Thư viện

20/2/19

Tình Mẹ và Cố Hương




Tình Mẹ & Cố Hương

Trang Y Hạ

    Tôi rất thích ăn món shusi – món cá hồi [salmon] cá sống của người Nhật. Ăn món cá shusi uống với rượu Sake hâm nóng khi ở ngoài trời lạnh cóng thì rất là thú vị. Cá hồi, loại cá cho nhiều dinh dưỡng, điều nầy ai cũng đều biết. Tuy nhiên ít có ai biết được đặc tính về loài cá hồi.

     Con cá hồi thứ nhất - đó là Cá Hồi Chó và tình mẹ! 

     Trong đại dương bao la có một loài cá hồi với tên gọi là: Cá Hồi chó. Cá hồi chó đẻ ra hàng ngàn trứng và canh giữ cho số trứng đó nở ra… Bầy cá hồi con còn nhỏ không thể tự đi kiếm mồi nên hằng ngày xúm nhau rỉa rói thịt của mẹ mình để ăn, cá hồi mẹ trân mình chịu đau đớn mà không hề vùng vẫy để chạy trốn hay than vãn… Khi bầy cá hồi con trưởng thành cũng là lúc cá hồi mẹ chỉ còn lại một bộ xương… Các con vật khác như: con heo, con bò, con trâu… may mắn là có vú để nuôi con. Sự hy sinh thân thể để nuôi con như cá hồi chó không bút nào tả nỗi.  Sự hy sinh của cá hồi chó to lớn như trời biển vậy mà tác giả nào đó đã đặt tên cho cá hồi là “cá hồi chó”…? Cá với chó khác biệt nhau xa! Thiết nghĩ nên đặt lại tên cho cá hồi chó là - Cá hồi “Mẫu Tử” thì đúng đạo lý hơn.

     Loài cá là vậy, còn con người thì sao…?

     Ca dao, tục ngữ, âm nhạc - có những câu tưởng nhớ về Mẹ khá nhiều, như: “Tình mẹ bao la như biển Thái Bình. Nghĩa Mẹ như nước trong nguồn chảy ra…”. Tuy nhiên cũng có những người Mẹ bỏ rơi con của mình - bỏ rơi con ngay từ khi mới lọt lòng - nơi chùa chiềng…, thậm chí quăng con vô thùng rác…! Hoặc đành đoạn đem bán con vì một lý do nào đó…. Thậm chí có người mẹ mới sinh con còn đỏ hỏn đã đem cho “Cô Nhi Viện”. Thôi thì, mỗi người mỗi cảnh… nhưng dù gì đi chăng nữa - chia lìa tình mẫu tử chẳng những là nỗi đau mà còn là một tội ác. Những người mẹ “phá thai” - giết con của mình khi đã tượng hình thành người cũng là một tội ác.

     Đó là người mẹ sinh đẻ ra... Vậy còn người mẹ “Tổ quốc - đất và nước” thì sao…?  Từ bao đời những người con của mẹ quê Việt Nam hầu hết - vì phe nhóm, vì đảng phái, vì quyền lợi, vì chủ thuyết ngoại lai mà giành giật chém giết lẫn nhau máu đổ thành sông, xương chất thành núi. Kẻ thua thiệt bị đày đọa trong chốn lao tù và một số chết nơi rừng thiêng nước độc. Người nào có còn sống sót cũng đành bỏ nước ra đi lưu vong nơi xứ người. Trong lịch sử Việt Nam thời nhà Trần - Trần Thủ Độ soán ngôi nhà Lý và sau đó diệt tận gốc tất cả tông thất nhà Lý chết tới mấy ngàn người. Hoàng Thân Lý Long Tường nhanh chân dẫn vài ngàn người thân tín xuống thuyền chạy qua Cao Ly tỵ nạn. Hoàng thân Lý Long Tường được vua Cao Ly cho tá túc và trong dụng. Chính Hoàng Thân Lý Long Tường đã được vua Cao Ly phong tướng và giao trọng trách ngăn chận quân Nguyên. Và, ông đã đánh tan quân Nguyên xâm lăng Cao Ly. Dòng họ Lý hiện nay con cháu rất đông sống ở cả hai miền Nam Bắc Cao Ly với cái họ Lee.

     Năm 1954 chia đôi nam bắc Việt Nam. Miền Nam theo phe tự do. Miền Bắc theo phe cộng sản. Gần một triệu người miền Bắc được tổng thống Ngô Đình Diệm cho di cư vô Nam… Cuộc chiến tranh Nam Bắc kéo dài hơn hai mươi năm. Năm 1973 các bên tham chiến ký Hiệp hòa bình định Paris. Năm 1975 Miền bắc xua quân chiếm miền Nam bằng mỹ từ “giải phóng”! Người dân yêu tự do đổ xô nhào ra biển, băng rừng đi tìm tự do ở các nước tư bản bất kể sống chết; bất chấp sóng to gió lớn và cướp biển - đã chết vô số kể… Số người Việt tỵ nạn trở thành công dân của các quốc gia khác có khoảng - bốn triệu người… Hiện nay số người Việt vẫn tiếp tục ra đi tìm tự do dưới mọi hình thức.

     Mẹ Việt Nam cũng giống y chang con cá hồi chó, bị đàn con rỉa rói thịt da qua bốn ngàn năm văn hiến. Tài nguyên trên rừng dưới biển cạn kiệt. Và, anh em một nhà tiếp tục xâu xé nhau mãi mãi không thể nào sống chung được. Mẹ Việt ơi, phải chăng: “Mẹ rừng, Cha biển” nên anh em một nhà xung khắc lẫn nhau!

     Ngạn ngữ nói: “Đã muốn làm tội, thiếu gì lời buộc”!

     Con cá hồi thứ hai và tình cố xứ!

     Con cá hồi sống trên khắp đại dương, nhưng tới mùa sinh sản thì cá hồi bằng mọi cách quay về nơi đã ra đi - đó là các dòng sông, dòng suối trong đất liền. Trên đường trở về cố hương cá hồi đã gặp không biết bao nhiêu là nguy hiểm. Khi tìm ra cửa sông, cửa suối - cá hồi phải nghỉ lại để thích nghi với nước ngọt và sau đó là “vượt vũ môn”. Con nào không vướt qua thác ghềnh thì bị loài gấu xám ăn thịt.

     Những con nào đã vượt qua thác ghềnh thì cũng mất rất nhiều sức lực lại còn phải luôn đề phòng loài ó cá đi kiếm mồi. Cá hồi bơi ngược dòng về tới lưu vực của sông, của suối thì lập tức cá hồi đi tìm cá đực để giao phối - đẻ trứng. Cá hồi mẹ hoàn tất công việc đẻ trứng cũng là lúc cá hồi mẹ nằm lăn ra chết…! Thật là đau xót cho cá hồi mẹ không nhìn thấy đàn con khôn lớn do mình đẻ ra.

    Mùa xuân trở về, lúc nầy đàn cá hồi con đã trưởng thành và tiếp tục mang sứ mạng mới như người mẹ của mình đã mang là phải hành trình ra biển khơi… Bầy cá hồi con xuôi theo dòng sông, dòng suối, khi đã ra gần tới cửa biển thì bầy cá nghỉ lại để cho cơ thể thích nghi với dòng nước mặn và ghi nhớ nơi ra đi để còn có ngày trở về…!

     Con cá hồi còn có “một quê hương để trở về”, còn người Việt lưu vong, người Việt tỵ nạn thì vĩnh viễn không còn quê hương để về thắp một nén nhang cho ông bà tổ tiên, mà có về đi chăng nữa rồi cũng phải ra đi chứ không thể ở lại lâu dài được. Hoặc có về và ở lại rồi cũng chết - không phải chết như cá hồi mẹ - mà chết bởi lao tù, chết bởi các nguyên nhân khác…!

     Đất trời đã sinh ra loài cá hồi chó mang trong tâm tình mẹ bao la như biển trời. Đó cũng là một tấm gương cho những người mẹ - cho dù người mẹ cũng đã dành cả cuộc đời cho các con… Đất trời đã sinh ra loài cá hồi để rồi phải đành bỏ quê hương đi lưu tán khắp đại dương và trở về nơi sinh ra để truyền giống và chết! Con người lìa xa quê hương đất mẹ không phải do trời, mà do chính con người gây ra… Con người vì thù hằn, vì ích kỷ; vì quyền lợi riêng tư mà đẩy chính con người - bất kể là anh em đồng bào ruột thịt tới ngõ cụt! Tôi còn nhớ câu nói của Albert Camus rằng: “Việc của người biết suy nghĩ là không đứng cùng phía với đao phủ”! Phải chăng vì không chịu đứng về phía đao phủ mà đành bỏ nước ra đi…?!  Hai loài cá hồi đã cho con người một bài học - một bài học từ thiên nhiên nhưng đầy nhân bản và triết lý.

     Tôi vẫn thích ăn cá hồi - món shusi, uống với rượu sake hâm nóng nhìn ra ngoài trời nơi xứ người lạnh lẽo mà tôi đã và đang tỵ nạn bao nhiêu năm nay… Cầm ly rượu trong tay tôi nhớ về quê hương! Tôi nhớ mẹ! Tôi nhớ các em gái, em trai! Tôi nhớ về những tháng năm chinh chiến…! Tôi nhớ về bạn hữu đã nằm xuống nơi chiến trường và lưu lạc tứ phương! Tôi nhớ người dân bỏ ruộng  vườn nhà cửa để chạy giặc trong bom đạn…! Tôi nhớ người phụ nữ đã yêu đời lính gian nan khổ ải của tôi! Xin cúi đầu trước anh linh dân tộc; xin thắp một nén nhang trước anh linh và hồn thiêng tổ quốc!

     Con cá hồi còn có nơi để hồi…
     Con người lưu vong, tỵ nạn thì không biết hồi nơi nào!

Trang Y Hạ
Đầu mùa Hạ - 2019.




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét