Thư viện

15/8/19

Làm Đĩ




LÀM ĐĨ !

Đừng nhìn em như thế
Đừng ác cảm chị ơi
Em chọn nghề làm đĩ
Là quá lương thiện rồi!

Làm đĩ không trộm cướp
Chỉ bán cái của mình
Thuận mua và vừa bán
Giá cả rất phân minh!

Làm đĩ không hại nước
Và cũng chẳng hại dân
Chỉ là đem trao đổi
Cái mình - họ đang cần!

Trộm cũng không xấu lắm
Chỉ lén lút chôm đồ
Vẫn còn đang sĩ diện
Không chường mặt ra phô!

Cướp cũng không quá xấu
Bởi hành động công khai
Dẫu biết rằng có thể
Bị đạn bắn xuyên tai!

Loại bất lương thượng hạng
Chính là lũ quan tham
Trộm mà không dám nhận
Cướp mà nói không làm!

Chúng thường đi xế hộp
Giảng đạo đức nơi nơi
Nhưng lại là những kẻ
Hạ đẳng nhất trên đời!

Chúng mang danh ông tướng
Nhưng đánh bạc, bảo kê...
Vét vơ trăm, ngàn tỷ
Miệng thì nói: "Xin thề...!"

Chúng mang danh chủ tịch,
Bí thư tỉnh nọ- kia
Tham ô và nhũng nhiễu
Miệng: "Liêm khiết" tía lia!

Chúng mang danh Bộ trưởng
Bán chức tước, phong thần
Bán tài nguyên, đất nước...
Miệng: "Làm việc vì dân!"
...

Hậu quả mà bọn chúng
Đem lại cho nhân dân
Xem ra còn khốc liệt
Hơn trộm cướp muôn lần!

Chị ơi! Em làm đĩ
Có khốn nạn lắm không?
Chị bình tâm suy nghĩ
Trả lời em thật lòng!
Sưu tầm

LỜI GIÓ MƯA

Trang Y Hạ
     “Làm thơ để gởi tấm lòng vô thiên cổ chứ không phải lưu danh nhất thời” Trần Tử Ngang (陳子昂, 661-702)

     Đọc suốt bài thơ năm chữ “LÀM ĐĨ”. Tôi lại nhớ tới trong Kinh thánh có đoạn: Bà Maralena, bà đã làm đĩ, nhưng khi gặp Chúa Gie-su, bà quỳ mọp xin Chúa tha thứ tội lỗi nhơ nhớp của bà… Chính nhờ sự ăn thống hối mà bà trở thành một vị Thánh. Lần nữa, Chúa Giê-su thấy một người phụ nữ sắp bị “ném đá”. Chúa Gie-su hỏi: “Người đàn bà đó mắc tội gì…?”. Đám đông đàn ông nói: “Bà ta ngoại tình”. Chúa Giê-su, hỏi: “Ai trong các người không phạm tội, thì hãy ném đá người đàn bà nầy”. Nghe vậy bọn đàn ông bỏ đi hết. Chúa nói với người đàn bà: “Chị về đi, chị đã sạch tội”! Chúa bị đóng đinh cùng lúc với tên trộm. Tên trộm nói: “Ông về nước trời hãy nhớ tới tôi”. Chúa nói: “Anh đã được tha thứ…!”. Vậy “Làm đĩ hay ăn trộm” chưa hẳn là phạm tội gì to tác cho lắm.

     Đọc tác phẩm “Những Người Cùng Khổ”, của nhà văn Victor Hugo, sẽ không bao giờ quên nhân vật Jean Van Jean - bị đi tù mười chín [19] năm, chỉ vì ăn trộm một ổ bánh mì đem về cho đứa cháu đang đói, [là con của bà chị ruột]. Xã hội mà Victor Hugo trình bày trong tác phẩm lúc bấy giờ cũng - đầy rẫy những bất công, suy đồi, tham ô và hỗn loạn…!

     Tôi khâm phục tác giả nào đó đã làm bài thơ “Làm Đĩ”. Tác giả đúng là một thi nhân đã dấn thân đi vào cuộc sống bằng lời thơ - đánh động mạnh mẽ lương tri của mọi người chứ không ngồi - làm thơ ủy mỵ hay than thân trách phận… Nhà thơ nói dùm cho những kẻ bị áp bức… “Nơi nào có áp bức nơi đó có đấu tranh”! Bởi đó là chân lý. Lớp người quyền thế, thâu tóm tài sản đất nước để làm giàu cho một nhóm, cho cá nhân. Pháp luật do họ đặt ra chỉ là công cụ để bảo vệ họ, dù họ có làm hư hao tài sản tiền bạc - hàng chục nghìn tỷ đồng thì họ vẫn ung dung tự tại hoặc được hưởng án treo. Ngược lại, người nghèo khổ, người già, phụ nữ, trẻ em mà lỡ ăn trộm - một vài trái mít, một vài con gà… Trước tòa sẽ bị kết án - Năm đến mười năm tù! Đôi khi phải đánh đổi cả mạng sống! Quả là quá bất công, cho dù đang ở vào thời đầu của thế kỷ 21.

     Theo Hán tự, trong chữ “QUAN” có hai chữ “KHẨU”. Do đó bọn người làm quan, họ - vừa ăn: [tham nhũng], vừa nói: [chối tội]…! Họ ăn một đàng nói một nẻo, hay nói một đàng làm một nẻo. Đàng nào họ nói cũng phải, cũng đúng! Họ ăn cướp, họ mua quan bán chức…! Nhưng họ không bị đi tù, lại còn được tuyên dương công trạng…! Hơn nữa, họ còn có “công cụ” để bịt miệng người nào dám nói lên sự thật.

   o0o
“Chị ơi! Em làm đĩ
 Có khốn nạn lắm không?
 Chị bình tâm suy nghĩ
 Trả lời em thật lòng!”

Không, em ơi! Em “làm đĩ” không có gì gọi là “khốn nạn” cả, cũng không ai “ác cảm” với em đâu! Em đem “vốn tự có đi kinh doanh”; kinh doanh… từ trong nước cho đến các quốc gia khác - một cách chân chính, ngay thẳng và công bằng, hầu lấy tiền đem về nuôi sống bản thân, gia đình…! Vậy là em đã “tích cực” góp phần làm giàu, làm rạng rỡ cho quê hương đất nước rồi đó…!

Cảm ơn tác giả bài thơ “Làm Đĩ”!

Trang Y Hạ, SF











2 nhận xét:

  1. "Em đem “vốn tự có đi kinh doanh”; kinh doanh… từ trong nước cho đến các quốc gia khác - một cách chân chính, ngay thẳng và công bằng, hầu lấy tiền đem về nuôi sống bản thân, gia đình…! Vậy là em đã “tích cực” góp phần làm giàu, làm rạng rỡ cho quê hương đất nước rồi đó…!"
    Thay lời người "chị" tác giả trả lời cô gái đã trót làm đĩ, câu trả lời đọc sao nghe lòng đau xót, đau xót trước những thân phận phụ nữ Việt Nam, những nàng Kiều thời nay, họ bị coi như những món hàng mua đi bán lại, một thực tại đau lòng : gái Việt làm đĩ chín phương, "bán sắc- buôn hương", bán trôn nuôi miệng, nuôi gia đình, đóng góp cho xã hội và đất nước... Ngành kinh doanh không cần phải bỏ vốn đầu tư, không phải mất công sức, không tốn nhiều thời gian,...mà lãi, lãi "khủng", người người đổ xô vào ngành kinh doanh không khói này, những dịch vụ môi giới được tổ chức thật bài bản và công khai. Những mối lái cũng theo nhu cầu mà xuất hiện đông đảo, vừa mua thuận bán, "các món hàng" được phô bày hết những giá trị nhục thể, trần trụi, được người mua lật qua, lật lại, sờ nắn,...y như xem một con vật,...Vậy mà, cô nào được chọn cứ như trúng giải, mừng rơn. Những cô kém sắc, thì cũng có luôn cả những đầu nậu sẵn sàng ứng trước tiền cho vay và đưa đi giải phẫu thẩm mỹ cho hoàn hảo hơn, và số tiền trả góp thì lãi suất không hề nhân đạo chút nào cả. Lãi mẹ đẻ lãi con, mà các em cave phải tranh thủ đi khách để trả góp số nợ nần chồng chất đó...
    Bây giờ, người ta không coi nghề làm đĩ là một nghề xấu xa, nhục nhã, họ cũng thấy có phần cảm thông với cái nghề bán vốn tự có của các cô gái trẻ. Suy cho cùng thì nó cũng còn lương thiện hơn, họ không dùng quyền lực để tước đoạt không của ai, không miệng nói đạo lý mà hành xử vô liêm sỉ, hay khoác lác rao giảng ba cái tấm gương đạo đức cách mạng lừa bịp, mị dân,..
    Xem ra, trôn đĩ còn mỹ hơn cái khẩu nhà quan!
    Cảm ơn tác giả Trangy Hạ, với vốn kiến thức Hán học lẫn văn hoc thế giới và những hiểu biết về tình hình xã hội, mà hơn hết là một tấm lòng nhân ái, rất trân trọng dành cho phụ nữ, dù là những phận đàn bà đã trót sa chân vào chốn bùn nhơ, tăm tối, tác giả vẫn nhìn ra những vẻ đẹp bên trong tâm hồn rất đổi lương thiện của những nạn nhân của cái xã hội đồng tiền này.

    Trả lờiXóa
  2. Cảm ơn nhận xét của cô Thu Hương. Chúc cô vui khỏe!

    Trả lờiXóa