Thư viện

24/8/19

MAI SAU EM VỀ


MAI SAU EM VỀ

Trang Y Hạ

     Bài thơ “Mai Sau Em về” của nhà thơ Bùi Giáng. Đây là một trong số các bài thơ hay của ông. Đã có rất nhiều tác giả viết về Bùi Giáng (viết về nhà thơ Bùi Giáng, viết không bao giờ hết), nhưng đa phần các tác giả viết về sự “điên điên, khùng khùng” cà rỡn - rất người, rất thơ, rất dễ mến của ông. Tác giả bình thơ của ông thì không được mấy người; phải nói là quá ít. Tôi cũng không đủ trình độ để thẩm thấu hết thơ của ông, nhưng tôi đã đọc các tác phẩm của ông. Tôi đã dừng lại bài, “Mai Sau Em Về” của nhà thơ mà tôi thích. Trước khi viết vài dòng tạm gọi là “quan tâm”, chứ không dám nói rằng: [Bình thơ] của ông. Tôi mượn … wikipedia, để giới thiệu vài dòng tiểu sử của thi sĩ Bùi Giáng:

                                o0o
     “Bùi Giáng (1926-1998), là nhà thơ, dịch giả, nhà nghiên cứu văn học Việt Nam. Các bút danh của ông: Trung niên thi sĩ, Thi sĩ, Bùi Bàn Dúi, Bùi Văn Bốn, Vân Mồng... Ông nổi tiếng từ năm 1962 với tập thơ Mưa Nguồn.

     Bùi Giáng sinh ngày 17 tháng 12 năm 1926 tại làng Thanh Châu thuộc xã Vĩnh Trinh, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam.
Năm 1933, ông bắt đầu đi học tại trường làng Thanh Châu. Năm 1936, ông học trường Bảo An (Điện Bàn) với thầy Lê Trí Viễn. Năm 1939, ông ra Huế học tại Trường trung học Thuận Hóa. Trong số thầy dạy ông có Cao Xuân Huy, Hoài Thanh, Đào Duy Anh. Ông đậu bằng Thành chung. Năm 1949. Năm 1950, ông thi đỗ tú tài đặc biệt do Liên khu V tổ chức, được cử tới Hà Tĩnh để tiếp tục học. Ông bỏ học, về quê đi chăn bò trên vùng rừng núi Trung Phước.

     Năm 1952, ông trở ra Huế thi tú tài 2 ban Văn chương. Thi đỗ, ông vào Sài Gòn ghi danh học Đại học Văn khoa. Theo Thụy Khuê thì sau khi nhìn danh sách các giáo sư giảng dạy, ông quyết định chấm dứt việc học và bắt đầu viết khảo luận, sáng tác, dịch thuật và đi dạy học tại các trường tư thục.

     Năm 1969, ông "bắt đầu điên rực rỡ" (chữ của Bùi Giáng). Sau đó, ông "lang thang du hành Lục tỉnh" (chữ của Bùi Giáng), trong đó có Long Xuyên, Châu Đốc... Năm 1971, ông trở lại sống ở Sài Gòn. Thi sĩ Bùi Giáng mất lúc 2 giờ chiều ngày 7 tháng 10 năm 1998, sau một cơn tai biến mạch máu tại bệnh viện Chợ Rẫy.
                     o0o

     Thi sĩ Bùi Giáng xuất thân trong một gia đình trí phú ở đất Duy Xuyên, (Quảng Nam). Thuở bé tính tình hiền lành, hòa nhã, thẳng tính, cách sống chung thủy… Bệnh điên của ông, theo bác sĩ Tô Dương Hiệp, người đã trực tiếp chữa bịnh cho ông, cho biết:

     – “Nguyên nhân bệnh điên của Bùi Giáng là quá nhớ thương người vợ chết lúc mới hai mươi tuổi, nguyên do vợ ông chết là do Bùi Giáng cho vợ uống nhầm thuốc. Ông hối hận đã gây ra tội lỗi là: giết vợ - từ đó Bùi Giáng phát bệnh điên”.

     Theo gia phả dòng họ, thì Bùi Giáng cũng lây bệnh điên gia truyền. (bác sĩ TDH)
    
     Thi sĩ Bùi Giáng học trễ, vả lại ông tự học nhiều hơn… Ông thông thạo nhiều ngôn ngữ, kể cả các ngôn ngữ khó học như: chữ Hán, chữ Đức, chữ Phạn. Giới văn học rất nễ phục sức học của ông. Cuốn sách đầu của ông là sách giáo khoa in năm 1957. Ông để lại cho kho tàng thơ văn Việt Nam - Sáu mươi [60] đầu sách các loại và hàng chục “di cảo”.

MAI SAU EM VỀ

Em về mấy thế kỷ sau
Nhìn trăng có thấy nguyên màu ấy không
Ta đi còn gởi đôi giòng
Lá rơi có dội ở trong sương mù

Những thương nhớ lạnh bao giờ
Đường Thu chia ngã chân trời rộng tênh
Đây phồn hoa của thị thành
Đây hồn thủy thảo khóc tình ngửa ngang
Càn khôn xưa của riêng chàng
Xưa đài vũ trụ thiếp mang riêng mình
Bây giờ đón bước em xinh
Sầu đau nhan sắc bất bình ra sao?

MAI SAU EM VỀ

      Tôi nghĩ: Bài thơ là những câu hỏi, với “EM - NGƯỜI VỢ QUA ĐỜI” của ông. Em về mấy thế kỷ sau. Em ở đây cũng chính là: Cuộc sống mà ông đang sống...!Và, cũng có thể là câu trả lời cho một cõi riêng xa vắng mà ông không thể nói ra.  Sự lo lắng cho sự tồn sinh rất mãnh liệt, thẳm sâu chẳng những trong con người của ông mà còn ở trong vũ trụ...! Nào là:

      “… mấy thế kỷ sau – những thương nhớ lạnh – đường chia ngã chân trời – thủy thảo khóc tình ngửa ngang – càn khôn xưa – đài vũ trụ - nhan sắc bất bình – đường thu chia ngã”…

     Mười hai câu lục bác, làm quay cuồng đảo lộn mọi suy nghĩ, đồng thời làm thức tỉnh con người phải chuẩn bị cho cuộc sống đã trót mang từ kiếp này sang kiếp khác, dù khổ đau hay sung sướng vẫn phải vui mừng chấp nhận bước đi dưới nắng hanh vàng hay mưa bão…!

      Khổ thơ đầu có bốn câu, tôi thích và cũng là ý chính của bài thơ:

      Câu thơ: “Em về mấy thế kỷ sau”. Là mấy thế kỷ? Thi sĩ hỏi cho có hỏi, chứ chẳng có thế kỷ nào cả! Từ vũ trụ - “vô thủy, vô chung”, không ai có thể ước định cái mốc thời gian. Cho dù có mấy thế kỷ sau đi nữa, thì “em” vẫn tồn tại và trở về; trở về trong lo âu cho sự trở về, dù biết là đang sống sờ sờ trên cõi sống, chẳng có sự di chuyển sang hành tinh nào cả. Em về mấy thế kỷ sau, nghĩa là: “Em đã già”! Em lo lắng. Em sợ sệt…! Nhà thơ lo toan dùm “em” có thừa không? Xin thưa! Hoàn toàn không thừa chút nào. Để trả lời, hãy thử đọc tiếp:

          “Nhìn trăng có thấy nguyên màu ấy không” (?)

      Thử nghĩ: “Nguyên Màu Ấy”. Nguyên màu ấy là màu nào vậy…?. Đọc sơ qua thì thấy câu thơ bình thường như bao câu thơ bình thường khác… Ai mà không biết trăng sáng hoặc trăng mờ…? Thi sĩ tưởng tượng nhiều quá – đâm ra “khùng” chăng…? Không lẽ thi sĩ Bùi Giáng khùng một cách triết học. Đúng vậy, thi sĩ dịch sách triết học “Tư Tưởng Hiện Đại” của Martin Heidgger. Tiểu thuyết “Khung Cửa Hẹp” của nhà văn Pháp - André Gide. [Khung Cửa Hẹp là tác phẩm rất khó đọc, khó hiểu, chỉ dành riêng cho những ai có trí tuệ vượt bậc…].

     Trăng là nguyệt, nguyệt cũng là trăng. “Màu trăng ấy”, chính là cái màu mà người con gái sắp tới tới tuổi dậy thì, và ở tuổi dậy thì - lúc nào cũng… - chờ đợi, lo lắng, mơ mộng màu trăng rằm tròn vành vạnh, đồng thời lắng nghe trong cơ thể lần dò chuyển động âm ỉ băng khoăng lơ lửng, giận hờn vu vơ từ những chiếc lá rơi, một cơn gió lạ luồng qua khung cửa sổ mỗi khi chiều đêm xuống… “Màu Trăng Ấy” tới bất chợt - “Khi trồi, khi sụt. Khi có, khi không”. Giả dụ, không có màu trăng ấy; màu “huyết dụ” sững sờ, sợ sệt, bối rối, xấu hổ ngại ngùng e thẹn mà duyên dáng…, có thể vĩnh viễn mất đi sự sinh tồn trên trái đất nầy. Màu trăng ấy không những chỉ có người thiếu nữ dậy thì chờ đợi…, mà còn kéo theo vô số thân thuộc, biết bao văn nhân thi sĩ lẫn người đời… Nhưng tất cả họ chỉ đứng xung quanh ngắm nhìn nụ hoa từ từ nở trong buổi sớm mai lung linh huyền ảo... Màu trăng ấy là những giai nhân nghiêng thành đổ nước: Điêu Thuyền, Tây Thi, Bao Tự…!

     Màu trăng ấy, phải biết trân trọng, gìn giữ từ lúc còn “Em chưa biết gì”. Đến một giai đoạn tượng hình màu trăng ấy -  (màu huyết dụ)…! Mất đi màu ấy là mất đi “Mầm Sống” tái sinh con người. Mất đi mầm sống, con người sẽ trở về với sa mạc hoang vu khô cằn hay núi đồi sỏi đá trơ vơ…!

           “Bây giờ đón bước em xinh
             Sầu đau nhan sắc bất bình ra sao.”

      “Bây giờ đón bước em xinh”. Tức là “Màu Trăng Ấy” đang còn tuổi mộng mơ... Một mai “Màu Huyết Dụ” đã khô cằn, nhăn nheo “Sầu đau nhan sắc bất bình ra sao”. Ra sao, ai mà biết ra sao bây giờ? Nhưng mầm sống, sức sống trên mặt đất vẫn vươn mình dưới ánh mặt trời…! Để cảm nhận cho màu trăng ấy của thi sĩ – hãy đọc:

          “Trời thuở đó ngần nào em khổ sở
            Khóc khi nhìn gió thổi nước sương buông
            Tìm xa vắng bên kia bờ đổ vỡ
            Giòng sông em đâu có biết ngọn nguồn.”

     Từ “thuở đó…” Em khổ sở ra đi miên viễn bỏ lại anh một mình. Em tìm nơi “xa vắng bên kia bờ” thế giới...! Từ đó, “giòng sông em” đã khô, nên em chưa biết ngọn nguồn ra sao!

      Thiên hạ cho rằng thi sĩ Bùi Giáng “khùng điên”. Đối với riêng tôi, ông không khùng điên chút nào cả. Ông đau khổ, tiếc nhớ…! Ông không bao giờ quên người vợ xinh đẹp chỉ sống cùng ông chỉ có ba năm. Không để lại cho ông đứa con nào, mà chỉ có kỷ niệm tình yêu…! Thi sĩ tha thiết gọi vợ là:

           “Mình ơi, tôi gọi bằng nhà
             Nhà ơi, tôi gọi mình là nhà tôi”.

       Hai câu thơ thi sĩ xưng hô với vợ quả là tha thiết; tha thiết tới nỗi gục đầu thổn thức giữa đêm khuya…! Ông sống cùng với vợ chỉ có ba năm; ba năm hương lửa nồng ấm vẫn theo thi sĩ cho tới ngày ông nhắm mắt xuôi tay…! Vậy mà, thiên hạ kháo nhau rằng – thi sĩ Bùi Giáng yêu tha thiết - (Hột xoàn kim cương, Marilyn Monroe, Sư nữ, Sư nương) nào đó…Và, một trong số người phụ nữ đó hí hửng mừng rỡ hay huyễn hoặc nhận bừa đễ lấy tiếng, là: - “Thi sĩ yêu tôi, yêu đơn phương”.

     Thật ra, thi sĩ Bùi Giáng chẳng yêu ai cả ngoài người vợ đã qua đời của ông. (qua đời do chính ông cho vợ uống nhầm thuốc mà qua đời, không còn đau nỗi khổ nào hơn khi “vô tình” giết vợ). Thi sĩ có làm thơ tặng - bà nầy, cô nọ... Tặng thơ không có nghĩa là phải yêu sao? Ông cũng chưa đề cập chuyện “hôn nhân” với ai. Ông chỉ “cà rỡn”; ông cà rỡn - với trời, với đất, với văn thơ chữ nghĩa, với triết học của (Friedrich Wilhelm Nietzsche), với chuồn chuồn, với châu chấu và cả con bò… Ông làm thơ tặng cho tất cả mọi người chứ không riêng một ai. Ông tặng thơ, đó chẳng qua là thi sĩ che lấp đi nỗi cô đơn, trằn trọc lẫn ăn năn hối hận - mỗi khi nhớ về người vợ xinh đẹp mà - mỗi giây, mỗi phút hình ảnh người vợ thôi thúc trong đầu của ông... Ông nhớ mỗi buổi sáng khi xưa, vợ ông thức dậy pha trà cho ông uống. Chừ còn đâu nữa…? Ông không quên “công ơn” người vợ pha trà cho ông uống; pha được bao nhiểu lần - khi mà bước chân lãng tử của ông rày đây mai đó… Ông dùng lời: “Mọi nhỏ” rất dễ thương và trìu mến để nói với vợ:

           “Thưa em mọi nhỏ em đà uống chưa”?

      Thi sĩ nghĩ về vợ và ví vợ là “mẫu thân”. Nghĩa là vợ ông chịu khổ sở nhọc nhằn lo cho ông không khác chi mẹ ruột. Vợ ông - đẹp người, đẹp nết lại đảm đang… Được cha mẹ, anh em, giòng tộc của ông yêu mến, nễ trọng.  Thơ ông viết cho vợ:

            “Em chết bên bờ lúa
             Để lại trên lối mòn
              Một dấu chân bước của
              Một bàn chân bé con…!” [Trích]

      Vậy, đừng nghĩ rằng thi sĩ Bùi Giáng sẽ yêu một người phụ nữ nào đó sau khi vợ chết. Nghĩ đơn giản như vậy là chưa hiểu thấu đáo về ông và nỗi nhớ người vợ thấm đẫm trong thơ ông. Ông điên khùng bởi nỗi nhớ, nỗi cô đơn giày vò từng ngày, từng đêm, nỗi ăn năn “lỡ tay giết vợ” giày xéo tâm hồn và thân xác. Nàng thơ của ông chính là người vợ của ông. Tất cả sự nghiệp thơ văn đều có hình bóng người vợ của ông. Thi sĩ không “Tục huyền” cho tới lúc chết, đã nói lên sự chung tình mà theo cách ông nói trong thơ ông là: “miên trường”. (lối chơi chữ của thi sĩ)

      Thi sĩ Bùi Giáng chết, nhưng thi sĩ vẫn sống trong thơ văn. Lúc sống, ông lo lắng ngóng trông “Em” mấy thế kỷ sau có về được nữa không? Nhìn trăng có còn “Nguyên Màu Ấy” không? Màu của tồn sinh. Màu ấy đối với thi sĩ đã không còn cần thiết nữa. Nhưng ông vẫn lo sợ màu (hồng thắm) đó sẽ khô cằn thì trái đất nầy cũng cằn khô, rồi ra sẽ mất đi sự sống. Ông tâm sự: 

             “Ta đi còn gởi đôi giòng
                Lá rơi có dội ở trong sương mù”

      Đọc hai câu thơ đó, tôi lại “liên tưởng” tới hai câu thơ của thi sĩ  Tiên Điền Nguyễn Du “Bất tri tam bách dư niên hậu, Thiên hạ hà nhân khấp Tố Như”. Hai câu thơ của thi si Bùi Giáng là một ẩn dụ tuyệt vời…l Phải chăng - “Tư tưởng lớn gặp nhau” trên bầu trời thơ mênh mông huyền ảo!

      Tỷ như, em về và màu trăng ấy không thấy - thì dù thi sĩ có gửi đôi giòng rồi cũng sẽ biệt tăm, biệt tích, hoặc rơi vào cõi hư không. Và, chiếc lá rơi cũng không còn xào xạc trong sương mù lạnh cóng… Người đời sau chỉ còn nghe tiếng dế than đêm, tiếng gà gáy gọi ngày… Thơ ông bao hàm một triết lý nhân sinh, nhân ái - vẫn còn vang vọng - Tôi nghĩ như vậy! Dù em có về hay không về… Còn thấy nguyên màu ấy hay không thấy… Dự báo đó là tấm lòng ưu ái của thi sĩ đối với lớp tuổi trẻ và cuộc đời ngắn ngủi nầy.

     Thưa thi sĩ Bùi Giáng! Tôi không đủ trình độ “bình thơ” của ông. Tôi chỉ rung cảm một phần rất nhỏ trong gia tài thơ văn đồ sộ của ông. Tôi mạo muội viết ra… Giả dụ có gì sai sót hay xúc phạm tới ông, tôi cúi đầu xin ông tha thứ. Tôi viết bốn câu thơ để tưởng nhớ ông và tạm dừng bài viết.

thơ nổi sóng Hàn Giang dìu Bùi Giáng
bước lên thuyền chở lục bát đi rao
rót hiu quạnh nhâm nhi thời quên lãng
khùng điên đâu múa bút tới thiên tào (Thơ TYH)

Trang Y Hạ - 2008

San Francisco



















2 nhận xét:

  1. Đồng tình với nhận định của anh.

    "Vui đắp đỗi trái ngang buồn lây lất
    Ngày sông đi mây cũng dạt như bèo
    Trăng khánh tận mùa tương tư vĩnh viễn
    Người xa Người khát vọng mãi vàng treo..."

    Trả lờiXóa
  2. Cảm ơn bạn. Chúc bạn sức khỏe!

    Trả lờiXóa