô trong nhà … Quán cà phê võng buổi sớm mai chỉ có mỗi một tôi ngồi nhìn dòng xe một chiều lũ lượt trôi về hướng Phú Mỹ Hưng, thỉnh thoảng mới có một vài chiếc xe Bus dừng lại bỏ khách… Tôi cảm thấy mình vô cùng xa lạ, bất an, cô đơn tới thấm thía nỗi lạc lõng…! Cuộc hẹn trong mơ của tôi với “người ấy” sẽ thành sự thật hay tan biến khi ánh mặt trời lên cao! Ly cà phê đá màu đen thui lại quá ngọt tôi chỉ nhấp môi cho có lệ, những cục đá tan ra - nước trong veo chiếm hơn phân nửa ly chia ra hai màu đen trắng... Mới tuần trước tôi cùng đứa cháu trai đi uống ly cà phê starbucks, giá tám mươi nghìn một ly, uống bên ngoài vỉa hè giá ba mươi nghìn, vùng ngoại ô thì… chỉ có mười nghìn! Ở mỗi nơi, ở mỗi thời điểm giá cả “trồi sụt” thấy mà ớn…!

     … Lại có khách tới. Đó là một người đàn ông khoảng ngoài sáu chục tuổi, tướng tá cao ráo trông còn phong độ, khuôn mặt hiền hiền… Ông ta xăm xăm đi lại ngồi bàn kế bên tôi. Ông kêu ly cà phê đá rồi chậm rãi móc từ trong túi ra cái hộp quẹt zippo, châm lửa hút thuốc nhả khói mù mịt rồi quay sang phía tôi hỏi:

-         Ông anh “ở bển” mới dzìa hả?

     Ủa…! Tại sao ai nhìn tôi cũng biết “ở bển dzìa dzậy” ta! Thấy người đàn ông có vẻ vui tính nên tôi hỏi:

-         Sao ông anh biết tui ở bển dzìa dzậy…?

-         À… Thì hồi nãy tui thấy ông anh xuống xe taxi, đứng ngó lơ ngơ… ở ngã tư. Tui ăn bún trong quán nhìn ra mà! Taxi nó ăn của ông anh bao nhiêu tiền một cuốc dzậy?

-         Thưa ông anh, tôi đi từ bên kia cầu Nguyễn Tri Phương tới ngã tư nầy, tiền xe hết - Bảy mươi ba nghìn đồng! Tôi đưa chẵn tám chục đó!

     Người đàn ông lắc đầu, chép miệng có vẻ ngao ngán nói mà như là độc thoại:

-         Đồng hồ tính tiền trên xe taxi nó đã ngửi được chút mùi “Việt-Kiều” nên nó chém đẹp thiệt. Đi xe ôm chỉ mất có hai mươi nghìn. Chạy xe ba-gác - đôi khi ế ẩm chưa chắc đã kiếm được tám chục nghìn…!

     Chiếc xe ba gác máy đậu dưới gốc cây bàng là của người đàn ông nầy. Tôi nghĩ vậy và cũng có thể đúng! Hình như câu chuyện giữa hai người đàn ông chúng tôi trao đổi, cô chủ quán bán cà phê ở bên trong nhà đều nghe rõ. Cô ta nói vọng ra:

-         Éo có tin được cái đồng hồ trên xe của mấy gã tài xế taxi, cũng cùng một đoạn đường nhưng cách tính tiền mỗi xe lại tính khác. Tui mà đi taxi thì mấy gã tài xế đó đừng có hòng…!

     Tôi nghe giọng nói của cô chủ quán cà phê có vẻ gay gắt, giống giọng nói của chị hai. “Đừng có hòng”. Câu hăm dọa nghe, ơn ớn…! “Éo”! Là… là… nghĩa gì vậy? À…! Tôi hiểu ra rồi… Ngoài đường lâu nay chỗ nào cũng có treo bản “Văn Hóa”, trong mỗi gia đình cũng được cấp bằng “Gia đình văn hóa”. Do đó, chửi hay chửi thề cũng phải có văn hóa chửi… Hớt bỏ bớt chữ “Đ” để nói cho có văn hóa, nghĩ ra cũng tốt thôi. Xe chạy xuôi chiều, còn tôi nhìn ngược chiều, hết nhìn đồng hồ lại móc phone ra nhưng khổ nỗi không wifi [có nhưng quá yếu]. Ngồi lỳ nơi quán cà phê gần hai giờ đồng hồ cũng thấy … kỳ kỳ! May mà còn có người đàn ông vui tính để trò chuyện.

-         Ông anh có hẹn phải không? Người đàn ông hình như đọc được ý nghĩ của tôi …

-         Dạ, tôi có hẹn với một người - em gái…

-         Tui xin tò mò một xíu. Em gái ruột hay là…là… “Em gái hậu phương”. Ngày xưa tui cũng đã từng có hẹn - ngồi đợi em gái hậu phương gần hai giờ đồng hồ mà nàng không tới! Tui ngậm ngùi quảy ba-lô trở về đơn vị!

-         Tôi xin chia buồn cùng anh. Em gái hậu phương bây giờ đã… lên tới chức - bà nội, bà ngoại hết ráo cả rồi ông anh ơi! Ông anh ngày xưa cũng có đi lính nên mới hiểu…?

    Người đàn ông nhìn tôi cười, nói:

-         Chia buồn cái gì ông anh ơi… Em gái hậu phương của tui tuy trễ hẹn nhưng chuyện tình của chúng tôi không trễ… Lần về phép sau chúng tôi cưới nhau… Thời chiến tranh làm sao mà tránh khỏi Lính hở ông anh! Khóa áp chót Thủ Đức đó anh à! Là đàn em của anh mà! Tui cũng có đi “cải tạo”! Bởi do sơ sót nên để thiếu mất một ngày mới đủ ba năm...! May mắn cũng còn có hai đứa con vượt biên... Người đàn ông nghe phone…  Tui có một cuốc chở hàng nên phải đi… Chúc ông anh gặp “người em gái…”. Đi đường nhớ cẩn thận. Nơi ngã tư không bình yên chút nào.

     Tôi đứng lên bắt tay và cảm ơn. Tôi nhìn theo người đàn ông leo lên chiếc xe ba gác nổ máy chạy đi mà nghe tâm tư nặng trĩu, bồi hồi nhớ lại khi xưa cũng đã từng đạp xích lô quanh khu chợ An Đông kiếm ăn… Đối với người đàn ông “huynh đệ chi binh” mới gặp nhau lần đầu nhưng đã để lại nhiều lưu luyến bởi đồng cảnh ngộ một thời lăn lóc ngoài chiến trường và tù đày trong ngày “hòa Bình! Ngã tư không bình yên có thể là do “Tai nạn giao thông”! Và, còn có biết bao nhiêu cái ngã tư như vậy….? Nhưng đối với tôi, còn có một ngã tư không bằng yên nữa đó là sự bất an trong lòng khi chờ đợi “người ấy”. Người ấy là hiện thân của một thời áo trắng sân trường.

    Tôi nhìn ngược về phía xa xa… trong hy vọng và thất vọng. Cuối cùng thì… “ngôi sao lạ” cũng đã tới! Đúng là người ấy đã tới! Nắng mùa hè đã lên cao, con ve sầu không ca cẩm nữa, chỉ nghe tiếng thì thầm…!

Trang Y Hạ - KBC 6235




    


    

    





      

    



    

2 nhận xét:

  1. "Hiện giờ tôi đang ngồi trên quê hương, có quê hương nhưng không thể ở lâu dài được." không biết tại sao đọc bài đến dòng này lòng thấy ngậm ngùi, chua xót nữa. Có lẽ là tôi đặt mình vào vị trí của người phương xa , một lần trở về sau bao năm ly hương giờ tự nhiên trở thành khách lạ ngay trên quê nhà . Mọi thứ vừa quen thuộc vừa mới mẻ, cảm giác ngậm ngùi pha lẫn ngỡ ngàng cộng thêm chút chơ vơ, lo lắng với những kinh nghiệm về trăm kiểu lừa gạt của người dân Sài Gòn bây giờ của những Việt kiều ở Mỹ dìa nước đã nếm mùi và kể lại, cộng thêm những lời hù dọa, căn dặn của mấy người nhà ở đây Cũng phải thôi mà, con người mới cnxh họ như thế mà, chí ít cũng phải có 80% là xác thực trong các câu chuyện truyền miệng nhau, dù là có nhiều dị bản thêm thắt, người Việt mình có tài hư cấu giỏi hơn nhà văn nữa mà...
    Nhưng bên cạnh những trải nghiệm rất "tệ hại" thì, rõ ràng tác giả cũng đón nhận những tấm lòng nhân ái của người Sài Gòn xưa, vẫn còn tồn tại trong cách ứng xử của những con người lao động nơi đây. Có thể lừa anh Việt kiều một chút tiền (sản phẩm của cuộc sống mới xhcn😃) nhưng họ vẫn vô cùng thân thiện với anh khách phương xa, họ lại cũng có đôi mắt rất tinh khi nhìn ra ngay anh Viết kiều 😃. Họ - sản phẩm pha tạp giữa cũ và mới, một đặc trưng riêng của người Sài Gòn bây giờ, mà ai gặp một lần cũng khó mà quên được. Họ tham lam với lòng nhân ái, họ sống và tồn tại giữa những cái xấu, cái tốt nhưng dù thế nào thì họ cũng vẫn thuần phác, đáng yêu - người Sài Gòn tôi yêu .💕

    Trả lờiXóa
  2. Cảm ơn cô giáo đồng cảm. Chúc cô trẻ khỏe!

    Trả lờiXóa